Thursday, August 23, 2012

Bắt tổng giám đốc Tập Đoàn Tài Chính Á Châu – Nguyễn Đức Kiên – Dấu hiệu ra đi của Nguyễn Tấn Dũng?


 

 

Bắt tổng giám đốc Tập Đoàn Tài Chính Á Châu – Nguyễn Đức Kiên
– Dấu hiệu ra đi của Nguyễn Tấn Dũng?

 

Lê Nguyên Hồng

 

Theo thông tin sớm nhất từ các trang mạng Internet tự do như Quan Làm Báo, Thông Tấn Xã Vàng Anh, từ đêm ngày 20/08/2012 rạng sáng nay, sau đó là tại đồng loạt các trang mạng khác, ông Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là, bầu Kiên, “bố già Kiên” – Tổng giám đốc Tập Đoàn Tài Chính Á Châu, kiêm nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng và tổng công ty khác - đã bị công an bắt. Đây là một vụ việc đặc biết nghiêm trọng và chắc chắn những người ra lệnh bắt giữ phải có bằng chứng rõ ràng thì mới dám ra tay với một người như ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông Nguyễn Đức Kiên là một nhân vật nổi danh, du học từ nước ngoài trở về Việt Nam làm ăn. Xuất thân từ binh nghiệp và được đào tạo cơ bản trong ngành quân sự, ông Kiên đã nhảy sang lĩnh vực kinh tế khi quân đội triển khai phát triển sản xuất và kinh doanh như dệt may, điện thoại di động vv.., cho tới hôm nay là các tập đoàn hỗn hợp không rõ ràng giữa quân đội và dân sự như Viettel, Tổng công ty xăng dầu quân đội vv... Ông Kiên còn được biết đến như là một nhân vật có quan hệ với Mafia Việt tại Nga và Hung Ga Ri, theo đồn đoán.

Việc ông Kiên có quan hệ thân mật với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tướng Hưởng là có thật. Đây là thông tin công khai của báo chí nhà nước Việt Nam Cộng Sản, do trang Thể Thao 24 Giờ đưa tin hồi đầu năm 2012. Bản tin nói trên đã xác nhận ông Dũng có “bữa cơm tối thân mật với lãnh đạo VFF và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Đối với ông Hưởng thì đã nhận lời chính thức làm cố vấn cho VFF, thực chất là làm cố vấn bình phong cho Bầu Kiên trong lĩnh vực bóng đá.

Dũng và Hưởng là hai ông lớn thực sự có quyền sinh quyền sát trong tay trên toàn cõi Việt Nam. Tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại chọn ông Nguyễn Văn Hưởng làm cố vấn về an ninh và tôn giáo cho chính phủ thì chỉ có ông Dũng và ông Hưởng biết rõ. Vì ông Hưởng không có nghiệp vụ gì về hai lĩnh vực này. Ông Hưởng đã từng bị cho là “ít hiểu biết về Hoa Kỳ” – theo nguồn tin rò rỉ từ Đại Sứ Quán Mỹ ở Việt Nam – BBC Tiếng Việt loan tin năm 2011.

Việc Bầu Kiên bị bắt không thể là một ngẫu nhiên. Đó chắc chắn là một đòn chính trị nội bộ trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cố chứng minh quyền lực của mình thông qua Nghị Quyết Trung Ương 4. Bởi vì nếu đơn thuần do các sai phạm trong hoạt động kinh tế tài chính thì cần phải bắt nhiều kẻ khác trước ông Nguyễn Đức Kiên.

Như vậy có vẻ như câu chuyện của “Anh Ba” Nguyễn Tấn Dũng sẽ còn nhiều hấp dẫn, bởi vì từ rất lâu, sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam giữa hai phe Nam – Bắc vẫn luôn hiện hữu. Các ủy viên Bộ chính trị người Miền Bắc dường như không mấy đánh giá cao về mặt trí tuệ của các ủy viên khác là người Miền Nam. Việc ông Dũng leo lên chức thủ tướng và gần như khuynh loát toàn bộ quyền hành, trong khi học vấn và năng lực lãnh đạo thực sự là con số “không” tròn trịa, là điều không phải bàn cãi, qua bằng chứng là sự đổ bể của hàng loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước do ông ta trực tiếp quản lý.

Đồng thời ông Dũng được cho là có tư tưởng thân Mỹ, có lẽ cũng chỉ là thông tin đoán mò qua việc con gái ông này lấy chồng người Mỹ gốc Việt mà thôi. Tuy vậy đó cũng là một lý do để những nhân vật như Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa dựa vào đó để mà làm lá bài hạ uy tín của Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, thực lòng mà nói, ông Nguyễn Tấn Dũng không đủ tâm và đủ tầm để lãnh đạo chính phủ. Chỉ riêng việc công khai phát biểu “Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng”, đã cho thấy điều này (tức là ông ta không thể có quan điểm riêng). Và quả thật, đến vụ Vinashin long trời dậy đất như vậy mà cuối cùng cũng “đâu vào đấy” bằng chiêu tái cơ cấu và cho đến nay là “mua nợ xấu”, sát nhập ngân hàng, thì Vinashin đã chính thức chìm xuồng…

Tuy nhiên hiện nay vây cánh và thế lực của ông Nguyễn Tấn Dũng là vô cùng lớn. Liệu phe chống ông Dũng có thành công trong việc hạ bệ ông này hay không, điều đó còn phụ thuộc quá nhiều vào tầm ảnh hưởng của các nước lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng có vẻ như Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đang có trong tay lá bùa “Nghị Quyết Trung Ương 4” khá mạnh. Lá bùa đó còn mạnh hơn nếu nhóm Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang biết sử dụng bài “bỏ phiếu kín” trong các cuộc tạm gọi là “thanh trừng”.

Có vẻ nếu như không có một cuộc đảo chính hoặc những cái chết “bất đắc kỳ tử” như của hai đại tướng Lê Trọng Tấn, và Hoàng Văn Thái dành cho các ông Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa thì đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải “ra đi”. Nói ra đi là theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, vì nếu còn ở lại Việt Nam thì ông Dũng sẽ phải trả lời về vụ Bauxite, vụ Vinashin, và sự kiệt quệ của nền kinh tế nước nhà trong phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ.

Nhưng chừng nào còn thể chế Độc tài do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, thì người dân Việt Nam hãy đừng bao giờ mơ đến một tương lai nào tươi sáng cho họ, bởi đơn giản những vụ tranh quyền đoạt chức, hạ bệ nhau để thâu tóm quyền lực hầu cho dễ bề bán nước cầu vinh của cả một tập đoàn Cộng Sản sẽ không mảy may đem lại điều gì tốt đẹp.

Không có Nguyễn Đức Kiên này thì sẽ có bố già khác. Không có Nguyễn Tấn Dũng thì có Nguyễn Tham Nhũng khác sẽ thay thế vào chỗ trống.

Lịch sử của chế độ Cộng Sản hơn 65 năm qua đã cho thấy điều đó. Thật buồn và xấu hổ thay cho quê hương Việt Nam.

 

Lê Nguyên Hồng

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-23/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link