Tuesday, December 4, 2012

Quan hệ phức tạp giữa Hoa Kỳ và quốc gia Israel


 

Quan h phc tp gia Hoa K và quc gia Israel

 

Hùng Tâm


Người ta thường nghĩ là cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái có ảnh hưởng quá mạnh trong xã hội Hoa Kỳ qua nhiều lãnh vực như nghệ thuật, truyền thông, tài chánh, và tất nhiên là chính trị.




Nhiều người trong chúng ta còn tin rằng vì muốn bảo vệ Do Thái mà Henry Kissinger, một trí thức và chiến lược gia người Mỹ gốc Do Thái, đã cam tâm bán đứng miền Nam. Cách suy luận ấy không phản ảnh thực tế và có thể khiến chúng ta phân vân khó hiểu trước những biến cố của thời sự. Gần đây nhất là vụ xung đột trên Dải Gaza (xin đề nghị là nên viết Dải Gaza thay vì dải Gaza, vì là phiên dịch từ Gaza Strip).

Vì vậy, “Hồ Sơ Người Việt” kỳ này xin nói về mối quan hệ Hoa Kỳ-Do Thái và trước hết về cách gọi tên.
“Quốc gia Israel” của người Do Thái được thành lập vào năm 1948 trên một khu vực địa dư gọi là Palestine, xưa kia là của người Do Thái nhưng từ thế kỷ thứ bảy đã do người Hồi Giáo cai trị và trở thành vùng định cư của người Á Rập từ thế kỷ 19. Dân Á Rập trên khu vực này được gọi là người Palestine và họ sống chung với người Do Thái, được đế quốc Anh đưa về đó từ cuối thế kỷ 19. Khi Ðế quốc Anh lấy vùng đất Palestine cho người Do Thái lập ra quốc gia Israel, mâu thuẫn giữa dân Do Thái và dân Á Rập Hồi Giáo đã bắt đầu. Lúc đó, Hoa Kỳ thực sự vô can, và còn có chính sách đối nghịch với Israel vì chính quyền Do Thái tại đây đã ngả theo Liên Bang Xô Viết. Nghịch lý ấy từ thời Chiến Tranh Lạnh là điều ít ai nhìn tới, hoặc nói ra.
Quốc gia Israel

Dân tộc nào cũng bị địa dư hình thể chi phối trong vùng sinh hoạt truyền thống mà ta tạm gọi là “bản địa.” Dân Do Thái cũng vậy, đã nhận cái nghiệp phân chia và chinh chiến từ thời Thượng cổ, trước Tây lịch, cho đến thời cận đại vào thế kỷ 19 và hiện đại, kể từ năm 1948.

Vào thời Thượng cổ, người Do Thái cổ (Hebrew) đã hai lần lập ra nước Israel trên một dẻo đất hẹp và nghèo giữa biển Ðịa Trung Hải và sông Jordan. Từ tiền kiếp họ phải sống chung với các sắc tộc khác, đã bị các đế quốc lân bang khuất phục và xua đuổi khỏi vùng bản địa. Thậm chí là bị gán tội giết đấng Cứu Thế và sau này còn bị diệt chủng. Họ là những người sinh ra đã mất quê hương và nhìn về bản địa như Vùng Ðất Hứa. Nhưng do địa dư hình thể, vùng đất ấy lại rất khó bảo vệ giữa các sắc tộc đông đảo khác. Tâm tính cương cường nhẫn nại, và thậm chí quỷ quyệt mà nhiều người gán cho dân Do Thái cổ và tân (Jews), có thể xuất phát từ hoàn cảnh éo le đó.

Chi tiết đáng chú ý khác là dẻo đất khô cằn này lại có ba khu vực với ảnh hưởng trên ba cách ứng xử khác nhau. Khu vực duyên hải là nơi thuận tiện cho việc buôn bán và tạo ra một lớp thương nhân có tinh thần xin tạm gọi là “quốc tế” trước khi nhân loại tìm ra chữ này. Khu vực miền Bắc là nơi có bình nguyên và đồi núi nên là vùng đất của nông dân và chiến binh. Khu vực miền Nam của Thánh địa Jerusalem là vùng sa mạc khó sống nhất, đất dung thân của chiến binh và kẻ chăn nuôi. Chiến tranh, canh nông mục súc và thương mại là những đặc tính bẩm sinh từ địa dư hình thể.

