THUYỀN ĐỜI
BK Bùi Đức Tính 323
Miền Nam nước Việt là nơi hội tụ của vô số mạng kênh rạch, sông ngòi. Khởi nguồn từ dòng Cửu Long, trải rộng thành các nhánh sông dài, dẫn ra chín cửa biển lớn. Hai nhánh chính là Tiền Giang và Hậu Giang. Như tên gọi, Cửu Long Giang như chín con rồng uốn lượn, vươn mình ra biển Đông. Nguồn phù sa, nguồn sống cho đất, cho đời người, được truyền dẫn vào sông, rạch, và hàng triệu xẻo, khóm, mương, ngòi...
Nhờ phù sa màu mỡ của sông Cửu Long, miền Nam nước Việt thật đa diện, nổi tiếng với ruộng đồng phì nhiêu, nhiều loại trái cây thơm ngon suốt bốn mùa... Đồng bằng sông Cửu Long là địa đàng của miền Nam. Không như những sông lớn khác, sông Cửu Long không cần phải đắp đê ở hai bên bờ. Hàng năm, vào mùa mùa nước nổi, tháng mười âm lịch, sông nước mang phù sa tràn ngập khắp ruộng đồng. Lúc nước rút đi, để lại một lớp bùn non. Đây là nguồn phân bón cho ruộng vườn, cây trái, tạo ra một khu vực trù phú độc đáo ở hạ lưu sông Cửu Long. Nơi đây, chỉ cần một mẫu vườn nho nhỏ, vài công ruộng, dân chúng dễ dàng tìm được cuộc sống thong dong, nhàn hạ.
Phong cảnh miền đồng bằng sông Cửu Long rất hữu tình, thơ mộng, dễ làm say mê, quyến rũ khách vãng lai... Sông nước chằng chịt như mạng nhện đã tạo cho vùng châu thổ miền Nam, những sắc thái và tình cảm riêng biệt. Trải qua hàng bao thế kỷ, gắn bó với sông nước trùng trùng ấy là chiếc ghe, chiếc xuồng và đã trở thành những hình ảnh không thể thiếu vắng trong đời sống của người dân nơi đây.
Với phương tiện giao thông phần lớn phải nương tựa, tuỳ thuộc vào dòng nước. Các loại tàu, thuyền, ghe, xuồng,… mà kiểu dáng cùng tên gọi cũng phong phú như cuộc sống sông nước nơi đây. Ghe và tàu, hay thuyền, không chỉ là phương tiện giao thông, mà mỗi chiếc còn như là một căn nhà nổi di động trên sông. Thuyền ôm ấp đời người, quyến luyến, gắn bó và nối truyền sang nhiều thế hệ.
Thuyền và đời người, như những cuộc tình được ơn trên ban bố, định phần!
Những thuyền đời ôm ấp, chuyên chở số phận con người qua năm tháng!
Người miền Bắc thường gọi là thuyền, dân miền Nam quen kêu là chiếc tàu. Tàu-thuyền, ghe, xuồng… được gọi theo nhiều cách khác nhau tùy theo hình dáng và ngôn ngữ địa ở địa phương. Ghe, xuồng,... có nhiều loại, thích ứng với từng vùng sông. Như vùng sông từ Long An đến An Giang, xuồng có lườn tròn để dễ lướt trên lục bình. Trên sông ngòi Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau,… xuồng thường có lườn phẳng, còn gọi xuồng ba lá, do có ba tấm gỗ ghép vào, dùng lướt nhanh hơn trên vùng sông rộng.
Ghe, xuồng được đóng thành nhiều kiểu, đa dạng, phong phú. Từ những chiếc đũ cỡ với thân gỗ nhỏ hẹp, dùng để luồn lách qua các kênh rạch nông cạn; cho đến những loại lớn hơn, hình dạng kềng càng, vận tải nặng, chuyên chở được nhiều người trong vùng nước sâu.
Ngày nay, trên sông ngòi, các ghe máy, xuồng máy chạy với vận tốc nhanh, dùng song song với các loại ghe, xuồng, cỏn dùng sức người đơn độc bơi chèo.
Thuyền, ghe, lớn hơn những chiếc xuồng nhỏ hẹp. Vì có quá có nhiều loại, nhiều hình dạng, nên cũng có lắm tên gọi khác nhau. Ghe tam bản, ghe bầu, ghe chài, ghe lườn... Gọi là ghe tam bản mui ngắn, nhưng lại có đến chín mảnh ván ghép hoặc nhiều hơn. Những chiếc này dành đến nửa chiều dài, làm chỗ nghỉ ngơi, còn phần trống đàng trước để chất hàng hóa. Bánh lái nằm dưới lườn sau, thường dùng cần dài để điều khiển. Với đôi mắt, vẻ hay khắc chạm thật công phu trước mũi, ghe thuyền trông như con cá to lớn trên sóng. Theo truyền thuyết từ ngày xưa, đôi mắt còn là biểu tượng để mang lại may mắn và làm các loài thuỷ quái phải kinh sợ, không dám tấn công tàu thuyền. Ngoài ra, còn có thêm loại ghe tam bản mui dài chiếm gần hết chiều dài của ghe. Loại này trông như một cái nhà di chuyển trên mặt nước. Ghe bầu là loại ghe lớn, thường có hình trang trí hoa văn, với nhiều màu sắc. Ghe lườn thon nhẹ, bụng nhỏ và dài, còn gọi là ghe độc mộc vì được làm từ một thân cây gỗ, đẽo gọt và khoét ở ruột để thành ghe. Loại này nhỏ, trông đơn giản, không cong ở hai đầu mũi và lái. Ngược lại, ghe chài rất to lớn, gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, thường có đến hai tầng dành cho người theo ghe. Ghe chài còn có phần mui rời, đóng nối thêm phía sau phòng lái dùng nơi tắm rửa và nấu ăn, tạo thêm tiện lợi cho người đi buôn bán xa, cần sinh sống lâu ngày trên sông nước.
Nghề đi ghe, đi xuồng, trở nên quen thuộc với cư dân miến Nam, như những nghề làm ruộng, làm vườn… Từ ngàn xưa, Cửu Long Giang với các nhánh sông, giòng nước êm đềm đầy thơ mộng, cùng hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng trên sông rạch, đã gắn bó với đời sống dân làng miền Nam, trong thơ văn, trong những câu hát, điệu hò dân gian mộc mạc.
Sông Cửu Long chín cửa, hai dòng,
Người thương anh vô số, nhưng chỉ một lòng với em
Với trọng tải chỉ có 15 tấn, chiếc tàu mang số 3392 trông như đại đa số những tàu chở hàng trên sông ngòi miền Nam. Màu gỗ đen mốc, cũ kỹ. Thân tàu có chừng tám mét chiều dài và ba mét bề ngang.
Cấu trúc tương tự như các ghe thuyền đồng kích thước. Hầm nhỏ, có nấp đậy, ngoài mũi tàu, được dùng chứa neo cùng dây neo, cùng vài vật dụng cần thiết khác. Kế sau hầm mũi này, lòng tàu để mở trống. Với khoang tàu không che kín bên trên như thế, sức chứa hàng được tận dụng và rất tiện lợi cho việc lên xuống hàng hoá, nhưng tàu dễ bị chìm khi sóng to tràn ụp vào. Bên trên thành khoang chứa hàng, có đóng miếng gổ bề ngang chừng gang tay. Hai miếng be gỗ chạy dọc từ mũi đến mui, vừa giúp kềm vỏ tàu thêm cứng chắc, vừa làm lối đi từ mui đến mũi tàu. Lối đi bên trên thành tàu, tuy nhỏ hẹp, nhưng rất cần thiết, nhất là lúc khoang tàu chở đầy hàng hoá. Đi trên be tàu, nhanh và tiện lợi, nhưng có phần nguy hiểm khi tàu đang chạy. Nhằm lúc sóng lắc lư và mặt gỗ bị ướt, rất dễ bị trợt chân rơi xuống nước. Khi tàu đang chạy, thân người rơi xuống, sẽ bị sức mạnh của giòng nước, xoáy hút vào cánh quạt đang quay vùn vụt bên dưới lườn tàu.
Từ phần khoang chứa hàng, đến phía sau đuôi, thì khoang tàu được lót ván che kín bên trên; nhưng các miếng ván này có thể lấy ra cho trống để xuống kiểm soát hay sửa chửa động cơ. Bên dưới sàn gỗ là hầm máy, nơi đặt động cơ của tàu. Căn phòng nhỏ bên trên sàn gổ này, thường được gọi là mui tàu. Mui tàu giống như cái hộp bằng gổ, nhưng là căn nhà yêu quý trên mặt nước của người sống theo tàu.
Mui tàu được ngăn ra là hai phần. Một ngăn nhỏ ở cận sau mui tàu, làm nơi nấu ăn. Khu vực còn lại ở phía trước, là nơi ăn và cũng là chỗ ngủ. Hai bên vách của mui tàu, có khung cửa sổ nho nhỏ, để có thêm chút ánh sáng và gió mát trong những ngày nắng ấm. Phía sau và trước mui đều có cửa, để chui người ra phía sau lái hay tuột xuống khoang chứa hàng hoá đàng trước. Nóc mui không cao lắm, chỉ đủ cao để ngồi, hay đi lom khom mà thôi. Thực ra, trong cái khung gỗ có diện tích dưới ba mét vuông như thế này, thì không mấy khi cần phải "đi", chỉ cần lết người, hay vói tay qua lại, là có thể lấy được vật dụng khi cần. Nóc mui có một khung chữ nhật trống, có nấp đậy lại để che mưa gió khi cần. Khi mở nấp mui, đứng trên hầm máy, thân người từ ngực trở lên sẽ được ló cao bên trên nóc mui, dễ dàng xoay trở và nhìn các phương hướng quanh tàu.
Thuộc loại chuyên chở hàng trong sông, hay ven bờ biển. Mũi và thân tàu mang số 3392 có hình dạng tròn bầu, để chứa được nhiều hàng hoá, nhưng tàu sẽ gặp khó khăn cắt sóng, để chạy lẹ hay an toàn ngoài biển khơi. Với cấu trúc của thân tàu như thế, chiếc 3392 chỉ thích hợp để vận chuyển hàng hoá nơi sóng ít, gió nhẹ mà thôi.
Sáng sớm, nhằm lúc không ghe tàu nào chở hàng đi hay trở về, bến tàu của công ty hải sản hầu như còn đang ngáy ngủ. Hai bên cầu tàu, nối từ bến ra ngoài vùng nước sâu ngoài sông, ghe tàu nằm kề cận nhau. Vài chiếc tàu có người thức sớm, họ ngồi yên lặng một mình bên tách trà, cùng khói thuốc, đôi ba người kéo nhau lên trên bến, ngồi rù rì nói chuyện, để bạn đồng thuyền còn mệt mỏi, được nằm thêm mươi phút nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, bên ngoài lòng sông có ghe xuồng ra chợ, lướt ngang qua, làm chao động yên lành trong chốc lát. Sóng nối nhau, đùa vào, xào xạc bên mạn gỗ, vỗ về giấc mơ. Giấc mơ an bình, hạnh phúc trên quê hương dấu yêu.
Bây giờ, an bình và hạnh phúc chỉ còn là mộng ước, trở về trong giấc mơ của dân lành!
Từ khi những đội quân gọi là "Cách Mạng Tháng Tám", "Đồng Khởi" cướp chính quyền, thì Công Lý và Tự Do đã phải chịu cùng số mệnh bị cưởng chiếm, như những bảng tên đường của miền Nam Việt Nam.
"Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do"
Lòng người ai oán, khi đường Công Lý trở thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do bị gọi là Đồng Khởi, cũng là lúc nhân quyền cùng Công Lý và Tự Do của dân tộc, đã bị bạo quyền cộng sản cướp đoạt. Công lý và tự do chỉ còn là sáo ngữ của đảng, kẻ cầm quyền!
Sông nước hiền hoà. Giòng phù sa cưu mang dân lành. Tình người, con thuyền mãi mãi lưu luyến bến bờ. Ra đi, lòng nhớ thương, mong chờ lần được trở về quê hương. Một lần đi, biết đâu sẽ là nghìn trùng cách biệt!
Vì hai chữ Tự Do, người dân Việt cô thế phải liều mình, tìm đường vượt trốn chế độ cai trị bất nhân của đảng cộng sản. Đường ra đi, vượt rừng, vượt biển, mang theo ước mơ đến được vùng đất tự do để tạm dung. Triệu người đã vùi thân xác trong rừng, ngoài đại dương.
Đường đến bến bờ Tự Do, đêm đêm trở về trong hàng triệu giấc mơ, thôi thúc, khoắc khoải, kinh hoàng!
Bên giấc mơ với nụ cười, với nước mắt tủi mừng trên bến bờ tự do, có những cơn ác mộng đấm chìm trong biển sâu hay oằn người trong ngục tù tra tấn của bạo quyền.
Đại dương mênh mông, thuyền đời mong manh quá!
BK Tính 323
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment