Pháp
quyền, pháp trị, pháp luật
Theo DCVOnline
Trần Thanh Hiệp
Chừng
nào không có bằng chứng rõ rệt thì không thể không coi cái gọi là “Nhà nước
pháp quyền” hiện đang cầm quyền là Nhà nước gốc chuyên chính vô sản, nhưng đã
được pha chế để thị hiện dưới những hình thức ngụy trang mà thực chất đều hoàn
toàn “phản dân chủ”.
Lời ngỏ – Xuất
hiện từ trong nước ít lâu nay, từ ngữ “pháp quyền” bắt đầu được sử dụng trên
các báo của người Việt ở ngoài nước. Lo ngại rằng hiện tượng này có thể gây nên
nhiều sự hiểu lầm về những ngữ nghĩa của từ ngữ “pháp quyền” đứng riêng, hoặc
đứng chung với từ ngữ Nhà nước trong thành ngữ “Nhà nước pháp quyền”, vào dịp
một cuộc hội thảo vào thời điểm thập niên 1980, tôi có đưa ra một số ý kiến về
từ ngữ có vấn đề ấy. Dưới đây là bài tham luận của tôi, phần đầu chỉ tóm lược,
phần sau có thêm một vài bổ sung nhỏ. Tuy bài dưới đây đã được viết vào một
thời điểm đã qua, nhưng vẫn còn giữ được một mức độ tính thời sự cao
Trần Thanh Hiệp, Viện Việt
Học, Little Saigon, ngày 8 tháng 5, 2011.
Tác giả, Ls Trần Thanh
Hiệp. Nguồn ảnh: NguoiVietBlog.
I. Pháp quyền, pháp
trị về mặt “danh” hay là mặt hình thức
“Pháp quyền”, từ ngữ
mới
Gần đây, nhân có nhiều
trao đổi ý kiến về các vấn đề đa nguyên, đa đảng, dân chủ, đổi mới, v.v… người
ta thấy xuất hiện trên sách báo trong nước một từ kép mới, “pháp quyền”. Việc
sửa đổi hiến pháp đã buộc các người lãnh đạo, các quan chức cộng sản phải nói
tới “pháp quyền”. Năm 1992, Viện Nhà nước và Pháp luật ở Hà Nội đã xuất bản một
cuốn sách nhỏ dày hơn 100 trang dưới tựa đề “Tìm hiểu về Nhà nước pháp quyền”,
sáng tác chung của một tiến sĩ, ba phó tiến sĩ khoa học pháp lý và một luật
gia. Ngoài ra, một nhân vật trí thức được coi như có xu hướng chống đảng, giáo
sư Phan Đình Diệu, công khai lên tiếng cổ võ cho việc thiết lập một “Nhà nước
pháp quyền”.
Có lẽ thái độ chống đối tuy ôn hòa nhưng ở ngay trong lòng chế độ
ấy đã gián tiếp làm cho từ ngữ “pháp quyền” được hội nhập dễ dàng vào ngôn ngữ
chính trị của người Việt ở ngoài nước và bắt đầu được lác đác sử dụng trên báo
chí hải ngoại. Kết quả là về một thuật ngữ, vì từ ngữ mới “pháp quyền” xen lẫn
với những từ ngữ cũ “pháp trị”, “pháp luật”, người đọc không biết là có khác
biệt giữa “pháp quyền”, “pháp trị”, “pháp luật” hay không và nếu có thì phải
căn cứ vào đâu để nhận biết!
Pháp luật, trước hết
là một vấn đề ngôn ngữ vì ngôn ngữ trong pháp luật là sự thể hiện của quyền lực
nên phải thận trọng. Dùng “danh” (hay “cái để biểu đạt”, le signifiant) của
cộng sản thì phải hiểu rõ “thực” (hay “cái được biểu đạt”, le signifié) của nó
là gì. Để tránh tệ trạng chính tà, thị phi đảo lộn, làm mất công sức phục hồi
sự thật như thói tục đảo điên trong sinh hoạt chính trị, văn hóa gần hai thập
niên qua ở trong nước (như đã được quan sát ở hải ngoại).
Muốn hiểu rõ nội dung
chữ “pháp quyền” thì không thể chỉ căn cứ vào nghĩa riêng của hai từ đơn “pháp”
và “quyền” rồi kết luận vội vàng và đại khái – nhưng rất sai lầm – rằng “pháp
quyền” có nghĩa là pháp luật với quyền cao nhất. Phải đặt chữ này vào trong hệ
thống các văn bản qui chuẩn cấu thành chế độ xã hội chủ nghĩa đương hành, trong
ý hệ cộng sản mới làm lộ rõ được nội dung đích thực của nó.
Nếu làm như thế thì
sẽ thấy ngay rằng “pháp quyền” không biểu thị loại pháp luật mà chúng ta biết
và chấp nhận – nghĩa là loại pháp luật của các nước dân chủ tự do. Trái lại, nó
biểu thị thứ pháp luật riêng của cộng sản hoàn toàn khác tới mức độ trái ngược
với pháp luật không cộng sản. Như vậy, không có lý do gì để dùng nó.
Chữ “pháp quyền” ở đâu
ra?
Không đi quá sâu vào
địa hạt chuyên môn rất phức tạp của luật học, chỉ xin nêu lên một vài cơ sở xét
đoán để giải thích tại sao không nên dùng “pháp quyền”. Điều không nên quên là
các nhà lãnh đạo, các quan chức, các luật gia cộng sản không dùng pháp luật,
pháp trị, lại dùng “pháp quyền”, không phải vì họ không biết đã có các chữ pháp
luật, pháp trị mà tại vì họ không muốn nhượng bộ các đòi hỏi dân chủ, vì nhượng
bộ thì sẽ bị lôi cuốn vào việc phải chấp nhận và áp dụng thứ pháp luật của các
nước tự do dân chủ.
Luật gia TSIENt
Che-Hao, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia
(CNRS). Nguồn:ina.fr
Chính vì thế mà họ đã
phải mượn chữ “pháp quyền” – đã có từ trước nhưng với một nghĩa khác – mượn
cách Trung Cộng đã dùng chữ này để dịch chữ “droit” của người Pháp. Ông TSIEN
Tche-Hao, tiến sĩ luật khoa, năm 1980 trong một cuộc hội luậncủa “Trung tâm
triết học về pháp luật” ở Paris, cho biết rằng Trung Cộng đã dùng chữ “faquan”
(pháp quyền) với nghĩa của chữ “droit”, như khi họ dịch chữ “droit bourgeois”
là “zichan faquan, tư sản pháp quyền”.
Ông còn nói thêm, “pháp quyền” hiểu theo
ngữ nghĩa là quyền do luật định (pouvoir légal)”. Với mọi dự phòng sai sót và
căn cứ vào những tài liệu của chính “Đảng Cộng sản Việt Nam”, tôi xin đưa ra
một giả thuyết là chữ “pháp quyền” chỉ mới bắt đầu được dùng công khai, theo
nghĩa mới, không sớm hơn năm 1985 (về bằng chứng, xin xem ở dưới). Trước đó,
một số từ điển Hán-Việt, Hán-Pháp, Pháp-Hán xuất bản từ những năm 30 đến những
năm 60 ở Hồng Kông, Thượng Hải, Hà Nội, Sài Gòn đều có ghi chữ “pháp quyền”
nhưng chỉ để đối dịch chữ “juridiction” của Pháp và có nghĩa là “quyền tài
phán”, tức là quyền để xét xử.
Ở những thời điểm ấy, nó không hề có nghĩa tổng
quát ngang với chữ “pháp luật”. Hai cuốn tự điển Pháp-Việt và Hán-Việt của Đào
Duy Anh không thấy ghi chữ “pháp quyền”. Cần nhấn mạnh rằng các từ điển Việt
Nam xuất bản tại Hà Nội, như “Từ điển tiếng Việt” (1977) hay “Từ điển
Pháp-Việt, Dictionnaire français-vietnamien” (1981) đều không thấy ghi chữ
“pháp quyền”. Cuốn từ điển thứ hai này đã dịch chữ “droit” là “luật, pháp luật”
và chữ “juridiction” là quyền xét xử. Mãi đến năm 1992 cộng sản mới ghi chữ
“pháp quyền” vào các từ điển của họ như cuốn “Từ điển tiếng Việt” hay “Từ điển
Việt-Pháp” với những nghĩa mới. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “pháp quyền”
(danh từ) là hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của Nhà nước, cho bản
chất của một chế độ.
Còn “Từ điển Việt-Pháp” thì dùng chữ “droit” để đối dịch
chữ “pháp quyền” (ngoài ra, chữ này cũng còn có nghĩa thứ hai là quyền xét xử,
nghĩa của chữ “juridiction”). Những điều kể trên cho phép kết luận rằng cộng
sản đã dùng chữ “pháp quyền” với một nội dung rất xác định để dịch chữ “droit”
của Pháp và vì thế không thể coi “pháp quyền” là tương đương với “pháp luật”,
quá thông dụng và hầu như đã mất tính cách thuật ngữ để thành khẩu ngữ. Nhưng
nội dung cộng sản muốn có là nội dung nào? Điểm này sẽ được quảng diễn ở phần
II là phần bàn về nội dung. Xin trích dẫn ba đoạn rất tiêu biểu cho quan điểm
cộng sản về pháp luật của họ tức là về “pháp quyền”.
Đoạn trích dẫn thứ
nhất liên quan đến “pháp quyền” khi chữ này chưa được chính thức dùng để dịch
chữ “droit”:
“Hiến pháp vừa phải ghi lại những thành quả đã
đạt được, hợp pháp hóa” các thành quả đó, ổn định các thành quả đó thành “pháp
quyền” (tức là được qui định thành pháp luật và được bảo đảm bằng pháp luật)
nhưng không thể không đề cập những mục tiêu phải đạt trong tương lai, một tương
lai không xa lắm…” (Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội
I985, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr. 344).
Hai đoạn trích dẫn còn
lại cho thấy dưới mắt đảng cộng sản, luật pháp nghĩa là gì:
1. “Luật: văn bản do cơ quan quyền lực tối cao
ban hành qui định những phép tắc trong quan hệ xã hội, buộc mọi người phải tuân
theo” (Từ điển tiếng Việt, Hà Nội 1992, Trung tâm từ điển ngôn ngữ).
2. “Trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, luật hình sự có vị trí rất quan trọng. Nó là công cụ
sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản để bảo vệ những thành quả của cách
mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…” (Lời nói đầu, Bộ Luật hình sự của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội 1985, Nhà Xuất bản Pháp lý).
Rõ ràng là một định
nghĩa dành riêng cho pháp luật cộng sản với những mập mờ cố ý: cơ quan quyền
lực tối cao theo hiến pháp là quốc hội nhưng theo thực tế thì là “Đảng”. Sử
dụng chữ “pháp quyền” trong ngữ cảnh ấy như là một chữ tương đương với chữ
“droit” thì không thể chủ quan đến mức coi rằng đó là cùng một thứ pháp luật
hiểu theo nghĩa của luật học không cộng sản. Nếu trong thâm tâm không chấp nhận
luật của cộng sản thì tốt hơn hết là đừng dùng chữ “pháp quyền”. Chữ “droit”
xưa nay vốn được dịch là “pháp”, ghép hai từ “pháp”, “quyền” vào nhau cũng vẫn
để dịch chữ ấy là vừa thừa lại vừa thiếu.
Thừa là vì đã là pháp thì tất nhiên
là có quyền (để chế tài, trừng phạt). Vấn đề là quyền ấy ở đâu ra và phải được
hành sử như thế nào (trong trường hợp Việt Nam XHCN, quyền của pháp ở dưới Nghị
quyết của Đảng). Như vậy, chỉ nói đến quyền không thôi, là nói thiếu. Và Nhà
nước nào cai trị bằng thứ “pháp quyền” ấy cũng không thể là một nhà nước “pháp
trị” theo nghĩa quen thuộc của danh từ.
II. Pháp quyền và pháp
trị về mặt “thực” hay là mặt nội dung
Pháp trị và Nhà nước
pháp trị
Như trên đã nói, “pháp
quyền” chỉ là một nhãn hiệu cộng sản dùng để dán vào “pháp luật” tự do dân chủ
mà thực chất khác xa pháp luật cộng sản. Lấy “pháp quyền” để dịch thành ngữ
État de Droit là “Nhà nước pháp quyền” thay vì “Nhà nước pháp trị” là còn làm
lớn thêm hơn nữa khoảng cách giữa hai thứ pháp luật ấy. Có thể nói, khoảng cách
một trời một vực vì thêm vào sự khác biệt của hai thứ pháp luật, lại còn có sự
khác biệt của hai loại nhà nước!
État de Droit, tiếng
Đức Rechtsstaat, (Nhà nước pháp trị) là một đề tài luật học không đơn giản như
nhiều người tưởng, nhất là nếu chỉ hiểu Nhà nước pháp trị qua định nghĩa sơ sài
của pháp trị là “căn cứ vào pháp luật để trị lý quốc gia”. Cần nhấn mạnh ngay
rằng “nhà nước pháp trị” nói tới ngày nay không phải là loại “nhà nước pháp
trị” thuở xa xưa trước Công nguyên, vào thời của các pháp gia nổi tiếng như
Quản Trọng (nước Tề), Tử Sản (nước Trịnh), Công Tôn Ưởng (nước Tần), Thận Đáo
(nước Triệu), Lý Tư (nước Tần), Hàn Phi Tử (một pháp gia kiệt xuất không có dịp
thi thố tài năng nhưng đã bị giết chết vì tư tưởng pháp trị của mình), v.v.
Với một quá trình hình
thành và biến đổi, ngày càng hoàn mỹ, dài trên năm thế kỷ, Nhà nước pháp trị là
thành quả của nhiều cuộc cách mạng vừa đổ máu vừa ôn hòa, là nơi tàng trữ những
giá trị văn hóa phương Tây, là tinh hoa của văn minh phương Tây và trước thềm
thế kỷ 21, đã trở nên kiểu mẫu lý tưởng tổ chức xã hội cho nhân loại.
Miêu tả đầy đủ ở đây
các loại nhà nước pháp trị là điều không làm được vì khó mà bao quát hết, dù
chỉ phác họa sơ qua hình thế (configuration) của tất cả các nhà nước pháp trị
đã hiện hữu ở phương Tây. Tuy nhiên, để tiện việc so sánh nhà nước pháp trị với
“Nhà nước pháp quyền”, tưởng cũng nên nêu lên những đặc tính chung của các nhà nước
pháp trị:
1. Nhà nước pháp trị là nhà nước sinh ra để
chống chuyên chế và vì vậy có bản chất chống chuyên chế, bắt đầu bằng việc
chống thần quyền, quân quyền tuyệt đối.
2. Nhà nước pháp trị là sự biểu lộ khát vọng
của loài người muốn chinh phục phẩm giá, quyền lực cho “con Người ” (l’Homme,
la Personne) nạn nhân của thần thánh, vua chúa, thiên nhiên, đồng loại, v.v.
3. Nhà nước pháp trị, do đó, là nhà nước của
mọi con dân trong một nước (nghĩa là của quốc dân) và bởi thế nó được coi như
là nhà nước của quốc gia dân tộc (la Nation) không phải của riêng của một cá nhân,
một giòng họ, một tôn giáo, một giai cấp, một đảng phái, một tập đoàn cầm quyền
nào, v.v.
4. Nhà nước pháp trị, để tồn tại mà không mất
bản chất, đã thiết lập và thượng tôn một trật tự xã hội dựa trên pháp luật,
trật tự pháp lý (ordre juridique); trong hệ thống pháp luật (pháp chế) của trật
tự pháp lý này, các quy phạm có đẳng cấp trên dưới rõ rệt (hiến pháp, luật, văn
bản dưới luật, v.v.) không ai có thể tùy tiện đảo lộn hay xóa bỏ.
5. Nhà nước pháp trị, bởi vậy, đã phải
phân chia quyền hành minh bạch (lập pháp, hành pháp, tư pháp) và hành sử các
quyền này theo đúng kỷ cương, có sự kiểm soát nghiêm mật để tránh lạm quyền,
bảo đảm cho các “nhân quyền”, thành văn hay không thành văn, được thực sự tôn
trọng, để cho con người, mọi người, có cơ hội hành sử tự do của mình, để cho có
đa nguyên về tư tưởng, về tổ chức, v.v. Nhà nước pháp trị là nhà nước có đặc
điểm nổi bật “ít nhà nước”.
6. Nhà nước pháp trị, kể từ thập niên 50,
ngày càng có xu hướng mạnh mở rộng ra ngoài biên cương của quốc gia phạm vi
hoạt động của mình (Liên Hiệp Quốc) và đến thập niên 90 thì các hệ thống pháp
luật riêng đã bắt đầu có sự điều hành chung, đang có cơ đi tới thống nhất làm
nền tảng cho một trật tự pháp lý toàn cầu.
7. Nhà nước pháp trị, nói tóm lại, là dấu
tích mà loài người đã và đang lưu lại trên bước đường tiến hóa xa dài đã qua và
còn đang đi tới của mình.
8. Nhà nước pháp trị, như lịch sử đã chứng
minh, cho đến nay là nhà nước của dân chủ tự do (démocratie libérale), những
nhà nước chuyên chính cũ để trở thành nhà nước pháp trị đều tự hủy diệt mầm
mống chuyên chính, như Liên Xô cũ và các nước ở Đông Âu. Trung Quốc, Việt Nam
(Cuba, Bắc Hàn chắc cũng vậy?) không nói pháp trị, chỉ nói “pháp quyền” là để
tiếp tục duy trì chuyên chế (chuyên chính).
Những nguyên tắc pháp
trị. Nguồn: ruleoflaw.org.au
Nhà nước hiện nay ở VN không phải là
Nhà nước pháp trị
Đến đây, có thể nêu
lên hai câu hỏi. Thứ nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
tuy mang nhãn hiệu “Nhà nước pháp quyền” có phải là Nhà nước pháp trị không?
Thứ hai, nếu là không, hay chưa, là nhà nước pháp trị thì trong tương lai nó có
thể trở thành nhà nước pháp trị được không?
Để trả lời câu hỏi thứ
nhất, không thể căn cứ vào quyển “Tìm hiểu về Nhà nước pháp quyền” mặc dù rằng
nó là sản phẩm của Viện nhà nước và pháp luật và Nhà xuất bản pháp lý “được
phép” xuất bản. Trước hết vì đó không phải là tiếng nói chính thức của Đảng.
Thứ đến, dù cho là tiếng nói của Đảng chăng nữa thì tiếng nói ấy cũng chỉ là
một luận điệu trong nhiều luận điệu tuyên truyền, luận điệu dành cho dư luận
ngoại quốc và quảng cáo cho trò đổi mới kiểu “Vũ như Cẩn”!
Sau hết, tuy một mặt
phải khen năm tác giả của cuốn sách đã cố gắng tỏ ra khách quan, dám nói tới
một số ý kiến trước đây vẫn bị kết án là tư sản phản động nhưng mặt khác lại
không thể không phiền trách họ đã đơn giản hóa quá mức các kiến thức về nhà nước
pháp trị và đôi khi cố ý hay vô tình, gây một cảm tưởng rằng “nhà nước pháp
quyền” là nhà nước pháp trị và nội dung cả hai chỉ có bấy nhiêu, nghĩa là như
đã được “tổng thuật” trong cuốn sách của họ.
Muốn có cơ sở chắc
chắn để quyết đoán rằng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là loại nhà
nước gì, có phải là nhà nước pháp trị gọi theo ngôn ngữ cộng sản mới, “nhà nước
pháp quyền” không, thì phải dựa vào những tài liệu gốc, xuất phát từ chủ nghĩa
Mác-Lênin, các nghị quyết của Đảng, các sách, báo chính thống của Đảng.
Cái gọi là Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa chính thức được Đại Hội IV cho ra đời sau khi Đảng
Cộng sản cưỡng chiếm xong được miền Nam, đã phát hiện đầy đủ cả về mọi mặt bản
chất của nó. Các tài liệu chính thức của Đại Hội này đã cho thấy từ Hiến pháp
đến tất cả pháp luật xã hội chủ nghĩa đều qui về một mối duy nhất, đúc kết qua
những đoạn trích dẫn dưới đây:
“Nội dung hệ thống pháp luật bao gồm các thể chế
có mối liên lạc hữu cơ với nhau, bổ sung lẫn nhau và làm điều kiện cho nhau
nhằm cuối cùng xây dựng và thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ,
Nhà nước quản lý. Hệ thống pháp luật của ta phải thể hiện rõ chế độ tập trung
dân chủ trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội…
Tóm lại, hệ thống pháp luật mà chúng ta xây dựng
phải thể hiện tính nguyên tắc nhất quán, nội dung qui phạm năng động, mềm dẻo
nhưng chặt chẽ, rõ ràng, bảo đảm sức mạnh của chuyên chính vô sản…” (Hiến pháp
nước cộng hòa xã hội chủ Việt Nam, Tập II, Bình luận, Hà Nội 1985, Nhà Xuất bản
Khoa học xã hội, tr. 360-361).
“Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một biện pháp quan
trọng nhằm tăng cường chuyên chính vô sản… ” (Trường Chinh, Tham luận tại Đại
Hội Đảng lần thứ IV).
Quảng diễn ý kiến của Trường Chinh, các luật
gia được giao chức vụ chính thức của Đảng đã nói về pháp luật (nghĩa là pháp
quyền) xã hội chủ nghĩa như sau:
“Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại Hội lần thứ IV
Của Đảng, chúng ta khẳng định rằng: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa là Nhà nước
chuyên chính vô sản trên phạm vi cả nước” (Tạ Như Khuê, Những vấn đề pháp lý
qua Nghị quyết Đại Hội lần thứ IV của Đảng, tr.33, Hà Nội 1978, Viện Luật
học, Nhà xuất bản khoa học xã hội).
“Giữa nhà nước chuyên chính
vô sản và Đảng có mối tương quan chặt chẽ. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng
cộng sản là đảng nắm chính quyền và như mọi người đều biết, vấn đề chính quyền
là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Đảng không thể lãnh đạo xã hội, lãnh
đạo nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội nếu không có Nhà nước.
Ngược lại, Nhà
nước không thể làm tròn nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, không thể phát huy
được mạnh mẽ và đầy đủ các chức năng của mình nếu không có sự lãnh đạo của
Đảng. Nhà nước sẽ không phải là Nhà nước xã hội chủ nghĩa nếu không do Đảng
cộng sản lãnh đạo, nếu hoạt động của nó không dựa trên đường lối
Mácxít-Lêninnít của Đảng. Sự lãnh đạo của đảng là bảo đảm cao nhất cho sự tồn
tại và hoạt động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa” (Ngô Hướng Đàm, Sách đã dẫn,
tr. 45).
Quan điểm, chủ trương về Nhà nước ở trên là sự
thực thi tư tưởng Mác-Lênin:
“Đảng lãnh đạo Nhà nước một cách toàn diện…
Không một vấn đề quan trọng nào về chính trị hoặc về tổ chức được cơ quan Nhà
nước ở nước cộng hòa chúng ta giải quyết mà không có ý kiến lãnh đạo của Đảng “
(Lênin Toàn tập, tập 41, tr. 31, Ngô Hướng Đàm trích dẫn trong sách đã dẫn).
“… một nguyên tắc tối quan trọng là bộ máy Nhà
nước phải phục tùng và thực hiện mọi đường lối, chính sách và chỉ thị của Đảng…
như Lênin đã viết. Cần sử dụng mọi lực lượng để đạt được một cách vô điều kiện
sự phục tùng hoàn toàn của bộ máy Nhà nước đối với chính sách Đảng” (sách đã
dẫn, tr. 48).
Lời kết luận không thể rõ rệt hơn của một luật
gia khác, một luật gia “hộ Đảng”, Nguyễn văn Thảo, về Nhà nước xã hội chủ nghĩa
là:
“Toàn bộ đường lối, chính sách của Đảng ghi trong Đại Hội toàn
quốc lần thứ IV của Đảng và các Nghị quyết tiếp theo của các phiên họp của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, các chỉ thị của Bộ chính trị và Ban bí thư mà nội
dung cơ bản, chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng pháp luật của Nhà nước…” (Nguyễn
văn Thảo, Hiến pháp…, sách đã dẫn, tr. 263).
Sau khi đọc hết mấy
đoạn trích dẫn trên, ai là người đủ can đảm để nói rằng “Nhà nước pháp quyền
kiểu cộng sản Việt Nam là Nhà nước pháp trị kiểu phương Tây?
Nhà nước ấy trong
tương lai cũng không thể trở thành Nhà nước pháp trị được
Để trả lời câu hỏi “Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có thể trở thành một Nhà nước pháp trị
được không? Quả thật không khó khăn gì. Năm 1992, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sửa
đổi hiến pháp và không nói tới chuyên chính vô sản nữa. Nhưng không nói, không
phải là sẽ không có chuyên chính vô sản nữa. Năm 1945, “cụ Hồ” đã công khai và
chính thức tuyên bổ giải tán Đảng Cộng sản, rốt cuộc Đảng vẫn tiếp tục hoạt
động và hoạt động mạnh để năm 1975 chiếm quyền trọn cả nước bằng chủ nghĩa
Mác-Lê và Đảng. Mặt khác, cái khung của chuyên chính vô sản vẫn còn, Đảng vẫn
nắm quyền lãnh đạo, nghĩa là nắm quyền sinh quyền sát ở trong tay, Nhà nước chỉ
là công cụ cai trị của Đảng.
Có gì bảo đảm và ai dám bảo đảm rằng Đảng đã tự
giác ngộ, đã đi vào con đường dân chủ, nghĩa là đã từ bỏ chuyên chính, nhất là
Đảng vẫn khư khư ôm lấy Điều 4 của Hiến pháp giành cho riêng mình độc quyền
lãnh đạo chính trị, vẫn thẳng tay đàn áp những người tranh đấu cho Nhân quyền và
Dân chủ ôn hòa*, vẫn lũng đoạn nội bộ các tôn giáo, trói tay văn nghệ sĩ, bưng
miệng báo chí, v.v.?
Chừng nào không có bằng chứng rõ rệt thì không thể không
coi cái gọi là “Nhà nước pháp quyền” hiện đang cầm quyền là Nhà nước gốc chuyên
chính vô sản, nhưng đã được pha chế để thị hiện dưới những hình thức ngụy trang
mà thực chất đều hoàn toàn “phản dân chủ”.
—
Tác giả là cựu Luật sư Tòa
Thượng thẩm Sài gòn và Tòa Thượng thẩm Paris. Trước 30/04/1975, ông là Giảng sư
tại Đại học Chính trị Kinh doanh Đà lạt. Hiện nay ông hưu trí tại Pháp và là
Chủ tịch đương nhiệm Trung tâm Việt Nam về Nhân quyền tại Paris.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment