Sunday, August 19, 2012

Tình nghĩa Thầy Trò ngày nay



 

Tình nghĩa Thầy Trò ngày nay



Nguyễn thị Cỏ May


( Nhạc trong hình pls )

phong_lam_viec_9_1410175356 

   



Học sinh ở Miền nam Việt Nam ngày xưa mong đợi Hè thường không nhìn vào tờ lịch mà nhìn những cây Phượng trong sân trường. Khi thấy cây Phượng trổ bông đỏ rực, học sinh bắt đầu thấy lòng xao xuyến vì sắp được nghỉ học nhưng lại không khỏi buồn vì xa bạn, xa trường. Năm học sau, chắc chắn kẻ còn trở lại trường, người đi nơi khác.

Ở xứ ôn đới, khi cái lạnh bắt đầu dịu lại, ngày bắt đầu dài hơn, vạn vật cũng trỗi mình dậy sau một giấc ngủ dài, mọi người biết Hè lại sắp về.

Học sinh vui mừng được nghỉ hai tháng và sẽ đi chơi với gia đình.

Năm nay, ở một ngôi trường tiểu học nhỏ tại một vùng quê miền Trung-Tây nước Pháp, để về nghỉ Hè, học sinh cả trường họp lại tổ chức một buổi tối "Chia tay và tri ân 2 Cô Giáo” vì 2 Cô Giáo sẽ không trở lại trường ngày nhập học năm tới. Hai cô sau buổi tối hôm ấy đi nghỉ hưu.

Một buổi chia tay biểu hiện sâu sắc tình nghĩa Thầy Trò không khác gì ở thời xa xưa. Tham dự buổi lễ hay chỉ đọc báo địa phương tường thuật, người Việt Nam cứ ngỡ là mình đang sống lại thời cực thịnh của quan hệ “Thầy Trò” ở quê hương vì cứ chủ quan nghĩ văn hóa Việt Nam trọng tình cảm nên mới có cảnh chia tay cảm động, mọi người không cầm được nước mắt, còn văn hóa Tây thiên về duy lý nên khó

biểu lộ sự xúc động trong lòng.



Quan hệ Thầy trò ngày xưa ở Việt Nam



Theo cái học ngày xưa, người học trò tôn trọng thầy học theo thứ bậc “Quân, Sư, Phụ”. Cha có công ơn sanh ta ra, Thầy là người dạy dỗ cho ta nên người. Mối quan hệ Thầy trò được xem là cái Đạo - Đạo Thầy trò như Đạo Cha con.

Qua cả ngàn năm bị Tàu đô hộ, người Việt Nam theo học chữ và văn hóa Tàu nên bị ảnh hưởng văn hóa Tàu sâu đậm. Năm 939, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán ở trận Bạch Đằng đem lại nền độc lập dân tộc cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam, cho tới thời Pháp đô hộ năm 1884, vẫn sử dụng chữ Hán và tổ chức xã hội theo văn hóa Trung Hoa. Việc học và thi cử của dân chúng theo đó cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc dạy học và đi học được tự do, miễn không dạy những điều vi phạm tới đạo đức, lễ nghĩa mà thôi. Riêng việc học hoàn toàn miễn phí. Người học giỏi được xã hội trọng vọng.

Thầy Giáo thường là người học giỏi đỗ đạt cao nhưng không chịu ra làm quan hoặc người học giỏi nhưng không đỗ đạt. Họ đều là người đạo đức được mọi người kính trọng nên mới gởi con em tới để nhờ dạy dỗ.

Nhà trường là một căn hay một khoảng trống trong ngôi nhà ở dành riêng ra làm lớp học cho vài mươi đứa trẻ trong làng. Người đi học không phải trả tiền học mà chỉ tạ ơn Thầy bằng lễ vật như gạo, nếp, hoa quả của nhà kiếm được. Học trò theo Thầy học, có khi chỉ với một ông Thầy, cho tới ngày thi đậu. Nên tình nghĩa thầy trò rất sâu đậm. Học trò xem thầy như cha. Không như ngày nay, lớp học đông, hết năm học, có thầy mới. Khi lên lớp lớn, có nhiều thầy khác nhau, mỗi người dạy một môn học, với vài giờ. Lên Đại học, thầy trò càng thêm xa lạ.

Thầy dạy học ngày xưa như Chu văn An, Võ Trường Toản,... đời đời không quên tên tuổi.

Khi thầy chết, học trò phải để tang như để tang cha mẹ.






Thầy trò trong nhà trường mới

Nhà trường mới bắt đầu khi việc học chữ Nho và thi cử do nhà vua tổ chức chấm dứt vào đầu thế kỷ XX để nhường chỗ cho nền Tây học do nhà nước thuộc địa cai trị nước ta. Cái học mới dạy vừa chữ quốc ngữ, vừa chữ Pháp để đào tạo một lớp người mới thay thế lớp Nho sĩ trước phục vụ chánh quyền thuộc địa.

