Mồng một tháng năm: gửi Nhã Thuyên và những người lao động bị tước đoạt quyền lao động
Nhã Thuyên thân mến,
Tôi là một trong 166 người đã ký tên vào Bản phản đối và yêu cầu với nội dung yêu cầu Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN rút lại quyết định hủy bằng và thu hồi luận văn của bạn.
Chúng ta chưa biết ông Hiệu trưởng sẽ hành động thế nào. Nếu căn cứ vào thực tế của chúng ta từ nhiều thập kỷ nay, chúng ta lại càng không thể khẳng định được điều gì, chúng ta
không biết logic nào sẽ được vận dụng để giải quyết vấn đề của bạn.
Trong trường hợp xấu nhất, trong trường hợp những lá thư ngỏ của cộng đồng giáo dục và nghiên cứu, trong nước và hải ngoại, bị rơi vào im lặng, trong trường hợp vụ việc của bạn bị để “chìm xuồng” (từ này đã trở thành quá quen thuộc rồi), tôi nghĩ bạn cần đề nghị trường ĐHSPHN trao lại cho bạn hai quyết định mà bạn đã từ chối. Bạn sẽ sử dụng hai quyết định đó như bằng chứng cho sự bất công và sự vi phạm nhân quyền mà bạn phải gánh chịu.
Bạn có thể sử dụng những bằng chứng đó để tiếp tục tìm cơ hội phát triển công việc nghiên cứu của bạn, nếu bạn vẫn mong muốn làm việc đó. Sẽ có những tổ chức đại học, những tổ chức nghiên cứu quốc tế sẵn sàng hỗ trợ bạn để bạn có thể tiếp tục học lên, nếu họ biết đến trường hợp của bạn và những gì bạn đang phải gánh chịu. Bằng những kinh nghiệm riêng của mình, tôi tin như vậy.
Khi viết những dòng này tôi
nghĩ đến cả nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, nhà báo Huy Đức, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cô giáo Nguyễn Thị Bình, và những người lao động khác mà có thể tôi không biết, những người đã bị tước đoạt quyền lao động một cách bất công và phi lý,
và cả những người bị tước đoạt quyền được học tập như Nguyễn Phương Uyên, Phạm Lê Vương Các.
Milovan Djillas nói rất đúng rằng chế độ toàn trị muốn biến con người thành “những búi cỏ khô trên sa mạc”.
Vậy điều quan trọng là, đừng để họ biến đời sống của chúng ta thành một cõi hoang vu, và
chúng ta cũng đừng tự để mình khô héo đi.
Rồi có thể đến một ngày, chúng ta sẽ mang nhân tính,
trí tuệ và cái thiện tặng lại cho những kẻ đã muốn biến đời ta thành cỏ héo và biến tâm hồn ta thành sa mạc. Bởi nếu chúng ta trở thành những cánh đồng xanh tươi thì chính họ cũng được hưởng vẻ xanh tươi đó, thay vì bị đe dọa bởi đám cháy bốc lên từ cỏ khô.
Nhân ngày quốc tế lao động, xin gửi niềm hy vọng tốt đẹp nhất của tôi tới những người lao động đang bị tước đoạt quyền lao động, tới những sinh viên đang bị tước đoạt quyền được học tập. Chúc các anh chị và các bạn tiếp tục lao động và sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn của mình.
Sài Gòn, 1/5/2014
Nguyễn Thị Từ Huy
Tác giả gửi BVN.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment