Monday, February 10, 2014

Dân tộc được gì qua vận động UPR 2014?

Dân tộc được gì qua vận động UPR 2014?

Trinity Hồng Thuận
Nhà hoạt động nhân quyền, gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
Chủ nhật, 9 tháng 2, 2014

UPR 2014 tại Geneva
Nhiều tổ chức NGO và nhà hoạt động độc lập về nhân quyền cho VN có mặt ở UPR 2014.
Cuộc vận động nhân quyền nhân dịp sự kiện Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) 2014 của Liên Hợp Quốc diễn ra vừa qua ở Geneva đã tạo sự quan tâm rất lớn về tình trạng chà đạp nhân quyền quá tồi tệ mà dân tộc Việt Nam đang phải gánh chịu.
Biết trước là không thể chối cãi hay khỏa lấp các chứng cớ quá hiển nhiên, Hà Nội chỉ còn cách đánh lạc hướng công luận.

Bài liên quan

Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng sản Việt Nam kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, trước kỳ kiểm điểm, đã đổ tội cho “những thế lực xấu” cố tình xuyên tạc nỗ lực thực thi nhân quyền "quá hay" của nhà nước.
Nói tiếp giùm ông Phạm Bình Minh, lại có người khai triển luận điểm đó để cố bảo rằng: vì có đảng phái chính trị tham gia vào cuộc vận động UPR nên Đảng CSVN đã thắng khi 'cuộc tranh đấu cho nhân quyền "không còn chính nghĩa" nữa.

'Kết quả khách quan'

"Tính sổ tại điểm này theo kiểu thắng thua có lẽ là cách nhìn quá hạn hẹp và không đủ nghiêm túc. Hiển nhiên các nhân chứng từ trong nước và bà con ở hải ngoại tham gia vào các sinh hoạt vận động UPR không ngây thơ đến nỗi nghĩ rằng một kỳ chất vấn này mà đủ để thay đổi tình trạng nhân quyền tệ hại tại Việt Nam"
Trước hết, hãy để cho các bằng chứng tự nói lên thực tế của UPR 2014. So với UPR 2009, có 60 phái đoàn các quốc gia tham dự và sau đó đưa ra 146 khuyến nghị đòi hỏi Hà Nội phải phúc đáp.
Đến UPR 2014, có đến 106 phái đoàn các quốc gia tham dự để chất vấn phái đoàn Việt Nam, và sau đó đưa ra 227 khuyến nghị.
Chỉ nội các con số đó đã cho thấy tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện mà đang tồi tệ hơn 4 năm trước tới mức nào.
Các chất vấn và khuyến nghị cũng không chung chung nhưng đi rất sâu vào nhiều lãnh vực cụ thể như bãi bỏ án tử hình; tăng sự độc lập của truyền thông, bao gồm việc cho phép truyền thông tư nhân; cải thiện quyền tự do Internet; chấm dứt những hạn chế đối với quyền tự do phát biểu và tụ họp ôn hòa; xây dựng chính sách đối thoại giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự độc lập; sửa đổi bộ luật Hình sự và luật Tố tụng, đặc biệt xóa bỏ những quy định không rõ ràng về an ninh quốc gia như các điều 79, 88, 258 dùng để kết tội cho những tiếng nói bất đồng với chính phủ hay chính sách nhà nước...
Nhà nước Việt Nam sẽ phải phúc đáp những khuyến nghị này, chậm nhất vào kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2014.

Như vậy thắng hay thua?

UPR 2014 ở Geneva
Tác giả cho rằng góc nhìn 'thắng thua thua thắng' với vận động và đấu tranh cho nhân quyền ở VN là 'hạn hẹp'.
Tính sổ tại điểm này theo kiểu thắng thua có lẽ là cách nhìn quá hạn hẹp và không đủ nghiêm túc. Hiển nhiên các nhân chứng từ trong nước và bà con ở hải ngoại tham gia vào các sinh hoạt vận động UPR không ngây thơ đến nỗi nghĩ rằng một kỳ chất vấn này mà đủ để thay đổi tình trạng nhân quyền tệ hại tại Việt Nam. Ai cũng biết chính người Việt Nam phải tranh đấu trường kỳ và tạo áp lực từ mọi phía thì mới mong giành lại được các quyền của mình. UPR chỉ là MỘT cơ hội tốt để (1) góp phần nhắc cả thế giới về sự thật nhân quyền tại Việt Nam và nhắc họ nhớ phải nhìn xuyên qua những tuyên truyền dối trá của Hà Nội để tiếp tục gia tăng áp lực; (2) góp phần thuyết phục đại khối bà con chúng ta rằng các quyền con người là quyền đương nhiên của chúng ta, không ai có thể ngăn cấm, ban phát, hay cướp đoạt.
Với quan niệm như vậy, thì không thể nhìn UPR như một biến cố mang tính kết thúc để rồi gọi đó là thành hay bại. Còn nếu nhìn UPR 2014 như là một bước trong tiến trình đấu tranh của cả dân tộc thì hầu như mọi mục tiêu của lực lượng dân chủ qua sự việc này đều đã đạt được rất tốt đẹp, từ sự liên kết giữa nhiều thành phần đấu tranh quốc tế cũng như Việt Nam, đến sự tiếp tay rất tích cực của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế với chúng ta, đến các lời khuyến cáo thẳng thắn của các phái bộ đối với nhà nước Việt Nam tại buổi chất vấn. Đặc biệt là sự bình thường hóa của một quá trình dân sự với sự tham gia của nhiều thành phần quan tâm, trong đó có các anh chị em đến từ Việt Nam.
Lại cũng có luận điểm khá kỳ lạ, từ góc nhìn "thắng thua thua thắng" đó, rằng: người Việt hải ngoại đã đánh mất cơ hội tạo điều kiện cho phái đoàn nhà nước Việt Nam lắng nghe nguyện vọng của những người đang đấu tranh nhân quyền có mặt tại UPR. Ai có thể quên được thực tế suốt hơn nửa thế kỷ qua lãnh đạo Đảng CSVN có bao giờ muốn lắng nghe nguyện vọng của gần 90 triệu người Việt không, đặc biệt là những nguyện vọng về nhân quyền? Không những vậy họ đã và đang làm gì với những người dân can đảm dám lên tiếng về nhân quyền tại Việt Nam?

“Những thế lực xấu”

"Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội luôn đổ tội những khó khăn, những thất bại kinh tế, chính trị, xã hội, nhân quyền, văn hóa... là do các thế lực xấu, thù địch, phản động gây ra."
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội luôn đổ tội những khó khăn, những thất bại kinh tế, chính trị, xã hội, nhân quyền, văn hóa... là do các thế lực xấu, thù địch, phản động gây ra.
Cách đổ tội này không chỉ nhằm né tránh trách nhiệm của giới lãnh đạo Hà Nội trước những lụn bại mà còn là cách để răn đe hàng ngũ nội bộ đảng và dân chúng.
Đây là cách thức tinh vi để khoanh vùng, cô lập sự liên lạc và phối hợp giữa các lực lượng, cá nhân yêu chuộng tự do, công lý với khối quần chúng đang bị tước quyền trong xã hội.
Thực tế dưới chế độ độc tài hiện nay, mọi tập hợp, sinh hoạt không được nhà nước cho phép đều bị dán nhãn là những "thế lực xấu" bất kể đó là cá nhân hay tập hợp; bất kể mục tiêu là sinh hoạt tôn giáo hay vận động cải đổi chính trị.
Trước kỳ kiểm điểm UPR, ông Phạm Bình Minh dùng nhãn “những thế lực xấu” cũng không ngoài các mục tiêu nêu trên, vừa tự phủi trách nhiệm về tình trạng nhân quyền quá tồi tệ tại Việt Nam vừa để răn đe sự hưởng ứng của các nhân chứng từ Việt Nam cho kỳ UPR này cũng như các tố giác vi phạm nhân quyền từ quần chúng Việt Nam nói chung.

Đảng phái chính trị?

UPR 2014
Đại diện chính quyền Việt Nam khẳng định VN luôn tôn trọng các quyền con người và quyền công dân.
Việc cho rằng tập thể các nhà vận động nhân quyền tại UPR 2014 bao gồm các anh chị em trong nước, các đồng bào hải ngoại, và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã đánh mất chính nghĩa và bị lợi dụng thành "công cụ chính trị" chỉ vì có sự tham gia của các đảng phái chính trị là một lập luận vừa lạc hậu trong thế kỷ 21 vừa hàm chứa nhiều ý đồ xấu.
Chúng ta lại phải trở lại với câu hỏi khá cơ bản về "chính trị" hay "làm chính trị". Tham gia giải quyết mọi vấn đề đang đối diện với đất nước đều là "làm chính trị". Vận động để đổi thay thể chế đang cướp đoạt nhân quyền của dân tộc chắc chắn là "làm chính trị". Thúc đẩy hình thành một xã hội có nhiều khuynh hướng để vừa giữ cho đất nước phát triển quân bình, lành mạnh, vừa để cho người dân chọn phương án nào hữu hiệu nhất cho đất nước hiển nhiên phải là "làm chính trị", v.v... Có thể nói một cách rốt ráo: người yêu nước mà không "làm chính trị" thì làm gì?! Và nếu đã "làm chính trị vì đất nước" thì không thể làm một mình mà mơ có kết quả lớn.
Chắc chắn người yêu nước phải kết lại với nhau thành những tập hợp, tổ chức chính trị cùng mục tiêu. Và các tập hợp, tổ chức đó đương nhiên phải cố gắng khai dụng mọi diễn đàn quốc tế như một trong số những vũ khí để giành lại các quyền con người của dân tộc.
"Đây là nỗ lực đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam để sống lại với đầy đủ giá trị của những con người. Con đường tự giải phóng để canh tân đất nước này cần và đòi hỏi sự có mặt của tất cả những người yêu nước"
Đến thời đại Internet này thì chắc chỉ còn rất ít người còn bị nhà cầm quyền Hà Nội tạo chia rẽ với thủ thuật đánh đồng mọi loại "làm chính trị" như nhau và khích tướng với thủ thuật lo âu giùm người khác "đừng để bị lợi dụng". Cả 2 ngụy biện này chỉ thể hiện sự khinh rẻ trí khôn đối với người dân và các nhà hoạt động.

'Sự có mặt của tất cả'

Xem ra con đường đến đích tự do, dân chủ, nhân quyền vẫn còn khá dài trước mặt dân tộc chúng ta mà UPR 2014 chỉ mới là một thành quả đáng kể, đặc biệt với sự nối liền của người Việt trong và ngoài nước, cũng như người Việt với cộng đồng quốc tế tranh đấu cho nhân quyền.
Chúng ta có lẽ vẫn chưa có thể vui mừng tại điểm này vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn đang đi xuống. Lại càng không thể xem đây là chuyện "thắng thua thua thắng" như những trò chơi, những canh bạc, hay những cuộc chạy đua giành ghế giữa một vài đảng phái như trong xã hội phương Tây.
Đây là nỗ lực đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam để sống lại với đầy đủ giá trị của những con người.
Con đường tự giải phóng để canh tân đất nước này cần và đòi hỏi sự có mặt của TẤT CẢ những người yêu nước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi tại California, Hoa Kỳ, thành viên của Đảng Việt Tân, đã tham dự vào cuộc vận động nhân quyền UPR tại Geneva vừa qua.

Khát Vọng Dân Chủ

Mục sư Hồng Trung
Thể chế dân chủ là bước tiến vừa mang tính khách quan vừa tất yếu của lịch sử nhân loại. Chính vì thế mà chế độ chiếm hữu nô lệ, rồi đến chế độ phong kiến trên toàn thế giới hoàn toàn sụp đổ. Sự kiện khối chủ nghĩa cộng sản Đông Âu tan rã ngay trên thành trì của nó cũng không ngoài qui luật.
Ở nước ta, khi triều đại phong kiến Bảo Đại cuối cùng kết thúc, thực dân Pháp rút quân, thì trải qua hai mươi năm nội chiến. Sau ngày 30-4-1975, chấm dứt chiến tranh thì chủ nghĩa Cọng sản độc tài toàn trị, phi dân chủ áp đặt trên toàn quốc. Tuy là với tên gọi và hình thức khác nhau, nhưng bản chất chế độ Phong kiến và chế độ Cộng sản đều giống nhau là: Độc tài và chuyên quyền.
Quyền lực nhà nước thay vì thuộc về nhân dân thì lại thuộc về tập đoàn Cộng sản, cụ thể là Bộ chính trị - đứng đầu là Tổng bí thư; cũng như chế độ phong kiến thì quyền lực thuộc về triều đình Hoàng tộc – đứng đầu là Vua. Tóm lại, chế độ Cộng sản là chế độ nhà nước phong kiến kiểu mới -- nhân dân thực chất là không có quyền làm chủ đất nước theo đúng nghĩa. Nhà nước pháp-quyền, pháp-trị đã thay thế bằng đảng-quyền, đảng-trị. Vì thế, câu ca dao nhân gian thời xưa phong kiến vẫn thường lưu truyền trong sự ta thán của dân chúng thời nay:
“Con Vua Thì Lại Làm Vua,
Con Sải Ở Chùa Lại Quét Lá Đa”
 Tất cả các chức vị, phong tước cho các quan chức chính quyền các cấp được bố trí bổ nhiệm theo thứ tự ưu tiên 1, 2,3 “
§  Nhất hậu duệ (con ông, cháu cha)
§  Nhì tiền tệ (bỏ tiền ra hối lộ để mua chức, mua quan)
§  Ba trí tuệ (con cái các cụ được dự bị làm cán bộ nguồn nên được đưa đi du học bằng tiền thuế của dân nên học hàm, học vị cũng cao)
Những phát ngôn trong bài phát biểu của các vị lãnh đạo, những xiển dương trên các Pa-nô, áp-phíc trưng bày nơi công cộng như: “Tập trung dân chủ, mở rộng dân chủ, phát huy dân chủ, đẩy mạnh dân chủ, v.v.” Thực chất đó chỉ là “cái bánh vẽ“ mị dân mà thôi. Điển hình là lời phát ngôn cao ngạo, thật buồn cười của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Dân chủ nước ta cao gấp vạn lần dân chủ tư sản”.
Thiếu dân chủ, nhân dân không được quyền tham gia trong những quyết định quốc sách kinh tế dân sinh, như vụ bô-xít Tây Nguyên. Trong khi các nhà khoa học phản bác, các nhân sĩ không tán thành, các cựu tướng lĩnh lão thành không đồng tình vì tính kinh tế, an ninh và khoa học, nhưng đảng CS vẫn bất chấp, gây ra hệ lụy nhãn tiền.
Thiếu dân chủ, nên việc lập Hiến pháp, dự thảo sửa đổi Hiến Pháp (HP) chỉ là thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng cầm quyền và HP chỉ là "văn kiện chính trị pháp lý đứng sau cương lĩnh của Đảng" (lời phát biểu ông Nguyễn phú trọng) nên HP không còn là HP dân chủ thông qua được trưng cầu dân ý.
Thiếu dân chủ, nên nhân quyền bị chà đạp. Khi công dân nào dám thực thi quyền các quyền con người của mình như: Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền tự do tôn giáo, quyền bày tỏ chính kiến, quyền khiếu nại tố cáo... thì đều bị trù dập và quy kết phản động vì vi phạm tội luật hình sự. Đành rằng mỗi quốc gia có một lịch sử và nền văn hóa riêng nhưng nhân quyền là quyền phổ quát của con người, có chuẩn mực trong công ước quốc tế, mà chính phủ Việt Nam cũng đã ký. Nghĩa là, cùng môt hành vi nhưng ở VN thị bị bỏ tù nhưng ở các nước khác thì không.
Thiếu dân chủ, thì sẽ không tập hợp toàn thể trí lực của xã hội - sinh khí của đất nước, để cùng nhau xây dựng, phát triên và bảo vệ tổ quốc.
Thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2014: “... Dân chủ và pháp quyền là cặp song sinh trong thể chế chính trị hiện đại... “. Ông nói rất đúng, nhưng thể chế chính trị hiện đại không thể tồn tại với sự độc tài chuyên chế như chế độ CSVN, mà là thể chế dân chủ đa đảng, dân cử, dân bầu bằng sự công khai minh bạch như đại đa số các nước văn minh phát triển trên thế giới. Trên báo điện tử vietnamnet.vn ngày 3-2 có bài viết Để Đảng mạnh phải mở rộng dân chủ của Nguyễn Tấn Đăng và Thách thức lớn nhất trên con đường phát triển của TS Lê Đăng Doanh cũng thể hiện ước vọng dân chủ, dù không dám bộc bạch hết lòng mình.
Dân chủ là khát vọng sống của toàn dân, là khát vọng tiến bộ cho Tổ Quốc. Một chân lý rất đơn giản“Muốn mọi người cùng nhau làm thì phải có dân chủ; và muốn loại trừ việc áp chế người khác bằng quyền lực, thì phải có pháp quyền.“
Chỉ có dân chủ mới chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau trong không khí ôn hòa, cởi mở. Có như thế thì các nhà trí thức, nhà khoa học mới an tâm tiến hành những hoạt động cải cách hiệu quả và có lợi cho quốc gia, dân tộc. Cũng chính vì khát vọng này mà bao nhiêu người vượt qua sợ hãi, dám lên tiếng công khai đấu tranh mà lâm vào cảnh tù đày.-

Hồng Trung
Thành viên Đảng Vì Dân
Viết từ Gia-Lai (VN) cho ngày UPR tại Giơ-ne-vơ ngày 6-2-2014

Phong trào dân chủ, phát triển và những yếu điểm

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-02-09
Nhóm các cá nhân và đại diện Tổ chức Phi chính phủ (NGO) tham dự Sự Kiện Ngày Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Geneve chụp ảnh lưu niệm với các khách mời.
Nhóm các cá nhân và đại diện Tổ chức Phi chính phủ (NGO) tham dự Sự Kiện Ngày Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Geneve chụp ảnh lưu niệm với các khách mời ngày 4 htáng 2, 2014
Vietnam UPR – Facebook
Diễn đàn Bạn trẻ có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.
Diễn đàn bạn trẻ hôm nay xin mời các bạn trở lại với câu chuyện giữa Kính Hòa cùng với Đoan Trang và Anh Tuấn đến từ Việt Nam. Câu chuyện hôm nay của chúng tôi là về phong trào dân chủ hiện nay tại VN.
Trở lại vấn đề chúng ta đặt ra từ đầu buổi nói chuyện hôm nay, và cũng là mục đích của chuyến đi của các bạn là đấu tranh cho nhân quyền. Theo các bạn thì phong trào đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam nói chung, trong thời gian vừa qua có những tiến bộ đáng kể hay không? Điều thứ hai là có những vấn đề gì cần giải quyết để nó phát triển hơn nữa?
Anh Tuấn: Thưa anh thì với quan điểm của tôi thì có nhiều tín hiệu là nó nhiều hơn về số lượng và sâu sắc hơn về chất lượng. Chẳng hạn như là đã có những chuyến thăm viếng các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng có những cuộc làm việc với các tổ chức Liên hiệp quốc về nhân quyền. Số người quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhiều hơn, các dạng hoạt động ngày một phong phú hơn. Thì đó là những tín hiệu tốt. Dĩ nhiên là trong cái bối cảnh mà khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện, trong bối cảnh một xã hội toàn trị chính quyền vẫn coi các nhóm hội là nằm ngoài vòng pháp luật thì nó gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó thì anh cũng biết có những sự sách nhiễu từ phía công an và những người được coi là dư luận viên ở trên mạng. Nhưng mà tôi cũng tin đây là một xu thế không thể đảo ngược lại được. Việc dân chủ hóa, tự do hóa là xu thế không thể đi ngược lại được. Và cũng hy vọng là trong nước và cả ngoài nước phối hợp tốt với nhau để những năm tới những nhóm hội ngày một nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, kết hợp với nhau tốt hơn.
Đoan Trang: Tôi thì nhìn sự việc với tư cách một người làm báo, quan sát ngôn ngữ báo chí trong hơn một thập kỷ qua thì thấy nhận thức của giới truyền thông lẫn độc giả là tiến bộ nhiều. Cách đây mấy năm, một chục năm thì những từ như nhân quyền, quyền con người nó nhạy cảm lắm. Thậm chí cả cái từ xã hội dân sự, như tôi đã nói là vào năm 2010 viết về xã hội dân sự mà còn bị xử lý. Hai ba năm gần đây quyền con người, nhân quyền được nhắc đến nhiều hơn. Tất nhiên là nó được nhắc đến nhiều hơn trên các blog, mạng xã hội. Nhưng mà tốt hơn là không có một chút nào như ngày trước. Rõ ràng là chúng ta đang phi nhạy cảm hóa vấn đề nhân quyền, quyền con người. Còn về tình hình đấu tranh cho nhân quyền với sự thành lập của nhiều hội nhóm thì tôi nghĩ là một biểu hiện tốt.
Kính Hòa: Nhưng mà theo các bạn thì phong trào đấu tranh cho nhân quyền trong nước có những yếu diểm gì hay không? Hay là có những gì cần làm cho tốt hơn không?
Đoan Trang: Những điểm yếu của phong trào đấu tranh cho nhân quyền trong nước hay cao hơn là cho dân chủ, mang tính chính trị hơn, tôi nghĩ đó là sự mất lòng tin vào nhau, sự chia rẽ. Sự chia rẽ xuất phát từ sự mất lòng tin vào nhau, tức là nhóm này không tin nhóm kia, người này không tin người kia, rồi thì có sự tranh giành công trạng, muốn được ghi nhận nhiều thứ. Tất nhiên đó là điểm yếu nhưng tôi không nghĩ rằng đó là cái gì đó đáng nản.
Vì tôi nghĩ rằng,
Thứ nhất nó phổ biến ở tất cả các nước, không riêng Việt nam. Dư luận viên thường nói là … “nước nào chả thế.” (cười)…thì ở đây tôi công nhận là đúng. Chắc là các phong trào dân chủ trước kia ở Đông Âu, hay gần đây là Ai Cập, Tunisia cũng vậy. Bản thân cái công việc của họ là dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh giành công trạng, v.v… Đó là chuyện bình thường.
Thứ hai là riêng về người Việt Nam xuất phát từ một xã hội không tôn trọng quyền con người đã lâu, ai cũng có nhu cầu được thể hiện bản thân. Khi thấy anh em nhóm này nhóm khác thì muốn được ghi nhận công trạng. Tôi thấy đó cũng là điều bình thường. Kể cả khi họ không làm được nhiều nhưng cũng muốn cho mọi người biết là mình làm rất nhiều, đóng góp rất nhiều cho công cuộc dân chủ hóa tôi nghĩ cũng là việc bình thường. Cho nên việc tranh giành công trạng với nhau là việc có thể hiểu được và thông cảm được.
Anh Tuấn: Về cá nhân tôi thì sau một thời gian sinh sống ở Philippines, là một nước có mật độ các tổ chức xã hội dân sự thuộc loại cao ở châu Á thì tôi thấy phong trào đấu tranh cho nhân quyền ở Việt nam có một vài cái thiếu sau,
Thứ nhất là thiếu người, thiếu người tham gia công việc, thiếu kỹ năng, thiếu đào tạo, cả về mặt kiến thức lẫn kỹ năng mềm trong hoạt động.
Nhưng mà tôi nghĩ cần đặt trong bối cảnh xã hội dân sự là một khái niệm còn mới mẽ ở Việt Nam, và nó vẫn đang tồn tại dưới một chính thế toàn trị. Nhưng tôi vẫn hy vọng là việc dân chủ hóa, tự do hóa, quyền con người, như tôi nói lúc nãy là một xu hướng của thời đại. Đó là con đường đúng mà mình phải đi, việc đúng mà mình phải làm. Cá nhân tôi rất là hy vọng.
Kính Hòa: như Tuấn có đề cập đến vấn đề thiếu người, rồi Đoan Trang đề cập đến ngôn ngữ báo chí, sự phát triển của truyền thông ở Việt Nam. Các bạn có nghĩ rằng là những hoạt động về nhân quyền, dân chủ hóa Việt Nam mới chỉ thu hẹp trong một tầng lớp tiếp cận được với internet, những tầng lớp ở thành thị, còn đa số dân chúng Việt Nam ở nông thôn vẫn chưa tiếp cận được với những ý tưởng như thế này? Và nếu các bạn cho là đúng thì làm thế nào để cho những ý tưởng ấy đi vào số đông quần chúng ở Việt nam?
Anh Tuấn, Tôi hoàn toàn đồng ý với anh và nếu so sánh thành thị với nông thôn thì thành thị có ưu điểm hơn trong vấn đề tiếp cận với những ý tưởng tự do dân chủ và nhân quyền. Mặc dù internet đã được phủ sóng cả nước nhưng thu nhập ở nông thôn thấp hơn thành thị rất là nhiều. Bà con ở nông thôn rất khó khăn trong vấn đề tiếp cận, mặc dù nếu mình nhìn lại thì đã có nhiều cố gắng từ những anh em trong nước như là cô Bùi Hằng, chị Thúy Nga đã đi phân phối các tài liệu về nhân quyền cho bà con dân oan ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một thiếu sót của phong trào đòi nhân quyền trong nước khi mà đại bộ phận dân chúng không quan tâm đến.
Nhưng mà tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện diễn ra ở rất nhiều nước, ngay cả những nước mà bây giờ họ đã thành công. Tức là ngay từ điểm xuất phát của họ, những người quan tâm đến các quyền tự do dân chủ nhân quyền đều là thiểu số, bao giờ cũng là một thiểu số. Đó là cái lý do mà chúng tôi phải làm việc, đó là cái lý do mà chúng tôi đi Hoa Kỳ và Geneva hôm nay. Bây giờ nó là thiểu số nhưng mà hy vọng ngày mai nó thành đa số.
Kính Hòa: câu hỏi cuối cùng xin dành cho Đoan Trang, một nhà báo, người làm việc trong truyền thông khá lâu năm. Đoan Trang cho một nhận xét về khả năng Việt nam có tự do báo chí trong tương lai gần!
Đoan Trang: Trong tương lai gần thì tôi không tin có tự do báo chí. Nhưng tôi nghĩ là trong rất nhiều việc, thì truyền thông lề trái, truyền thông lề dân, mạng xã hội, đã đi trước báo chí chính thống. Hiệ giờ thì tự do truyền thông nằm ở lề trái chứ lề phải hầu như không có. Tôi tin là lề trái sẽ mở đường cho lề phải, nói cách khác là họ sẽ mở rộng không gian tự do cho lề phải, báo chí chính thống của nhà nước…
Kính Hòa: nhưng mà không phải trong tương lai gần?
Đoan Trang: không, không phải trong tương lai gần. Ngay cả khi có một thay đổi về chính trị theo nghĩa là đảng cộng sản nới long tay với báo chí chính thống hơn, thì ngay cả như thế, thì trong những năm đầu tự do báo chí vẫn không được đảm bảo. Vì rằng vấn đề ở đây là chúng ta không có người, chúng ta không có nền tảng. Bản thân các nhà báo trong thời gian đầu sẽ rất là chật vật để làm quen với tự do ngôn luận, tự do báo chí, luật pháp, các khái niệm xa lạ với báo chí Việt nam từ trước tới giờ. Bản thân các nhà báo Việt nam cũng phải nổ lực nhiều để làm mới mình, phải nổ lực lắm để có thể bảo vệ tự do báo chí. Nên tôi tin là ngay cả khi có tự do chính trị thì trong thời gian đầu vẫn chưa có tự do báo chí được.
Kính Hòa: tức là vai trò của đài Á châu tự do vẫn còn dài…(cười)
Đoan Trang, Anh Tuấn:…(cười)
Đoan Trang,…vẫn còn (cười) và các mạng xã hội, các blog.
Kính Hòa: xin cảm ơn Đoan Trang và Anh Tuấn đã tham gia buổi thảo luận hôm nay, kính chào quý vị thính giả.
Đoan Trang, Anh Tuấn: Dạ xin kính chào.
Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặc vietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đến https://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.
Tạp chí Diễn Đàn bạn trẻ xin tạm dừng nơi đây. Hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau. Kính Hòa chào tạm biệt.

Thằng Bờm thời nay

Hạ Đình Nguyên

Thông Tin Đức Quốc - 9.02.2014
Tôi cố gắng đọc cho hết thư chúc Tết của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, rồi đến Lời chúc Tết của TBT Nguyễn Phú Trọng. Đọc xong, không biết làm gì hơn, tôi lấy cuốc ra góc vườn làm cỏ, trong trí cứ hiện lên câu chuyện: “ Thằng bờm có cái quạt mo”.
Thằng Bờm là câu chuyện được truyền tụng trong dân gian, rất lâu đời và phổ biến mà không người dân nào không biết. Câu chuyện thì ngắn gọn, gồm những câu thơ lục bát, sự kiện diễn ra đơn giản, lời lẽ lại mộc mạc, nhưng triết lý của nó lại thâm hiểm, độc đáo tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau, tùy cái tâm của người thưởng thức. Vì thế, nó là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo trong dân gian về những “thằng bờm” khác nhau tùy theo hoàn cảnh. Như cái tưởng tượng gây cười bể bụng của nhà văn Trần Văn Thủy, về đoạn phim cha con thằng Bờm trong loạt phim “Hà Nội trong mắt ai” .
Ở vào thời đại xã hội chủ nghĩa, tất nhiên cũng có những “thằng Bờm xhcn”, mà tính chất trào lộng, bi hài, chua chát gấp bội lần nguyên bản của một thời đại văn minh lúa nước, vừa thấy thương mà tội nghiệp, như nhóm “thằng Bờm cưa đá” ở vườn hoa Lý Thái Tổ Hà Nội ( để phá lễ kỷ niệm 40 năm mất Hoàng Sa), nhóm ‘thằng Bờm ném mắm tôm”( để phá việc phát tờ rơi về tuyên ngôn nhân quyền), nhóm “thằng Bờm cướp dải băng” trên vòng hoa tang ông LHĐ ở TP HCM ( vì ông LHĐ là người “khác” chính kiến), hay nhóm thằng Bờm “diễn” Tết trồng cây cổ thụ, lại tưới bằng vòi sen dùng cho tưới hoa hoặc rau cải của những lãnh đạo cười toe và nhóm tùy tùng cười nịnh (!!!). Những cái bi hài của các thằng Bờm xhcn nầy lại mang tính thời đại và có tổ chức hoành tráng. Cái ngốc trong “cha con thằng Bờm” là khiêng cây tre đi xà ngang, gặp cái gì vướn thì đốn bỏ, để đưa được cây tre vào nhà. Lợi có một, hại thì gấp trăm lần cho chính mình. Cái ngốc của những bờm cưa đá, bờm mắm tôm, bờm giựt dải băng, bờm Tết trông cây… có mục đích tổng thể và cao cả là để… bảo vệ Nhà nước XHCN ! Cười ra nước mắt chưa ? Người chứng kiến, hoặc chỉ nghe qua, cũng phải bi phẩn, lại vừa xót xa cho nhân vật, và cho cả hoàn cảnh đẻ ra nhân vật. Thế giới được một phen thưởng thức tài sản phi vật thể về hình tượng thằng Bờm xhcn Việt Nam độc đáo, chưa từng có ở đâu.
Đọc thư chúc Tết của các vị Nguyên thủ Quốc gia Việt Nam mà nhớ tới những ngày tháng ăn bo bo của những năm trước, quá ớn, dù cố gắng mà nuốt vẫn không trôi. Bo bo không phải là thực phẩm chính của con người, ít nhất thì người Việt cũng không quen dùng. Nhưng đó là hoàn cảnh Việt nam vừa ra khỏi chiến tranh, nhưng nay thì đã khác. Các vị có hiểu gì về người dân không ? Họ đang mong muốn gì, chờ đợi gì, đòi hỏi gì ? Những lời lẽ giáo điều, công thức, khuông sáo, vô hồn mà cực kỳ nghèo khổ đã không phải là thức ăn cần thiết của tình thế hôm nay. Vì thế, trong dân chúng không một ai nhắc lấy một lời về các lời chúc Tết của các Ngài. Còn ai hy vọng gì về một sự đổi mới.! Thử đọc các thông điệp đầu năm của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới có giống vậy không ? Dĩ nhiên không. Nó nêu lên minh bạch những vấn đề căn bản, trọng tâm của tình hình quốc gia mà người dân trông đợi ở lời nói chính thức của kẻ cầm quyền vào dịp đâu năm. Nó không vơ vào mình thành tích của cả “nửa thế kỷ trước” để kể công, trộn lẫn với những mong muốn mông lung, cùng với những hô hào vô căn cứ, rồi thì chúc tụng và chào hỏi thân ái khơi khơi…
Thằng Bờm đã không phe phẩy mãi chiếc quạt mo của mình, nó đã cười vui vì một giá trị tương đương đã được thỏa thuận, cái quạt mo có giá trị tương đương một nắm xôi. Nó biết người biết ta, hài lòng, thực tiển, và không tham lam, không mơ hồ về một giá trị ảo..
Phú Ông, không sinh ra vào thời kỳ cải cách ruộng đất, nên hiện diện như một bậc hiền triết, độ lượng mà vui tính, đùa chơi với thằng bé, kín đáo nêu lên một thứ triết lý đạo đức về giá trị tương đương. Giá như thằng Bờm là đứa trẻ tham lam, cứ mang trong lòng một ảo tưởng phi thường, thì “đến cuối thế kỷ nầy” liệu sẽ đổi được gì với cái quạt mo ấy ?! Dân gian cũng thích vui đùa nên khai thác khía cạnh “ngốc” của Bờm để tạo niềm vui, cũng để tự trào về mình, không gây hại ai. Song, những thằng Bờm xã hội chủ nghĩa, ngày càng đông, đang gây hại vô cùng cho Chủ nghĩa xã hội, mà không biết “Chủ nghĩa xã hội” có biết không ! Rồi đây, liệu cái ghế trong Hội đồng nhân quyền, hay một chân trong cái hiệp định TPP có ổn không, do bởi cái hệ thống Bờm nầy gây ra ?
Trong ngày xuân cuốc cỏ, tôi mãi nghĩ chuyện “thằng bờm có cái quạt mo” mà thấy lòng cũng được nguôi ngoai, càng thán phục văn hóa dân gian ta tươi roi rói như ngày xuân../.
Nguồn: http://bolapquechoa.blogspot.de/2014/02/thang-bom-thoi nay.html                                                                      http://www.ttdq.de/node/1130

“Mừng Xuân”, có “Mừng Đảng” hay không?

Lưu Hà Sĩ Tâm

Tiết xuân năm nay nhiều người thích, vì trời đất sáng sủa ấm áp, khiến cảnh xuân đẹp hơn cho thiên nhiên, người lớn đi lại chúc Tết và trẻ con đi chơi không bị trở ngại bởi mưa lạnh. Nhưng cũng có nhiều người muốn có thêm vài đợt mưa xuân nhỏ thôi, rét thêm chút thôi, để bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên còn đậm đà thêm suy tư và tình người, làm đậm thơm hơn các món ăn ngày xuân truyền thống. Nông dân nhiều vùng nông thôn nghèo khó ở miền Bắc lặng lẽ mong tiết trời rét đậm, đơn giản là vì những năm rét đậm thì dễ được mùa. Những ai đã từng đón những cái Tết xa xứ, còn nhớ nguyên cảm giác đau đáu từng giờ, từng ngày, nhớ về gia đình, bạn bè và quê hương xứ sở Việt Nam mình, rồi nhiều lúc tự để cho mình chìm trong cảm giác cô đơn để rồi sau đó tìm đến nhau cùng chia sẻ vui buồn.

Có hiện tượng rất quen, nhưng ngày càng xa lạ với tình cảm của người dân. Ấy là từ trước Tết, trong khi dân chúng mải toan lo cho ngày Tết gia đình, thì khi ra đường bỗng thấy từ khi nào người ta trang trí đỏ lòe: bên cạnh các cờ Tổ quốc, người ta cắm san sát nối tiếp nhau một loại cờ mà không rõ nên gọi là loại cờ gì, những dãy dài các dải đỏ choét làm nền, bên trong không thấy sao, không thấy búa, không thấy liềm, không thấy khuôn mặt vị lãnh tụ nào của tổ chức tiền phong nào… Thì ra ai cũng nhận thấy, cảnh quan chúng ta được trang trí theo kiểu ngày càng giống kiểu trang hoàng của hai anh bạn Trung Quốc và Triều Tiên.

Người dân mấy chục năm qua được Đảng nâng cao “dân trí” rằng, màu đỏ tượng trưng cho cách mạng giải phóng người nghèo, màu đỏ tượng trưng cho máu đổ từ sự hy sinh gian khổ để giành chiến thắng. Vì thế mà màu đỏ là màu cờ Tổ quốc hiện nay, một nước đang xây dựng CNXH.

Nhưng đông đảo người dân ngày càng vô cảm với kiểu trang hoàng nơi công cộng theo kiểu này. Dùng kiểu cờ này, treo san sát như vậy, không những phản cảm mà tốn kém tiền của dân rất phi lý.

Màu đỏ của máu chỉ có ý nghĩa khi tiến hành cuộc đấu tranh theo hướng dùng bạo lực mà thôi. Với mục tiêu xây dựng bất kỳ xã hội tốt đẹp kiểu nào, kể cả xã hội XHCN mà Đảng CSVN muốn xây dựng, mà thường trực “đấu tranh”, mà thường trực “bạo lực” trên cơ sở máu đổ, thì chỉ có thể đẩy đất nước đến lạc hậu, dân tộc ngày càng khổ đau.

Nhiều người nhận thấy, kiểu cờ đỏ không có ngôi sao vàng ở giữa được treo san sát để tạo cảm giác đó là cờ Đảng. Nếu cắm cờ Đảng thật như vậy thì sẽ bị phản đối kịch liệt của dân chúng. Đảng chỉ muốn tạo cảm giác đó là cờ Đảng, tạo cảm giác toàn dân hân hoan “Mừng Đảng” khi “Mừng xuân”. Sự trơ trẽn của Đảng đã chuyển thành câu chuyện hài của nhân dân.

Đã qua rất lâu rồi những năm tháng mà Đảng làm cho dân lầm tưởng, rằng xuân về với cái Tết no đủ, hạnh phúc là do Đảng mang lại. Trái lại, gần 40 năm qua, Đảng hiện nguyên hình là tổ chức tìm kiếm lợi quyền trên đầu trên cổ nhân dân, bất chấp lợi quyền của nhân dân.

Những ai là vồ vập với việc kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2? Đó là những người được hưởng lợi từ Đảng, nên chấp nhận làm con rối cho Đảng. Họ kín đáo, lặng lẽ thực hiện những việc Đảng giao (đi cắm cờ, giăng biểu ngữ, phát phóng thanh, viết bài ca ngợi…) để lập công với Đảng. Các lãnh đạo các cơ sở Đảng (chi ủy viên, đảng ủy viên…) từ thấp đến cao thì lo tìm kiếm cơ hội nhắc đến hay tuyên truyền cho ngày này, để cơ sở Đảng của họ rồi sẽ được thành tích “trong sạch - vững mạnh”.

Nhưng dù họ làm những gì và nói những gì về ngày này, người dân không quan tâm. Hầu hết người dân không cần biết đến ngày sinh của Đảng là ngày 3/2. Những người dân biết về ngày này, không ai muốn nhắc đến nó. Hầu hết đảng viên trong Đảng cũng cảm thấy trơ trẽn khi nhắc đến ngày 3/2 trong câu chuyện đời thường, vì thế họ tránh nhắc đến.

“Mừng Đảng” ư, khi xuân Giáp Ngọ này là xuân đầu tiên mà cái gông Hiến Pháp 1992 được gia cố thành cái gông Hiến Pháp 2013, tiếp tục xiết trên đầu lên cổ nhân dân. Câu chuyện hài này rất đặc trưng ở Việt Nam ta. Vì thế, sự vô cảm của người dân mà chúng ta nói đến trên đây, trước hết là sự vô cảm đối với Đảng.

Một dân tộc vô cảm với lực lượng lãnh đạo mình là dân tộc đang bất hạnh. Và đó là dấu hiệu của một nguy cơ quá lớn đối thể chế đang không muốn thay đổi gì, chỉ vì lợi ích của kẻ cầm quyền.
Cho dù bĩ cực đến mấy, sức sống dân tộc Việt Nam vẫn rất tiềm ẩn, thể hiện đơn giản từ tình cảm mừng xuân mới về với thiên nhiên đang trở mình, và tình yêu thương nhau trỗi dậy.

Thái Bình, 5 Tết Giáp Ngọ
L.H.S.T.


Việt Nam bây giờ không còn là Việt Nam ngày xưa nữa!

Bình Lê

Sang năm mới Giáp Ngọ, ngoài phân tích các vấn đề khó khăn, chúng ta cần nhận ra những điểm sáng để tận dụng phát triển. Với tâm thế đó, chúng ta có thể dựa vào các biến chuyển sau để hy vọng có một sự vượt thác cho dân tộc.

Thứ nhất, nhà nước không còn né tránh lỗi thể chế – nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế, bất bình đẳng xã hội và suy thoái đạo đức. Nền kinh tế bị quỵ gục do tham nhũng, sử dụng lãng phí nguồn lực con người, tài chính và tài nguyên. Xã hội bị chia rẽ bởi bất bình đẳng sâu sắc dẫn đến sự tích tụ bức xúc trong dân chúng. Nghiêm trọng hơn, con người mất niềm tin vào nhau, sẵn sàng đạp lên quyền của người khác vì lợi ích của riêng mình, theo đuổi các giá trị giả tạo hơn những giá trị nhân văn. Những vấn đề này đã tác động trực tiếp vào lương tri của nhiều người lãnh đạo, khiến họ hiểu phải bắt tay giải quyết vấn đề, không thể né tránh. Nhìn thẳng vào sự thật, hành động không chỉ vì sự tồn tại của Đảng cộng sản, mà còn vì số phận của một dân tộc hơn 90 triệu sinh mạng con người đã trở thành mệnh lệnh của thời đại.

Thứ hai, người dân trong khủng khoảng kinh tế, xã hội, và niềm tin vào tương lai dân tộc, đã đặt
những câu hỏi về sự phù hợp của mô hình kinh tế, xã hội, và chính trị Việt Nam đang theo đuổi. Họ không còn lắng nghe một chiều, bắt đầu phê phán những khẩu hiệu mang tính tuyên truyền, và đặc biệt quan tâm hơn đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Có thể nói, khủng hoảng đã làm người dân thức tỉnh và hiểu cuộc sống của họ không thể chỉ trông chờ vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, họ phải là người tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Đây chính là tiền đề cho một xã hội biết suy nghĩ độc lập, biết phản biện, và trưởng thành trong việc tự giải quyết các vấn đề của mình.

Thứ ba, người dân đã hành động sau một thời gian chờ đợi, “ném đá” và than thân trách phận. Những giải pháp có thể rất nhỏ, mang tính cá nhân và phản kháng như “tị nạn du học” - có nghĩa tìm học bổng và mang theo gia đình qua châu Âu hoặc Úc, hay tự trồng rau sạch, tự sản xuất lương thực cho riêng mình để đối phó với sự yếu kém trong quản lý thị trường và đạo đức kinh doanh. Có người tự thành lập các nhóm tình nguyện cứu giúp trẻ em nghèo, người bệnh không tiền, hay cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân bị oan sai. Nhiều trí thức bắt tay hành động vì một “ước mơ Việt Nam” giầu đẹp, đưa ra các sáng kiến cải cách giáo dục, hoặc phản hồi chính trực cho các cải cách kinh tế và chính trị. Đây là chỉ báo của một xã hội bắt đầu chuyển mình từ thụ động qua chủ động, từ chụp giật qua xây dựng.

Thứ tư, công nghệ đặc biệt là internet, truyền thông kỹ thuật số, và điện thoại di động thông minh đã cho người dân một không gian hoàn toàn mới với thông tin đa chiều. Người Việt Nam cảm nhận được sự tự do mới, và họ khát khao mở rộng hơn nữa tự do cho mình. Ban đầu bằng cách tự tạo ra các tổ chức dân sự, riêng biệt và gắn với lợi ích trực tiếp của bản thân. Dần dần, những không gian riêng biệt được mở rộng, kết nối với các không gian khác như là một sự phát triển tất yếu và tự nhiên. Không gian dân sự tạo sức ép cho những không gian truyền thống, một ví dụ điển hình là báo chí, gây ra những xáo trộn làm tiền đề cho những thay đổi về chất, mang tính chiều sâu sau này. Môi trường này đã ươm mầm và nhân rộng những cái tốt, kết nối những người có trách nhiệm để cùng hành động, và tạo ra sức mạnh tập thể vì một sứ mệnh chung: một Việt Nam tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Thứ năm, sau bao năm chưa vượt qua được sự chia rẽ bởi nhiều yếu tố như ý thức hệ, vùng miền, niềm tin và sắc tộc, người Việt Nam ngày càng hiểu chúng ta phải gạt bỏ những mâu thuẫn do lịch sử để lại, do những sai lầm trong quá khứ tạo ra, để đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước. Lợi ích dân tộc được nói đến một cách thực tế hơn, rõ ràng hơn, và gần với con người hơn trong vấn đề biển đảo, quan hệ với nước lớn, tự do cho người dân, và tính chịu trách nhiệm của nhà nước. Dù đường còn xa, đích đến còn dài, nhưng đây là những dấu hiệu của việc xây dựng một xã hội bao dung hơn, vì lợi ích thực chất cho dân tộc hơn.


Câu “Việt Nam bây giờ không còn là Việt Nam ngày xưa nữa” luôn luôn đúng, nhưng đặc biệt có ý nghĩa với chúng ta vào thời điểm này. Đảng cộng sản và nhà nước hiểu người dân bây giờ đã khác, họ đòi hỏi một cách lãnh đạo khác, một cách lãnh đạo minh bạch, thực chất và tôn trọng tự do cá nhân hơn. Người dân bây giờ cũng hiểu họ phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình, tương lai của dân tộc, họ không thể thụ động đợi chỉ thị mà phải tự nghĩ và hành động vì những điều tốt đẹp cho mình và cộng đồng. Như vậy, điều đầu tiên chúng ta cần làm là nói lên suy nghĩ và mong đợi thật của mình để bắt đầu đối thoại xã hội, tìm đồng thuận, và sáng kiến tốt nhất không chỉ cho chúng ta mà cho cả tương lai con cháu sau này.


Nguồn: Hãy Dành thời Gian
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.




No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link