Monday, December 3, 2012

Biển Đông : Cam Bốt bị tố cáo về hùa với Trung Quốc


 

 
CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG - Bài đăng : Chủ nhật 02 Tháng Mười Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 02 Tháng Mười Hai 2012

Biển Đông : Cam Bốt bị tố cáo về hùa với Trung Quốc

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (phải) duyệt đội quân danh dự, Phnompenh, 18/11/2012.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (phải) duyệt đội quân danh dự, Phnompenh, 18/11/2012.
REUTERS/Damir Sagolj

Lê Phước  RFI

Trên hồ sơ tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn cho rằng chỉ có đàm phán tay đôi giữa những nước có liên quan mới có thể giải quyết được vấn đề, trong khi đó các nước tranh chấp khác, trong đó có Phlippines lại muốn quốc tế hóa hồ sơ này vì đàm phán song phương với Trung Quốc sẽ bất lợi cho các nước nhỏ. Dẫn lại quan điểm của Philippines, Courrier International có bài: «Giải pháp khu vực ».
 
Tờ báo nhắc lại, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua ở Cam Bốt, thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen khi phát biểu đã khẳng định là cả khối ASEAN đã không đồng ý quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông. Thế là tổng thống Phlippines Benigno Aquino đã cắt lời thủ tướng Hun Sen để cải chính, bởi vì Việt Nam và Philippines là hai trong bốn nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, không đồng tình với quan điểm của ông Hun Sen. Tờ báo tiếng Anh Manila Times của Philippines còn đăng bài xã luận với những lời lẽ mạnh bạo, như cho rằng thủ tướng Hun Sen đã « nói dối », và còn đề nghị ASEAN trừng phạt Cam Bốt về việc này.

Đây không phải là lần đầu tiên Cam Bốt gây khó dễ cho ASEAN trong năm mà nước này giữ ghế chủ tịch luân phiên của khối. Courrier International nhắc lại, trong hội nghị ngoại trưởng ASEAN hồi tháng Bảy rồi, Cam Bốt còn không chấp nhận đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị. Và đó cũng là lần đầu tiên trong gần nửa thế kỷ từ khi ASEAN ra đời, một hội nghị như thế đã không ra được tuyên bố chung khi bế mạc.

Bàn về giải pháp cho hồ sơ Biển Đông, tờ báo tiếng Anh Philippines Star nhấn mạnh giải pháp đàm phán đa phương, tức quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông. Tờ báo lý luận rằng, vùng nước này có liên quan đến nhiều nước, vì thế nó có mang tầm chiến lược khu vực, từ đó cuộc tranh chấp lãnh thổ ở đó phải cần một giải pháp quốc tế.


Cần xúc tiến Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)
Cũng bàn về tranh chấp Biển Đông, tờ South China Morning Post tại Hồng Kong nhấn mạnh đến giải pháp Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Tuần san Courrier International dẫn lại nhận định của tờ báo này với dòng tựa : «Trung Quốc và Mỹ trong thế so kè».

Tờ báo cho rằng, ASEAN là rất quan trọng với Trung Quốc, vì đây là khu vực bao trùm tuyến đường cung ứng và sản xuất của Trung Quốc với những tuyến đường hàng hải huyết mạch để vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu, lại là vùng có trữ lượng nhiên liệu dồi dào. Trong khi đó, Mỹ lại chuyển hướng chiến lược về vùng Châu Á Thái Bình Dương, đúng lúc các nước láng giềng của Trung Quốc đang phải khổ sở vì bị anh bạn khổng lồ bắt nạt. Thế là các nước này mở rộng vòng tay đón Mỹ vào.

Thêm vào sự hậu thuẫn của Mỹ, chủ nghĩa dân tộc tại các nước có liên quan lại bùng phát, khiến cho căng thẳng với Bắc Kinh càng phức tạp.

Tờ báo cho rằng, các nước ASEAN lo ngại tranh chấp Biển Đông sẽ dẫn đến xung đột quân sự hậu quả khôn lường, vì thế tại thượng đỉnh ASEAN vừa qua ở Cam Bốt, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã yêu cầu Trung Quốc cùng khởi động đàm phán Bộ qui tắc ứng xử Biển Đông COC « càng sớm càng tốt » nhằm đạt đến một thỏa thuận có tính ràng buộc. Trên phương diện chiến lược, Trung Quốc sẽ có lợi khi đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp, vì thế Trung Quốc vẫn theo đuổi lập trường đàm phán song phương.

Trung Quốc tưởng có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng bằng đàm phán song phương. Tuy nhiên, tờ báo cho rằng, Trung Quốc « ngây thơ » khi suy nghĩ như vậy vì : do được sự ủng hộ của Mỹ, do bị chủ nghĩa dân tộc thúc ép, chính phủ các nước có liên quan sẽ không nhượng bộ Trung Quốc trong giải pháp đàm phán song phương.


Trung Quốc sẽ về đâu ?
Bàn về tương lai của Trung Quốc, nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 12 có bài giới thiệu hai quyển sách vừa được xuất bản tại Pháp.
Quyển thứ nhất mang tên « Con đường Trung Quốc » (La Voie Chinoise) của nhà kinh tế Michel Aglietta thuộc trường đại học Paris X-Nanterre - Pháp quốc. Tác giả dựa vào lịch sử văn hóa và chính trị của Trung Quốc để giải thích về sự lớn mạnh và dự đoán cho tương lai của nước này.


Tác giả nhắc lại, làn sóng công nghiệp hóa đầu tiên tại Trung Quốc diễn ra dưới thời Mao Trạch Đông và đã thành công. Bên cạnh đó chính sách y tế và giáo dục cũng mang đến kết quả khả quan : ví dụ như hồi năm 1952, tỉ lệ mù chữ ở Trung Quốc là 80%, nhưng năm 1978 chỉ còn 16%. Trên cơ sở thành công đó vào năm 1978 các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Mao Trạch Đông mới tiến hành cải tổ và đặt trọng tâm vào việc đô thị hóa. Đời sống người nông dân vì thế đã được cải thiện, góp phần khẳng định tính chính danh của Đảng cầm quyền.


Tác giả nhấn mạnh, thành công đó ở Trung Quốc không phải nhờ vào thị trường, mà vào các cấu trúc theo hướng xã hội chủ nghĩa thực tế ở Trung Quốc. Theo tác giả, từ năm 1992 công cuộc cải cách giai đoạn 2 của Trung Quốc bắt đầu với trọng tâm hướng ra thế giới. Giai đoạn này kết thúc khi nổ ra khủng hoảng toàn cầu 2008. Kết quả là 300 triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo, và Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Tác giả dự phóng, nhà nước Trung Quốc đã trang bị cho mình những công cụ can thiệp trong lĩnh vực thuế khóa, tài chính, nghiên cứu… vì thế có thể dựa trên đó để vượt qua khó khăn trong giai đoạn tới. Theo tác giả, thay vì hạn chế quyền can thiệp của nhà nước, thì nên cho nhà nước một vị trí đặc biệt và hiệu quả bên cạnh một lĩnh vực tư nhân được điều tiết bài bản, trong một nền kinh tế nhiều thành phần, mà trong đó động lực phát triển chính sẽ là phát triển nhân lực, phát triển sạch và đô thị hóa có kế hoạch.


Trái ngược với gam màu tươi sáng trong nhận định của La Voie Chinoise, Le Monde Diplomatique giới thiệu quyển sách « Trung Quốc muốn gì ? » (Que veut la Chine?) của François Godement, một sử gia chuyên về Trung Quốc và Châu Á. Godement không quên thừa nhận những thành tựu kinh tế xã hội trong 10 năm qua của thời đại Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, trên bình diện chính trị, đây là « một thập kỷ bị đánh mất » của quá trình cải tổ, giai đoạn mà xã hội dân sự Trung Quốc bừng tỉnh để đấu tranh. Tác giả minh chứng rằng tình trạng bất ổn xã hội đã và đang đe dọa Trung Quốc do bất công, bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng.


IAEA : vừa đá bóng vừa thổi còi
Nếu đá bóng mà lãnh luôn nhiệm vụ thổi còi thì sẽ mất công tâm. Thế nhưng, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang trong tình trạng như vậy. Nguyệt san Le Monde Diplomatique dành bài giải mã chi tiết về tình trạng này với dòng tựa báo động : « Một cảnh sát hạt nhân thiếu tính độc lập ».

Tờ báo dùng từ cảnh sát, bởi vì nhiệm vụ của IAEA chính là chống việc phát triển hạt nhân với mục đích quân sự. Ấy thế nhưng, cơ quan quốc tế này còn có nhiệm vụ khác là : xúc tiến quá trình phát triển hạt nhân dân sự trên thế giới. Thế là IAEA vừa đá bóng vừa thổi còi và như thế thì rất dễ mất công tâm. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia nhận định rằng : cái ranh giới dân sự và quân sự trong việc sản xuất hạt nhân là rất mong manh.

Cái mong manh đó theo tờ báo thì tùy thuộc vào ý muốn của các quốc gia, mà ý muốn này khó lòng mà kiểm soát. Thêm vào đó, dẫu có muốn kiểm soát thì IAEA cũng không đủ sức vì lực lượng của cơ quan này quá mỏng. Ngân sách 2012 của IAEA chỉ có 333 triệu euro, tức chỉ tương đương với ngân sách của cảnh sát thủ đô Vienna của Áo. Về nhân sự, IAEA chỉ sử dụng có 2 200 người trong đó chỉ có 250 thanh sát viên. Với lực lượng như vậy mà IAEA phải chịu trách nhiệm thông tin về tình trạng của 429 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở 31 quốc gia, phải giám sát đến 42,2 triệu m3 rác thải phóng xạ của các nhà máy hạt nhân. Đúng là một nhiệm vụ bất khả thi !


Tờ báo cho biết, IAEA liên hệ mật thiết với nhóm các nước cung ứng hạt nhân bao gồm 46 nước sản xuất hạt nhân chính. Nhóm này ra đời hồi năm 1974 có trách nhiệm tự định qui tắc xuất khẩu hạt nhân. Năm 2008, nhóm này đã cho phép Ấn Độ nhập công nghệ hạt nhân bằng cách dựa vào một thỏa thuận giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, trong khi Ấn Độ không phải là thành viên của Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân và không chấp nhận tất cả điều kiện đảm bảo của IAEA. Tờ báo cho biết, thật ra sự ngoại lệ này dành cho Ấn Độ rất có lợi cho các tập đoàn sản xuất hạt nhân.


Bàn thêm về tính khách quan của IAEA, Le Monde Diplomatique cho hay, theo một bức điện tín của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Vienna hồi năm 2009 do trang mạng Wikileaks tiết lộ thì đương kim tổng giám đốc IAEA ông Amano Yukiya có đường lối thân thiện với Hoa Kỳ và Israel hơn người tiền nhiệm là ông El Baradei. Mấy tháng rồi, IAEA đã ra sức thông tin về hoạt động hạt nhân của Iran. Tờ báo cho rằng, coi chừng đường lối này của ông Yukiya sẽ làm phức tạp thêm mâu thuẫn giữa Iran và bộ đôi Israel-Hoa Kỳ.


Liên Hiệp Châu Âu chia năm xẻ bảy !
Khủng hoảng nợ công đã làm chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu (EU) khi mà vấn đề cứu giúp lẫn nhau vấp phải tính vị kỉ của mỗi quốc gia thành viên. Giải pháp ra khỏi EU bỗng nhiên thu hút chú ý của một số nước, trong đó có nước Anh. Tuần san l’Express có bài phân tích chủ đề này với dòng tựa : « Lối ra ở đây : David Cameron muốn đoạn tuyệt với EU».


Tờ báo cho rằng, qua trường hợp của Anh, ta thấy có thêm bằng chứng về sự chia rẽ sâu sắc trong lòng EU và tạo thêm lí do cho các nước chán nản khối này. Không chỉ bản thân thủ tướng Anh David Cameron có lập trường không thích EU, mà ngay cả đảng cầm quyền của ông ta cũng ra sức vận động một cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở trong khối EU. L’Express nhận định, ông David Cameron đang điều hành một chính phủ bài EU nhất trong lịch sử nước Anh.

L’Express cay đắng, mỗi ngày trôi qua hố sâu ngăn cách Anh và EU càng lớn. Anh từng bác bỏ việc thành lập cơ chế bình ổn tài chính Châu Âu, từng từ chối thẳng thừng việc cứu khu vực eurozone. Thế rồi, Anh cũng vừa từ bỏ một trong những nền móng của thị trường chung Châu Âu.

Tờ báo nhắc lại, thị trường chung Châu Âu ra đời với mục đích là giúp đỡ các nước mới gia nhập, những khu vực nghèo khó để họ có thể theo kịp tốc độ phát triển chung của cả khối. Như vậy, trong thị trường chung này, các nước phải đồng thanh tương ứng, chị ngã em nâng để cùng tiến lên.

 Thế mà thủ tướng Anh Cameron đã đặt vấn đề về phần đóng góp của EU cho khoản giúp đỡ này, và như vậy đã làm phương hại đến một trong những yếu tố cốt lõi của quá trình xây dựng Liên Hiệp Châu Âu.

Trong bối cảnh EU khó khăn, thị trường chung Châu Âu thì chiếm gần phân nửa lượng xuất khẩu của Anh, nước Anh đang ra sức bảo tồn lợi ích của mình trong thị trường này. Và bối cảnh hiện tại theo lô gích thì Anh tỏ ra « kiêu ngạo » để gây khó dễ cho các nước khác nhằm củng cố ảnh hưởng của mình.

L’Express nhấn mạnh, hiện tại Liên Hiệp Châu Âu đang đối mặt với hai dòng lập trường : một dòng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cho cả Châu Âu với việc đề nghị một ngân sách chung phải vượt mức hiện tại ; một dòng thì muốn duy trì một khu vực tự do mậu dịch to lớn với ít sự ràng buộc. T


hêm vào đó, Châu Âu lại đang bị chia rẽ giữa một bên là khu vực đồng tiền chung euro với 17 nước thành viên, và một bên là các nước không thuộc khu vực này mà phải chịu khổ sở vì khủng hoảng, chủ yếu đến từ eurozone.
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link