Khi có cơ hội trở về tái lập quốc gia Israel từ năm 1948, người Do Thái từ bản địa và tứ xứ đã phải kết hợp ngần ấy bài toán về an ninh và kinh tế lẫn xã hội, và tìm ra giải pháp tồn tại nhờ ngoại giao.

Mấy ngàn năm lịch sử của người Do Thái đã để lại nhiều bài học. Thứ nhất, họ mà thiếu đoàn kết bên trong là quốc gia bị diệt vong. Thứ hai, họ có thể đương cự với các sắc dân khác ở chung quanh, nhưng không đủ sức đối đầu với các đế quốc rộng lớn ở xa hơn, như Ðế quốc Babylone, Ðế quốc Ba Tư, Ðế quốc Macedonia, Ðế quốc La Mã, Ðế quốc Thổ và cả Ðế quốc Anh. Thứ ba, nếu đồng tâm và giải trừ được sức ép ở gần, họ vẫn phải liên kết với các cường quốc ở xa để tồn tại. Cường quốc ở xa có thể là Liên Xô, hay Hoa Kỳ.

Israel giữa hai khối

Quốc gia Israel thành hình vào năm 1948 là sau những xung đột và dàn xếp giữa hai đế quốc ở xa, Ðế quốc Ottoman bị tan rã năm 1919 và Ðế quốc Anh, một loại siêu cường toàn cầu trong thế kỷ 19, trước khi một siêu cường toàn cầu khác xuất hiện, là Hoa Kỳ. Khi Israel ra đời, cả Liên Xô và Hoa Kỳ đều nhìn thấy ở đó một cơ hội bành trướng vào “Phương Ðông,” khu vực mà các nhà địa dư và chính trị học gọi là “Levant,” bên trong có một cốt lõi là xứ Israel của dân Do Thái.

Khi tái lập quốc, nhiều người Do Thái là di dân đến từ nước Nga, họ mang theo kiến thức “xã hội chủ nghĩa” và cách tổ chức của chế độ Xô viết. Vì lý do tư tưởng hay ý thức hệ, họ chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhưng với màu sắc Do Thái, chứ không vì lý tưởng vô sản quốc tế. Nhưng, quốc gia Israel cũng thành hình nhờ tiền bạc của người Do Thái tại Hoa Kỳ. Và chính quyền Mỹ thời ấy tin rằng nhờ ảnh hưởng này mà sẽ chi phối Israel trên một bàn cờ rộng lớn của cả khu vực Levant và toàn cầu.

Thật ra, cả hai siêu cường này chưa có một chính sách rõ rệt với Israel và đấy là cơ hội cho chính quyền Israel giải quyết nhu cầu ưu tiên của mình, theo kiểu Do Thái, lạnh lùng và thực dụng. Ðấy là thành tích của David Ben Gurion, bậc quốc phụ của Israel hiện đại.

Vì vậy mà đã có lúc Israel liên minh với hai đế quốc tàn lụi là Anh và Pháp để phong tỏa kênh đào Suez của Ai Cập, khi ấy còn là chư hầu của Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Nasser. Và vì thế mới gây mâu thuẫn với chính quyền Hoa Kỳ thời Tổng Thống Cộng Hòa Eisenhower. Cũng do chủ trương bảo vệ độc lập một cách rất độc đáo, Israel ngả theo Pháp trên trận tuyến “chống Mỹ” và chỉ thay đổi đối sách với Hoa Kỳ từ năm 1967. Trở thành đồng minh của Mỹ, khi Nasser cũng đã xoay chiều và ra khỏi quỹ đạo Xô Viết.

Hai chục năm đảo điên từ thời lập quốc (1948-1967) cho thấy Israel không hoàn toàn là chư hầu của Mỹ và Hoa Kỳ không thể chi phối được mọi quyết định của chính quyền Israel. Hoặc ngược lại, dân Do Thái tại Mỹ không thể xoay chuyển nổi đối sách của Hoa Kỳ theo cái hướng có lợi cho Israel mà phương hại cho quyền lợi lâu dài trường cửu của nước Mỹ. Hai quốc gia lớn nhỏ này có chung một lý tưởng là dân chủ, nhưng hành xử theo quyền lợi riêng. Và dù rằng là một xứ rất nghèo và tùy thuộc vào viện trợ Hoa Kỳ, Israel vẫn tính toán riêng, đôi khi còn gây khó cho chính quyền Mỹ.

Một chi tiết khác cũng cần nhắc đến là đa số người Mỹ gốc Do Thái, từ nghệ sĩ đến tài phiệt, đều thiên về đảng Dân Chủ với tinh thần chủ hòa và phản chiến. Trong khi vì sự tồn vong của mình, chính quyền Israel đã có lúc lấy quyết định chủ chiến, mà nhiều người nông cạn cho rằng đấy là lập trường Cộng Hòa.

Sự thể khách quan là hai quốc gia này có hai hoàn cảnh địa dư, an ninh và kinh tế khác biệt ở hai lục địa khác nhau. Vì hoàn cảnh và mục tiêu riêng, đôi khi Israel có hành động bất lợi cho nước Mỹ và cũng bị chi phối bởi những quyết định bất lợi từ phía Hoa Kỳ. Nước Mỹ cần có một đồng minh Do Thái vững mạnh tại Trung Ðông để bảo vệ sự ổn định trong khu vực chiến lược này. Cũng vì nhu cầu ổn định có tính chất chiến lược, Hoa Kỳ muốn Do Thái phải thỏa hiệp và hợp tác với các nước lân bang như trong nhiều đợt hòa giải trước đây (Hòa ước Camp David dưới thời Jimmy Carter chẳng hạn), đôi khi quá mức an toàn theo cách nhìn của Israel.

Sau mấy chục năm đồng sàng dị mộng mà vẫn keo sơn gắn bó, quan hệ giữa hai nước đã có thay đổi.

Những nan đề mới

Trong nhiều thập niên liền, Hoa Kỳ có lúc ăn nói phũ phàng với Israel là dưới các chính quyền Cộng Hòa của Richard Nixon, Gerald Ford và George H. W. Bush (ông Bush cha) qua các Ngoại Trưởng Henry Kissinger và James Baker: sự yểm trợ của Hoa Kỳ không là miễn phí và vô điều kiện! Ðấy là khi quyền lợi của nước Mỹ được coi là tối thượng và tình nghĩa đồng minh là chuyện ngoại giao bề ngoài. Chuyện ấy, người Việt ta không thể quên được.

Ngày nay sự thể đã khác vì có cả triệu người tham dự vào tiến trình lý luận và quyết định qua không gian điện tử và truyền thông tức thời. Không ứng cử viên tổng thống nào, dù là Barack Hussein Obama lại muốn tự gây khó cho mình và bị rủi ro thất cử khi khiêu khích cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái bằng ngôn ngữ nhuốm mùi “tối hậu thư” kiểu đó cho xứ Israel.

Ở tại chỗ, chính quyền Israel cũng có thay đổi, với xu hướng quốc gia và bảo thủ nay đã vào dòng chính và sẽ tồn tại khá lâu. Họ nhất quyết bảo vệ an ninh của Israel, không thể nhượng bộ và càng khó nhượng bộ khi cộng đồng Palestine lại chia hai. Phe ôn hòa của đảng Fatah chỉ kiểm soát được Tây ngạn sông Jordan (West Bank) và tiếng nói cực đoan của lực lượng Hamas trên Dải Gaza mới trở thành đại diện chân chính. Lực lượng đó lại có sự yểm trợ của Syria, Iran và cả Egypt, nay đang do phe Huynh Ðệ Hồi Giáo và Tổng Thống Mohamed Mursi lãnh đạo.

Những biến cố gọi là Mùa Xuân Á Rập từ đầu năm 2010 đã đảo lộn cục diện Trung Ðông và đặt ra nhiều bài toán sinh tử cho Israel. Nổi bật là ảnh hưởng rất lớn của Iran và các lực lượng võ trang quá khích do Iran yểm trợ, như Hezbollah tại Lebanon hay Hamas trên Dải Gaza. Rắc rối không kém là lập trường có tính nước đôi của Ai Cập. Lãnh đạo xứ này không còn là Hosni Mubarak thân Mỹ mà là Mohamed Mursi của lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo.

Lần đầu tiên từ thời lập quốc, Israel thấy an ninh của mình bị đe dọa từ miền Nam, từ Dải Gaza tiếp cận với bán đảo Sinai và xứ Ai Cập. Với các hỏa tiễn tầm xa như Fajr (Bình Minh) do Iran cải chế từ hỏa tiễn Liên Xô và Trung Quốc, lực lượng Hamas trở thành mối nguy bất lường và nếu các hỏa tiễn này lại có đầu đạn nguyên tử do Iran cung cấp thì xứ Israel không có tương lai. Trong khi ấy, dân Á Rập vẫn sinh con đẻ cái, có dân số ngày càng đông, và Iran vẫn chưa từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân. Mà Mùa Xuân Á Rập vẫn có thể nở hoa Hồi Giáo.

Các chế độ độc tài và thân Mỹ bị lật đổ khiến nhiều xu hướng Hồi Giáo có dịp lên thay, với chủ trương chống Mỹ và quyết liệt hơn với xứ Israel. Chiều hướng ấy không bắt đầu từ năm 2010 mà trước đó khá lâu. Trong cuộc bầu cử năm 2005 tại Palestine, phe Hamas đã thắng lớn, đến độ còn muốn nổ súng để truất quyền lãnh đạo của lực lượng Fatah và chính quyền Palestine tại “thủ đô” Ramallah trên Tây ngạn sông Jordan. Mỗi khi có tự do chọn lựa, dân Hồi Giáo tại Trung Ðông lại chọn hướng chống Mỹ và diệt trừ Israel!

Với Hoa Kỳ, đấy là một trong nhiều đề tài tranh luận hay tranh cử. Với Israel, đấy là chuyện sinh tử của lẽ tồn vong.

Kết luận của hồ sơ rắc rối này là những gì?

Cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái và quốc gia Israel không thể sai khiến được nước Mỹ khiến lãnh đạo Mỹ phải lấy những quyết định bất lợi cho Hoa Kỳ. Hai quốc gia này đều cần đến nhau và vận dụng lẫn nhau để giải quyết mục tiêu của mình. Trong việc vận dụng, truyền thông báo chí cũng là một phương tiện. Chỉ là một phương tiện.

Vì lẽ sinh tử, Israel cần đến sự bảo vệ của Hoa Kỳ, nhưng cũng ý thức được giới hạn của sự bảo vệ ấy, nên phải tự lo lấy thân. Có khi bằng những giải pháp quân sự liều lĩnh mà Hoa Kỳ ở nơi an toàn hơn thì gọi là phiêu lưu và có đầy rủi ro.

Hoa Kỳ đã tưởng là sẽ rút chân khỏi bãi mìn Trung Ðông để nhìn về Ðông Á. Chuyện không dễ. Trong thế giới Trung Ðông ấy, chống Mỹ đang là khẩu hiệu ăn khách.

Vì lẽ đó, chúng ta càng nên theo dõi những biến động chính trị tại Ai Cập khi Tổng Thống Mohamed Mursi muốn gia tăng quyền lực và gặp sự chống đối rất mạnh của các thành phần khác. Kết quả tại đây sẽ chi phối an ninh của Israel và có khi gây khó cho chính quyền Mỹ.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link