Thursday, May 1, 2014

“Đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự”


“Đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự”

Theo VnEconomy
Nguyên Hà
Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân - Ảnh: CK.
Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân – Ảnh: CK.

“Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”.

Rất ngắn gọn, song ý kiến phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận được nhiều tiếng vỗ tay hưởng ứng tại ngày làm việc thứ hai (29/4) của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh), với nội dung chính là bàn thảo về cải cách thể chế.
Theo ông Tuyển, thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước và xã hội dân sự.

“Hiện nay ta đang cấm kỵ dùng cụm từ xã hội dân sự, tôi đồ rằng chúng ta kỵ cụm từ này cũng như từng kỵ thể chế kinh tế thị trường vì coi đó là cấu trúc kinh tế của kinh tế tư bản. Và bây giờ mình đang coi xã hội dân sự là sản phẩm của nền chính trị tư sản. Đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính quy luật”, ông Tuyển nói.

Vẫn theo nguyên Bộ trưởng, thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề cập dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Mà đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ và đương nhiên phải tôn trọng vai trò của xã hội dân sự.
“Nếu xã hội dân sự có thể tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện thì nó sẽ hỗ trợ khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của nhà nước”, ông Tuyển khẳng định sự cần thiết thừa nhận xã hội dân sự.

Kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh cải cách thể chế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá đề nghị nhanh chóng ban hành luật về biểu tình và ban hành luật về xã hội dân sự, bởi theo ông, đó là quyền của dân, không có gì phải e ngại.

Cũng đề cập đến vai trò của xã hội dân sự trong phát biểu của ông Tuyển, chuyên gia Phạm Chi Lan đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để lắng nghe tiếng nói thực sự của dân.
“Đại biểu tiếp xúc cử tri còn hình thức lắm, tôi 72 tuổi mà chưa một lần được đi tiếp xúc với đại biểu tôi bầu với tư cách là cử tri bình thường. Trong số các vị do chính mình bầu ra đến nay tôi cũng chỉ nhớ tên một vi, còn các vị khác hoàn toàn không nhớ gì cả”, bà Lan nói.

Bên lề Diễn đàn, một số ý kiến cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của ông Trương Đình Tuyển.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng xã hội dân sự Việt Nam đã phát triển và cần phải chấp nhận nó. Các tổ chức xã hội cần được trao quyền tham gia xây dựng, phản biện, giám sát thực thi chính sách và cho họ cả cái quyền được tham gia tố tụng tại tòa án. “Nếu được trao quyền và có khung khổ pháp luật thì tự họ phải hoạt động nghiêm túc”, ông Doanh nhìn nhận.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, một xã hội kém phát triển như Việt Nam thì sự tham gia của xã hội dân sự vào cải cách thể chế là chưa thực sự phù hợp.

Ai sẽ làm chủ nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Nguyễn Hữu Quý
Sau gần 20 năm kiên định với cơ chế quản lý “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một khái niệm, một cơ chế mơ hồ lẫn trên lý thuyết, và thất bại trên thực tiễn; thì hôm nay, những người lãnh đạo Việt Nam, mặc dù chưa chính thức công bố từ bỏ nó, nhưng có thế đã chuẩn bị cho sự cáo chung đối với đường lối sai lầm này.

Báo “Người đồng hành” (NDH), trong bài viết “Bộ trưởng Tài chính: Có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần chi phối” (1), đăng ngày 28.4.2014, dẫn lời Bộ trưởng Tài Chính, ông Đinh Tiến Dũng, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Nikkei nhân chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, bài báo cho biết:
“(NDH) Việt Nam đang xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết từ mức 49% lên tận 60%, tờ nhật báo Nikkei của Nhật Bản dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đưa tin”.

Rõ ràng, sức ép để được gia nhập là thành viên của TPP là rất lớn, bởi việc gia nhập TPP có thể là con bài cuối để cứu vãn nền kinh tế đang trên đà sụp đổ của Việt Nam. Sở dĩ có thể nhận định như vậy, vì ở cuối bài, bài báo viết:
“Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang đẩy mạnh công cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và các công cuộc cải cách khác, trong đó có việc giảm rào cản đối với dòng vốn nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho nỗ lực tham gia Hiệp định TPP”.

Ngược thời gian, cách đây 15 năm, tức là năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/1999/NĐ-CP, “Về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước”(2); Tuy nhiên, thời kỳ đó đang là thời kỳ cao điểm về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nguồn tài nguyên chưa đến mức đã bán đến cạn kiệt như hiện nay, cho nên áp lực để cổ phần đối với DNNN chưa cấp thiết. Chính vì vậy, các nhóm lợi ích vẫn cố duy trì DNNN, là nơi để tham nhũng, chia chác quyền lợi theo lối “tư duy nhiệm kỳ” cố hữu do thể chế tạo nên…

Nên mừng hay nên lo, ai hưởng lợi?
Dễ dàng để nhận thấy rằng, đến thời điểm này, nếu “cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết từ mức 49% lên tận 60%”, thì Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên hưởng lợi, vì họ đã gần như làm chủ nền kinh tế Việt Nam khoảng trên dưới cả chục năm nay.

Chẳng hạn: Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng năm 2013, Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa, đã để cho một doanh nghiệp Trung Quốc chi 40 triệu USD để trở thành cổ đông lớn, và để cho nước ngoài chiếm cổ phần đến 76,5%, trong khi đây là doanh nghiệp ăn nên làm ra, với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2013 là 115 tỷ đồng (3); ở Việt Nam hiện nay, không dễ gì có doanh nghiệp đạt được lợi nhuận như thế, việc bán cổ phần của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa là rất đáng ngờ và đáng để suy ngẫm!

Nếu như tới đây, Chính phủ Việt Nam không có một Hội đồng cấp Nhà nước để theo dõi, quản lý quá trình Cổ phần hóa các DNNN theo chủ trương đã đề ra, thì rất có thể, sẽ có sự bắt tay giữa các Chủ doanh nghiệp này với cá nhân và tổ chức nước ngoài để gửi giá và ăn chia, lại quả…
Một lần nữa, tài sản quốc gia lại bị thất thoát thông qua việc Cổ phần hóa lần này. Người ta sẵn sàng hạ giá trị tài sản của doanh nghiệp xuống hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần so với giá trị thực… hưởng lợi sẽ là cá nhân hoặc các tổ chức nước ngoài mua DNNN.
Với lợi thế mà Trung Quốc đã tạo dựng được trên đất nước Việt Nam (kinh tế, chính trị, ngoại giao…), không còn nghi ngờ gì nữa, với chủ trương trên, thì Trung Quốc sẽ thâu tóm hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới.

Và đương nhiên, Trung Quốc sẽ làm chủ nền kinh tế Việt Nam.

Sự khai tử của nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, và cơ chế quản lý “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Dễ dàng nhận thấy, nếu như Nghị định số 103/1999/NĐ-CP (nói trên) mà được thực hiện một cách nghiêm túc, thì chỉ cần trong khoảng vài năm, hoặc muộn là 5 năm (1999-2004), thì việc tiến hành cổ phần hóa DNNN đã xong; và như vậy, kinh tế Việt Nam không rơi vào cảnh sắp bị phá sản như bây giờ. Cũng do không phát triển được nội lực, cho nên, hiện tại, bức tranh về nợ công của Việt Nam, “Nếu tính đủ, nợ công phải lên tới gần 100% GDP. Tỷ lệ an toàn theo báo cáo hiện nay là 55,7% và ‘theo quy định’. Điều này chứa đựng nguy cơ ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro”; Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã phát biểu như thế tại “Diễn đàn Kinh tế mùa xuân”, khai mạc sáng (28/4) tại TP Hạ Long(4).

Cũng vì nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, cho nên, bị các nhóm lợi ích thâu tóm, làm cho quá trình Cổ phần hóa DNNN không diễn ra được, để rồi đến hôm nay phải chịu hậu quả.

Rõ ràng, việc Cổ phần hóa, trong đó để nhà đầu tư nước ngoài được chiếm đến 60% cổ phần (tức nắm phần chi phối, hay được toàn quyền quyết định đối với doanh nghiệp), là một thất bại của Việt Nam ở tầm quốc gia. Quan điểm này cũng chính thức khai tử chủ trương “thành phần kinh tế Nhà nước làm chủ đạo”; hay nói một cách rộng hơn, cơ chế quản lý “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã bị chính Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu khai tử.
Nhìn từ phương diện dân chủ hóa Đất nước, thì đây là tín hiệu tốt.

Đâu là hy vọng?
Sự kiện này (để nhà đầu tư nước ngoài được chiếm đến 60% trong DNNN) mang tính hai mặt mà ta có thể nhận thấy:
1. Việc Cổ phần hóa DNNN bị chậm mất 15 năm, cùng với sự bảo thủ, sai lầm trong nhiều chủ trương khác, đã đưa Đảng cộng sản Việt Nam đến sự bế tắc toàn diện như hiện nay.

2. Đảng cộng sản Việt Nam (vô hình dung) đã thừa nhận thất bại trong điều hành kinh tế đất nước. Nếu như ai cũng biết rằng “Các tập đoàn và tổng công ty đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia”(5), thì đây là thất bại toàn diện, thậm chí là nguy hiểm với đất nước.

3. Hy vọng người Việt Nam, đặc biệt là Việt kiều ở Mỹ, có đủ năng lực về tài chính để tham gia mua lại cổ phần, hạn chế tối đa để Trung Quốc thâu tóm kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ có chính sách ưu tiên đối với Việt kiều trong sự kiện này.

4. Hy vọng, người Nhật với sự nhìn xa trông rộng và tiềm lực tài chính của mình, sẽ có những hành động thiết thực để có thể cân bằng với người Trung Quốc trong vấn đề này.
29.4.2014
N.H.Q

Xã hội dân sự, có gì mà ngại?

Nguyễn Vạn Phú
Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 là một diễn đàn về kinh tế, nơi tập hợp các chuyên gia chủ yếu trong lãnh vực kinh tế để thảo luận chuyện kinh tế. Thế nhưng điều đọng lại với tôi là người theo dõi sự kiện này lại là phát biểu của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển về… xã hội dân sự.
Ông nói và được báo VnEconomy trích đăng: “Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”.

Có lẽ với nhiều người khác, điều ngạc nhiên với họ là vì sao phải thừa nhận xã hội dân sự trong khi nó tồn tại khách quan bất kể ý thức chủ quan của bất kỳ ai.

Ông Tuyển, một lần nữa, lại nói ngay vào bản chất của vấn đề “xã hội dân sự” tại Việt Nam: “Hiện nay ta đang cấm kỵ dùng cụm từ xã hội dân sự, tôi đồ rằng chúng ta kỵ cụm từ này cũng như từng kỵ thể chế kinh tế thị trường vì coi đó là cấu trúc kinh tế của kinh tế tư bản. Và bây giờ mình đang coi xã hội dân sự là sản phẩm của nền chính trị tư sản. Đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính quy luật”.

Đúng là trong một thời gian dài, không hiểu do đâu, vì ai mà khái niệm “xã hội dân sự” trở thành một “taboo [điều cấm kỵ]” trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, có dùng thì phải biến báo thành từ khác như xã hội công dân. 

Ở đây có lẽ phải nói ngay một điều có thể trở thành nguyên tắc ngay được: Nên chấm dứt chuyện cấm bằng lệnh miệng hay truyền miệng; nó vừa “tam sao thất bổn” vừa dễ bị kẻ xấu lợi dụng, nó đi ngược lại nguyên tắc công khai minh bạch của quản lý nhà nước. Giả dụ “xã hội dân sự” là điều không được bàn luận thì phải dựa trên một cơ sở pháp lý nào đó, bằng văn bản hẳn hoi, chứ như thời gian qua, nếu ai đó cất công đi tìm hiểu vì sao “xã hội dân sự” được ông Tuyển khẳng định là đang bị cấm kỵ thì có lẽ sẽ không ai tìm ra.

Thực tế, nhiều bài viết của những người đảm nhận các trọng trách trong lãnh vực văn hóa tư tưởng vẫn sử dụng, vẫn bàn về “xã hội dân sự” một cách bình thường, thậm chí còn xem đó là một góc độ để phát huy nền chính trị dân chủ ở nước ta. Tôi lấy ví dụ một cách ngẫu nhiên bài của TS Đỗ Minh Cương (Ban Tổ chức Trung ương) đăng trên tạp chí Cộng sản có đoạn: “… thực hiện sự đồng thuận giữa chế độ chính trị với xã hội dân sự, giữa các tổ chức chính trị với các tổ chức xã hội và đoàn thể nhân dân để hạn chế các tệ nạn của bộ máy công quyền (quan liêu, tham nhũng, lãng phí…) và phát huy được năng lực tự quản, tính chủ động, tích cực về chính trị của nhân dân.” (NV nhấn mạnh).

Hay một đoạn trích khác của tác giả Trần Ngọc Hiên cũng đăng trên tạp chí Cộng sản: ”Sự ra đời Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự là kết quả tất yếu do nghiên cứu phát triển của kinh tế thị trường. Ở đâu có kinh tế thị trường thì ở đó phải có Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Ba bộ phận đó cấu thành hệ thống của một thể chế kinh tế chính trị, mà sự hoàn thiện của hệ thống thể chế hoàn toàn chỉ dựa vào sự liên hệ tương tác với nhau giữa ba bộ phận. Đó chính là quá trình phát triển chế độ dân chủ. Không hình thành hệ thống với ba bộ phận và không có quy chế liên hệ tương tác thì thể chế kinh tế chính trị chỉ dừng lại ở mong muốn chủ quan, kinh tế thị trường sẽ trở nên hoang dại. Thể chế Nhà nước sẽ sa vào quan liêu, tham nhũng nặng nề”. (NV nhấn mạnh).

Chừng đó cũng đủ thấy con ngáo ộp “xã hội dân sự” bị cấm đoán bằng con đường nào đó chỉ là ý muốn của những cá nhân nào đó, do không hiểu rõ vấn đề, lại lo sợ khi thấy người ta lạm dụng cụm từ này vào nghĩa khác.

Nhưng nếu gặp trường hợp cứ cho là có sự lợi dụng cụm từ “xã hội dân sự” vào chuyện kích động người dân vì mục đích hay động cơ được xem là xấu thì tại sao không để những tiếng nói phản biện tranh luận lại để cuối cùng mọi người hiểu đúng về vai trò của xã hội dân sự trong quá trình phát triển đất nước?

Có rất nhiều cách hiểu, cách nhìn về xã hội dân sự nhưng với tôi đây chỉ là nơi mà con người cùng nhau thiết lập các mối quan hệ không bị chi phối bởi luật lệ chính thống nữa. Chuyện bác sĩ nhận phong bì, chuyện giáo viên o ép học sinh học thêm, chuyện ca sĩ ăn mặc phản cảm… làm sao luật lệ nhà nước bao quát cho hết được. 

Vì thế mới đẻ ra những hội đoàn như y sĩ đoàn để duy trì giềng mối đạo đức trong giới bác sĩ và từ đó bảo vệ cho cả cộng đồng y bác sĩ, như nghiệp đoàn giáo chức để cùng nhau thỏa thuận những ranh giới đạo đức mà người thầy đúng nghĩa không được vượt qua, như hội nghề nghiệp của các diễn viên, nghệ sĩ để cùng nhau giữ lấy thanh danh… Cái đó có gì là xấu? Có gì phải lo ngại? Có gì phải cấm đoán.

Đó còn là nơi người dân giám sát hoạt động của nhà nước, của quan chức coi thử có phục vụ lợi ích cho toàn xã hội hay chỉ lo cho một nhóm lợi ích nào đó. Đó còn là nơi các quan điểm khác nhau cọ xát để tìm ra chân lý vì không ai có thể độc quyền về chân lý mãi mãi.

 Ở góc độ này, dù muốn dù không xã hội dân sự vẫn đang hoạt động mạnh mẽ qua sự phản biện của công luận hay báo chí trước các vấn đề của xã hội. Kinh tế thị trường luôn ưu ái cho người có tài sản; nhà nước luôn có xu hướng sử dụng quyền lực để tiện lợi cho việc quản lý nên dễ rơi vào chỗ lạm quyền; quan chức thì dễ rơi vào cạm bẫy quyền lực và tiền bạc.

 Vì vậy nền kinh tế thị trường mà không có sự lớn mạnh của một xã hội dân sự để làm cái thắng cho sự tham lam, lạm quyền, tham nhũng thì đúng là nền kinh tế ấy sẽ chỉ là biểu hiện của một dạng chủ nghĩa tư bản hoang dã.
Xã hội dân sự – thật sự có gì mà phải ngại?



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link