On Friday, February 7, 2014 4:24 PM, Tran Ho <> wrote:
Tháng 2 7 2014
GIẤC MƠ HÁN CHỆT
Giấc
mơ Trung Quốc, ác mộng láng giềng!
Võ Long Triều
Hơn 20 năm trước đây nhà
văn Trung Quốc Tống Thái Thánh đã mơ một giấc mơ Ðại Hán,
ông cho xuất bản một quyển sách tựa đề “Thời Ðại Trung Quốc,”
trong đó ông tưởng tượng một cách kiêu căng rằng: “Bước
vào thế kỷ 21, cho dù bầu trời thế giới có mọc thêm nhiều ngôi sao nhưng Trung
Quốc mới đúng là mặt trời của thế giới. ‘Thời Ðại Trung Quốc’ là Kinh thánh
Phúc âm của thế kỷ 21.”
Tháng 3 năm 2010, hàng
triệu người Trung Quốc đổ xô mua và đọc quyển sách “Giấc Mơ Trung Quốc” do Ðại
Tá Giáo Sư Ðại Học Quốc Phòng Trung Quốc Lưu Minh Phúc xuất bản. Trong đó ông
đặt mục tiêu Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia lớn mạnh nhứt thế giới, thay Mỹ
lãnh đạo toàn cầu. Ðại Tá Phúc đưa ra chiến lược gồm 3 điểm: (1)
Trung Quốc phải thay Mỹ lãnh đạo thế giới, làm quốc gia quán quân và quốc gia
lãnh tụ; (2) Muốn vậy Trung Quốc phải tiến hành cạnh tranh với Mỹ (3) Ðể thắng
cạnh tranh, Trung Quốc cần có quân đội mạnh nhứt thế giới. Không phải để đánh
Mỹ mà để khỏi bị Mỹ đánh. Phải có lực lượng răn đe để cho không ai dám dùng
quân sự ngăn chận Trung Quốc trỗi dậy. Ðiều khôi hài là Ðại
Tá Phúc khẳng định: “Trung Quốc có một lịch sử rất trong sạch và có
một nguyên tắc đạo đức cao cả, là một nước duy nhứt không có tội lỗi đối với sự
phát triển văn minh nhân loại, chính vì vậy mà Trung Quốc có quyền truyền bá
các quan điểm và cách giải quyết vấn đề của mình trên toàn cầu”!
Ðọc xong quyển sách này nhà báo Jeffrey Schmidt cho rằng: “Trung
Quốc đã tháo găng tay và đang thách thức sự thống trị thế giới của Mỹ.”
Giấc mơ Trung Quốc là
gì? Chủ Tịch Tập Cận Bình là người tích cực cổ xúy cho giấc mơ này. Khi mới trở
thành nguyên thủ của đất nước đông dân nhứt thế giới, ông tuyên bố: “Vào
thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại,
thịnh vượng, hùng mạnh, văn hóa tiên tiến và sự phục hưng vĩ đại của dân tộc
Trung Hoa sẽ thành hiện thực.”
Cũng là điều mà ông hứa
trước Quốc Hội ngày 17 tháng 3, 2013 và được phát đi như một lời hiệu triệu
quốc dân. Ngày 8 tháng 4, 2013 ông lập lại trong bài phát biểu khai mạc diễn
đàn Châu Á tại Bác Ngao. Ngày 17 tháng 4, 2013 ông trở lại vấn đề này và nói: “Chúng
ta hãy đưa vào thực tiễn đời sống Giấc Mơ Trung Hoa.”
Ðịnh nghĩa giấc mơ do
Chủ Tịch Tập Cận Bình chính thức thông báo cho Quốc Hội, bao gồm nhiều khía
cạnh, kinh tế, xã hội, văn hóa, v.v… Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài này tôi chỉ
nhìn vấn đề quân sự mà Trung Quốc dùng như một phương tiện hữu hiệu để “phục
hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.” Ưu tiên hàng đầu phải là hiện đại hóa quân đội
bằng sự gia tăng không ngừng và to lớn từ thời chiến lược gia Ðặng Tiểu Bình
được toàn dân Trung Quốc sùng bái, do đó Trung Quốc tìm mua những thứ vũ khí
hiện đại nhứt và sao chế thành sản phẩm của mình. Ðại Tá Lưu Minh Phúc phỏng
định quân đội hùng mạnh sẽ răn đe không ai dám ngăn cản sự trỗi dậy hay nói cho
đúng hơn là sự ngang ngược của Trung Quốc. Bằng cớ là Trung Quốc ngang nhiên mở
rộng biên giới bằng đường 9 đoạn hay cái lưỡi bò liếm toàn biển đảo của các
nước láng giềng, có ai dám gây sự đâu? Ngoài những lời phản đối suông hay phân
chứng với quốc tế. Rồi đến việc tuyên bố ngày 23 tháng 11, 2013 vùng phòng
không trên Biển Ðông và Biển Hoa Ðông, buộc phi cơ bay ngang phải khai báo, rồi
đến lệnh cấm đánh bắt cá kể từ ngày 1 tháng 1, 2014 phải xin phép tỉnh Hải Nam.
Từng bước, Trung Quốc thực hiện giấc mơ và sự phục hưng vĩ đại của
Hán tộc. Sự phục hưng dựa vào vũ lực để lấn áp láng giềng,
hoàn toàn không có nguyên tắc đạo đức cao cả, không trong sạch,
trái ngược với lời khẳng định của Ðại Tá Lưu Minh Phúc rằng Trung Quốc là một
nước duy nhứt không có tội lỗi đối với sự phát triển văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, thực tế cho
thấy trong công cuộc “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa và thực hiện giấc mơ,”
Trung Quốc cần tìm kiếm, chiếm đoạt tài nguyên và các nguồn năng
lượng mới, gây ra nhiều cuộc xung đột, tranh chấp chủ quyền biển đảo rất căng
thẳng với hầu hết các nước láng giềng nên chủ trương “thế giới hài hòa” của
Trung Quốc là sự tuyên truyền giả dối.
Người ta còn nhớ, tàu
hải giám Trung Quốc đánh chìm ngư thuyền Việt Nam bắt ngư phủ đòi tiền chuộc
mạng; tàu Trung Quốc đã trực diện “đối đầu” với Philippines ở bãi cạn
Scarborough. Tháng 3, 2013 tàu Trung Quốc bắn cháy cabin tàu đánh cá trong hải
phận của Việt Nam; cũng trong tháng 3, bốn tàu chiến Trung Quốc tập trận trên
bãi cạn James thuộc chủ quyền của Malaysia. Ngày 23 tháng 4, 2013 tám tàu lớn
Trung Quốc có 40 máy bay quân sự hỗ trợ, đi vào lãnh hải xung quanh quần đảo
Senkaku của Nhật Bản. Ngày 26 tháng 4, 2013 Trung Quốc đưa hàng chục binh lính
tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Ðộ và dựng trại tại đây. Nếu phải liệt kê tất cả những
vụ cố tình khiêu khích của Trung Quốc thì hãy còn nhiều. Những
sự vi phạm đó có mục đích vừa là đe dọa bằng vũ lực, vừa là thử lửa xem có ai
dám phản ứng mạnh không, vừa là muốn xác định bằng vũ lực chủ quyền của mình.
Sự đe dọa có tính công
khai với lời kêu gọi của Tập Cận Bình là quân đội nhân dân Trung Quốc phải
chuẩn bị tinh thần, đề phòng chiến tranh có thể xẩy ra những ngày sắp tới, mặt
khác họ Tập cũng đồng thời gởi thông điệp rằng giới lãnh đạo mới của Trung Quốc
cam kết mở cửa, theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chiến lược cùng
thắng với thế giới bên ngoài.
Chính sách hai mặt đó
thể hiện qua cuộc gặp tay đôi giữa Tập Cận Bình và Tổng Thống Barack Obama tại
trang trại Annenberg ở Sunnyland, California, ngày 7 tháng 6, 2013. Theo báo
chí Trung Quốc, trong cuộc gặp gỡ đó Tập Cận Bình đã khái quát mô hình quan hệ
nước lớn theo kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc dựa theo 3 diễm sau đây: (1)
Không xung đột và không đối đầu; (2) Tôn trọng lẫn nhau; (3) Hợp tác cùng thắng.
Phía Trung Quốc cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng.
Dựa vào sự thỏa thuận
ngầm và theo chính sách vừa đấu tranh vừa hợp tác có lợi, Trung Quốc đã từng
bước hành động ngang ngược trong vùng Châu Á vì biết chắc Mỹ sẽ không để xẩy ra
“xung đột” dù có thỏa ước quân sự với Philippines và Nhật Bản. Tuy
nhiên cung cách múa gậy vườn hoang của Trung Quốc ngày càng quá đáng buộc Mỹ
phản ứng, không thể để một mình Trung Quốc làm bá chủ ở Châu Á Thái Bình Dương.
Vì thế mới có chuyện Mỹ “xoay trục,” di chuyển 60% quân lực sang Á Châu với sự
có mặt của 2500 quân nhân Mỹ tại Úc. Sự thay đổi chiến lược quốc tế trên vũ đài
chính trị của các nước như Mỹ, Châu Âu, Úc Ðại Lợi, Nhật Bản, Ấn Ðộ, ảnh
hưởng sâu sắc đến việc thực hiện giấc mơ của Trung Quốc.
Tháng 11 năm 1996 trong
cuộc thảo luận bàn tròn về chính sách quốc tế tại California dưới thời Tổng
Thống George W. Bush, nhiều vị nguyên thủ quốc gia tham dự, trong đó cựu Thủ
Tướng Nhật K. Myazawa đã tiên đoán rằng vào năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành
một cường quốc lớn nhứt về kinh tế lẫn quân sự và ông lo ngại rằng “sẽ rất khó
dự đoán Trung Quốc sẽ hành động như thế nào.” Cựu Thủ Tướng Hàn Quốc ông S.
Lho, cũng đặt câu hỏi tương tự: “Nếu như Trung Quốc giàu
có hùng mạnh thì điều gì sẽ xẩy ra ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương”?
Riêng cựu Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu thì khuyên “hãy để cho Trung Quốc
ngủ yên.” Nhưng tiếc rằng Trung Quốc không chịu ngủ yên với chủ trương bành
trướng của Hán tộc.
Cái mốc được các nhà lãnh
đạo Trung Quốc xác định cho việc hoàn thành “Giấc Mơ Trung Hoa” là năm 2049,
kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Người ta tự hỏi thời
gian gấp rút buộc Bắc Kinh bất chấp phương tiện và hành động nào miễn đạt được
mục đích, đặc biệt cướp đảo, lấn đất, khai thác tài nguyên của láng giềng một
cách phi pháp, có thể xẩy ra xung đột quân sự rộng lớn, trở thành
ác mộng chẳng những đối với các nước trong vùng mà cả đối với Hán tộc.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment