Bàn thêm về chiến dịch Tôi Muốn
Biết
Chúng
Tôi Muốn Biết
Thế
Sơn: Dân Phải Biết ! Thức Tỉnh Đi ! thơ Nguyễn Thị Thanh Bình
Le Nguyen
(Danlambao) - Đấu tranh giải trừ nạn tai cộng sản để
ngăn chận họa bắc thuộc đang đến gần. Đấu tranh kết thúc chế độ độc tài cộng
sản để thiết lập thể chế chính trị dân chủ văn minh, thực hiện tự do, dân chủ,
nhân quyền theo chuẩn mực thế giới loài người tiến bộ thời hiện đại và lực
lượng đấu tranh cho dân chủ đã trải qua nhiều chặng đường gian nan nhiều thử
thách nhưng niềm tin chính nghĩa thắng gian tà không hề phai nhạt trong lòng
con dân nòi Việt đang miệt mài dấn thân trên đường tranh đấu.
Nhìn lại quá trình đấu tranh dân chủ cho Việt
Nam của nhiều cá nhân, tổ chức chúng ta thấy đã có không ít làn sóng đấu tranh
tích cực từ chủ trương kháng chiến bạo động đến bất bạo động của các cá nhân,
tổ chức âm thầm lẫn công khai liên tục đấu tranh liên tục, không hề mệt mỏi, dù
rằng kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đạt được như mong muốn - đó là kết thúc
sự lãnh đạo độc quyền của đảng, của chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam.
Dù bất kể thành hay bại, những con người đã tiên
phong hy sinh cuộc đời mình để đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do sẽ luôn có
được chỗ đứng nhất định trong lịch sử dân tộc.
Gần đây, một trong nhiều phương đấu tranh đòi
quyền công dân, đòi quyền làm người, chúng ta thấy nổi lên phong trào đòi quyền
được biết với khẩu hiệu “Tôi muốn biết, Chúng Ta muốn biết...” do Mạng Lưới
Blogger Việt Nam khởi xướng đã gây sôi động trong dư luận đấu tranh. Bên cạnh
là những khuynh hướng ủng hộ lẫn phản bác, phê bình chỉ ra những điểm yếu của
cách phát động đòi quyền được biết - một trong những quyền chính trị, dân sự
căn bản của công dân trong một nước dân chủ văn minh thời hiện đại.
Trước câu chuyện thời sự “quyền được biết”,
chúng ta cần lược qua những ý kiến không tán thành, không ủng hộ phong trào đòi
quyền được biết và ý kiến không ủng hộ không phải là số đông nhưng lý luận cũng
có phần hợp lý, cần phải bàn thêm. Do đó để tránh trường hợp đối phương xâm
nhập khai thác bất đồng, kích động gây phân hóa sức mạnh đấu tranh của lực
lượng đấu tranh cho dân chủ, chúng ta cần chú ý, quan tâm giải mã những lập
luận dễ gây tranh cãi, bất đồng đáng tiếc có thể xảy ra.
Với những lập luận của một số ý kiến không hẳn
không ủng hộ phong trào đòi quyền được biết mà có thiện chí đi xa hơn việc đòi
quyền được biết của nhóm Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Theo chiều hướng này chúng
ta thấy có những câu chữ đề nghị tích cực như:
“...Xin cho biết là câu
khẩu hiệu "Tôi muốn biết" là biết cái gì? Ai sẽ là người cho biết, cứ
nói khơi khơi thì từ hồi nào đến giờ rất nhiều phong trào cuối cùng thì sao? Kẻ
sứt đầu, người mẻ trán, kẻ khác vào hộp, rốt cuộc đâu lại vào đó. Hãy mạnh dạn,
cương quyết, dứt khoát như bà con Dân Oan cầm khẩu hiệu "Chúng tôi phải
được biết" chúng mới giật mình chút xíu, còn "chúng tôi muốn biết thì
chờ 2020 sẽ biết thôi...”
Đọc những dòng trên không khó để nhận ra nỗi
trăn trở, có phần bất bình của người bày tỏ cảm xúc trong dòng chữ có ý trách
móc phong trào đòi quyền được biết. Tại sao chỉ là khẩu hiệu “tôi muốn biết”
yếu quá! Sao không cương quyết, dứt khoát, mạnh mẽ như dân oan “chúng tôi
phải được biết”?
Và một đề nghị khác, phải hành động mạnh mẽ hơn
nữa là phải xuống đường, phải sẵn sàng đối đầu với công an, mới có được tự do,
dân chủ, nhân quyền để không thành danh cũng thành nhân.
