08/12 |
Chùa Không Pháp
Để ý mấy tuần nay nhưng chưa có cơ hội tiếp xúc, bữa nay thấy chàng trai nọ gương mặt đầy căng thẳng bước ra cổng, ông lão gác cổng Giác Không bèn ngừng quét sân, ngẩng lên chào chàng trai nọ, rồi hỏi:- A Di Đà Phật! Chú lại đi dạo?
Chàng trai nọ định rảo bước, chợt nghe ông lão gác cổng hỏi, bèn khựng lại, khẽ gãi sồn sột lên mang tai, nói:
- Vâng! Cháu phải đi một chút! Trong chùa ngột ngạt quá, chịu không nổi.
- A Di Đà Phật! Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Chàng trai định bước đi, nhưng nghe câu được, câu mất, bèn nán lại hỏi.
- Bác vừa bảo gì cơ ạ?
Ông lão Giác Không nói:
- Tôi bảo: Người vui thì cảnh cũng vui. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Chàng trai gượng cười, nói lấp lửng:
- Vâng! Cháu cứ ngỡ…
Ông lão Giác Không:
- Cho tôi hỏi cậu một câu. Nếu thích thì cậu trả lời, ngược lại cậu đừng nói gì cả nhé.
Chàng trai đáp:
- Bác cứ hỏi đi!
Ông lão Giác Không:
- Từ bữa chú tới chùa đến nay tôi thấy khí sắc của chú không được tốt lắm. Chú có chuyện gì hay sao mà phải tìm tới chốn này?
Chàng trai khẽ gãi gáy, đáp:
- Không… À mà vâng! Ở nhà cháu thấy đau đầu, não ruột quá. Cứ ngỡ tìm đến nơi này sẽ thấy vui hơn. Ai dè cũng đau đầu chẳng kém ở nhà.
Ông lão Giác Không:
- Cậu vừa bảo sao? Cậu tính đến chùa để tìm nguồn vui ư? Vui thú gì cái chốn thanh lặng này?
Chàng trai đáp:
- Vâng! Thế cháu mới càng thấy đau đầu.
Ông lão Giác Không chắp một tay trước ngực, thủng thẳng nói:
- A Di Đà Phật! Vậy thì cậu phải nên đi dạo nhiều một chút. Nhìn cảnh, nhìn người cho thấu. Biết đâu cậu chẳng tìm lại cho mình đôi chút bình yên?
Chàng trai đáp:
- Vâng! Cháu đi đây!
Ông lão Giác Không nhìn theo chàng trai nọ, lắcđầu, khẽ thở dài.
***
Cả buổi chiều không thấy chàng trai nọ trở lại chùa, rồi tới bữa cơm chiều cũng thấy chàng trai xuất hiện. Sư trụ trì dùng cơm chiều xong, đi ngang qua hậu sảnh, thấy ông lão Giác Không còn lúi húi tỉa cây, bèn bước lại hỏi.
- Sao bác không nghỉ tay rồi dùng cơm chiều đi. Cơm canh nguội cả rồi.
Nghe tiếng Sư trụ trì vang lên sau lưng, ông lão Giác Không vội ngưng việc, chắp tay đảnh lễ:
- A Di Đà Phật! Con đang dở tay. Để chút nữa con dùng cơm sau cũng được.
Sư trụ trì bước lại gần ông lão Giác không, rồi hỏi:
- Bữa nay bác có thấy cậu trai trẻ đâu không? Chiều nay không thấy cậu ta dùng cơm chiều.
Ông lão Giác Không đáp:
- A Di Đà Phật! Chú ấy đi rồi!
Sư trụ trì hỏi:
- Đi đâu thế bác? Chú ấy muốn ở lại đây ít tháng, sao giờ lại bỏ đi?
Biết mình lỡ lời, ông lão Giác Không vội vàng nói.
- A Di Đà Phật! Con nói không rõ nghĩa, để Thầy phải hiểu lầm. Chả là hồi trưa, con thấy tướng sắc cậu ấy mỏi mệt quá nên khuyên cậu ta nên đi dạo lâu một chútđể có thời gian mà soi cảnh, thấy người, để tìm sự tĩnh lặng cho chính mình. Chẳng dè cậu ấy đi mà không về…
Sư trụ trì nói:
- Cậu ấy còn trẻ mà tính khí đã ngạo mạn và nóng nảy quá. Hy vọng là cậu ấy còn trở lại. Để thư thả ít hôm, có cơ duyên tôi sẽ trò chuyện với cậu ta, xem cụ thểthế nào.
Ông lão Giác Không chắp tay trước ngực đáp:
- A Di Đà Phật! Được vậy thì tốt cho cậu ấy quá. Thôi, để mời Thầy về nghỉ, kẻođã trễ rồi.
Sư trụ trì cũng chắp tay, đáp lễ rồi thong thả đi xuyên qua khu hậu viên, về phòng nghỉ.
***
Đêm đã khuya. Ông lão Giác Không định xả thiền rồi rời chánh điện để về phòng nghỉ ngơi, nhưng thoáng nghe tiếng bước chân quen thuộc rón rén bước vào chánhđiện, nên ông lão Giác Không bèn cố nán lại, rồi giả như còn đang ngồi thiền.Được một lát thì nghe tiếng thân người đổ gục xuống sàn chánh điện, kế đó là tiếng sột soạt chỉnh lại thế ngồi. Nhưng chỉ được ít phút sau thì tiếng gáy đã lại vang lên, rồi kế đó lại là tiếng người đổ gục xuống sàn nhà. Thấy vậy ông lão Giác Không giả đò không hay biết, bèn lớn tiếng tụng kinh:
… Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị…
Nghe tiếng tụng kinh quá lớn, bóng người đổ gục dưới sàn như chợt tỉnh, bèn vội vàng lồm cồm ngồi dậy, bắt chân kiết già, dường như muốn tiếp tục ngồi thiền, nhưng tiếng ông lão Giác Không lại đột ngột vang lên.
… Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng, bất giảm, thị cố…
Ông lão Giác Không chưa tụng hết câu thì thấy bóng đen phía sau nhổm dậy, đi vội lên phía mình, khẽ nói nhỏ.
- Bác ơi!
Ông lão Giác Không tảng lờ không nghe thấy, vẫn tiếp tục tụng kinh:
… thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức, vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp…
Đoán ông lão Giác Không không nghe thấy tiếng mình gọi, bóng đen phía sau bèn bước lại gần, rồi khẽ đập lên vai ông lão Giác Không, nói.
- Bác Giác Không! Bác làm ơn tụng kinh nhỏ một chút thì cháu mới toạ thiền được.
Ông lão Giác Không giả bộ giật mình, bừng tỉnh, nói.
- Ai thế?
Tiếng bóng đen vội đáp.
- Cháu đây bác!
Ông lão Giác Không thoáng mỉm cười trong bóng đêm, nói.
- Cậu đấy à? Về từ hồi nào, mà làm tôi hết cả hồn.
Tiếng bóng đen:
- Cháu về lúc nãy, rồi vào ngồi thiền luôn trong này.
Ông lão Giác Không:
- Vậy sao? Vừa nãy tôi nghe có tiếng ngủ gục, rồi tiếng ai gáy, lại ngỡ mấy chú Phật tử nghỉ tá túc qua đêm tại chánh điện.
Tiếng bóng đen:
- Đâu có ai. Nãy giờ chỉ có cháu ngồi thiền trong này. Làm gì có tiếng ai ngủ gục rồi gáy đâu bác? Mà sao hôm nay bác tụng kinh to thế? Thường ngày bác đâu có tụng kinh khuya như thế này?
Ông lão Giác Không mỉm cười đáp:
- A Di Đà Phật! Tụng kinh to cũng là để nhắc mình, nhắc người đừng hôn trầm, rồi ngủ gục.
Tiếng bóng đen:
- Nhưng nghe tiếng bác tụng kinh, cháu chẳng thể tọa thiền được nữa.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy đối với cậu thế nào mới là tọa thiền?
Tiếng bóng đen:
- Thì cháu cũng như bác! Ngồi bán già hay kiết già rồi quán tưởng.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Tổ Huệ Năng dạy: “Ngoài đối với cảnh giới thiện ác tâm không khởi là toạ; Trong thấy được tự tánh chẳng động ấy là thiền”. Nghĩa là 6 giác của cậu tiếp xúc với 6 trần mà tâm không khởi vọng tưởng; tự tánh của cậu vốn thanh tịnh, cậu luôn giữ cho tự tánh ấy chẳng khởi rồi duyên đắm theo sắc trần, ngay chính lúc ấy, dẫu cậu đang đi ngoài đường, hay ở chợ, quán… là cậu đã đang tọa thiền rồi, chứ đâu nhất thiết cậu phải ngồi bán già, hay kiết già rồi quán nọ, quán kia mới là thiền? Lòng cậu giờ không yên, tâm vừa gặp cảnh đã luyến ái theo cảnh rồi vướng kẹt trong cảnh đó nhưng lại ngỡ mình đang quán tưởng.
Tiếng bóng đen:
- Bác bảo sao ạ? Sáu giác tiếp xúc 6 trần? Rồi đi ở ngoài đường cũng có thể thiềnđược? Vậy thì tại sao cháu thấy mọi người vẫn cứ phải ngồi toạ thiền? Ở nhà cháu cũng thích ngồi thiền vào lúc đêm khuya.
Ông lão Giác Không:
- Sáu giác là nhãn-nhĩ-tỉ-thiệt-thân-ý, tức là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý của cậu; còn 6 trần là sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp. Cậu thử nhìn cái lọ hoa trên bàn thờPhật kia rồi nói cho tôi biết, lọ hoa đó thế nào? Tiếng bóng đen:
- Dạ! Cháu thấy lọ hoa đó rất đẹp, nhưng có những bông đang héo.
Ông lão Giác Không:
- Nếu như tôi tặng cậu lọ hoa kia cậu sẽ chọn những bông nào?
Tiếng bóng đen:
- Dĩ nhiên cháu sẽ chọn những bông đẹp và còn tươi.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cậu thấy cái đẹp và cái xấu, rồi cậu ham cái đẹp; bỏ cái xấu. Cái đẹp-xấu ấy chính là sắc. Phật nói: Sắc tức thị không, không thức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Nghĩa là: Sắc cũng chính là không, không cũng chính là sắc, sắc cũng giống như không, không cũng giống như sắc. Cái mà cậu cho là nó còn đẹp, còn tươi kia và cậu ham muốn có nó, nó chính là sắc tướng. Tại sao Phật gọi nó là sắc tướng? Vì cậu có thể phân biệt được nó còn tươi, còn đẹp, nhưng cái sự tươi và đẹp ấy nó đâu có tồn tại vĩnh hằng? Ngược lại chỉ vài tiếng nữa, hoặc nửa ngày, hoặc một vài ngày nữa thôi, những bông hoa mà cậu yêu thích, nó cũng sẽ lụi tàn như những bông khác. Khi ấy nó sẽ không còn tồn tại trên bàn thờ nữa, mà những bông hoa ấy sẽ được ném vào thùng rác. Nói cụ thểhơn: Cái mà cậu ưa thích nó chính là sắc, cái sắc ấy chỉ là nhất thời rồi cũng sẽ hư hoại. Cũng tương tự cái xác thân của tôi, của cậu, của tất cả chúng sanh trong thế gian này cũng không vượt ra khỏi vòng quay đó. Đối với vạn vật sắc chính là sự Thành-trụ-hoại-không. Đối với con người là Sanh-lão-bệnh-tử. Do vậy sắc ấy chính là Không. Cái Không này nhiều người lầm tưởng là nó không hiện hữu. Rồi bảo Phật pháp nói cái gì cũng Không cả. Rồi nhiều người hoặc là chẳng tin, hoặc là đi chấp cái Không ấy, cho nó là vĩnh viễn. Không ấy phải thế! Hiểu thếlà không tin Phật và hiểu sai về giáo lý của Phật. Cái Không mà Phật nói này không phải là những bông hoa kia, cũng không phải là tôi, là cậu không từng hiện hữu. Thực tế là nó, là tôi, là cậu đã từng hiện hữu, nhưng rồi thời gian sẽ khiến những bông hoa hư hại, và thân xác tôi và cậu cũng sẽ hư hoại. Những chuyện mà cậu nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy ấm ức hay phật ý trong lòng khi đến nơi này nếu cậu khéo dụng ý của Phật thì những thứ ấy cũng sẽ chỉ là Không.
Tiếng bóng đen ngắt lời ông lão Giác Không:
- Bác nói làm sao ấy chứ. Những bông hoa kia cho dù nó khô héo, rồi bị ném vào thùng rác thì nó vẫn đã tồn tại. Cũng như cháu và bác, dù có chết đi, thì cũng không ai có thể nói: cháu và bác đã không có mặt trên cõi đời này. Như thế làm sao có thể coi đó là Không được?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Điều cậu băn khoăn cũng chính là điều mà không ít người cũng từng suy tưởng như vậy. Tất cả cũng từ một chữ Chấp mà ra. Chấp xấu-đẹp; chấp hay-dở;chấp thắng-thua; chấp thiệt-hơn; chấp cao-thấp; chấp thiện-ác… những cái chấp ấy thay vì phải được quán chiếu, phải xả đi, thì mọi người lại tìm cách chôn mãi trong tâm. Cậu thử nghĩ đi: Ở đời tôi, cậu và những người cậu từng quen, từng gặp, chúng ta chưa từng có những sai lầm, chưa từng phạm lỗi chăng?
Tiếng bóng đen:
- Dĩ nhiên là có chứ bác!
Ông lão Giác Không:
- Người mê thì chấp đó là có. Người trí thì coi đó là Không. Không lúc này không phải là cái sai, cái xấu của mình không tồn tại. Nó có đấy, nhưng chúng ta kiên quyết sửa đổi những sai quấy ấy và hứa với chính mình sẽ đừng bao giờsai quấy nữa. Vậy là những cái quấy ấy đã từ Có mà trở về Không. Sai quấy là Sắc. Nó là sắc vì ta nhận ra được. Nhưng nhận ra rồi thì kiên quyết sửa bằng được, rồi cũng kiên quyết không phạm lỗi lầm, thì Sắc ấy chính là Không. Ông lão Giác Không ngừng lời như nén một tiếng thở dài rồi nói tiếp – A Di Đà Phật! Người thời nay cái hay của mình hoặc là giữ rịt cho bản thân, hoặc muốn người đời tôn vinh mãi, nhưng cái dở, cái xấu, cái chưa hoàn thiện của mình thì hoặc là tìm cách ém nhẹm đi, hoặc là không chịu nhận, không chịu sửa đổi, hoặc là đổ thừa cho kẻkhác. Đó là tạo nghiệp. Là mê-chấp. Mê-chấp ấy là sắc. Nhưng cậu dùng cái gì đểphân biệt?
Tiếng bóng đen:
- Dĩ nhiên là đôi mắt rồi!
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cậu lầm rồi! Đôi mắt vốn chỉ có chức năng nhìn, còn biết nó xấu-đẹp là do cái tâm phân biệt của cậu nó khởi lên, rồi chấp trước sự xấu-đẹp đó, để rồi cái đẹp thì mình đem lòng yêu thích; ngược lại mình sẵn sàng ruồng bỏ nó. Việc cậu chọn hoa là một ví dụ. Suy rộng ra trong gia đình, ngoài đời, xã hội… ai ai cũng chỉ muốn nghĩ lợi cho mình, còn phần thiệt thì gán cho người; rồi những cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái hoàn mĩ đều muốn nó thuộc về mình cả; ngược lại những thứ xấu xa, tồi tệ, những cái dở, không hoàn mĩ, những điều bất thiện… đều gắp, hay đổ thừa cho kẻ khác. Tất cả những thứ đó chính là cái tâm phân biệt thiện-ác. Nghĩa là thiện thì là ta, thuộc về ta; còn ác thì chắc chắn là của người khác, thuộc về người khác. Khi tâm phân biệt khởi lên như vậy thì khó có thể thiền được.
Tiếng bóng đen:
- Nhưng chiều nay, đi dạo, cháu đâu có thấy gì đâu?
Ông lão Giác Không:
- Cậu chớ có lầm tưởng. Cái không thấy của cậu lúc ấy là cái không ngơ. Nghĩa là mọi sự xung quanh cậu lúc ấy đều là vô nghĩa. Thậm chí chính bản thân cậu lúc ấy đang nghĩ gì, muốn gì, cậu cũng không hề hay biết. Đó không phải là trạng thái tịnh không, nghĩa là sự tịnh lặng của tâm, trái lại nó là không ngơ, là cái không của sự vô cảm, vô minh. Còn cậu nói thường ngồi thiền vào buổi khuya phải không?
Tiếng bóng đen:
- Dạ! Vì cháu nghĩ khuya sẽ tịnh lặng nên dễ thiền hơn.
Ông lão Giác Không:
- Vậy là cậu nghĩ lầm rồi. Tại sao cứ phải vào lúc khuya? Mà không phải là mọi nơi, mọi chốn? Sự tịnh lặng của không gian với sự tịnh lặng của tâm nó vốn không khác biệt. Cậu chọn sự tịnh lặng của không gian, rồi ngồi ép mình trong sựtịnh lặng ấy và ngỡ nó sẽ giúp mình có thể thiền định được. Và thực tế thì cậu thấy được những gì?
Tiếng bóng đen:
- Bác hỏi được gì là sao ạ?
Ông lão Giác Không:
- Tâm tịnh tất cõi Phật tịnh. Cậu ngồi thiền để làm gì? Thấy gì?
Tiếng bóng đen:
- Ngồi thiền để tịnh tâm!
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy cậu có biết tâm mình ở đâu không?
Tiếng bóng đen:
- Bác hỏi khó thế, làm sao cháu biết?
Ông lão Giác Không:
- Cái tâm của cậu vốn không có nơi, chốn, cũng không có hình tướng, vì vậy cậu không thể nhìn, hay phân biệt được nó. Chỉ khi nào cậu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước… thì lúc ấy cậu mới biết đó chính là tâm.
Tiếng bóng đen:
- Nhưng cháu có phân biệt hay chấp trước gì đâu, mà chỉ thấy toàn thân đau nhức. Lắm hôm, ngồi thiền cháu thấy đầu óc quay cuồng hết cả lên. Vậy là phải vội bò lên giường, rồi ngủ mê mệt lúc nào không hay biết.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cái thấy của cậu lúc ấy là cái đau, nhức của thân; còn cái không thấy là cậu cố đè cái tâm ấy cho nó đừng động, nghĩa là nó được tịnh nhưkhông gian xung quanh cậu. Thực tế là cậu càng cố đè tâm xuống bao nhiêu thì cái tâm ấy càng khởi lên mạnh mẽ bấy nhiêu. Kết quả như cậu đã thấy. Đấy là ma thiền, chứ đâu phải cậu thiền?
Tiếng bóng đen:
- Sao lại ma thiền hả bác?
Ông lão Giác Không:
- Người tìm thiền tất không thể thấy thiền. Người tham thiền cũng không thể thấy thiền. Thiền vốn không thể tìm cầu, cũng không thể tham được.
Tiếng bóng đen:
- Cháu nghe nói muốn đạt được cảnh giới của thiền thì phải tham thiền. Không tham tham thiền làm sau đạt được cảnh giới hả bác?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Tham có hai nghĩa. Nghĩa bóng là sự huân tu một cách kiên định. Nhưng ngược lại tham là sự tìm cầu để đạt được những cảnh giới của thiền. Tham thiền như thế sẽ thật nguy hại. Cậu ngồi thiền mà ý buông thả, tâm tán loạn thì tâm, ý ấy cũng đồng với tâm, ý ma, nên tôi gọi là ma thiền. Con ma thiền trong cậu là ma buồn phiền, ma ngủ, ma sân hận, ma chấp trước… do vậy cậu chỉ ngồi một lúc là toàn thân ê nhức, rồi muốn ngủ gục.
Tiếng bóng đen:
- Có lẽ bác nói đúng! Nhưng thi thoảng, có hôm cháu thấy mình rất thoải mái.
Ông lão Giác Không:
- Rồi thì sao?
Tiếng bóng đen:
- Cháu nghĩ, cháu đã có một chút công năng, và đã đạt được cảnh giới nào đó của thiền định rồi.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Thiền vốn không có cảnh giới, cũng chẳng có công năng. Thiền vốn không có nơi trụ. Thiền cũng không có xuất, nhập. Những cảm giác mà cậu đạt đượcđó vốn không phải thiền.
Tiếng bóng đen:
- Thế bác bảo là gì?
Ông lão Giác Không:
- Không là gì cả. Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng hành thức, diệc phục như thị. Cậu có hiểu mấy câu này không?
Tiếng bóng đen:
- Cháu hiểu còn mơ hồ lắm.
Ông lão Giác Không:
- Cái mà cậu cho là công năng, hay cảm giác thoải mái ấy nó chính là sắc. Bởi nó có đấy rồi cũng lại biến mất, chứ cái có ấy không vĩnh hằng. Nghĩa là nó còn có xuất và nhập. :
Tiếng bóng đen:
- Xuất-nhập là sao hả bác?
Ông lão Giác Không:
- Là cậu ngồi thiền thì thấy sảng khoái, nhưng xả thiền thì lại thấy buồn phiền. Sảng khoái và buồn phiền chính là sắc. Phật gọi là sắc vì nó còn có sự sanh-diệt. Nếu cậu sống và ham thích sống với sự sanh diệt đó thì cậu sẽ không thể có sự tịnh lặng được.
Tiếng bóng đen:
- Nghe bác nói cháu cũng hiểu phần nào, nhưng ngồi thiền mà không đạt được cảnh giới nào thì thiền để làm gì hả bác?
Ông lão giác không:
- A Di Đà Phật!
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy tu đạo tà
Quyết chẳng thấy Như Lai.
Cậu có biết Như Lai là gì không?
Tiếng bóng đen:
- Dạ, là Đức Phật!
Ông lão Giác Không:
- Mới đúng ý nhỏ. Ý lớn của Như Lai mà Đức Phật muốn nói chính là sự tịnh lặng vĩnh hằng của tự tánh, và không còn sự sanh-diệt. Do vậy Đức Phật mới nói:
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy tu đạo tà
Quyết chẳng thấy Như Lai.
Chữ Ta cũng có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nếu dùng sắc tướng để mà thấy Phật (Phật có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp), tất đó chẳng phải là Phật. Bởi sắc tướng mà Phật nói vốn chẳng phải là sắc tướng, mà tạm gọi là sắc tướng. Sắc tướng ấy rồi cũng sẽ tàn phai. Mà thân Phật là Pháp thân, nghĩa là thân bất sanh, bất diệt. Nghĩa thứ hai của chữ Ta là cái Ta của tựtánh – Tự tánh tịch lặng của chính mình. Tự tánh này tất thảy chúng sanh đều có sẵn. Nếu cậu đem cái sự tịch lặng của mình để tìm sự tịch lặng của chính mình,đó không phải là mê lầm, là nghịch đạo sao? Do vậy nếu cậu ngồi thiền, mà thấy mình đang lơ lửng ở một cảnh giới nào đó thì đó không phải là thiền.
Tiếng bóng đen:
- Bác không nói đó là sắc đấy chứ?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cậu nói đúng rồi. Phật dạy:
Tất cả pháp hữu vi
Như huyễn bóng bọt ảnh
Như sương cũng như điện
Thường khởi quán như thế.
Cái cậu thấy đó chính là sắc. Tại sao nó là sắc? Vì cậu nhận thấy nó, cậu cảm giác được nó, và cậu ham muốn nó tồn tại. Nhưng nhữngđiều cậu mong muốn nó đâu có tồn tại vĩnh viễn?
Tiếng bóng đen:
- Bác nói sao ấy chứ. Rõ ràng cảnh giới ấy có tồn tại mà bác bảo nó không tồn tại?
Ông lão Giác Không:
- Nhưng cậu hãy thử xả thiền đi, xem nó còn tồn tại không?
Tiếng bóng đen:
- À… Vâng! Đúng nhỉ! Như vậy thì thiền cũng không phải là pháp tối thượng.
Ông lão Giác Không:
- Mải nói chuyện, tôi quên không hỏi cậu. Thế buổi chiều cậu đi dạo, nhìn được gì, thấu được gì?
Tiếng bóng đen:
- Cháu đi dạo cho khuây khỏa chứ có nhìn thấu được gì đâu?
Ông lão Giác Không:
- Vậy là cậu đã bỏ qua một cơ hội tốt cho chính mình.
Tiếng bóng đen:
- Bác nói cơ hội nào ạ?
Ông lão Giác Không:
- Nhìn thấu người và vật để quán chiếu đó chính là pháp. Pháp quán chiếu. Có quán chiếu được thì mới nhìn thấu và buông xả được; có buông xả mới có tự tại; có tự tại thì tự tánh mới hiện tiền; tự tánh hiện tiền, như như bất động đó chính là Như Lai.
Tiếng bóng đen:
- Nghe bác nói đến Pháp cháu mới chợt nhớ. Ở chùa này tu theo Pháp môn nào hảbác. Theo bác, cháu nên chọn Pháp môn nào? Và Pháp môn nào mới là tối thượng?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy là chú tìm lầm chỗ rồi.
Tiếng bóng đen:
- Sao lại lầm chỗ hả bác?
Ông lão Giác Không:
- Vì chùa này đâu có Pháp! Vả lại cũng chẳng có Pháp nào gọi là Pháp tối thượng cả.
Bóng đen nọ như chực muốn nhổm lên, nói:
- Bác bảo sao ạ? Chùa này không có Pháp? Và không có Pháp gì là tối thượng, thếnhững Pháp mà Phật Thích Ca thuyết trong suốt 49 năm và những cảnh giới mà Phật Thích Ca đạt được sau 49 ngày thiền định đều là giả hết cả sao? Và còn những Kinh Pháp trên những kệ kia là gì hả bác? :
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Những điều cậu đặt ra rất có lý, nhưng cậu phải cảnh giác, bởi cái lý ấy là lý của phàm phu. Những Pháp mà Đức Phật nói ra ấy, Đức Phật nói nó chẳng phải Pháp, cũng chẳng phải chẳng phải pháp, mà tạm gọi là Pháp. Nghĩa là Pháp ấy chỉ nên nương theo mà tu hành chứ không thể vịn vào nó, rồi dính kẹt trong nó. Việc Phật Thích Ca nhập định rồi chứng định là có thật chứ chẳng phải giả. Nhưng nếu suy xét những nghĩa lý Phật dạy thì sự chứng định ấy vốn chẳng phải là chứng định mà chỉ tạm gọi là chứng định. Nhưng người phàm phu lại vin chặt vào đó và coi đó là sự chứng định. Cậu thử suy xét coi: Phật Thích Ca đã là một cổ Phật, nghĩa là người đã chứng pháp thân. Thân Phật là thân kim cang bất hoại. Trí huệ của phật không gì chướng ngại. Có thể một niệm an trụ vô lượng kiếp. Thân cùng các căn không tăng, không giảm… Người như thế đâu cần phải nhập địnhđể chứng cảnh làm gì? Nhưng vì thương xót chúng sanh lầm lạc, nên Đức Phật phải thị hiện trong đời ngũ trược, ác thế, rồi tạo ra các pháp môn để giáo hoá chúng sanh, mong chúng sanh giác ngộ mà giải thoát. Vậy nhưng chúng sanh thì vẫn mê mờ,không chịu giác ngộ. Như vậy là chúng sanh giả, chúng sanh mê mờ chứ đâu thểnói là Phật giả?
Tiếng bóng đen:
- Bác nói cháu chẳng hiểu gì cả. Chùa mà không có Pháp môn thì các Sư tu cái gì? Rồi Pháp Phật nói cũng chẳng phải là Phật pháp; Những kinh Pháp trên kệ kia cũng chẳng phải kinh Pháp, vậy là để làm kiểng hả bác. Tiếng bóng đen thở dài –Vậy là cháu đến lầm chỗ thật à?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Chùa này thật không có Pháp cũng chẳng có kinh Pháp. Sở dĩ Phật nói Pháp mà Phật lại nói Pháp đó vốn chẳng phải Pháp, bởi Pháp ấy cũng không phải do Đức Phật tự chế ra, mà Pháp ấy đều do vô lượng, vô biên ức kiếp các Đức Phậtđã từng nói như vậy. Chính vì vậy mỗi khi Đức Phật thuyết Pháp thì không chỉ một phương, mà cả mười phương Chư Phật đều tán thán. Sự tán thán ấy là bởi Phật Thích Ca đang hoằng dương Phật Pháp. Nếu cậu đến chùa này để tìm Pháp tất chẳng có Pháp để cho cậu tìm, và cậu cũng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy Pháp cả. Cũng như những kinh Pháp mà cậu nhìn thấy trên kệ kia nó vốn chẳng phải kinh Pháp, mà nó tạm gọi là kinh Pháp.
Tiếng bóng đen:
- Bác nói cháu chẳng hiểu gì cả. Kinh pháp là kinh Pháp. Nhưng bác lại bảo: Kinh pháp ấy vốn chẳng phải là kinh pháp, rồi lại nói: đó tạm gọi là kinh Pháp. Thực ra chùa này đang tu cái gì hả bác?
Ông lão Giác Không bật cười:
- Không có tu! Chùa này đâu có Pháp mà tu?
Tiếng bóng đen thở dài não nuột:
- Thảo nào từ bữa cháu tới, cháu chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy công phu gì cả.Sinh hoạt của mọi người chẳng khác gì ngoài đời. Như thế làm sao gọi là chùa, làm sao gọi là tu được?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy theo cậu thế nào mới gọi chùa, mới gọi là tu?
Tiếng bóng đen:
- Cháu nghĩ chùa thì phải ngày đêm câu kinh, tiếng kệ, rồi sáng-trưa-chiều ba buổi công phu. Đằng này cháu chẳng thấy gì cả. Mọi người tu mà hệt như ngoài đời.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy theo cậu thế nào mới gọi là tu?
Tiếng bóng đen:
- Ơ, cháu vừa nói, mà bác lại hỏi lại.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Tôi lặp lại câu hỏi để cậu cân nhắc, nhưng cậu không hiểu ý tôi.
Phật nói: Ở đời có bốn loại mây mưa và cũng có bốn loại người tương xứng với bốn loại mây mưa đó. Loại thứ nhất là loại có sấm, không có mưa. Loại này xứng với người có nói mà không có làm. Loại thứ hai là có mưa, không có sấm. Loại này xứng với người có làm, không có nói. Loại thứ ba là không có mưa, không có sấm. Loại này xứng với người không có nói, không có làm. Loại thứ 4 là có sấm và có mưa. Loại này xứng với người có nói, có làm. Tôi hiểu cậu đang băn khoăn, nhưng có những việc của những người tu hành, con mắt phàm phu của tôi và cậu khó có thểphân biệt và nhận ra được. Chỉ riêng cõi Ta-Bà này có biết bao nhiêu hàng Bồ-tát hoá hiện kỳ thân để giáo hoá chúng sanh. Có Bồ-tát thị hiện, thân chuyên làm những việc thiện. Những việc như thế, người phàm chúng ta vốn rất dễ nhận ra và một lòng tán thán. Nhưng cũng có hàng Bồ-tát hiện thân trong đời ngũ trược, ác thếrồi nguyện làm những việc bất thiện. Những việc như vậy đương nhiên sẽ không được ai chấp nhận, thậm chí còn tìm cách mai mỉa và xa lánh. Nhưng tâm Bồ-tát khác tâm chúng sanh ở chỗ nào, cậu có biết không?
Tiếng bóng đen:
- Dạ! Là bỏ ác, hành thiện?
Ông lão Giác Không:
- Đó là cách nghĩ một chiều của chúng ta thôi. Tâm Bồ-tát khác tâm chúng sanh ởchỗ các pháp đều như như; không có sự phân biệt; không phân trên-dưới; thiện-ác; xấu-đẹp; giàu-nghèo; phước-đức… Sở dĩ có những hàng Bồ-tát hiện thân vào trốn ác đạo, rồi làm những việc tưởng như ác đạo ấy, không phải là tâm của vị Bồ-tátấy đã thối chuyển, rồi đồng với tâm của những chúng sanh trong vòng ác đạo. Trái lại, tuỳ theo sở cầu, sở nguyện mà các Bồ-Tát hoá hiện các thân để giáo hoá chúng sanh. Thông thường người phàm chúng ta thấy thiện thì thích, thấy ác thì bỏ mặc. Thấy đẹp thì ham, ưa thích, mong có cho bằng được, nhưng thấy xấu thì bỏ; Thấy ai khen mình thì vui cười, nhưng bị người chê bai thì nổi sân; Thấy lợi cho mình thì ham, thấy hại cho người thì làm ngơ, bỏ mặc… Vậy là những người làm ác, những người xấu, những người bị bức hại, ai sẽ cải hoá họ, giúp họ hồiđầu? Nhưng Bồ-tát thì không vậy. Nơi nào cần thiện thì Bồ-tát đó sẽ thị hiện đểhành thiện; nơi nào cần phải hành những chuyện bất thiện, tất Bồ-tát đó cũng sẽhiện thân rồi làm những chuyện tưởng như bất thiện. Cái mà hàng phàm phu chúng ta cho là bất thiện đó chỉ là phương tiện để giáo hoá chúng sanh. Còn tâm của Bồ-tát vốn không nhơ, không sạch, thì làm sao có chuyện như chúng ta thường nghĩ được. Do vậy, Bồ-tát dẫu có thân ngập trong bùn nhơ, nhưng tâm ấy vẫn luôn toả sáng; khác với chúng ta, bùn nhơ chưa vấy, nhưng tâm thì đã vướng, nhớp, hôi tanh đầy mùi bùn rồi. Tôi hiểu cậu muốn nói điều gì. Cậu nghĩ: Ở đời, có người thân xuất gia mà tâm không xuất gia; Nhưng cũng ở đời, có người thân không xuất gia mà tâm lại xuất gia? Nói vậy có đúng với điều cậu đang nghĩ chăng?
Tiếng bóng đen:
- Vâng! Cháu nghĩ gần đúng như vậy!
Ông lão Giác Không:
- Đức Phật thường nói: Người xuất gia là người phải phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do vậy nếu chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài mà đánh giá cái sự Tu của người khác, thật không mấy công bằng và cũng thật khó nghĩ bàn phải không cậu?
Tiếng bóng đen:
- Nhưng cháu vẫn nghĩ: Thân đã xuất gia mà tâm không xuất gia, vậy thì sự tu hành đâu còn ý nghĩa hả bác?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Đây là nơi chánh điện, nên cậu phát ngôn phải khiêm kính. Bằng không sẽ mang tội phỉ báng Phật-Pháp-Tăng.
Tiếng bóng đen:
- Cháu đâu có dám phỉ báng ai. Cháu chỉ nói sự thật. Người tu hành phải là gương sáng cho kẻ khác soi rọi. Cháu đang cố kiếm tìm, nhưng chỗ nào cũng thấy bụi bặm, càng kiếm càng chẳng biết lấy gì để soi.
Nghe vậy ông lão Giác Không bèn chắp hai tay, vừa niệm Phật, vừa thủng thẳng nói:
- A Di Đà Phật!
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi nhơ?
Ngay từ khởi đầu tâm của cậu đã có sự phân biệt, chấp trước, đã muốn dùng kính lúp để soi rọi người khác nên cậu mới thấy bụi và không bụi. Tâm của cậu và mọi người vốn không có bụi nhơ, nhưng vì khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, nên có nhơ, có bụi. Hơn thế cậu đã buộc người khác phải hoàn thiện theo ý mình. Tổ Huệ Năng dạy: Người quấy ta chẳng quấy. Ta quấy lỗi kề bên. Người tu hành cũng là con người, nghĩa là vẫn còn tham, còn sân, còn ngã mạn, còn chấp trước, còn mắc lỗi, còn phải sửa, phải tự hoàn thiện chính mình. Đâu thể bắt họ phải làm thánh nhân như mình mong muốn được?
Tiếng bóng đen:
- Ý cháu không phải thế. Nhưng ít ra cũng nên có điều gì để mọi người soi rọi.Đằng này…
Ông lão Giác Không:
- Vậy là cậu đã tự thần thánh hoá người tu hành mất rồi. Ông lão Giác Không khẽthở dài – A Di Đà Phật! Người thời nay thường thích dùng vầng hào quang ảo của mình để soi rọi vào người khác, thay vì quay vào trong để soi rọi chính mình. Làm như thế chẳng phải là chướng đạo, ích kỷ lắm sao?
Tiếng bóng đen:
- Vậy theo bác mọi người phải làm sao?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Đêm đã khuya lắm rồi. Hôm nay kể như tôi và cậu đã có duyên với nhau, nếu cậu có thể nhẫn được đôi phút, tôi sẽ kể nốt câu chuyện này, rồi cậu tự suy ngẫm, biết đâu cậu chẳng tìm được lời giải đáp cho chính mình…
Thời Phật còn tại thế, có câu chuyện kể lại thế này:
Một hôm Thế Tôn thăng tòa, có một Phạn Chí** cúng dường hoa ngô đồng.
Phật bảo: Buông xuống đi!
Phạn Chí buông hoa bên tay trái xuống.
Phật bảo tiếp: Buông xuống đi!
Phạn Chí buông hoa còn lại bên tay mặt xuống.
Phật lại bảo: Buông xuống đi!
Phạn Chí nói: Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa?
Phật nói: Chẳng phải ta bảo ngươi bỏ hoa. Ngươi phải buông xả ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là buông thân xả mạng của ngươi.
Phạn Chí ngay đó ngộ vô sanh nhẫn…
Kể xong chuyện, ông lão Giác Không bèn đứng dậy, giục bóng đen nọ, rồi bảo:
Thôi, gần sáng rồi đấy. Cậu nên về nghỉ ngơi cho lại sức. Ngày mai sẽ là một ngày mới…
* * *
Mới sáng sớm chàng trai trẻ tối qua đã vội vàng đi tìm ông lão gác cổng Giác Không. Nhìn thấy ông lão đang quét sân chùa từ xa, chàng trai trẻ đã nhoẻn cười, mặt tươi rói, bước nhanh lại, nói:
- A Di Đà Phật! May quá! Con gặp bác ở đây!
Nhìn thấy chàng trai diện mạo tươi vui, sáng láng, vai đeo chiếc ba lô, như chuẩn bị đi xa, ông lão Giác Không bèn hỏi.
- Cậu đi đâu mà mới sáng sớm, quần áo chỉnh tề thế kia?
Chàng trai đáp:
- A Di Đà Phật! Con đến chào bác để về nhà.
Ông lão Giác Không thoáng mỉm cười, rồi hỏi.
- Cậu mới đến, sao lại về làm gì? Thế còn chuyện tìm Pháp, không lẽ bỏ dở sao?
Chàng trai nhoẻn cười tươi rói, đáp:
- A Di Đà Phật! Tìm Pháp tất chẳng thấy Pháp! Pháp con tìm không thấy, nhưng con đã có Pháp để tu hành. Giờ con phải ra tàu đểvề nhà, kẻo lỡ chuyến…
Ông lão Giác Không bước lại gần, rồi giơ tay ôm choàng lên hai vai chàng trai trẻ, vừa vỗ nhẹ, vừa nói:
- A Di Đà Phật! Pháp cậu đang có vốn không phải Phật Pháp. Pháp ấy ví như thuyền bè. Qua bến rồi thì đừng vác theo làm gì cho mệt. Cứ thong thả mà đi, tất có ngày tới bến. Tàu đã đến rồi. Cậu lên ngay, kẻo chễ.Chúc cậu thượng lộ bình an!
Chàng trai trẻ chắp tay trước ngực, cúi gập người chào ông lão gác cổng, rồi khoan thai bước ra khỏi cổng chùa.
Đi chừng đôi bước, chàng ngoảnh lại và chợt nhận ra rằng: Từ bữa chàng đến chùa vẫn chưa để mắt đến hàng chữ gắn trên cổng: Chùa Không Pháp!
© Nguyễn Việt Hà
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment