Friday, November 21, 2014

Công lý ở Việt Nam chỉ là anh hề!

Công lý ở Việt Nam chỉ là anh hề!

 VRNs (20.11.2014) – Sài Gòn

Mấy ngày qua dư luận xôn xao về trang bìa của cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” được cho là phản cảm khi khắc họa một thân hình đàn ông trần truồng, trên người chỉ mặc một chiếc quần nhỏ,  và hai tay dang rộng… làm cán cân công lý.  Duy có khuôn mặt lắp ghép thì rõ “hình thật”.

Báo chí trong nước mô tả, “khuôn mặt được cắt ghép” đó chính là “hình của diễn viên hài Công Lý”.

Cuốn sách này được xuất bản vào năm 2014, do Nhà xuất bản bản Lao động – Xã hội in 1.000 cuốn, bán cho công chúng.

Bình luận về bìa sách gây tranh cãi, Thẩm phán Phạm Công Hùng nói: “Tôi không hiểu ban biên tập cuốn sách, nhà xuất bản nghĩ gì mà lựa chọn hình ảnh như vậy để làm bìa, nó giống như một sự hài hước và phỉ báng vào nền tư pháp Việt Nam.”

Luật sư Lê Công Định đã phản hồi lại với ông Hùng trên facebook cá nhân của luật sư Định như sau: “Thưa ông thẩm phán, nền tư pháp này chưa đáng để nhận phỉ báng sao? Một đồng nghiệp của tôi cách đây nhiều năm đã ví von toà án là phiên chợ đấu giá, nơi ai trả giá cao sẽ “mua” được bản án. Tiếc thay hình như tình trạng ấy đến bây giờ lại được “nhân điển hình” khắp nơi.”

Dẫn nguồn từ Dân Trí, ông Nguyễn Huy Chánh, Trưởng đại diện NXB Lao Ðộng – Xã Hội tại Sài Gòn, cho rằng đây là một “tai nạn nghề nghiệp”. Ông cho biết, NXB sẽ kiểm tra về sự cố này và sẽ thu hồi tất cả các cuốn sách đã được bày bán trên thị trường.

Bạn đọc nedcen nói rằng đây không phải là sự cố do “tai nạn nghề nghiệp” gây ra, mà lỗi này có chủ đích. Bạn đọc nedcen viết: “Tôi cho rằng không phải vô ý đưa hình hài của diễn viên hài Công Lý lên bìa sách luật mà đó là có chủ ý. Họ muốn nói rằng luật của Việt Nam ta là một trò hài hước. Vì sao vậy ? Đó là do một số cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát, Tòa án trong nhiều vụ án đã biến người vô tội thành có tội và biến kẻ có tội thành vô tội, đó là những tiêu cực trong ngành tư pháp trong những năm qua không ngừng gia tăng. Hậu quả là luật pháp trở thành thứ hài hước.”

Một số bạn đọc nhận xét rằng, sự nhầm lẫm của nhà xuất bản Lao Động – Xã Hội thật là thâm thúy và đã đánh giá đúng nền tư pháp ở VN chỉ là một anh hề.

Phan Thu Hằng thắc mắc: “Nhà xuất bản phải chăng muốn ví von việc thi hành bộ luật như Công Lý diễn hài?”. Uyen Nguyen trả lời: “Nhà xuất bản thừa hiểu “Công Lý chỉ là diễn viên hài”, NXB thật can đảm và thâm thúy!”. Phuong Tony cho một ý kiến khác: “Ngụ ý của NXB có lẽ là: công lý ở VN chỉ như một thằng hề.” Vũ Tuấn nói: “Đúng là hài thật. Ngành tư pháp Việt Nam có cảm thấy vì sao lại bị nhạo báng công khai như vậy. Nhà xuất bản kia đúng là liều thật, nhưng chắc họ không phải là gã điên đâu.” Nguyen Dang Hoi có vẻ hài lòng: “NXB Lao Động – Xã Hội làm được điều trên cả tuyệt vời… Phản ảnh được những điều mà lâu nay [công luận] phải tốn bao nhiêu là giấy mực, những bình luận đúng sai, và những án tù đày cho những nhà tư tưởng lớn muốn thay đổi thực trạng XH hiện tại.”

Lê Nguyễn Hương Trà cho rằng: “Công lý đích thực là một diễn viên hài… Sự thật thường gây mất lòng.” Mai nói rằng: “sự thật nó vậy mà, có gì mà xoắn. Công lý ở VN chỉ là anh hề! Không biết vị nào duyệt cho in bìa này độc”thiệt ạ!”.

Một số bạn đọc khác cho rằng, đây là cách châm biếm có sức lan tỏa rộng nhằm nêu bật các thực trạng xã hội đang diễn ra ở VN.

Hoa Liên cho hay: “Đây là cách thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân để họ hiểu hơn về thực trạng xã hội và yêu cầu các nhà lãnh đạo phải thay đổi. Chứ, nếu, chỉ gửi thư phê bình hay góp ý với các cấp chính quyền thì các thư từ này chỉ bị vứt vào sọt rác mà không được xem xét.”

Phan Hoàng Liên tiếp lời: “Đấu tranh công khai trực diện đôi khi rất phiền phức, có thể bị tù tội, nhưng cứ giả vờ ngây ngô như thế này, rồi gửi những thông điệp này lại hay, có sức lan tỏa lớn và ai cũng hiểu được thông điệp muốn nói gì. Phương pháp quá đơn giản. Công lý ở VN chỉ là một diễn viên hài.”

Cũng dẫn nguồn từ Tuổi Trẻ, theo công văn của Cục Xuất bản ban hành quyết định đình chỉ phát hành quyển sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” với hai lý do là, “bìa của cuốn sách sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung cuốn sách” và ” dễ gây suy diễn, không có lợi cho bạn đọc.”
Trích từ nguồn Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Cầm -Giám đốc NXB Lao Động và Xã Hội, khẳng định, ông đã có lỗi khi “không kiểm tra lại bản scan trước khi in”.

Danh hài Công Lý nói rằng, ông ngạc nhiên và không hiểu tại sao hình ảnh của ông lại được sử dụng như thế này. Và, ông yêu cầu NXB phải gửi lời xin lỗi trực tiếp.

Thực sự, nền tư pháp Việt Nam đã tự mình biến thành những “anh hề” từ lâu.  Ngay những ngày đầu mới “cưỡng chiếm” miền Nam, dân gian đã xuất hiện những câu chuyện tiếu lâm, câu vè nhằm tố cáo “công lý” của chế độ cộng sản, như là: “Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý; Đồng khởi vùng lên mất Tự do”; “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, là cái lý của lẽ phải…”; “Việt Nam có một rừng luật, nhưng khi xử thì theo luật rừng”.

Nó thể hiện ở ngay những lời phát biểu “rất hài” của chính người đứng đầu Tòa án, như Chánh án Trịnh Hồng Dương mạnh miệng tuyên bố: “Luật dân sự xử sao cũng được”. Còn chánh án Nguyễn Văn Hiện than thở và thú nhận: “thiếu thẩm phán nên phải cố vơ vét cả lái xe, đánh máy lên làm thẩm phán…”. Đến thực tế khi một Việt Kiều đứng giữa Tòa tuyên bố “án bỏ túi, bản án với mấy chục trang, đọc hai ba tiếng mà nghị án có 5 phút”. Một anh công an quèn cũng có quyền khẳng định: “Luật là tao”. Hay, để chỉ hành vi “đưa- nhận hối lộ” giữa lái xe với cảnh sát giao thông, người ta gọi nó là “làm luật”. Hình ảnh quan tòa thì “xuống cấp”, “vô cảm”… chánh án, thẩm phán thư ký tòa cùng nhận hối lộ ngay tại trụ. Có Luật sư lớn tuổi – là Luật sư dưới chế độ Sài gòn- chia sẻ rằng: “Trước 1975, tôi quen một thẩm phán, Ông này  kể khi tuyên một án tử hình, ông bỏ ăn hai ba ngày vì suy nghĩ còn ngày nay, người ta tuyên một lúc 7 án tử hình, tuyên xong, ra khỏi cửa cười hô hố!”. Thật buồn!

Tuy nhiên mẫu chốt để biến những người thực thi công lý ở VN trở thành con rối, con hề là do bản chất của chế độ cs độc đảng gây ra. Mà tại VN một đảng cs lãnh đạo đất nước thì mọi phán quyết đưa ra sẽ không độc lập, không khách quan, không nhắm đến mưu sinh của con người mà chỉ còn là những con rối mà thôi.
HT. VRNs



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link