Sunday, April 27, 2014

Khi một xã hội mất niềm tin cũng là khi xã hội sắp suy tàn

Khi một xã hội mất niềm tin cũng là khi xã hội sắp suy tàn

1
Tôi phát hiện một điều thú vị: nhiều người trong ngành y tế có vẻ rất [nói theo tiếng Anh là] emotional. Khi bị báo chí tấn công hay chỉ trích, họ giận dỗi và trách giới báo chí và công chúng không hiểu việc làm rất cực khổ và rất khó khăn của họ, không cảm thông được những áp lực mà họ phải đương đầu hàng ngày, vân vân và vân vân. 

Thú thật các bạn, đọc những câu chữ kiểu đó tôi chỉ biết phì cười. Phì cười là vì phản ứng như thế có vẻ quá thấp, và [xin lỗi trước các bạn] quá trẻ con.

Ở nước ngoài, những người phê phán ngành y nhiều nhất và nặng nề nhất là người trong ngành y. Chính người trong ngành chỉ ra những sai lầm y khoa dẫn đến chết người. Chính người trong ngành chỉ ra tình trạng vi phạm y đức và dẫn đến cải tiến như chúng ta thấy ngày hôm nay. 

Chính người trong ngành chỉ ra những bất cập trong bệnh viện và những cái chết có thể ngăn ngừa được. Thế nhưng chẳng ai biện minh hay giận dỗi; tất cả đều bình thản nhìn vào sự thật để khắc phục vấn đề. Tôi nghĩ thái độ của họ thể hiện một sự trưởng thành.

Tôi nghĩ là người trưởng thành và chuyên gia, mình phải đủ khả năng tinh thần (mental capacity) để ứng phó với những chỉ trích. Nếu họ chỉ trích sai, mình giải thích. Nếu họ chỉ trích đúng, mình nên ghi nhận và cám ơn. Không cần phải biện minh công việc mình là khó khăn, vì công việc nào nếu làm cho có chất lượng mà chẳng khó khăn?! Không nên nói theo kiểu giận dỗi rằng nếu không có y bác sĩ thì ai chăm lo sức khoẻ cho dân, vì ông bà ta có câu “không mợ thì chợ vẫn đông”. 

Trong một xã hội, mỗi người làm một việc, và đó là phân công bình thường và cũng là một khế ước xã hội. Những tự đánh giá mình quá cao và ảo tưởng về mình chỉ là ảo tưởng mà thôi. Đừng bao giờ nghĩ mình “học giỏi” và tự ban phát cái quyền có tiền nhiều vì nó quá hài hước và ấu trĩ. Đừng bao giờ tự xem mình là bề trên của thiên hạ và ở vai trò ban phát ơn cho đám đông vừa nghèo vừa dốt. Nghĩ như thế thì đừng nên làm nghề y, và thật ra, đừng làm bất cứ ngành nghề nào cả trong xã hội.

Nhìn chung, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của ngành y là sự thiếu niềm tin. Thật ra, phải nói là mất niềm tin thì đúng hơn. Tuy ở mức độ cá nhân, người bệnh vẫn kính trọng và biết ơn bác sĩ, nhưng ở mức độ cộng đồng thì ít ai còn tin vào ngành y tế VN. Những cái chết sau khi tiêm vaccine là rất nhức nhối nhưng chưa bao giờ có câu trả lời thoả đáng. Những “bệnh lạ”, sau hàng chục thậm chí hàng trăm, điều tra và nghiên cứu vẫn chẳng đi đến đâu. Những lừa dối trong khoa học, những vụ mua bằng và “chạy” học hàm, thêm cái “văn hoá phong bì” làm cho tình hình càng nhếch nhác.

 Đỉnh điểm của tình trạng nhếch nhác là vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân, dù chỉ là một trường hợp hi hữu, nhưng nó xảy ra sau hàng triệu bê bối khác thì cũng đủ người dân mất niềm tin. 

Sự mất niềm tin sẽ còn mãi mãi khi vấn đề y đức vẫn còn nóng. Thử hỏi chất lượng dịch vụ, thậm chí sinh mạng của bệnh nhân tuỳ thuộc vào cái túi của bệnh nhân có bao nhiêu tiền, thì ai còn dám tin vào y bác sĩ? 

 Thêm vào đó là những phát biểu của các quan chức y tế làm cho người dân khó hiểu. Cứ mỗi lần các quan chức phát biểu là mỗi lần sóng dư luận lại nổi lên. Đừng trách giới báo chí, mà hãy nhìn lại mình, nhìn lại ngành mình đã làm gì để người ta mất niềm tin.

Mặc cho vài người trong giới y tế khẳng định một cách tự tin rằng các chuyên gia VN chẳng kém ai trên thế giới, người có điều kiện vẫn sang các nước trong vùng điều trị. Các quan chức ngành y khi đọc diễn văn cũng ca ngợi những thành tựu và tài năng tuyệt vời của đồng nghiệp, nhưng khi có bệnh họ cũng bỏ VN sang các nước trong vùng hay thậm chí Mĩ để điều trị. 

Tại sao vậy? Tôi nghĩ tại vì mất niềm tin. Ở mức độ cá nhân có thể — chỉ có thể thôi — chuyên gia VN chẳng kém ai, nhưng người ta nhìn vào là nhìn tổng thể, và cái bức tranh tổng thể nhếch nhác chẳng thuyết phục được ai. Anh có thể tự hào tuyên bố rằng anh đã thành công trong việc dùng stem cell để điều trị ung thư, nhưng người ta chỉ nhìn vào những bệnh nhân la liệt trong bệnh viện và những việc cơ bản như nhiễm trùng trong bệnh viện còn chưa kiểm soát được, thì lời tuyên bố đó chỉ có tác dụng làm câu chuyện tiếu lâm cho giới chuyên môn mà thôi. 

Trước mặt họ khen anh đấy, nhưng trong buổi dạ tiệc bên li rượu đỏ thì họ biến câu chuyện đó thành chuyện cười.
Thật ra, chẳng riêng gì ngành y tế, cả xã hội đều mất niềm tin vào nhiều ngành nghề khác.

 Vì mất niềm tin vào ngành giáo dục, nên người có điều kiện gửi con ra nước ngoài học. Các quan chức cao cấp cũng gửi con ra nước ngoài học. Điều thú vị là “nước ngoài” ở đây là Mĩ và phương Tây, cái thế giới mà đảng và Nhà nước VN không ưa. Người dân cũng mất niềm tin vào cảnh sát từ lâu.

 Cao hơn là giới chính khách cũng chẳng còn tạo được niềm tin từ người dân, vì họ nhìn vào và nghĩ đến mua quan bán chức chứ không phải do thực tài. Người dân cũng mất niềm tin vào giới thương gia, những người mà họ xem là tiếp tay cho thương gia Tàu để trục lợi và giết người Việt một cách dần dần. Nhưng người dân là ai? 

Họ cũng chính là chính khách, là người làm trong ngành y tế, giáo dục, cảnh sát, thương gia, v.v. Do đó, nói người dân mất niềm tin chính là nói họ đã mất niềm tin vào chính họ và những người chung quanh.

Ts Vũ Minh Khương trong bài “Chặt cầu để tiến lên” (hình như đã bị rút khỏi Tuần Việt Nam) có liệt kê vài tiêu chí của một xã hội suy tàn:
“Tầm nhìn: Bị che mờ bởi hào quang quá khứ và sự lú lẫn của tư duy cũ được gia cường bởi lợi ích cá nhân và phe nhóm. Chiến lược: Mơ hồ; chủ yếu xoay sở để giữ ổn định bằng cách gia cường các chốt hãm tạo bởi những định đề có từ quá khứ. Phong cách lãnh đạo: Sự vụ, đối phó, né tránh sự thật. Văn hóa tổ chức: Mọi người, dù là có chức vụ cao đều thấy không có quyền lực.

 Trong đáy lòng, thực tế không còn những giá trị thiêng liêng để tôn thờ. Ngậm miệng ăn tiền. Hệ thống không ghi nhận đóng góp hay qui trách nhiệm cho các nhân về mỗi nỗ lực thực hiện. Vận hành của hệ thống: Thụ động, thúc thủ, thậm chí tê liệt (trên bảo dưới không nghe). Hệ thống thông tin: Mập mờ, sai lệch, thậm chí bị ém nhẹm, dấu diếm. Sử dụng nguồn lực: Phung phí, dàn trải. Luôn cảm thấy thiếu hụt tài chính và nguồn lực vật chất; trong khi coi thường giá trị con người. Vô thức trong việc lãng phí tài nguyên và vay nợ nước ngoài.”

Các bạn có thể xem những tiêu chí của Ts Vũ Minh Khương và đối chiếu với tình hình thực tế ở VN hiện nay thì sẽ có một kết luận cho riêng mình. Tôi muốn thêm tiêu chí khác là sự mất niềm tin. Khi một xã hội mất niềm tin cũng là khi xã hội sắp suy tàn.




__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link