Wednesday, June 25, 2014

Kiện Trung Quốc về Biển Đông : Lợi nhiều hơn hại ?


Kiện Trung Quốc về Biển Đông : Lợi nhiều hơn hại

Ca khúc: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam


Quần đảo Hoàng Sa chụp từ máy bay trinh sát - DR
Quần đảo Hoàng Sa chụp từ máy bay trinh sát - DR

Sau khi đưa giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài khơi Biển Đông vào đầu tháng 05/2014, Trung Quốc duy trì thái độ cứng rắn. Ngoài các hành vi đe dọa Việt Nam tại vùng tranh chấp, Bắc Kinh còn cử lãnh đạo ngành ngoại giao đến Hà Nội để đòi Việt Nam không được cản trở hoạt động của giàn khoan và nhất là không được phản đối hành vi đơn phương của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Theo các chuyên gia phân tích, trong thế yếu về mặt quân sự, biện pháp tốt nhất hiện nay mà Việt Nam có thể tiến hành để ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, là kiện Bắc Kinh ra trước các định chế tài phán quốc tế, và đưa vấn đề Trung Quốc đe dọa an ninh khu vực bằng giàn khoan HD-981 ra trước Hội đồng Bảo an cũng như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Trong bài phân tích « Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc và Biển Đông : Cứ thử xem ! » (China’s Information Warfare Campaign and the South China Sea : Bring It On !) trên báo The Diplomat ngày 16/06/2014, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã cho rằng cần phải lợi dụng việc Trung Quốc công bố « Tuyên cáo lập trường » về vụ giàn khoan HD-981 tại Liên Hiệp Quốc để yêu cầu Hội đồng Bảo an mở thảo luận về vấn đề này, buộc Bắc Kinh lộ rõ bản chất muốn lợi dụng của mình. 

Một dân biểu Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa, thuộc đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 19/06/2014 vừa qua cũng công khai yêu cầu Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết hay tuyên bố về các hành vi « ‘vừa ăn cướp, vừa la làng’ của Trung Quốc », trong đó có việc đề nghị chính phủ Việt Nam « khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế ». 

Trên đây chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải tranh thủ thời cơ tốt hiện nay để kiện Trung Quốc ra trước quốc tế về những đòi hỏi chủ quyền quá đáng kèm theo là những động thái hung bạo nhằm áp đặt yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông. 

Vấn đề đặt ra là sau khi chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng kiện Trung Quốc trong bài trả lời phỏng vấn báo chí ngoại quốc ngày 31/05/2014, chính phủ Việt Nam như vẫn án binh bất động để cân nhắc lợi hại. 

Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang tranh chấp để ép buộc Việt Nam chấp nhận các yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông, vấn đề kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế trước Liên Hiệp Quốc đã trở thành cấp bách. Việt Nam phải tranh thủ thời cơ thuận lợi để xúc tiến các vụ kiện vốn có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại. 
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long. 

RFI : Giáo sư đánh giá sao về kết quả các cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hà Nội hôm thứ Tư 18/06/2014 ?

Ngô Vĩnh Long : Kết quả cuộc hội đàm vừa qua cho thấy rằng Trung Quốc chỉ muốn dùng cơ hội để tuyên truyền rằng Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với Việt Nam, tuy chỉ song phương thôi như lập trường Trung Quốc đã lập đi lập lại từ trước đến nay. 
Ngoài ra, Trung Quốc muốn viện cớ là vì Việt Nam vẫn ngoan cố và không chịu phục tùng nên Trung Quốc phải tiếp tục dạy cho Việt Nam một vài bài học, trong đó có việc đưa thêm vài giàn khoan vào Biển Đông như đã công bố trong những ngày vừa qua. 
Rõ ràng là Trung Quốc đã mưu tính việc gia tăng áp lực đối với Việt Nam và leo thang trong khu vực Biển Đông. 

Sau cuộc hội đàm, các tờ báo của Trung Quốc còn cho biết là phía Trung Quốc nói rằng việc cắm giàn khoan là việc riêng của Trung Quốc và Việt Nam phải ngưng ngay các hành động quấy nhiễu trái phép. Các báo này nói thêm là Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông để những căng thẳng hiện nay không làm tổn hại đến đại cuộc giữa hai nước. 

Theo tôi, đây cũng là việc chuẩn bị dư luận để nếu Việt Nam phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc thì Trung Quốc nói là Việt Nam ngoan cố và thất hứa. 

RFI : Trong thế yếu về mặt quân sự hiện nay của Việt Nam so với Trung Quốc, Việt Nam phải ưu tiên đấu tranh trên các lãnh vực nào ? 

Ngô Vĩnh Long : Việt Nam nên ưu tiên cho việc vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và nhân dân thế giới. 

« Cần ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc » 
Để được thế giới ủng hộ, thì Việt Nam trước tiên cần ủng hộ Phi Luật Tân trong việc kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo phụ lục 7 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc, tức ITLOS của UNCLOS. Đây là việc dễ làm và nhanh nhất vì Phi Luật Tân đã có nhã ý mời Việt Nam hoặc ủng hộ hoặc kiện chung. 

Phi Luật Tân đã nộp hồ sơ luận cứ dài khoảng 4.000 trang, trong đó có các luận chứng phủ nhận đường 9 đoạn, hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã đơn phương dùng để khoanh vùng hơn 80% toàn bộ Biển Đông. Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực cho nên đường lưỡi bò xâm lấn Việt Nam nhiều nhất. Do đó, nếu vụ kiện của Phi Luật Tân thắng thì nước được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam. 

« Giải quyết tranh chấp Trường Sa với các nước ASEAN » 
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên thương lượng với Phi Luật Tân và các nước khác ở Đông Nam Á như Mã Lai và Brunei để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực Trường Sa để có thể thiết lập một liên minh trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. 
Trung Quốc hiện nay đang xây cất trên một số đảo đã chiếm đóng bằng vũ lực ở Trường Sa hòng làm bàn đạp để xâm chiếm thêm và để đe doạ các nước khác. Việt Nam là một nước đang quản lý nhiều đảo nhất trong khu vực Trường Sa. Do đó việc giải quyết các vấn đề tranh chấp với Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei để củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, cũng có lợi cho Việt Nam nhiều nhất. 

« Tăng cường quan hệ với Mỹ » 
Ngoài ra, Phi Luật Tân là đồng minh của Mỹ và các nước kia cũng gần với Mỹ cho nên liên minh với các nước này cũng giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ. 

Mỹ là nước vẫn có sức mạnh hải quân mạnh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không thể để Trung Quốc thao túng trong khu vực quan trọng nhất của Thái Bình Dương - tức là khu vực Biển Đông - vì khoảng 60% lưu thông mậu dịch hàng hải trên thế giới là qua đấy. 

Điều kiện là Mỹ cần được sự ủng hộ và trợ giúp của các nước trong khu vực, trong đó sự ủng hộ và trợ giúp của Việt Nam là quan trọng nhất. 

« Nên đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế » 
Ngoài việc Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, chung với Phi Luật Tân hay riêng rẽ, Việt Nam nên đòi đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế (International Court of Justice - ICJ). 

Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị của Việt Nam, nhưng qua đó Việt Nam có thể chứng minh cho thế giới biết được sự chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc và vận động được dư luận trong nước và trên thế giới ủng hộ sự nghiêm túc của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. 
RFI : Tháng 5/2004, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước quốc tế. Thế nhưng trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn còn thái độ dè dặt. Theo phân tích của Giáo sư, cái lợi và cái hại của việc kiện Trung Quốc ra trước quốc tế là như thế nào ? 
Ngô Vĩnh Long : Đúng là trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn có thái độ dè dặt, có thể vì sợ Trung Quốc gây rối trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, và xã hội của Việt Nam. Nhưng Việt Nam càng chần chừ thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới. 

Trung Quốc đã và đang cố tình phân hoá và cô lập Việt Nam bằng cách tạo một hình ảnh là càng ngày Việt Nam càng tiến sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc. Như thế thì Trung Quốc có thể làm cho chính quyền Việt Nam càng ngày càng mất đi sự tin tưởng của nhân dân trong nước và mất sự ủng hộ của nước ngoài. Đến khi suy yếu và không còn có lựa chọn nữa, thì lúc đó Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam để trao đổi với các nước khác và để chia vùng ảnh hưởng như Trung Quốc đã từng làm. 

« Thời điểm thuận lợi nhất để Việt Nam kiện Trung Quốc » 
Theo tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ kiện Trung Quốc rồi. Thì bây giờ là thời điểm thuận lợi nhất từ trước đến nay để chính phủ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. 
Trong trường hợp chính phủ Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo thì Việt Nam cũng nên khởi kiện rồi hoàn tất hồ sơ như Phi Luật Tân đã làm. Vấn đề quan trọng là trong thời điểm hiện tại Việt Nam phải cấp tốc chứng minh rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình cũng như an ninh của khu vực và của thế giới trước sự đe doạ và bành trướng của Trung Quốc. 

« Cái lợi lớn nhất : Được sự ủng hộ trong nước và trên thế giới » 
Cái lợi lớn nhất là qua vụ kiện Việt Nam có thể vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và của thế giới để không những ngăn chặn sức ép của Trung Quốc, mà còn có thể được các toà án quốc tế xét xử và phán quyết là việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và các đảo khác ở Trường Sa là sai trái. 
Trong khoảng hơn một chục vụ kiện ra trước các toà án quốc tế về tranh chấp trên biển mà tôi đã nghiên cứu, phán quyết của các toà án đều được tuân thủ. 
Nếu ra được Toà án Quốc tế việc xấu nhất có thể xảy ra là toà sẽ phán quyết chia quần đảo Hoàng Sa, phần phía bên đảo Phú Lâm cho Trung Quốc và phần phía bên Hoàng Sa cho Việt Nam. Nhưng dù như thế, Trung Quốc không thể đòi là Phú Lâm có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để biện hộ cho việc cắm giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như họ đang làm. 

Nếu Trung Quốc ỷ thế nước lớn và không chịu tuân theo phán quyết của toà – mà đấy sẽ là trường hợp chưa từng xẩy ra - thì Trung Quốc sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rõ bộ mặt ngoan cố của mình và tự cô lập mình đối với cộng đồng thế giới. 

« Cái hại lớn nhất : Bị Trung Quốc trả thù bằng kinh tế, nhưng … » 
Cái hại lớn nhất đối với Việt Nam là Trung Quốc sẽ trả thù bằng cách phá hoại kinh tế Việt Nam như gián đoạn trao đổi hàng hóa, gián đoạn mậu dịch hay gây trì trệ cho các công trình đang đấu thầu trong nước. 
Việt Nam có thể bị khó khăn trong một giai đoạn, nhưng Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại về nhiều mặt, trong đó có sự e dè của nhiều nước trong việc làm ăn với Trung Quốc. Do đó có thể các nước đó sẽ rút bớt hoạt động và đầu tư ở Trung Quốc và chuyển về Việt Nam hay các nước khác. Nhưng Việt Nam phải năng động trong vấn đề xây dựng môi trường tốt để thu hút đầu tư và mậu dịch của các nước này khi họ chuyển dịch. 

RFI : Việt Nam cũng cần phải thúc đẩy việc đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ? 
Ngô Vĩnh Long : Tôi đã đề nghị đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vì Trung Quốc đã gây mất an ninh cho khu vực và cho thế giới qua việc đưa tàu chiến tháp tùng giàn khoan để đe doạ, cũng như việc dùng các tàu hải giám gây tổn hại cho tàu cá và tàu tuần tra của Việt Nam. 

« Đưa vụ HD-981 ra Liên Hiệp Quốc : Hiệu quả nhanh nhất » 
Theo đánh giá của tôi, đây là việc làm có hiệu quả nhanh nhất trong việc vận động dư luận và sự ủng hộ của các nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức. 

Nhưng trong khi Việt Nam chưa thúc đẩy việc trên thì Trung Quốc vào ngày 9 tháng 6 đã gửi « bản tuyên cáo lập trường » của họ lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon về giàn khoan Hải Dương-981 và đòi ông gởi đến tất cả các nước thành viên. 

Bản tuyên cáo này khẳng định rằng hoạt động khoan dầu của giàn khoan Hải Dương-981 « là một phần trong quy trình thăm dò và khai thác giếng dầu thường xuyên bên trong vùng chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc ». Trung Quốc còn vu cáo Việt Nam cản trở « trái phép » hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 bằng cách điều động tàu có vũ trang và cho tàu đâm vào tàu Trung Quốc cả hơn nghìn lần. 

Tuy Trung Quốc có hành động ngang ngược và vu khống như trên, tôi nghĩ đây là dịp tốt để Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận một cách triệt để vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, và việc đơn phương đưa ra đường lưỡi bò để lấn chiếm hơn 80% khu vực Biển Đông và đe doạ an ninh của khu vực và thế giới. 

« Trung Quốc há miệng mắc quai nhưng Việt Nam phải vận động » 
Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam thúc đẩy vấn đề này, Trung Quốc không thể ngăn chặn được vì Trung Quốc là người đã đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc và ông Ban Ki Moon đã công bố rằng ông sẵn sàng giúp hòa giải – tất nhiên là đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Nhưng để làm được việc này, ông Ban Ki Moon phải có sự ủng hộ của một số nước lớn trên thế giới, cho nên Việt Nam phải vận động… và vận động ! Chứ không thể ngồi chờ. 

Và tôi thấy rằng gần đây Mỹ cũng đã có thay đổi trong chính sách của họ. Ví dụ như gần đây, ông Daniel Russel, Trợ lỹ Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng theo ông và Bộ Ngoại giao Mỹ, Hoàng Sa đúng là khu vực có tranh chấp. 
Trước đây, Mỹ nói là Mỹ không can thiệp vào chủ quyền Hoàng Sa, những bây giờ Mỹ thấy rằng việc Trung Quốc dùng Hoàng Sa để bào chữa cho việc cắm giàn khoan HD-981 và tiếp tục đưa giàn khoan vào thì đúng là có sự liên hệ giữa tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với an ninh của khu vực và của thế giới. 

Thì lúc này là dịp rất tốt cho Việt Nam để vận động thế giới, vận động Mỹ giải quyết cùng một lúc vấn đề đe dọa của Trung Quốc và vấn đề Hoàng Sa. 
RFI xin thành thật cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long.



Thủ tướng có thực sự không màng "hữu nghị viển vông"?


Hạ Mai (Viet-Studies) - Ngày 2-5-2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (HYSY-981) vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tình hình biển Đông nóng lên từng giờ, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân Việt Nam dâng ngùn ngụt. Nhân dân khắp nơi sôi sục, mong đợi giới lãnh đạo cấp cao tỏ rõ thái độ, có những bước đi cương quyết, kịp thời, song mặt nước vẫn lặng như tờ. Sự im lặng khó hiểu từ phía những người có trách nhiệm không chỉ làm tích tụ thêm những bức xúc của người dân, mà còn khiến những bực bội bấy lâu kìm nén có nguy cơ bùng phát.

1- Dàn dựng

Ngày 8-5-2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khai mạc, TBT Nguyễn Phú Trọng – với chức trách của mình, đọc lời mở màn Hội nghị. Cả nước nín thở trông chờ, hy vọng sẽ được nghe những tuyên bố xứng tầm, hoặc chí ít thì cũng có những động thái nào đó về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, giọng nói có phần rề rà, vẻ bình chân như vại của Tổng Bí thư và chủ đề “lãng nhách” bàn về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trở nên phản cảm trên nền vấn đề Biển Đông đang nóng rẫy (cho dù chắc chắn, Nguyễn Phú Trọng không động chạm đến biển Đông vì Vua tập thể” (BCT) đã quyết định như vậy!). Những hy vọng, trông đợi nhanh chóng chuyển thành ê chề, chán chường và tức giận, kết quả là Nguyễn Phú Trọng hứng đủ mọi rủa xả, thóa mạ.

Trong lúc thái độ, phản ứng của các tầng lớp nhân dân căng như dây đàn, ngày 11-5-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Myanmar, có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN. Chưa nguôi nỗi thất vọng vì Nguyễn Phú Trọng, chẳng mấy ai trông đợi ở bài phát biểu của Thủ tướng, song Thủ tướng đã có cú “lật cánh” ngoạn mục khi nhắc đến các cụm từ “biển Đông”, “ngang nhiên”, “hung hăng”, “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”….Trước khung thành không có thủ môn, Thủ tướng chỉ việc co chân và… sút!

Dù đã có một vài cụm từ có vẻ cương quyết, nhưng nếu phân tích kỹ toàn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đặt trong bối cảnh nguy cơ, hiểm họa từ giàn khoan HYSY-981, sẽ chẳng thấy có nhiều điều đặc biệt: Giọng điệu vừa phải, lời lẽ uyển chuyển, nhẹ nhàng, không động chạm, tránh né, không dám gọi đúng tên sự việc… Sau hơn 10 ngày im lặng, những gì mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Myanmar là chưa đủ, là điều ít nhất có thể làm. Chính kiến, thái độ của Thủ tướng là nhỏ bé trong so sánh với những gì mà Bắc Kinh đang làm. Bất kỳ Nguyên thủ quốc gia bình thường nào cũng có thể phát biểu mạnh mẽ, thuyết phục, cứng rắn hơn thế; nhưng, bài phát biểu đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt – nó đã đánh trúng tâm lý bức bối của người dân. Nó được tung hô hơn giá trị đích thực, nhất là bởi bộ máy báo chí “định hướng XHCN” và đội quân Dư luận viên (DLV) đông đảo.

Tiếp dòng sự kiện, chiều ngày 14-5 -2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 bế mạc. Dù đã một lần thất vọng, người dân vẫn mong manh trông đợi những thông điệp mới từ Tổng Bí thư, nhất là khi đã có một trong bốn tứ trụ khai bước, mở đường. Nhưng, như Trần Hữu Dũng đúc kết thì “diễn văn bế mạc của Nguyễn Phú Trọng có 7 đề tài chính. Hai đề tài đầu tiên (và dài nhất) là: 1- Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam; 2- Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng. Đề tài thứ 4 là ngắn nhất, nói về quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Không có bất cứ một chữ “Trung Quốc” nào và chỉ có duy nhất một chữ “biển Đông” (còn từ “văn hóa” thì được nói đến hơn 30 lần)”.

Một lần nữa người dân Việt Nam lại ngã ngửa! “Ấn tượng” Myanmar, vì thế, càng khắc đậm dấu ấn. Mưa đá, bão đá tiếp tục trút ào ào về phía Nguyễn Phú Trọng, nhất là khi trước đó (ngày 13-5-2014), thông tin về việc người anh “bốn tốt” khước từ gặp gỡ Nguyễn Phú Trọng đã lan tràn trên thế giới mạng (dù việc đề nghị gặp Tập Cận Bình, coi đó là một kênh để giải quyết vấn đề cũng là lẽ thường).

Khi Nguyễn Phú Trọng (cùng với một loạt nhân vật khác) đã “chết lâm sàng” và mười ngày sau sự kiện Myanmar – thời gian vừa đủ để “ấn tượng Myanmar” bắt đầu nhàn nhạt (trong khi biển Đông ngày càng căng thẳng); đồng thời, sau khi đã thỏa thuê ném đá, nhân dân cần tiếp một cú chích “vitamin liều cao”, thì Manila và Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 là một cơ hội thích hợp. Quả thật, Thủ tướng đã làm một động tác kích đẩy nhẹ nhàng chỉ với cụm từ “hữu nghị viển vông” và đã đạt hiệu suất ngoài mong đợi, trong phút chốc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trở thành “anh hùng dân tộc” - thần tượng của một đất nước luôn khát khao thần tượng. Biển Đông đã nóng, những lời ca tụng Thủ tướng bằng những mỹ từ chói sáng nhất, vang vọng nhất, ngời ngợi nhất… còn nóng hơn gấp ngàn lần: “Phát biểu của Thủ tướng hội tụ khí phách Việt Nam”; “Thủ tướng nói lời non sông đất nước”; “phát ngôn của Thủ tướng mang sức hiệu triệu”; “tiếng nói dũng cảm của ông Thủ tướng cự tuyệt thứ "hòa bình hữu nghị viển vông" có giá trị như một lời hô thoát Hán”…

Chỉ nghe Thủ tướng nói, chưa cần xem Thủ tướng làm, một bộ phận đông đảo người Việt, trong đó có cả tầng lớp tinh hoa, đã vội vàng “dịch” lờiThủ tướng thành bốn cơ hội/khả năng sau: 1- Thoát Hán; 2- Tổ quốc trên hết!; 3- “Xoay trục” sang phương Tây; 4- Dân chủ. Bốn cơ hội “tự phiên” đã thắp lên niềm tin, hy vọng về một Việt Nam chuẩn bị cất cánh và thậm chí đã nghĩ đến cơ hội được bày tỏ lòng yêu nước, khi chính giới lãnh đạo khẩn thiết “kêu gọi” nhân dân biểu tình…. Và ngần ấy cơ hội cũng thừa để ve vuốt tinh thần, khát khao, ý chí của người Việt trong nhiều ngày qua – điều mà Thủ tướng đã nhếch môi cười mỉm biết trước. Quả thật, để “ghi điểm”, Thủ tướng không tốn nhiều công sức. Chỉ bằng một con tính lớp một và vài ba thao tác kỹ thuật đơn giản, Thủ tướng đã kịp điều chỉnh, định hướng dư luận theo cách có lợi nhất cho các mục tiêu, tính toán của mình.

2- Đằng sau dòng sự kiện

Song, niềm tin và hy vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi được xây trên nền tảng vững chắc là tính khả thi và mong muốn thực thi của chính trị gia, chứ không phải là các thủ thuật hoặc tiểu xảo chính trị. Xếp đặt, sàng lọc, lắng đọng và móc nối các sự kiện, phần chìm của tảng băng dần lộ diện:

Ngày 5-5-2014, vài ngày sau khi HYSY-981 được ông bạn “16 chữ vàng” đặt phịch vào sân nhà hàng xóm, Blogger AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh – chủ một trang điểm thông tin với tinh thần nhà báo phải nói đúng sự thật bị bắt khẩn cấp. Chủ trang mạng “từ khi khởi đầu đến nay đều ưu tiên cho những thông tin về Trung – Việt, cảnh báo và phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc”[1]; đồng thời, dám đăng những bài điểm trúng huyệt đạo[2]bị “tống kho” đã ngầm phản ánh “quyết tâm” chống Trung Quốc của Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu và ý định “đốn phạt” những người có thông tin, có khả năng bình luận sắc sảo, “đi guốc vào trong bụng”.

Ngày 11-5-2014 (cũng là ngày Thủ tướng tới Myanmar và có bài phát biểu trông đợi) – lần đầu tiên người dân Việt Nam được “bật đèn xanh” biểu tình thể hiện lòng yêu nước (dù có hai loại “biểu tình nhân dân” và “biểu tình quốc doanh”). Hai sự việc đặt cạnh nhau, khiến người Việt phần nào quên điAnhBaSam, bắt đầu tin tưởng ở sự thay đổi của Chính phủ (người Việt Nam vốn cả tin, nhẹ dạ).

Tuy nhiên, sự kiện bạo loạn Bình Dương (12-5), Vũng Áng, Hà Tĩnh (14-5)… đã mang đến những dự cảm chẳng lành. Phóng sự “Đi giữa dòng bạo động” của nhạc sĩ Tuấn Khanh đã giúp giải đáp nhiều nghi vấn. Quả thật, sự lặng thinh và vắng mặt của các lực lượng an ninh theo kiểu thả nổi đám đông, cũng như cách thức tổ chức, kích động biểu tình rất chuyên nghiệp đã chỉ báo về một âm mưu, kế hoạch được sắp đặt tỉ mỉ, tính toán chu đáo “từ trong ruột”. Việc đồn đoán “công an bất ngờ, trở tay không kịp” để bạo động xảy ra đã bị đánh đổ, bị phủ định hoàn toàn bởi “lịch sử hào hùng, vẻ vang” của lực lượng công an từng phá những vụ án hình sự nổi tiếng, từng đánh sập, bóp nghẹt từ trong trứng nước mọi “âm mưu bạo loạn” dù mong manh nhất.

Thêm vào đó, sau nhiều ngày điều tra, bộ máy an ninh tinh nhuệ, khổng lồ, nghiệp vụ cứng đã kết luận Việt Tân là thủ phạm – một kết luận ngô nghê, non nớt, vụng về đối lập với “tài năng” phá án và cùng với kết quả điều tra người cầm đầu gây rối chủ yếu là các băng giang hồ, Bộ Công an đã tự tố cáo. Tư duy “lùn” của bộ máy an ninh đứng dưới “bóng mát” chiếc lọng vàng của Thủ tướng đã không chệch nguyên tắc “chủ nào, tớ ấy” khi phù phép, biến Việt Tân thành “vật tế thần”.

Tuy nhiên, nếu chỉ đổ tội cho Việt Tân thôi thì có vẻ hổng hểnh. Sự đập phá có lựa chọn, mang tính chủ đích “chỉ có 2 doanh nghiệp của Trung Quốc bị đốt cháy” trong số “700 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp bị đe dọa và “trên 460 doanh nghiệp bị đập phá” đã kịp thời lấp đầy lỗ hổng, bẻ quặt một bộ phận dư luận tin rằng có bàn tay của Trung Nam Hải – đó cũng là cách đẩy nghi vấn sang phe Cung vua.

Ngày 17-5-2014 (một ngày trước khi cuộc xuống đường toàn dân được dự kiến), các dòng tin nhắn “Thủ tướng chỉ thị…”; “Thủ tướng yêu cầu…”; “Thủ tướng đề nghị…”, như cơn lũ ập vào hơn 120 triệu thuê bao di động. Việc các nhà mạng (không hiểu vô tình hay hữu ý) “thi nhau sỉ nhục Thủ tướng” (như Huỳnh Ngọc Chênh giễu cợt) đã chính thức phát đi tín hiệu đau thương cho ngày toàn dân xuống đường. Thực vậy, ngày 18-5-2014, câu chuyện biểu tình trở về vạch xuất phát ban đầu. Dưới sự chỉ đạo “xuất sắc” của Thủ tướng, nhân danh tái lập trật tự, an toàn xã hội, người biểu tình bị sách nhiều, bị giam giữ, bị lôi, kéo, khênh vứt lên xe, thậm chí bị đánh đập…

Sau ngày 18-5 đến thời điểm hiện tại, không khí biểu tình xẹp lép. Bình Dương, Vũng Áng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử! Đến hết năm 2015 (không loại trừ còn lâu hơn nữa), Luật Biểu tình vẫn cứ là giấc mơ của nhân dân Việt Nam. Xin mời Trung Quốc tiếp tục nghênh ngang xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã bị dán băng keo vào mồm theo một cách hết sức “hợp pháp”. Cuối cùng, người dân Việt Nam không chỉ mất sạch cơ hội bày tỏ lòng yêu nước, phải bịt mồm, bịt chính kiến, mà việcbắt bớ và theo dõi “bọn phản động” có tư tưởng dân chủ, tư tưởng chống Trung Quốc cũng trở nên dễ dàng hơn.

Sự kiện ngày 18-5 đẩy sự bức bối vốn có lên một mức mới, nhưng chỉ ba ngày sau, những bức xúc có chiều hướng gia tốc đã bị đè bẹp một cách đĩnh đạc, thuyết phục bởi cụm từ “hữu nghị viển vông” (21-5-2014). Tiếp nối những lời phát biểu được mệnh danh là “mang hồn thiêng sông núi”, Thủ tướng “bồi” thêm vào niềm hy vọng của người Việt bằng một “chưởng” kha khá: “Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”[3].

Sau một loạt những mánh lới chính trị, đã đến thời điểm lên tiếng của các DLV. Hàng loạt bài báo chỉ trích phe Cung vua hèn kém, cam tâm nô lệ, bán nước cho Tàu, đứng sau các vụ bạo loạn…và tung hô “thần tượng mới”, gọi đó là “hiểm họa đối với Trung quốc trước mắt và lâu dài”…đã dẫn dắt dư luận theo hướng Tuyên bố “hữu nghị viển vông” định sẵn.

Trong hành động “hậu diễn văn”:

Thứ nhất, Thủ tướng lập tức gửi thông điệp trấn an đối phương: 1- "Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác”[4] (Thủ tướng thật khéo “đánh lận con đen”- câu hỏi không hề nói đến “liên minh quân sự để chống lại một quốc gia khác”); 2- “Việt Nam không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ”[5].

Tuyên bố của Thủ tướng có thể được hiểu như sau: 1- Trung Quốc hoàn toàn yên tâm, Việt Nam sẽ không “xoay trục”, Mỹ và Nhật có muốn cũng không cản được Trung Quốc ở biển Đông; 2- Trung Quốc bình tĩnh đặt giàn khoan, cứ “nuốt” dần biển Đông, miễn là không nổ súng.

Thứ hai, đối với việc kiện Trung Quốc, Thủ tướng tìm kế hoãn binh: “Về giải pháp đấu tranh pháp lý (…), chúng ta đã chuẩn bị hàng chục năm nay, còn thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định”[6]Tóm lại, không kiện là do Bộ Chính trị đấy chứ, không phải do tớ - điều Thủ tướng muốn nói là như vậy. Đổ thừa cho Bộ Chính trị cũng có nghĩa là phe Cung vua hứng tiếp mũi dùi dư luận.

Vài ngày sau, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhũn nhặn “phun châu, nhả ngọc” tại Hội nghị Shangri La (31-5-2014) khiến người dân Việt Nam phừng phừng nổi giận, cho dù những gì rơi ra từ miệng Đại tướng đều là ý tứ Bộ Chính trị (trong đó có Thủ tướng), đã được “Vua tập thể” nâng lên, đặt xuống đến bấy bớt. Phát biểu của Phùng Đại tướng không chỉ trấn an các “đồng chí Bốn tốt”, mà còn làm bệ phóng cho Tuyên bố “hữu nghị viển vông” bay cao, bay xa. Nằm trong guồng vận hành của thể chế, khoác áo quan võ, tơi tả trước búa rừu dư luận, Phùng Quang Thanh buộc phải trở thành con tốt thí trên bàn cờ của Thủ tướng.

Như vậy, ngoài những lời tuyên bố, cho đến nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hề có bất cứ hành động thực tế mạnh mẽ nào trong khi Trung Quốc ngày càng lộng hành trên biển Ðông. Hơn nữa, tuyên bố hay trả lời phỏng vấn cho dù đanh thép và khí phách đến đâu cũng không thể thay thế Tuyên bố chính thức của Chính phủ gửi đến đối phương tuyên ngôn về quan điểm của một Nhà nước có chủ quyền – điều Thủ tướng có thể làm, song vẫn chưa làm và sẽ không làm (nên nhớ, hành động của Trung Quốc, cũng như thái độ, sự ủng hộ hoặc quay lưng của quốc tế phụ thuộc vào phản ứng thực tế của Việt Nam!). Ngay cả đến việc đúng phép ngoại giao và thông lệ quốc tế là triệu Đại sứ Trung Quốc đến để tỏ thái độ, Chính phủ của Thủ tướng cũng không dám làm (trong khi báo chí, ti vi chỉ vừa đưa tin hàng hóa Trung Quốc độc hại, kém chất lượng, Đại sứ Việt Nam đã lập tức bị triệu hồi vào lúc nửa đêm để nghe huấn thị[7]). Việc Thủ tướng “đùn” cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn về biển Đông chính là dấu chấm cuối cùng trong Tuyên bố đậm tính viển vông.

3- Khi đã là bản chất…

Đến đây, bản thân dòng sự kiện đã là sự trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi: Thủ tướng có thực sự không màng “hữu nghị viển vông”? Tuy nhiên, sau những “phát biểu xứng tầm nguyên thủ quốc gia”, “hợp ý nguyện lòng dân”, “gây xúc động hàng triệu con tim Việt”… của Thủ tướng trước họa phương Bắc, rất có thể có một câu hỏi vẫn được đặt ra: Phải chăng, Thủ tướng đã thức tỉnh tinh thần dân tộc?

Nhưng, tinh thần dân tộc chỉ có thể thức dậy nếu nó có, dẫu chỉ là đôi chút. Người ta không thể tin Thủ tướng có tinh thần dân tộc, bởi lẽ, một trong những căn cứ tối thiểu, cơ bản nhất là dù ở bất cứ vị trí nào (chưa nói đến vị trí Thủ tướng) cũng phải có ý thức làm lợi cho dân, cho nước, hoặc chí ít là không làm hại, “làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”[8]. Còn Thủ tướng? Những “phát ngôn đanh thép” (?!) thời gian qua thực chất là những tiểu xảo chính trị. Thủ tướng luôn biết chọn vấn đề, thời điểm “ra đòn”, tung hỏa mù, làm nhiễu… để gây uy tín, “ghi điểm”, nhằm củng cố địa vị hoặc bành trướng ảnh hưởng.

Còn nhớ, ngồi vào ngôi vị Thủ tướng nhiệm kỳ đầu, biết rằng tham nhũng đang trở thành bức bối xã hội, Nguyễn Tấn Dũng đã nắm lấy điểm yếu huyệt, lập tức tuyên bố trong Diễn văn nhậm chức: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”[9]. Thực tế thì gần hết hai nhiệm kỳ Thủ tướng, tình hình tham nhũng trầm trọng thêm với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Năm 2013, theo chỉ số tham nhũng, Việt Nam xếp thứ 116/176 quốc gia được khảo sát. Các vụ đại án tham nhũng đều có bóng dáng của quan chức cấp cao, các nhóm lợi ích đặc quyền, nhóm thân hữu. Tham nhũng tiền bạc, đất đai, tham nhũng quyền lực, chính sách là hiện tượng phổ biến, thường ngày. Những tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm ăn lỗ với những con số “khủng” là kết quả xâu xé của tham nhũng[10]. Làn sóng “tái cấu trúc” hệ thống Ngân hàng (Eximbank, Techcombank, Phương Nam, Bản Việt, Vietinbank, BIDV, Bắc Á…) hoặc để thôn tính, hoặc để trốn nợ xấu cũng là dưới bàn tay “phù phép” của các nhóm thân hữu.

Tháng 2-2010, khi vụ việc Đoàn Văn Vươn đang gây nên một làn sóng phản đối lan rộng, bức bối vì thiếu dân chủ dâng cao, Thủ tướng ra tay đúng lúc, kết luận một cách “minh quân”: Chính quyền Tiên Lãng ngụy biện, sai lầm, vô cảm... “quanh co khi phải đối diện với sự thật”. Thế là Thủ tướng trở thành “người hùng”, người dân Tiên Lãng, người dân cả nước đặt hy vọng, tin tưởng vào Thủ tướng”. Nhưng cuối cùng thì…Vươn vẫn hoàn Vươn - người dân vào tù, sai nha thăng Tướng!

Năm 2013, biển Đông tiếp tục nóng lên trước những hung hăng gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc[11]; đồng thời, sự kiện 17-2 đang đến gần, lòng dân sôi sục, Thủ tướng – “kịch nghệ” mở màn vở diễn mới. Ngày 30-12-2013, trong cuộc làm việc với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Thủ tướng tuyên bố hùng hồn: Hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam đang lên kế hoạch tưởng niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (1-1974) và 35 năm sự kiện Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2-1979). Nhân dân hồ hởi, báo chí hào hứng đợi chờ…. Thế rồi, mọi việc lại rơi tõm vào thinh không và khi dịp kỷ niệm đã qua đi, ngày 19-2-2014, Thủ tướng vớt vát: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng không bao giờ quên công lao của những đồng chí, đồng bào mình chiến đấu hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17-2-1979”[12]. Hãy xem Thủ tướng giải thích về cái sự “không quên” và “quan tâm”: “Tất cả chiến sĩ hy sinh đều nằm ở nghĩa trang, được nhang khói”[13] (?!).

Cái sự “phát biểu lấy được”, “phát biểu để đó” và “làm ngược lại” của Thủ tướng được phản ánh bằng kết quả trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam từ khi Thủ tướng nhậm chức đến nay:

Về chính trị, đây là thời kỳ tự do ngôn luận bị xiết chặt nhất trong các đời Thủ tướng. Trong hai nhiệm kỳ tại vị, Thủ tướng đã ký hàng loạt Nghị định, Quyết định, Công văn[14]… giáng mạnh vào quyền tự do ngôn luận, đàn áp khốc liệt những người “dám” phản biện, chất vấn hoạt động, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, 1.000 website bị tấn công trong năm 2009 (tăng lên gấp 10 lần so với năm 2008[15]); 300 trang web và blog "không phù hợp" đã bị đánh sập năm 2010[16]. Mặc dù Việt Nam trúng cử với số phiếu cao vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, nhưng năm 2013, tình hình nhân quyền ở Việt Nam lại “xấu đi nghiêm trọng”, một chiến dịch đàn áp khắc nghiệt đối với các ký giả, blogger được tăng cường. Việt Nam đứng thứ năm trong danh sách top 10 quốc gia cầm tù ký giả tệ hại nhất trên thế giới, là nhà tù lớn thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc[17]. Thủ tướng đã “thành công” đưa Việt Nam vào trong danh sách Kẻ thù của mạng Internet, xếp ở vị trí thứ 174/180 nước trong bảng danh sách tự do báo chí[18].

Dưới “tài” chấp chính của Thủ tướng, nông dân bị cưỡng chế, đàn áp, bị thu hồi đất; đặc biệt, đằng sau nhiều vụ cướp đất có bàn tay dính lứu của những nhóm đặc quyền dưới ô dù của Thủ tướng với danh sách tên đất, tên làng dài theo thời gian: Văn Giang, Dương Nội, Bắc Giang, Mễ Trì, Mỹ Đức, Bắc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), Vũng Áng, Đắc Nông, Ninh Thuận…. Về tự do tôn giáo, Việt Nam là “nước vi phạm quyền tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới”[19].

Về tình hình nhân quyền Việt Nam, đại diện HRW John Sifton nhận xét: “Một chính quyền tàn ác và đàn áp có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội và tập hợp hòa bình, trấn áp những người dám thách thức chính quyền hay dám kêu gọi dân chủ”[20]. John Sifton cảnh báo: Đừng kỳ vọng “việc đưa ra đối thoại chiến lược quân sự và đàm phán tự do thương mại với Việt Nam có thể khuyến khích đất nước này thay đổi”[21]. Ông nhấn mạnh: “Nhà cầm quyền Việt Nam không hề thả lỏng nắm đấm của họ”[22].

Về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam hết sức bất ổn, chứa đựng nguy cơ rủi ro, suy thoái; tăng trưởng GDP giảm mạnh (năm 2007: 8,46%[23], năm 2011: 5,89%[24]; 2013: 5,4%[25]). Nợ công của Việt Nam đã ở mức trên 81,885 tỷ USD, bình quân nợ công theo đầu người là 905,18USD, chiếm 47,7% GDP, tăng 10,9% so với năm 2013 (tính đến ngày 13-6-2014)[26]. Việt Nam là một trong 20 nước có khả năng vỡ nợ lớn nhất trên thế giới[27], người dân Việt Nam có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực[28], tỷ lệ người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) chiếm 18,2% dân số/năm 2011 (16,1 triệu người/)[29]. Mọi yếu kém trên đây của nền kinh tế đã được Thủ tướng thừa nhận, nhận trách nhiệm và xin lỗi trong kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII (10-2012)[30].

Về văn hoá- xã hội, xã hội Việt Nam ngột ngạt, tù túng, bế tắc, các giá trị đảo lộn, văn hoá – giáo dục tụt dốc, đạo đức suy đồi, bệnh hình thức, thành tích và giả dối tràn lan, len lách trong mọi ngóc ngách xã hội. Phần lớn lớp trẻ bị chủ nghĩa vật chất chế ngự, giành giật, xâu xé quyền lợi, chìm nghỉm trong ham muốn quyền lực, vùng vẫy trong bãi sình lầy của “văn hóa đấm đá". Cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ không minh bạch hình thành nên một lớp“thái tử đỏ”, “thế tử Đảng” bất tài, vô dụng, tham lam, “ăn trên ngồi chốc”, thụ hưởng các đặc quyền, đặc lợi.

Tóm lại, Chính phủ của Thủ tướng đã hoàn thành “xuất sắc” nhiệm vụ đàn áp con người về mặt đạo đức, ý thức chính trị, giết dần phẩm giá và nô dịch tư tưởng, dung túng cho cái phi nhân, khiến người dân hoặc thờ ơ, phó thác, bàng quan, vô cảm trước vận mệnh, tương lai đất nước, hoặc mắc “bệnh sợ hãi chính trị” mãn tính, triền miên.

Về quan hệ với Trung Quốc, dưới hai nhiệm kỳ lãnh đạo của Thủ tướng, Việt Nam lún sâu vào quỹ đạo của người láng giềng phương Bắc:

– Thứ nhất, chống Trung Quốc xâm lược là chống Chính phủ

Những lời nói, bài viết, quan điểm về Trung Quốc gây hấn, về chủ quyền biển đảo Việt Nam, về đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa… đều bị cấm đoán, đều bị quy là tội phạm chính trị.

Mọi hành vi, thái độ lên án Trung Quốc đối với Chiến tranh biên giới 1979, cắt cáp tàu Việt Nam trên biển, xâm hại ngư dân Việt Nam…. bị cấm kỵ, bị theo dõi, rình rập, dọa nạt, quy là phản động… Chính phủ của Thủ tướng ngăn cấm, bắt bớ những người yêu nước biểu tình phản đối Trung Quốc… Đó là những hành động tiếp tay cho Trung Quốc, chà đạp lên lợi ích quốc gia, dân tộc. Chống Trung Quốc là chống Chính phủ - như thế, Chính phủ đã đồng nhất mình với Trung Quốc.

– Thứ hai, kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, tỷ lệ nhập siêu tăng mạnh qua từng năm: 4,4 tỉ năm 2006; 11,5 tỉ năm 2009; 12,7 tỉ USD năm 2011; 16,4 tỉ USD năm 2012; và 23,7 tỉ USD năm 2013[31]. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam; đồng thời, 60-70% diện tích lúa nông nghiệp gieo trồng giống lúa lai Trung Quốc[32]. Với việc nhập khẩu tràn lan, hàng kém chất lượng, chứa chất độc hại tràn ngập đất nước, đồng Nhân dân tệ khuynh đảo thị trường tài chính Việt Nam.

Trung Quốc trúng thầu tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… của các dự án kinh tế Việt Nam trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia và an ninh năng lượng. Các chủ đầu tư đều là trụ cột kinh tế như Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Hóa chất[33]….

- Thứ ba, an ninh – quốc phòng bị đe dọa

Với 90% các công trình trúng thầu, tại các địa bàn xung yếu về quốc phòng – an ninh (Quảng Ninh, Vũng Áng, Cửa Việt, Tây Nguyên…), người lao động Trung Quốc sang Việt Nam lập làng, thâm nhập sâu, thậm chí lấy vợ, sinh con, đồng hóa dân tộc.

Đến năm 2013, các công ty Trung Quốc được cấp 19 dự án trồng rừng ở 18 tỉnh với diện tích trên 398.374ha[34] - đây đều là các dự án liên quan tới rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn hoặc ở những vị trí, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, nơi có nhiều khoáng sản và kim loại quý[35].

Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc sửa đổi ngày 11-10-2011 đã mở rộng phạm vi di chuyển, hoạt động các phương tiện vận tải giữa hai nước, cho phép phương tiện vận tải Trung Quốc qua lại 7 cặp cửa khẩu, hoạt động trên 26 tuyến vận tải hành khách và hàng hóa (gồm 17 tuyến giáp biên giới và 9 tuyến vào sâu nội địa)[36]. Từ tháng 8-2012, các tuyến lần lượt được khai thông, có điều, mang tiếng là vận tải hai chiều, song trên thực tế, do Trung Quốc đưa ra quá nhiều quy định khắt khe, nên các doanh nghiệp Việt Nam đành “bó tay”. Cuối cùng, chỉ có các doanh nghiệp Trung Quốc vận tải được hành khách, hàng hóa vào sâu trong lãnh thổ của Việt Nam, biến tuyến vận tải hai chiều thành tuyến một chiều.

Tựu chung lại, mới chỉ điểm qua vài nét khái quát, viện dẫn vài ba con số đã thấy bức tranh chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng Việt Nam hiện tại thật đáng lo ngại, ở mức nguy hiểm. Nó đồng thời cũng cho phép đặt câu hỏi nghi ngờ về các mối liên hệ chặt chẽ của Chính phủ với Trung Quốc. Và quả thật, tình “hữu nghị” mà Thủ tướng nói đến thực không hề “viển vông”.

4-Thực chất đằng sau những tuyên bố…

Đối với đại bộ phận quan chức cấp cao Việt Nam hiện nay, nhất là những quan chức đảm nhiệm vị trí quan trọng, then chốt trong bộ máy Đảng, Nhà nước, mục đích và nhu cầu cấp thiết nhất là kéo dài thời gian tại vị, hoặc nếu không thể kéo dài, thì phải đảm bảo “hạ cánh an toàn”.

Kéo dài thời gian tại vị cũng đồng nghĩa với việc làm phình to thêm khối tài sản cá nhân kếch sù bằng nhiều con đường bất minh khác nhau; đồng thời, tranh thủ thời cơ, gài con, gài cháu, sắp xếp thân tộc vào những vị trí béo bở.

“Hạ cánh an toàn” là sau một quá trình trục lợi bằng quyền lực, rời khỏi chính trường, khối tài sản to lớn phải được bảo toàn và khi không còn chức quyền theo nghĩa chính thống, thì vẫn có thể đứng vào vị trí “cố vấn”- “Thái Thượng Hoàng”.

Trên hai điểm quy chiếu nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một hiện thân đầy đủ nhất và câu chuyện “hữu nghị viển vông” cũng nằm trong toan tính ấy, khi thời điểm Đại hội XII Đảng CSVN đang đến gần.

Nhìn tổng thể chính trường Việt Nam hiện nay có hai phe phái chính trị, thường được gọi dưới cái tên “Cung Vua” - “Phủ Chúa”. Hội nghị Trung ương 6 (10-2012) được coi là trận dàn quân đấu đá chính trị trong Đảng CSVN căng thẳng, quyết liệt và nổi bật nhất thời kỳ đổi mới. Kết cục là phe Cung Vua tuy giữ thế thượng phong, nhưng đến phút cuối Phủ Chúa thoát hiểm ngoạn mục. Sau cú suýt đại bại trong gang tấc, Phủ Chúa chẳng những không yếu đi, mà ngày càng mạnh lên, tuy nhiên, để giành phần thắng tuyệt đối tại Đại hội XII, vẫn rất cần hạ bệ, làm mất uy tín phe Cung Vua. Bên cạnh đó, mỗi bước đi chính trị, không thể không tính đến phản ứng của nhân dân và quốc tế. Đúng lúc, trùng hợp, giàn khoan HYSY-981 là một cơ may thích hợp.

Với ngần ấy toan tính, chi li trong hành động, trên thực tế, Thủ tướng đã thành công: TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bạc nhược, hoàn toàn mất điểm và rating của Thủ tướng tăng cao bất ngờ.

Không chỉ có vậy, giàn khoan HYSY-981 và “tinh thần dân tộc” của Thủ tướng đã khiến những bức xúc, đè nén về dân quyền tạm nguôi lắng. Khi cả nước đang mê trong giấc mơ “thoát Hán”, thì những người dân mất đất, những blogger, những nhà hoạt động dân chủ bị giam cầm…. dường như cô đơn hơn với nỗi đau của mình.

Cuối cùng, một kết cục nhìn thấy trước:

1-Ngày 15-8, tới đây, Trung Quốc rút trước mùa bão năm như đã định, Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố thắng lợi.

2- Năm 2016, tại Đại hội XII, một tam giác quyền lực mạnh nhất mọi triều đại được hình thành: TBT Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (hoặc nếu Nguyễn Tấn Dũng không trở thành TBT, thì với hai “quả đấm sắt” Hoàng Trung Hải, Nguyễn Chí Vịnh, Thủ tướng nghiễm nhiên ở ngôi “Thái Thượng Hoàng” buông rèm cùng nhiếp chính).

5- Vĩ thanh

Hơn một tháng rưỡi trôi qua kể từ ngày Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cọ xát và va đập phũ phàng với hiện thực khắc nghiệt, đa phần người Việt đã qua cơn ảo vọng “thoát Trung”, “xoay trục”.

vì muốn “thoát Trung”, thì phải có dân chủ, mà dân chủ thì đối lập với độc tài – liệu có lãnh đạo nào vì dân tộc, có đủ can đảm dẹp lợi ích cá nhân, phe nhóm, bỏ qua những đặc quyền, đặc lợi khổng lồ thụ hưởng từ thể chế? Câu trả lời đã có sẵn. 

Trong cuộc chạy đua quyền lực, Thủ tướng có thể vượt vũ môn; tuy nhiên, nếu tiếp tục cai trị đất nước theo kiểu “hèn với giặc, ác với dân”, xây nên một Việt Nam nghèo đói, cô đơn, chia rẽ, Thủ tướng liệu có đi xa?

Cần nhớ rằng, lịch sử công bằng và khách quan, non sông, xã tắc sẽ phán xét! Nếu không muốn trở thành tội đồ của lịch sử, nếu không muốn nợ tương lai, Nguyên thủ chỉ có con đường đứng cùng dân tộc.

Ngày 22-6-2014.


*

[1] Nguyễn Trọng Tạo: Nghĩ về anh Ba Sàm khi anh Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, Boxitvn, 08-05-2014.
[2] Trang Basam đã từng đăng: “Ngay từ khi Thủ tướng nhậm chức, cho tới nay, không ít lần ông thể hiện là mình không thân Tàu, mà hướng Tây nhiều hơn, dù đằng sau đó là cái gì, có mấy ai tin hay không?” (Nguồn: Dẫn theo Song Chi: Bộ mặt thật của Thủ tướng, Người Việt Online, 14-9-2012).
[3] Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, VGP News, 22-5-2014.
[4] Như trên.
[5] Như trên.
[6] Bộ Chính trị sẽ quyết định thời điểm kiện Trung Quốc, VnEconomy, 29-5-2014.
[7] Trung Quốc, Việt Nam căng thẳng về chất lượng hàng, BBC Vietnamese ,29-8-2007.
[8] Từ chối lời khen của Thủ tướng Dũng, BBC Vietnamese, 9-1-2013.
[9] Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII phát biểu nhậm chức, Thutuongchinhphu.vn, 18-8-2007.
[10] Năm 2010, Vinashin lỗ 4,5 tỉ USD, năm 2011, EVN lỗ 3.500 tỷ đồng, năm 2012, các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lỗ khoảng 2.253 tỷ đồng… Tính chung hai năm 2011- 2012, tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường bằng 20 năm trước đó; trong số gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ thua lỗ cũng rất cao (Nguồn: Chi phí vốn của doanh nghiệp Việt cao gấp 10 lần công ty đa quốc gia, Cafef.vn, 24-11-2012).
[11] Trung Quốc tuyên bố cho khách du lịch đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam hồi đầu năm. Tháng 5-2013, Trung Quốc gửi 30 tàu cá lớn từ đảo Hải Nam đến khu vực quần đảo Trường Sa để đánh bắt cá trong vòng 40 ngày. Tàu hải giám của Trung Quốc liên tục thực hiện các chuyến tuần tra trên biển Đông suốt năm. Trung Quốc cho lập vùng nhận dạng phòng không dù không trực tiếp trên biển Đông nhưng có ảnh hưởng khá lớn; đồng thời đã thực hiện một số cuộc diễn tập trên biển Đông.
[12] Thủ tướng: “Không bao giờ quên cuộc chiến biên giới 1979”, VnExpress.net, 19-2-2014.
[13] Như trên.
[14] Đó là: Nghị định số 136/2006/NĐ-CP (14-11-2006, cấm khiếu nại tập thể); Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg (24-7-2009, không cho phép các nhóm tư nhân nghiên cứu đánh giá về chính sách của Nhà nước); Nghị định02/2011/NÐ-CP (06-01-2011); Công văn hỏa tốc số 7169/VPCP-NC (12-09-2012, cấm không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên “các mạng phản động”, trong đó có trang Web biển Ðông); Nghị định72/2013/NĐ-CP (31-7-2013, hạn chế việc sử dụng blog và các phương tiện truyền thông xã hội, tạo điều kiện trấn áp bất đồng chính kiến); Nghị định 174/2013/NĐ-CP (13- 11 -2013, quy định các khoản xử phạt mới đối với cư dân mạng đã phổ biến nội dung “tuyên truyền chống Nhà nước”, hoặc “tư tưởng phản động” trên phương tiện truyền thông xã hội).
[15] Như trên.
[16] RSF gọi Việt Nam là "kẻ thù của Internet", BBC Vietnamese, 13-3-2011.
[17] 2013: Năm đàn áp khốc liệt đối với ký giả, blogger tại Việt Nam, Voatiengviet.com, 21-06-2014. Trong danh sách này, Việt Nam xếp sau Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc và Eritrea với 34 netizen đang bị giam cầm, chỉ sau con số 70 của Trung Quốc.
[18] Như trên.
[19] Việt Nam bị chỉ trích mạnh về nhân quyền, BBC Vietnamese, 5-6-2013.
[20] Như trên.
[21] Như trên.
[22] Như trên.
[23]Tổng cục Thống kê: Kinh tế - xã hội thời kỳ 2006-2010 qua số liệu một số chỉ tiêu thống kê chủ yếu, www.gso.gov.vn.
[25] GDP năm 2013 tăng hơn 5,4%, VnExpress.net, 23-12-203.
[26] Nợ công ở ngưỡng nguy hiểm: Công bố các khoản nợ để xã hội giám sát,nhanh.net.vn, 16-6-2014. Theo cách tính của Phạm Chí Dũng thì “khối nợ xấu khổng lồ có thể lên đến trên 500.000 tỷ đồng; nợ công quốc gia có thể lên đến 95-106% GDP -theo tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc (Nguồn: Phạm Chí Dũng: Liệu sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Việt Nam? Tạp chí Thời đại mới, số 28/tháng 8-2013).
[27] Kinh tế Việt Nam, Wikipedia.
[28] Việt Nam nhiều dân nghèo gần nhất khu vực, BBC Vietnamese, 7-9-2012.
[29] Như trên.
[30] Thủ tướng phát biểu như sau: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước” (Nguồn:Sáng nay khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, VnExpress.net, 22-10-2012).
[31] Giật mình cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Nhập siêu tăng 100 lần trong 10 năm, Dân trí, 21-6-2014.
[32] Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 40 triệu USD để nhập khẩu 13.000-15.000 tấn lúa giống từ Trung Quốc, tương đương với xuất khẩu 100.000 tấn gạo cao cấp (5% tấm) (Nguồn: Giật mình cán cân thương mại…, Dân trí, 21-6-2014).
[33] Trung Quốc trúng thầu 90% công trình thượng nguồn của Việt Nam, Vieetnam Economic Forum, 32-7-2010.
[34] Đang hoàn thiện quy hoạch đất quốc phòng an ninh, Đất Việt, 11-6-2014
[35] Đó là các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum, Khánh Hòa, Quảng Nam và Bình Dương, cụ thể là: Quảng Ninh 100.000ha, Nghệ An 70.000ha, Kon Tum 65.000ha, Lạng Sơn 36.000ha, Quảng Nam 30.000ha và Thanh Hóa 21.000ha -tổng cộng là 349.000ha. Trung Quốc họn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên. Đặc biệt, ở các tỉnh có khoáng sản với các tạo quặng trên mặt đất rất cạn, có thể khai thác dễ dàng bằng đào bới.
[36] Bị "ép", doanh nghiệp Việt Nam gặp khó, Báo Giao thông vận tải, 6-3-2014.



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link