Già néo đứt
dây
Lê Phan
Cả tuần nay, Á Châu đã
rộn lên vì mọi người khám phá ra Bắc Kinh lại chơi thêm vài trò xảo trá nữa.
Trước hết là chuyện thông hành.
Số là hôm Tháng Năm vừa
qua, Bắc Kinh bắt đầu cấp cho dân của họ những passport loại mới, có chip điện
tử. Tuy nói là cấp từ hôm Tháng Năm, nhưng thực ra mãi gần đây số thông hành
này mới bắt đầu được đưa ra trình để xin nhập cảnh ở các quốc gia khác. Và điều
làm các quốc gia láng giềng giật mình là vì trên trang thứ 8 của passport mới
này, Bắc Kinh đã quyết định in một tấm bản đồ. Tấm bản đồ này được in hơi lờ mờ
như kiểu một “watermark” trên các đồng tiền, nhưng rõ ràng hơn là các loại
watermark bình thường.
Và khi các viên chức
biên giới hay lãnh sự của các quốc gia láng giềng lật xem thì họ chưng hửng. Ấn
Ðộ, quốc gia cũng khổng lồ không kém gì Trung Quốc, khám phá ra là tỉnh
Arunachal Pradest, một phần của vùng Jammu và Kashmir đã bị “sát nhập.” Ở Biển
Ðông, con đường chín đoạn nay có thêm một đoạn nữa và bao không những toàn thể
Biển Ðông, còn bao luôn cả quần đảo Ðài Loan.
Các quốc gia láng giềng
dĩ nhiên phải phản ứng. Nhà chức trách Việt Nam từ chối đóng dấu nhập cảnh trên
passport Trung Quốc. Thay vì vậy họ cấp visa trong một tờ giấy riêng.
Philippines thấy ý hay cũng đã bắt chước. Cả Ðài Loan, Philippines lẫn Việt Nam
đều đã chính thức lên tiếng phản đối. Cả ba quốc gia đều sợ là nếu đóng chiếu
khán vào các thông hành này thì gián tiếp đã là công nhận chủ quyền của Bắc
Kinh, một sự công nhận không những de facto mà còn de jure nữa.
Trong khi các quốc gia
khác tức tối chưa biết làm gì, Ấn Ðộ đã từ chối không chịu bị bắt nạt và phản
công tức thời. Tòa Ðại Sứ Ấn ở Bắc Kinh đã bắt đầu cung cấp chiếu khán in kèm
với một bản đồ Ấn Ðộ cho thấy những vùng đất mà Bắc Kinh bảo là của mình nay là
lãnh thổ Ấn. Một nhà phân tích chính trị Ấn, Giáo Sư Uday Bhaskar thì giải
thích với đài phát thanh quốc tế Ðức Deutsche Welle là Ấn đã “chứng tỏ lập
trường bằng cách cấp những chiếu khán tương tự cho các khách Trung Quốc.” Ông
giải thích là lần này phản ứng của các quốc gia mạnh hơn, bởi họ cảm thấy là
không thể không có phản ứng. Họ đều nghĩ là im lặng sẽ là mặc nhiên nhận thua.
Ðến chính phủ Dân Quốc dưới quyền của Tổng Thống Mã Anh Cửu ở Ðài Loan, vốn đã
cố làm thân với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi kinh tế, cũng phải than “việc
này là hoàn toàn không biết gì đến thực tế và chỉ tạo thêm tranh chấp.”
Cái điều khó hiểu là
những lý do tại sao Bắc Kinh đặt tấm bản đồ đó trong thông hành mà họ cấp phát
cho dân của họ. Giáo Sư Bhaskar nhấn mạnh, “Việc này chưa từng xảy bởi đây là
lần đầu tiên một quốc gia thực sự cho thêm hay in thêm bản đồ của nước mình
trên passport. Rõ ràng Bắc Kinh đang đưa ra những lối ứng xử mới, những tiêu
chuẩn mới, và đã nâng cấp vấn đề thành ra Ấn Ðộ phải ăn miếng trả miếng.”
Ấn Ðộ còn hoang mang hơn
nữa vì năm nay là năm kỷ niệm đúng 50 năm cuộc chiến tranh Trung-Ấn. Tại Ấn
hiện nay có nhiều bàn thảo về cuộc chiến tranh lần đó mà Ấn thua. Người ta đặt
câu hỏi là Ấn cần phải làm gì để có thể thắng. Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi
phải chăng hành động cố ý gây hấn này của Trung Quốc là để chuẩn bị cho một mưu
đồ quân sự mới và trong trường hợp đó, Ấn phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của
mình cũng như bảo đảm là lần này không thua trận.
Một vị giáo sư về bang
giao quốc tế ở Viện Ðại Học Bắc Kinh cũng đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên: “Tôi
không hiểu tại sao họ quyết định làm vậy. Nó không thể giải quyết bất cứ tranh
chấp nào với các láng giềng của chúng tôi và chúng tôi chắc chắn sẽ thấy có
phản ứng của các quốc gia khác.”
Chưa hết, vào hôm 29 vừa
qua, tờ China Daily, tờ báo tiếng Anh chính thức của chính quyền Bắc Kinh, loan
tin là ủy ban nhân dân tỉnh Hải Nam, tỉnh mà theo cơ cấu tổ chức chính quyền
của Trung Quốc, đã được giao cho việc cai trị các hòn đảo trong Biển Ðông, đã
loan báo là từ Tháng Giêng năm nay, cảnh sát biển của họ có quyền chặn hỏi và
leo lên tàu của bất cứ ai “đi qua bất hợp pháp” vùng biển này. Cảnh sát biển
cũng có quyền buộc tàu bị chặn đổi hướng. Biển Ðông không chỉ là vùng lãnh thổ
tranh chấp giữa Trung Quốc và năm quốc gia láng giềng, nó còn là hải lộ bận rộn
nhất nối liền Ấn Ðộ Dương với Thái Bình Dương, con đường đưa dầu thô Trung Ðông
sang cho các quốc gia Bắc Á như Nhật Bản, Nam Hàn.
Việc này xảy ra chỉ bốn
ngày sau khi Bắc Kinh khoe với thế giới là họ đã phóng và đáp được những chiến
đấu cơ phản lực từ các hàng không mẫu hạm duy nhất mà họ có, và chỉ khoảng bốn
tháng sau khi Bắc Kinh đã nâng một căn cứ mà nhiệm vụ chính là theo dõi khí
tượng ở đảo Phú Lâm thành một căn cứ quân sự với nhiệm vụ tuần tra toàn thể
Biển Ðông và đặt một đơn vị hành chánh trên hòn đảo này. Tưởng cũng xin nhắc
lại đảo Phú Lâm là một trong những hòn đảo mà Bắc Kinh mới cưỡng chiếm từ tay
Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, trong những ngày tháng cuối của cuộc chiến khi họ
biết Hoa Kỳ không còn chú tâm đến một hòn đảo nhỏ ở một vùng biển xa xôi nữa.
Ðây là một hòn đảo mà từ năm 1947, trước là Quốc gia Việt Nam, sau là Việt Nam
Cộng Hòa đã thường xuyên có một đơn vị quân đội đồn trú và một đài khí tượng để
dự báo thời tiết cho Biển Ðông.
Phải nói là tất cả những
tin này có một thứ tiến trình logic nhưng đồng thời vô cùng nguy hiểm. Cho đến
hiện nay, việc Bắc Kinh giành chiếm một vùng biển mênh mông, có khi quá cả vùng
đặc quyền khai thác kinh tế của một quốc gia láng giềng, đã làm cho có những
đối đầu với các quốc gia láng giềng và Hoa Kỳ. Nhưng cho đến nay quyền tự do
hải hành vẫn luôn luôn là đèn đỏ mà Bắc Kinh không vượt qua. Bắc Kinh có thể đe
dọa Ðài Loan, đàn áp Tây Tạng, đụng độ gây sự với các láng giềng Á Châu về
những lãnh hải tranh chấp, và chế tạo phi cơ tàng hình cũng như hỏa tiễn chống
mẫu hạm, nhưng can thiệp vào quyền tự do mậu dịch và hải hành là một điều mà
hẳn sẽ dẫn đến kết quả là có sự can thiệp của Hải Quân Hoa Kỳ để bảo vệ luật lệ
quốc tế.
Nếu Bắc Kinh đủ tự tin
để nghĩ là toàn thể thế giới sẽ không dám chống lại chiến thuật từng bước lấn
chiếm ở Á Châu, thì niềm tin này của họ có thể đã đến lúc bị thử thách. Cho đến
nay thái độ của chính phủ Obama vẫn còn có ý chờ xem. Sau khi Bắc Kinh loan báo
việc sẽ chặn và bắt tàu vi phạm “lãnh hải,” Ngũ Giác Ðài vẫn còn nói là chưa có
đủ chi tiết để trả lời.
Chiến lược lấn chiếm của
Bắc Kinh cho đến nay vẫn thường được tổ chức trong giai đoạn mà cường quốc mà
họ e dè nhất, Hoa Kỳ, đang lơ là ngó đi chỗ khác. Bắc Kinh biết là chính phủ
Obama nay còn bận rộn về vấn đề “vực thẳm tiền tệ” trong khi Ngoại Trưởng
Hillary Clinton đang chuẩn bị rút lui, nên đây là lúc họ có thể lấn thêm một
bước nữa.
Có điều, một sử gia nhắc
lại là hồi Ðệ Nhị Thế Chiến, khi Hitler tấn công Ba Lan, họ đâu có ngờ phản ứng
của Anh và Pháp. Cái khó của một cường quốc đang lên muốn thách thức một cường
quốc có sẵn là ở chỗ đó. Tấn công sớm quá thì mình sẽ bị tiêu diệt. Ðó là kinh
nghiệm của Hitler với Ðế quốc Anh.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment