Tuesday, April 29, 2014

CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN, ĐỐNG TRO TÀN


           
          CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN, ĐỐNG TRO TÀN 
         CỦA CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ PHONG KIẾN

      Có người nói chế độ độc tài cộng sản và chế độ độc tài phát xít chỉ là đống tro tàn của chế độ độc tài quân chủ phong kiến. Chế độ này trứơc khi tắt ngấm thì leo lắt cháy lên, ở bên trái là chế độ cộng sản, ở bên phải là chế độ phát xít.
      Có phải thế không ?
      Chúng ta cùng nhau xem xét vấn đề. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài này, chúng ta chỉ xét nhiều đến chế độ cộng sản.

   I ) Bản chất của ba chế độ độc tài : độc tài quân chủ phong kiến, độc tài cộng sản và độc tài phát xít.

   Chế độ quân chủ phong kiến là một chế độ độc tài, quyền hành ở hết trong tay vua ; vua tự nhận là con trời, do trời sai xuống để trị dân ; vì vậy từ thần dân cho tới ruộng vườn đất đai, từ con người cho tới cây cỏ đều thuộc về nhà vua. Vua có quyền phong quan, trao ấp cho bất cứ một ai ; bởi lẽ đó nên người ta gọi chế độ chính trị này là quân chủ phong kiến. Từ thời nhà Chu bên Tàu, chế độ quân chủ trở thành chế độ cha truyền con nối. Theo nguyên tắc, việc cha truyền con nối là theo dòng chính và theo hàng dọc, cha truyền cho con.
   Ở bên tây phương, chế độ quân chủ phong kiến cũng có nghĩa tương tự như vậy, tức là một thể chế chính trị, mà quyền hành nằm hết trong tay một người là vua, cũng cha truyền con nối. Vua phong chức tước, quyền hành và đất dai cho người thân thuộc của mình ; và ngược lại những người được phong thì bắt dân dưới quyền làm phục dịch và đóng thuế cho chính mình, rồi sau đó cho nhà vua.
   Đây là mô hình tổ chức xã hội độc tài, lỗi thời của thời kỳ văn minh định cư nông nghiệp, khác hẳn với mô hình tổ chức xã hội dân chủ, tân tiến của thời kỳ văn minh tri thức thức điện toán ngày hôm nay ; nếu chúng ta cho rằng nhân loại đã trải qua 5 thời kỳ văn minh : văn minh trẩy hái, văn minh du mục, văn minh định cư nông nghiệp, văn minh thương mại và văn minh tri thức điện toán.
   Chế độ độc tài phát xít Hitler và chế độ độc tài cộng sản hiện nay cũng chỉ là hiện thân hay là đống tro tàn còn rơi rớt lại của chế độ độc tài quân chủ phong kiến. Quan niệm tôn thờ lãnh tụ chỉ là cái nối dài của quan niệm coi vua là con trời ; nhất là với chế độ cộng sản ngày hôm nay cũng cha truyền con nối, như ở Bắc Hàn, Kim chánh Nhật kế tiếp cha là Kim nhật Thành ; ở Cu ba, Raoul Castro nối dõi anh là Fidel Castro ; ở Việt Nam và Trung cộng, chúng ta cứ nhìn vào thành phần của Bộ Chính trị và Trung ương đảng, chúng ta sẽ thấy phần lớn là con ông cháu cha. Quan niệm «  Con vua thì lại làm vua ; con thầy chùa lại quét lá đa «, quan niệm này quá lỗi thời so với quan niệm dân chủ, cho rằng con người, dù bất cứ ai, nếu có tài thì được trọng dụng ; dù là con vua chăng nữa nhiều khi cũng ngu dốt, bất tài ; và ngay là con dân, nhiều khi lại thông minh, có tài. Chính vì vậy mà chính thể quân chủ hạn chế nhân tài ; chế độ dân chủ trọng dụng nhân tài, và nhân tài bối xuất ; ai có tài là được trọng dụng, không bị chèn ép, đàn áp. 

   I I ) Hoàn cảnh lịch sử đưa đến sự hình thành chế độ cộng sản đầu tiên, con đẻ của chế độ quân chủ phong kiến :

   Thật vậy, Lénine về nước, cướp được chính quyền là nhờ chế độ độc tài quân chủ Đức. Chế độ này đã tạo dựng lên chế độ cộng sản đầu tiên, chứ không phải là do cách mạng vô sản, thợ thuyền dựng lên như tuyên truyền cộng sản thường rêu rao.
   Chúng ta còn nhớ Thế Chiến Thứ Nhất gồm 2 phe : phe Pháp có Anh, Nga và Hoa Kỳ; phe Đức gồm có Đế quốc Áo Hung, Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Gần cuối thế chiến, Đế quốc quân chủ Đức nhận thấy không thể nào cùng một lúc đương đầu với 2 mặt trận : mặt trận đông bắc với Nga, mặt trận tây nam với Pháp, muốn dồn sức vào mặt trận chính tây nam. Lợi dụng cơ hội, Lénine đang sống lưu vong ở Thụy sỹ, đã đưa ra khẩu hiệu : «  Hòa bình bằng bất cứ giá nào. Chia đất cho dân và nhượng đất để có quyền ». Chính vì vậy mà Bộ Tham mưu của Đế quốc quân chủ Đức, đứng đầu là vua Guillaume  I I , đã đưa Lénine từ Thụy sỹ về Nga, giúp đỡ để cướp chính quyền. Ngày 17/04/1917, Lénine về tới Pétrograde. Ngày 18/04, ông ra thông cáo từ chối sự hợp tác với chính quyền Kérenski, thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Thợ thuyền Nga. Chúng ta nên nhớ là vào lúc đó Nga hoàng Nicolas I I đã thóai vị. Một trong những lầm lẫn lớn của Kérenski là ân xá những người cộng sản và vẫn chủ trương tiếp tục chiến tranh. Ngày 16/07, Lénine định đảo chính ; nhưng thất bại ; ông phải bỏ trốn sang Phần Lan. Ngày 6/10, Trotski trở về Pétrograde, dùng tiền giúp đỡ của Lénine từ Bộ Tham Mưu Đức, tổ chức những Ủy ban quân sự cách mạng. Ngày 5/11, tức ngày 23/10 theo lịch Nga, Lénine từ Phần Lan trở về nước, cùng với Trotski quyết định đảo chánh cướp chính quyền. Trước đó, Trotski đã phao tin là chính quyền Kérenski muốn gửi quân của thành Pétrograde ra ngoài mặt trận, làm cho quân thành này bất mãn. Đêm ngày 6 rạng ngày 7 tháng 11, tức đêm 24 rạng 25 tháng 10 theo lịch Nga, Ủy ban Quân sự Cách mạng của Trotski cướp một số công sở, rồi cướp chính quyền, không có sự tham dự, nếu không nói là trước sự thờ ơ của dân và thợ thuyền. Sáu giờ chiều ngày 7/11 (25/10 theo lịch Nga), một số quân đội theo Trotski oanh tạc lâu đài Mùa Đông ( Palais d’Hiver). Vào 8giờ 40 tối, chính quyền Kérenski bỏ trốn. Cuộc đảo chính của Trotski thành công. Hội đồng Ủy viên Nhân dân được thành lập. Chủ tịch : Lénine ; Ủy viên Ngoại giao : Trotski ; Ủy viên vấn đề Dân tộc Thiểu số : Staline. Trotski tuyên bố sau đó : «  Sau một đêm ngủ, dân Nga bừng mắt dậy thì thấy bộ mặt của Nga đã thay đổi. Cuộc đảo chính làm 7 người chết và 50 người bị thương. »
   Việc đưa Lénine về, giúp Lénine đảo chính là kế hoặch của Bộ Tham mưu Quân chủ Đế quốc Đức. Đây là một kế hoặch thâm cao, dùng một mũi tên nhưng nhắm 3 con chim cùng một lúc : 1) Thứ nhất, bớt được mặt trận phía đông bắc, vì sau khi Lénine cướp được chính quyền thì tuyên bố ngưng chiến với Đức ; 2) Thứ hai, Đức được chia đất ; phái đoàn Nga, dẫn đầu bởi Trotski đã nhượng cho Đức những vùng lãnh thổ thuộc Nga, gồm những phần đất cuả Ba lan, Ukhraine, vùng Bạch Nga, các nước vùng Baltes, Phần Lan, Géorgie, Arménie ; 3) Con chim thứ ba mà mũi tên nhắm tới, đó là để cứu nguy ngay chế độ quân chủ Đế quốc Đức, đang bị đe dọa bởi đảng đối lập quan trọng nhất của Đức và có thể nói của Âu châu lúc bấy giờ, đảng Dân chủ Xã hội. Tại sao ?
   Chúng ta nên nhớ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phong trào dân chủ xã hội rất mạnh ở châu Âu, trong đó có đảng Dân chủ Xã hội Đức, mối đe dọa cướp quyền trước mắt của chế độ quân chủ Đức dưới quyền của vua Guillaume I I. Vì vậy bằng cách nào cũng phải làm yếu đảng này và những đảng dân chủ xã hội ở những quốc gia khác, như ở đế quốc Áo Hung, đế quốc đồng minh và ở bên cạnh đế quốc Đức. Triều đình Guìlaume I I và Bộ Tham Mưu Đức biết rất rõ sự chia rẽ trong Đệ Nhị Quốc Tế Cộng sản : một bên là khuynh hướng của đảng Dân chủ xã hội Đức ; một bên là Lénine.
   Đảng Dân chủ Xã hội Đức được thành lập năm 1875. Ferdinand Lassalle ( 1825 – 1864) được coi như người tiên khởi ; rồi được kế tiếp bởi Edouard Bernstein (1850 – 1932) và nhiều người khác sau này như bà Rosa Luxemboug, với Chương trình Gotha và Erfurt, mà chính K. Marx đã chỉ trích qua quyển Phê bình Chương trình Gotha và Erfurt ( Critique des Programmes de Gotha et d’Erfurt ).
   Nhà ý thức hệ của đảng đó là Bernstein. Ông đã quan sát xã hội Đức suốt từ giữa thế kỷ 19 đến gần cuối thế kỷ, ông nhận xét rằng xã hội Đức không biến chuyển như lời tiên đoán của Marx là chia ra làm 2 giai cấp: giai cấp thợ thì càng ngày càng đông và càng nghèo ; giai cấp chủ thì càng ngày càng ít và càng giàu và từ đó sẽ xẩy ra cách mạng tất yếu ; mà xã hội Đức lại chia thành 3 giai cấp : đồng ý có giai cấp chủ và thợ ; nhưng bên cạnh còn có giai cấp trung lưu, phát sinh từ con cháu thợ thuyền,  tiến thân được là nhờ chịu khó và học hành. Chính giai tầng này đã là động lực khiến xã hội Đức tiến vượt bực từ giữa thế kỷ 19. Chúng ta nên nhớ nền kỹ nghệ đúc thép của Đức lúc bấy giờ là đứng đàu thế giới ; Đức đã chiến thắng Pháp vào năm 1870. Từ đó, Bernstein cho rằng lý thuyết của Marx không đúng với  tiến triển thực tế của xã hội, nên không có tính chất khoa học, lịch sử không phải là lịch sử của đấu tranh giai cấp, của bạo động như Marx nghĩ. Thêm vào đó, Berntein còn nhận xét về vai trò Nhà nước : Nhà nước không phải là công cụ của tư bản chủ nhân, mà Nhà nước nhiều khi đứng về phía thợ thuyền. Ông cho rằng quan niệm cách mạng tất yếu của Marx là sai (1).
   Xin nhắc lại là Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản bị giải tán năm 1876. Thế rồi những đảng xã hội, dân chủ xã hội Âu châu họp nhau ở Paris, vào tháng 7/1889, thành lập ra Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, chủ trương một nhà nước cộng hòa đại nghị ( république parlementaire), chủ trương tôn trọng tự do, dân chủ, và chống lại quan niệm độc tài vô sản của Lénine. Chính vì vậy mà trước khi chết, bà Rosa Luxembourg, bạn cùng hoạt động với Lénine ở trong Đệ Nhiị, đã viết thư cho Lénine :
   «  Cái đảng và Nhà nước độc tài mà anh lập ra, Anh bảo nó phục vụ thợ thuyền và nhân dân ; nhưng trên thực tế, nó chẳng phục vụ một ai cả ; vì nó đã đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội : Đó là tôn trọng tự do, dân chủ. »
   Trong Đệ Nhị Quốc tế có 2 khuynh hướng : khuynh hướng hữu của Bernstein, khuynh hướng tả của Kautski, trong đó có Lénine. Tuy nhiên về sau này Lénine cũng chỉ trích mạnh mẽ Kautski, khi ông viết quyển  Chủ nghĩa tả khuynh, bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản.
   Trở về vấn đề một mũi tên nhắm 3 con chim của vua Guillaume I I và Bộ Tham Mưu Đức, mục đích hay con chim thứ ba, chính là quan trọng nhất, đó là tự cứu mình, cứu ngay chế độ đang bị lung lay bởi đối lập. Kế hoặch này là một kế hoặch cao siêu. Nó đã mang đến những kết quả ngoạn mục :
-         Lénine về nước cướp được chính quyền, tuyên bố ngưng chiến với Đức, làm cho Đức bớt được gánh nặng ở mặt trận đông bắc.
-         Lénine nhượng đất cho Đức.
-         Làm yếu tổ chức Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, trong đó có đảng Dân chủ Xã hội Đức.
Thật vậy, hơn một năm sau cướp được chính quyền, tháng ba 1919, Lénine thành lập Đệ Tam quốc tế Cộng sản, làm cho tất cả những đảng xã hội hay dân chủ xã hội ở Âu châu bị phân tán làm 2. Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ nói sơ về ba đảng : đảng Dân chủ Xã hội Đức, đảng Xã hội Ý và Pháp.
   Hai câu hỏi chính được đặt ra cho tất cả những đảng xã hội Âu châu, và làm cho những đảng này phân hóa, chia rẻ và yếu đi trầm trọng, đó là : 1) Nên tham chiến hay không nên tham chiến Đại Chiến 1914-1918 ; 2) Khi Lénine thành lập Đệ Tam Quốc tế, thì một câu hỏi nữa lại được đặt ra : Nên vẫn giữ và vẫn ở trong Đệ Nhị Quốc tế, hay theo Đệ Tam.
   Câu hỏi đầu đã làm cho đảng Dân chủ Xã hội Đức phân làm 2 : một bên chủ trương tham chiến, một bên chủ trương không, trong đó có ông E. Bernstein được coi như lý thuyết gia của đảng. Ông này đã rời khỏi đảng.
   Đảng Xã hội Ý, sau khi Lénine thành lập Đệ Tam, thì chia ra làm 3 phe : một phe vẫn giữ đảng Xã hội ; 2 người chính của đảng, ông Gramsci, đặc trách về Xây dựng Cơ sở hạ tầng, thì bỏ ra thành lập đảng Cộng sản, để theo Đệ Tam ; một người quan trọng khác, đặc trách về Thông tin, Tuyên truyền, ông Mussolini, thì bỏ ra thành lập đảng Phát xít. Chúng ta nên nhớ là Gramsci và Mussolini là 2 người bạn thân với nhau. Ở điểm này, có người nói độc tài phát xít và độc tài cộng sản là 2 anh em sinh đôi là vậy. Nên nhớ vào năm 1933, chính Staline đã ra lệnh cho đảng Cộng sản Đức ở Berlin bỏ phiếu cho Hitler.
   Đảng Xã hội Pháp, vào lúc đó mang tên là Chi nhánh Pháp quốc của Quốc tế Thợ thuyền ( S.F.I.O. = Section française de l’Internationale ouvrière), cũng bị chia làm 2, một bên tách ra làm thành đảng Cộng sản, một bên vẫn giữ đảng Xã hội.
   Quả thật kế hoặch một mũi tên bắn 3 con chim của chế độ độc tài quân chủ phong kiến và của Bộ Tham Mưu Đức lúc bấy giờ thật là độc ác. Tuy nhiên vì là độc tài, đi ngược lại trào lưu tiến bộ của văn minh nhân loại, nên chế độ quân chủ Đức cũng bị cáo chung, cùng với chế độ quân chủ của đế quốc Áo Hung và đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ.
   Hai đứa con sinh đôi của chế độ này là độc tài phát xít và độc tài cộng sản, vì đống tro tàn quân chủ phong kiến, trước khi tắt ngấm, thì leo lét bùng lên ở bên phải là chế độ phát xít ; ở bên trái là chế độ cộng sản. Độc tài phát xít Mussolini và Hitler đã sụp đổ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Mảng lớn của độc tài cộng sản là Liên sô và Đông Âu đã sụp đổ vào cuối thập niên 80, đầu 90. Chỉ còn lại độc tài cộng sản Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Nam và Cu Ba. Những chế độ độc tài này sớm muộn cũng sẽ bị sụp đổ, để nhường bước cho chế độ tự do, dân chủ.    

   Nhân lọai trải qua 5 nền văn minh : 1) văn minh trẩy hái, con người hái trái cây và săn bắn quanh hang hốc của mình để sống; 2) văn minh du mục : từ từ cây trái, súc vật cũng khan hiếm, con người bắt buộc phải đi xa để kiếm ăn ; 3) Tuy đi xa, nhưng thức ăn sẵn có do thiên nhiên cung cấp cũng khan hiếm, con người phải trồng trọt và chăn nuôi để sống, con người bước sang nền văn minh định cư nông nghiệp. Người ta thấy những nền văn minh lớn trên thế giới đều phát xuất từ đồng bằng những con sông lớn, vì nơi đó đất phì nhiêu, có nước để tưới cây và cho súc vật uống. Với nền văn minh này, con người đã có thể thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của mình như ăn mặc, nhà ở. 4) Và một khi những nhu cầu cầu thiết yếu đã thỏa mãn, con người nghĩ đến những nhu cầu xa xỉ, nó bắt đầu trao đổi, như khi tôi có thể dệt vải để mặc, nhưng tôi thích lụa, thì tôi trao đổi với người dệt lụa. Con người bước sang nền văn minh thứ tư, đó là văn minh thương mại. 5) Trong nền văn minh này, con người đã phát minh ra máy hơi nước, máy nổ, điện, téléphone, máy điện tóan, con người không cần phải đi xa để trao đổi, con người bước sang nền văn minh thứ năm ngày hôm nay là nền văn minh tri thức, điện toán.
   Mô hình tổ chức xã hội thích hợp cho nền văn minh định cư nông nghiệp đó là chế độ độc tài quân chủ phong kiến. Nhưng mô hình tổ chức xã hội thích hợp cho văn minh thương mại và văn minh tri thức điện tóan, đó là dân chủ, tự do và kinh tế thị trường.
   Những chế độ quân chủ phong kiến biết điều, nhường chỗ cho chế độ dân chủ thì còn tồn tại dưới chế độ quân chủ lập hiến, vua hay nữ hoàng chỉ ngồi vì, chính quyền ở tay thủ tướng, từ một quốc hội do dân bầu ra. Đó là trường hợp quân chủ lập hiến ở Anh, Nhật và một số nước khác.
   Ngược lại, những chế độ quân chủ phong kiến nào mà cứng đầu, thì bị  lật đổ , điển hình là nền quân chủ Pháp với vua Louïs XVI, vua và bà hòang hậu bị đưa lên đọan đầu đài.
   Như trên đã nói, chế độ cộng sản chỉ là đống tro tàn của chế độ quân chủ ; và gần đây chúng ta thấy qua những cuộc cách mạng dân chủ Đông Âu ; nếu những người lãnh đạo cộng sản nào biết điều, nhường quyền cho chế độ dân chủ, thì còn sống ; nếu không thì sẽ bị xử tử, như trừơng hợp của vợ chồng nhà độc tài cộng sản Lỗ ma ni, ông bà Ceausescu.
   Bánh xe lịch sử văn minh nhân loại cứ quay, kẻ nào sáng suốt, biết điều theo nó, thì tồn tại ; kẻ nào ngu muội, không biết điều, chống lại nó, thì sẽ bị đào thải.

                                         Paris ngày 17/12/2008


         TẠI SAO CÁCH MẠNG CỘNG LẠI XẨY RA 
       Ở NGA, TÀU, VIỆT NAM, MÀ KHÔNG Ở TÂY ÂU

   Nhìn vào lịch sử cận đại, nhất là nghiên cứu lịch sử phong trào cộng sản của thế kỷ 20, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta là : «  Tại sao cách mạng cộng sản lại xẩy ra ở Nga, Tàu, Việt Nam, mà không xẩy ra ở những nước Tây Âu ? « . Chúng ta sẽ cùng nhau trả lời câu hỏi này. Ở đây chúng ta lấy 3 nước tiêu biểu theo cộng sản là Nga, Tàu và Việt Nam, vì giới trí thức tả của ba nước này hầu như tự nguyện theo cộng sản, cho rằng chủ nghĩa cộng sản là một thần dược, trị bách bệnh ; không dè nó là một độc dược, mang lại tất cả mọi bệnh. Chúng ta không nói đến những nước Đông Âu bắt buộc theo cộng sản vì dưới gót giày của quân đội chiếm đóng Liên sô.

   I ) Quan niệm cách mạng tất yếu của K. Marx và với quan niệm này, thì cách mạng tất yếu chỉ xẩy ra ở những nước kỹ nghệ tân tiến như ở các nước Tây Ây.

   K. Marx mở đầu quyển Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản bằng câu : «  Lịch sử của bất cứ xã hội nào cho tới ngày hôm nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp » ( Le manifeste du Parti communiste – trang 19 – Union générale d’Editions – 1962 – Paris )
   Thật vậy, Marx chủ trương bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp và đã đơn giản hóa lịch sử, đơn giản hóa xã hội bằng cách cho rằng xã hội chia thành hai giai cấp. Giai cấp chủ nhân thì càng ngày càng giàu và càng ít, giai cấp thợ thuyền thì càng ngày càng đông và càng nghèo. Từ đó, hố ngăn cách giữa hai giai cấp càng ngày càng lớn, đi đến cách mạng tất yếu. (1) Marx viết : «  Sự phát triển kỹ nghệ nặng đã đào hố sâu dưới chân giai tầng tư sản, dưới mảnh đất mà chính giai tầng này đã xây dựng lên hệ thống tư hữu của mình. Giai tầng tư sản đã tự đào mồ chôn mình. » ( Sách đã dẫn – trang 34).
   Và K. Marx cho rằng cách mạng cộng sản chỉ xẩy ra ở những nước tư bản, đã đạt đến trình độ kỹ nghệ cao ; vì chỉ ở những nước này mới có giai cấp vô sản, giai cấp cách mạng nhất. Ông viết tiếp :
   «  Trong tất cả những giai cấp chống lại giai cấp tư sản hiện nay, giai cấp vô sản là giai cấp duy nhất thực sự cách mạng. » ( Sách đã dẫn trang 31).

   Chính vì vậy mà K. Marx cho rằng cách mạng cộng sản chỉ xẩy ra tại các nước kỹ nghệ. Tuy nhiên Marx đã chờ cách mạng tất yếu cả cuộc đời ; lúc đầu Marx tin tưởng nó xẩy ra ở Anh, nước đầu tiên kỹ nghệ. Cách mạng cộng sản không xẩy ra ở Anh ; Marx quay sang mong chờ ở Đức, sau đó tới Pháp. Nhưng cách mạng tất yếu cộng sản cũng không xẩy ra cho tới khi Marx chết.
   Cách mạng tất yếu cộng sản không xẩy ra tại các nước kỹ nghệ như Marx tiên đóan là do nhiều nguyên do ; trong trong đó có một lý do chính : Đó là giai tầng sỹ phu trí thức của những nước này đã biết rõ tính chất không tưởng và sai lầm của lý thuyết Marx ; chẳng hạn như ở vùng Trèves, nam nước Đức, gần Pháp, nơi sinh trưởng của Marx, người ta có thấy tượng của Marx với hàng chữ ở dưới :  Đây là nơi sinh trưởng của Marx ; nhưng ở  đây người ta cũng không chấp nhận tưởng của ông. Ở Đức, người dân đánh giá những người như Goeth, Kant, Hégel cao hơn Marx nhiều. Những người như nhà triết học Proudhon ( 1809-1865), cùng thời với Marx (1818-1883), đã cho rằng lý thuyết của Marx nếu được áp dụng, thì sẽ trở thành con sán lãi của xã hội ; những người sau này như Bernstein (1850-1932), thì cho rằng lý thuyết của Marx không có gì là khoa học. Còn bà Rosa Luxemboug( 1871-1919) thì chỉ trích mạnh mẽ quan niệm độc tài vô sản, nhất là cách mà Lénine cướp chính quyền và tổ chức một đảng độc tài, đứng sau một nhà nước độc tài. Theo bà, những cái này là hoàn toàn đi ngược với tinh thần xã hội chủ nghĩa ; vì những nguyên tắc chính của xã hội chủ nghĩa là tôn trọng tự do, dân chủ. 
 Ba mươi bốn năm sau khi Marx chết (1883), Lénine( 1870-1924) làm cách mạng cộng sản ở một nước không có kỹ nghệ cao.
   Và ở điểm này, người ta đặt câu hỏi : «  Tại sao cách mạng cộng sản lại xẩy ra một cách không tất yếu ở Nga ? « 

   I I ) Tại sao cách mạng cộng sản lại xẩy ra ở Nga, Tàu và Việt Nam

   Đức Datlai Lama có nói : «  Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh xôi nẩy nở trong rác rưởi của cuộc đời. »
   Thật vậy, nếu chúng ta xét sự thành hình của 3 chế độ cộng sản Nga, Tàu và Việt Nam, thì đều thấy xuất hiện ở cuối 2 trận thế chiến, Thế Chiến Thứ Nhất với Nga,Thế Chiến Thứ Hai với Tàu và Việt Nam.
   Chính Mao trạch Đông, khi tiếp tướng Anh, Lord Mountbatten, Tư lệnh Hải quân Đồng minh ở vùng Đông Nam Á, vào Đệ Nhị Thế Chiến, không ngần ngại, dấu diếm tuyên bố : «  Nếu không có chiến tranh Trung - Nhật và Thế Chiến Thứ Hai, thì đảng cộng sản Trung cộng không bao giờ có chính quyền. »
   Đối với Lénine, ông ý thức rất rõ là không thể nào ngồi chờ cách mạng tất yếu như Marx, mà phải làm cách mạng, quan niệm hạ tầng cơ sở kinh tế gồm sức sản xuất và tương quan sản xuất sẽ quyết định thượng tầng gồm tổ chức nhà nước, luật pháp, triết học, thẩm mỹ của K. Marx là không thực tế. Chính vì vậy mà Lénine nói : «  Nếu không có ý thức cách mạng, thì không có cách mạng. « Đây là câu nói có nghĩa là phải dùng thương tầng để thay đổi hạ tầng. Thục tế cộng sản từ nhà nước cộng sản đầu tiên do Lénine lập ra cho tới nay ở những nước cộng sản là đã dùng thượng tầng để ép hạ tầng, dùng công an, thông tin tuyên truyền để đàn áp, ru ngủ, đánh lạc hướng dân.
   Thật ra, cuộc cách mạng Tháng 10/1917 ở Nga chỉ là sản phẩm của Lénine, Trotski và những người đấu tranh chính trị nhà nghề, lợi dụng tình thế nước Nga lúc gần cuối Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1917), với sự giúp đỡ của Bộ Tham Mưu Đức dưới chế độ quân chủ của vua Guillaume I I, tạo ra. Đây chỉ là một cuộc đảo chính, với sự thờ ơ của dân và ngay cả thợ thuyền. (1) Chính vì vậy mà Karl Kautski ( 1854-1938), nhà lý thuyết của đảng Xã hội dân chủ Đức, cùng hoạt động với Lénine và là lãnh tụ của Đệ Nhị Quốc Tế Cộng sản, đã cho rằng «  cuộc cách mạng « , do Lénine làm ra chỉ là cuộc cách mạng « đẻ non, sớm muộn sẽ hoài thai « . Kautski cũng như bà Rosa Luxemboug tin rằng những nguyên tắc chính và đầu tiên của xã hội chủ nghĩa là tôn trọng tự do, dân chủ. Ông cho rằng chế độ đại nghị, qua những cuộc bầu cử tự do thật sự sẽ giúp thợ thuyền thực hiện những quyền tự do căn bản của mình. Lénine đã chỉ trích ông mạnh mẽ trong quyển Chủ Nghĩa tả khuynh, bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản ( Le Gauchisme, la maladie infantile du communisme ). Ngày hôm nay sau gần 100, người ta thấy chính Lénine mới là ấu trĩ, cuộc cách mạng Nga chỉ là một cuộc cách mạng đẻ non và đã hoài thai, khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga sô đầu năm 1991.
   Cách mạng cộng sản Tàu và Cách mạng cộng sản Việt Nam cũng vậy, cũng chỉ là những cuộc cách mạng đẻ non, sớm muộn sẽ hoài thai.
   Thật vậy, khi đảo chánh thành cộng, Lénine tìm cách xuất cảng «  cách mạng « , đã lập ra trường đại học Đông phương, huấn luyện cho những người như Lưu thiếu Kỳ, Chu ân Lai, Đặng tử Bình, Dương thiệu Côn v. v.. của Tàu, và Hồ chí Minh, Trần Phú, Lê hồng Phong v.v.. của Việt Nam, để làm cách mạng đẻ non ở những nước này. Và tình thế đã tới, đó là cuối Đệ Nhị Thế Chiến, lợi dụng thời cơ, cùng sự giúp đỡ của Đệ Tam Quốc tế, hai đảng cộng sản ở hai xứ này, nổi lện cướp chính quyền. Vụ cướp chính quyền ở Tàu hơi khác, nhưng cũng nhờ tình thế và sự giúp đở của Đệ Tam Quốc tế, như chính Mao đã nói với tướng Mounbatten.

   Lý thuyết của Marx quả là không tưởng, sai lầm, mặc dầu ông đã bỏ ra hơn 1/3 nội dung quyển Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng Sản, để phê bình những nhà tư tưởng xã hội trước ông như Robert Owen, Charles Fourrier, Saint Simon là không tưởng. Cách mạng cộng sản Nga và cách mạng cộng sản Tàu, Việt Nam quả thật là cách mạng đẻ non.Chế độ cộng sản quả là một độc dược, mang lại mọi thứ bệnh cho kẻ nào theo nó (1). Hậu quả là lịch sử nhân loại, cũng như lịch sử các nước cộng sản, đã có những trang sử đau thương, đẫm máu ; nhưng chưa có trang sử nào đau thương và đẫm máu bằng trang sử cộng sản. Nga đã từ bỏ cộng sản. Mong rằng những nước cộng sản còn lại, trong đó có Tàu và Việt Nam, sớm từ bỏ chế độ này ; vì ngày nào còn cộng sản, thì còn  đau thương cho dân tộc và đất nước..

                        Paris ngày 24/12/2008

                             Chu chi Nam

Nhìn lại lần nữa hậu quả của ngày 30-4-1975

Than huu
SAIGON2016comeback
Kinh chuyen tiep
Hồng Trung, gửi RFA từ VN
2014-04-27

Bộ đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư, 1975
Files photos
30-4-1975 ghi dấu ngày chấm dứt cuộc nội chiến vũ trang, huynh đệ tương tàn của hai miền Nam - Bắc sau hơn 20 năm chia cắt bởi hiệp định Giơ-Ne-Vơ 1954. Nhưng thời điểm này cũng là một trang lịch sử tang thương đau buồn và mất mát chung cho cả dân tộc Việt Nam.

Triệu người vui, triệu kẻ buồn

Khi ông Lê Duẩn đã nói: “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.” thì rõ ràng danh nghĩa phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước chỉ là phụ, mà mục đích chính là để thỏa vọng quốc tế hóa CS thế giới của Liên Xô, Trung Cộng. Hậu quả là dân tộc đã phải trả giá cho cuộc chiến tranh bằng xương máu của hơn 3 triệu sinh linh và sự tàn phá của bom đạn trên đất mẹ.
Như lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về ngày 30-4-75: “là ngày có triệu người vui, triệu kẻ buồn”. Bên Cộng sản Miền Bắc vui vì thắng cuộc, thống lĩnh sự cai trị và được thu lợi những khối tài sản vật chất từ nền văn minh tư bản của chế độ VNCH. Bên Quốc gia ở Miền Nam buồn vì thua cuộc, phải chịu chính sách hà khắc của chế độ mới dưới các mỹ từ "cải tạo, chính sách kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp, quốc hữu hóa. .." khiến bao nhiêu người không chịu nổi phải tìm đường vượt biên, liều mình trên biển, bỏ xứ ra đi bằng sự đánh đổi mạng sống với tỷ lệ sinh tồn rất thấp.
Ba mươi chín năm trôi qua, cứ mỗi tháng tư về là báo chí truyền thông lề phải trong nước được chỉ đạo ca ngợi tiếp tục sự tài tình của Đảng CS trong chiến dịch HCM giải phóng miền Nam song trong thực tế, chữ "giải phóng" đó có quá nhiều mâu thuẫn và cay đắng.
Xin trích lời thơ của anh Trần Trung Đạo viết tặng em gái tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh:
“Bom đạn đã thôi rơi nhưng tiếng khóc vẫn không ngừng,
Câu hát hòa bình nhưng nước mắt vẫn cứ rưng rưng.”
Chiến tranh vũ trang đã chấm dứt nhưng hòa bình vẫn chưa thực sự trọn vẹn. Vẫn còn đó một mặt trận tranh đấu giằng co quyết liệt từng ngày của những con người đi đòi công lý, nhân quyền, tự do dân chủ. Vẫn còn đó trên khắp ba miền Trung – Nam- Bắc phong trào đấu tranh của những người nông dân biểu tình, khiếu kiện tập thể đòi đất. Và vẫn còn đó những làn sóng bất mãn của giáo dân, tín hữu, đạo hữu của các hội đoàn tôn giáo đòi quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng. Nhà nước CSVN đã dùng vũ lực để trấn áp và qui kết bỏ tù rất nhiều người trong thời gian qua: bằng chứng sống động của sự bất ổn chính trị đương thời. Nhưng công cụ bạo lực của bất cứ nhà cầm quyền nào cũng chỉ là biện pháp trấn áp, đè nén người dân tạm thời chứ không phải là giải pháp chính trị ưu việt để tháo gỡ các bế tắc to lớn của một đất nước.
Băng rôn cho ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5 tại Hà Nội. RFA photo
Ba mươi chín năm là khoảng thời gian dài đủ để Việt Nam có thể tái thiết, khôi phục đất nước, phát triển phồn vinh ngang hàng với các nước Nam Hàn, Thái Lan, Đài Loan, Singapore sau chiến tranh. Nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, đất nước vẫn trong tình trạng chậm tiến, suy thoái kinh tế mặc dù đã vắt cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước cũng đã thâm lạm, lãng phí vô số viện trợ nhân đạo, kinh tế của nước ngoài, chưa kể mấy trăm tỷ đô la kiều hối từ cộng đồng người Việt ở ngoài nước gửi về nước trong bốn thập niên qua.
Sự tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công vẫn tung hoành gây nhức nhối cho toàn xã hội, làm nóng trên diễn đàn Quốc hội và căn bệnh ấy như trở thành thứ bệnh nan y bất trị. Hậu quả là sự nghèo khó cùng với món nợ quốc gia khổng lồ mà "dân chịu" như lời chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu. Theo ước tính của các chuyên gia, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 80,070 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 886,36 USD (gần 20 triệu VND/người. Vẫn còn bỏ ngõ một nền công nghiệp hóa dang dở, đang trên đà phá sản. Việt Nam phải nhập siêu các trang thiết bị, nguyên vật liệu trong công nghệ lắp ráp ô tô và trong ngành xây dựng từ các nhà thầu nước ngoài nên tỉ lệ nội địa hóa rất thấp; trong khi đó Cam-Pu-Chia đã qua mặt Việt Nam trong ngành sản xuất ô tô và cho ra đời dòng sản phẩm AngKor EV 2014 khiến các tiến sĩ giấy của VN phải ngượng ngùng

Dậm chân tại chỗ?

Cùng lúc đó, đến hôm nay nền giáo dục vẫn phải còn loay hoay trong nhu cầu cải cách hầu như toàn bộ với số tiền 34.000 tỷ đồng khiến mọi người dân nghe phải giật mình. Việt Nam có con số hơn 24 ngàn tiến sĩ (đông bậc nhất thế giới) nhưng lại là nước nghèo đội sổ trên thế giới. Những phát minh khoa học, những tác phẩm văn học lớn cũng rất ít có trên đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế. Chất lượng đào tạo Đại học kém nên hầu hết các sinh viên thất nghiệp hay làm việc trái ngành chuyên môn. Đáng ưu tư nhất là ngành y tế, với vô số đề tài sôi nổi trên mặt báo, truyền thông trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong tháng tư này. Nạn dịch sởi đã lan tràn trên khắp cả nước cướp đi 118 sinh mạng trẻ em và gây quá tải trong các bệnh viện nhi trung ương ở Sàigòn, Hà Nội cũng chỉ vì một thứ văc-xin. Vì muốn giấu nhẹm những yếu kém, tắc trách trong ngành y tế mà bà bộ trưởng Tiến không dám công bố dịch và ngăn cấm các phóng viên nhà báo vào bệnh viện tác nghiệp.
Song song với những vấn nạn xã hội quốc nội là ngoài biên ải là sự hiểm họa đe dọa xâm lăng của Trung Quốc. Biển đảo, lãnh hải đang nguy cơ mất dần vào tay của "người bạn láng giềng 4 tốt –16 chữ vàng" bởi sự dung túng yếu hèn của đảng cầm quyền. Những dự án lớn trong ngành khai thác xây dựng là những nhịp cầu để đưa người và hàng hóa Trung Quốc vào sâu trong lãnh thổ VN một cách hợp pháp. Từ Cà Mau, Tây Nguyên, Miền Trung (Vũng Áng), Đà Nẳng đến Quảng Ninh đi đâu cũng gặp người Tàu cùng với những khu phố mang bảng hiệu chữ Tàu như một điềm báo nguy cơ cho cả dân tộc.
Lịch sử dựng nước và giữ nước là khoảng dài thời gian trước và sau công nguyên gần 4 ngàn năm, chứa đựng biết bao nhiêu công lao của các bậc tiền nhân anh hùng qua các triều đại của Việt Nam. Triều đại này suy vong, buộc phải nhường chỗ cho triều đại khác thay thế để nối tiếp sứ mạng bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Ngày 30-4-1795 chỉ là một cái mốc lịch sử. Đảng CS cũng chỉ được xem như là một triều đại trong nhiều triều đại trước đây. Đảng CSVN không phải là tổ quốc VN. Vì vậy, không thể bắt buộc QĐND, CAND và ND phải trung thành với đảng CSVN. Công hay tội chỉ có lịch sử mới có quyền phán xét, và chắc chắn sẽ được phán xét công bằng trong một thời gian không xa.
Đảng CS VN cần dừng lại ngay hành động tung hô quá khứ để tự tôn vinh chính mình, và hãy nhìn vào thực trạng hiện tại của đất nước. Đảng CSVN có khả năng gây chiến tranh để chiến thắng miền Nam nhưng đã không chứng tỏ được khả năng xây dựng nên hòa bình trong lòng dân tộc, và ổn định, phát triển đất nước trong suốt bốn thập niên qua. Hãy nhìn kỹ những vấn nạn của đất nước để trả lại quyền lãnh đạo cho dân tộc.
Viết từ Gia Lai (VN) ngày 26-4-2014
Hồng Trung
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.



 LỐI THOÁT DUY NHẤT CHO VIỆT NAM:
TIÊU DIỆT ĐẢNG VIỆT GIAN BÁN NƯỚC
                                hay
THẢO LUẬN VỀ VẤN ĐỀ ĐA ĐẢNG   

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Lời trần tình

      Đọc tựa đề của bài viết, có thể có bạn đọc sẽ thắc mắc, “đảng Việt gian bán nước là đảng nào, có phải là đảng cộng sản không?” Xin thưa: đúng là như thế. Trên tựa đề, người viết không gọi đảng chính trị do Hồ Chí Minh thành lập là đảng cộng sản - mặc dầu xưa nay vẫn quen gọi nó là đảng Việt Gian Cộng Sản - mà gọi nó là đảng Việt gian bán nước, là vì có lý do và xin được giải thích.

     Theo thiển nghĩ, Cộng Sản là một học thuyết, có người gọi là học thuyết xã hội, có người coi là học thuyết kinh tế. Duy chỉ là một học thuyết không thôi thì đâu có  tội tình gì. Học thuyết của Marx không phải là một cái tội. Người ta chỉ có thể đánh giá một học thuyết là đúng hoặc sai, mỗi người có quyền tự do theo hoặc không theo nó.  Học thuyết cộng sản chỉ là “tội” khi người ta biến nó thành công cụ chính trị, sử dụng nó như một phương tiện để cướp đoạt chính quyền hầu tước đoạt các quyền tự do của người dân, nô lệ hóa xã hội. Hiểu theo nghĩa này thì tất cả các đảng cộng sản trên thế giới đều mang cái tội là “tội cộng sản”. Tuy nhiên, đảng chính trị do Hồ sáng lập, ngoài tội là cộng sản, còn phạm thêm một cái tội tầy trời khác là tội làm tay sai và bán nước cho ngoại bang. Điều này nay đã trở thành lịch sử, ở đây chúng tôi khỏi cần phải chứng minh. Nhiều trào lưu tư tưởng (học thuyết, kể cả thuyết cộng sản) ngự trị Âu Châu vào các thế kỷ trước, nhưng chúng không tàn phá lục địa này. Chỉ khi học thuyết của Marx nắm quyền thống trị tại Nga thì học thuyết này mới gây ra kinh hoàng cho dân tộc Nga và các quốc gia lân cận. Chủ nghĩa cộng sản đã phạm tội ác đối với nhân dân Nga và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, khi nhân dân các nước Nga và Đông Âu thoát khỏi ách thống trị cộng sản, để giữ được tình đoàn kết dân tộc, họ đã tha thứ hết tội lỗi cho đảng cộng sản mặc dầu các đảng cộng sản Nga và Đông Âu đã gây ra rất nhiều tội ác ở trong nước. Xem như vậy thì “tội cộng sản” cũng có thể tha thứ được và nên tha thứ lắm.

     Nếu mai này đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của đảng cộng sản thì tại sao chúng ta lại chịu thua kém tinh thần bác ái vị tha của các dân tộc Nga và Đông Âu mà không tha thứ cho đảng cộng sản VN? Đúng vậy. Nhân dân VN là một dân tộc có lòng khoan dung nhân hậu. Thế nhưng còn cái tội bán nước kia của Hồ và đồng bọn thì sao? Đây là vấn đề rất quan trọng không thể không xét đến. Lịch sử Dân Tộc cho thấy, Tổ tiên ta từ thời lập quốc, chưa có vị vua nào, triều đại nào tha thứ cho kẻ bán nước cả. Có nghĩa là “kẻ phạm tôi bán nước theo giặc dứt khoát không thể tha thứ, mà phải bị trừng trị”. Người viết căn cứ vào đạo lý của Dân Tộc và vào truyền thống này của Tổ Tiên mà mạn phép quên đi “tội cộng sản” của Hồ Chí Minh và đồng đảng, chỉ giữ lại cái tội không thể quên và không được phép quên là tội “bán nước” của chúng mà thôi. Đấy là ý nghĩa trên cái tiêu đề của bài viết của chúng tôi. Đơn giản chỉ có thế. Cho nên thản hoặc nếu có người nói, “Tôi không chống cộng, mà chỉ chống Việt gian” thì cũng không có gì là sai quấy cả.

     Theo nhận định của người viết, hiện nay là lúc bọn VGCS đang ráo riết vận động cho cái chiêu bài gọi là “hòa hợp hòa giải” hơn bao giờ hết. Điều bất hạnh cho Dân Tộc là người hưởng ứng càng ngày càng đông, mà đa số lại là thành phần trí thức và những người thường tham gia vào các sinh hoạt chính trị. Nhìn vào sự thành công của NQ36 thì sẽ thấy. Trách nhiệm của tất cả mọi người VN yêu nước là phải chận đứng và phá tan cái quỉ kế này của VGCS. Dứt khoát không cho phép một thể chế đa đảng trong đó có đảng CS là một thành phần được hình thành trên đất nước? Hơn nữa bằng mọi giá phải nhổ tận gốc rễ, hủy diệt mọi tàn tích của đảng VGCS trong xã hội VN? Như vậy mới là con đường chính lộ và bảo đảm đưa đất nước ra khỏi những thảm họa và bế tắc hiện nay, không có cách nào khác. Tại sao phải làm thế thì bài viết này của chúng tôi sẽ đem đến cho quí bạn đọc câu trả lời tin rằng hợp lý. 

Phải thay thế - không thay đổi được

    Tình trạng gọi là “khủng hoảng” trong các chế độ CS thực chất không phải là khủng hoảng. Diễn tả cho đúng là sự thoái trào tất yếu của cơ chế ngay khi nó vừa bắt đầu hình thành. Thật vậy, tất cả các chế độ CS khi chưa thực sự là một chính quyền thi đều là vọng tưởng (hay ảo tưởng). Khi CS nắm được chính quyền và xây dựng chế độ thì lập tức gặp thất bại và bước vào suy thoái liền. Người CS cho đó là khủng hoảng, nhưng không phải. Khủng hoảng gì mà các chế độ CS từ Âu sang Á, cả Cuba, cũng gặp và đều xẩy ra như thế cả?

     Người CS xưa nay vốn tin vào câu  kinh điển này của lý thuyết Marx: mâu thuẫn là nguyên lý của sự phát triển xã hội. Khi mâu thuẫn chưa phát sinh ra đấu tranh thì người CS còn tin vào nguyên lý. Nhưng khi mâu thuẫn đưa đến bất bình đẳng, bất công, và tụt hậu thì người CS không thể không đâm ra hoài nghi, và từ đó phát sinh ra đấu tranh trong đảng để giải quyết mâu thuẫn.

     Kể từ sau khi CS chiếm được miền Nam, chế độ tích lũy và chồng chất quá nhiều mâu thuẫn. Cộng vào đó là sự tụt hậu đáng xấu hổ của đất nước. Câu “ranh ngôn” của Hồ Chí Minh “Thắng đế quốc Mỹ ta xây dựng lại 10 lần to đẹp hơn” đã trở thành một câu tuyền truyền bịp bợm và lố bịch. Vì thế bọn cán bộ từ cơ sở cho đến thượng tầng, không tên nào còn tin vào đảng và sống chết với đảng. Từ sự mất tin tưởng đó, việc thống nhất ý chí trong đảng trở nên bấp bênh. Kẻ có quyền lo vơ vét. Người mất quyền chỉ còn cách đứng ngoài hậm hực và chửi đổng. Nhiều đảng viên cảm thấy nguy cơ đảng bị xụp đổ phải lên tiếng kêu gọi đảng sửa sai. Và như đã thấy, ngay chính Bộ Chính Trị đảng cũng đã đề ra nhiều biện pháp sửa sai, “đổi mới hay là chết”, nhưng càng sửa càng sai lầm trầm trọng hơn. Trong số những tiếng nói kêu gọi đảng sửa sai, chúng tôi xin nêu tên ông Nguyễn Kiến Giang là một trường hợp tiêu biểu. Theo chúng tôi, ông Nguyễn Kiến Giang là một người cộng sản có lý tưởng và thành tâm. Nêu trường hợp ông để dễ thấy và thấy được một cách trung thực vấn đề đê nghị các biện pháp giúp đảng thoát khủng hoảng đúng sai như thế nào.

      Năm 1993, ông Nguyễn Kiến Giang xuất bản một tập sách mỏng (140 trang) có tựa đề là “Việt Nam khủng hoảng & lối ra”. Sau tựa đề còn có lời chú thích thêm của nhà xuất bản: “những vận động dân chủ của một người cộng sản kỳ cựu gởi ra xuất bản tại nước ngoài”. Như vậy chúng ta biết được, ông Nguyễn Kiến Giang là một cán bộ cộng sản, và cuốn sách của ông được xuẩt bản tại Mỹ.

     Cũng nên biết qua thân thế của tác giả để có thể lượng giá đúng được về những gì ông Nguyễn Kiến Giang viết ra.  

     Ông Nguyễn Kiến Giang sanh năm 1931 tại Quảng Bình. 14 tuổi [1945] ông đã đi theo và hoạt động cho cộng sản. 25 tuổi [1956] ông công tác tại nhà xuất bản Sự Thật và đã lên tới chức Phó Giám Đốc của cơ sở phát hành chính thức và lớn nhất này của đảng. 30 tuổi [1962] ông học trường đảng cao cấp tại Liên Sô. Năm 1967 ông bị nghi ngờ chống đảng nên bị bắt giam trong vụ án “xét lại chống đảng” cùng với ông Hoàng Minh Chính. Tuy bị đảng hắt hủi và ruồng rẫy, nhưng ông Nguyễn Kiến Giang vẫn trung thành với đảng và luôn tự hào mình là người cộng sản. Ông viết: “Có lẽ số phận của tôi làm ra cho chủ nghĩa cộng sản. Bố tôi là một người cộng sản từ đầu những năm 30 …Năm 1947, lúc mới 16 tuổi, tôi trở thành người cộng sản chính cống (gia nhập đảng). Và bây giờ, khi tuổi đã gần lục tuần [1990], từ trong chiều sâu tâm hồn tôi vẫn tự coi mình là người cộng sản, hơn nữa, một người cộng sản kiên định …”

     Đúng như cái đề tựa của cuốn sách nêu lên “khủng hoảng và lối ra cho VN”, ông Nguyễn Kiến Giang chủ định đi tìm con đường thoát ra cho tình hình đất nước - nói đúng hơn là cho đảng cộng sản VN. Ông viết cuốn sách này vào năm 1990, tức chỉ 15 năm sau khi VGCS chiếm được miền Nam, lúc sự thoái trào của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới không còn cứu vãn được nữa, còn đảng VGCS thì đang sa lầy ở Camphuchea, và còn bị Đặng Tiểu Bình dậy cho một bài học. Bài viết này không nhằm mục đích phê bình cuốn sách của ông Nguyễn Kiến Giang, nên chỉ xin lướt qua những điểm quan trọng. Ngoài phần giải thích quan điểm mới của ông về Chủ Nghĩa Xã Hội chiếm gần hết cuốn sách [118 trang]. Còn lại, ông Nguyễn Kiến Giang đề cập đến vấn đề khủng hoảng tại VN. Đầu tiên, ông nêu lên các lãnh vực gặp khủng hoảng, từ cá nhân, gia đình đến ngoài xã hội, từ đạo đức đến đời sống vật chất. Ông nhận định: Khủng hoảng ở nước ta hiện nay tập trung nhất ở khủng hoảng chính trị. Và rồi ông kết luận: Xã hội gần giống như trong trạng thái không có luật pháp.

     Sang đến phần nhận định về nguyên nhân của khủng hoảng, trước hết ông đổ tội cho chiến tranh. Cũng lại theo khuôn sáo, nước Nhật là một quốc gia bại trận nhưng sau chiến tranh Nhật đâu có bị khủng hoảng như VN. Sau đó ông mới đề cập đến các nguyên nhân khác là tính giáo điều, rập khuôn và chủ quan duy ý chí của đảng. Có điều là ông Nguyễn Kiến Giang không dám kết luận đảng là một lũ kiêu căng, đần độn và ngu dốt. Nhưng dù sao thì ông cũng đã phải thừa nhận rằng, khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng toàn diện, tổng thể của chế độ xã hội VN ở ngay những nền tảng của nó. Khủng hoảng từ nền tảng có khác gì ông Nguyễn Kiến Giang nói Chủ Nghĩa Xã Hội là một sai lầm. Thực tế, ông đã thừa nhận lý thuyết CS sai lầm và phủ nhận tính gọi là “bách chiến bách thắng” của chủ nghĩa mà bọn VGCS thường rêu rao.

     Sau cùng, cái “lối ra” mà ông Nguyễn Kiến Giang đề nghị để giải quyết vấn đề khủng hoảng lại dẫn người ta đi lạc lối luôn. Đề nghị của ông có thể tóm tắt trong câu tục ngữ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cụ thể hơn, ví ông Nguyễn Kiến Giang như một bác sĩ y khoa, BS Giang lại lấy kem thoa mặt của mấy bà mấy cô trị chứng đau tim cho bệnh nhân. Những biện pháp ông đề nghị đều là những nguyên tắc của xã hội dân chủ. Những nguyên tắc này không thể đem áp dụng để sửa chữa những sai lầm của một nền độc tài chuyên chế được, bởi vì tự thân chế độ chuyên chế phản lại các nguyên tắc dân chủ. Vài điểm hình xin nêu ra làm thí dụ. Chẳng hạn để giải quyết khủng hoảng kinh tế, ông Nguyễn Kiến Giang đề nghị chuyển sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân. Thế nhưng đề nghị này phản lại chủ trương xóa bỏ quyền tư hữu và tập trung tất cả các phương tiện sản xuất vào trong tay nhà nước của Marx. Về vấn đề chia rẽ xã hội, ông đề nghị xóa bỏ thù hận, thay vào đó là sự khoan hòa, nhưng biện pháp này đi ngược lại lý thuyết giai cấp đấu tranh. Ông chủ trương một xã hội dân sự, nhưng xã hội dân sự đòi hỏi quyền tự do cá nhân trong khi xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa đặt căn bản trên lối sống tập thể. Ông cho rằng xóa bỏ độc quyền chân lý là một yêu cầu bức bách về chính trị, nhưng yêu cầu này làm sao phù hợp được với việc độc quyền lãnh đạo của đảng CS mà Hiến Pháp khẳng định?
     Điều trớ trêu là, một đàng thì Bộ ChínhTrị đảng VGCS lưu manh trù dập ông Nguyễn Kiến Giang, cho là ông phản đảng, một đàng chúng lại áp dụng những biện pháp ông đề nghị để thoát khủng hoảng. Với những biện pháp vá víu nửa chừng, chúng cũng thoát ra được một vài mặt bế tắc của chủ nghĩa cộng sản côn đồ để bước vào chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng điểm cần nhấn mạnh để nhìn thấy cho tường tận, thứ đó không phải là chủ nghĩa tư bản dân chủ như người tỵ nạn chúng ta đang sống, mà là một thứ tư bản rừng rú mang những đặc trưng là thối nát, bất công, rối loạn, bấp bênh, và bất ổn. Nó không thua kém, mà còn nguy hiểm và tệ hại hơn cả chủ nghĩa cộng sản.

     Ông Nguyễn Kiến Giang là một cán bộ được đào tạo để nắm giữ tư tưởng và đường lối chính trị của đảng, nhưng tội nghiệp cho ông là ông đã bị đóng khung trong lối suy nghĩ của cái đầu óc CS quá nặng, không thoát ra ngoài được. Khi đề nghị dùng những biện pháp dân chủ để giải quyết khủng hoảng trong chế độ độc tài là thực tế ông đã đi lạc vào trong cái không gian tự do của thể chế dân chủ, và ông không còn là CS nữa trong khi ông vẫn mơ mơ màng màng tự cho mình là một người CS trung kiên: “từ trong chiều sâu tâm hồn tôi vẫn tự coi mình là người cộng sản, hơn nữa, một người cộng sản kiên định.”

     Người viết cố ý nêu thí dụ ông Nguyễn Kiến Giang, một người CS có lý tưởng, chân thành, và nhiệt tình để chứng minh rằng, đúng như ông Boris Yeltsin nói: “Cộng sản chỉ phải thay thế chứ không thay đổi được”. Nên coi đó là một chân lý. Bằng cách nào để thay thế nó là chuyện chúng tôi sẽ trình bầy sau.    (còn tiếp)

Quốc Hận 30-4-2014
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
    


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link