Phát hiện bệnh lạ giống AIDS ở châu Á
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện
một căn bệnh mới, bí ẩn khiến hàng chục người ở châu Á và một số ở Mỹ có các
triệu chứng tương tự như mắc “căn bệnh thế kỷ” AIDS dù họ không nhiễm virus
HIV.
Hệ miễn dịch của các bệnh nhân mắc căn bệnh lạ sẽ bị
hủy hoại, khiến họ không thể chống đỡ các mầm bệnh như những người khỏe mạnh.
Giới khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng căn bệnh
dường như không dễ lây lan qua tiếp xúc.
Theo tiến sĩ Sarah Browne đến từ Viện Dị ứng và các
bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, đây là một dạng suy giảm miễn dịch mắc phải mới,
không di truyền và chỉ xuất hiện ở người trưởng thành. Căn bệnh này cũng không
lan truyền qua virus như bệnh AIDS.
Bà Browne đã cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu ở
Thái Lan và Đài Loan, những nơi hầu hết các ca nhiễm bệnh lạ được phát hiện kể từ
năm 2004. Báo cáo nghiên cứu của họ vừa được đăng tải trong số ra ngày hôm nay
(23/8) của tạp chí New England Journal of Medicine.
Hãng thông tấn AP dẫn lời tiến sĩ Dennis Maki – một
chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết, ông đã
theo dõi ít nhất 3 bệnh nhân mắc bệnh lạ trong suốt 10 năm qua. Ông nhận định,
căn bệnh có thể bắt nguồn từ một dạng nhiễm trùng nào đó, mặc dù bản thân căn
bệnh có vẻ không lây từ người sang người.
Về cơ chế phát bệnh, nếu ở bệnh AIDS, virus HIV phá
hủy các tế bào T – những “chiến binh” chủ chốt của hệ miễn dịch giúp chống các
mầm bệnh, thì căn bệnh mới không hề tác động tới những tế bào này nhưng gây ra
một dạng tổn hại khác. Nghiên cứu của nhóm Browne đối với hơn 200 người ở Thái
Lan và Đài Loan phát hiện, cơ thể của hầu hết những người mắc bệnh lạ tiết ra
các chất gọi là “kháng thể tự động”, ngăn chặn interferon-gamma – một tín hiệu
hóa học giúp cơ thể loại bỏ các nhiễm trùng.
Việc ngăn chặn tín hiệu cảnh báo khiến những người
mắc bệnh lạ giống như các bệnh nhân AIDS, dễ bị các virus, nhiễm trùng nấm và
ký sinh trùng, đặc biệt là vi khuẩn tấn công, dẫn đến tử vong.
Hiện tại, đối với các bệnh nhân, việc điều trị bằng
thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng. Vì vậy, các bác sĩ đã
thử nhiều biện pháp khác nhau, kể cả dùng một loại thuốc chống ung thư giúp ức
chế việc sản sinh các kháng thể. Căn bệnh này không bộc phát mạnh ở một số bệnh
nhân một khi các nhiễm trùng được chế ngự. Tuy nhiên, hệ miễn dịch trục trặc
nhiều khả năng trở thành một tình trạng mãn tính.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, tính trung bình,
bệnh lạ tấn công các nạn nhân khi họ khoảng 50 tuổi nhưng không xuất hiện ở những
thành viên khác trong gia đình họ. Điều này đã bác bỏ khả năng một gen đơn lẻ là
nguyên nhân gây bệnh. Chuyên gia Browne nói, một số người mắc bệnh lạ đã chết
vì quá nhiều nhiễm trùng, kể cả những người châu Á hiện đang sinh sống ở Mỹ.
Tuy nhiên, trước thực tế rằng, gần như hầu hết các
bệnh nhân cho tới thời điểm này là người châu Á hoặc sinh ra ở châu Á và cư trú
ở nơi khác, nhóm nghiên cứu kết luận các yếu tố về gen hoặc môi trường nào đó
có thể dẫn đến việc khởi phát bệnh.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment