Thursday, December 6, 2012

Cơ hội quốc tế hóa các tranh chấp Biển Ðông

Cơ hội quốc tế hóa các tranh chấp Biển Ðông
Ngô Nhân Dụng
Công ty dầu khí Petrovietnam vừa bắt buộc phải lên tiếng phản đối việc Trung Cộng mới cắt dây cáp thăm dò đáy biển kéo sau một chiếc tầu của Việt Nam. Ðây không phải là lần đầu tiên Trung Cộng ngang ngược để thăm dò phản ứng của chính quyền Hà Nội.
Những lần trước, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho người lên tiếng phản đối, nhưng hành động khiêu khích mới nhất này cho thấy Bắc Kinh không coi những lời phản đối suông có chút giá trị nào cả.
Nhưng lần này, Hà Nội đã nâng hình thức phản ứng lên một cấp mạnh hơn. Họ mời một đại diện của sứ quán Trung Quốc tới Bộ Ngoại Giao để đưa lời tố cáo về cả vụ cắt dây cáp, vụ thiết lập xã Tam Sa và việc in bản đồ trên hộ chiếu gồm cả đường lưỡi bò, tất cả đều vi phạm chủ quyền của nước Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lời phản đối có vẻ nặng hơn, nhưng vẫn giữ ở mức độ thấp, nếu so sánh với thái độ và phản ứng của các quốc gia khác.
Philippines và Ấn Ðộ đều phản ứng mạnh mẽ về vụ hộ chiếu bản đồ của Trung Quốc; triệu tập đại sứ của Trung Quốc tới Bộ Ngoại Giao để cho nghe lời phản đối. Việc Hà Nội chấp nhận nói chuyện với một người đại diện sứ quán cho thấy họ vẫn không dám làm phật lòng đảng cộng sản đàn anh.
Chính quyền Hà Nội luôn luôn phản ứng một cách yếu ớt hơn các nước khác. Ngay khi được tin Bắc Kinh in hình bản đồ có lưỡi bò trên hộ chiếu, Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để chất vấn và lên tiếng cảnh cáo. Chính quyền Nguyễn Tấn Dũng chỉ gửi thư phàn nàn.
Thái độ rụt rè này là sai lầm. Trung Cộng sẽ kết luận rằng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn nhút nhát, không dám đương đầu với những hành động khiêu khích ngang nhiên của các đồng chí đàn anh. Lâu nay giới lãnh đạo Bắc Kinh đã kết luận như vậy, như chúng ta đọc trong một bài viết vào Tháng Tám vừa qua trên tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản của nhật báo Nhân Dân.
Nhà bỉnh bút kỳ cựu Ðịnh Cương viết, nhận xét rằng chính quyền Việt Nam đang muốn đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng, ông khẳng định, họ sẽ phải ngả về phía Trung Quốc. Lý do mà Ðịnh Cương nêu ra là khi nào Việt Nam còn sống dưới chế độ một đảng độc quyền cai trị thì không thể nào thân thiện được với Mỹ.
Ông Ðịnh Cương có lý. Chính quyền Myanmar mới bắt đầu tiến trình dân chủ hóa thì ông tổng thống Mỹ đã bay qua thăm viếng, các công ty Mỹ đến thăm dò việc đầu tư, cơ quan USAID đã tới hoạt động. Khi nào Cộng Sản Việt Nam chưa trả các quyền tự do dân chủ cho dân thì không thể kết thân với Mỹ.
Nhưng ông Ðịnh Cương cũng sai lầm, khi nói rằng: “Việt Nam phải chọn theo Mỹ hoặc Trung Quốc, giống như các nước Ðông Nam Á khác.” Thực ra, một quốc gia ở vị thế Việt Nam không cần phải chọn chọn theo Mỹ hoặc theo Trung Quốc. Và cũng không nên chọn theo cường quốc nào cả.
Ðể giải quyết những khó khăn trong vùng Biển Ðông, bất cứ chính quyền nào của Việt Nam cũng nên tìm cách đưa toàn bộ vấn đề ra trên các diễn đàn quốc tế. Cần phải chứng tỏ cho cả thế giới thấy thái độ và các hành động của Trung Cộng ở Biển Ðông đe dọa an ninh trên con đường lưu thông huyết mạch của kinh tế các nước Á Châu, Úc Châu, và cả các nước Châu Âu cũng như Hoa Kỳ.
Ðây là một sự thật. Kinh tế các nước Nam Hàn, Nhật Bản, cũng như Trung Quốc đều tùy thuộc vào con đường nhập cảng nguyên liệu và dầu khí đi qua vùng này; cũng là con đường đưa hàng hóa của các nước đó qua các thị trường tiêu thụ ở Châu Âu, Ấn Ðộ, và các nước Trung Ðông.
Nông phẩm của New Zealand và quặng mỏ của Úc cũng phải vận chuyển trên đường này tới các nước công nghiệp phía Tây Bắc Châu Á. Và bây giờ lại thêm Ấn Ðộ muốn xác định địa vị một cường quốc Á Châu.
Chính phủ Ấn Ðộ đã tuyên bố sẵn sàng điều động hải quân tới vùng biển Ðông Nam Á để bảo vệ quyền lợi khai thác dầu khí của các công ty nước họ. Hiện nay công ty khai thác dầu khí (ONGC) của chính phủ Ấn Ðộ đang thăm dò tìm dầu ở vùng Nam Côn Sơn thuộc nước ta, mà Trung Cộng đã tìm cách ngăn cản.
Ðô Ðốc D.K Joshi, tư lệnh Hải Quân Ấn Ðộ, mới tuyên bố rằng mặc dù nước ông không coi vùng này thuộc chủ quyền của mình nhưng Hải Quân Ấn sẵn sàng bảo vệ các quyền lợi hàng hải và kinh tế của Ấn Ðộ ở trong vùng. Ông Joshi còn thách thức nói: “Chúng tôi có sẵn sàng không? Chúng tôi đã diễn tập để làm công tác đó hay không? Câu trả lời là: Có!”
Ðáp lại lời của Ðô Ðốc D.K Joshi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hồng Lỗi (Hong Lei) không ngần ngại tuyên bố tất cả vùng biển đang tranh chấp thuộc chủ quyền của Trung Quốc; không có gì cần phải bàn cả.
Nhưng sự kiện trên cho thấy đây là một cơ hội để đẩy những khó khăn tại Biển Ðông lên thành một vấn đề chung của thế giới. Mà trong thực tế, nhiều nước trên thế giới đã phản ứng mạnh mẽ trước các hành động ngang ngược của Cộng Sản Trung Quốc.
Trong tháng trước, Bắc Kinh đã cho chỉ thị cảnh sát đảo Hải Nam có quyền khám xét, tịch thu các tầu thuyền ngoại quốc khi họ đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của nước họ.
Tức là vùng Biển Ðông nước ta. Hành động này khiêu khích tất cả các quốc gia sử dụng con đường hàng hải này. Singapore đã báo động việc khám xét các tầu của họ, Philippines tuyên bố thẳng hành động khám xét này là phi pháp, hai nước này phản ứng còn mạnh mẽ hơn chính quyền cộng sản Việt Nam.
Chúng ta biết rằng Trung Cộng luôn luôn bày những trò khiêu khích nho nhỏ để thăm dò phản ứng của các nước khác. Nếu các nước chịu chấp nhận việc cảnh sát biển của họ lên khám xét các tầu, thuyền, thì coi như đã công nhận chủ quyền của họ trên toàn thể vùng biển Ðông Nam Á.
Nếu các nước chỉ phản đối nhẹ nhàng, lấy lệ, thì cũng vậy. Những hành động khiêu khích nhỏ, nếu được lập lại nhiều lần và tiếp diễn lâu ngày, thì dần dần sẽ thành quen, Trung Cộng sẽ coi họ có quyền đương nhiên tiếp tục hành động như vậy. Việc bắt cóc, đánh đập, cướp bóc các ngư dân Việt Nam; việc cắt dây cáp tầu thăm dò của Việt Nam; hành động đưa hàng ngàn tầu đánh cá vào vùng biển của Việt Nam, tất cả đều nhắm biến các hành động đó thành chuyện bình thường.
Ðã tới lúc người Việt Nam đứng lên cho cả thế giới biết chúng ta không chấp nhận các hành động xâm phạm chủ quyền như vậy, dù là những hành động rất nhỏ. Nước Việt Nam phải cương quyết bảo vệ chủ quyền của mình. Phải kháng cự bất cứ hành động nào xâm phạm chủ quyền của dân Việt trên biển, trên đảo.
Việt Nam phải bảo vệ các ngư dân bị tấn công, bảo vệ các tầu thăm dò dầu khí, phải đuổi các thuyền đánh cá ngoại quốc xâm phạm hải phận, nếu bị bắt buộc thì phải dùng vũ khí để tự vệ. Thái độ và hành động cương quyết của Việt Nam sẽ đánh thức cả thế giới về vấn đề tranh chấp Biển Ðông, nếu Trung Cộng vẫn ngang ngược tiếp tục lấn áp. Phải chứng tỏ cho chính quyền Trung Quốc và cả thế giới biết người Việt Nam không hèn nhát cúi đầu nhịn nhục mãi mãi.
Năm 1974 các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng trong việc bảo vệ Hoàng Sa. Năm 1988, các chiến sĩ khác đã bỏ mình khi Trung Cộng chiếm thêm mấy đảo ở Trường Sa. Người Việt Nam không cần phải sợ hãi nếu phải đương đầu với quân Trung Cộng; bởi vì trong thế giới ngày nay không quốc gia nào ngồi yên để cho một nước lớn xâm lăng một nước láng giềng nhỏ hơn.
Nếu Trung Cộng xâm lăng Việt Nam thì không những các nước khác vùng Ðông Nam Á phải tìm cách tiến đến một liên minh quân sự mà họ còn kêu gọi các cường quốc như Mỹ và Ấn Ðộ hỗ trợ. Nhật Bản và Nam Hàn được báo động, sẽ mở đầu một cuộc chạy đua vũ trang để tự vệ trong vài chục năm sau đó.
Một cuộc hải chiến tại Biển Ðông chỉ kéo dài một tháng chắc chắn sẽ khiến kinh tế các nước ở phía Ðông Châu Á bị rung động, thị trường chứng khoán khắp nơi sẽ tuột dốc và kinh tế thế giới bị đe dọa lâm vào cảnh trì trệ hơn. Không một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận tình trạng đó, tất cả phải cùng nhau can thiệp.
Năm 2008, cuộc chiến vào Tháng Tám giữa Nga và Georgia đã chấm dứt sau 5 ngày, mặc dù quân lực Nga mạnh hơn nhiều, mà trong vụ này chính Georgia đã gây sự trước. Quân Nga dư sức đè bẹp quân Georgia, nhưng chính quyền Nga cũng không dám sử dụng vũ lực đè bẹp một nước vốn nằm trong Liên Bang Xô Viết cũ.
Bởi vì nếu họ để cuộc chiến kéo dài hơn thì tất cả các nước trong vùng sẽ đoàn kết lại hơn, trước mối đe dọa của Nga. Chưa kể Mỹ và các nước Châu Âu sẽ nhân cơ hội đặt thêm hàng rào vũ khí bao vây Nga để bảo vệ an ninh trong vùng.
Vào thế kỷ 18, khi vua Càn Long nhà Thanh nuôi ý tấn công Việt Nam lần nữa để phục thù trận Ðống Ða, tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An đã dâng kế rằng: Nếu muốn đánh thì phải kết thúc chiến dịch trong ba tháng; nếu kéo dài hơn thì sau sẽ thất bại.
Ngày nay, nếu Trung Cộng muốn đánh Việt Nam thì phải kết thúc cuộc chiến trong một tuần, nếu không thì kinh tế cả thế giới sẽ nghiêng ngả và các nước sẽ đứng ra can thiệp. Khi đó, vấn đề tranh chấp Biển Ðông sẽ được quốc tế hóa, người Việt Nam không chịu cảnh bị đè ép nữa.
Ngay cả khi các nước khác đứng ra can thiệp, nước Việt Nam vẫn có thể bảo vệ quan điểm ngoại giao độc lập: Không liên minh quân sự với nước nào; không để nước nào đặt căn cứ trên nước mình. Tất cả các điều mà người Việt Nam đòi hỏi chỉ là bảo vệ những người dân đánh cá và quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển của mình. Liệu người Việt Nam có đủ sức cầm cự trong ba tháng như vào thế kỷ 18 hay không?
Nêu ra những lợi thế trên địa bàn quốc tế của nước ta và nhược điểm của Trung Quốc không phải để chúng ta trở nên hiếu chiến, gây xung đột một cách vô ích.
Biết lợi thế chiến lược trên địa bàn quốc tế là để thấy người Việt Nam không cần phải quá lo sợ về việc đương đầu với bọn tướng lãnh hiếu chiến trong chế độ cộng sản ở Trung Quốc.
Nếu chúng ta có một chính quyền Việt Nam không hèn nhát, dám đương đầu đối phó với bọn cướp biển bắt cóc ngư dân Việt, cắt dây cáp tầu thủy Việt, thì chắc chắn những người cầm đầu chế độ ở Bắc Kinh cũng không dám tấn công nước ta.
Vì họ cũng nhìn thấy những hậu quả như chúng ta thấy; không dám cậy thế nước lớn ăn hiếp nước nhỏ nữa. Hơn nữa, những người mới lên lãnh đạo nước Trung Hoa cũng phải lo bảo vệ uy tín của họ; không thể phiêu lưu vào một cuộc chiến mà cuối cùng sẽ không được lợi gì cả mà chỉ mất mặt trước cả thế giới.
Cho nên, chính quyền Việt Nam phải phản đối Bắc Kinh một cách mạnh mẽ hơn. Phải chuẩn bị hải quân và các lực lượng cảnh sát biển để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước. Phải sẵn sàng nổ súng ngăn chặn những vụ cướp thuyền ngư phủ, cắt dây cáp tầu thăm dò đáy biển.
Khi Việt Nam làm mạnh thì thế nào Trung Cộng cũng phải nhũn hơn. Trong khi đó, chúng ta vẫn tiếp tục vận động Ấn Ðộ, Philippines và các nước Ðông Nam Á cùng đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Ðông lên các diễn đàn quốc tế.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link