Monday, June 23, 2014

“TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI” CỦA TRUNG QUỐC


“TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI” CỦA TRUNG QUỐC

Việt gian phát biểu giữa nghị trường quốc hội


Tô Văn Trường

Đọc Tam Quốc Chí, trong lịch sử trận đồ bát quái do Khổng Minh sáng tạo ra chỉ có hai người có thể phá nổi. Người thứ nhất là Hoàng Thừa Ngạn (bố vợ Khổng Minh) và người thứ hai là Khương Duy (học trò và là người kế tục sự nghiệp của Khổng Minh ). Tướng Ngô là Lục Tốn nếu không có Hoàng Thừa Ngạn chỉ đường chắc chắn sẽ chết tại trận đồ Bát Quái này của Khổng Minh.

Từ lâu, các thế hệ cầm quyền bành trướng Trung Hoa đã bày trận Bát quái này với người “đồng chí” Việt Nam. Ai sẽ là người Việt Nam có đủ tài năng, trí tuệ và bản lãnh phá trận này đây?

Người ta, thường vẫn hay dùng hình ảnh của tảng băng nổi trên mặt biển để nói về phần NỔI (ý là phần lộ diện: nhỏ) và phần CHÌM (ý là phần tiềm tàng: lớn) – đó là theo lý thông thường, nhưng ở ta thì cái tảng băng (cũng hình chóp) đó lại … lộn ngược lềnh bềnh nên rất khó đảo lại nhưng lại rất dễ tan, mau tan chảy! Cái hệ thống “lộn tùng phèo” này có vô số thứ để bàn theo kiểu… “hội đồng chuột” (bàn cách treo chuông vào cổ mèo) nếu chưa đảo ngược lại được!

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng nhau điểm lại việc Trung Quốc dã tâm tấn công một cách có hệ thống như trận đồ bát quái “tám hướng” vào nước ta.

Hướng thứ nhất

Sáu tỉnh biên giới phía bắc của nước ta bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt “gặm nhấm”. Ngày nay, các địa danh Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc v.v… chỉ còn là hoài niệm trong sách giáo khoa và những câu ca dao của dân Việt.  Chúng ta phải mất 6 năm điều đình, nhún nhường, phân định để xây được hơn 1500 cọc mốc bê tông biên giới Việt Trung cao 10-15 m, sâu trung bình 20 m nhưng vẫn chưa phải là bình yên vì Trung Nam Hải thường đổ lỗi cho dân tại chỗ nếu có “quậy phá” chỉ vì họ cho rằng mồ mả của người dân Trung Quốc vẫn còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam!?

Hướng thứ hai

Dùng các thủ đoạn mua chuộc các quan chức, lợi dụng “kẽ hở” của chủ trương đầu tư  để  thuê dài hạn đến 50 năm các khu vực trọng yếu về kinh tế và quốc phòng từ  rừng núi, đến vùng ven biển của đất nước. Hậu họa đã nhãn tiền chẳng cần phải chờ đến 50 năm sau để con cháu lên án cha ông chết vì tham và ngu dại!

Hướng thứ ba

Phía Tây-Nam, ‘phiên dậu” của nước ta ở Campuchia và Lào nhiều vùng đất rộng lớn đã được Trung Quốc đầu tư, mua bán. Trước đây, các du học sinh người Lào còn thích sang Việt Nam học tập nhưng ngày nay địa điểm đến của họ là Trung Quốc vì học bổng cao gấp hơn 30 lần so với Việt Nam, lại còn được cho về phép v.v… Sau tầng lớp cán bộ trung kiên gắn bó với Việt Nam già yếu, mất đi dễ hiểu “đòn xoay trục” của Tầu như thế nào với tầng lớp kế cận ở các nước phía Tây-Nam của nước ta.

Hướng thứ tư

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu nhiều tác động bởi thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và hoang mạc hóa (gần 100% là liên quan đến nước). Hằng năm, nước ta chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, làm thiệt hại về người và của vô cùng to lớn. Đặc biệt trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 20 năm gần đây (1994 – 2013) ở nước ta, thiên tai (chỉ tính riêng bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét) đã làm chết và mất tích gần 13.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm (đó là chưa nói đến thiệt hại kinh tế, môi trường do ngập úng thường xuyên ở các thành phố).

Hai nguồn nước chính tác động đến Việt Nam cả trong mùa lũ và mùa kiệt là hệ thống sông Hồng và sông Mekong đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Quản lý nước là phải quản lý lưu vực sông nhưng Trung Quốc xây dựng tràn lan các đập thủy điện ở thượng nguồn bất chấp đến các hậu quả phải hứng chịu của Việt Nam ở hạ lưu. Tệ hơn, họ còn không cho ta biết quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện phía thượng lưu, đây là nguy cơ không nhỏ về “chiến tranh nguồn nước” trong tương lai.

Hướng thứ năm

Hàng hóa từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam qua các con đường từ nhập khẩu, tiểu ngạch đến buôn lậu. Chất lượng các sản phẩm qua những hàng hóa đã kiểm nghiệm hầu hết đều vượt mức báo động cho phép, gây tổn hại sức khỏe của nhân dân ta. Thương lái Trung Quốc đi khắp nơi thu mua các sản phẩm không giống ai như lá điều khô, đỉa, móng trâu, hoa thanh Long, lá khoai non, thảo quả, cây culi, cây long khỉ v.v… giá cao bất thường rồi đồng loạt rút bỏ gây điêu đứng cho bà con nông dân thiếu thông tin, nhẹ dạ, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.

Phần lớn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kể cả năng lượng, giao thông đều rơi vào tay Trung Quốc do bỏ giá thầu rẻ, và giỏi “đi đêm”, nhưng lúc thực thi lại đưa công nghệ lạc hậu, thi công kéo dài, dùng đủ phép để đội giá đầu tư so với hồ sơ lúc đầu đã được duyệt để lại hậu quả “tiền mất – tật mang” cho Việt Nam.

Hướng thứ sáu

Xâm chiếm Hoàng sa của Việt Nam, tự vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm khoảng 90%  diện tích Biển Đông bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. Sự kiện giàn khoan HD 981 càng lột tả bộ mặt thật về thủ đoạn trắng trợn, dã tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Kế hoạch tiếp tục đưa thêm các giàn khoan khác đến Biển Đông chứng tỏ Việt Nam không còn đường lùi, phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Nhà nước Việt Nam cần làm ngay bây giờ là gửi một công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc. Danh chính thì ngôn thuận, nên nhớ rằng năm 1979 khi ta  có sách trắng thì năm 1980 Trung Quốc cũng ra sách trắng gồm tất cả lập luận về công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng rồi. Tiếp đó, ta đã đáp trả bằng sách trắng 1982, 1988. Bây giờ đây, có gì đâu mà sợ. Nếu ai ngăn cản, thì  chắc chắn không chỉ vì thiển cận, lú lẫn mà còn là ăn “phải bả” của Tàu!

Hướng thứ bảy

Vịnh Hạ Long đã có đường ranh giới Việt – Trung từ thời người Pháp ông Mac Mohon ký kết với nhà Mãn Thanh. Nhưng thực tế, Trung Quốc cũng tìm cách lấn lướt sang ta đến khoảng 50 km2 và thường xuyên gây khó cho hoạt động của ngư dân Việt Nam vì họ đông người lại có tầu to.

Hướng thứ tám

Đất nước muốn phát triển cần có những người lãnh đạo có phẩm hạnh, trí tuệ và tài năng. Từ lâu, Trung Quốc đã can thiệp vào công tác nhân sự của ta. Thủ đoạn truyền thống của Trung Quốc là “cấy mối thân tình”, mua chuộc bằng mọi cách kể cả hù dọa người yếu bóng vía, tạo nên ân tình từ cấp trung ương đến địa phương. Đối với nhân dân ta không thể mua chuộc được thì họ tuyên truyền thất thiệt gây chia rẽ giữa lãnh đạo Nhà nước và nhân dân. Ngày nay, có thể nói “tai mắt” của Trung Quốc len lỏi khắp nơi, tác động khôn lường  đến  cả chính trị  và kinh tế  xã hội của Việt Nam.

Ngẫm suy

Kể từ nhà Hán chiếm nước Âu Lạc thì bản chất xấu của  Đại Hán chẳng những không thay đổi mà còn tăng lên tính tham lam, độc ác và nham hiểm. Kể cả khi là “đồng chí” độ thâm, ác và sự mê hoặc của nó càng tàn độc hơn, lan tỏa cả Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác. Nó hoàn toàn đối lập với Đại Việt ta mà nay là Việt Nam, từ chỗ Tổ tiên ta lấy giống nòi (dân tộc) làm bất biến nên không bị đồng hóa; lấy độc lập tự chủ làm lẽ sống để khôi phục giang sơn sau hơn 1.100 năm là quận, huyện của Hán, Đường;  biết lấy lòng dân làm sức mạnh vô địch; biết tin dân mà cảnh giác kẻ thù; biết vì dân mà dẹp tư thù và lòng tham ích kỷ cá nhân, dòng họ (Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn)… nhưng rồi vì “đồng chí” mà Việt Nam ta ngày càng tệ hại dưới con mắt của Tàu.

Không minh bạch sòng phẳng với dân

Trong bối cảnh mù mờ, Nhà nước chỉ cho cán bộ và nhân dân biết một phần về những việc làm với tư cách đại diện cho cả một dân tộc, đây là một sự bất công đã kéo dài từ nhiều năm nay. Thủ tướng Phạm văn Đồng đã viết những gì cho ông Chu Ân Lai về biển đảo, lãnh hải của Việt Nam năm 1958, một điều mà chỉ những ai chú ý tìm hiểu lắm mới biết! Hội nghị Thành Đô năm 1990 có những nội dung gì, ngoài những điều mà báo chí đã đưa? Nội dung của việc trao khu khai thác bauxite cho Trung Quốc ở Tây Nguyên là gì, trong bao nhiêu năm, nội dung của việc cho thuê rừng phòng hộ ở biên giới Việt-Trung là thế nào? Rất nhiều người Việt Nam không được biết rõ, và khi đọc từng đoạn trong tin tức từ báo chí “lề trái”, người ta không còn biết tin vào đâu nữa!

Tại sao trước kia công an giải tán các đoàn biểu tình chống Trung Quốc bành trướng tại các biển đảo của Việt Nam, bắt, giết ngư dân, thậm chí còn theo dõi, bắt người Việt Nam vô tội chỉ vì đã có những biểu cảm của lòng yêu nước, và gần đây lúc lại nới lỏng, lúc thắt chặt? Vậy thì phải đợi Trung Quốc hung dữ hơn thì dân ta mới được phép phản đối chăng? Tại sao nhiều vị chóp bu của Việt Nam hầu như không nói gì trước những sự việc trọng đại như Trung Quốc hạ dàn khoan trái phép HD 981, hay những vụ lộn xộn ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Thái Bình, Cần Thơ  v.v…?

Vĩ Thanh      

Trong “trận đồ bát quái” của Trung Quốc thì hướng thứ tám, can thiệp vào nhân sự mới là hướng chính, quan trọng nhất đánh ta của Trung Quốc để giành thắng lợi cuối cùng.

Đến lúc này, mà người ta vẫn còn gọi nhau là đồng chí. Thực chất chỉ còn là đồng chí “bán phần”, hay là “bán phần đồng chí” như văn phạm Tàu vì  chỉ có nửa phần “vận mệnh tương quan” trong 16 chữ vàng là đồng. Chưa có lúc nào người dân và chính quyền lại sống trong ngờ vực như ngày nay vì Nhà nước không minh bạch với dân và ngay trong nội bộ lãnh đạo cũng không phải tất cả là cùng chí hướng! Trước hết, Ban chấp hành Trung ương và các vị đại biểu Quốc hội có quyền được biết các ý kiến của từng thành viên Bộ Chính trị và Ban bí thư về quan điểm và các đối sách đối với Trung Quốc.

Phương ngôn có câu: “Im hơi, lặng tiếng là một đức hay. Nếu danh dự bắt buộc phải lên tiếng mà lặng im thì là một sự hèn nhát” (La Cordaire): “Ta căm ghét thái độ dửng dưng chỉ cần thêm một bước là dẫn tới phản bội và một bước nữa đã là tội ác trước lương tâm” (I.V. Bodarev).

Viết đến đây, tôi nhớ lại câu chuyện một lần Byron, thi hào Anh sau khi đứng làm mẫu cho người bạn là nhà điêu khắc Torvansen tạc tượng chân dung của mình, bỗng nhiên ông kêu lên : “không, bạn không tạc hình tôi mà là hình hài của một anh chàng yên ổn nào đó! Tôi hoàn toàn không giống bức tượng này!” Torvansen hỏi lại: “thế, có gì là xấu nếu ta sung sướng?”

Khuôn mặt Byron vụt tái đi vì tức giận và ông la lớn: “Torvansen! hạnh phúc và sự yên ổn cũng khác nhau như đá hoa cương và đất sét vậy. Chỉ có những kẻ ngu và những người tâm hồn thấp kém mới tìm kiếm sự yên ổn trong thế kỷ chúng ta. Chẳng nhẽ trên mặt tôi không có nét nào nói lên sự cay đắng, lòng can đảm và nỗi đau khổ của suy tư?

Ngày nay, dù cho kẻ bán nước có “thẻ xanh” nhưng dân nước Việt không bao giờ quên lời dạy của  tiền nhân – Vua Lê Thánh Tông (1473):

Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”


T.V.T.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link