Saturday, August 25, 2012

Những ngày hè trên đất lạ


 

Xin chuyển đến Quý Vị, Quý NT và CH....

Bài viết, thơ, và hình ảnh Trại Hè 2012 tại Vương Quốc Bỉ,
của những Cựu Chiến Sĩ QLVNCH và gia đình,
từ các quốc gia tại Âu Châu về tham dự.

Đây là một sinh họat thật ý nghĩa, bổ ích...

Rất đáng hoan hô và cổ võ...

Xin mời Quý Vị theo dỏi, để tường...


 

 

 

BMH

Washington, D.C

 

 

Diễn Đàn Vietland - Tôn Trọng Sự Thật - Powered by vBulletin

  Video clip:





 

Bài viết trên VietLand Web Site:

 


1.     Những ngày hè trên đất lạ


  




Tiếng người xôn xao xen lẫn tiếng cười rộn rã phát từ hướng ngôi nhà nằm trên lưng đồi, khuất trong khu rừng nhỏ, tạo nên âm động có sức quyến rũ kỳ lạ làm tan biến nỗi mệt mỏi sau nhiều giờ lái xe trong cái nắng chói chang của những ngày hè nóng nhất châu Âu.
Từ khắp mọi miền trên đất Bỉ, Pháp và Hòa Lan từng chuyến xe đổ về Bạch Gia Trang (La Petite Maison Blanche) thuộc làng đại học Louvain-La-Neuve. Được biết đến qua biệt danh “thành phố đi bộ”.
Với lối kiến trúc đô thị độc đáo, nằm trong một thung lũng và đường xa lộ, bãi đậu xe được thiết kế ở bên dưới, thành phố này hầu như hoàn toàn vắng bóng xe hơi. Ngoài ra đây cũng là một nơi nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và yên tĩnh.

Nằm kín đáo, ẩn mình giữa những tàng cây trong khu rừng nhỏ, nhưng từ lưng đồi vẫn có thể giữ được tầm quan sát chung quanh. Còn địa điểm nào tuyệt vời hơn để dựng trại, đóng quân? Phải chăng nhờ kinh nghiệm sẵn có của một sĩ quan Trinh Sát, anh Nguyễn Khắc Sơn, trưởng ban tổ chức (TBTC), đã chọn được một địa điểm thật lý tưởng và thích hợp cho việc tổ chức trại hè năm nay.



Lâu không gặp lại nhau, những bàn tay bắt thật chặt, nụ cười thật tươi và ánh mắt vui mừng trong ngày hội ngộ đã nói lên hết được tình cảm chan hòa của mọi người dành cho nhau. Ngày nhập trại, đổ quân coi như đã xong. Anh Sơn (TBTC), anh Hai Trí (Hội Trưởng Hội Cựu Quân Nhân VNCH/Vương Quốc Bỉ) bận rộn tiếp khách, bố trí chỗ ăn ngủ bằng tất cả sốt sắng, ân cần. Anh Tấn, anh Hà, anh Tân thực hiện xong cổng chào và dàn quốc kỳ của các quốc gia tham dự.
 
Đêm xuống, dưới ánh đèn mờ ảo, liêu trai, lẫn khuất cây rừng, mọi người truyện trò, tâm sự và hát cho nhau nghe những bài nhạc về đời lính. Hai “Người Lính Trẻ” Tân-Trung (luôn sốt sắng, đi đầu trong mọi công việc) thật xuất sắc trong bài song ca đầy ý nghĩa “Nó và Tôi”. Vợ chồng anh chị Trung gởi gấm cảm xúc qua bài “Chuyến Đi Về Sáng” nói về cuộc tình thời chinh chiến. Anh Ngọc vui nhộn, năng động cùng anh Minh, chỉ huy trưởng Hỏa Đầu Quân, liên tục đóng góp làm không khí hứng khởi và sôi động. Dĩ nhiên trong tiết mục văn nghệ cũng không thiếu sự hiện diện của các chị, nhưng sẽ trình bầy ở phần khác.

Sáng hôm sau, nghi lễ Thượng Kỳ bắt đầu trong không khí trang nghiêm với anh Dũng, Tiểu Đoàn 1 Nhẩy Dù và anh Chánh Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) tiếp nối bằng nghi thức khai mạc với lời chào mừng quan khách của anh Sơn, anh Hai Trí và anh Nguyễn Nhựt Châu (Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp Âu Châu). Trại hè chính thức bắt đầu.
Ngoài nghi lễ thượng và hạ kỳ cũng như giờ thức dậy, chương trình sinh hoạt còn lại của trại thật thoáng. Tuy thoải mái, không bị gò bó bởi luật lệ và giới hạn bởi giờ giấc nhưng mọi người rất kỷ luật, ý thức và vệ sinh.



Ngày liên hoan, khách và thân hữu từ nhiều nơi, kể cả Hòa Lan cùng đến tham dự. Chương trình văn nghệ ngoài trời tuy dã chiến nhưng không kém phần sống động. Đặc biệt chị Khánh Trang, qua hai bài nhạc của Việt Khang, bằng sự xúc động chân thành, chị đã làm nhiều người rơi lệ.
Đã được nghe nhiều người, kể cả ca sĩ chuyên nghiệp, hát nhạc Việt Khang, nhưng theo nhận xét riêng, chưa ai hát hay như chị Khánh Trang hôm đó. Muốn hát được như vậy cần phải có một tấm lòng. Là vợ lính (chị là phu nhân của anh Khánh – Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt) chị Khánh Trang đã chứng tỏ tấm lòng của mình không phải chỉ qua giọng hát mà còn bằng thái độ cương quyết trong những lần biểu tình và lập trường Quốc Gia vững chắc, khi không chấp nhận về Việt Nam du lịch.
 
Hai anh chị dẫn theo một cháu trai cao lớn và khôi vĩ, nói tiếng Việt giỏi, vui vẻ và là vô địch Thái Cực Đạo trong vùng. Rất vui mừng khi thấy một thế hệ hậu duệ đầy tương lai và triễn vọng.

Nếu chị Khánh Trang đi vào lòng người bằng lời hát nhắn nhủ, kêu gọi thì chị Bích Xuân đem đến cho người nghe những cảm giác khác qua tiếng đàn thánh thót, giọng ca điêu luyện và những bài nhạc thuộc nhiều thể loại khác nhau. Là một ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, người phụ nữ đa tài và đa năng này còn là người đệm đàn cho ngày văn nghệ. Ngoài ra chị Bích Xuân kiêm luôn việc chụp hình và quay phim sinh hoạt trại.

Phần văn nghệ còn có sự đóng góp của anh Tấn với giọng hát trầm ấm, anh Sơn sống động, linh hoạt với hai bài nhạc do chính anh soạn, nói về cuộc tình của anh và chị cùng hoàn cảnh gia đình khi tha hương, biệt xứ.

Trong phái đoàn đi chung với anh Sơn từ Hòa Lan sang tham dự ngày liên hoan, còn có anh Chánh. Lái xe hàng nhiều giờ, vượt hàng trăm cây số chỉ để chung vui liên hoan nửa ngày, nhưng anh Chánh đã bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ để hớt tóc cho gần chục trại viên. Nhìn cảnh hớt tóc và những mái đầu húi cua, chợt liên tưởng đến hình ảnh ngày nhập ngũ vào quân trường. Tình huynh đệ chi binh được thể hiện bằng hành động bình thường nhưng nhiều ý nghĩa. Anh chị Lộc dù hoàn cảnh gia đình không thuận tiện vẫn cố gắng thu xếp cùng đến chung vui. Người lính Sư Đoàn 18 năm nào, vẫn còn đó đầy ắp nhiệt tình.

Dưới sự điều động của anh Minh, một đội Hỏa Đầu Quân thật hùng hậu với các kiện tướng như anh Nhân, chị Huyền, anh Tân, anh chị Trung, chị Chánh và chị Thuần đã cho mọi người thưởng thức những bữa ăn thật ngon, thật thịnh soạn và chu đáo. Cũng không quên nhắc đến tấm chân tình của chị Oanh, quản gia Bạch Gia Trang và sự giúp đỡ của vợ chồng anh chị Xứng, những nhân sự gắn bó với Bạch Gia Trang. Đó cũng là tình quân dân cá nước.

Gặp nhau tuy vui nhưng vẫn không quên qúy anh Thương Phế Binh còn kẹt lại ở quê nhà, Huynh Trưởng/Niên Trưởng Nguyễn Nhựt Châu kêu gọi trại viên yểm trợ chương trình Cảm Ơn Anh. Số tiền nhận sẽ được chuyển qua bà Hạnh Nhân ở Mỹ. Vẫn biết với hoàn cảnh của Châu Âu nói chung và trại hè với vài chục trại viên nói riêng, không thể nào so sánh được với CĐVN ở Mỹ, nhưng sự chia sẻ này ít nhiều cũng nói lên được tấm lòng.

Dù cố gắng kéo dài thời gian bằng hai đêm ngủ thật ít, nhưng rồi ngày xả trại cũng vẫn đến, sau nghi lễ Hạ Kỳ, nghi thức bế mạc và ăn trưa, mọi người chia tay nhau trong tiếng hát “Thôi mình chia tay, cầu mong anh chiến thắng..” và lời hẹn tái ngộ trong những lần biểu tình, sinh hoạt trong tương lai.




Kết
Trại hè đã qua nhưng trong tôi còn đó ấn tượng về những nhân dáng đặc biệt như: anh Dũng (Nhẩy Dù), trầm lắng, im lặng nhưng rất chịu khó và luôn bận rộn, anh Chánh (TQLC) miệng luôn nở nụ cười dù suốt ngày quần quật cùng công việc, anh Thuận (Liên Đoàn 81 Biệt Kích Nhẩy Dù-BK81ND) hiền hòa, thân thiện, siêng năng cùng với chị Thuận với giọng hò miền Trung độc đáo, anh Hồ Hoa Sen với bản tính cởi mở, năng động, sốt sắng của một cựu Hướng Đạo sinh, trộn lẫn với nhiệt tình và cá tính phóng khoáng ngang tàng của người lính BK81ND, anh Sơn (Trinh Sát) luôn ân cần vui vẻ và mang đến cho mọi người nụ cười cùng sự thoải mái.

Một người đã gợi cho tôi sự chú ý bởi sự im lặng, khép kín. Da đen xạm, tóc soáy quăn, lầm lỳ, câm nín. Suốt ba ngày không thấy anh cười, không nghe anh nói và cặp mắt như nhìn vào một cõi xa xăm. Người anh tỏa ra nét cứng rắn lẫn chịu đựng của một khối đá phẳng lỳ. Ngưới ấy là anh Hoàng, Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu TQL. Khi tôi hỏi những ngày cuối tháng Tư đơn vị thế nào, anh trả lời với giọng nói nhẹ, ngập ngừng như tiếng nấc hụt hẫng “Tháng 3 mình gẫy súng rồi”. Anh Chánh, Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC, tiểu đoàn với khả năng chiến đấu và những vị chỉ huy đầy huyền thoại, đứng cạnh tiếp lời, “Tan rã hết”.

Anh Chánh với cánh tay và bộ ngực đầy sẹo, dấu vết của lần bị bắt xóa giòng chữ xâm TQLC sát cộng. Nhưng vẫn còn trên tay mờ mờ 4 chữ TQLC và huy hiệu Sư Đoàn TQLC trên ngực.
Câu truyện ba người xoay quanh những trận đánh và những vị chỉ huy lừng danh (mà tôi chỉ được biết qua sách báo) của hai đơn vị thiện chiến này. “Tôi chưa có lệnh giải ngũ, nếu ngày mai có lệnh cầm súng lên đường, tôi sẽ đi” anh Chánh nói trong sự hăng hái xen lẫn cảm xúc. Tôi vỗ vai và bắt tay anh thật chặt với khóe mắt đỏ hoe. Chữ nghĩa trở thành thừa thãi trong những lúc như thế này. Bên cạnh đó tôi thấy những giọt lệ lăn dài trên má anh Hoàng.

Giọt nước mắt khóc cho Quê Hương – giòng lệ tiếc thương Người nằm xuống.




Các anh đã sống những ngày tháng hào hùng nhất của một đời người. Đã cống hiến máu, mồ hôi, nước mắt và cả một thời trai trẻ. Đã gắn liền đời mình vào những địa danh vang lừng chiến sử. Và hôm nay dù mái tóc đã điềm sương và tuổi đời chồng chất, nhưng vẫn còn đó trái tim rực lửa.

Thật khó tìm thấy ở một quân đội nào, những người lính rất nhỏ, nhưng cũng rất lớn như những người Thiếu Sinh Quân Việt Nam và cũng thật khó thấy một quân đội nào có những người lính thật già (về tuổi đời) nhưng cũng thật trẻ (về nhiệt tình) như Người Lính Già Lê Minh Trí, Nguyễn Nhựt Châu.
Những người Lính VNCH hôm nay như những người Samurai, Ronin của qúa khứ. Những người Tận Trung Báo Quốc, Sống-Để-Chiến-Đấu và Chết-Cho-Lý-Tưởng.
 
 Ở đây chúng ta tạm gác qua sự khác biệt về lý tưởng ở mỗi quốc gia vào mỗi thời đại. Làm sao còn tìm được hình ảnh một Samurai trên đường phố Tokyo hôm nay, nhưng ai có thể chối bỏ tinh thần của họ vẫn tiềm tàng sống mãi trong lòng dân tộc Nhật. Cũng như các anh luôn sẽ là những Người Lính Sống Mãi Với Quê Hương.

…Cũng những ngày hè này, 40 năm trước, cơn bão lửa tàn khốc đổ ập về thiêu đốt quê hương. Trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm ấy Quân và Dân Miền Nam đã đứng vững, vươn lên và vượt qua. Gót chân các anh trên bốn vùng chiến thuật đã góp phần tạo thành chiến thắng bi hùng nhất trong quân sử Việt Nam hiện đại.

Mùa Hè năm nay, năm 2012, quê hương đứng bên bờ vực thẳm. Những người con kiệt liệt nhất của Mẹ Việt Nam vẫn còn đây nhưng còn đâu cung kiếm ngày xưa ngoài tấm lòng sắt son cùng đất nước!!!!


Viết trong nỗi buồn nặng trĩu như một lời Tri Ân gởi đến người Lính Việt Nam Cộng Hòa kỳ diệu.

Nguyễn Điền Lăng

23/08/2012

Last edited by anlocdia; 25-08-2012 at 02:44 AM.

 

  Thêm vài hình ảnh nhửng anh em đến sau


  



 


 


 


Anh chị nào đến trình diện trể phép bị phạt gì đây

 


 

  TRẠI HÈ "HUYNH ĐỆ CHI BINH"


  


Phóng sự: Delta81BCD.
Pháp Quốc 20/08/2012

Trại hè là điểm dừng thú vị, thiết thực và lành mạnh nhất. Là cơ hội để gắn kết mối quan hệ với nhau, là một nơi đến rồi chẳng ai muốn đi, về rồi mà trong lòng mọi người vẫn còn đầy lưu luyến, đó cũng là một dấu check đánh dấu sự thành công của Trại hè và cái hay ở đây là mọi người đã tự tìm đến nhau và xây dựng một tinh thần đoàn kết, tích cực nâng cao giá trị tình Huynh Đệ Chi Binh như những tinh túy của đất trời.

“Cuộc sống không có đường cùng mà chỉ có những ranh giới….”. Trong khó khăn ta mới thấy sự đồng tình, ta mới thấy sự tâm huyết hoằng dương trong tình huynh đệ. Trại hè có thành công hay không, ngoài yếu tố khách quan còn có yếu tố nội tại bên trong nữa. Yếu tố ấy chính là tình Huynh Đệ Chi Binh.

Mọi công việc đã được Ban Tổ chức chuẩn bị hoàn tất để bắt đầu cho một buổi chiều nhập trại Thứ Sáu 17/08/2012 sôi động và đầy ý nghĩa. Công việc tiếp nhận trại viên và các sinh hoạt đã đi vào ổn định. Ngay trong đêm hôm đó tràn ngập lời thăm hỏi hòa lẫn tiếng cười đùa rộn rã, mọi người chỉ ngã lưng 2, 3 tiếng đồng hồ cho qua đêm để mong đợi ngày khai mạc vào sáng Thứ Bảy 18/08/2012.

Trời hửng nắng, nhiệt độ vừa phải, có chút gió vi vu. Sau tiếng còi đánh thức của Chiến hữu Nguyễn Khắc Sơn lúc 7 giờ, mọi người bật dậy, nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân, để kịp thời giúp nhau chuẩn bị cho ngày đầu họp trại bắt đầu bằng Nghi Lễ Thượng kỳ với tiếng hát chung thật hùng hồn để lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ thân yêu của dân tộc VN, lá Cờ của Tự do Dân chủ mà bao thế hệ con dân VNCH đã đổ máu bảo vệ, luôn được tung bay trên vòm trời nước Bỉ trong 3 ngày họp Trại hè.
Lá Cờ Vàng còn mang một ý nghĩa sâu đậm là nối kết lại những Người Việt Quốc Gia với nhau tại Hải ngoại này. Mọi người đứng nghiêm ngước nhìn lá Quốc Kỳ Dân tộc từ từ được kéo lên, trong bầu không khí thật trang nghiêm, một tình cảm thiêng liêng dậy lên trong giây phút này, tình cảm cho một nước Việt lúc nào cũng hằng nằm trong trái tim người Việt.




Tuần tự các tiết mục văn nghệ đấu tranh trôi qua một cách ý nghĩa do sự đảm trách nhịp nhàng của hai Chiến hữu Lưu Phát Tấn và Chiến hữu Điền Lăng trong phái đoàn Vinh Danh Cờ Vàng ở Hòa Lan, cách chia xẻ tâm tư qua tiếng đàn, tiếng hát của Bích Xuân, cùng với giọng điêu luyện truyền cảm, luyến láy của Chị Khanh Trang, ẩn chứa đầy nỗi u buồn uất nghẹn cho thân viễn xứ đã làm cho mọi người phải trào dâng những giọt nước mắt trong nỗi cảm xúc khôn nguôi.
 
Những cung bậc tình cảm ấy cứ dâng trào khó tả trong suốt 3 ngày được thể hiện trên gương mặt của tất cả trại viên và gia đình.
 
 Trời càng về khuya, câu chuyện trà đàm càng lôi cuốn qua biệt tài tiếu lâm của Chiến hữu Nguyễn Khắc Sơn. Những hình ảnh như cắt tóc cho các anh chị em ngoài trời do Chiến hữu Chánh (Hòa Lan), buổi lễ Thượng Kỳ, Hạ Kỳ, chào Cờ buổi sáng cùng những bài ca đấu tranh, những giờ họp bàn về tình hình đất nước cũng đủ để nhắc cho mọi người nhớ lại câu: "Vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ".

Thời gian từng nhịp trôi qua, không gian như ngừng hoạt động để chuẩn bị cho một chuổi ngày mới. Dù thời gian có qua mau, quá khứ có thể bị chôn vùi ngoài ý muốn, nhưng những tình cảm, kỷ niệm đẹp trong suốt 3 ngày (17,18,19) cận kề bên nhau cùng với những nụ cười chan chứa, những giọt nước mắt đã rơi, những cái nắm tay không muốn rời trong giây phút chia tay đầy ấp kỷ niệm khó quên ở cái trại hè được mang chủ đề "Huynh Đệ Chi Binh" tại "LA PETITE MAISON BLANCHE" trong Làng Đại Học Louvain-La-Neuve thuộc Vương Quốc Bỉ, một thành phố nhỏ bé yên bình, được mệnh danh là “thành phố đi bộ”, chìm đắm trong không gian cây cối, và toạ lạc ngay giữa là một hồ nước thơ mộng, có những con đường mang những cái tên độc đáo như : nào là con đường Serpetine (tiếng Pháp có nghĩa là “da rắn”), Voie de Roman Pays (dãy phố tiểu thuyết), hay Rue de Violette (tên của một loài hoa màu tím).
 
Louvaine-La-Neuve là một chốn dừng chân lý tưởng cho những ai muốn lánh cái ồn ào náo nhiệt của chốn đô thị, sẽ còn mãi mãi trong trái tim của các trại viên và gia đình.
 
Tất cả như gói gọn hai chữ “Tình Lam” dùng làm hành trang cho mỗi người vừa đi dự trại.

Như đã mở lời từ đầu bài viết về trại Hè: “Trại Hè nào cũng gửi lại những bức thông điệp giá trị, nhưng trại Hè mang chủ đề "Huynh Đệ Chi Binh" tại "LA PETITE MAISON BLANCHE" trong Làng Đại Học Louvain-La-Neuve thuộc Vương Quốc Bỉ năm 2012 này là khung cảnh có nhiều hấp lực nhất…”
 
Tuy các Trại hè đều in đậm ký ức không thể nào quên, từ hoạt động trại, song trên hết là giá trị nhân bản, là giá trị tâm linh dồn tụ ở mỗi cá thể sống và biết sống hết mình, sống cho tổ chức, sống cho tha nhân, sống thuận hòa với môi sinh vạn vật. Điều đó có thể thấy từ sự trưởng thành qua kỳ trại Hè "Huynh Đệ Chi Binh" này của mỗi tự thân chúng ta, chứ không thể có từ bên ngoài đem lại.

Trong bài phóng sự nhỏ này, tôi xin được đính kèm theo bài thơ của người Lính già Lê Minh Trí, nguyên Hội trưởng Hội CQN/QLVNCH tại Vương Quốc Bỉ để thấy rằng thời gian không thể làm phai nhạt tâm khảm của người lính già qua nội dung bài Thơ "CHÀO CỜ NHỚ QUÊ" kế đến cũng không quên ngưỡng mộ và chân thành cám ơn công sức của các Chiến hữu trong BTC trại Hè "Huynh Đệ Chi Binh".

2.      

  CHÀO CỜ NHỚ QUÊ


  


"Louvain" vùng đất lạ,
Nao nao hồn lữ thứ,
Chạnh lòng nhớ quê nhà.
Nhìn đâu đâu cũng lạ,
Không giống xứ sở ta,
Không tiếng gà gáy sáng,
Trưa chẳng tiếng ve kêu,
Chẳng cụm khói lam chiều,
Nhớ đàn trâu về chuồng,
Khi hoàng hôn buông xuống,
Nhớ bữa cơm thiếu thốn,
Leo lét ánh đèn dầu,
Khung trời quê tôi đâu ???
Trải qua cuộc bể dâu,
Biết bao tình thương nhớ,
Bạn bè cùng chiến hữu,
Tản mát khắp nơi nơi.
Thằng cải tạo nhớ đời,
Đứa chết ngoài biển khơi,
Thằng cố nuốt hận đời,
Nơi quê nhà yêu dấu...
Nay lưu lạc xứ người,
W.E. chiều tha hương,
Được bấy nhiêu tình thương,
Toại nguyện lòng mong ước.
Qua nụ cười ánh mắt,
Nhiều bàn tay góp nhặt,
Làm nên bữa cơm lính,
Thoải mái và chân tình...
Giờ nhớ lại quê hương,
Hai mươi năm chinh chiến,
Đơn vị xưa hãnh diện,
Ngạo nghễ lá Cờ Vàng,
Người lính cũ thẳng hàng,
Hát Quốc ca rền vang.
Chào Thượng kỳ buổi sáng,
Chào Hạ kỳ buổi chiều,
Y chang như đơn vị,
Lúc chưa bị tan hàng.
Giờ đây thân lưu lạc,
Hạnh phúc còn gặp nhau,
Nơi khung trời mới lạ,
Cuối tuần riêng chúng ta,
Mong sao tình chiến hữu,
Mỗi ngày thêm đậm đà.
Tình Huynh Đệ Chi Binh,
Mãi mãi không cách xa..."


Louvain-La-Neuve,
17,18,19/8/2012

Lính già. LMT

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-15/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link