Ngoài ra có một số ý kiến đề nghị phải thay đổi
khẩu hiệu quyền được biết với nội dung khẩu hiệu rõ ràng, dứt khoát, dễ hiểu
hơn lẫn đề nghị phải có những hành động thiết thực cụ thể cho công cuộc đấu
tranh chung như “...tiếp cập quần chúng, sát cánh đấu tranh cùng quần chúng mới
đạt được kết quả...” với những dòng chữ nhiệt tình như sau:
“Ờ, chắc là không biết
được cái phong trào này rồi sẽ đi về đâu, chịu thôi, chứ thực sự thì theo tôi
nghĩ chắc là chẳng bao giờ thành hiện thực được đâu, đừng có mơ mộng hão huyền,
ảo tưởng nữa, quay về thực tế một chút đi... Biết cũng chẳng để làm gì! Hãy
tiếp cận quần chúng và sát cánh hành dộng. Phải sống và cùng quần chúng sát
cánh tranh đấu cụ thể mới có kết quả được. Nông dân Dương Nội, chỉ một trăm
người mà uy hiếp tà quyền phải dẹp bỏ cuộc triển lãm nhực nhả ngay tại Viện bảo
tàng quốc gia Việt Cộng...”
Thêm một ý kiến khác cho rằng “tôi muốn
biết...” mông lung trừu tượng không giúp ích được gì cho đấu tranh giải trừ
cộng sản, cho dân chủ nhân quyền và đề nghị viết lên khẩu hiệu dòng chữ “tôi
không thích cộng sản” với lập luận như sau:
“...Tôi muốn biêt...!
Quá mông lung và trừu tượng. Không thể dùng làm ý niệm cho người Việt trong
nước để ủng hộ cho phong trào dân chủ, tự do hay chống cộng. Người Việt trong
nước bị đàn áp bởi luật chống Đảng, chống Nhà nước. Vậy tại sao ta không thể
tránh chống bằng từ KHÔNG THÍCH cho mọi người Việt trong nước dễ xài.. Nên phát
động phong trào TÔI KHÔNG THÍCH CÔNG SẢN thay cho TÔI MUỐN BIẾT, như vậy có
phải hay hơn và thực tế hơn.”
Những dòng chữ trích dẫn của các ý kiến góp ý
với phong trào “quyền được biết” ở trên đều có ý tốt, tất cả đề nghị đều có
chung một mong muốn là cho công cuộc đấu tranh giải trừ cộng sản mau đi đến
thành công. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu thêm Mạng Lưới Blogger Việt Nam
không phải là một tổ chức đấu tranh chính trị mà chỉ là phong trào quần chúng -
một hội đoàn, đoàn thể xã hội.
Thế cho nên, những đề nghị tốt đẹp có ý tưởng
đấu tranh không khoan nhượng với độc tài toàn trị cộng sản, không nên để gió
thoảng mây bay, nó phải được chính người đề nghị đi vào thực hiện tổ chức và
hành động. Những ý tưởng tích cực trong hành động đấu tranh mang tính thách
thức bạo quyền cộng sản không phải “nói cho vui” trên các diễn đàn công khai
của báo lề dân và cần hiểu rằng những đề nghị phải có hành động mạnh mẽ, dứt
khoát với những tên tay sai buôn dân bán nước, không phải là việc của cá nhân
vô tổ chức mà nó là việc cần tổ chức chu đáo của một tổ chức, mới có thể đạt
được hiệu quả như mong muốn.
Thật ra nếu không nóng vội, giữ chút bình tỉnh
với cái đầu lạnh, không khó để chúng ta nhận ra ưu điểm của nhóm khởi xướng
phong trào đòi quyền được biết. Với khẩu hiệu “tôi muốn biết, chúng ta muốn
biết...” tưởng chừng như bị cột vào nghĩa hẹp của khẩu hiệu nhưng đi vào phân
tích khẩu hiệu “tôi muốn biết...” rất thoáng cho những hành động thực hiện mục
tiêu đấu tranh của các tổ chức đấu tranh chính trị và có những lợi thế nhất
định như sau:
Một là khẩu hiệu “Tôi muốn biết...” tuy không
đòi biết điều gì cụ thể nhưng lại là ưu điểm của việc đòi quyền được biết cho
bất cứ ai, bất cứ thành phần xã hội nào cũng có thể lên tiếng đòi quyền được
biết cho quyền lợi thuộc tầng lớp của mình - từ công nhân, nông dân, tiểu
thương, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, luật sư...cho đến
đảng viên đảng cộng sản.
Hai là công khai đòi quyền được biết là quyền tự
do lựa chọn cách đấu tranh của mọi cá nhân và cầm khẩu hiệu tôi muốn biết tung
lên mạng hay ở nơi công cộng, cũng là cách thu hút lực lượng an ninh mật vụ để
tạo khoảng trống “rộng” cho những cá nhân, tổ chức không đấu tranh công khai
thực hiện tổ chức những công tác bí mật có tính quyết định trong cuộc đấu tranh
kết thúc độc tài cộng sản.
Ba là khẩu hiệu “tôi muốn biết, chúng tôi muốn
biết...”phù hợp với phương thức đấu tranh của thế giới loài người văn minh thời
hiện đại và đấu tranh đòi quyền được biết dễ tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ
của nhân dân các nước dân chủ, tiến bộ trong cộng đồng nhân loại. Nếu đấu tranh
công khai đòi quyền được biết bị ngăn chận, đàn áp sẽ tố cáo sự vi phạm quyền
của người dân và đó cũng là cách bao vây, cô lập làm suy yếu cộng sản Việt Nam
trên chính trường quốc tế...
Nhìn chung phong trào đòi quyền được biết là
sáng kiến độc đáo của nhóm chủ trương phát động phong trào. Quyền được biết là
môi trường thuận lợi để các cá nhân đấu tranh cho dân chủ còn bị quản chế có
diễn đàn đủ rộng để bày tỏ thái độ, lập trường đấu tranh, và các cá nhân chưa
đấu tranh công khai nằm trong tầm ngắm của công an mật vụ lẫn những cá nhân
trong bóng tối bước ra ánh sáng chọn thái độ đấu tranh công khai. Quyền được
biết cũng là phương tiện chuyển tải thông tin để mọi thành phần xã hội lên
tiếng đòi lại quyền của mình, nó là bước đệm để toàn dân Việt Nam đòi lại quyền
căn bản của mọi con người sinh đều được hưởng, là quyền tự do, quyền được sống
và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Nhìn rộng hơn, xa hơn phong trào đòi quyền được
biết hiện nay và nhìn lùi lại môi trường đấu tranh của mười năm về trước của
những cá nhân, tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và thử làm cuộc
so sánh của đấu tranh bạo động và bất bạo động chúng ta thấy có những kết quả
sau:
Về bạo động có vụ nổ súng của đại gia đình nông
dân Đoàn Văn Vươn chống lại lệnh cưỡng chế ao đầm nuôi trồng thủy sản của
chính quyền Tiên Lãng, Hải phòng. Việc nông dân Đặng Ngọc Viết bắn các quan
chức phụ trách quỹ đất tỉnh Thái Bình liên quan đến việc thu hồi, đền bù giải
toả đất. Nguyễn Viết Trương cho nổ bom nhằm mưu sát giám đốc công an tỉnh Khánh
Hòa vì cho rằng ông này là thủ phạm gây ra những bất công đối với đương sự… Tất
cả những vụ việc sử dụng bạo lực chống lại bạo quyền chỉ nằm ở đó và cho đến
nay chúng ta chỉ nghe cổ vũ, hô hào ‘đối đầu bạo lực’ với Việt Cộng chứ chưa có
bất cứ một tổ chức nào được thành lập để có thể đương đầu với bọn cường hào, ác
bá trong bộ máy đảng, nhà nước.
Về bất bạo động đã có nhiều lượt cá nhân đấu
tranh lần lượt vào tù nhưng độc tài cộng sản vẫn không dập tắt được khát vọng
tự do, dân chủ của người dân Việt Nam. Lớp trước vào tù thì lớp sau lì lợm hơn,
hiên ngang tiến lên sẵn sàng bước vào tù cho lý tưởng tự do dân chủ, cho quyền
làm người của dân tộc việt Nam. Hơn mười năm trước, từ việc chuyển tin biểu
tình của dân oan ra hải ngoại của ông cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn đến việc
dịch, phổ biến bài viết Thế Nào Là Dân Chủ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, đã bị ghép
tội làm gián điệp, kêu án nhiều năm tù và bây giờ đã có nhiều khác biệt.
Ngày nay, qua sự đấu tranh bền bỉ không lùi bước
của nhiều thế hệ đấu tranh, những lực lượng đấu tranh cho dân chủ đã đạt được
những kết quả nhất định giúp cho môi trường đấu tranh rộng hơn, thoáng hơn.
Nhất là những bài viết của nhiều tác giả sống ở trong nước vạch trần bộ mặt của
bác đảng hay nhiều cá nhân tiếp cận các quan chức ngoại giao ở tổng lãnh sự,
tòa đại sứ đặt ở Việt Nam hoặc ra điều trần về tình trạng nhân quyền ở quốc hội
các nước dân chủ, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc thách thức bạo quyền cộng sản
nhưng chúng vẫn không dám vô cớ bắt bớ ghép tội, kêu án nặng nề như mười năm
trước đây...
Tất cả những thành quả đấu tranh đạt được của
ngày hôm nay là do sự hy sinh, đóng góp máu xương, công sức, trí tuệ của nhiều
thế hệ đấu tranh trong, ngoài nước và phong trào đòi quyền được biết là một nổ
lực khác của một tổ chức xã hội dân sự đấu tranh đòi quyền được biết của nguời
dân Việt Nam.
Nếu quyền được biết “tôi
muốn biết, chúng ta muốn biết...” được vận dụng đúng mức và kết hợp với việc
tiến hành các hoạt động bí mật thì việc kết thúc chế độ độc tài cộng sản không
còn như ai đó mánh khóe nói “mộng mị dân chủ”. Việc thực hiện các công tác bí
mật phải chính là những người đề nghị đứng ra thực hiện tổ chức, hành động chứ
không nên đòi hỏi hay chờ ai đó làm thay và không nên đòi hỏi nhiều ở một đoàn
thể xã hội đấu tranh như một tổ chức chính trị, đảng phái chính trị.
Ca sĩ
Thế Sơn “Hát Cho Tự Do”: Dân phải biết! Thức tỉnh đi!
Thế Sơn: Dân Phải Biết ! Thức Tỉnh Đi ! thơ
Nguyễn Thị Thanh Bình
Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Và rồi chúng ta vẫn còn đây trao cho nhau quá nhiều giấc mộng. Mộng ngắn mộng dài, mộng lớn mộng con mà chẳng thấy một anh hùng hào kiệt nào chịu khó mộng vá trời… cao, để trời cao còn ngó xuống nên thôi cũng đành gói ghém bằng khúc ca của những bước chân đồng hành, bằng ngọn lửa của những tiếng gọi con tim: Hát Cho Biển Đông, rồi Hát Cho Tự Do, Hát Cho Việt Nam và sẽ còn hát cho một ngày mai biết đến bao giờ…
Phải rồi, hát lên đi, hát cho Độc Lập, hát cho
Dân Chủ, Nhân Quyền… và “làm” những đêm không ngủ đồng bào ơi! Mặc dù biết đâu
rồi cũng chỉ thao thức như một Trần Tế Xương: “Thiên hạ có khi đang
ngủ cả. Việc gì ta thức một mình ta?”
Hãy cùng với ca sĩ có trái tim và giọng ca nồng
nàn yêu thương nhất Thế Sơn, trong một bài phổ thơ xẹt-nhanh-như-chớp của nhạc
sĩ Quốc Toản, để mong mỏi mang đôi cánh âm nhạc vực dậy những điều bưng bít
không-được-biết, đồng loạt cùng nhau nhắc nhở, tra hỏi đến kỳ cùng.
“Muốn là được”, phải
được. Chỉ sợ lòng mình chưa muốn đủ mà thôi! Ở đây tôi chợt tâm đắc với nhạc sĩ
Hoàng Ngọc-Tuấn trong một câu trả lời phỏng vấn hôm nào với mình: “Nghĩ cho cùng dưới mọi
chế độ độc tài. Nhân dân không đứng lên thì nhân dân đều bại.” Nghe chí lí hơn, khi “nhại” theo câu thơ
nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào
thắng thì nhân dân đều bại.” Có
phải?
Hoàng Ngọc Tuấn
Một ngoặc đơn ở đây, “Hát Cho Tự Do” do một nhóm
Facebook gợi hứng từ chiến dịch “Chúng Tôi Muốn Biết” của Mạng Lưới Blogger VN khởi xướng, hòa cùng
nhịp đập thế giới Ngày Quốc Tế “thực thi” Quyền Được Biết “International Right to
Know Day” 28/9 hàng
năm. Chương trình được lồng trong một đêm ca nhạc yêu nước lúc 8 giờ tối (giờ
Cali) ngày thứ bảy 27/9 này và sẽ được phát “live” qua YouTube. Hoan hô cô
Trưởng Ban Tổ Chức Nguyễn Nguyên Dung, và chúng ta sẽ cùng nhịp bước xoáy động
một vài lời ca tiếng hát mãnh liệt, cảm xúc trong và ngoài nước, với Thu Sương
ở Pháp, Nguyễn Tiến Dũng ở Cali… sẽ là những giọng ca đóng góp nhiều nhạc phẩm
cho chủ đề “Chúng Tôi Muốn Biết”, như một hưởng ứng mạnh mẽ cùng với những tổ
chức xã hội dân sự khác, cho phong trào tiếp tục nở rộ, lan tỏa. Bà con ở Nam
Cali chắc ghé qua được Hội Trường Viện Việt Học, để có dịp thấy được sức mạnh
của tin học đã mang mọi người lại gần nhau và của những trái tim nhiều trăn trở
quê hương.
Vâng, không phải một
người, mà một người huy động mời gọi một người và cứ thế tiếp nối, tiếp nối.
Như tôi vừa mời thêm nhà thơ “Nếu Có Yêu Tôi” Ngô Tịnh Yên... Cho những bước chân không có
vấn đề sẽ thay đổi những bước chân có vấn đề, và con số nhập dòng hưởng ứng đầu
tiên sẽ ví như những nhạc trưởng “kỳ tài” thu hút cả một dàn ca giao hưởng. “Hội tụ sông về tranh đấu
cho một dòng tự do”
bạn nhé.
Ngô Tịnh Yên
Hay nói theo cách nói một bài viết của bình luận
gia Vũ Đông Hà, là khi chúng ta vượt qua được chính mình, một ngập chìm của
dòng sông sợ hãi, để trỗi dậy phanh phui những điều muốn biết và cần phải “Làm” cho ra lẽ của bến bờ sự thật. Mà không lẽ
chúng ta cứ sợ và sợ mãi? Sợ cái gì mà không dám sống dám chết cho những điều
mình tin là đúng, là vô phương hết thuốc chữa không thể thay đổi nổi? Hãy thử
phóng thích nỗi sợ hãi đang tìm cách vây khổn, giam hãm mình, khi nhất quyết
tin rằng tôi sẽ vượt qua sợ hãi dù bất cứ giá nào và rằng tôi sẽ không để sợ
hãi khuất phục mình!
“Muốn biết” hẳn nhiên là
một ước vọng, một khát khao, và khi niềm ước vọng khát khao ấy đủ lớn sẽ biến
thành một thôi thúc dữ dội của mệnh lệnh, và trở thành thứ trách nhiệm thiêng
liêng của một con dân “phải biết”, hoặc sẽ xác quyết đòi cho được quyền thông
tin bạch hóa công dân. Nhất là trong những nỗi bức thiết liên quan đến vận
mệnh, sự sống còn của một quốc gia, một dân tộc mình.
Mật ước Thành Đô 1990 lẽ nào cũng là một ký kết
phó thác đất nước cho những đầu mối hiểm họa dâng bán, để rồi: “… chấp nhận làm khu vực
tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho
Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…”, mang máng như thứ công hàm ô nhục 1958 của “bác” Đồng? Thời hạn 30
năm đã gần kề, những diễn biến không thể chối cãi của những suy đoán có căn cứ
và có thật. Vậy thử hỏi chúng ta còn muốn biết điều gì đau đớn hơn thế nữa?
Muốn biết đôi mắt sáng của một Nguyễn Cơ Thạch đã ôm đầu bứt tai: “Một ngàn năm
Bắc thuộc lại trở về.”, thì liệu có ai dám đứng lên cứu nước bẻ gãy những xiềng
xích? “Có dám” xin thưa không còn là một thách đố, mà là một bổn phận cần kíp
như chưa bao giờ! Ôi, thật không sai như một câu thơ của Liêu Thái: “Đất nước này là của lũ
mèo giấu cứt.”,
khiến nhà thơ Nguyễn Viện cũng phải đồng tình: “Tôi cũng chỉ muốn Tự Do
với cây búa.”
“Muốn biết” như nhạc sĩ Việt Khang chỉ cần hỏi
han bằng những nghẹn ngào âm thanh: “Việt Nam còn hay đã mất?”, là đã bị nhà cầm quyền CSVN như chạm nọc tống
vào ngục tối những 4 năm, nói chi đến một câu trả lời, một cuộc đối thoại quyết
liệt.
Vậy điều tôi muốn biết có lẽ là: Những tướng sĩ
tài ba của Việt Nam trốn tiệt nơi hầm trú ẩn an toàn nào, để không thấy buồn,
thấy nhục, thấy trách nhiệm đứng lên vạch hỏi “giai cấp cầm quyền” này giùm, về
một thỏa hiệp quy hàng Kỷ Yếu Thành Đô mà không ai không nhận biết được, từ
những dấu hiệu ngày càng đánh mất sạch sành sanh niềm tin của nhân dân. Lời
hiệu triệu Tổ Quốc Trên Hết đầy nhân tâm nào mang chúng tôi theo cùng, thay vì
cứ phải ngồi nhìn, phải đối diện với một quốc hội “quốc thước” bù nhìn.
Đã là tướng sĩ và là tướng sĩ Việt Nam, thì
không thể không xứng đáng với tên gọi anh hùng đã kinh qua những cuộc
chiến-tranh-thần-thánh và như thế không phải chỉ là những tôn vinh một thứ
sĩ-diện-hảo. Xin đừng làm anh nhũn(g) đọc trại ra là anh hèn nhũn, mềm nhũn,
tham nhũng!
Vừa rồi những chữ ký khá dũng cảm của 20 vị cựu
tướng lãnh dâng “sớ kiến nghị” không biết có làm ai đó chao chọng chút nào, hay
chỉ đủ để gãi ngứa theo kiểu “ngồi buồn gãi háng lăn tăn” cho Lũ? Nếu vì đức
khiêm cung thấy mình không hề xứng hai chữ “anh hùng” thì xin cũng đừng làm anh
(k)hùng ngu ngơ trước hiện tình đất nước. Vâng, chỉ có anh khùng mới làm vậy,
mới ngu ngơ như một kẻ bàng quan không biết gì, không hay gì về một chủ quyền
đất nước sắp bị tước đoạt, bạo ngược.
Nỗi khùng nhất là đường đường mang tiếng
quân-đội-nhân-dân, nhưng lại xếp nhân dân đứng chực sau đít Đảng (coi chừng bị
đá đít), thì rõ ràng là không những quyền làm người (dân) bị tổn thương, mà cả
những vấn đề bảo vệ an ninh đất nước cũng sẽ không được tôn trọng đúng mức.
Hai câu nhạc mà ca sĩ Thế Sơn đã chuyên chở rất
tới, rất có hồn: “Này non sông, ai có quyền không bảo vệ. Này nước
nhà, sao tướng sĩ mãi ngủ mê?”,
có lẽ đó cũng là điều tôi muốn biết muốn hành động muốn tra vấn từng ngày từng
giờ!
Hãy noi gương thần tượng của chúng ta và của
riêng tôi: Một tướng quân “công thần” đầy dũng khí cách mạng và nghệ sĩ nhân
văn tầm cỡ Trần Độ, một tinh thần ngời sáng sẵn sàng thách đố mọi hiểm nguy để
đóng góp tận tình tận lực cho đất nước. Ở đây tôi xin được làm một cuộc khấn
vái mặc niệm các vong linh liệt sĩ chiến sĩ, nhất là tướng Độ hãy linh thiêng
phù hộ cho những vị tướng tiếp nối có cùng tâm huyết, có cùng nguyện vọng để
dìu đất nước này đi lên, và không thể đi qua Tàu phù, đi theo Tàu khựa.
Còn bạn, điều bạn muốn
biết và cần làm kế tiếp có phải là: Có hay Không một cuộc thăm dò ý dân đầy dự
phóng, dự báo nay mai?
Chúng
Tôi Muốn Biết
Chúng Tôi Muốn Biết
Ý tưởng của Ca khúc này
được chớm nở với hình ảnh các bạn trẻ bước ra ánh sáng với thông điệp "Tôi
Muốn Biết".
Đã từ lâu "chúng tôi đi, giữa
đêm đen quê hương, dài quá và nhiều quá những bảng chỉ đường bên phải..." Trong bóng tối và những tấm bảng màu đỏ,
bao nhiêu người thấy họ, nhìn được những nỗi niềm khắc khoải của nhau trước
những vấn nạn của đất nước!?
Chúng ta đi. Và chúng
tôi muốn biết. Ca khúc được sáng tác bởi chị Trần Bảo Như và hình thành trong
một môi trường, hoàn cảnh đặc biệt: mỗi người - từ nhạc sĩ, ca sĩ đến người hòa
âm, phối khí... đang mỗi người một ngã. Nhưng không gian cách xa không đủ để
ngăn chận điểm đến chung của họ: góp phần vào phong trào Chúng Tôi Muốn Biết
bằng lời ca, tiếng hát như những bước chân đồng hành trong một cuộc tranh đấu
đa dạng.
Chúng tôi đi và gặp
những mảnh đời tang thương. Của mẹ già. Của chị. Của anh. Của em. Chúng ta đi, tối vây
không trăng sao, chỉ có và chỉ có những ngôi sao không cần bầu trời vẫn mọc. Vẫn mọc để sớm có một ngày xoá tan đi
khoảng tối bao trùm nhiều năm tháng của bưng bít thông tin, của những thỏa
thuận đổi chác bởi những người cộng sản mà món hàng là thân thể và danh dự của
Mẹ Việt Nam.
Chúng ta đi và chúng ta
phải biết. Và BIẾT không bao giờ là một lời xin xỏ ở những kẻ mà sự tồn tại dựa
vào che giấu sự thật và bưng bít thông tin. Ngược lại, BIẾT là lời tuyên chiến:
chúng ta sẽ tranh đấu để vạch trần và chấm dứt những tội ác, lọc lừa đã kéo dài
hơn nửa thế kỷ.
Xin cám ơn nhạc sĩ Trần
Bảo Như, ca sĩ Trần An, Việt Tâm, Hồ Hải, anh Nguyên Ca, TTLan đã đồng hành với
mọi người bằng âm hưởng kỳ diệu của âm nhạc.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thơ và chúng tôi
Nguyễn
Xuân Nghĩa (Danlambao) - Tôi bị chuyển từ trại giam số 6, Thanh
Chương - Nghệ An vào trại giam An Điềm, Quảng Nam trung tuần tháng 10-2013 thì
trung tuần tháng 6-2014 luật sư Lê Quốc Quân cũng vào trại giam An Điềm từ nhà
tù Hỏa Lò.
Gặp nhau chúng tôi mừng
lắm. Chúng tôi đã từng gặp nhau trong các cuộc biểu tình đòi lại Hoàng Sa,
Trường Sa và phản đối phiên tòa kết tội luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công
Nhân vào các năm 2006, 2007. Đầu tháng 9 năm 2008 chúng tôi đã cùng nhau ăn cơm
ngày tôi và cô Phạm Thanh Nghiên lên Hà Nội đệ đơn kiện UBND TP. Hà Nội không
cấp phép biểu tình, và bây giờ tuy gặp nhau trong cảnh tù đày nhưng cũng là một
niềm hân hạnh cho cả hai.
Hàng ngày chúng tôi cùng nhau ăn sáng và dành cho nhau được hai
giờ đồng hồ đàm đạo chuyện thế sự xa gần. Tôi biết chắc chắn là Lê Quốc Quân
rất uyên bác và cũng ham văn chương qua thời gian này. Những ngày tôi sắp ra
tù, Quân làm hai bài thơ tặng tôi và nói: “Em chưa bao giờ làm thơ tặng ai ngoài anh hôm
nay”
Xin giới thiệu nhóm thơ trong tù của tôi và LS Quân, cũng xin
người đọc lưu tâm đến sự gian nan mà chúng tôi trải qua từ nhà tù đến các bạn.
Chiều mưa bàn thế sự
Lê Quốc Quân
(Mến tặng nhà văn Nguyễn
Xuân Nghĩa)
Chiều mưa
Lọt giữa núi rừng hiu quạnh
Âm u hàng rào kẽm gai
Tôi ngồi bên người bạn hiền tranh đấu
Bàn về nhân sinh thế thái u hoài
Về con người và sức sống tương lai
Trên ghế nhựa là John Stuart Mill
“On liberty” gió thổi lật từng tờ
Trong tường cao lao mộ
Chúng tôi “bàn về tự do”
***
Chiều mùa mưa
Rừng miền trung thoáng lạnh
Cánh tay mềm khoanh lại
Đôi vai gầy so lên
Giọt nước rỏ xuống sân
Té lên đôi chân trần
Đường gân xanh sau năm tù tội
Rồi bạn hiền một tháng nữa sẽ chia xa
Ta đã thấy tiếng tự do trong gió
Trước mặt là “politics”
“Chính trị luận” chuẩn từ Aristotle
Dặm đường dài hơn 2000 năm trước.
Mấy ai hay thế sự đã được bàn?
Gió vẫn thổi
Nối dài chiều tháng tám.
Man mác lạnh
Chợt sợ mình
Một ngày nguội lạnh với non sông
Bỗng cùng nhau xích lại
Hơi ấm nào như của tổ tông
Đồng lòng hỏi: “Sao Việt Nam thất bại”
“Why nation fail” cuốn sách dày vừa khép
Hơn 600 trang chỉ rõ một điều
Thể chế mà thôi- Cái gốc mọi vấn đề
Chúng tôi tin đường đi là đúng
Mà gió mưa cứ rát mặt người
Như hàng hiên bắt đầu thấm nước.
Buốt lòng ai- hai khóc mắt rưng rưng.
Và mưa
Và gió
Và đối diện với mong manh phận người
Cười đứng dậy, đây rồi cuốn sách.
“Start up Nation”- Đây Israel
Dân Do thái qua mấy ngàn năm
Tìm về phục hồi quốc thể
Bạn hiền ơi!
Chúng ta đi cho “Quốc gia khởi nghiệp”
Dầu bao la chiều mưa gió ngược.
Chặng đường dài chông gai trước mắt.
Chúng tôi đi trong mưa.
Đôi chân trần hối hả.
Gió vẫn thổi và đêm còn dài.
Nhưng không bước dặm đường sao ngắn lại.
Ta đi là ánh sáng ban mai.
Lê Quốc Quân
Trại giam An Điềm.
Đầu mùa mưa 2014- Với
nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Sáu năm không ngủ yên
Lê Quốc Quân
(Kính mến tặng nhà văn
Nguyễn Xuân Nghĩa)
Đêm trại tù tĩnh lặng
Gió lòng ai vẫn thổi
Khấp khởi đợi ngày về
Vâng. Anh sẽ về như người chiến thắng.
Ngẩng cao đầu mạnh bước trước phong ba
Sá gì đâu mái đầu đã bạc.
Sá gì đâu trọn sáu năm tù.
***
Anh đang bước khỏi nhà tù nhỏ
Vẫn còn đó suốt sáu năm qua.
Bao mong muốn chưa thành hiện thực
Tham nhũng vẫn tràn lan khắp nước.
Hoàng Sa- Trường Sa vẫn dày dấu chân quân xâm lược
Quyền biểu tình từ xưa anh đòi chưa có.
Vẫn là đây một đảng cầm quyền.
***
Sáu năm đang qua đi
Những ngày cuối cùng nhau nhớ lại
Đã bao lần từ thành phố cảng
Anh “lắng nghe tổ quốc gọi tên mình”
Rồi mạo hiểm như thời trai trẻ
Đổi xe, đuổi chạy lạng lách vượt đường.
Trải qua bao rình rập trên đường.
Đêm thủ đô thể hiện lòng yêu nước.
***
Suốt sáu năm trong tù
Bao lần bị biệt giam
Bao lần bị bịt mồm kỷ luật
Vẫn hiên ngang đấu tranh giữa lao tù
Vẫn xúc động rưng rưng hai dòng lệ
Khi nói về tổ quốc quê hương
Vê chương trình canh tân dân tộc.
Lê Quốc Quân
An Điềm ngày anh sắp về
*
Chiều mưa bàn thế sự
Nguyễn Xuân Nghĩa
Ngục thất chiều mưa bàn thế sự
Nhìn lên tua tủa những kẽm gai
Đưa ngang lấp ló viên cai ngục
Đường xa chân nặng dạ u hoài
Ngục thất chiều mưa bàn thế sự
Lòng người đã trải với hồn ta
Đường gần chân nhẹ tình đã nặng
Tâm đã lên cao chí đã dài
Chiều mưa chiến hữu bàn thế sự
Xà lim rực rỡ ánh mặt trời.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Xuống núi
Nguyễn Xuân Nghĩa
Cuối tháng 8-2014
An Điềm không lều cỏ
Vách tường không kiếm cung
Tảng đá không rồng cuốn
Hạc, phượng không ghé thăm
Nói tám, chín tiếng tây
Đọc dăm ba sách Thánh
Nửa đêm dậy vỗ gối
Làm sao thành tôi trung?
Giận cái mặt chữ điền
Giận vai u thịt bắp
Giận tả thê nhi hữu
May mà không cháy bùng
Bỗng một chiều tháng sáu (*)
Lòng như đàn đứt dây
Anh hùng nào nghe lén?
Tiếc thua kém người xưa
Lo ngắn tài, sức yếu
Nhưng mà có sao đâu
Ngày mai ta xuống núi
Nguyễn Xuân Nghĩa
An Điềm trước ngày ra tù
(*) Ngày luật sư Lê Quốc
Quân vào trại
Những cây bút
Nguyễn Xuân Nghĩa
Tặng LS Lê Quốc Quân
Chúng không ra đi từ những hãng thành danh
Chúng là những cây bút bi nội địa bình thường
Không thấy trên tay bí thư đảng độc tài hay ngài thủ tướng
Nó ở trên tay bạn
Tay bạn nối với óc bạn lô- gich
Tay bạn nối với tim bạn máu lửa
Cây bút thành gai chông
Nhà cầm quyền săn lùng
Bạn vào tù vì cây bút
Cây bút theo bạn vào tận xà lim
Cây bút đè khô lên tờ giấy bạc của bao thuốc lá
Như trái tim đè trên những nỗi niềm
Cây bút biết giấu mình bao lần “đập buồng”
Những bài viết, bài thơ vần vượt qua chấn song sáng rực trên
facebook
***
Những cây bút tôi dành dụm lại
Trước khi ra tù
Trao bạn
Như trao thêm vũ khí cho người biết sử dụng thành công
8-9-2014
Nguyễn Xuân Nghĩa
Những ngày tôi sắp mãn hạn tù là những ngày khó khăn đối với tôi.
Tôi cảm thương cho những người còn phải ở lại. Cùng giam với tôi là những người
Tây Nguyên bị kết tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và những người
trong vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Cái sai của các
vụ án xin phép bàn sau. Bài thơ này tôi viết tặng họ:
Chạm ly
Nguyễn Xuân Nghĩa
Giọt này chung với anh em
Giọt này riêng với vợ con ở nhà
Sáu năm cứ ngỡ là xa
Sau năm qua biết hoá ra cũng gần
Không ruột thịt không cố nhân
Sáu năm đúc lại một phần thịt xương
Giọt này chung với Tây Nguyên
Với đất đai với núi rừng Đề - Ga
Giọt này đượm vị tha nhân
Chung non xanh chung tổ đình Đá Bia
Uống nào nuốt hận vào trong
Uống nào để ủ men nồng mai sau
Đêm ngày 10/9/2014
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment