Sunday, April 12, 2015

Ukraina đẩy mạnh chiến dịch xóa bỏ di sản thời Cộng sản


Đăng ngày 11-04-2015

Ukraina đẩy mạnh chiến dịch xóa bỏ di sản thời Cộng sản

media
Tượng Lê-nin tại Kharkiv bị hạ bệ vào ngày 28/09/2014.REUTERS/Stringer
Vào đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, 11/04/2015, ba bức tượng thời Cộng sản tại thành phố Kharkiv gần vùng chiến sự ở miền Đông Ukariana, đã bị người dân hạ bệ, hai hôm sau khi Quốc hội nước này thông qua đạo luật cấm tuyên truyền cho Cộng sản và Phát xít.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ba tượng đài để tôn vinh các lãnh đạo Cộng sản trước đây đã bị các thanh niên trùm mặt tháo dỡ. Trên mạng youtube, có đoạn video cho thấy các thanh niên dùng thang leo lên đỉnh pho tượng, quàng giây cáp rồi cho xe kéo đổ xuống. Tác giả đoạn video là nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraina thuộc phong trào Nakipelo (Chúng tôi chán ngấy rồi).

Cảnh sát có mặt tại chỗ đã án binh bất động không can thiệp. Chính quyền trước mắt không thấy bình luận gì về các hành vi kể trên, xảy ra 48 tiếng đồng hồ sau khi Quốc hội Ukraina thông qua đạo luật cấm « mọi hình thức tuyên truyền cho Cộng sản và Quốc xã ». Luật này lại còn tôn vinh thành « các chiến binh cho nền độc lập của Ukraina » những thành phần dân tộc chủ nghĩa trước đây đã có lúc chiến đấu bên cạnh lực lượng Đức Quốc xã để chống lại « sự chiếm đóng của Liên Xô ».

Theo đạo luật mà Tổng thống Porochenko chưa ban hành, các tượng đài để tôn vinh các lãnh đạo Liên Xô, trong đó có nhiều bức tượng của Lê-nin, phải được loại bỏ, và các thành phố, thị trấn, đường phố và các doanh nghiệp những tên có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản đều phải đổi tên. Việc cử hành quốc ca Xô Viết – vốn được Tổng thống Vladimir Putin đổi lời thành quốc ca Nga – kể từ nay sẽ bị phạt tù tại Ukaraina.

Bộ luật này tất nhiên đã bị Mátxcơva chỉ trích. Hôm qua, Nga đã lên án Ukraina dùng các phương thức « độc tài » để phi xô viết hóa Ukraina, dọn chỗ cho một chủ nghĩa dân tộc có nguy cơ đẩy đất nước « vào vực thẳm ».
Tức thì, Tổng thống Ukraina đã phản pháo, so sánh ông Putin với Hitler.


Đăng ngày 11-04-2015

Điệp viên Nga đầy rẫy ở Châu Âu

media
(DR)
Điệp viên Nga đầy rẫy ở Châu Âu là nội dung của nhiều bài báo và phân tích được đăng tải trên báo giới thời gian gần đây, cho thấy sau một thời gian "nghỉ dưỡng" khi Liên Xô và các nước cộng sản cũ ở Đông Âu sụp đổ, cơ quan tình báo Nga lại tiếp tục khuynh đảo "lục địa già".
Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest: 11/04/2015 nghe
Điều đáng nói là không chỉ trong những khu vực "truyền thống" như Đông và Tây Âu, mà Bắc Âu hiện cũng đang trong tầm ngắm tích cực của mật vụ chính trị Nga. Tuyên truyền, tung tin thất thiệt và bóp méo thông tin, cũng như gây ảnh hưởng là những lĩnh vực được tình báo Nga rất ưa chuộng hiện tại. Những yếu tố trên cho thấy, việc NATO coi nước Nga là hiểm họa không phải là ngẫu nhiên, và không chỉ về chính trị và quân sự, mà còn trên lãnh địa tình báo.

Tại Bắc Âu: hoạt động tình báo đi kèm áp lực quân sự
Cuốn niên giám của cơ quan tình báo Thụy Điển SÄPO (Säkerhetspolisen) ấn hành ít ngày trước kỳ Phục sinh năm nay đã khiến công luận Bắc Âu ngỡ ngàng. Nhà phân tích hàng đầu của SÄPO, ông Wilhelm Unge cho hay: mặt trận phía Đông hết sức nóng bỏng, khi ít nhất một phần ba số nhà ngoại giao Nga ở Stockholm là gián điệp.

Bình luận về khẳng định này, báo giới cho rằng, không hẳn thực tế đó là điều đáng ngạc nhiên vì hoạt động phản gián do các nhà ngoại giao thực hiện thì ở đâu trên thế giới cũng tồn tại. Mà là việc một cơ quan tình báo công bố điều này trước công luận và truyền thông, và thậm chí họ còn đi xa hơn nữa. Theo SÄPO, trong những năm qua, các hoạt động tình báo của Nga tại Thụy Điển tăng vọt, và như lời ông Unge, "chúng tôi không thể diễn giải điều này theo cách nào khác, ngoài việc coi nó là sự chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự thù địch với Thụy Điển".

Tất nhiên, như nhà bình luận của SÄPO nói thêm, điều này không nhất thiết đồng nghĩa với sự xâm lược quân sự, nhưng mọi hành động chuẩn bị cho chiến tranh đều bao hàm một khả năng là đối thủ - trong trường hợp này là Liên bang Nga - có tính đến một kịch bản gây hấn trong khu vực Bắc Âu. Như vậy, thông tin về một chiến dịch quân sự cụ thể mà Nga có thể tiến hành là chưa có, tuy nhiên, những hoạt động ráo riết "có nguồn gốc Nga" tại Bắc Âu là đáng lo ngại.

Một bài báo trên tờ "Spiegel" đưa tin, tại những khu vực gần các trung tâm viễn thông, phát tin, những trung tâm hậu cần quân đội, các hải cảng và phi trường ở Phần Lan, những doanh nghiệp và cá nhân "có yếu tố Nga" đã tìm cách mua đất đai, bất động sản một cách ráo riết, kể cả những cánh đồng không có khả năng xây dựng. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, trước thực tế này, đã phải đề xuất thay đổi luật để tránh tình trạng nói trên.

Bên cạnh những hoạt động mang tính "thầm lặng" như vậy, đôi bên cũng gia tăng những cuộc tập trận mang tính "nắn gân" nhau. Mới đây, Oslo đã tiến hành một cuộc "biểu dương lực lượng" ở bên giới Na Uy - Nga - gần bán đảo Kola - với sự tham gia của 5.000 quân nhân và 400 chiến xa, được coi là lớn nhất kể từ năm 1967 trở lại đây.

Tuy nhiên, điều đó cũng không thấm vào đâu so với những cuộc tập trận liên miên của phía Nga trong những năm qua trong khu vực, đa phần với sự hiện diện của hơn 100 ngàn binh sĩ. Mới đây nhất, sau kỷ niệm 1 năm bán đảo Crimea vào tay Nga, đúng vào ngày Tổng thống Nga xuất hiện sau nhiều ngày bị coi là "mất tích", cũng đã có 40 ngàn quân nhân Nga được huy động tới Biển Bắc, không chỉ đe dọa các nước vùng Baltic mà cũng có thể coi là thông điệp gửi tới Bắc Âu.

Trong số các nước Bắc Âu, Đan Mạch cũng không tránh khỏi những đụng độ với Nga. Riêng với nước này, Nga thường áp dụng một sự đe dọa lạ lùng: cứ mỗi khi Copenhague tổ chức một sự kiện chính trị gì lớn, là Nga lại tiến hành tập trận rầm rộ và mang tính dọa dẫm ngay sát hải phận nước này. Sự đe dọa còn cụ thể hơn nữa khi Đan Mạch bày tỏ ý muốn gia nhập hệ thống tên lửa phòng phủ của NATO: khi đó, đại sứ Nga tại Copenhaggue tuyên bố thẳng thừng, những tàu chiến của Đan Mạch sẽ là mục tiêu nắm trong tầm ngắm của vũ khí hạt nhân chiến lược Nga.

Tại Đông Âu: tuyên truyền, bóp méo thông tin và gây ảnh hưởng trong chính giới
Ở những nước cộng sản cũ trong khu vực Đông - Trung Âu, tình báo Nga lại đặt ra những mục tiêu khác, không trực tiếp mang tính đe dọa quân sự.

 Đó là, họ xâm nhập vào giới ký giả, các nhân sĩ, chính khách để "vận động hành lang", tuyên truyền, bóp méo thông tin và gây ảnh hưởng tới công luận xã hội. Đó là một nội dung có trong tờ trình thường niên năm 2013 của tình báo Czech, nhấn mạnh rằng gián điệp Nga - và cả Trung Quốc - " đặc biệt xuất hiện rất nhiều " ở nước này. Tại Hungary thì trước đó 6 năm, niên giám của Cơ quan An ninh Quốc gia cũng đã nhận xét như thế.

Điều đó cho thấy, giới tình báo Nga không chỉ hoạt động để nắm bắt thông tin từ các quốc gia trong khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu, mà còn nỗ lực can thiệp vào đời sống của những nước này, kể từ chính trường tới truyền thông và công luận xã hội. Cách đây ít tuần, chính phủ Czech đã cho trục xuất ba nhà ngoại giao Nga vì lý do làm gián điệp, và đây không phải là lần đầu.

Một cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Czech, ông Andor Šándor cho tờ "Newsweek" hay rằng, tình báo Nga đặt mục tiêu khiến các nước Đông Âu trở nên ít đáng tin cậy trong mắt EU và Hoa Kỳ, gây mâu thuẫn nội bộ trong khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng là một vấn đề nhạy cảm trong chính giới Czech, bởi lẽ Tổng thống Zeman của nước này được coi là người rất thân Nga, và trong hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 9-2014 còn đặt câu hỏi chắc gì đã có quân Nga ở Ukraine. Trong bối cảnh ấy, hoạt động tuyên truyền và gây nhiễu thông tin của gián điệp Nga ở Czech càng có vai trò đáng chú ý.

" Yếu tố Nga " cũng xâm nhập vào các tổ chức dân sự ở Czech để tạo ảnh hưởng. Đầu năm 2014, một tổ chức mang tên " Học viện Nghiên cứu Chiến lược Slavic " (Institute of Slavonic Strategic Studies, ISSS) được ra mắt, và ngay trong một hoạt động ban đầu đã kêu gọi các dân biểu Czech nên " làm sáng tỏ " những định kiến với Nga. 

Đây chỉ là một trong những viện, cơ quan truyền thông... ở Czech và Đông Âu nói chung, tuy không mang tính chính thống Nga, cũng như không thể gán được một cách trực tiếp với chính quyền Nga, nhưng có xu hướng tuyên truyền quan điểm và thông tin chính thức của Matxcơva. Những cơ sở như vậy xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là từ khi khủng hoảng Ukraina nổ ra.

Riêng tại Ba Lan, một quốc gia trong quá khứ đã có những hệ lụy rất tệ hại với Nga - Xô, liên quan đến Matxcơva, truyền hình nước này luôn nhấn mạnh tới cuộc chiến trên mạng, tình hình ba nước Baltic bị đe dọa sau khủng hoảng Ukraina và cuộc chiến tuyên truyền do Liên bang Nga tiến hành từ bấy nay. Báo chí đưa tin về một vụ việc diễn ra tháng 11 năm ngoái, khi một quân nhân Ba Lan từ nhiều năm nay đã bán những kế hoạch phòng thủ liên quan tới F-16 của phòng không nước này cho tình báo Nga với giá 30 ngàn USD. Cũng trong mùa thu 2014, một luật gia và một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng bị phát hiện đã hợp tác với cơ quan quân báo Nga.

Một nghiên cứu từ năm 2011 của Viện Đối ngoại Hungary cho hay, tại các quốc gia Đông Âu, nhiều điệp viên từ thời Xô-viết, hoặc những kẻ đã được tuyển dụng " tại chỗ " từ thời kỳ đó, sau 10- 20 năm " nghỉ dưỡng ", nay đang trở lại móc nối các mối quan hệ để tiếp tục công việc còn bỏ ngỏ, nhưng với những mục tiêu mới và phương thức mới.

Áo - Hungary: cần thức tỉnh kịp thời!
Tại hai quốc gia giữa lòng Đông - Trung Âu và được coi là " khúc đệm " Đông - Tây là Áo và Hungary, vị trí địa chính trị của những nước này càng khiến Nga tăng cường hoạt động tình báo. Từ mùa thu năm ngoái, báo giới Áo đã cho hay thời gian gần đây, mật vụ Nga tràn ngập Vienna và đặt mục tiêu chính là tìm kiếm những bí mật về ngoại giao và kinh tế. Một nhân viên quân báo (ẩn danh) cho hay, các điệp viên Nga tập trung săn lùng những thông tin mật liên quan tới khả năng lẩn tránh được những trừng phạt kinh tế mà Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra đối với nước Nga, vì sự can thiệp quân sự của quốc gia này tại Ukraina.
Bên cạnh việc lách luật, cũng như lùng sục các dự luật và các hồ sơ nội bộ, giới bình báo Nga còn tìm hiểu xem cần gây ảnh hưởng tới những ai để có thể thoát được những biện pháp trừng phạt, và làm sao “ nhận diện ” được những khoản tiền Nga đang được đầu tư hay để trong các ngân hàng Áo. Để làm được điều đó, hàng chục điệp viên Nga tìm cách tiếp cận giới nhân viên Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế Áo, đặc biệt là những người đang giữ các cương vị chủ chốt. Hoạt động của nhóm mật vụ này được chỉ đạo từ tòa đại sứ Nga ở Vienna, và Nga đang sử dụng tối thiểu hai hãng vận tải để làm vỏ bọc cho hoạt động tình báo này.

Tại nước láng giềng Hungary - nơi chính phủ Orbán Viktor được coi là nội các thân thiện với Matxcơva nhất ở Châu Âu, ngoại trừ một số bài báo đặt vấn đề nghi vấn một Dân biểu Nghị viện Châu Âu thuộc đảng cực đoan JOBBIK làm gián điệp cho Nga, hầu như không có tin gì khác về hoạt động mang tính truyền thống của tình báo Nga.

 Thay vào đó là những vụ việc về thế giới ngầm của Nga, cũng như sự liên kết giữa lực lượng này với giới tinh hoa " cận chính trị ", có ảnh hưởng tới các quyết sách nhà nước. Đáng chú ý là đã từ lâu, thế giới ngầm cũng được tính như một công cụ của các cơ quan tình báo, phản gián của Liên bang Nga.

Nga còn tìm cách gây ảnh hưởng tới Hungary bằng cách ngụy tạo thông tin liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, và lan truyền, phát tán tại Hungary, thông qua hệ thống tuyên truyền của các trang mạng tiếng Hungary thân Nga, hoặc có tên miền của Nga.

Điều khó xử đối với chính quyền các nước sở tại là bên cạnh hoạt động tình báo truyền thống, mật vụ Nga còn hiện diện trên rất nhiều lĩnh vực khác như thông tin tuyên truyền, hoạt động kinh tế có định hướng, cuộc chiến trên mạng để dẫn tới những chiến dịch quân sự và cả đe dọa hạt nhân. Một phân tích mới được đưa ra trấn an rằng, dầu vậy, xét về trung hạn, tình báo Nga cũng có những hạn chế và rào cản về nhân lực và kinh phí cho những hoạt động bao trùm và trải rộng như vậy. Túi tiền của điện Kremlin vơi đi nhanh chóng, đồng Rúp mất giá thảm hại, và điều này khiến cơ quan tình báo Nga cũng sẽ phải thắt lưng buộc bụng.

Đây cũng là quan điểm của Brussels khi EU tìm cách đánh giá thực lực của mật vụ Nga. Trong hội nghị thượng đỉnh Châu Âu tháng 3 vừa rồi, một quyết định mang tính tượng trưng đã được đưa ra, theo đó, mối hiểm họa của hoạt động thông tin, tuyên truyền của Nga đã được EU nhận ra và đánh giá đúng mức. 

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ ba giữa Phương Tây với Liên bang Nga, thì đây là một cuộc chiến hết sức phức tạp và mang tính " tổng lực ", "nóng" hơn cả những cuộc chiến từng có trong quá khứ. Điều này có lẽ cũng đúng với những hoạt động tình báo đa dạng mà Nga đang thực hiện, và Châu Âu cần thức tỉnh, đề phòng hơn bao giờ hết.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link