Wednesday, February 12, 2014

Trung Quốc đang nuôi mộng bá quyền



Than huu
SAIGON2016comeback
Kinh chuyen tiep

Vào ngày 11:33 Thứ Bảy, 8 tháng 2 2014, Chuyen Xe Thu <> đã viết:



Posted by News on February 2nd, 2014
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 27/01/2014
(Đài BBC 17/1)

Một khái niệm mới hay một đường lối mới, được ông Tập Cận Bình khởi xướng, quảng bá kể từ khi trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc từ hơn một năm nay, là “Giấc mộng Trung Hoa”.

Cụm từ này được ông Tập Cận Bình dùng khi trở thành Tổng Bí thư vào tháng 11/2012 và trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng 3/2013, ông lại nhấn mạnh nó. Mới đây, trong thông điệp đầu năm (2014), ông cũng đề cập đến “Giấc mộng Trung Hoa”.

Bằng việc khởi xướng, quảng bá khái niệm đó, ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tiến hành “công cuộc phục hưng vĩ đại” để đưa quốc gia này thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự.

Mơ ước và quyết tâm làm cho đất nước mình giàu mạnh là một điều tốt đẹp, chính đáng mà bất cứ lãnh đạo hay người dân của một quốc gia nào cũng muốn có và nên làm. Nhưng với những động thái khá hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc gần đây – chẳng hạn như dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông – một câu hỏi được đặt ra là phải chăng quốc gia này đang ôm ấp giấc mộng bá quyền, bá chủ khu vực?

Cường quốc quân sự
Không ai có thể phủ nhận những thành công vượt bậc về kinh tế của Trung Quốc trong những thập niên vừa qua.

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1980 với chỉ hơn 189 tỷ USD, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ bằng 17,4% của Nhật Bản (1.087 tỷ USD) và 6,6% GDP của Mỹ (2.863 tỷ USD. Nhưng 32 năm sau, với khoảng 8.227 tỷ USD, GDP của Trung Quốc đã vượt qua GDP của Nhật Bản (5.960 tỷ USD) và bằng 50,6% GDP của Mỹ (1.6245 tỷ USD). Và mới mức tăng trưởng cao hiện nay, giới dự báo cho rằng Trung Quốc sẽ thu ngắn khoảng cách và thậm chí có thể vựợt qua Mỹ-về GDP trong 15 hay 20 năm tới.

Theo các số liệu mới nhất, Trung Quốc cũng đã – hoặc ít ra trong thời gian ngắn tới sẽ-soán ngôi số một của Mỹ về thương mại. Vì vậy, dù GDP theo đầu người của Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ – chẳng hạn, theo Ngân hàng Thế giới năm 2012, GDP tính theo đầu người của Trung Quốc là 6.091 USD, trong khi đó ở Mỹ là 51.749 USD – giới lãnh đạo và người dân nước này có cơ sở để “mơ” về một Trung Quốc giàu mạnh hay tiến hành một cuộc phục hưng vĩ đại như ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Quốc hội nước này vào ngày 17/3/2013.

Nhưng việc ông Tập khởi xướng “một giấc mơ theo cách của người Trung Quốc” lúc này chắc làm không ít quốc gia khu vực cảm thấy lo lắng vì nhờ những phát triển vượt bậc về kinh tế và đặc biệt qua việc quyết tâm hiện thực hóa “giấc mộng” ấy, ông đang muốn biến Trung Quốc thành “một quốc gia hùng mạnh” với “một quân đội hùng mạnh”.

Trong hai bài phát biểu sau khi được bầu làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước ông Tập Cận Bình đều nhấn mạnh việc hiện đại hóa quân đội. Và kể từ khi lên nắm hai chức vụ quan trọng, đầy quyền lực ấy, ông đã nhiều lần tới thăm các lực lượng vũ trang và các cơ sở không quân, hải quân của Trung Quốc và thúc giục họ nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng. Ước mơ – hay có thể nói, tham vọng – biến Trung Quốc thành một siêu cường về quân sự cũng được thể hiện qua việc Bắc Kinh càng ngày càng gia tăng ngân sách quốc phòng.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 166 tỷ USD – lớn hơn GDP của Việt Nam năm 2012, vì theo Ngân hàng Thế giới, năm 2012, GDP của Việt Nam chỉ có 155 tỷ USD.

Dù vẫn còn thua xa Mỹ, Trung Quốc hiện là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới. Ngân sách quốc phồng của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều chi phí quốc phòng của Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc – ba nước Đông Á khác được SIPRI liệt kê vào 15 quốc gia có chi phí quốc phòng lớn nhất cộng lại.

Sự kiện Trung Quốc vừa thử thành công tên lửa siêu tốc có gắn đầu đạn hạt nhân và có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện tại được báo chí đưa tin trong những ngày qua cũng là một ví dụ khác về sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc cũng như tham vọng trở thành cường quốc quân sự của quốc gia này. Cùng với việc tăng cường và phô trương sức mạnh quân sự, trong thời gian gần đây Bắc Kinh có những tuyên bố đơn phương và hành động ngang ngược liên quan đến chủ quyền biển đảo làm các nước khu vực thêm quan ngại.

Tham vọng bá chủ?
Có một thuật ngữ mà giới phân tích, học giả thường dùng để diễn tả thái độ, hành động của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực nói chung và tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông nói riêng trong những năm 1990 là “chiến thuật tiến ba bước, lùi hai bước”.

Theo chiến thuật đó, Bắc Kinh thường thực hiện một hành động khiêu khích, lấn chiếm nào đó trên biển Hoa Đông và khi các nước khu vực lên tiếng chỉ trích, Trung Quốc tỏ ra hòa giải, nhân nhượng, rút lui. Tuy vậy, thay vì rút lui hoàn toàn “ba bước” họ đã tiến, Trung Quốc chỉ lui lại hai bước.

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh thực hiện chiến thuật đó một phần vì giai đoạn ấy với chủ trương “trỗi dậy hòa bình”, họ không muốn cộng đồng quốc tế và đặc biệt các nước trong vùng quan ngại về sự trỗi dậy của mình. Mặt khác, về kinh tế và đặc biệt quân sự, Trung Quốc lúc ấy chưa đủ mạnh để “tiến” hay “bành trướng” trên Biển Đông và biển Hoa Đông như họ muốn.

Nhưng khi đã vượt qua các nước khu vực về cả kinh tế lẫn quân sự và đang nuôi mộng trở thành siêu cường, có thể cạnh tranh hay thậm chí vượt qua Mỹ, xem ra Trung Quốc giờ chỉ biết “tiến” và “tiến” nhiều bước và quyết không “lùi” dù Mỹ và các nước khu vực lên tiếng chỉ trích những hành động ấy của họ. Cụ thể, trong thời gian gần đây Trung Quốc đã có một loạt tuyên bố rất khiêu khích và những hành động rất ngang ngược nhằm kiểm soát, bành trướng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Chẳng hạn, bất chấp công luận, sự chỉ trích của các nước khu vực và luật pháp, công ước quốc tế, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra đường lưỡi bò, áp đặt vùng nhận dạng phòng không và quy định vùng đánh bắt cá tại các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước khác như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản hoặc khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Qua việc dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền trên các vùng biển ở Đông Á, Trung Quốc đã và đang muốn thay đổi trật tự khu vực và công khai phô bày không chỉ giấc mộng bá quyền mà còn cả tham vọng bá chủ khu vực của mình. Điều này cũng chứng tỏ rằng trong “giấc mộng Trung Hoa”, ít hay nhiều có “ước mơ” bá quyền, bá chủ.

“Ác mộng” khu vực?
Nếu đúng vậy, “Giấc mộng Trung Hoa” có thể sẽ trở thành “ác mộng” đối với các nước tại Đông Á.

Lịch sử xưa và nay cho thấy rằng khi một quốc gia mới nổi có tham vọng bành trướng, muốn thay đổi trật tự hiện hành và bất chấp mọi luật pháp, nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đơn phương dùng sức mạnh của mình để thực hiện ý đồ đó các nước khu vực và có thể cả thế giới rơi vào bất ổn, xung đột, chiến tranh.

Nước Đức dưới thời Adolf Hitler là một ví dụ điển hình. Vì tham vọng ngông cuồng, Hitler đã tiến hành xâm chiếm một loạt nước châu Âu láng giềng và cuối cùng không chỉ đưa châu lục này vào một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu mà còn dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhưng trường hợp của nước Đức dưới thời Hitler cũng chứng minh rằng dù một quốc gia có mạnh đến đâu nếu bất chấp luật lệ, công ước quốc tế và tiến hành những cuộc bành trướng, xâm lăng phi pháp, phi nghĩa thì cuối cùng cũng bị đánh bại.

Trái lại, như trường hợp của chính nước Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai cho thấy, nếu biết dùng sức mạnh kinh tế của mình một cách chính đáng, nếu biết coi trọng quyền lợi của các nước giềng, một quốc gia có thể đóng vai trò lãnh đạo một khu vực, giúp khu vực ấy phát triển, ổn định.
Từ một nước bại trận với một nền kinh tế kiệt quệ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nước Đức đã trở thành nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và trong hơn 60 năm qua, cùng với Pháp luôn đóng vai trò lãnh đạo trong việc tái thiết đại lục này cũng như trong tiến trình hội nhập, phát triển của cộng đồng chung châu Âu (EU).

Trong thông điệp đầu năm, khi nói đến “giấc mộng Trung Hoa”, ông Tập Cận Bình cũng ý thức được rằng có “hơn 7 tỷ người đang sống trên địa cầu. Chúng ta cùng đi trong một con thuyền nên cần phải dựa vào nhau để cùng phát triển. Người Trung Quốc chúng ta cần thực hiện Giấc mộng Trung Hoa, làm khởi sắc dân tộc Trung Hoa và cũng chúc người dân ở mọi nước biến giấc mơ của họ thành hiện thực”.

“Hung hăng”
Nếu giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc làm theo và làm đúng những gì ông Tập nhìn nhận, không chỉ Trung Quốc mà cả Đông Á sẽ ổn định, phát triển, hòa bình trong những thập niên tới. Nhưng với những động thái ngang ngược, nếu không muốn nói là hung hăng, trắng trợn gần đây của Trung Quốc, xem ra mọi chuyện không như ông Tập nói vì chưa nói đến việc tôn trọng “giấc mơ” riêng của các nước khác, Trung Quốc càng ngày càng vi phạm hay cướp đi các quyền lợi rất căn bản, thiết thực, chính đáng của các nước láng giềng được luật pháp quốc tế hiện hành công nhận. Hơn nữa, chính những hành động của Trung Quốc đã và đang góp phần làm căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước khu vực. Và nếu chúng còn được tiếp tục, khu vực Đông Á sẽ rơi vào đối đầu, xung đột.

Mạng tin “Sankei Express ” số ra mới đây đã đăng bài bình luận của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoà bình và An ninh của Nhật Bản, ông Masashi Nishihara phân tích về những động thái thách thức liên minh Nhật-Mỹ của Trung Quốc thời gian gần đây. Nội dung bài viết như sau:

Trong những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, giới phân tích ngày càng nổi lên quan điểm cho rằng xu hướng suy thoái của kinh tế Mỹ khiến Washington lâm vào tình trạng suy yếu sức mạnh quốc gia và khủng hoảng về chính sách đối ngoại. Giới quan sát bắt đầu đi sâu phân tích nhiều hơn đến Mỹ, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc. Có vẻ như thế giới hậu siêu cường Mỹ sẽ là sự phân cực giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Sự suy giảm sức mạnh quốc gia của Mỹ chỉ là nhất thời”
Rõ ràng, năm 2013 là năm khiến cho giới quan sát nghĩ đến sự suy giảm sức mạnh quốc gia của Mỹ. Với hàng loạt các sự kiện như nguy cơ vỡ nợ và việc đóng cửa một phần Chính phủ Liên bang do biện pháp cắt giảm chi tiêu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vắng mặt trong hai hội nghị quốc tế quan trọng diễn ra ở Đông Nam Á hồi tháng 10/2013, khiến Washington “tạm thời” đánh mất sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á.

Học thuyết về sự suy giảm sức mạnh quốc gia sau khủng hoảng kinh tế cũng trở nên thịnh hành ở Mỹ. Quốc gia nào cũng sẽ phải trải qua sự giao thời giữa giai đoạn suy thoái sau khủng hoảng và thời kỳ phát triển kinh tế cực thịnh. Trong giai đoạn sau suy thoái, chính phủ sẽ phải áp dụng chế độ thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu quốc phòng và can thiệp quân sự.

Nước Mỹ hiện nay đang ở trong tình cảnh như vậy. Trong vòng 10 năm qua, Mỹ đã cắt giảm 490 tỷ USD ngân sách quốc phòng.

Thực tế là kinh tế Mỹ đang phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm. Nếu việc xuất khẩu khí đốt từ đá phiến bắt đầu thì Mỹ sẽ xác lập được vị trí rất thuận lợi về kinh tế và chính trị thế giới. Nếu được giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, Washington sẽ rảnh tay can dự vào tình hình Trung Đông. Chính quyền Obama không muốn can thiệp quân sự mà việc này chỉ thể hiện khuynh hướng thoái trào của nước Mỹ.

Tuy nhiên, khi tham gia luận thuyết về sự thoái trào của Mỹ, Trung Quốc sẽ nâng cao chủ nghĩa dân tộc. Đây là một xu thế nguy hiểm.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama mùa Hè năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”, khẳng định “Thái Bình Dương còn đủ chỗ cho hai cường quốc Mỹ-Trung cùng tồn tại” nhằm thuyết phục Nhà Trắng rằng cả Washington và Bắc Kinh có thể chia nhau thống trị hai bờ Đông-Tây Thái Bình Dương. Lý thuyết về sự Suy giảm sức mạnh của Mỹ phản ánh thái độ “quá tự tin” của Bắc Kinh muốn loại bỏ Mỹ khỏi Đông Á và Tây Thái Bình Dương, tiến gần đến một cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

“Chiến lược hất cẳng Mỹ khỏi khu vực”
Chiến lược hất cẳng Mỹ này có thể đã xuất hiện ngay từ khi Trung Quốc thành lập nhà nước. Trung Quốc đã tăng cường sức ảnh hưởng đối với những nơi mà Mỹ ít hiện diện hoặc không hiện diện, hay còn gọi là khoảng trống quyền lực, tại khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Năm 1992, khi Mỹ rứt khỏi căn cứ hải quân của Philippines, để lại một khoảng trống sức mạnh ở Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu chiếm các bãi đá trên quần đảo Trường Sa. Rõ ràng, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội này và quyết tâm vươn ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mới đây, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.

Việc Bắc Kinh bắt đầu mưu toan coi Okinawa thuộc chủ quyền của Trung Quốc cùng với tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku có lẽ là do Trung Quốc đã nhìn thấy một “khoảng trống quyền lực” từ khó khăn kinh tế kéo dài của Nhật Bản. Đằng sau hàng loạt những động thái như đưa tàu công vụ, chiến hạm, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái vào vùng biển xung quanh Senkaku để uy hiếp và thiết lập vùng nhận dạng phòng không dường như là sự tồn tại của luồng quan điểm về sức mạnh vượt trội của Trung Quốc so với Nhật Bản.

Trong bối cảnh có những biến động về an ninh như hiện nay, vai trò của Nhật Bản trước tiên là không thể và không để tạo ra “khoảng trống quyền lực” có lợi cho Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, Tổng quan chiến lược quốc phòng từ năm 2014 và Chiến lược an ninh quốc gia công bố vào tháng 12/2013 của Nhật Bản sẽ là chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

“Cần tránh tạo ra một ‘khoảng trống quyền lực’
Hiện tại, “khoảng trống quyền lực” đầu tiên có nguy cơ xuất hiện trong khu vực sẽ nằm dọc theo phòng tuyến chuỗi đảo thứ nhất gồm Bán đảo Triều Tiên, Senkaku, quần đảo Nansei, Đài Loan và Biển Đông.

Quan hệ Mỹ-Hàn gặp trục trặc nên khó xác định được việc đồng minh Mỹ-Hàn sẽ hoạt động trơn tru hay không một khi xảy ra biến cố. Cần phải tiếp tục xây dựng cơ chế phòng vệ chung Nhật-Mỹ liên quan đến khả năng phòng ngự của quần đảo Senkaku và tiếp đến là quần đảo Nansei. Nhật Bản cần nhanh chóng lấp đầy “khoảng trống quyền lực” ở đây để tránh tình trạng thiếu sự thống nhất trong nhiệm vụ của Lực lượng bảo vệ bờ biển và Lực lượng phòng vệ. Quyết định di chuyển căn cứ Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ về Henoko là nhằm duy trì căn cứ hải quân ở Okinawa và tăng cường liên minh Nhật-Mỹ tăng khả năng ngăn chặn Trung Quốc.

Đài Loan dưới Chính quyền Tổng thống Mã Anh Cửu tiếp tục tăng cường liên kết về kinh tế với Trung Quốc đại lục. Xu hướng này có thể sẽ làm suy yếu quan hệ Mỹ-Đài. Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tương kế tựu kế để chia rẽ quan hệ Mỹ-Đài đồng thời gia tăng áp lực đối với Đài Loan liên quan đến việc mua sắm vũ khí của Mỹ.

Trung Quốc đang phong tỏa toàn bộ vùng biển bao gồm cả các quần đảo trên Biển Đông bằng đường chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, theo đó Bắc Kinh tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế không có lãnh hải. Có một điều đáng tiếc là các nước ở ven đường lưỡi bò đều là những nước nhỏ không đủ khả năng đương đầu trước sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Địa bàn này đang xuất hiện một “khoảng trống quyền lực” khổng lồ. Trung Quốc đang mưu toan kế sách cô lập Philippines và chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trung Quốc có vẻ đang muốn xây dựng một thế giới lưỡng cực dựa trên chiến lược Chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) nhằm lấp đầy “khoảng trống quyền lực” và hất cẳng Mỹ khỏi khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Cho dù kết quả như thế nào, Nhật Bản sẽ phải đối kháng với Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ đang rơi vào thời kỳ hậu suy thoái, dẫu điều này chỉ là nhất thời, thì Nhật Bản cần thực hiện vai trò bổ trợ kịp thời vào lúc này. Và nếu Nhật Bản vẫn cần thực thi quyền phòng vệ tập thể thì Tokyo sẽ có đóng góp đáng kể cho an ninh khu vực.

Trước tham vọng hết sức nguy hiểm của Trung Quốc, việc xác lập vị thế vượt trội của Nhật Bản và Mỹ như một đối trọng nhằm tạo cảm giác về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực có ý nghĩa sống còn đối với hoà bình và an ninh ở Đông Á./.
Inline image 1


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link