Ðoàn Thanh Liêm - Dấu hiệu khởi sắc của xã hội
dân sự tại Việt Nam hiện nay
Thứ Sáu, ngày 14 tháng 11 năm 2014
1. Xã hội dân sự
Theo định nghĩa, xã hội dân sự (XHDS) gồm những
tổ chức phi chánh phủ và bất vụ lợi (NGO-NPO = Non-Governmental, Non-Profit Organisations),
thì tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều NGO-NPO, kể cả Hội Chữ Thập Ðỏ, Hội Nhà
Văn, Hiệp Hội Thanh Niên, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ
Thuật v.v... vì rõ ràng là các đoàn thể, tổ chức đó không thuộc cơ quan nhà
nước, và cũng có tính cách vô vụ lợi.
Hội Chữ Thập Ðỏ là một trong những
tổ chức NGO-NPO tại Việt Nam. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty
Images)
|
Nhưng vì các tổ chức đó lại do đảng Cộng Sản đứng ra tổ chức và
điều động, nên có tính chất chính trị quá nặng nề, có thể coi đó là các tổ chức
ngoại vi của đảng Cộng Sản vậy. Ngay trong nội bộ của Hội Chữ Thập Ðỏ, thì luôn
có một “chi bộ đảng” để lo việc lãnh đạo. Nói gì đến các đoàn thể quần chúng
khác trong giới thanh thiếu niên, phụ nữ v.v...
Như vậy, ta có thể nói rằng đảng Cộng Sản đã bao trùm cả lãnh vực
XHDS, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi chánh quyền hay trong lãnh vực kinh
tế tài chính - vì thế mà được gọi là “chế độ độc tài toàn trị” (a totalitarian
dictatorship). Do đó XHDS ở Việt nam hiện nay bị “chính trị hóa,” bị đảng cộng
sản thao túng, lũng đoạn, giật dây khai thác - khác hẳn với tình trạng tại bất
kỳ một quốc gia dân chủ nào khác. Ðặc tính này là khía cạnh nổi bật, cần chú ý
nhất tại Việt Nam kể từ khi có chế độ Cộng Sản vậy.
2. Vai trò của XHDS đối với nhà nước
Như ta đã biết, XHDS đóng hai vai trò đối với nhà nước: Vừa làm
“đối tác” (counterpart) tức là hợp tác với Nhà nước trong các hoạt động phục vụ
dân chúng, như việc từ thiện nhân đạo, cải tiến dân sinh, xóa đói giảm nghèo
v.v... Vai trò khác là làm “đối trọng” (counterbalance) đối với nhà nước, tương
tự như “check and balance” (kiểm soát và quân bình), tức là “phải theo dõi, phê
phán, nhắc nhở can ngăn, cảnh báo” nhà nước trong các chuyện bất công xã hội,
đàn áp bóc lột, tham nhũng phí phạm tài sản quốc gia v.v... Cụ thể là phải cất
lên “tiếng nói lương tâm” (the voice of conscience) trước những sa đọa, tồi tệ,
ngoan cố, độc tài chuyên chế do cán bộ nhà nước gây ra, khiến làm thiệt hại
trầm trọng đối với quyền lợi chính đáng của tầng lớp người dân “thấp cổ bé
miệng, thân cô thế cô.”
Vì như đã nói ở mục trên, các tổ chức NGO-NPO hầu hết đều là “các
cơ sở ngoại vi của đảng Cộng Sản,” nên luôn có sự “a tòng đồng lõa”
(complicity) với mọi hoạt động sai trái, thất nhân tâm của đảng, của nhà nước
Cộng Sản. Mặt khác, người dân vẫn còn sợ “bàn tay sắt” của công an mật vụ, hay
một số nhân sĩ, lãnh đạo tôn giáo bị mua chuộc thế này, thế khác, nên đã khoanh
tay bất động trước những lầm than cơ cực của “dân oan,” nhất là tại các vùng nông
thôn hẻo lành.
Lại còn có thái độ “mackeno” (mặc kệ nó) của mỗt số người đã quá
“trây lì, tuyệt vọng” trước những tình huống bế tắc, lộng hành do cán bộ của
đảng và của nhà nước liên tục gây ra, nên đã tự biến mình thành lũ người tiêu
cực, không hề còn chút sĩ khí, dũng cảm của mẫu người trượng phu quân tử như
trong truyền thống xưa kia của cha ông chúng ta. Rút cục, thái độ thụ động nhu
nhược như thế đó cũng là một hình thức tiêu cực của sự “đồng lõa” đối với nhà
nước độc tài chuyên chế Cộng Sản hiện nay ở Việt Nam mà thôi.
3. Lối thoát
Làm sao tìm được “lối thoát” cho tình trạng bế tắc ngặt nghèo hiện
nay?
Thiết nghĩ giới sĩ phu trí thức (intelligentsia) là tinh hoa, là
nguyên khí của quốc gia, thì họ phải đóng vai trò của một bộ óc, như là một thứ
“think tank.” Họ cần phải tìm cách sát cánh, hợp tác chặt chẽ được với tầng lớp
“lãnh đạo tinh thần” nơi các tôn giáo, để cùng nhau nêu cao vai trò “làm đối
trọng đối với nhà nước.” Cụ thể là hai giới trí thức hàn lâm và lãnh đạo tôn
giáo (academia and churches) phải liên kết với nhau để cùng dấn thân nhập cuộc
vào công trình thực hiện cả ba vế trong lời kêu gọi của nhà ái quốc Phan Châu
Trinh đã hô hào từ hồi đầu thế kỷ 20, đó là: “Nâng cao dân trí, chấn hưng dân
khí, cải tiến dân sinh.” Phải có dũng khí, can đảm cộng với sự nhẫn nại kiên
trì và óc năng động sáng tạo, thì mới có thể cùng siết tay nhau mà làm được
việc lớn lao, có ích lợi cụ thể, thiết thực cho toàn thể quần chúng nhân dân
được.
Với tình trạng tiến bộ về khoa học, kỹ thuật hiện nay của thế giới,
thì các chi tiết thực hành dù có phức tạp khúc mắc đến đâu, chúng ta đều có thể
giải quyết và vượt qua được hết. Vấn đề chính yếu còn lại là chúng ta làm sao
có được ngọn lửa say mê nhiệt thành và sự quyết tâm kiên trì cùng nhau dấn thân
nhập cuộc cùng với quần chúng nhân dân, để tự biến mình thành“chất men, chất
xúc tác” (catalyst) được vùi vào trong môi trường quần chúng hầu gây được tác
động “lên men” (mass fermentation), gây thức tỉnh giác ngộ” (conscientisation)
đối với số đông tập thể nhân dân khắp nơi, khắp chốn, để cùng nhất loạt vùng
lên tự giải thoát dân tộc khỏi tình trạng bế tắc tuyệt vọng hiện nay. Ðó thiết
nghĩ mới là cái lối thoát khả dĩ cho quê hương đất nước thân yêu của chúng ta
vào lúc này vậy.
4. Dấu chỉ lạc quan
Có những dấu chỉ đáng phấn khởi hiện nay vào đầu năm 2013.
Từ đầu năm 2013, tại Việt Nam đang nổi lên cả một phong trào sôi
nổi của nhiều tầng lớp quần chúng đòi hỏi chính quyền cộng sản phải có sự thay
đổi sâu xa về hệ thống chính trị và luật pháp - mà khởi đầu là kiến nghị của 72
nhân sĩ đích thân gửi đến Quốc Hội với những đề nghị cụ thể và chi tiết về bản
Hiến Pháp trong tương lai. Tiếp liền theo đó là sự bày tỏ lập trường của các tổ
chức tôn giáo như Công Giáo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo,
đặc biệt là Bản Lên Tiếng của Các Công Dân Tự Do - phát xuất từ lập trường can
đảm của nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên v.v...
Nhờ có sự tham gia đông đảo của hàng chục ngàn người ký tên trên
các Bản Lên Tiếng và Kiến Nghị nói trên, đặc biệt là qua sự phổ biến trên
Internet, mà rất đông giới trẻ ở trong cũng như ở ngoài nước đã mạnh dạn thẳng
thắn bày tỏ lập trường kiên quyết, không nhân nhượng của mình - để đòi hỏi đảng
Cộng Sản phải từ bỏ độc quyền thao túng, lũng đoạn trong sinh hoạt chính trị
của quốc gia. Cụ thể là phải “Bãi bỏ điều 4 trong Hiến Pháp năm 1992,” “Phải tổ
chức một Quốc Hội lập hiến” để soạn thảo hẳn một bản Hiến Pháp hoàn toàn mới -
để đem ra trưng cầu dân ý cho toàn thể quốc dân được hành xử cái quyền phúc
quyết đối với đạo luật căn bản của quốc gia.
Rõ ràng đây là một bước đầu thật phấn khởi của đông đảo quần chúng
nhân dân - đã vượt qua được nỗi sợ hãi trước sự đàn áp tàn bạo nham hiểm của
chế độ độc tài chuyên chế Cộng Sản vốn ngự trị trên đất nước ta từ gần 70 năm
qua. Và ta có thể nói rằng: Ðây cũng là một sự thách thức nghiêm trọng (the
serious challenge) mà xã hội dân sự đang trực diện đặt ra đối với chính quyền
nhà nước Cộng Sản, nhằm buộc nhà nước và đảng Cộng Sản phải chấp nhận cái vai
trò “làm chủ đích thực của quần chúng nhân dân” trong mọi sinh hoạt chính trị
văn hóa cũng như kinh tế xã hội của quốc gia.
Chúng ta thấy có một sự đồng thuận rất chặt chẽ giữa giới trí
thức, giới thanh niên trẻ tuổi và nhất là giới quần chúng tôn giáo trong công
cuộc tranh đấu bất bạo động lúc này - nhằm xây dựng một thể chế thật sự tự do
dân chủ và nhân ái cho đất nước và bảo vệ sự công bằng xã hội cũng như tôn
trọng phẩm giá và quyền con người của mọi công dân Việt Nam chúng ta.
Tóm lại, cao trào tranh đấu của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở
Việt Nam vào mùa Xuân năm Quý Tỵ 2013 hiện nay đang diễn ra với một khí thế
thật sôi nổi, hào hứng sinh động. Sau bao nhiêu năm bị chế độ Cộng Sản kềm chế
ngặt nghèo, XHDS ở nước ta đã bắt đầu phục hồi lại và đang có dấu hiệu của sự
trưởng thành vững chãi, để mà dám đứng ra làm “đối trọng” đối với chính quyền
nhà nước và đảng Cộng Sản để bắt buộc họ phải trả lại cho nhân dân quyền tự
quyết trong việc điều hành sinh hoạt của toàn thể quốc gia.
Ðó quả là một tín hiệu rất phấn khởi cho dân tộc chúng ta hiện nay
vậy.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment