Thursday, November 20, 2014

Hồi ức và suy niệm về chuyện thầy trò.


Hồi ức và suy niệm về chuyện thầy trò.

Tiêu Dao Bảo Cự

Hôm nay tròn một tháng kể từ khi quyết định quản chế có hiệu lực, tôi phải đến trình diện Ủy ban Nhân dân phường theo quy định. Từ hôm kia, tổ trưởng dân phố đã đến gặp tôi bảo công an nhắc tôi làm báo cáo tình hình chấp hành quyết định quản chế trong tháng để thông qua tổ dân phố và khu phố trước khi đến phường. 

Việc này đã được chủ tịch ủy ban Nhân dân phường thông báo trong ngày tôi trình diện tháng trước. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này và quyết định từ chối không làm. Tôi ghét cái trò báo cáo này. 

Vả lại tôi báo cáo có ích gì. Công an và chính quyền địa phương theo dõi giám sát chặt chẽ và họ hãy tự đánh giá lấy. Tôi xem lại quy định vấn đề quản chế, có điều khoản nói người bị quản chế phải báo cáo khi đến trình diện hàng tháng tại ủy ban Nhân dân phường nhưng không nói cụ thể phải làm văn bản thông qua tổ và khu phố.

 Tôi muốn nhân dịp này trắc nghiệm thái độ của công an. Trước đây tôi đã thử không chấp hành lệnh triệu tập của Công an Thành phố và sau đó nhận được quyết định quản chế, bây giờ tôi không làm văn bản báo cáo xem thử họ làm gì. 

Tôi đã bị quản chế thời hạn tối đa 2 năm theo quy định, họ có tăng thêm được không. Tôi không muốn rắc rối nhưng cũng không muốn bị công an ép. Tôi phải cho họ thấy tôi không phải là người nhát sợ và dễ bị khuất phục.

Dự làm việc trong buổi trình diện của tôi có H, Chủ tịch phường, A – công an khu vực và S, đại diện Công an Thành phố. H hỏi tôi văn bản báo cáo đâu. Tôi nói ngay tôi không làm. Hà có vẻ bực mình nói đã nhắc tôi từ hôm trình diện tháng trước. Tôi nói tôi báo cáo miệng được rồi và nói vài câu chiếu lệ. Sau đó A nhận xét nói tôi chấp hành quyết định tốt trong việc đi lại và tham gia sinh hoạt ở địa phương. 

H cũng hoan nghênh tôi chấp hành tốt trong tháng đầu, chỉ tiếc tôi không chịu làm văn bản báo cáo và đề nghị S góp ý về chuyện này. S thừa nhận trong quy định không nói rõ hình thức báo cáo và tôi báo cáo miệng cũng được nhưng tốt hơn nên báo cáo  bằng văn bản để lưu hồ sơ và chính quyền địa phương có cơ sở nhận xét. 

Hai người kia cũng xúm vào khuyên tôi nên làm văn bản vì điều đó có lợi cho tôi, có người còn nhắc ý sau này có chuyện xét giảm thời gian quản chế. Tôi thấy họ không có ác ý hay muốn gây khó khăn mà chỉ làm theo lệnh và đúng thủ tục, nếu tôi không chịu làm họ cũng mệt.

Trao đổi qua lại một hồi, cuối cùng tôi nói: “Nếu cần làm thì làm, có khó gì đâu.” Tôi đã nghĩ nếu họ căng, tôi sẽ không nhượng bộ vì rõ ràng trong quy định quản chế không noi rõ việc này. Nhưng thực tế thái độ của họ lại tỏ ra hòa hoãn, tôi cũng không muốn căng thẳng vô ích. 

Dù sao giữ tình trạng hòa hoãn, nhất là đối với địa phương vẫn tốt hơn. Tôi có nhiều việc cần làm, nhiều điều phải viết, kể cả dự định hoàn thành một cuốn tiểu thuyết trong hai năm quản chế nên không để xảy ra rắc rối vẫn tốt hơn.

 Về chuyện đi đổi bảng số xe, tôi nói cảnh sát giao thông lại hẹn tiếp và tôi đang định yêu cầu gia hạn giấy phép trước. S nói để liên lạc điện thoại với cảnh sát giao thông trước xem biển số xe của tôi đã có chưa, nếu có S sẽ điện báo cho A biết, A làm giấy phép mới cho tôi để tôi khỏi mất công đi lại nhiều lần. H cũng mau mắn ký sẵn giấy phép giao cho A và  A nói sau khi S báo A sẽ làm giấy phép mang xuống tận nhà cho tôi. Thế cũng tử tế chán.

S còn hỏi tôi có nguyện vọng gì. Tôi nhắc lại yêu cầu hàng tuần sáng chủ nhật đi ra phố. S bảo A ghi điều này vào biên bản. H nói tháng đầu cần làm nghiêm nhặt nhưng sau này chắc sẽ dễ dàng hơn. Hi vọng yêu cầu này sẽ được giải quyết và ngoài ra khi thực sự cần thiết phải đi đâu, tôi cứ làm đơn đến gặp H, H sẽ giải quyết ngay.
Sau cùng A đọc lại biên bản và mọi người ký vào. Buổi trình diện đầu tiên này mất gần 2 tiếng.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin về cuộc họp báo của Ngụy Kinh Sinh ở Mỹ. Ngụy Kinh Sinh nói trong thời gian ở tù, có lúc ông rất cô đơn và chỉ biết tự trông cậy vào mình. Ông kêu gọi nhân dân Trung Quốc đừng yếu đuối và hãy tự đứng lên giành lấy tự do dân chủ.
Tôi thông cảm sâu sắc các ý này của Ngụy Kinh Sinh. 

Dưới các chế độ độc tài kiểu cộng sản, những người chống đối và bị đàn áp đúng là có lúc cảm thấy cô đơn ghê gớm khi chung quanh bị vây bủa và cô lập ra khỏi xã hội, không có ai dám quan hệ, ủng hộ. Sức mạnh bạo lực của bộ máy đàn áp thực kinh khủng, tạo ra nỗi sợ hãi bao trùm toàn bộ xã hội nhưng nếu nhân dân vượt qua được nỗi sợ, sự yếu đuối của chính mình thì nhất định không sức mạnh nào có thể trấn áp nổi.

 Nhưng đến lúc nào và làm thế nào để nhân dân có thể vượt qua sự yếu đuối này  là một vấn đề hóc búa. Trước đây trong những thời kỳ bị thực dân nước ngoài xâm lược, những người cộng sản đã làm được việc hô hào nhân dân nổi dậy nhưng nay dưới sự cai trị của người cộng sản, điều này xem ra khó khăn gấp bội.
Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam. Buổi sáng Đan Tâm đi đến trường dự lễ. Năm nay Nhà trường và Hội phụ huynh học sinh cho mỗi giáo viên nữ một bộ quần áo dài nhưng bắt phải may đồng phục. Không biết ai chọn vải màu xanh trông phát sợ. Các cô giáo mặc áo quần đồng màu trông như những cái cây biết đi. Đến thời kỳ này mà có người vẫn còn thích đồng phục. Thật đáng sợ, nhất là khi người ta lại có quyền, có tiền.

Tổ ngoại ngữ của Đan Tâm năm nay thi văn nghệ đứng hạng bét vì quá bê bối. Tổ trưởng bảo tổ sẽ hát 5 bài hát tiếng Anh ngắn, những bài mà trong một khóa bồi dưỡng Anh văn hè, một số giáo viên đã được tập. Tuy có vài người chưa biết, tổ trưởng chỉ đưa cho mượn băng cát xét và bản chép lời bài hát để tự tập lấy. Sau đó chẳng cần dượt trước, đến ngày lễ, trong khi tổ khác trình diễn thì tổ ngoại ngữ ngồi dưới chụm vào nhau thì thầm hát sơ vài lần rồi lên biểu diễn luôn. Thật hết biết.

Trước ngày lễ khoảng một tuần, Ban Giám hiệu được mời đi họp Hội đồng Nhân dân Thành phố trong đó có bàn việc chỉ đạo tổ chức Ngày Nhà giáo, về thông báo lại làm  nhiều giáo viên rất bất mãn. Có một bà lớn đại biểu nào đó phát biểu rằng bà mong con bà mau lớn vào đại học để thoát nạn quà cáp cho giáo viên nhân ngày Nhà giáo. Bà có mấy đứa con đang học trung học và năm nào cũng phải lo chuyện này phát mệt, quà ít sẽ bị giáo viên chê và con bà bị đì. Không biết thực hư như thế nào mà ăn nói kiểu đó thật vô trách nhiệm và không chút tình nghĩa. Thế nhưng Ban Giám hiệu cũng sợ và không biết ai chỉ đạo thế nào mà năm nay học sinh rất ít đến nhà thăm, chúc mừng giáo viên, chỉ tổ chức mừng và tặng quà chung ở trường.

Tối hôm qua, có một phụ huynh chở hai con đến thăm Đan Tâm. Ông ta tuôn ra một tràng những lời sáo rỗng rồi gởi Đan Tâm chiếc phong bì và xin kiếu để kịp đi đến giáo viên khác. Đan Tâm từ chối nhưng ông ta vẫn để phong bì lại, khi mở ra thấy có 20.000đ. Không phải vì tiền ít và kể ra ông ta cũng có lòng và chịu khó nhưng biết ơn nhà giáo kiểu này, giáo viên không cảm thấy an ủi chút nào. Lại còn một chỉ đạo không biết từ đâu mà học sinh tặng hoa cho thầy cô giáo chỉ mua toàn hoa vải chứ không dùng hoa tươi. 

Chắc là chỉ cốt để tiêu thụ hoa giả ở các nơi bán hàng có quen biết với nhà trường. Cái thời buổi này người ta thể hiện sự “Tôn sư trọng đạo” thật máy móc và đơn điệu. Cứ đến ngày 20/11 mới lễ lạc rùm beng. Văn nghệ thì cứ bài ca muôn thuở “Bụi phấn rơi rơi”. Không biết may hay rủi mà tôi đã thôi làm thầy giáo từ hơn 20 năm nay.

Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm và đã làm thầy giáo 8 năm trước khi bỏ nghề.

Thời tôi học trung học, không có giáo viên nào đối với tôi là thần tượng nhưng hình ảnh các thầy cô lúc nào cũng là hình ảnh đáng kính đến nỗi không bao giờ tôi nghĩ thầy giáo cũng đi tiểu như người thường. Vì thế có một lần tôi đã xiết bao kinh ngạc và gần như hoảng hốt khi thấy một thầy giáo đứng đái bên vệ đường.
Lớn lên vào đại học, trong một môi trường trí thức và tự do, với tâm trạng khát khao chân lý và những giá trị lớn lao, tôi vẫn không coi thầy giáo là thần tượng tuy vẫn kính nể những người thầy mà tôi cho là có nhân cách. 

Trong một giai đoạn sục sôi lửa đấu tranh cho tự do dân chủ, hòa bình và công bằng xã hội những năm 60 ở miền Nam, đôi lúc ngồi trong trong lớp nghe giáo sư phân tích những “kiến thức xác chết” xa lạ với đời sống và nỗi đau của dân tộc, tôi có tâm trạng muốn đứng lên ném giáo sư ra cửa sổ. Và khi ở trong tù, tôi mơ đến một cuộc tình lãng mạn và viết thư tỏ tình với một nữ giáo sư dạy Anh văn. Nữ giáo sư này tốt nghiệp ở nước ngoài, đã có chồng, nói tiếng Anh thánh thót không thua gì người Anh. 

Bà có một  nét mặt thanh thoát, mang kính  cận màu xanh thật nhạt, dáng mảnh mai yếu đuối và luôn mặc jupe, đi giày cao gót như người Tây phương. Tôi ngưỡng mộ bà và trong lớp bao giờ tôi cũng đến sớm, ngồi bàn đầu để có thể say mê ngắm bà. Khi tôi ra tù, chỉ còn một tháng nữa là hết năm cuối ở đại học, việc đầu tiên trong giờ Anh văn là tôi lẳng lặng lên đưa cho bà chiếc phong bì trong đó có lá thư tỏ tình tôi viết trong tù.

 Tôi đã hạnh phúc xiết bao khi thấy bà đọc xong, không nổi giận mà lại nhìn tôi bằng cái nhìn trìu mến đầy thông cảm. Sau đó không có chuyện gì xảy ra dù tôi vẫn có dịp say mê nhìn và uống nuốt giọng nói tiếng Anh thánh thót của bà trong những giờ học ít ỏi còn lại trong tháng sau cùng của năm học.

Ra trường đi nhận nhiệm sở mới, có lẽ tôi đã chuẩn bị hơn một tháng trời cho giờ gặp mặt đầu tiên với học trò. Năm đó tôi 22 tuổi, tóc dài bồng bềnh, mặt trắng môi hồng, mang đầy ắp trong tâm hồn vừa chất lãng mạn vừa ngọn lửa đấu tranh của sinh viên Huế, đi chinh phục học trò ở một tỉnh nhỏ cao nguyên, Ban Mê Thuột – Buồn Muôn Thuở, nơi tôi tình nguyện nhận nhiệm sở để được đi xa đến một vùng đất lạ.

Những giờ đầu tiên tôi đến với các lớp trung học đệ nhị cấp ở đây đúng là một biến cố đối với học trò. Khi ông Giám học dẫn tôi vào giới thiệu với lớp học, ban đầu học sinh tưởng tôi là học sinh mới vì các em một số cũng xấp xỉ tuổi tôi và sau đó đều ồ lên kinh ngạc khi được biết đây là giáo sư văn chương. Trong những giờ sơ ngộ này tôi đã mang tất cả chất lửa và hoài vọng của mình chuyển đạt đến thế hệ đàn em, bằng một thứ ngôn ngữ trữ tình và hùng tráng nhất có thể có được.

Từ đó tôi là người thầy, cũng là người anh thân thiết đối với học trò, nhất là các lớp ban C văn chương do tôi thành lập đầu tiên  vì trước đó trường không có giáo sư văn chương chính thức. Tôi đã hướng dẫn học sinh làm báo, thuyết trình là những hoạt động mới mẻ  đối với học sinh ở đây. Tôi đã cùng các em học sinh nam tập thể dục, chạy bộ buổi sáng, ngày nghỉ cùng một nhóm học sinh thân đi picnic hay uống café, nghe nhạc. Có lần tôi còn dạy các em nhảy a-gogo là một điệu nhảy mới thịnh hành và cả đám thầy trò vừa đập ghita vừa đập cả nồi niêu xong chảo nhảy loạn xạ trong căn nhà trọ bé nhỏ của thầy.

Một lần vào dịp Tết tôi quyết định không về gia đình mà ở lại nhà trọ để đợi một người yêu phương xa hẹn đến. Thư từ chúng tôi qua lại về ngày hẹn bị một kẻ ghen ghét đánh cắp nên chúng tôi mất liên lạc và không gặp được nhau. Tôi đã cô đơn không cùng trong những ngày này. Một cô bé học trò đến rủ tôi đi nhảy ở một party quen nhưng tôi không đi. Cô bé đã ở lại an ủi tôi và cuối cùng nói mãi, em mới chịu rời tôi đi chơi với bạn bè.

Không phải chỉ chơi bời với học trò, bằng tất cả kinh nghiệm đấu tranh thời sinh viên, tôi đã xách động học sinh toàn trường bãi khóa và lôi kéo được đa số giáo sư trong trường đấu tranh để lật đổ Hiệu trưởng tham nhũng và chống luôn cả Tỉnh trưởng khi ông này muốn can thiệp vào. 

Đó là thời kỳ sóng gió nhất của nhà trường này từ khi thành lập. Sau đó tôi đã bị ngưng chức và ra hội đồng kỷ luật của Bộ Giáo dục cùng với 5 giáo sư khác của trường. Hiệu trưởng tham nhũng bị chuyển đi nơi khác và chúng tôi được trả về nhiệm sở cũ nhưng hoàn cảnh nhà trường còn tệ hơn nên tôi cũng chán và xin chuyển đi nơi khác sau ba năm dạy tại đây.

Hơn 20 năm sau, khi tôi cùng Bùi Minh Quốc và Hữu Loan thực hiện chuyến đi xuyên Việt, trở lại nơi đây, tôi cố tìm gặp vài học sinh cũ ngày xưa còn ở lại đây. Một em học sinh khá thân hồi đó, một anh chàng nay đã hơn 40 tuổi, cao lớn,  để râu quai nón rậm rì, sau lần gặp đã viết cho tôi một lá thư rất cảm động.

 Cậu ta bảo hôm tôi nhắn gặp, cậu ta đã vô cùng xúc động và không sao trấn tĩnh được khi gặp tôi, không nói được lời gì cho ra hồn để bày tỏ nỗi xúc động của mình. 

Đây là một học trò lớp ban C văn chương đầu tiên do tôi thành lập, rất thông minh và giỏi ngoại ngữ, đã từng đoạt giải hùng biện Anh văn toàn Miền Nam và được thưởng đi du lịch Mỹ một tháng lúc mới học lớp đệ nhị. Tiếc thay cuộc đời của em lại quá lận đận. Em bị động viên đi sĩ quan, sau 75 đi cải tạo mấy năm liền và bây giờ về lấy vợ, làm vườn ở một xã kinh tế mới. Em vẫn nhớ luôn đến người thầy cũ.

Từ Ban Mê Thuột, sau vụ kỷ luật tôi chuyển sang một thị xã mới thành lập có biệt danh “Thị trấn Sương mù”. Tại ngôi trường mới này, tôi đã tổ chức cho học sinh làm báo và thuyết trình, hội thảo suốt từ lớp đệ thất cho đến lớp đệ nhất. Tôi cung cấp các tài liệu gọi là “tiến bộ, cách mạng” cho học sinh nghiên cứu và luôn luôn đặt những câu hỏi, những vấn đề liên hệ đến tình hình thời sự hiện tại. Với lòng khao khát tự do và sự sôi nổi của tuổi trẻ, nhiều học sinh các lớp đệ nhị cấp trong giờ thuyết trình đã đứng lên hô hào diệt trừ tham nhũng, lật đổ chế độ. 

Có một lần sau buổi thuyết trình như thế, cảnh sát đã đến bao vây lớp học lục soát sách vở của học sinh để tìm xem có tài liệu gì của cộng sản không. Tôi đã bị ghi vào sổ đen của Ty Cảnh sát, Ty Giáo dục cũng như  nhà trường và đã có lần bị gọi lên Bộ Giáo dục cảnh cáo về thái độ chống chính quyền và thân cộng, cùng với Trần Minh Thảo, lúc đó dạy cùng trường.

Một số học sinh lớn mê thuyết trình, thảo luận đến độ rủ nhau vào rừng chặt cây, tranh tre về dựng một cái chòi trong vườn nhà tôi làm chỗ hội họp, trao đổi. Những học sinh này trưởng thành nhanh chóng, đã có thể ra tranh cử  nắm ban đại diện học sinh, tổ chức làm báo, thuyết trình, hội thảo, cả mấy cuộc bãi khóa toàn trường để tỏ thái độ chính trị trước những vấn đề thời cuộc. Một trong các tờ báo Xuân của Ban Đại diện Học sinh đã bị tịch thu, cấm phát hành vì có nội dung “tuyên truyền có lợi cho cộng sản”

Mối quan hệ của tôi và học sinh thân thiết tin cậy đến độ một học sinh đã đến hỏi ý kiến tôi về việc em định giết một người bạn của cha em vì ông này hay rủ rê cha em cờ bạc, rượu chè làm cha em trở nên hư hỏng, còn về hành hạ gia đình, đánh đập vợ con. Em đã chuẩn bị sẵn một quả lựu đạn và tính toán kế hoạch hành động. 

May mà em chịu nghe lời khuyên của tôi và bỏ ý định đó. Một em khác cũng đã hỏi ý kiến tôi trước khi bỏ học đi lính biệt kích. Em không nghe lời khuyên của tôi vì đang ở trong tâm trạng và hoàn cảnh riêng khủng hoảng không thể tiếp tục học được. Sau đó thỉnh thoảng em vẫn viết thơ cho tôi và đáng buồn thay chỉ vài năm sau em đã tử trận.

Một số học sinh cũ của tôi hiện nay đang giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền, có người là tỉnh ủy viên, có người là bí thư huyện, có người là trưởng phòng của cơ quan cấp tỉnh, có người là chủ tịch huyện, trưởng phòng các ban bệ của huyện, xã, hiệu trưởng, giáo viên các trường trung học…

Các “học sinh – cán bộ” này có người gọi tôi bằng anh theo kiểu “cách mạng”, có người vẫn gọi tôi bằng thầy, xưng em, có người cảm thấy hổ thẹn khi tôi gợi lại lý tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ, công bằng thời tuổi trẻ. 

Một lần mới đây tôi gặp một học sinh cũ ở chợ huyện. Em chắc cũng đã gần 40 tuổi, gầy gò, quần áo bẩn thỉu, đang ngồi ở bậc thềm chợ. Tôi đi ngang em chào và chúng tôi nói chuyện với nhau chừng 10 phút. Sau khi chào hỏi, em nói ngay với giọng đầy trách móc: “Ngày xưa thầy đã lầm khi kêu gọi đấu tranh lật đổ chế độ cũ và tụi em cũng làm theo. 

Bây giờ thầy có nhận ra điều đó và có hối tiếc không? “Tôi hơi sững người trước câu hỏi bất ngờ đó và vì đang đứng trước chợ, tôi lại có chuyện vội nên không tiện lý giải vấn đề mà chỉ trả lời qua loa, hẹn sẽ gặp em vào dịp khác để nói chuyện. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp gặp lại người học trò cũ đó. 

Tôi cũng chưa nhớ ra tên em và hỏi em đang làm gì nhưng qua bề ngoài chắc em sống rất khó khăn nghèo khổ. Tôi thật sự xúc động vì biết đã từng có những học sinh tin tưởng mình đến thế và thấy trách nhiệm của mình thật quá nặng nề. Tôi thật sự mong lại được gặp em để thầy trò hàn huyên chuyện đời.

Mấy năm trước, có lần bức xúc chuyện đời sống, tôi đã có ý nghĩ xin đi dạy lại ở một trường nào đó. Dù tôi có xin cũng chưa chắc trường nào dám nhận nhưng vợ tôi và một số bạn bè đã khuyên tôi không nên đi dạy vì tôi sẽ không thể nào chịu nổi. Làm sao tôi có thể soạn giáo án hàng năm theo đúng như “sách giáo khoa pháp lệnh” khi tôi đã từng là một giáo sư văn chương tung hoành tự do trong bài giảng rực chất lửa và dấu ấn cá nhân đầy sáng tạo của mình? 

Làm sao tôi có thể chăm chút những sổ sách giấy tờ vô bổ kiểu sổ dự giờ (được giáo viên hiện nay gọi đùa là “dự giờ lý thuyết” hay “dự giờ hàm thụ” vì chỉ căn cứ vào thời khóa biểu của đồng nghiệp để làm sổ do không ai có dư thời gian và can đảm để dự giờ thực tế như trong quy chế đã ghi), sổ ghi chép hội họp, sổ học nghị quyết, sổ tích lũy nghiệp vụ, kế hoạch cá nhân, kế hoạch bộ môn…? 

Làm sao tôi không “cháy giáo án” vì bài nào cũng được quy định cụ thể dạy vào tiết nào trong tuần, trong tháng khi tôi đã từng hứng lên dạy Kiều ba tháng liền thay vì một tháng như chương trình quy định, hay dạy về Cao Bá Quát gấp đôi thời gian dành cho Nguyễn Công Trứ vì tôi mê thơ đầy chất lửa, khí phách anh hùng và cuộc đời bi tráng của nhà thơ bị rơi đầu trên pháp trường?

 Làm sao tôi chịu được những ông bà ban giám hiệu, thanh tra… hoạnh  họe cả trong những vấn đề chuyên môn mà chắc họ không hiểu rõ bằng tôi? Làm sao…?  Còn đủ thứ làm sao. Tôi “mất dạy” có lẽ cũng là điều hay.

Dù sao năm nào các con tôi cũng gởi thiệp chúc mừng bố mẹ nhân Ngày Nhà giáo và năm nay Đan Tâm đi mua cho tôi một cái áo vét dù trong hai năm tới chưa chắc tôi có dịp nào để mặc.
T.D.B.C
Tác giả gửi BVN

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link