Saturday, August 25, 2012

BBC:Việt Nam thêm bất ổn với các vụ bắt giữ



THỨ BẢY, NGÀY 25 THÁNG TÁM NĂM 2012


BBC:Việt Nam thêm bất ổn với các vụ bắt giữ



"Bầu" Kiên được cho là một nhân vật thế lực đằng sau hậu trường.

Về vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải của ngân hàng ACB, phóng viên Ben Bland của Financial Times tại Jakarta có bài đánh giá về tình trạng bất ổn kinh tế Việt Nam. BBC Tiếng Việt giới thiệu cùng quí vị:

Buổi chiều thứ Ba, ông cụ hưu trí Trịnh Văn Yên, 72 tuổi, đạp xe tới ngân hàng giữa lúc trời Hà Nội đổ mưa như trút.

Các bài liên quan



CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN



"Con trai tôi vừa gọi điện, bảo bất kể thời tiết thế nào thì tôi cũng phải đi ngân hàng rút hết tiền về," ông nói.

Nơi ông cần đến là ngân hàng Thương Mại Á Châu (ACB), một trong những ngân hàng ngoài quốc doanh lớn nhất.

Lý do khiến ông Yên và nhiều người gửi tiền khác hốt hoảng tới rút hàng trăm triệu đô la từ ACB chính là vụ bắt giữ vị sáng lập ngân hàng, nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên, và tiếp theo là vụ bắt giữ nữa được công bố hôm thứ Sáu đối với Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, bị nghi là phạm tội kinh tế.

Ông Kiên, người cũng sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, là một "nhân vật thế lực đằng sau hậu trường", một nhà đầu tư quen biết ông nói. Nhiều người tại Việt Nam liên hệ tình trạng thất thế bất ngờ của ông tới cuộc tranh giành quyền lực giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với phe kình chống, dường như đã trở nên căng thẳng do tình hình kinh tế đi xuống.

Đây là cú mới nhất trong cuộc khủng hoảng âm ỉ vốn đã tác động tới nước Việt Nam do Đảng Cộng sản nắm quyền kể từ 2008 và làm tổn hại tới uy tín của nước này, một trong các thị trường đang lên nóng nhất Á châu.

KINH TẾ SUY SỤP



Vinashin, tổng công ty nhà nước từng được coi là một đầu tàu kinh tế, đã sụp đổ với khoản nợ hàng tỷ đô la.

"Tình thế ACB làm lộ rõ sự thiếu minh bạch, quản lý yếu kém, sự gian lận, tham nhũng và kinh doanh trái phép," Karolyn Seet, phân tích gia ngân hàng của hãng đánh giá tín dụng Moody tại Singapore nói. "Việt Nam đang tụt hậu so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Phillippines."

Các cú sốc lạm phát khiến người tiêu dùng và cả giới chủ lao động chấn động, càng làm rộng thêm khoảng cách bất bình đẳng xã hội và xói mòn niềm tin vào đồng tiền nội tệ. Tham vọng của Thủ tướng Dũng trong việc tạo ra các đầu tàu công nghiệp cho cả nước trở thành sai lầm nghiêm trọng, với hai tổng công ty hàng hải nhà nước - Vinashin và Vinalines - sụp đổ cùng khoản nợ hàng tỷ đô la.

Nợ khó đòi trong lĩnh vực ngân hàng đã đến mức "báo động", theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, sau sự phát triển quá mạnh trong lĩnh vực tín dụng từ cơn bong bóng địa ốc và đầu tư.

Phạm Trọng Chất, phó giám đốc một công ty sản xuất nước mắm ở Phú Quốc, nói công ty ông đã không thể kiếm được khoản vay 720.000 đô la làm vốn hoạt động và đã phải cắt giảm một nửa lượng lao động thường xuyên xuống còn 200 nhân công, do doanh số bán giảm sút 30%.

Tổng sản lượng quốc dân tăng chỉ 4,4% trong nửa đầu năm nay, so với một năm trước đó là giảm tới hơn 7%, là mức từng hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, từ Standard Chartered, hãng đã mua 15% ACB, cho tới hãng sản xuất chip điện tử của Mỹ, Intel.

TRANH GIÀNH NỘI BỘ


Những người nằm trong Đảng Cộng sản và các nhà phân tích nói rằng cuộc khủng hoảng không đơn thuần chỉ là do kinh tế, mà còn vì chính trị nữa, vì các lãnh tụ chóp bu đã không thích nghi được với tình hình thực tế là nền kinh tế thị trường đang ngày càng trở nên toàn cầu hóa ở Việt Nam. Một số các nỗ lực nhằm cải tổ các công ty quốc doanh và chống tình trạng địa phương cục bộ đã không mấy thành công.


Chủ tịch Trương Tấn Sang mới đây đã có bài xã luận gay gắt, cảnh báo về sự suy thoái của "một số cán bộ".

"Rất khó mà giảm được nạn tham nhũng bởi các nhóm có quyền lợi trong đó bao gồm cả các quan chức nhà nước, các lãnh đạo cấp tỉnh và các nhà đầu tư," ông Đặng Hùng Võ, một trong số nhiều quan chức cao cấp nghỉ hưu muốn có thêm các cải cách theo hướng kinh tế thị trường, nói.

Trong lúc tăng trưởng kinh tế đang chững lại và tình trạng rối loạn xã hội dường như đang tăng, từ các vụ va chạm bạo lực quanh chuyện đất đai cho tới các vụ đình công bất hợp pháp tại các nhà máy, cuộc đấu tranh nội bộ trong giới lãnh tụ đảng đã tăng.

Hầu hết sự giận dữ đều hướng về phía ông Dũng, người mà một số quan chức trong chính phủ và trong đảng nói là đã tập trung quá nhiều quyền lực vào tay mình và tỏ ra ưu ái cho một nhóm nhỏ các tập đoàn tư nhân và công ty nhà nước.

Sau khi thất bại trong việc lật ông Dũng tại đợt tái sắp xếp nhân sự Đảng Cộng sản 5 năm một lần hồi 2011, đối thủ của ông là Trương Tấn Sang, người giữ vị trí Chủ tịch nước hầu như chỉ mang tính hình thức, đã tìm cách chọc sườn ông thủ tướng bằng cách kêu gọi phải có thêm cải tổ kinh tế và tiếp tục chống tham nhũng.

Trong bài xã luận gay gắt đăng hôm thứ Năm, ông Sang cảnh báo Việt Nam đang bị áp lực bởi "các doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ và sự suy thoái ý thức hệ chính trị, đạo đức và lối sống của một số cán bộ."

Hồi đầu tháng, trong một bước đi mang tính biểu tượng, Đảng đã lấy đi vị trí trực tiếp lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng khỏi ông thủ tướng và tái thành lập bộ phận đối nội riêng của mình.

"Khi kinh tế khó khăn và mọi người mất tiền thì Đảng biết mình sẽ bị đổ lỗi," một quan chức cao cấp trong Đảng nói.

Tuy nhiên, Adam Fforde, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Victoria, Australia, nói rằng cuộc khủng hoảng chính trị không chỉ về một người. "Có một khoảng trống chính trị trong giới chóp bu Việt Nam và sự coi thường rộng khắp đối với giới lãnh đạo. Không dễ gì họ thoát khỏi tình thế này."


 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link