 Ngày 21 tháng 12 năm 1917, Nha Học Chánh Đông Dương ban hành chế độ giáo dục Pháp - Việt.

Nền giáo dục mới này là một sự cải tổ toàn diện, từ chữ làm chuyển ngữ là chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, cho đến cách tổ chức học vấn, chương trình học và cách thi cử.

Trong nền học mới, Thầy giáo là một người chọn nghề dạy học, được đào tạo để có đủ khả năng dạy theo chương trình của chánh phủ. Thầy giáo được chính phủ tuyển dụng và bổ nhiệm, lãnh lương của chính phủ.

Trường học là cơ sở lớn, công cộng khang trang, lập ra dành làm nơi dạy học cho cả trăm học sinh hay nhiều hơn.

Tuổi đi học từ 3 tuổi vào lớp Mẫu giáo cho tới 17-18 tuổi học xong Trung học. Đây là lớp tuổi bắt buộc phải đi học.


Trường Làng


Trường Trung học Gia Long



Hệ thống giáo dục Pháp-Việt được chia làm nhiều cấp, mỗi cấp gồm nhiều lớp.

Cấp Sơ Học gồm có 3 lớp, lớp Đồng Ấu hay lớp Năm (lớp1), lớp Dự Bị hay lớp Tư (lớp 2), lớp Sơ Đẳng hay lớp Ba (lớp 3). Trường Sơ Đẳng thường được mở ở làng. Cấp sơ học dạy chữ Quốc Ngữ. Bài học gồm có tập đọc, tập viết, tập đặt câu bằng chữ Quốc Ngữ, và làm toán cộng trừ nhân chia, cách trí, vệ sinh, đức dục. Lớp Sơ Đẳng bắt đầu dạy thêm một ít chữ Pháp.

Cấp tiểu học gồm lớp Nhì Nhất Niên (lớp 4 năm thứ nhất), Lớp Nhì Nhị Niên (lớp 4 năm thứ hai), và lớp Nhất (lớp 5). Trường tiểu học công lập được mở tại các Quận. Chữ Pháp là chữ chính được được dạy ở cấp này. Các môn học có thêm Điạ dư, Sử ký, Cách trí, toán pháp, luận văn.

Học xong lớp Nhất học sinh thi Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học. Đậu xong bằng tiểu học thì học sinh được thi tuyển theo học cấp tiếp theo.

Chương trình giáo dục ngày xưa chú trọng đạo đức, lễ nghĩa theo Nho giáo, và văn chương. Chương trình giáo dục ngày nay trọng khoa học nhiều hơn.

Ngày nay, sự liên hệ thầy trò không còn sâu đậm và tôn quí như thời của nền học vấn chữ Nho.

Do đó, quan niệm địa vị của thầy giáo đối với học sinh cao hơn địa vị của cha mẹ không còn hợp lý nữa trong nền giáo dục mới.

Mặc dầu thời gian và tổ chức giáo dục ngày nay hoàn toàn thay đổi khác hẳn tổ chức giáo dục ngày xưa, nhưng với truyền thống trọng văn hóa, giáo dục từ mấy ngàn năm qua của người Việt Nam, thầy giáo bao giờ cũng được học sinh kính trọng như kính trọng cha mẹ mình vì “trọng thầy mới được làm thầy ".

Một gương sáng Thầy trò ở Pháp ngày nay

Hôm 5 tháng 7 vừa qua, trường Tiểu học ở một làng nhỏ của tỉnh Vienne, Pháp, nơi Bà Hélène Fillet làm Hiệu trưởng bãi trường. Hội phụ huynh, các Thầy cô giáo cũ mới, Hội đồng Xã họp lại cùng tổ chức một buổi tiệc tiễn hai bà giáo già về hưu. Bà Hélène làm việc 17 năm tại đây, Hiệu trưởng 12 và 5 năm dạy học. Bà Françoise Bellanger, bạn của Hélène, đến nhận việc cùng ngày, về hưu cùng ngày. Thật cảm động. Học trò tất cả các lớp hát, làm kịch kể những vui buồn với hai cô giáo, những thói quen của hai cô. Học trò nay, có những người già nhứt là 25 tuổi, 23 tuổi, có hai con, một trai, một gái, đẩy xe tới tham dự lễ. Một cô bé, lúc xưa, trước khi Hélène làm cô giáo, đến học làm nghề service ở quán ăn nhà, sau đó học nghề y tá, và làm việc ở Nhà thương Montmorillon, cùng chồng có nhà ở La Trimouille (cách Montmorillon 12 cây số) nay có chân  trong Hội phụ huynh, có hai đứa con một đứa là học trò của Hélène hôm nay cũng có mặt.

Tất cả trên 400 người khách, tặng bông hoa cho 2 Bà Giáo đi hưu trí, ăn uống từ 18 giờ đến mãi 22 giờ mới về. Trời chiều mùa Hè nên 10 giờ đêm trời vẫn còn sáng, nhiều người còn kéo nhau ra sân cỏ uống rượu và nói chuyện vui. Gia đình của Bà Giáo Hélène đều có mặt tham dự tiệc.

Ở cấp tiểu học, nhơn viên vừa dọn ăn vừa chăm sóc học sinh ăn uống. Nhiều khi nhơn viên phải  cắt thịt và đút cho các trẻ con ăn uống chu đáo. Ở Pháp phần ăn uống buổi trưa do làng xã trách nhiệm. Bữa ăn đều có Bác sĩ theo dõi để bảo đảm cho đủ thành phần dinh dưỡng. Phần ăn của học sinh đều được Hội phụ huynh để mắt chăm sóc để trẻ con ăn uống đúng tiêu chuẩn và hạp vệ sinh. Học sinh nhà nghèo đều có sự giúp đỡ.

Hiệu trưởng cũng phải có mặt trong tất cả mọi sanh hoạt từ nghề nhà giáo đến việc quản lý đời sống con trẻ. Suốt buổi tối nói chuyện với các Hội đồng Xã, với bà Bác sĩ xã hội, với bà Tâm lý con trẻ... mới thấy tài nghệ của Bà Hiệu trưởng khôn khéo, luôn luôn giữ lèo lái, cho làm sao trường mình lúc nào cũng đạt những đòi hỏi của học trò mình. Từ sửa sang tu bổ nhà trường, trồng thêm cây, vườn trẻ, sắp xếp thứ tự, sơn phết để trường lúc nào cũng sạch sẽ khang trang.

Lễ tiễn hai Bà Giáo đi hưu trí vừa để nói lên lòng biết ơn sâu xa của học sinh, của phụ huynh và Chánh quyền thị xã thật long trọng. Tờ báo địa phương tới và viết một bài tường thuật rất đầy đủ:

“Phòng khánh tiết mới của Thị xã nay được những bàn tay bé nhỏ của học sinh Tiểu học trang hoàng  đẹp đẽ để làm nơi tổ chức buổi lễ tiễn 2 Bà Giáo đi hưu trí. Từng toán một học trò dưới quyền đạo diển của Cô Isabelle Léon tiến lên sân khấu trình diễn những vở kịch hài hước, những thoại kịch, hát những bài hát vui,... Tất cả đều nhằm kể lại thời gian qua hai Cô Giáo kính yêu giảng dạy học trò.

Bà Hélène Fillet, đầu tiên, năm 1995, tới trường Tiểu học công lập La Trémouille và dạy lớp Dự Bị. Năm 2000, Bà làm Hiệu trưởng nhưng vẫn dạy lớp Dự Bị cho tới ngày nghỉ hưu.

Bà Françoise Bellanger, sau nhiệm sở đầu tiên ở La Bressuire niên học 1993 - 1994, cũng tới La Trémouille năm 1995 nhận dạy lớp Vở Lòng cho tới ngày hôm nay.

Các quan khách, bạn bè, phụ huynh tặng cho 2 Bà nhiều bông hoa và đồ vật kỷ niệm.

Hai Bà từ nay ra “sân chơi” dài hạn, mang theo cái bàn làm việc của mình với tất cả những hình trang trí do học sinh của mình, theo suốt thời gian giảng dạy, tại một nơi, trong một phòng lớp, vẻ tô (PVS dịch).

Qua mấy ngàn năm lịch sử, quan niệm của con người về cuộc sống có thể thay đổi, vấn đề học vấn có thể thay đổi cho hợp với sự tiến hóa của xã hội, khoa học, văn minh của thời đại mới, nhưng chức năng của người thầy giáo không bao giờ thay đổi, đó là đem học thức, hiểu biết của mình đã học hỏi được truyền lại cho lớp người trẻ của thế hệ nối tiếp.

Qua lễ “Tiễn đưa và Tri ân” 2 Cô Giáo đi hưu trí hôm 5 tháng 7 vừa qua ở trường Tiểu học của làng La Tremouille, không ai có thể nói là người Phương Tây duy lý thiếu tình cảm sâu sắc như người Á đông. 

Việt Nam là một nước thường tự hào có hơn bốn ngàn năm văn hiến, ngày nay cũng khó tìm được một trường hợp thể hiện tình Thầy trò như vậy. Vì “nhà trường xã hội chủ nghĩa là nơi thầy không muốn dạy, trò không muốn học!” thì làm sao có thể có được những tình cảm chơn thật?

 Nguyễn thị Cỏ May

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link