Tuesday, August 21, 2012

Vụ án Khmer Đỏ: Ngoại trưởng Cam Bốt bị tố cáo can thiệp vào xét xử






Chủ nhật 19 Tháng Tám 2012

Vụ án Khmer Đỏ: Ngoại trưởng Cam Bốt bị tố cáo can thiệp vào xét xử


Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong, tại sân bay Phnom Penh, ngày 20/07/2011

Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong, tại sân bay Phnom Penh, ngày 20/07/2011

REUTERS

Mai Vân / Phạm Phan


Ngày 15 /08/2012, các luật sư biện hộ cho ông Nuon Chea, một cựu lãnh đạo Khmer Đỏ đang bị xét xử về tội diệt chủng ở Cam Bốt, đã yêu cầu Tòa án xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là phải tỏ thái độ đối với chính quyền Cam Bốt. Các luật sư này tố cáo Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong là can thiệp vào vụ xử.

Thông tín viên Phạm Pham (Phnom Penh)
19/08/2012
More

Từ thủ đô Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan giải thích nguyên nhân khiến các luật sư của ông Nuon Chea phải lên tiếng :

- Phiên tòa xử Vụ Án 002 bao gồm các trọng phạm cao cấp của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đang diễn ra chậm nhưng lại còn nảy sinh một số vấn đề. Sự kiện mới nhất là vấn đề tranh cãi giữa cựu thủ lĩnh Nuon Chea và đương kim Ngoại Trưởng Hor Namhong.

Phía luật sư của Nuon Chea tố cáo ông Hor Namhong và một số giới chức trong chính quyền hiện nay tìm cách can thiệp vào hoạt động của Tòa Án. Phía luật sư Nuon Chea có nhắc lại việc một số giới chức cao cấp trong đó có các ông Heng Samrin và Hor Namhong sau khi bị Tòa gởi trát mời đến làm nhân chứng trong Vụ Án 002 thì lại không chịu đến, thay vào đó họ lại đưa lời phê bình ra báo chí. Hành động như thế, theo luật sư của Nuon Chea là tìm cách can thiệp vào cuộc xử 002 trong đó có Nuon Chea, Ieng Sary, Khieu Samphang.

Lá đơn của phía luật sư Nuon Chea gởi lên Tòa Án Khmer Đỏ trong tuần này đã thỉnh cầu Tòa phải có hành động ngay tức khắc đối với ông Hor Namhong về các phát biểu của ông đối với một nhân chứng về tội ác diệt chủng, cụ thể là vai trò ông Hor Nam vào giai đoạn Khmer Đỏ cầm quyền từ 1975 đến tháng 1/1979. Phía luật sư Nuon Chea đòi Tòa phải kết án công khai hành động của Ngoại Trưởng Hor Namhong.

Sự kiện nổi lên các tranh cãi giữa Ngoại Trưởng Hor Namhong với một người từng cầm đầu chế độ diệt chủng cho thấy thêm sự phức tạp của phiên xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ.

Những cáo buộc nhắm vào Ngoại trưởng Hor Namhong

- Được biết một nhân chứng tên Rochoem Tun ngày 31 tháng 7 đứng thề trước Tòa rằng ông biết quá khứ Ngoại Trưởng Hor Namhong thời gian điều hành Trại Tạm Giam Boeng Trabek.

Thời kỳ Khmer Đỏ cai trị Cam Bốt, dù ngắn ngủi nhưng gây ra nhiều tội ác đối với dân Khmer. Với hệ thống trại tù khủng khiếp được thiết lập trên khắp đất nước để tra tấn, hành hạ, giết hại bất cứ ai mà chế độ cho rằng muốn chống lại cái gọi là “cách mạng”. Trại Tạm Giam Boeng Trabek là một trong những trại tù ghê rợn này, được điều khiển và hoạt động theo mô hình trại tù Gulag của Liên Bang Sô Viết khởi đầu từ thập niên 1920.

Trại Tạm Giam Boeng Trabek nằm trong thủ đô Phnom Penh, cách Trại Tù Toul Sleng vài cây số. Hiện nay ở khu vực này còn một trường trung học cũng mang tên Boeng Trabek nằm ở đại lộ Monivong, đại lộ mang tên vị vua trong lịch sử Cam Bốt.

Được biết hiện nay trong xã hội Cam Bốt còn nhiều người sống sót sau thời kỳ Khmer Đỏ, họ có thể là người thân của nạn nhân bị Khmer Đỏ giết hay họ từng bị giam tù dưới thời Khmer Đỏ.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ người làm chứng tên Rochoem Tun đã ra trước Tòa tuyên thệ vì được Tòa gọi đến theo sự cung khai của Nuon Chea, hay là nhân chứng này tự nguyện đến Tòa khai báo những gì thấy được tại Trại Tạm Giam Boeng Trabek vào thời kỳ 1975 - 1979.

Nội dung bản tuyên bố của ông Hor Namhong

- Ngoại Trưởng Hor Namhong trong thông báo đưa ra ngày 2/8 nói có một số người mang ý định chính trị hóa Vụ Xử 002 mà nạn nhân bị nhắm tới là cá nhân ông. Bản tuyên bố này đưa được ra nhanh chóng chỉ sau vài ngày nhân chứng Rochoem Tun thề trước Tòa.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hor Namhong bị tố cáo từng điều hành một trại tạm giam dưới thời Khmer Đỏ, và cũng không phải là lần đầu mà ông cực lực bác bỏ lời tố cáo này. Cách nay hơn 2 năm ông Hor Namhong đã đâm đơn kiện một nhà báo vì đã viết bài tường thuật quá khứ làm cai tù của ông Hor Namhong cho chế độ diệt chủng.

Phía luật sư Nuon Chea tỏ thái độ ủng hộ nhân chứng Rochoem Tun, bởi vì không ai rõ các hoạt động trại giam dưới thời Khmer Đỏ bằng những người cầm đầu chế độ diệt chủng. Người ta cũng còn nhớ việc trốn tránh của Duch trong gần 20 năm tại vùng Tây Bắc Cam Bốt sau khi đương sự bỏ chạy khỏi Trại Tù Tuol Sleng năm 1979 lúc bộ đội Hà Nội tiến quân vào Phnom Penh. Duch từng cầm đầu Trại Tra Tấn Tuol Sleng, sau đó giả dạng để làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, rồi bị một nhà báo phát hiện ra quá khứ đương sự.

Nhiều giới chức cao cấp trong chính quyền hiện nay từng có quá khứ xuất thân từ phong trào Khmer Đỏ, đây là một sự thật không cần tranh cãi.

Tuy nhiên đối với bản thân họ thì việc phủ nhận có dính dáng đến chế độ diệt chủng là điều tất nhiên, không ai chịu nhận mình là cha ăn cướp. Hơn thế nữa, trong vị thế hiện hành như một ngoại trưởng thì cá nhân ông Hor Namhong càng phải mạnh tiếng bác bỏ cáo buộc nhắm vào cá nhân ông để giữ thể diện, hai là khỏi bị mất chức vụ cao cấp một khi bị truy tố ra tòa, vì có thể bị tù giam nhiều năm do mang tội giết người.

Một vấn đề nữa mà công luận đang chờ đợi sự lên tiếng của các bị cáo bao gồm Nuon Chea, Ieng Sary, Khieu Samphang. Ieng Sary thì giữ thái độ ít nói hầu như im lặng, còn Khiêu Samphang chối không có dính dáng. Chỉ có những nhân vật này biết rõ các nhân vật cao cấp trong chính quyền hiện nay vào thời kỳ 1975- 1979, và trước đó nữa, đã nắm giữ vai trò gì, có gây tội ác không, gây tội ác nhiều hay ít??? Điều này hiện nay thì rất ít thông tin do Tòa Án công bố và phiên tòa cứ kéo dài chậm chạp không tiến triển mấy so với chi phí khổng lồ do quốc tế đóng góp.

Tòa án Liên Hiệp Quốc khó thể đáp ứng yêu cầu của các luật sư bên bị cáo

- Hồi năm 2009, Tòa Án phát đi trát lịnh mời vài giới chức cao cấp trong chính quyền đến Tòa để cung cấp các chi tiết trong Vụ Xử 002. Tuy nhiên, số giới chức này không đến và cho đến nay, Tòa cũng chưa thể hiện được biện pháp gì hiệu quả để đưa họ đến.

Việc luật sư của bị cáo Nuon Chea thỉnh cầu, chưa nhận được ý kiến của Tòa Án. Nhưng đối tượng trong vụ thỉnh cầu này là ông Hor Namhong thì phần chắc cho thấy Tòa khó mà đụng được tới ông.

Từ trước đến nay, báo chí và ngay LHQ cho rằng chính quyền Cam Bốt gây sức ép chính trị lên Tòa Án Khmer Đỏ. Nhưng không thấy nói cụ thể là sức ép đó nhằm mục đích gì. Sự kiện nảy sinh mới đây như đã trình bày bên trên cho chúng ta biết được, sức ép chính trị chỉ nhằm mang lợi ích cho giới cầm quyền hiện nay, kể cả sẳn sàng che giấu hay phủ nhận quá khứ cũng như mối quan hệ với kẻ cầm đầu chế độ diệt chủng mà một thời họ nằm trong guồng máy này với các thứ bậc khác nhau.

Sức ép đó cũng còn được hiểu là nhằm che giấu mối quan hệ giữa những người cầm đầu Khmer Đỏ với Bắc Kinh để Bắc Kinh không liên hệ gì tới các tội ác diệt chủng kinh khiếp do một đảng Cộng Sản chư hầu thực hiện. Bắc Kinh đã phủi tay với các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ vào đầu thập niên 1990, khi phong trào này tan rã và cùng lúc đó Bắc Kinh khởi đầu xây dựng được mối quan hệ mới với chính quyền Phnom Penh do ông Hun Sen cầm đầu mà họ cho là sẽ đóng góp tích cực cho mưu đồ của họ trong giai đoạn mới tại Đông Nam Á.

Sau cùng thì chúng ta cũng nhận biết được vai trò khá bị động của Tòa Án trong bối cảnh chính trị tại Phnom Penh hiện nay.






 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-15/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link