Saturday, August 11, 2012

THỦ ĐỨC - 50 NĂM CUỘC ĐỜI - KHÓA 13


THỦ ĐỨC - 50 NĂM CUỘC ĐỜI - KHÓA 13

Trần Văn Ngà - cựu SVSQ Khóa 13 - Ấp Chiến Lược


LỜI NÓI ĐẦU CỦA NGƯỜI VIẾT:


Đáp ứng nhu cầu cấp thiết, cần nhiều cấp chi huy trong Quân Đội Quốc Gia vừa được Pháp chính thức chia xẻ và trao dần trách nhiệm chiến đấu chống quân Việt Minh cộng sản ngay trên quê hương Việt. Từ năm 1948, Khóa sĩ quan hiện dịch được đào tạo chính quy đầu tiên là Khóa 1 và Khóa 2 Đập - Huế. Đến năm 1951 các khóa sĩ quan hiện dịch tiếp theo được dời về Trường Võ Khoa Đà Lạt.

Cùng lúc đó, để đáp ứng nhu cầu chiến tranh càng ngày càng leo thang khốc liệt, Lệnh Tổng Động Viên của Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam ban hành và 2 Khóa đào tạo sĩ quan trừ bị đầu tiên được mở ra, thụ huấn tại 2 địa điểm: Nam Định và Thủ Đức cùng ngày khai giảng 9 tháng 10 năm 1951. Khóa đào tạo sĩ quan trừ bị cuối cùng bị bức tử từ ngày 30 tháng tư năm 1975.

Trong 24 năm, QLVNCH đào tạo sĩ quan trừ bị, có trên 30 cấp Tướng trong tổng số sĩ quan trừ bị lên trên dưới 80 ngàn người. Đặc biệt có khoảng 15 ngàn sĩ quan trừ bị được biệt phái trở lại ngành chuyên môn, đa số ngành giáo dục, phục vụ quốc gia. Riêng Khóa 13 Ấp Chiến Lược có trên dưới 2 ngàn sĩ quan trừ bị được phục vụ dưới màu cờ chính nghĩa quốc gia từ ngày khai giảng 15 tháng 3 năm 1962. Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2012, Khóa 13 Thủ Đức đã có được nửa thế kỷ tuổi đời.


***

Từ Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ - gần Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung (Hóc Môn) chuyển đến Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức ngày 23.03.1962, nghĩa là tôi chính thức trình diện theo học Khóa 13 của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức sau một tuần Khóa 13 đã tổ chức khai giảng, ngày 15.03.1962 và ngày tốt nghiệp mãn khóa là ngày 28.12.1962.

Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức tọa lạc trên đồi Tăng Nhơn Phú, gần khu Chợ Nhỏ Thủ Đức. Lúc bấy giờ gọi là Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, ngoài trường huấn luyện đào tạo sĩ quan trừ bị Thủ Đức, còn có Trường Thiết Giáp cũng do Trung Tá Vĩnh Lộc, Chỉ Huy Phó Liên Trường kiêm nhiệm Chỉ Huy Trưởng Trường Thiết Giáp, Trường Tài Chánh, Trường Thể Dục Quân Sự và vài trường nho nhỏ nữa.

Như mới ngày nào mà bây giờ đã qua nửa thế kỷ, thời gian trôi nhanh quá như bóng câu qua cửa.

Đại gia đình Khóa 13 Thủ Đức đã có chương trình tổ chức kỷ niệm 50 năm, đánh dấu ngày anh em chúng tôi, khoảng trên dưói 2 ngàn người, đã theo tiếng gọi của đất nước núi sông vác balô vào lò luyện thép của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.

Đánh dấu 50 năm, ngày đoàn tụ đại gia đình Khóa 13 Thủ Đức, chúng tôi sẽ tổ chức vào mùa hè, ngày 29.07.2012 tại miền Nam California, địa điểm sẽ được Ban Tổ Chức thông báo sau.

Như vậy, ngày tổ chức chúng tôi đã có rồi chỉ chọn lựa địa điểm nữa là hoàn tất ngày tổ chức cuộc trùng phùng hội ngộ kỷ niệm nửa thế kỷ từ ngày vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức cho đến nay. Ngày hội ngộ quy tụ được những anh em đồng môn còn khỏe mạnh, còn những anh em đã hy sinh vì Tổ Quốc hay những anh em đồng môn đã phơi xác trong các nhà tù khổ sai nghiệt ngã của CSBV hay chết mất xác trên đường vượt biên, vượt biển tìm tự do.

Đại gia đình Khóa 13 nhân dịp này điểm danh lại coi ai còn ai mất sau 50 năm mỗi người mỗi hoàn cảnh và rồi chúng tôi cùng nhau đến điểm hẹn cuối cùng - cuộc sum họp mới tại một vùng xa xăm trong một thế giới thanh bình vĩnh cửu...không còn xa nữa.
2012 là năm thứ 50 , nửa thế kỷ trôi qua, kỷ niệm của Khóa 13 với tên khóa là Khóa Ấp Chiến Lược, chính do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đặt cho khóa cùng với Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia - Đà Lạt và Khóa 3 Đặc Biệt học ở Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang, cùng tốt nghiệp tháng 12 năm 1962, đều được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến chủ tọa và đích thân Tổng Thống tuyên đọc tên Khóa Ấp Chiến Lược. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của tôi và kéo dài cho đến ngày nay.
Để đánh dấu nửa thế kỷ còn có sự hiện diện của đại gia đình khóa 13, kẻ còn người mất đang sống với tuổi đời chồng chất mà ngậm ngùi than thân như tiên sinh Đặng Dung:


Quốc thù vị phục đầu tiên bạch, Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.


Thù nước chưa trả đầu bạc trước, bao phen kiếm báu dưới trăng mài. Nay chúng tôi, những cựu sinh viên sĩ quan Khóa 13 - Khóa Ấp Chiến Lược, người trẻ nhất cũng bước vào lộ đồ thất thập cổ lai hy. Quỹ thời gian tồn tại trên thế gian quả còn quá mỏng, quá ít. Sự nghiệp bảo quốc an dân trong con đường binh nghiệp đã dở dang cũng như là bắt đầu chấm dứt từ mốc lịch sử ngày chính thể Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn bị sụp đổ bằng sự xâm lăng cưỡng chiếm toàn lãnh thổ Miền Nam của CSBV. Đó là ngày Quốc Hận 30 tháng tư năm 1975.

Với bao năm tháng bị đày đọa trong các trại tù khổ sai của cộng sản Bắc Việt, những người chiến sĩ oai hùng năm xưa đó, may mắn còn sống sót và may mắn được đến đất nước Hoa Kỳ hay các nuớc dân chủ tự do khác, diện tỵ nạn cộng sản và làm lại cuộc đời từ đầu bằng con số không. Nay là dịp may hiếm có, 50 năm mới có một ngày mang đầy đủ ý nghĩa về 2 chữ sum họp, đoàn tụ hàn huyên tâm sự cho phỉ chí tình đồng môn cùng dưới mái trường xưa từ tháng 3 năm 1962.

Kỷ niệm xưa, Khóa 13 - Ấp Chiến Lược đối với tôi là sự kiện thiêng liêng không bao giờ tôi quên được dù năm nay tôi đã vào tuổi 78, đã và đang đánh dấu sự tàn lụi của một đời người trên thế gian.

Khóa 13 có nhiều cái đáng ghi nhớ, có thể là khóa sĩ quan trừ bị quy tụ toàn thanh niên thi hành lệnh tổng động viên sau khi có Hiệp Đình Geneve 1954 chia đôi đất nước từ vĩ tuyến 17. Khóa 13 có đông sinh viên sĩ quan nhất từ ngày thành lập 9 tháng 10 năm 1951 cho đến lúc bấy giờ, có 12 đại đội chủ lực quân (1 đại đội, theo cấp số, nếu tôi nhớ không lầm, có 156 SVSQ) quy tụ toàn những người đến tuổi tổng động viên và có 3 đại đội sinh viên sĩ quan Bảo An, tổng số cả Khóa 13 có trên dưới 2 ngàn thanh niên theo thụ huấn.

Với khẩu hiệu Thao Trường Đổ Môi - Chiến Trường Bớt Đổ Máu làm cho những thanh niên bạch diện thư sinh hay những nhà giáo, công chức, sinh viên biết thế nào là huấn nhục, di hành hay những cuộc hành quân thực tập dã chiến, ban đêm... Đủ trăm thứ khổ nhọc đổ môì để khi tốt nghiệp được bổ nhậm về các đơn vị, tiết kiệm được xương máu của bản thân và các chiến sĩ dưới quyền.

Chúng tôi cố gắng chịu đựng những ngày gian khổ đó để mong cho tương lai được an vui với gia đình và đất nước được thanh bình. Nhưng, than ôi! đất nước Việt Nam mến yêu chúng tôi đã phục vụ, qua lời thề trong buổi Lễ Tốt Nghiệp năm xưa, quỳ gối tại vũ đình trường, long trọng: Tôi thề sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ Tổ quốc và Đồng Bào suốt đời tôi.

Với gần 13 năm trong quân ngũ tính đến 30.04.1975, các sĩ quan tốt nghiệp Khóa 13 Thủ Đức được Quân Đội tung ra chiến đấu trên mọi lãnh vực khắp 4 Vùng Chiến Thuật, từ các đơn vị yễm trợ đến các đơn vị trực chiến tại mặt trận góp phần chung sức với mọi chiến sĩ QLVNCH làm khiếp đảm quân thù cộng sản. Nhưng, kết cục Quân Lực chúng ta bị bức tử vì người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã phản bội bán đứng Việt Nam Cộng Hòa cho kẻ thù cộng sản Bắc Việt và cộng sản quốc tế. Thế là chúng ta đành buông súng rả ngũ, đến nay, 15.03.2012, gần đúng 37 năm.

Dù hết chiến tranh, đại đa số đồng bào vẫn còn sống trong tăm tối, nghèo khổ triền miên, ngoại trừ mấy triệu đảng viên CS và đám lãnh đạo từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương đã trở thành những tên tư bản đỏ giàu sụ sống trên xương máu đồng bào. Hơn thế nữa, mọi quyền dân chủ, tự do cho mọi công dân và nhân quyền cũng như tự do hành đạo luôn bị chế độ cộng sàn toàn trị chà đạp thô bạo.

Cái ấn tượng kế tiếp của Khóa 13 Thủ Đức có thể nói là khóa học có ngày thụ huấn chính thức hơn 10 tháng mà có nhiều khóa trước kia, có khóa chỉ được huấn nhục quân sự vỏn vẹn 6 tháng.

Cùng có mặt trong Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức năm 1962, Khóa 12 đàn anh quy tụ đến 3 thành phần SVSQ gồm có khoảng 300 - 400 SVSQ là những trí thức tương đối lớn tuổi nhất của cả khóa được gọi nhập ngũ sau khi Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm vừa ký Sắc Lệnh ban hành lệnh tổng động viên năm 1961. Lý do, có Sắc Lệnh hay là Luật Tổng Động Viên ra đời trong bối cảnh hết sức đặc biệt, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu quân sự đòi hỏi để có đủ quân số và cán bộ căn bản chỉ huy nòng cốt bảo vệ đất nước. Từ đó, quân dân cán chính thời Đệ Nhất Cộng Hòa cùng đoàn kết đương đầu chống trả hữu hiệu với bộ máy chiến tranh của CSBV đã tiến hành trên lãnh thổ VNCH qua cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được chính thức thành lập từ tháng 12 năm 1960. Còn các SVSQ dạng thứ 2 là các thanh niên tham dự cuộc thi tuyển vào học khóa 12, cũng là khóa có SVSQ thuộc đợt thi cuối cùng để vào trường Thủ Đức, đối với chủ lực quân. Còn thành phần thứ 3 là ngành Bảo An sau này gọi là Địa Phương Quân vẫn phải dự thi tuyển vào khóa 12 và vài khóa tiếp sau nữa.

Khóa 13 chúng tôi là khóa tổng động viên đúng nghĩa, không có thanh niên tình nguyện nhập ngũ ngoại trừ 3 đại đội của ngành Bảo An. Khóa 13 có nhiều giáo chức theo học nhất từ giáo viên tiểu học, đến giáo sư trung học và đại học.

Vào học được trên dưới 2 tháng, Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng Hồ Văn Tố, tốt nghiệp Thủ Khoa Khóa 2 Trường Võ Khoa Đập Đá - Huế, ông Tướng bị chết bất đắc kỳ tử mà có tin đồn đãi là ông Tướng chết vì người đẹp tên L. bán tại câu lạc bộ sĩ quan trong quân trường. Khóa Đập Đá đầu tiên có nhiều sĩ quan ra trường sau này trở thành những cấp lãnh đạo quốc gia hay những cấp chỉ huy quân sự cao cấp lỗi lạc như Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Trung Tướng Đặng Văn Quang...và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có tốt nghiệp Thủ Khoa .

Về thay thế Thiếu Tướng Hồ Văn Tố, là Đại Tá Lam Sơn Phan Đình Thứ, Chỉ Huy Phó Trung Tá Vĩnh Lộc, sau này làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 & Vùng 2 Chiến Thuật, Chỉ Huy Trưởng Trường Cao Đẳng Quốc Phòng và là Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng vào giờ thứ 25 của ngày định mệnh mất nước vào tay cộng sản BV xâm lược 30.04.1975.

Đại Tá Lam Sơn Phan Đình Thứ vì không tham gia trực tiếp sớm vào cuộc đảo chánh 1.11.1963 lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa nên con đường binh nghiệp của Đại Tá Lam Sơn sau này cũng ba chìm bảy nổi và rốt cuộc ông cũng lên được cấp Tướng 1 sao và bị giải ngũ sau đó vì có một sự xô xát với một Thượng sĩ quản gia.

Sau khi miền Nam bị CSBV cưỡng chiếm, ông Tướng Lam Sơn cũng bị đi tù cải tạo dù ông đã giải ngũ trước 30.04.1975 và ông Tướng đã qua đời cách đây cũng trên 5 năm. Ông Tướng hùng Lam Sơn tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi chiến sĩ các cấp từ khi ông còn cấp úy, cấp tá, đặc biệt khi ông là Chỉ Huy Trưởng Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Lúc bấy giờ Thiếu Tá Đồng Văn Khuyên là Giám Đốc Quân Huấn hay chức vụ tương đương.

 Thiếu Tá Đồng Văn Khuyên, sớm nghe lời kêu gọi của quân đảo chánh 1.11.1963, ông trưc tiếp tham gia, điều động các chiến sĩ cơ hữu dưới quyền định đưa về Sài Gòn tham gia đảo chánh bị Đại Tá Lam Sơn ngăn chặn kịp thời. Thiếu Tá Đồng Văn Khuyên thoát thân về trình diện Bộ Tổng Tham Mưu và sau 1.11.1963, cuộc đảo chánh thành công, ông lên Trung Tá, rồi Đại Tá, lên Tướng 1, 2 và 3 sao trong một thời gian rất ngắn. Trung Tướng Đồng Văn Khuyên từng giữ những chức quan trọng như Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, Tham Mưu Trưởng Liên Quân...

Đại Tá tân Chỉ Huy Trưởng Lam Sơn, một cấp chỉ huy rất ngầu, nghĩa đen và nghĩa bóng, gương mặt ông rất có thần, có uy khi nói chuyện hay ra lệnh cho cấp dưới thi hành công tác mà ông giao phó, mọi người đều kính sợ. Nhiều tin đồn đại, Đại Tá Lam Sơn từng tát tai một tên Cố Vấn Mỹ khi ông này kiểm soát súng của một binh sĩ (tại 1 trung tâm huấn luyện của các chiến sĩ Dù?), lấy ngón tay quẹt vào cơ bẩm súng dơ và quệt lên mặt anh binh sĩ này làm cho Đại Tá Lam Sơn nổi sùng nên có thái độ mạnh đối với tên cố vấn chỉ muốn "giựt le", xem thường các chiến sĩ QLVNCH.

Khi Đại Tá Lam Sơn về Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau vài tuần, ông tung ra châm ngôn Cư An Tư Nguy - cô động trich từ Hệ Từ Hạ của Đức Khổng Phu Tử - được ghi lên phù hiệu của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức đầu tiên giai đoạn I của Khóa 13 và giai đoạn II của Khóa 12, năm 1962. Hai khóa 12 và khóa 13 chúng tôi được học tập và cán bộ giải thích ý nghĩa rõ ràng để chúng tôi từ đó hiểu ý nghĩa thâm thúy của câu châm ngôn bất hủ này.

Cư An Tư Nguy có ý nghĩa là sống yên vui phải nghĩ đến lúc khó khăn. Câu châm ngôn này còn có nghĩa là muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh, cùng với ý nghĩa với câu chữ La Tinh: Si Vis Pacem Para Bellum.

Nhiều huyền thoại được đồn đại về Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Lam Sơn, ông từng tham gia vào quân đội Pháp Tự Do chống quân phát xít Đức tại các chiến trường ở Âu Châu, Bắc Phi và ngay ở chiến trường Viễn Đông, từ cấp Hạ Sĩ Quan trước năm 1945. Khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới chính thức thành lập, ông Lam Sơn Phan Đình Thứ được điều chuyển sang Quân Đội Quốc Gia, một trong những sĩ quan đầu tiên được phục vụ dưới lá Cờ Vàng Ba Sọc, biểu tượng của hồn thiêng sông núi Việt Nam.

Khóa 13 còn có một vinh dự in sâu vào tâm trí của tất cả SVSQ khóa 13 và khóa 14, chúng tôi được tham dự buổi lễ diễn binh vô cùng trọng thể Ngày Quốc Khánh 26.10.1962, cũng là Ngày Quốc Khánh cuối cùng của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

Ấn tượng mà cá nhân tôi luôn nhớ mãi cho tới bây giờ, cả 2 khóa 13 và 14 - khóa 13 giai đoàn II, khóa 14 giai đọan I, chúng tôi tập cơ bản thao diễn luôn mấy tháng, ngoài giờ đi học chiến thuật ở bãi tập hay tại trường bắn, hoặc lên lớp học lý thuyết về Quốc Sách Ấp Chiến Lược.

Tôi được tuyển chọn vào toán hầu kỳ của Khóa 13 và tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi dù tập luyện rất vất vả, cực nhọc vì tôi được đứng hàng đầu thủ kỳ sẽ có cơ may được nhìn gần rõ ràng thấy gương mặt của vị Nguyên Thủ Quốc Gia Ngô Đình Diệm. Lúc bấy giờ tôi luôn mang kiếng cận thị mà các cán bộ bảo tôi hãy cất kiếng khi đi diễn hành.

Thú thật tôi phải tập bỏ kiếng để nhìn thấy vật thể trước mặt, tương đối, mắt cũng quen dần dù không được rõ ràng bằng mang kiếng cận thị. May mắn cho tôi được thủ kỳ đứng đầu đội hình nên cơ hội thấy rõ Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng là điều mong ước của tôi.

Khi chiếc jeep mui trần, bên phải tài xế là Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Tổng Tư Lệnh Quân Đội đứng thẳng người 2 tay vịn trên thành kiếng trước, đứng phía sau có Đại tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng và một vị Tướng Chỉ Huy Trưởng Buổi Lễ.

 Chiếc xe Tổng Thống sắp tới đơn vị chào kính có tôi thủ kỳ. Trong thâm tâm, tôi chuẩn bị trước, mắt sẽ mở thật to nhìn cho thật kỹ lần đầu tiên được nhìn tận mặt vị Tổng Thống Tổng Tư Lệnh Quân Đội mà tôi vô cùng kính trọng. Xe lần lần lăn bánh từ 20 mét , 15 mét, 10 mét, 5 mét, mắt tôi tự nhiên chớp khép lại, chỉ mới thấy cái nốt ruồi trên mặt của Tổng Thống hình như có ánh sáng.

Thế thì khi Tổng Thống đi ngang trước mặt tôi chừng hơn 1 mét rưỡi, rất gần là lúc tôi sẽ thấy Ngài rõ nhất, nhưng tôi chỉ thấy lưng, bộ com lê trắng của Ngài và thấy phía sau của chiếc xe Jeep. Tôi tự trách mình và tiếc ngẩn ngơ, ngàn năm một thuở, mới có cơ may, rất gần Ngài để chiêm ngưỡng. Chúng ta hiểu rằng, những bâc thiên tử, đế vương hay Tổng Thống, Thủ Tướng hoặc những vị chỉ huy trực tiếp đều có cái uy lực, thần sắc làm cho chúng ta kính sợ, không dám nhìn thẳng mặt hoặc nhìn lâu?.

Cái mà chúng tôi, SVSQ khóa 13, nhớ sâu sắc nữa là chúng tôi vừa học quân sự vừa học lý thuyết về Quốc Sách Ấp Chiến Lược rất căng. Từ trung ương, bộ sậu lý thuyết gia về chủ thuyết nhân vị, cần lao hay Quốc Sách Ấp Chiến Lược với những cấp lãnh đạo cao cấp như ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, ông Tổng Trưởng Văn Hóa Trương Công Cừu, Bác sĩ Mật Vụ Trần Kim Tuyến, ông Tổng Trưởng Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu và nhiều học giả, cán bộ cao cấp của cấp nhà nước đến thuyết giảng. Chúng tôi có bổn phận theo dõi ghi chép cẩn thận để còn có thi sát hạch chấm điểm, nhà trường cộng với các điểm khác tính điểm thứ hạng khi ra trường để mình tự chọn đơn vị. Đậu điểm hạng cao, chọn được chỗ mình vừa ý nhất hoặc có chữ thọ lớn...

Khóa 13 Thủ Đức cũng như khóa 16 Đà Lạt và khóa 3 Nha Trang là những khóa được đào tạo đầu tiên, chính quy nhất về Quốc Sách Ấp Chiến Lược để sau khi tốt nghiệp ra trường (theo tin đồn) được tung về xã ấp làm Trưởng Ấp Chiến Lược hoặc là Xã Trưởng hay những chức vụ nòng cốt ở nông thôn để vừa có văn có võ song toàn, vừa am tường về sách lược đấu tranh chính trị và sự ích lợi của Quốc Sách Ấp Chiến Lược nhằm bẻ gãy mọi mưu toan khuynh đảo lòng dân của các cán bộ cộng sản nằm vùng hay từ miền Bắc xâm nhập.

Nhưng, dù được đặt tên là Khóa Ấp Chiến Lược mà chúng tôi khi tốt nghiệp ra trường đều được chọn lựa những đơn vị tác chiến hoặc những đơn vị yễm trợ hay tình nguyện đầu quân vào các đơn vị thiện chiến như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến... Thấm thoát đã 50 năm trôi qua với dòng lịch sử dân tộc trải qua những giai đoạn chiến tranh khốc liệt, những giai đoạn trầm luân đau khổ khi cộng sản BV đã cưỡng chiến hoàn toàn nước VNCH từ tháng tư đen năm 1975. Nay, chúng tôi còn được sống trên đất nước Hoa Kỳ, một đất nước tuyệt vời về lòng nhân đạo, sự bao dung và là cái nôi tự do dân chủ, cũng là nước giàu mạnh nhất thế giới, đó là ân huệ sau cùng của cuộc đời chúng tôi.

Hàng triệu quân cán chính của chính thể VNCH có đầy đủ chính nghĩa mà lại bị những kẻ gian manh xảo trá cộng sản bắt giam cầm tù đày ải những nơi rừng thiêng nước độc, bao nhiêu người đã chết tức tưởi hay bị bệnh tật di lụy cho đến ngày nay. Chế độ cộng sản còn đày đoạ xua đuổi biết bao gia đình quân dân cán chính đi đến những vùng kinh tế mới đìu hiu nghèo nàn lạc hậu, cơm không có đủ ăn, quần áo không có đủ mặc. Mọi nhu cầu cho đời sống của con người trở lại thời kỳ đồ đá như cộng sản thường so sánh ví von, chúng muốn đày ải mọi ngưởi từng sống trong chế độ tự do sung túc VNCH phải chết lần chết mòn vì bệnh tất đói rét...

Khóa 13 của chúng tôi còn cái đáng nhớ nữa. Thời điểm Hoa Kỳ đấy mạnh viện trợ súng đạn, phương tiện chiến tranh tân tiến để giúp Quân Đội Việt Nam có thêm phương tiện bảo vệ bờ cõi, đất nước. Chúng tôi được thực tập chiến thuật tùng thiết ngồi trên những chiếc thiết vận xa M113 mới cáu cạnh vượt sông. Thời điểm này cũng là thời điểm mới bắt đầu dạy chúng tôi cách xuống lên phi cơ trực thăng khi các phi cơ này đổ quân vào mặt trận...

Những chiếc phi cơ trực thăng đầu tiên Hoa Kỳ viện trợ cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam là những loại trực thăng từng sử dụng ở chiến trường Triều Tiên vừa chấm dứt, được chuyển cho Việt Nam mà lúc bấy giờ chưa huấn luyện kịp phi công Việt Nam để lái những trực thăng cồng kềnh và chậm chạp đó, có tên gọi là H21. Hình chiếc trực thăng như trái chuối già, hai đầu và đuôi nhô cao hơn, ở giữa lõm xuống.

Một kỷ niệm nhớ đời, khoảng tháng 4 năm 1963. Trên chiếc trực thăng H21 có khoảng 8 chiến sĩ Việt Nam và 2 phi công Mỹ. Chúng tôi là những chiến binh của Trung Đoàn 33 BB từ căn cứ hành quân ở ven rừng U Minh Hạ - có tên gọi là Chà Là, trực thăng đưa chúng tôi ra Thị xã Cà Mau. Trực thăng sắp sửa vào phi trường Cà Mau, chúng tôi nghe tiếng bạch bạch và tiếng răng rắc càng lớn dần, phi công vội cho máy bay đáp khẩn cấp giữa ruộng, may quá, chỗ đáp cũng gần bến xe mới có quán cơm của bà Sáu Mập - một quán cơm với những món ăn đồng quê ngon số 1 của Thị xã Cà Mau.

Chúng tôi được lệnh thoát thân khi máy bay vừa đáp được an toàn xuống thửa đất vừa cày xong. Chúng tôi chứng kiến chiếc trực thăng H21 bị gãy làm đôi. Cả 10 người đều bình an vô sự chỉ có hoảng vía khi trái chuối già này ì ạch nặng nề đáp đại xuống chạm đất cày tưng lên nghe một cái bựt.


Lúc ấy khoảng 12 trưa, cũng là giờ ăn trưa nên bụng cũng đói, chúng tôi lội bộ vào quán Bà Sáu Mập làm cho 1 bụng "phỉ tình nước non", trong khi vừa ngồi ăn vừa chờ đợi xe hậu trạm của Trung Đoàn biết máy bay gặp nạn, do Cố vấn Mỹ báo, và được an toàn đang "tạm trú" trong quán cơm của Bà Sáu Mập.

Nói đến khóa 13 Thủ Đức mà thiên hạ sợ số 13 xui, nhưng thú thiệt, tôi đi đến đâu gặp con số 13 đều là con số lắc ky trong suốt cuộc binh nghiệp của tôi.

Nhân ngày Đại Hội của Liên Hội Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, diễn ra tại New Orleans - Louisiana 3 ngày 13, 14 và 15.04.2012, tôi viết vội những kỷ niệm đầu đời binh nghiệp của cá nhân tôi - Khóa 13 Ấp Chiến Lược để các bạn đồng môn các khóa khác biết qua 1 chút lịch sử và bối cảnh Khóa 13 năm 1962.

Đại gia đình Khóa 13 Ấp Chiến Lược của chúng tôi sắp có cuộc sum họp trùng phùng 50 năm mới có 1 ngày vui - ngày 29.07.2012 tại Nam California và hy vọng ngày đó là ngày vui trọn vẹn của Khóa 13 Ấp Chiến Lược.@


Sacramento ngày 13.03.2012
Trần Văn Ngà - Cựu SVSQ Khóa 13 - Ấp Chiến Lược

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official -15/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link