Wednesday, June 25, 2014

Những Văn Kiện Xé Lòng


Những Văn Kiện Xé Lòng

Nguyệt Quỳnh

 

Mấy thủ lĩnh bí cờ xôi thịt đã dính bẫy Boxite Trung Quốc? Mẹ đau như xương sống bị đâm, như cột sống bị đè Ai đã bán chui biên thùy bằng những mật ước? Ai đã bán vụng lãnh hải Tổ quốc trong canh bạc độc tài? (Mẹ Việt Nam không chỉ nhìn ra biển - Thế Dũng)

Có lẽ không có gì cay đắng hơn khi phải làm công dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) nối dài ngày nay. Phải ngồi nhìn sự nhu nhược của lãnh đạo trước từng tấc đất đã mất, từng tấc biển đang mất dần trong sự hung hăng lấn chiếm của quân thù. 

Sự nhu nhược vượt quá mức chịu đựng đến xấu mặt, thể hiện ngay từ các phát biểu của các tướng lĩnh trong quân đội. Một quốc gia độc lập với một quá trình lịch sử hào hùng, nay trở thành một nước chư hầu, mất hết cả khả năng phản kháng. Đến nỗi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa phải cất tiếng than: “Ôi! tổ quốc ơi, ai làm người chịu nhục.”

Nhưng điều đáng nói là sự phản bội đã bắt đầu ngay từ những năm tháng, khi người dân đặt hết niềm tin và ngay cả sinh mạng của mình vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng. 

Công hàm Phạm Văn Đồng đã được ký kết vào cái giai đoạn mà đảng được tin yêu nhất. Giai đoạn 1954-1959 là khoảng thời gian mà dân chúng miền Bắc sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn, sẵn sàng hy sinh mạng sống, dưới ngọn cờ của đảng để bảo vệ độc lập nước nhà. 

Những lá đơn của một thời máu lửa vẫn còn nguyên nét tin yêu đó:
Nguyễn Gia Long, một thanh niên 23 tuổi, viết đơn tình nguyện đi B: “Tôi, một trong những thanh niên của Tổ quốc, của Đảng, tôi muốn được góp sức mình trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc…không một khó khăn nào, một trở lực nào ngăn cản được bước tiến của tôi đi theo cách mạng. 

Cao thượng nhất đời tôi là được chết cho cách mạng”. Ông Phạm Văn Minh đã có hai người con lớn theo bộ đội, viết đơn cho con trai thứ ba: “Tôi nguyện cho đứa con thứ 3 của tôi đi chiến đấu cho đến khi nào không còn bóng dáng một tên xâm lược Mỹ nào thì mới thôi, dù con tôi có phải hy sinh đi nữa nhưng tôi cũng vui lòng và nó cũng đã góp phần công sức vào chống Mỹ giải phóng đất nước”.

Lòng ái quốc và niềm tin của họ đã bị phản bội. Trong lúc đưa hàng ngàn thanh niên vào miền Nam với danh nghĩa chống Mỹ xâm lược, gia đình và những người trẻ đổ xương máu “giành độc lập” này không hề biết rằng sau lưng họ, cấp trên đã ký tặng những phần đất xương thịt của tổ quốc. Phạm Văn Đồng đã lẳng lặng ký công hàm công nhận lãnh hải "lưỡi bò" thuộc về Trung Cộng vào ngày 14/09/1958. Cho đến nay, những tài liệu gây nhiều ngỡ ngàng đau đớn này đang được Trung Cộng trưng ra làm bằng chứng trước thế giới. Rõ ràng lãnh đạo CSVN sẵn sàng đặt lợi ích trước mắt của đảng lên trên mọi điều thiêng liêng và trên cả danh dự của chính đảng CSVN. Nếu một đảng phái khác làm điều này, chắc chắn họ đã phê bình và lên mặt dạy dỗ là quá ấu trĩ, là giữa các quốc gia chỉ có quyền lợi chứ không có cái gọi là "tình nghĩa", hay ngay cả là làm "bù nhìn" cho các thế lực ngoại bang v.v…
Bảy năm sau kể từ ngày ông Phạm Văn Đồng đặt bút ký bức công hàm oan nghiệt này, ngày 10/5/1965 báo Nhân Dân lại một lần nữa khẳng định Hoàng Sa là của Tàu; 

Nguyên văn: Ngày 9/5/1965, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố về việc Chính phủ Mỹ lập "khu tác chiến" của quân Mỹ tại Việt Nam, chỉ rõ: "Việc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xác định toàn cõi Việt Nam và vùng ngoài bờ biển Việt Nam rộng khoảng 100 hải lý cùng một bộ phận lãnh hải thuộc quần đảo Tây Sa của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là khu tác chiến của lực lượng vũ trang Mỹ", đây là đe dọa trực tiếp "đối với an ninh của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước láng giềng. 

Bài báo xác định cụ thể và cắt lìa xương thịt đất nước cho Tàu Cộng này chắc chắn không là bài báo duy nhất. Hẳn là trước và sau nó còn có nhiều bài báo khác nữa. Chính những bằng chứng đau đớn trên giấy trắng mực đen này, khi được Bắc Kinh đem ra xử dụng trong những ngày gần đây, đã biến các luận điệu cãi chày cãi cối rằng "công hàm Phạm Văn Đồng không nhắc tới Hoàng Sa - Trường Sa" thành loại lý luận trẻ con mà Ban Tuyên Giáo CSVN quen dùng với người dân Việt Nam.

Tiếp đến là một tài liệu gây nhiều âu lo nhất cho đến nay, đó là các bản đồ được in ấn bởi Cục Đo Đạc và Bản Đồ, trực thuộc Văn phòng Thủ tướng nước VNDCCH. Những bản đồ này cũng ghi rặt các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là Tây Sa và Nam Sa như Bắc Kinh căn dặn. Chữ viết của công hàm Phạm Văn Đồng nay được diễn đạt bằng hình vẽ và nhân rộng hàng ngàn, hàng vạn lần, do chính văn phòng thủ tướng in ấn. Cãi làm sao bây giờ ?!
Chưa hết, chứng tích bán nước của lãnh đạo đảng còn nằm sờ sờ trên các trang sách giáo khoa lớp 9 do Bộ Giáo Dục VNDCCH biên soạn mà nay Bắc Kinh đang trưng ra trước cả thế giới. Nguyên văn: Vòng cung đảo từ các đảo Nam sa, Tây sa đến các đảo Hải nam, Đài loan, quần đảo Hoành bồ, Châu sơn ... làm thành một bức "trường thành" bảo vệ lục địa Trung quốc.

 Điều đau lòng là đã biết bao thế hệ học sinh non trẻ đã phải nhớ nằm lòng rằng các quần đảo đó là “Tây Sa” và “Nam Sa”, và là đảo của Trung Cộng. Cha ông ta suốt mấy ngàn năm đổ biết bao xương máu, thời đại nào cũng căng mình ra để giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên truyền lại. 

Nay CSVN không chỉ để mất đất, mất biển, mà còn buộc các thế hệ tương lai phải chấp nhận đó là chuyện đã rồi. 

Khó mà không gọi đó là những hành động chủ tâm phản quốc.

Hiển nhiên, đây chỉ mới là một vài tài liệu khởi đầu mà Bắc Kinh tung ra. Năm tháng của các tài liệu trên cho thấy Bắc kinh đang có cả kho dữ liệu mà chúng đã thu thập trong nhiều thập niên qua. Điều đó cũng là bằng chứng cho thấy ý đồ xâm lấn của Bắc Kinh đã có từ rất lâu — từ thời ông Hồ Chí Minh còn sống dài cho đến ngày hôm nay — đặc biệt bao gồm cả giai đoạn mà Hà Nội hí hửng ôm 16 chữ vàng và 4 tốt.

Đó là chưa kể tấm bản đồ có hiện rõ 9 vạch khổng lồ được dùng để trang điểm phòng họp tại trụ sở thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nơi mà hàng ngày đủ loại các quan chức thượng tầng ra vào họp hành và không ai, kể cả ông Nguyễn Tấn Dũng, cảm thấy có chút gì khó chịu hay nhục nhã. Bao giờ thì Bắc Kinh sẽ dùng luôn các hình ảnh này làm bằng chứng chủ quyền của chúng?
*****


Trước cả khối những văn kiện xé lòng nêu trên, tôi bất chợt rơi lệ lặng nhìn bản sắc lệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký ngày 13/7/1961, dời thẩm quyền quản trị quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam.

Tới bao giờ việc bảo vệ từng tấc đất giang sơn mới sẽ lại là trách nhiệm tối thượng nhưng rất bình thường và đương nhiên của mọi chính phủ và mọi người dân Việt Nam?



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-23/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link