Sunday, November 16, 2014

Lại phải đấu tranh cho hai mục tiêu Dân tộc và Dân chủ

Lại phải đấu tranh cho hai mục tiêu Dân tộc và Dân chủ

Thiện Tùng

Sau 30/04/1975, không biết dùng từ nào: tự mãn, tự đắc, tự kiêu… để mô tả một cách chính xác trạng thái giới lãnh đạo Việt Nam (VN) lúc bấy giờ. Tôi còn nhớ, từ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn lan  ra những quan chức từ cao xuống thấp câu nói: VN đã đánh thắng Mỹ thì từ nay không một thế lực nào dám đụng đến VN.

Từ nhận định lạc quan ấy , Đảng chủ trương cho ra quân: hàng loạt  sĩ quan dày dạn trận mạc phải khăn gói phục viên, áp dụng “nghĩa vụ quân sự, trẻ hóa quân đội”, gây ra làn sóng bất bình trong giới cựu chiến binh. Trong cuộc hội nghị ở trường 7 Nguyễn Ái Quốc tại Thủ Đức (có tôi dự), từ trên diễn đàn, ông Chu Tam Thức, Thứ trưởng Bộ Tài chính cao giọng: “Chuyện có chấp nhận ra quân hay không quyết định do Bộ Tài chính. Nếu Tài chính không trả lương có ở lại không? Hãy nghĩ xem, lương cho một cựu chiến binh đủ cấp cho 3 đến 4 tân binh …”.

Ngay từ năm 1972, Trung Quốc (TQ) bắt đầu mua chuộc giới lãnh đạo Campuchia (CPC), chuẩn bị con bài Pôn-Pốt thay chỗ cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng CPC Khiêu-Xăm-Phon vốn là chỗ thân tín với VN. Phái thân TQ thường xuyên gây hấn, không cho lực lượng kháng chiến VN dựa vào vùng biên giới 2 nước.

Lợi dụng Việt Nam  vừa  ra  khỏi  chiến  tranh và bận  lo việc  tiếp  quản,với 2  ngàn cố vấn TQ cầm tay chỉ việc, Pôn-Pốt xua quân đánh chiếm đảo Thổ Chu của VN. Tiếp sau đó, chúng triển khai quân tấn công sang VN trên toàn tuyến biên giới: chúng tràn sang lãnh địa Hà Tiên, Châu Đốc, An Phú, Tân Châu, Hồng Ngự, Mộc Hóa (Kiến Tường), Tây Ninh, Phước Long bắn giết, cướp bóc. Với đội ngũ tân binh, những tháng đầu VN thúc thủ, bị động trong đối phó. Không còn cách nào khác, phải gọi cựu chiến binh tái ngũ. Khi cựu chiến binh tái ngũ, làm nòng cốt, chẳng những đủ sức đánh trả, đẩy lùi chúng ra khỏi biên giới, còn truy kích bọn chúng đến tận thủ đô Phnong-Penh. Đàn em phía Tây Nam bị thảm bại, giới cầm quyền TQ xua 600 ngàn quân tràn sang các tỉnh biên giới phía Bắc gọi là “Dạy cho VN một bài học” và tiến hành lấn chiếm biển đảo của VN như mọi người đã biết.

Tôi phải dài dòng như thế để nói rằng: VN hết chống xâm lược Pháp, can thiệp Mỹ đến chống xâm lược Tàu không giờ phút nghỉ ngơi. Và cũng để nói rằng, cho đến giờ này VN vẫn phải tiến hành cuộc đấu tranh cho 2 mục tiêu Độc lập dân tộc và Dân chủ –  tức là tiếp tục cuộc “Cách mạng Dân tộc Dân chủ” do Hồ Chí Minh phát động, được khởi xướng khi toàn quốc kháng chiến hồi năm 1946.

Vậy là sự tự kiêu, tự mãn… của Đảng sau 30/04/1975 phải trả giá quá đắt. Nếu không kịp tỉnh ngộ, tiếp tục ảo tưởng với đồng chí bạn vàng, bạn tốt chúng ta sẽ chết với thủ đoạn xâm lược mềm của giới cầm quyền Bắc Kinh. Họ đang ráo riết tiến hành đồng bộ trên mọi lĩnh vực, kể cả việc mua chuộc, ly gián CPC và Lào đối với VN.

Theo chủ quan, tôi nhận định:
* Lịch sử đã ghi nhận: mỗi khi Việt Nam, Campuchia, Lào đoàn kết, lấy dải Trường Sơn làm lưng dựa là vô địch – Pháp cũng đã thấy điều đó nên bao giờ họ cũng đặt ánh thống trị trên cả 3 nước Đông Dương. TQ đang chú tâm mua chuộc lãnh, tạo con bài thân tín, ly gián 3 nước Đông Dương với mưu đồ chia để trị; đồng thời, qua hợp tác với ta khai thác Bauxite Tây Nguyên, họ đang “dòm ngó”dải Trường Sơn. Họ có dụng ý thôn tính 3 nước chớ không phải chỉ làm kinh tế thuần túy.

* Việc TQ đặt giàn khoan HD 981 vào hải phận VN là động tác giả, nhằm thu hút sự chú tâm của mọi người vào đó để họ triển khai căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa, từng bước thôn tính biển Đông theo đường lưỡi bò. Họ rút giàn khoan một mặt để tránh búa rìu dư luận, mặt khác níu không để VN vuột khỏi vòng tay mình. Đến nay, việc xây dựng căn cứ quân sự của họ về cơ bản đã hoàn thành bước đầu, xem như việc đã rồi, họ giả lã làm lành để lừa thế, chọn điểm xâm chiếm tiếp.

* Ngoài việc cài cắm người khắp cùng VN, TQ đặc biệt chú tâm khu Vũng Áng (Hà Tĩnh) để một mặt khống chế vịnh Bắc Bộ, mặt khác, khi có thời cơ, phối hợp với vùng 3 biên giới Việt – CPC – Lào cắt VN ra làm đôi chỗ eo khu 5 cũ – theo chiến thuật 2 dao một búa mà họ dự tính từ lâu.

* Trong khi TQ tìm trăm phương nghìn kế để ăn tươi nuốt sống VN thì, một bộ phận trong lãnh đạo VN lại mơ hồ, ảo tưởng, không xem TQ là đối thủ mà vẫn xem họ là đồng chí, là bạn láng giềng môi hở răng lạnh, núi liền núi sông liền sông !.

* Trong chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng sản và Tư bản, phía Cộng sản như Công ty cổ phần: Liên Xô, TQ… chỉ hùn vốn rồi “nệm ấm chăn êm”, còn VN ta hùn “mặt bằng và máu” – đất nước và lính chiến. Trong cuộc chiến phải chấp nhận máu đổ thây phơi. 

Ra khỏi cuộc chiến, đến nay gần 40 năm, chưa hàn gắn được vết thương: chưa sưu tập hết xác tử sĩ; chưa lấp hết lỗ bom; chưa xử lý hậu quả chất độc dioxin (da cam); chưa vơi hết nỗi đau đối với những người mất người thân trong cuộc chiến; còn phải tiếp tục thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công trong kháng chiến v.v… Thế mà đến nay, vẫn còn có người trong giới lãnh đạo thiển cận, ngây thơ cho rằng VN đã nợ và phải thọ ơn đối với TQ, rồi cam phận “thấp cổ bé miệng” để cho TQ muốn làm mưa làm gió gì đó làm !.

Buồn lo về vận nước, tôi vào mạng Internet săn tin, gặp hình ảnh lời phát biểu của tướng Lê Mã Lương hôm 14/06/2014 tại hội thảo Minh Triết về biển Đông, do video báo Pháp luật VN ghi lại. Qua hình ảnh và bài viết tựa đề “Thủ phạm tiếp tay TQ đánh chiếm Gạc Ma là lãnh đạo cao cấp”, tôi mới biết Lê Mã Lương được phong anh hùng lực lượng vũ trang ở tuổi 21 và là cựu giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân đội VN.

Trong video, vị tướng này tỏ ra xúc động khi nói về trận hải chiến Trường Sa 1988. Có những đoạn, dường như Ông cố gắng kềm chế để tránh nói ra hết những điều hiểu biết của mình. Theo tướng Lương: “Trước khi xảy ra trận hải chiến Trường Sa 1988, Quân đội VN đã phải nhận lệnh không được nổ súng  trong trường hợp TQ đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa. Chính vì thế, khi TQ tấn công vào đảo Gạc Ma, nó chỉ có hơn 40 lính với mấy cái xuồng bằng hợp kim nhôm đổ bộ vào. Trong khi bộ đội ta, trong đấy có một người sau nàyy được truy tặng anh hùng là thiếu úy Trần văn Phương, chỉ có mỗi tay không và giữ chặt lá cờ trên đảo Gạc Ma – không có súng. Và rồi, lính TQ nó bắn, nó đâm. Nó đâm hạ sĩ Nguyễn văn Lanh nhiều nhát trọng thương. Anh em cứ quần lộn với lính TQ như vậy…”.

Theo ảnh ghép minh họa, tướng Lương chỉ tay thẳng về hướng ảnh Lê Đức Anhmặc dù tướng Lương không nêu tên đích danh, nhưng ai cũng hiểu “đồng chí lãnh đạo cấp cao” là ám chỉ Lê Đức Anh, khi ấy ông đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Tướng Lương chua xót nói: “Đứng góc độ người lính, đây là nỗi đau không chỉ của người lính Hải quân mà của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là nỗi đau, mà nỗi đau này nó âm ỷ và sẽ đi cùng người lính cho đến khi kết thúc sứ mệnh trên mảnh đất này”.

Tướng Lương thuật lại lời đô đốc Giáp Văn Cương, người đứng đầu hải quân VN năm 1988: “Nó chỉ có thể lấy được Gạc Ma. Còn những đảo khác, nếu lấy thì vấn đề không phải như thế… không còn là câu chuyện của 64 chiến sĩ hy sinh và 3 tàu của chúng ta chìm dưới biển như thế”.

Tướng Lương kể thêm 2 câu chuyện: 
+ Trong cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói: “Ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?”. 

Một quan chức ngoại giao đề nghị Nhà nước nên yêu cầu TQ để phía VN được đến Gạc Ma trục vớt 3 chiếc tàu bị bắn chìm cùng 61 thi thể các chiến sĩ hy sinh trên biển. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nghe xong liền nói: “Có nên làm việc đó không ? Cứ để họ nằm đó cũng đã làm sao”. 

Mấy tháng qua, tôi nghe cán bộ đảng viên phàn nàn đầy tai về những lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Có 2 đảng viên lão thành (xin không nói tên) nói trong vẻ bực tức:“Phải tìm hiểu kỹ coi Phùng Quang Thanh là tướng Ta hay tướng Tàu?”, “Giao bộ đội cho tướng Thanh là gởi  trứng cho ác”. Giờ đây, qua lời kể của tướng Lê Mã Lương về bộ trưởng quốc phòng Lê Đức Anh trước kia, tôi cảm thấy càng lo: Nếu ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Phùng Quang Thanh có suy nghĩ và hành động như Lê Đức Anh trước kia thì thảm họa chẳng những cho bộ đội mà cho cả đất nước và dân tộc.

Kết thúc bài viết, tôi có 2 đề xuất:
1/ Yếu tố ngoại xâm xuất hiện từ phương Bắc ngày càng rõ, do vậy, cuộc đấu tranh hiện nay cũng phải nhằm vào 2 mục tiêu Dân tộc và Dân chủ – tức là loại yếu tố ngoại xâm và thực hiện thể chế chính trị dân chủ pháp quyền.

2/ Căn cứ vào tình hình hiện tại của đất nước, tốt hơn hết, Quốc hội và Chủ tịch nước nên bàn bạc thuyên chuyển Phùng Quang Thanh ra khỏi Quân đội, hay ít nhất thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

      14/11/2014

T.T


Giao trứng cho ác

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-11-12
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
namnguyen11122014.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
MG_0496-622.jpg
Đường lên Đèo Hải Vân, ảnh chụp hôm 6/7/2011.
RFA PHOTO

 

 

 

Dư luận bất bình

Dư luận phản ứng gay gắt về việc chính quyền Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư khu nghỉ dưỡng rộng 200 ha cho Công ty Trung Quốc Thế Diệu ở đèo Hải Vân. Đây là một vị trí chiến lược khống chế cả vùng trời vùng núi và vùng biển Đà Nẵng và có thể chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 16.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng một công dân Đà Nẵng đồng thời là một nhà hoạt động xã hội dân sự đã nhanh chóng phản ứng:
“Cũng như bạn bè và học trò, chúng tôi vô cùng sửng sốt không hiểu tại sao chính quyền Thừa Thiên Huế lại làm việc này. Chúng ta biết là Việt Nam trong quá trình mở rộng về phương Nam thì đèo Hải Vân là một trong những chướng ngại thuở xưa. Trong chiến tranh gần đây cũng thế đèo Hải Vân chia cách đất nước Việt Nam, ở đỉnh cao hiểm trở như thế mà cho người nước ngoài thuê để làm cái này cái kia thì đó là điều không thể nào chấp nhận được. Nói thật là chúng tôi vô cùng sửng sốt về chuyện này.”
Cũng như bạn bè và học trò, chúng tôi vô cùng sửng sốt không hiểu tại sao chính quyền Thừa Thiên Huế lại làm việc này.
-TS Nguyễn Thế Hùng
Đây là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine-Huế do doanh nghiệp Trung Quốc làm chủ đầu tư với tổng vốn 250 triệu USD. Người Trung Quốc được phép sử dụng diện tích 200 ha tại khu vực mũi Cửa khẻm, nơi núi Hải Vân đâm ra biển. Tại đây nhà đầu tư Trung Quốc sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao với 450 phòng, một trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 biệt thự và khu du lịch, nhà hàng bãi tắm. Dự án này được triển khai theo ba giai đoạn từ 2013 đến 2023 trên thực tế đã bắt đầu xây dựng một số hạng mục và cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng vừa kiến nghị Chính phủ rút giấy phép đầu tư mà Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp cho Công ty Thế Diệu của Trung Quốc. Lý do Chính quyền Đà Nẵng đưa ra là dự án nằm ở vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. Hơn nữa về nguyên tắc dự án này có một vùng chồng lấn trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Đối với sự kiện một dự án trải rộng 200 ha nằm ở khu vực có vị trí chiến lược lại nằm trong tay nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc. Thiếu tướng hồi hưu Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ Hà Nội phát biểu với Đài Á Châu Tự Do:
“Những chỗ tốt đẹp có vị trí chiến lược lại cứ bán cứ để cho Trung Quốc làm dự án trong khi mình có thể làm được, Như thế là các anh ấy không suy nghĩ và chỉ thấy có tiền thôi. Tôi cho là chỉ thấy có tiền, nhiều tỉnh cũng thế thôi nghĩa là chỉ thấy có tiền mà không thấy cái nguy hiểm cho đất nước.”

Vị trí yết hầu có thể chia cắt đất nước

Đại tá Thái Thanh Hùng, nguyên chỉ huy phó Bộ chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng, đương kim Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng được báo điện tử Infonet trích lời nói rằng: “Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân nằm ở vị trí yết hầu có thể chia cắt đất nước. Nắm vị trí đó là nắm cả vùng trời, vùng núi, vùng biển khu vực phòng thủ Đà Nẵng.”
MG_0498-400.jpg
Cửa Hầm Hải Vân phía nam, ảnh chụp 6/7/2011. RFA PHOTO.
Là một nhà quân sự Đại tá Thái Thanh Hùng nhấn mạnh rằng, đây là vị trí chiến lược, là địa bàn trọng điểm. Ở miền Trung thì khu vực đèo Hải Vân ai cũng biết cả…Nếu xảy ra chiến tranh, nơi này bị chiếm thì đất nước bị chia cắt liền. Do nó đặc biệt quan trọng như vậy nên Đại tá Thái Thanh Hùng cho là không nên cho nước ngoài đầu tư vào khu vực đó.
Vẫn theo Infonet và Đại tá Thái Thanh Hùng, vị trí Thừa Thiên-Huế cấp phép cho phía Trung Quốc xây dựng khu du lịch lại nằm ngay mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân đâm ra biển và coi như bao trùm cả hòn Sơn Trà con cách đó không xa. Khu vực này chính là “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng với núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà tọa thành hình cánh cung trấn giữ phía Bắc và phía Đông Bắc. Trong khi vịnh Đà Nẵng là một trong những khu vực vô cùng trọng yếu trên dọc tuyến biển Việt Nam.
Dự án khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân với chủ đầu tư là là doanh nghiệp Trung Quốc gây ra mối lo ngại về an ninh quốc phòng, là sự kiện mới nhất về việc các tỉnh trao nhiều đặc quyền cho nhà đầu tư Trung Quốc trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thiếu tướng hồi hưu Nguyễn Trọng Vĩnh nối kết các sự kiện liên quan đến nhiều dự án ở những vị trí trọng yếu được trao cho nhà đầu tư Trung Quốc. Ông nói:
Những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước, những người ấy vô hình chung tạo điều kiện để mất nước.
-Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
“Hà Tĩnh là cái yết hầu của miền Trung và hơn nữa nó xây dựng thành một thứ căn cứ, ở trong đó phức tạp lắm chứ không phải chỉ đơn giản là chỗ luyện thép đâu. Hay Cảng Đông Hà cũng vậy thôi cũng là một chỗ quan trọng cũng là bán cho nó, cho nó thuê nó có thể làm thành căn cứ quân sự, rồi từ Kỳ Anh vào tới chân đèo Ngang cũng thế thôi cũng lại cho nó thuê, phía biển nó làm gì ngoài ấy cũng không biết. Những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước, những người ấy vô hình chung tạo điều kiện để mất nước, dù là không có ý thức đi nữa thì cũng là tạo điều kiện để cho Trung Quốc nó chiếm nước mình.”
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện làm việc ở Hà Nội từng báo động về việc các nhà đầu tư Trung Quốc, lợi dụng chính sách của Việt Nam đã thuê dài hạn nhiều khu vực dọc theo biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc để trồng và khai thác lâm sản, đặc biệt là các dự án ở Vũng Áng Hà Tĩnh mang vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Ông Bùi Kiến Thành nhận định:
“Vùng Vũng Áng Hà Tĩnh đối diện gần với Hải Nam, nếu ngày nào Trung Quốc xây dựng Cảng Vũng Áng mà Hải Nam chĩa ngay qua  Vũng Áng thì có thể nói Vịnh Bắc Bộ biến thành một cái ao hồ của Trung Quốc và nó ngăn cản sự vận chuyển giao thông hàng hải của Việt Nam từ Bắc vào Nam thì sẽ ra sao. Ngoài ra nó có những nguy cơ về quốc phòng từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ 50 km thôi. Như vậy nếu có chuyện thì làm sao phòng thủ, Trung Quốc từ bên Lào đi xe ô tô qua Vũng Áng chạy ô tô vài tiếng đồng hồ là cắt đôi Việt Nam ra làm hai khúc.”
Không hiểu Chính phủ Việt Nam từ Trung ương xuống địa phương nhận thức thế nào về hiểm họa quốc phòng, khi bất chấp ý kiến của giới nhân sĩ trí thức cựu sĩ quan cao cấp, kể cả chiến lược gia quân sự Võ Nguyên Giáp khi còn sống, cũng gởi thư cho Trung ương Đảng và lãnh đạo nhà nước để cảnh báo về việc không thể cho thuê đất ở các vị trí chiến lược.
Dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine ở mũi Khẻm núi Hải Vân, nơi chia cách Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, chỉ là một mắt xích mới nhất trong chuỗi vị trí chiến lược trọng yếu về an ninh quốc phòng đã và đang được trao vào tay nhà đầu tư Trung Quốc




No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link