Tuần Hành Vì Cây Xanh 12/4/2015
Đoan Trang
Cuộc tuần hành vì cây xanh sáng 12/4 tại Hà Nội đã diễn ra rất tốt đẹp, khi tất cả mọi người tham dự đều giữ tinh thần ôn hòa, văn minh, lịch sự. Lực lượng công an, cảnh sát, dân phòng cũng đã cư xử theo hướng tôn trọng quyền tụ tập và biểu tình của người dân – ngoại trừ việc vẫn tiếp tục quay phim chụp ảnh cả đoàn, liên tục gọi loa giục mọi người giải tán “để đảm bảo an ninh trật tự”, và chặn cửa một số người từ sáng sớm để họ không ra Bờ Hồ được.
Dù sao đi nữa, thái độ và cách cư xử của nhân viên công quyền trong buổi tuần hành sáng nay về cơ bản là tốt đẹp. Tôi tin như vậy, cũng như tin chắc là nếu họ muốn giải tán đám đông, ngăn chặn mọi cuộc tụ tập, thì họ hoàn toàn có thể làm điều đó.
Cần ghi nhận rằng từ năm 2011 đến nay, cách đối xử của lực lượng công quyền đối với người biểu tình đã khác rất nhiều: Đầu tiên là bắt (có thể đưa về Hỏa Lò), tạm giữ hình sự. Về sau, giảm xuống bắt đưa về trại phục hồi nhân phẩm rồi thả trong ngày. Sau nữa, là chia rẽ đội hình, ném mắm tôm, huy động DLV gây hấn, phá rối. Và bây giờ thì tất cả những biện pháp đó không còn được áp dụng nữa. Bất kể vì lý do gì, đấy cũng là một sự thay đổi tốt, từ phía chính quyền.
* * *
Tuy nhiên, cuộc tuần hành sáng 12/4 lại có một vấn đề khác đáng nói:
Trong cuộc đi bộ, có lúc xuất hiện 4-5 bạn trẻ mặc áo đen có biểu tượng quân lực VNCH trước ngực và hàng chữ “Governments should be afraid of their people.” Khi được hỏi, một bạn nói rằng họ thuộc nhóm “Quân lực Việt Nam Cộng hòa”.
Những bạn này sau đó đã bị bắt.
Thiết nghĩ:
1. Tuần hành, biểu tình ôn hòa là quyền cùa mỗi người dân. Việc tuần hành ôn hòa vì mục đích bảo vệ cây xanh, nâng cao ý thức của cộng đồng về môi trường và yêu cầu chính quyền minh bạch, là việc chung, không có sự phân biệt thành phần tham gia (cá nhân, tổ chức, thậm chí cả đảng phái chính trị - nếu có).
2. Tuy nhiên, với một sự kiện có tổ chức, trong đó ban Tổ chức đã công khai danh tính rất rõ ràng trong public group có tên “Vì Một Hà Nội Xanh”, đã công khai mục đích, tính chất và thông điệp của sự kiện, thì nếu bạn nào muốn tham gia với một thông điệp khác, tạo một hình ảnh khác (mà ở đây là áo đen với biểu tượng “Quân lực VNCH”), bạn đó nên làm việc với ban Tổ chức trước và chỉ tham gia như thế khi được sự đồng ý của chủ nhà – tức là ban Tổ chức.
3. Trong trường hợp các bạn không thuyết phục được ban Tổ chức để cho mình tham gia với hình ảnh và thông điệp khác, các bạn có thể tự tổ chức một sự kiện khác cho riêng các bạn, vào thời gian, địa điểm khác, với nhân sự khác, và không góp mặt trong sự kiện mà tại đó bạn không được đón nhận.
Cách làm của các bạn trong nhóm “Quân lực VNCH” nào đó – mặc dù vẫn ôn hòa – là lạc lõng, vô tổ chức, thiếu tôn trọng mọi người khác, và đặc biệt, rất dễ làm hỏng cuộc tuần hành.
Dư luận viên và những kẻ ác ý hoàn toàn có thể tung ra những thông tin sai sự thật nhằm bóp méo ý nghĩa, thông điệp của buổi tuần hành.
Lực lượng công an, cảnh sát, dân phòng, hoàn toàn có thể lấy cớ “cờ vàng xuất hiện” để chặn đứng và phá vỡ buổi tuần hành, mà trong đó có rất nhiều người tham gia lần đầu tiên, với mục đích thuần túy là để biểu thị tình yêu cây xanh và tình yêu Hà Nội.
Các bạn “Quân lực VNCH” hãy biết ghi nhận (và cảm ơn) là công an đã không bắt các bạn ngay trong lúc tuần hành, mà điều đó, nếu xảy ra, có thể làm tan tành cả sự kiện sáng nay.
Xin các bạn làm ơn nghĩ đến những người khác, đến những người dân thường, những công chức, nhân viên văn phòng, thành viên tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là đến những bạn trẻ lần đầu tiên xuống đường thể hiện tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Xin làm ơn đừng để những mầm xanh đó bị vùi dập ngay từ đầu chỉ vì cái sự "đi quá xa" của các bạn.
Nguồn: https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10153435935468322
Phiếm: Bề ngoài thơn thớt nói cười
Nguyễn Văn Tuấn
Rất nhiều khi, chúng ta tìm thấy những lời huấn giảng, những "wisdom" chẳng đâu xa, mà ngay trong kho tàng văn học và truyện dân gian. Trong mối quan hệ với Tàu, và đặc biệt là trong chuyến viếng thăm gần đây của ngài Nguyễn bí thư, câu "Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao" của thi hào Nguyễn Du thật thích hợp (1). Nhìn cái mặt cười cười của họ Tập với thân hình bự như hộ pháp bắt tay ông Nguyễn bí thư nhỏ thó, tôi dù tự thâm tâm rất muốn tin đó là một thiện chí của gã, nhưng thực tế thì lại cho thấy đằng sau là một cái dao găm to tướng.
Các bạn hãy tự hỏi có khi nào bạn mời khách vào nhà ở cửa trước, thì ở cửa sau bạn cho con cái mình đi ăn cướp tài sản của người khách? Nếu một người nào làm như thế thì các bạn phải kết luận rằng người đó "mất lịch sự" là nhẹ, hay nặng hơn chút là "mất dạy". Bạn bè thật sự và người văn minh không ai hành xử như thế.
Ấy thế mà đó là cách mà gã họ Tập đón tiếp khách của hắn là ngài tổng bí thư mang cái họ nổi
tiếng nhất và phổ biến nhất ở Việt Nam: Nguyễn. Ngay trong lúc gã Tập chiêu đãi đoàn của ông Nguyễn ở Bắc Kinh, thì ở Trường Sa, gã cho quân gấp rút xây dựng Đảo Vành Khăn, một đảo mà quân Tàu đã cướp từ Việt Nam. Việc xây dựng này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần "giữ nguyên trạng tình hình Biển Đông" mà người của Tập từng nói. Khi được chất vấn về việc " nói một đường làm một nẻo", đàn em của Tập là mụ Hoa Xuân Oánh nghênh ngang tuyên bố theo kiểu "tao muốn làm gì thì tao làm" và không giấu ý đồ đó là một hành động vì mục đích quân sự. Xin nhắc lại, những việc làm này xảy ra đúng vào lúc ông Nguyễn bí thư đang là thượng khách của gã họ Tập.
Hành động ngược ngạo của gã họ Tập dĩ nhiên là một cách khinh bỉ khách. Một tay thì bắt tay khách, một tay thì cầm dao găm đâm lưng khách. Trong khi đó thì phía Việt Nam nói gì và làm gì? Chẳng thấy nói gì cả. Cũng chẳng thấy làm gì. Ngược lại, báo chí Việt Nam ca ngợi tình đoàn kết của hai nước, và nguyện thực hiện cái phương châm "4 tốt, 16 chữ" (2). Còn họ có làm theo phương châm đó hay "tốt" không thì thiết tưởng không nói ra chắc các bạn cũng thừa biết.
Cũng xin nói thêm rằng cái phương châm này không phải của Việt Nam, mà là xuất phát từ Tàu nhé. Năm 1999 Tàu họ đưa ra phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Năm 2002, họ lại rướn thêm 4 chữ tốt: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt". Nhưng điều thú vị (hay nhục nhã?) là phía Việt Nam thêm chữ "vàng" vào phương châm đó (3) và cả hệ thống truyền thông nước Việt Nam bị bắt phải tụng niệm "16 chữ vàng". Nhớ nhé: chữ "vàng" là sáng tác của phía Việt Nam, chứ Tàu nó không có mặn nồng như thế.
Chưa hết đâu. Tàu nó còn dùng chuyến thăm của ông Nguyễn bí thư như là một con cờ phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng. Ở trên, tôi có nói rằng phía Việt Nam im lặng trước những xây dựng của Tàu ở Đảo Vành Khăn. Nhưng Mĩ thì không. Tổng thống Obama trong một bài phát biểu ở Jamaica tỏ ý quan ngại việc Tàu bắt nạt các nươc láng giềng và đẩy họ vào thế lệ thuộc. Thế là Tàu lấy chuyến thăm của Nguyễn bí thư làm một "case study" để chửi bới Mĩ (4). Tập cho Tân Hoa Xã trích lời của Nguyễn bí thư là muốn tiếp tục mối quan hệ "đồng chí và anh em", và nói với Mĩ: đó, chúng tôi có bảo ai lệ thuộc đâu. Có điều câu thứ hai họ không nói ra, nhưng ai cũng biết là câu tất yếu: "họ muốn làm đồng chí - anh em với chúng tôi đó chứ". Chắc ngài Nguyễn bí thư thích lắm khi biết Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn đó. Ngài giáo sư tiến sĩ họ Nguyễn từng nổi tiếng với câu "Mình phải thế nào thì người ta mới mời chứ", nay còn nổi tiếng thêm: Phát ngôn của mình phải hay thế nào thì người ta mới trích dẫn chứ.
Nhưng phải công bằng mà nói đây không phải là lần đầu phía Việt Nam tỏ lời muốn làm "đồng chí anh em" với Tàu. Cái ý nguyện này (phải nói là "ý nguyện") đã có từ 70 năm trước. Theo tác giả Ngô Nhân Dụng thì ngay từ 1947, Hồ chủ tịch đã nhân danh “Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương" gửi thư đến Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó có đoạn viết “Từ nay về sau tôi sẽ thường xuyên thông báo những tin tức và tình hình kháng chiến chống Pháp của Việt Nam và chính sách của đảng và chính phủ trong kháng chiến. Hy vọng các đồng chí có thể thường xuyên đề xuất ý kiến và góp ý.” Bức thứ thứ hai đề ngày 20/2/1948, Hồ chủ tịch viết “Chúng tôi quyết định triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc của đảng vào tháng 8, 1948. Hy vọng quý đảng chuẩn bị cử đại biểu đến dự đại hội để cung cấp cho chúng tôi kinh nghiệm cách mạng của các đồng chí, đồng thời hy vọng thông báo giúp bốn đảng anh em Liên Xô, Nhật Bản, Miến Điện, Ấn Độ cử đại biểu tham gia. Đường đến có hai tuyến, hoặc là từ Hương Cảng đến Châu Nam rồi tới Việt Nam, hoặc đến Xiêm La” (5). Thế mới biết phía Việt Nam tự nguyện làm đồng chí với họ lâu lắm rồi.
Nhưng có lẽ thời đó thì "gặp thời thế thế thời phải thế" – phải làm đồng chí với kẻ thù. Nhưng khổ nỗi là sau này, ngay sau khi chúng cướp biển đảo của ta, lấn đất của ta, giết người của ta, phá hoại đất nước ta, mà vẫn có người muốn làm đồng chí anh em với họ thì quả là đáng ngạc nhiên. Thật tình, nó giống như một mối quan hệ sadistic. Câu chuyện chẳng khác gì một người phụ nữ bị tên chồng mất dạy đánh trối chết, mà vẫn chạy theo ôm chân nó và khóc lóc gọi nó là "chồng"! Nghe thật lạ lùng, có lẽ người phụ nữ bị bệnh.
Thú thật, tôi không biết ngài Nguyễn bí thư có thật sự tin vào 16 chữ vàng + 4 tốt của Tàu? Tôi muốn nghĩ rằng ngài chỉ làm ngoại giao thôi, chứ chắc gì trong thâm tâm ngài tin mấy lời đường mật của họ Tập. Nếu vậy thì cũng thông cảm cho ngài, nhưng phải đợi đến khi ngài đi Mĩ du thì chúng ta sẽ biết hơn và có dịp so sánh. Tuy nhiên, có một người trong đoàn của ngài không ngần ngại thổ lộ tâm tư là tin. Đó là ngài phùng đại tướng (không cần viết hoa vì ngài quá nổi tiếng và trở thành danh từ chung rồi), ngài từng một hai nhắc đến Tàu là "bạn". Ngài còn lo lắng là người Việt [như người viết cái note này] không ưa họ Tập và băng đảng của gã. Thà biểu lộ tình cảm như ngài phùng đại tướng tôi lại thấy hay, vì mình biết rõ vị trí của ngài ấy. Nhưng những người mà "Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao" thì mới đáng sợ vì đó mới là kẻ thù thật sự.
Người phương Tây có câu "With friends like that who needs enemy" – bạn bè như thế thì cần gì đến kẻ thù. Tương tự, có thể mượn câu đó để nói "Với bạn bè như Tàu cộng thì Việt Nam không cần thêm kẻ thù".
Bề ngoài thơn thớt nói cười.
Mà trong nham hiểm giết người không dao .
===
(1) Xin nói thêm cho rõ đây là phát hiện của anh Đoàn Khắc Xuyên, chứ không phải của cá nhân tôi.
(2) http://www.giaoducvietnam.vn/…/Viet--Trung-kien-tri-thuc-hi…
(3) http://toquoc.vn/…/12…/khong-mo-ho-16-chu-vang-va-4-tot.aspx
(4) http://vi.rfi.fr/…/20150411-bien-dong-trung-quoc-neu-vi-d…/…
(5) http://www.nguoi-viet.com/absoluten…/…/viewarticlesNVO.aspx…
Nguồn: facebook.com/drtuanvnguyen/posts
Nguyễn Tấn Dũng không thể học Machiavelli
Ngô Nhân Dụng
Các lãnh tụ Cộng Sản rất giỏi trong nghề nói dối, và họ đã thành công trong việc đánh lừa dân nhiều lần. Chẳng hạn, năm 1945 Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương; mục đích là đánh lừa các tướng Tàu, đánh lừa các đảng phái quốc gia, và đánh lừa dân chúng cả nước Việt Nam. Bề ngoài, Đảng Cộng Sản không còn nữa, đến năm 1950 mới tái sinh dưới tên mới là Đảng Lao Động.
Nhưng từ 1945 tới 1950 Đảng Cộng Sản Đông Dương vẫn hoạt động, vẫn kết nạp đảng viên và thủ tiêu những người bất đồng ý kiến. Năm 1947 và 48, Hồ Chí Minh vẫn nhân danh đảng gửi thư cho Mao Trạch Đông. Một cuộc triển lãm năm 2007 tại Hà Nội còn trưng bày những điện văn Hồ gửi cho Mao mà Trung Cộng còn lưu giữ. Trong các thư này Hồ nhân danh “Ban Chấp Hành TW Đảng Cộng Sản Đông Dương gửi Ban Chấp Hành TW Đảng Cộng Sản Trung Quốc”
(nguyên văn bản dịch chính thức). Bức thư ngày 18 tháng 4 năm 1947 viết, “Từ nay về sau tôi sẽ thường xuyên thông báo những tin tức và tình hình kháng chiến chống Pháp của Việt Nam và chính sách của đảng và chính phủ trong kháng chiến. Hy vọng các đồng chí có thể thường xuyên đề xuất ý kiến và góp ý.” Bức thư ngày 20 tháng 2 năm 1948 gửi lời mời, “Chúng tôi quyết định triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc của đảng vào tháng 8, 1948. Hy vọng quý đảng chuẩn bị cử đại biểu đến dự đại hội để cung cấp cho chúng tôi kinh nghiệm cách mạng của các đồng chí, đồng thời hy vọng thông báo giúp bốn đảng anh em Liên Xô, Nhật Bản, Miến Điện, Ấn Độ cử đại biểu tham gia. Đường đến có hai tuyến, hoặc là từ Hương Cảng đến Châu Nam rồi tới Việt Nam, hoặc đến Xiêm La.”
Sau năm 1954, văn kiện Đảng Cộng Sản công khai thú nhận rằng việc tuyên bố giải tán đảng chỉ là một thủ đoạn đánh lừa. Nhưng lúc đó dân Việt đã chui vào rọ của đảng rồi, không ai dám hỏi tội lừa bịp cả.
Đảng Cộng Sản chuyên dối trá. Và đã thành công! Cho nên, nửa thế kỷ sau đám con cháu vẫn tiếp tục thói man trá. Khi lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ tấn công tham nhũng, còn to miệng thề thốt rằng nếu không diệt được tham nhũng sẽ từ chức. Để bắt đầu, Nguyễn Tấn Dũng thu tất cả các xí nghiệp quốc doanh vào trong tay mình. Rồi thành lập các doanh nghiệp nhà nước lớn, bổ nhiệm tay chân cầm đầu, như Vinashin, Vinalines. Được mấy năm, những vụ tham nhũng hàng tỷ Mỹ kim tại các doanh nghiệp này bị đổ bể. Khi bị hạch, Nguyễn Tấn Dũng trâng tráo chối biến trách nhiệm của mình: Tôi làm thủ tướng là do Đảng (Cộng Sản) bảo tôi làm, Đảng trao phó nhiệm vụ tôi phải nhận. Tức là mất mấy tỷ đô la nhưng không thằng nào con nào có tội hết!
Đảng viên Cộng Sản chuyên môn nói dối không phải vì cha mẹ họ dạy con như vậy, nhưng vì họ đã được đảng dạy. Họ vào đảng để “tranh đấu.” Đảng Cộng Sản ra đời để “đấu tranh giai cấp.” Mà trong các cuộc đấu tranh thì nói dối là việc bình thường: “Binh bất yếm trá.” Cho nên trước khi có chiến tranh Cộng Sản đã gài gián điệp khắp nơi rồi, gián điệp là đỉnh cao của nghề lừa bịp, được tuyên dương về tài lừa thầy phản bạn cũng không tự thấy thẹn thùng. Họ gọi nghề dối trá bằng cái tên “thủ đoạn chính trị.”
Các nhà chính trị phương Tây, dù Cộng Sản hay tư bản, đều biện minh cho thủ đoạn dối trá trong chính trị bằng những lý luận của Machiavelli. Nguyễn Tấn Dũng nghĩ rằng trong mười năm mọi người sẽ quên hết, không ai còn nhớ những lời cam kết chống tham nhũng nữa. Năm thế kỷ trước đây, Niccolo Machiavelli (1469-1527) viết cuốn Quân Vương (Il Principe) đã dạy rằng dân chúng như trẻ con, chúng rất mau quên. Hơn nữa, trong chương 18, Machiavelli nhắc lại điển tích đời xưa Achilles và các nhà lãnh tụ khác đều được các con Centaur Chiron nuôi dưỡng, con vật thần thoại này đầu người mình ngựa. Ông nói thẳng rằng các quân vương phải biết hành động theo lối “nửa người nửa thú,” cả hai không bỏ cái nào được.
Nhưng làm học trò của Niccolo Machiavelli không dễ. Nguyễn Tấn Dũng không thể cứ tiếp tục đóng vai “nửa người nửa thú.” Vì Il Principe không chỉ khuyên các nhà chính trị nói dối. Một quy tắc của Machiavelli là: Muốn gian dối phải làm cho mọi người tưởng rằng mình là người đáng tin! Thủ đoạn dối trá chỉ có thể thành công trong một số điều kiện, trong đó có phần chủ quan nơi người gian thi hành thủ đoạn. Nhà chính trị trước hết phải làm sao cho người ta tin rằng mình là người thành thật, đáng tin, không bao giờ dối trá.
Cho nên Machiavelli khuyên các lãnh tụ chính trị phải làm sao mọi người thấy mình là một người hiền từ, chung thủy, nhân đạo, chính trực, và có tín ngưỡng. Ông nhấn mạnh, “Điều cần thiết nhất là phải tạo hình ảnh mình là người có đức tính thứ năm,” tức là tín ngưỡng. Vào thế kỷ 16, điều này có nghĩa là các quân vương phải có bề ngoài của một người “ngoan đạo.” Chỉ khi nào nhà chính trị làm cho dân tin rằng mọi hành động của mình đều do một đức tin nhiệt thành chỉ đạo thì lúc đó mới có khả năng làm những việc dối trá. Như câu tục ngữ Ý từ thời đó đã nói, “Alexander nói những điều không làm, Cesare làm những điều không nói,” bởi vì vị giáo hoàng và ông đại đế đã làm cho dân tin tường rằng họ có đủ năm đức tính, trong đó tín ngưỡng quan trọng nhất.
Các lãnh tụ Cộng Sản thời Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh đều áp dụng bài học Machiavelli dạy, và đều thành công trong cuộc đời đóng kịch của họ. Nhưng đến thời nay, đám con cháu của họ không thể dùng các thủ đoạn dối trá nữa. Dù có thể đóng kịch giỏi tạo hình ảnh đã đạt được bốn trong năm năm điều kiện mà Machiavelli khuyên bảo, nhưng điều kiện khó đóng kịch dối nhất là chứng tỏ một niềm tin.
Stalin, Mao, Hồ hay Pol Pot ít nhất cũng trình bày họ với hình ảnh những người nhiệt thành tin tưởng vào một chủ nghĩa. Bây giờ, Chủ Nghĩa Cộng Sản đã chết, không ai có thể chối cãi được. Kẻ nào còn tuyên dương giáo điều Cộng Sản, như Nguyễn Phú Trọng bắt buộc vẫn phải làm, thì chỉ khiến mọi người nhìn mình như một anh không “lú” cũng “khùng.”
Một người chính trị không thể dùng thủ đoạn dối trá nếu không chứng tỏ mình còn tin vào một lý tưởng hay khát vọng nào đó, một niềm tin được nhiều người chia sẻ.
Vladimir Putin vẫn dối gạt dân chúng và đang thành công, vì ông ta không còn dính dáng gì đến chủ nghĩa Cộng Sản nữa. Putin đã “cải đạo,” bây giờ dân Nga nhìn ông như một lãnh tụ cố gắng tái lập địa vị huy hoàng của nước Nga như thời các hoàng đế cũ. Các lãnh tụ Cộng Sản ở Bắc Kinh cũng không còn nói đến chủ nghĩa Mác-Lê Nin cũng như Mao Trạch Đông nữa. Họ thay thế cái áo khoác đó bằng niềm hy vọng vào một đế quốc Đại Hán mới. Còn những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam thì chưa dám xé bỏ ngọn cờ Mác Xít! Cho nên những thủ đoạn dối trá sẽ không hiệu nghiệm!
Mất cái áo khoác của một chủ nghĩa, các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang chỉ còn lo tranh giành quyền lực với nhau, lộ nguyên hình là những tay hoạt đầu chính trị. Những thủ đoạn chính trị kiểu Machiavelli không thể dùng được nữa. Bọn họ cũng không thể bắt chước Putin hay Tập Cận Bình, tự khoác cho mình những cái áo khoác mới. Vì người dân Việt đã thấy cả tập đoàn lãnh đạo đảng “hèn với giặc, ác với dân” như thế nào.
Nguồn: www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=205665&zoneid=7#.VSnO9JNh7fY
Động kinh ký sự
Lê Công Định
Ls Lê Công Định
Sáng nay thứ 5, lòng thanh thản, tôi lên phường trình diện quản chế theo thường lệ. Vẫn ban bệ đó, chỉ thiếu bóng dáng của nàng. Tôi cắn răng ngồi làm việc. Đầu tiên tôi xuất trình bản báo cáo quản chế tháng 3/2015, nội dung chỉ đề cập đơn giản đến việc đi lại của tôi trong hay ngoài khu vực quản chế thời gian qua.
Kế đấy, tôi phản đối việc cảnh sát khu vực kiểm tra nhân khẩu nhà người thân tôi một cách không cần thiết. Tiện thể tôi nhắc lại hành động khám nhà tôi cách đây hơn một năm, mà đội cảnh sát gần 10 người lần đó xông vào nhà, khám phòng ngủ và mở tất cả tủ quần áo của tôi ra xem. Các anh an ninh giải thích rằng việc làm này luật cho phép.
Tôi đáp, “luật tuy cho phép, nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định và các anh phải tuân thủ trình tự luật ấn định, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về nhà ở của công dân.” Tôi nhấn mạnh, “mặt khác không thể viện cớ luật định để xâm phạm quyền công dân mà Hiến pháp thừa nhận, bởi Hiến pháp đứng trên luật.” Nhân tiện, tôi nói cần phải sửa đổi luật về quyền kiểm tra đăng ký tạm trú và lưu trú của công an, vì điều luật ấy rõ ràng vi hiến.
Do đề cập đến việc sửa đổi luật pháp, các anh an ninh hỏi tôi về Thư ngỏ gửi Quốc hội đề nghị hủy bỏ các điều 79, 88 và 258 của Bộ luật hình sự mà tôi đăng trên Facebook cá nhân. Tôi lập lại quan điểm của mình rằng cần phải thực hiện gấp việc hủy bỏ như vậy, vì ba điều luật này xâm phạm quyền con người và quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đề cao.
Một anh hỏi tôi nếu bỏ ba điều đó thì phải có điều nào khác thay thế để bảo đảm an ninh quốc gia. Tôi đáp, “không thể nhân danh hoặc viện lý do bảo đảm an ninh quốc gia để hạn chế hoặc xâm phạm nhân quyền, hơn nữa an ninh quốc gia là một vấn đề khác mà chính quyền đầy kinh nghiệm xử lý, không cần nhờ đến ba điều luật 79, 88 và 258.” Tôi khẳng định ba điều luật ấy làm hình ảnh Việt Nam trở nên tồi tệ trong mắt cộng đồng quốc tế. Sẵn đó, tôi cũng nói thêm việc trì hoãn ban hành luật biểu tình là không thể chấp nhận được.
Anh an ninh khác nhận xét cách tôi “đồng tình” với việc chặt cây xanh ở Hà Nội như đã viết trên Facebook nghe rất sốc. Tôi nói, “loại bỏ những cây đã chết hoặc mục ruỗng bên trong để bảo đảm an toàn cho cư dân là cần thiết, nhưng kiểu chặt cây quý hiếm còn sống tốt là điều không thể chấp nhận, nhất là khi lối làm đó thiếu minh bạch.” Các anh an ninh gật đầu: “Chúng tôi chẳng hiểu sao chính quyền Hà Nội lại làm như vậy, chúng tôi cũng sốc như anh!”
Một anh xoay sang sự kiện công nhân đình công, dặn dò tôi tránh viết điều gì có thể gây kích động. Tôi đáp, “sự kiện đó là hệ quả tất yếu của việc ban hành luật thiếu suy xét cẩn trọng.” Tôi giải thích, “tinh thần của bảo hiểm xã hội là đúng, nhưng vấn đề chính ở đây là niềm tin của người lao động vào việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hoàn toàn không có.”
“Trong khi các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng nhà nước đối với việc nhận và sử dụng tiền ký thác của khách hàng, thì quỹ bảo hiểm xã hội có quy mô to lớn hơn lại quản lý và đầu tư tiền bạc của người lao động cả nước hoàn toàn thiếu minh bạch, chưa nói đến rủi ro đổ vỡ. Luật mới chẳng những không giải quyết vấn đề, lại còn gia tăng rủi ro đó khi cưỡng buộc người lao động trao tiền của mình cho người khác xài hàng chục năm, mà không biết sẽ được hoàn trả không, nếu may thì còn, xui thì mất. Do vậy, theo tôi, công nhân đình công là đúng. Vấn đề còn lại là Quốc hội sẽ sửa luật khi nào và như thế nào.” Tôi cũng nhấn mạnh không nên sử dụng biện pháp đàn áp. Các anh an ninh tỏ vẻ đồng ý với tôi.
Câu chuyện chuyển sang lời lẽ nặng nề mà tôi dùng cho ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Bắc Kinh. Tôi nói, “như một tiền lệ không đẹp mặt lắm, rằng cứ trước chuyến đi sang Mỹ quan chức lãnh đạo Việt Nam luôn phải tranh thủ sang Trung Quốc xin ý kiến chỉ đạo, mặc dù thực hư thế nào không ai biết rõ, và chính cung cách này từ nhiều năm nay đã gửi một thông điệp rõ ràng cho dân chúng rằng nước ta đang lệ thuộc Trung Quốc.” Mọi người im lặng. Tôi nói tiếp, “lịch sử Trung Hoa cho thấy họ tuy là nước lớn, nhưng thường nói một đằng làm một nẻo, một kẻ như thế dứt khoát không thể là bạn.” Mọi người gật đầu đồng tình.
Một anh buộc miệng nói với tôi, “Trung Quốc mời đi gấp chắc liên quan đến kỳ Đại hội Đảng sắp tới!” Tôi trả lời, “có lẽ là thế, vì nhân sự cấp cao của Việt Nam luôn là mối bận tâm của Trung Quốc.” Anh khác bỗng hỏi tôi, “anh nghĩ ai sẽ là nhà lãnh đạo kế tiếp?” Tôi đáp, “ở nước ta bầu cử và kết quả của nó là chuyện dành riêng cho đảng cộng sản, hoàn toàn thiếu minh bạch, nên người dân chỉ có thể đoán mò, dù về mặt tâm lý có thể họ thích hoặc không thích một nhân vật nào đó.”
Anh ấy hỏi tiếp, “vậy thì phải làm sao để dự đoán chính xác?” Tôi đáp, “ở các nước dân chủ, mọi cuộc bầu cử đều tự do, công bằng và minh bạch, nên kết quả bầu cử có thể tiên đoán dựa trên sự quan sát diễn biến tranh cử, do vậy muốn thấy điều đó ở Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp để chấp nhận cách thức bầu cử tương tự.” Anh ấy lắc đầu nhận định, “phải chờ 20 năm nữa!” Tôi cười bảo, “tôi không tin lâu như vậy!”
Anh an ninh hỏi thêm, “theo anh nếu sửa đổi Hiến pháp những vấn đề quan trọng nào cần đạt được?” Tôi trả lời không cần suy nghĩ, “đó là các vấn đề sau: thể chế chính trị đa đảng, thể chế nhà nước tam quyền phân lập, quyền tư hữu đất đai và quân đội độc lập.” Anh ấy nói luôn, “toàn những vấn đề khó và cần thời gian thêm.” Tôi bảo, “tại các anh bảo thủ không muốn làm, chứ chẳng vấn đề nào khó cả và điều quan trọng là việc thay đổi vì lợi ích của ai thôi.”
Buổi trò chuyện tạm dừng tại đó. Một anh an ninh tiết lộ rằng tất cả bài viết của tôi trên Facebook cá nhân đều được chính quyền quan tâm và phân tích đặc biệt. Tôi cười lớn, nói “thật hân hạnh cho tôi!” Song nụ cười của tôi đã phải tắt ngấm ngay sau đó, bởi khi tôi sốt ruột hỏi cô nàng xinh đẹp đâu mà không đến gặp tôi cả ba tháng nay, thì nhận được câu trả lời rằng: “Người đẹp của anh có chồng và một con rồi!” Tôi định buột miệng hỏi ngay, “thằng cha nào gan thế?” thì kịp thời dừng lại, buông tay rớt xuống mặt bàn cái rầm.
Anh an ninh ngồi cạnh tôi ngạc nhiên: “Sao anh lại đập bàn thế? Thất vọng đến vậy sao?” Tôi đứng dậy lắc đầu, thiểu não ra về. Bước khỏi cổng, ngước nhìn khoảng không phía trên, bỗng dưng tôi muốn hét thật to, không biết nên buồn hay nên mừng đây trời!
Nguồn: facebook.com/LSLeCongDinh
Hội nghị ASEAN-Trung Quốc về Biển Đông tại Brunei
.
Colin Lovett
29.08.2013
Căng thẳng Biển Đông là bối cảnh chính của hội nghị trong tuần này giữa các vị ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc. Theo dự liệu, vấn đề này sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận tại Brunei, là nơi các vị bộ trưởng quốc phòng ASEAN đang họp với các vị tương nhiệm phía Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Colin Levett của đài VOA, hội nghị này có phần chắc sẽ không có đột phá nào về vấn đề Biển Đông.
Các nước ASEAN đang mong có được một giải pháp nhanh chóng cho cuộc thương thuyết về Bộ Qui tắc Hành xử Biển Đông và những cuộc đàm phán đa phương về những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở vùng này. Nhưng hai lập trường đó không phù hợp với lập trường của chính phủ Trung Quốc, là nước đã có những hành động táo bạo hơn trong vài năm gần đây để khẳng định những yêu sách chủ quyền biển đảo.
Sau cuộc họp không chính thức trong nửa ngày tại Thái Lan trong tháng này, các vị ngoại trưởng ASEAN cho biết họ đã sẵn sàng để lên tiếng với một tiếng nói đồng nhất về việc cần phải nhanh chóng tiến hành cuộc đàm phán về Bộ Qui tắc Hành xử, thường được gọi tắt là COC, để quản lý những hành vi trên biển và có thể dọn đường cho những cuộc đàm phán nhằm giải quyết những vụ tranh chấp chủ quyền.
Tuy nhiên, theo nhận xét của ông James Clad, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các tuyên bố của ASEAN có phần chắc sẽ không có tác dụng. Ông nói:
"Trước hết, tôi không tin ASEAN có một tiếng nói đồng nhất. Lấy thí dụ Campuchia, nơi mà các vị nguyên thủ quốc gia đã họp cách đây không lâu lắm. Campuchia đã làm hết sức mình để lấy lòng những người bạn của họ ở Bắc Kinh. Vì vậy ý tưởng cho rằng ASEAN có một tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông là chuyện mà cả trên lý thuyết lẫn trên thực tế đều không thể có được. Tuy vậy, việc đưa ra những tuyên bố như thế cũng là một việc có ích. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc này sẽ mang lại thành quả nào có thể đo lường được trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, là nước sẽ áp dụng chiến thuật trì hoãn như lâu nay họ vẫn làm."
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Campuchia với Trung Quốc đã được mọi người chú tâm theo dõi hồi năm ngoái, khi vương quốc này tổ chức cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN tại Phnom Penh. Các vị bộ trưởng tại hội nghị, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, đã không đạt được đồng thuận về lời lẽ trong bản thông cáo chung – một dấu hiệu cho thấy sự tranh cãi giữa các nước ASEAN vẫn tiếp diễn.
Tuần trước, Ngoại trưởng Campuchia đã họp với Ngoại trưởng Trung Quốc và lên tiếng hô hào cho việc tăng cường quan hệ giữa ASEAN với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Lao Monghay, một nhà phân tích độc lập ở Campuchia, nói với đài VOA rằng đó chỉ là một phần của những thủ thuật của Bắc Kinh. Ông nói:
"Chiến lược của Trung Quốc là chia rẽ ASEAN. Họ đã thành công tại hội nghị thượng đỉnh ở Campuchia hồi năm ngoái."
Trung Quốc mới đây tuyên bố không nên vội vã đàm phán về Bộ Qui tắc Hành xử. Họ cũng tiếp tục phản đối việc tiến hành những cuộc đàm phán đa phương về những vụ tranh chấp chủ quyền và khẳng định là họ chỉ thảo luận với từng nước một.
Hoa Kỳ, là nước tuyên bố không ngã về bên nào trong những vụ tranh chấp lãnh thổ, đã gia tăng những hoạt động ngoại giao về vấn đề Biển Đông.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear, cho biết có được một Bộ Qui tắc Hành xử là một bước tiến quan trọng cho khu vực:
"Chúng tôi tham gia một cuộc đối thoại rất năng động với Việt Nam về đề tài này và chúng tôi thảo luận tới nhiều việc khác nhau, trong đó có tình hình trên biển, về những việc liên quan tới cuộc thương thuyết có thể diễn ra với Trung Quốc về Bộ Qui tắc Hành xử. Chúng tôi tin rằng nếu bộ qui tắc được thương thuyết và thực thi thì điều đó sẽ làm cho những mối căng thẳng ở Biển Đông giảm đi rất nhiều."
Washington cũng đang ra sức tăng cường các mối quan hệ với đồng minh Philippines, trong đó có việc điều đình để gia tăng số binh sĩ Mỹ luân phiên trú đóng ở Philippines và bố trí những khí tài quân sự ở nước này.
Thứ hai vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cho biết Washington sẽ tăng 50% ngân khoản viện trợ quân sự cho các nước vùng Đông Nam Á.
http://www.voatiengviet.com/content/hoi-nghi-asean-trung-quoc-ve-bien-dong-tai-brunei/1738952.html
Dân Ukraine đập bỏ tượng anh hùng Cộng Sản Liên Xô
12.04.2015, KHARKIV, Ukraine (AFP) - Các bức tượng anh hùng Cộng Sản Liên Xô đã bị đập phá ở thành phố Kharkiv của Ukraine hôm Thứ Bảy, trong lúc phong trào phá hủy các biểu tượng của quá khứ Cộng Sản đang lan rộng trong quốc gia này.
Bức tượng Nikolay Rudnev vừa bị đập phá. (Hình: Getty Images)
Tượng của ba anh hùng Bolshevik bị đập trong đêm ở thành phố Ðông Bắc Ukraine, nằm sát biên giới Nga, chỉ 48 giờ sau khi Quốc Hội Ukraine thông qua đạo luật theo đó cấm các biểu hiệu của Nazi cũng như của Cộng Sản.
Ðảng đối lập thân Nga tại Quốc Hội Ukraine phản đối việc này và cáo buộc chính quyền Kiev là tiêu diệt truyền thống và khuyến khích rối loạn trên đường phố.
Nina Soboleva, con gái của nhà điêu khắc Viktor Volovik, người tạc tượng anh hùng cách mạng Liên Xô Nikolay Rudnev vừa bị đập phá, nói rằng phải đem các bức tượng này đi cất để chờ có quyết định rõ ràng.
Thành phố Kharkiv, với khoảng 1.4 triệu dân, nằm cách khu vực giao tranh Donetsk và Lugansk chỉ vào khoảng 200 km, nơi thành phần phiến quân thân Nga đang chiến đấu chống quân chính phủ Kiev, trong cuộc chiến đã làm thiệt mạng hơn 6,000 người.
Thị trưởng Kharkiv, Gennady Kernes, người có khuynh hướng thân Nga, gọi các cuộc đập phá này là hình thức phá hoại và đòi hỏi cảnh sát “phải giải thích lý do tại sao họ không can thiệp trước việc phá hủy tượng đài.”
Tuy luật mới đưa ra nhằm xóa các biểu tượng thời Cộng Sản trước đây của Ukraine, các cựu chiến binh Liên Xô thời Ðệ Nhị Thế Chiến sẽ tiếp tục được phép đeo huy chương và các ngôi mộ sẽ được bảo vệ, cho dù có hình búa liềm hay các dấu hiệu khác của Liên Xô. (V.Giang)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=205709&zoneid=1#.VStFk7HmkqU
__._,http://vulep.blogspot.com.au/2015/04/124-nguoi-dan-ha-noi-tiep-tuc-xuong.html_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment