Friday, June 27, 2014

Song Chi - VN- tâm lý “chờ sung rụng” và trạng thái “bị lờn thuốc”


Song Chi - VN- tâm lý “chờ sung rụng” và trạng thái “bị lờn thuốc”

Thứ Tư, ngày 25 tháng 6 năm 2014

Công An Nhân Dân hành xử người dân như súc vật , clip gây căm phẫn .



Tâm lý “chờ sung rụng”…

 Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Cộng nằm trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN đã gần 2 tháng trời. Và mới đây, Bắc Kinh tiếp tục đưa thêm 3,4 giàn khoan khác ra biển Đông, trong đó giàn khoan Nam Hải 9 đang được di chuyển tới gần vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Điều này cho thấy sau một thời gian thử thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền VN cũng như dư luận quốc tế về vụ Hải Dương 981, nhận thấy phản ứng của VN và của quốc tế không đủ mạnh, không đáng sợ, Trung Cộng có vẻ cho rằng đã đến lúc muốn làm gì thì làm, đặc biệt đối với VN.

Về mặt thực tế mà nói, VN xem như đã mất biển. Một quốc gia nằm quay mặt ra biển, có đường bờ biển dài 3260 km không kể các đảo, nay phải chịu cảnh bị chặn mất đường ra biển. Ngư dân chỉ cần đánh bắt cá xa bờ một chút là gặp tàu Trung Quốc, bị Trung Quốc rượt đuổi, đánh cướp, đánh chìm tàu các kiểu, còn người thì bị đánh đập, bắt cóc, đòi tiền chuộc…Vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của VN, nằm trong khu vực biển Đông được đánh giá là giàu có về tài nguyên, dầu khí…nhưng trong tương lai, người Việt chỉ còn có thể giương mắt nhìn tàu “nước bạn” nghênh ngang đi lại, nhìn giàn khoan “nước bạn” khai thác dầu của nước mình.

Không những thế, một khi Trung Cộng đã hoàn tất các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa Trường Sa mà chúng đánh chiếm được từ VN, thì an ninh quốc phòng của VN thật sự bị đặt trong tình trạng nguy hiểm!

Thế nhưng, nhà cầm quyền VN, suốt trong thời gian giàn khoan Trung Cộng xâm phạm lãnh hải VN, đã tỏ ra thực sự lúng túng, không biết chống đỡ cách nào, ngoại trừ phản đối miệng, phản đối bằng thư, công hàm, cho tàu kiểm ngư lượn vòng xa xa giàn khoan bắt loa phản đối, khuyến khích ngư dân ra khơi giữ vững chủ quyền thay cho nhà nước…

Các quan chức lãnh đạo cho tới tướng tá cao cấp, người này phát biểu mâu thuẫn với người kia, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, cho thấy nội bộ đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc trong mối quan hệ với Trung Cộng và phương hướng giải quyết. Khi thấy sự bất bình, phẫn nộ trong dân chúng có vẻ tăng lên thì họ lại lên tiếng mỵ dân vài câu rồi đâu lại vào đó.

Người VN trong nước, ngọai trừ một số bày tỏ sự phẫn nộ, uất hận trên các trang blog, các trang mạng xã hội…số đông còn bận tiếp tục quay cuồng với cơm áo gạo tiền và bao nhiêu mối lo hàng ngày. Bởi có thể làm gì, khi ngay cả biểu tình phản đối Trung Cộng nhà nước cũng không cho phép, và bởi vì “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”.

Dân chờ nhà cầm quyền hành động. Trong nỗi tuyệt vọng, dù từ lâu đã mất lòng tin vào quyết tâm chống Tàu của nhà cầm quyền, người dân hết mong chờ cả giàn lãnh đạo thay đổi, tìm cách “thoát Trung”, lại hy vọng có một nhân vật cụ thể trong đảng, trong nhà nước cộng sản dám vượt lên trước, gánh vác trách nhiệm với non sông. Chẳng hạn, chỉ cần ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cất lên đôi lời mạnh mẽ, người ta đã vội mừng, vội đặt niềm tin bất chấp những “thành tích” tệ hại của ông Dũng trong việc điều hành, quản lý kinh tế, bất chấp ông Dũng từng nhiều lần nói mà không làm trong quá khứ.

Trong khi đó, cả giàn lãnh đạo cho tới tướng tá nhìn nhau, đùn đẩy nhau rồi cũng…cùng chờ. Chờ các nước khác, nhất là những nước lớn mạnh như Hoa Kỳ, Nhật… có những hành động gây áp lực, hoặc trừng phạt Trung Cộng giúp mình. Thật khôi hài trong việc VN, một mặt luôn tìm mọi cách nhai lại cái quá khứ “thắng” Mỹ, chửi Mỹ, mặt khác lại lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ phải có hành động trước sự hung hăng ngang ngược của Trung Quốc. Có lãnh đạo VN còn hàm ý trách cả…EU, như bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại EU và Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, phát biểu trong bài trả lời phỏng vấn một phóng viên của Đức: "EU vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của VN và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á...Tôi cho rằng, giờ là lúc châu Âu tăng cường hiện diện ở đây để hỗ trợ cho việc thực thi một trật tự thế giới đa cực“.

Đây là lời bình trên trang Ba Sàm: “Bà Ninh lại kêu gọi “bọn đế quốc” can thiệp vào “chuyện nội bộ của gia đình”? Chẳng phải bà đã từng phát biểu tại buổi họp báo ở Mỹ hồi năm 2004, rằng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”? Mời xem lại: NHỮNG ĐỨA CON HƯ CỦA TÔN NỮ THỊ NINH (LTHQ)”.

Tiếp đến là chờ Bắc Kinh động lòng suy nghĩ lại tình hữu nghị đôi bên. Một số quan chức vẫn gọi Trung Quốc là “bạn”, bản thông cáo của Quốc hội VN vẫn kêu gọi “giữ vững quan hệ hữu nghị giữa hai nước”...

Cuối cùng là chờ… đến tháng Tám khi Tàu Cộng tự động rút giàn khoan đi theo như kế hoạch từ đầu của chúng. Nhưng bây giờ khi giàn khoan thứ nhất chưa rút đi mà các giàn khoan khác lại xuất hiện, thì họ vẫn chưa có hành động gì khác!

…và trạng thái “bị lờn thuốc”

Điều nguy hiểm hơn, về phía dân chúng, sau những phẫn nộ ban đầu khi được biết giàn khoan Trung Cộng kéo vào vùng biển thuộc lãnh hải của VN, tâm trạng chung của số đông dường như đã xìu xuống, nhường chỗ cho sự chán nản, tuyệt vọng, thờ ơ. Bây giờ ngay cả khi nghe tin có 4 giàn khoan, tin Trung Cộng tiếp tục hoành hành trên biển, đang xây đảo nhân tạo trở thành căn cứ quân sự…người dân cũng không phản ứng.

Chuyện vận mệnh của nước mình mà dân mình còn thờ ơ như vậy, trách gì thế giới? Rõ ràng so với mấy hôm đầu báo chí các nước đều lên tiếng về việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước láng giềng, dư luận đa số nghiêng về phía VN, nếu lúc đó VN lên tiếng mạnh mẽ hơn, thậm chí kịp thời kiện Trung Cộng ra tòa án quôc tế chứ không chỉ dọa kiện thì có lẽ nhiều nước sẽ ủng hộ. Còn bây giờ, mỗi ngày trên thế giới có bao nhiêu chuyện nóng xảy ra, người ta lại quên chuyện Việt Nam và Trung Quốc.

Nếu so sánh giữa VN và Philippines, hai quốc gia đang cùng chung một hoàn cảnh bị Trung Cộng đe dọa về chủ quyền, người ta có thể thấy rất rõ Philippines thật tâm, quyết liệt chống Trung Quốc.
Người dân Philippines được tự do biểu tình phản đối Trung Cộng, từ người đứng đầu chính phủ là Tổng thống cho đến các nhân vật lãnh đạo cao cấp, người phát ngôn Bộ ngoại giao…luôn luôn có những tuyên bố kịp thời và mạnh mẽ trước mọi động thái của Trung Quốc. Chính phủ Philippines quyết chí kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nỗ lực nâng cấp mối quan hệ đồng minh với Mỹ, mở toang các căn cứ cho Mỹ, toàn lực chống Trung Quốc.

Trong khi đó, nhà cầm quyền VN chỉ chống Trung Quốc một cách cầm chừng, nửa vời. Người yêu nước biểu tình phản đối Trung Cộng bị đàn áp, còn những người bị bắt giữ trước đây với cùng lý do vẫn chưa được thả ra. Bốn nhân vật có vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, lặn mất tăm hoặc chỉ có những phát biểu rất chậm, khi giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ đã vào trong vùng lãnh hải VN, đâm va, gây hư hỏng tàu chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt một thời gian. Nói mạnh hơn, dù vẫn chưa đủ là ông Thủ tướng, thì cũng chỉ nói rồi để đó.

Cả đám lãnh đạo, tướng tá cao cấp trốn trong nhà mặc đội tàu của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư phải gồng lên chịu đựng những cú va chạm, đâm húc từ phía tàu Trung Quốc đông, to và mạnh hơn hẳn, và ngư dân thì bị đẩy ra làm những “lá chắn sống” bằng những mỹ từ đẹp đẽ “ngư dân kiên trì bám biển, giữ vững chủ quyền”.

Quốc hội họp trong lúc tình hình như dầu sôi lửa bỏng nhưng cuối cùng vẫn không ra nghị quyết về biển Đông. Rồi VN dậm dọa sẽ kiện Trung Quốc nhưng chưa biết bao giờ kiện, còn Trung Quốc thì đã nhanh tay kiện trước. Trung Quốc đã và đang hoàn tất những căn cứ quân sự khủng trên các quần đảo Trường Sa Hoàng Sa, nhưng VN vẫn không dám cho Hoa Kỳ chính thức thuê cảng Cam Ranh, ngược lại, lại “ưu tiên cho Nga sử dụng vịnh Cam Ranh” và chỉ làm những động tác an dân kiểu như cho “Tàu vận tải của hải quân Mỹ vào vịnh Nha Trang“ (Tuổi Trẻ).

Xâu chuỗi lại tất cả quá trình đối phó với Trung Quốc của nhà cầm quyền VN để thấy rằng họ có thực tâm chống Trung Quốc hay không.

Mặt khác, nếu chú ý vào mọi chính sách cho tới cách hành xử của Trung Cộng, chúng ta sẽ thấy rằng Bắc Kinh rất nhất quán với tham vọng trước sau như một về việc độc chiếm biển Đông, làm bá chủ khu vực. Và để thực hiện điều đó, Trung Quốc có chiến lược hẳn hoi, tiến hành từng bước, từng bước cho đến khi hoàn tất.

Hành xử như một kẻ cướp, nhưng Bắc Kinh đồng thời tỏ ra rất am hiểu tâm lý con người. Đó là mọi thứ đều có thể trở thành quen, giống như hiện tượng bị lờn thuốc. Cứ dấn tới, đo lường phản ứng của “đối phương” và của thế giới như thế nào, nếu bị phản ứng mạnh thì sẽ tạm lùi lại chờ thời, còn nếu không thì lại dấn tới, lần sau mạnh hơn lần trước, nhưng đến lần hai, lần ba, lần thứ n… thì kẻ bị tấn công đã trở nên quen, và cam chịu, các nước khác cũng quen. Thế là Bắc Kinh thắng.

Với nhà cầm quyền VN, họ đã quen với nỗi nhục bị Bắc Kinh chơi đểu, lấn lướt, khinh thường, họ cũng quen luôn với việc bị người dân coi như một tập đoàn bán nước, nhưng không lẽ với hơn 90 triệu người VN, viễn cảnh mất nước rồi cũng sẽ trở thành quen và chấp nhận?



Ngô Nhân Dụng - Chủng tộc, tôn giáo, hay giai cấp?

Thứ Tư, ngày 25 tháng 6 năm 2014


Ai muốn thấy rõ một sai lầm căn bản Karl Marx đã phạm, cứ theo dõi chuyện đang diễn ra tại xứ Iraq. Marx mở đầu bản Tuyên ngôn Cộng sản bằng lời khẳng định: Lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp. Nhưng lịch sử xứ Iraq đang diễn ra trong mấy năm gần đây, cũng như lịch sử Việt Nam và Trung Quốc từ vài ngàn năm nay, cho thấy những động cơ thúc đẩy lịch sử không phải là đấu tranh giai cấp như Marx tưởng tượng. Hai động cơ mạnh nhất gây ra chiến tranh, thúc đẩy loài người giết nhau trên quy mô tập thể và kéo dài nhiều thế kỷ, là chủng tộc và tôn giáo.

Người Việt Nam sở dĩ kháng cự được làn sóng đồng hóa để bành trướng của văn minh Hán tộc là do tổ tiên chúng ta đã ý thức rằng “mình khác, họ khác.” Người Việt mình nói một ngôn ngữ khác, theo những phong tục tập quán khác, thờ phượng các thần thánh khác họ, cho nên mình phải là một nước độc lập. Những anh hùng như Trưng Nữ Vương, Phùng Hưng, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi chỉ nhân danh tình tự dân tộc mà kêu gọi dân Việt đoàn kết chống Bắc xâm. Quang Trung không kêu gọi giai cấp vô sản Việt Nam vùng lên chống tư bản nhà Thanh; bài hịch xuất quân của ngài nói: Ðánh cho để tóc dài! Ðánh cho để răng đen. Dân Việt thiết tha gìn giữ những tập tục cổ truyền đó, mặc dù nhà Hán, nhà Minh đã tìm cách bắt thay đổi. Cho nên Quang Trung đã thành công, đuổi được giặc nhà Thanh. 

Những biến cố ở Iraq cho thấy tôn giáo và chủng tộc là những yếu tố quyết định lịch sử. Năm 2003 quân Mỹ tấn công Iraq lấy cớ là Saddam Hussein đang chế bom nguyên tử, đe dọa thế giới và nước Mỹ, và nhà độc tài này quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố al-Qaeda, thủ phạm vụ tàn sát ngày 11 tháng 9 năm 2001. Chính quyền Mỹ bắt, xử tử Hussein rồi, tuyên bố họ sẽ giúp xây dựng một xứ Iraq theo chế độ dân chủ tự do, chia đều quyền lợi cho các nhóm dân. Với quân đội Mỹ giúp bảo vệ an ninh, với viện trợ kinh tế của nước Mỹ giầu có, người ta nghĩ sẽ thực hiện được giấc mơ đó. Chế độ mới sẽ được dùng làm mẫu cho công cuộc dân chủ hóa toàn thể vùng Trung Ðông, một giấc mơ còn lớn hơn nữa.

Sau gần 12 năm, hai giấc mơ này đều tan vỡ. Dân chúng Mỹ chưa bao giờ chấp nhận tham dự một cuộc chiến tranh kéo dài quá mấy năm. Trong Ðại Chiến Thứ Nhất (1914-18) và Thứ Hai (1939-45), nước Mỹ chỉ tham dự vào hai năm chót. Chiến tranh Cao Ly dài 3 năm; Mỹ đưa quân đội tới Việt Nam năm 1964, đến 1968 đã thấy kéo dài quá, tính đường rút đi rồi. Nước Mỹ không có kinh nghiệm của một đế quốc như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, chiếm đóng xứ khác rồi cai trị theo một chương trình lâu dài, vô giới hạn. Sớm muộn, quân Mỹ cũng rút khỏi Iraq.

Nhưng lịch sử xứ Iraq không do người Mỹ quyết định. Nói cách khác, chính quyền Mỹ, hay chính quyền bất cứ cường quốc nào khác, không thể quyết định thay đổi lịch sử của miền đất gọi là Iraq, trong đó có nhiều sắc dân và nhiều tôn giáo phức hợp sống bên cạnh nhau mà không sống chung với nhau. Càng không thể quyết định một nền nếp sống theo chủng tộc và tôn giáo đã kéo dài hàng ngàn năm trong vùng đất kéo dài từ bờ phía Ðông Ðịa Trung Hải sang tới đồng bằng Punjab thuộc nước Pakistan. Chủng tộc và tôn giáo quyết định các diễn biến lịch sử của cả vùng này. Riêng trong xứ Iraq, người theo Hồi Giáo đã chia ra hai phái Sunni và Shi A từ hơn ngàn năm.

Saddam Hussein thuộc thiểu số người theo phái Sunni đã cai trị nước Iraq nhờ bạo lực. Trong nước này 60% dân số theo phái Shi A, và 20% là người Kurds. Hussein đã hai lần gây chiến với Iran, một nước đa số dân theo phái Shi A. Ngược lại, trong nước Syria, chính quyền của cha con ông Assad thuộc một nhóm Shi Ai thiểu số cai trị một nước đa số theo phái Sunni, với nhiều sắc dân khác nhau. Người Sunni ở Iraq và Syria gần gũi nhau hơn là gần những người cùng một nước nhưng theo giáo phái khác. Dân tộc Kurd đã chịu số phận chia năm xẻ bảy, chưa bao giờ lập được một quốc gia và phải đóng vai người thiểu số trong các nước Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và một số nước khác. 

Gần đây, khi dân Sunnis ở Syria nổi lên đòi lật đổ Bashar al-Assad, thì những người Iraq theo phái Sunni cũng hợp tác, tạo thành một lực lượng với dự án thành lập một quốc gia mới, Ðại quốc Iraq và Syria Hồi Giáo (Islamic State of Iraq and Greater Syria - ISIS). Các nước Á Rập, Hồi Giáo như Saudi, Jordan giúp ISIS, nhưng chính phủ Mỹ không muốn giúp vì trong nhóm này có các cán bộ al-Qaeda. Trong mấy tuần qua, quân ISIS tấn công, chiếm mấy thành phố lớn, quân đội của chính phủ Iraq chạy như vịt. Trong vùng do ISIS chiếm đóng, biên giới giữa hai nước Iraq và Syria đã bị xóa trong thực tế, và được cử hành một cách chính thức và long trọng trước các máy truyền hình.

Nước Mỹ đã chi ra 2,000 tỷ đô la trong cuộc chiến và chương trình tái thiết Iraq; trong đó có 25 tỷ để thành lập một đạo quân quốc gia, bao gồm các chủng tộc và các giáo phái. Vì đa số dân Iraq theo phái Shi Ai, chính quyền ở thủ đô Baghdad do người Mỹ lập nên có một ông thủ tướng Shi Ai, Nouri al-Maliki. Malaki thành lập một chính phủ liên hiệp với những người thuộc phái Sunni cũng như người Kurds. Ông ta giao hảo với chính quyền Shi A ở Iran, chính quyền Mỹ chấp nhận. Khi quân Mỹ rút về, Malaki bắt đầu một chính sách loại bỏ những sĩ quan và công chức cao cấp theo phái Sunni. Quân đội mất niềm tin, dân Sunni bất mãn. Vì vậy, trước đạo quân ISIS chỉ có vài ngàn người quyết tử, quân đội Iraq, tổng cộng trên 50,000 không thấy hứng thú kháng cự. Những thành phố đa số dân theo phái Sunni dễ dàng ngả theo ISIS.

Tại thành phố Baiji, quân ISIS chỉ lên tiếng kêu gọi, tất cả lực lượng cảnh sát tự giải tán. Khi chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq, ISIS chiếm được bao nhiêu triệu đô la trong ngân hàng của chính phủ. Họ cũng trở thành chủ nhân của những vũ khí do Mỹ cung cấp cho quân Iraq. Thành phố Kirkuk được quân Kurd chiếm nên không vào tay ISIS. Người Kurds từ lâu vẫn muốn dùng Kirkuk làm thủ đô một vùng, nếu không phải là một quốc gia, tự trị, một nước Kurdistan. Vùng đất này cũng là nơi tập trung nhiều mỏ dầu lửa. Ngay trong vùng này cũng có nửa triệu người Iraq gốc Thổ Nhĩ Kỳ, mà chính phủ nước Thổ đang lo phải đưa quân sang bảo vệ những người cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ.

Sau khi lãnh tụ bin Laden bị biệt kích Mỹ giết, tàn quân al-Qaeda đã tìm được một chỗ tập họp mới. Lực lượng al-Qaeda trước đây trong thời Hussein không thể xuất hiện tại xứ Iraq, nay xâm nhập các đạo quân của ISIS. Nhưng ngày nay quân khủng bố có gốc gác al-Qaeda đã tổ chức một cuộc đặt bom đánh cả ở phi trường Karachi, nước Pakistan. Osama bin Laden ngày xưa cũng chỉ mơ ước sẽ có lúc đạt được thành tích đó. Trong khi đó, tướng Qassem Suleimani, đứng đầu lực lượng QUDS của Iran đã bay đến thành phố Tal Afar, gần biên thùy Syria. Chính quyền Iran chắc chắn lo quân ISIS với đa số theo phái Sunni có thể tàn sát người đồng đạo Shi A với họ, và phá hoại các địa điểm tôn giáo thiêng liêng của người Shi A.

Trong cố gắng tái lập hòa bình và trật tự lâu dài cho xứ Iraq, Mỹ và Iran bỗng dưng đứng về cùng một phía, chống lại đoàn quân ISIS. Chính phủ Mỹ sẽ phải dùng áp lực viện trợ kinh tế và quân sự để ép các phe ở Iraq ngồi xuống bàn với nhau cách chia sẻ lại quyền hành và các nguồn lợi dầu lửa; không để cho một phe nào lấn áp phe nào. Khi họ tạm thời đoàn kết được, thì mới hy vọng ngăn bước tiến của đoàn quân ISIS. Jordan, Á Rập Sau đi sẽ phải giảm bớt số tiền viện trợ cho các đạo quân ISIS, nếu Mỹ làm áp lực. Người Kurds đã có một cơ hội mở rộng quyền kiểm soát vùng đất mà tổ tiên họ đã sống mấy ngàn năm. Biết đâu, trong thế kỷ này nước Kudistan sẽ ra đời?

Lịch sử xứ Iraq đang diễn ra trước mắt vì những xung khắc chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo đã bắt rễ từ hàng ngàn năm. Chắc chắn không phải vì giai cấp nào đấu tranh với giai cấp nào. Ông Karl Marx chỉ đưa ra những lý thuyết hoang tưởng. Các lãnh tụ cộng sản như Stalin, Mao Trạch Ðông đều biết Marx nói sai hết; nhưng họ lợi dụng khẩu hiệu “cách mạng vô sản” của Marx để bành trướng các đế quốc của họ. Giống như các hoàng đế nhà Hán, nhà Ðường dùng khẩu hiệu “Thiên hạ vi công” để mở rộng biên cương.

Người Việt Nam đời xưa không tin ở những khẩu hiệu viển vông đó, cho nên giữ được nền độc lập. Ðến thế kỷ 20 mới có một nhóm người Việt theo Mao Trạch Ðông làm cách mạng toàn thế giới. Ðảng Cộng sản ghi vào cương lĩnh, từ năm 1950, là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Mao Trạch Ðông. 

Họ đặt ra khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội;” ngầm hiểu là yêu cả Mao Trạch Ðông. Họ theo ông Mao, nhân danh đấu tranh giai cấp, giết địa chủ, đánh tư sản, và gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Ðến bây giờ họ mới biết mình mắc bẫy rơi vào vòng lệ thuộc phương Bắc, không thoát ra được.



Bùi Tín - Cao ngạo lạc lõng

Thứ Tư, ngày 25 tháng 6 năm 2014


Ðúng là thái độ của những kẻ tự nhận là 'Con Trời'. Không coi ai ra gì dưới mắt của họ. Họ quen thói tự nhận là trung tâm của thế giới -Trung Quốc - luôn vỗ ngực là nước đông dân nhất trên hành tinh.
Từ khi họ mang giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 cắm xuống vùng đặc quyền kinh tế trên biển Việt Nam, họ càng trở nên hung hăng, ăn nói hàm hồ, theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng, nói lấy được, không còn muốn nghe người khác nói gì.

Phía chính phủ Philippines, Indonesia, Hoa Kỳ … chất vấn họ, yêu cầu trưng ra bằng chứng pháp lý về cái lưỡi bò phi lý. Họ đuối lý nhưng vẫn cãi chày cãi cối rằng lẽ phải thuộc về họ, không có gì để bàn cả.
Họ giả vờ than vãn làm ra vẻ mình là nạn nhân, còn phía VN không biết điều dám ngang nhiên cản trở công việc “nghiên cứu khoa học bình thường” của họ. Họ còn ngang nhiên trưng ra 5 tài liệu cho Liên Hiệp Quốc; các tài liệu này đều bị giới nghiên cứu quốc tế và giới ngoại giao VN phản bác. Họ giả vờ không biết gì về những tài liệu lịch sử chứng minh rõ chủ quyền lâu đời của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa Trường Sa.   
  
Họ càng thêm cay cú khi bà Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel trong buổi tiếp ông Tập Cận Bình ở Berlin đã chơi khăm trao quà tặng cấp Nhà nước bức bản đồ lịch sử toàn lãnh thổ Trung Quốc, ở phía Nam chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Tập chỉ còn biết ngẩn người ra tiếp nhận để rồi dấu kỹ không dám tiết lộ tin buồn đau này cho dân nước ông. Một chuyện lý thú hiếm có trong quan hệ quốc tế này được báo chí thế giới bàn tán rôm rả.

Mới đây, theo kế hoạch đã định sẵn, ông Dương Khiết Trì, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao TQ, nay là Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách về ngoại giao, đã sang Hà Nội dự cuộc họp thường kỳ về hợp tác Trung - Việt và có  Việt và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Thái độ của ông Dương vẫn cao ngạo, trịch thượng và khiêu khích. Đi xâm phạm lãnh hải nước láng giềng, nhưng ông Dương vẫn đóng kịch, làm như nước mình là nạn nhân, còn lên mặt dạy đạo đức trong quan hệ quốc tế.

Đúng vào lúc ông Dương Khiết Trì có mặt ở Hà Nội, báo chí Hoa Kỳ và châu Âu như Pháp, Anh, Đức…đều giới thiệu cuốn hồi ký của bà Hillary Clinton mới được phát hành có tên là Hard Choices (Những chọn lựa khó khăn). Trong sách có một đoạn dài tả về ông Dương Khiết Trì khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao TQ. Bà Clinton cho rằng ông Dương là một con người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan sâu đậm. Bà kể lại thái độ cay cú bực bội không che dấu của ông Dương khi VN và một số nước ASEAN nêu lên vấn đề Biển Đông trong cuộc họp tháng 7/2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội. Bà cho biết rằng tại cuộc họp này bà đã mạnh mẽ bác bỏ quan điểm chính thống của TQ cho rằng “biển Hoa Nam (tức biển Đông) là khu vực thuộc lợi ích cốt lõi của nước CHND Trung Hoa“, với lời khẳng định rằng: “Vùng biển này cùng với quyền tự do hàng hải quốc tế là thuộc lơị ích quốc gia của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ có quyết tâm trở lại châu Á trên thế mạnh”. Bà kể tiếp rằng ông Dương tái mặt giận dữ , yêu cầu hội nghị tạm nghỉ một tiếng để sẽ nghe ông trả lời. Ông Dương bỏ ra ngoài một hồi lâu, khi trở lại, nét mặt bực tức nói to: “Trung Quốc là một nước lớn, lớn hơn tất cả các nước ở đây cộng lại".

Bà Hillary Clinton tự hào cho rằng bà đã có một cuộc “đối đầu ngoạn mục ở Hà Nội” với người đồng nhiệm Trung Quốc, làm cho ông này tái mặt, mất bình tĩnh, phơi bày ra trước thế giới cái thói cao ngạo, ỷ vào số dân đông đứng đầu thế giới.

Đây là một thói xấu mà hai nhà văn Bá Dương và Lỗ Tấn đã chỉ ra và phê phán. Trong cuốn Người Trung Hoa xấu xí, tệ kiêu căng đã bị phơi bày với các thói hư tật xấu như khạc nhổ bừa bãi, to mồm nơi đông người.

Đã có biết bao nhiêu bài báo nêu lên những điều đáng chê trách trong 65 năm thống trị của đảng CS TQ. Hơn một tỷ nhân dân TQ hiện nay vẫn đói tự do, đói nhân quyền. Dân tộc Đại Hán đông đảo là thế, nước Trung Hoa rộng mênh mông là thế mà vẫn còn tham, chiếm đất Mông Cổ, đất Mãn Châu, đất Tân Cương, đất Tây Tạng, coi như một đế quốc CS kiểu mới, lạc lõng giữa thế kỷ XXI này. Đã vậy họ còn rắp tâm lấn chiếm những hòn đảo nhỏ, những bãi đá con của nước khác ở phía Nam.

Có nước nào lãnh tụ kêu gào Nhảy Vọt để gần 20 triệu dân chết đói, rồi đề xướng Cách mạng Văn hóa Vô sản tàn sát hàng vài triệu sinh mạng mà vẫn được suy tôn là lãnh tụ vĩ đại? Có nước nào chĩa 200 tên lửa vào đồng bào ruột thịt của mình ở Đài Loan dọa ngày dọa đêm sẽ thiêu họ trong biển lửa? Có kẻ lãnh đạo nào nhẫn tâm ra lệnh cho hàng binh đoàn xe tăng nghiền nát hàng ngàn sinh viên con em ruột thịt ở Quảng trường Thiên An Môn tháng 6 năm 1989? Nước to đông dân mà làm gì, khi tội ác cũng to đùng kinh hoàng, không nơi nào có đến vậy? Sự cao ngạo của các nhà lãnh đạo TQ là hoàn toàn lạc lõng.

Ngay khi ông Dương Khiết Trì còn ở Hà Nội báo chí chính thức của Trung Quốc đã đăng tin và ra bình luận xuyên tạc nội dung các cuộc gặp gỡ của ông ta với các nhà lãnh đạo VN. Đọc báo VN so với báo TQ, cứ như là các cuộc họp khác nhau, theo kiểu ông nói gà bà nói vịt.

Nhưng xuyên tạc đến độ thô bạo, láo xược kiểu du côn lại chính là Nhân Dân Nhật Báo của đảng CSTQ bản dành cho hải ngọai, chữ Hán và tiếng Anh. Ngày 19/6/2014 đăng một bài “tin bình”, được Hoàn Cầu Thời Báo ở Hoa Nam đưa lại, với nhan đề là: “Phụng khuyến Việt Nam tảo nhật hồi đầu“ (Khuyên bảo VN sớm quay đầu). Bài “tin bình” này có nội dung rất lếu láo trịch thượng, coi VN như đứa con hư trong gia đình hỗn láo với bố mẹ bỏ nhà đi hoang, cần khuyên bảo để trở về đoàn tụ, coi trọng đại cục tốt đẹp, đạo đức lâu dài trong ấm ngoài êm.

Cả 16 vị trong Bộ Chính trị đảng CS VN , cả 200 ủy viên Trung ương đảng, 500 vị đại biểu Quốc hội đang họp rất nên đọc kỹ những bản tin của Tân Hoa Xã, những bài báo TQ được dịch và đăng trên các mạng tự do của các blogger yêu nước thương dân, để tự nhủ phải làm gì lúc này.

Các vị có chút nào động tâm không khi giữa phiên họp Quốc hội, Đại biểu Sài Gòn Trương Trọng Nghĩa đã vượt qua e ngại cướp mi-crô kêu gọi Quốc hội phải ra thông báo cho nhân dân rõ lập trường minh bạch về biển Đông? Vậy mà đến nay Quốc hội vẫn làm thinh. Ai khóa mồm các vị? Các vị có chút nào động tâm không khi anh Đinh Quang Tuyến, đạp xích-lô ở Sài Gòn, nêu cao biểu ngữ “Nước nhà không bán - mất nước là chết ” và “Chần chừ kiện Trung Quốc là phản bội dân tộc”. Anh đã bị công an bắt và mang đi biệt tích. Pháp luật ở đâu, đạo đức ở đâu?

Hay là các vị run sợ trước lời dọa nạt của nhà ngoại giao họ Dương, tự nhận là những đứa con hư của Bắc Kinh biết hối cải để trở về với Thiên triều?
Các vị còn có chút nào tự trọng không khi các chính quyền Philippines, Malaysia, Nhật bản, Úc, Hoa Kỳ và Liên Âu có lập trường dứt khoát minh bạch bênh vực Việt Nam trong cuộc khủng hoảng biển Đông còn hơn cả quý vị là người trong cuộc?
Vậy thì đã đến lúc gần 90 triệu nhân dân Việt Nam yêu nước không thể còn coi quý vị như đồng bào ruột thịt của mình. Các vị tính sao đây?




__._,_.___

Posted by: hung vu

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link