Không dám nhắc đến hai chữ Việt Nam?
Nguyễn Văn Tuấn
Chúng ta biết rằng báo chí VN rất sợ/ngại nhắc đến hai chữ "Trung Quốc". Chỉ dám nói đến "tàu lạ" như là loại tàu nào đó ngoài hành tinh. Đến nỗi "tàu lạ" trở thành một danh từ đầy mỉa mai và hài hước. Ai cũng biết cái "tàu lạ" đó là ai (như con voi ở trong phòng), tuy nhiên không ai dám nói đến nó. Nhưng tôi mới phát hiện một điều thú vị là báo chí VN cũng có khi không dám đề cập đến hai chữ "Việt Nam", nhất là khi thông tin có liên quan đến Tàu. Ngạc nhiên? Thì đây là bằng chứng …
Một bản tin trên tờ Thanh Niên cho biết tin tặc Tàu thu thập thông tin chính trị, quân sự của một số nước ở Đông Nam Á suốt 10 năm (1). Báo Người lao động cũng viết thế (2). Các báo khác cũng có những tin tương tự, ví dụ như báo Đất Việt (3). Nhưng có một điểm chung là tất cả các tờ báo trên của VN chỉ viết chung chung là bọn tin tặc Tàu thu thập thông tin chính trị, quân sự của các nước Đông Nam Á. Đọc lên thì thấy chẳng có liên quan hay dính dáng gì đến Việt Nam, bởi vì hai chữ "Việt Nam" không được nhắc đến trong các thông tin trên.
Nhưng báo nước ngoài thì đưa tin chính xác hơn, và họ nêu đích danh những nước mà tin tặc Tàu cộng đánh cắp thông tin. Những nước đó là Việt Nam, Phi Luật Tân (Philippines), Mã Lai, Brunei, và Đài Loan. Những nước này có tranh chấp chủ quyền đảo với Tàu, và do đó là đối tượng của bọn tin tặc Tàu. Chẳng hạn như tờ Wall Street Journal cho chúng ta biết rằng các tin tặc này là do Nhà nước Tàu bảo trợ và chúng có tên là APT30 (4). Nói trắng ra, Chính phủ Tàu dung túng cho bọn tin tặc.
Theo công ti an ninh mạng FireEye thì thủ đoạn của bọn tin tặc Tàu là chúng là viết những email bằng tiếng địa phương mà nội dung có vẻ hợp lí, nhưng thật ra là kèm theo những virus và malware. Một thủ đoạn khác là xâm nhập vào các mạng, rồi cắt đứt đường nối internet làm cho quản trị mạng phải tải phần mềm độc hại về máy, rồi từ đó lan sang các USB (4). Các chuyên gia còn cho biết với thủ đoạn đó, các đối tượng bị tấn công (tức chính phủ Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, và Đài Loan) không có khả năng phát hiện! Tờ WSJ còn cho biết đây là một chiến dịch tấn công được dàn dựng rất bài bản, nó chứng tỏ có chính quyền đừng đằng sau.
Tuần trước, tôi có đề cập rằng tập đoàn Hoa Vi của Tàu bị các nước như Mĩ, Anh, Úc, Canada, v.v. tẩy chay không cho tham gia vào các dự án mang tính hạ tầng cơ sở điện tử, vì tập đoàn này bị nghi ngờ là làm gián điệp của Tàu. Nhưng VN thì chẳng những mời mọc mà còn hoan nghênh tập đoàn Hoa Vi vào tham gia vào các dự án công nghệ viễn thông. Thông tin tuần này càng cho thấy làm ăn với Tàu có quá nhiều nguy cơ và rủi ro an ninh quốc gia.
Nhưng điều tôi muốn nói là cách đưa tin của báo chí VN. Tại sao họ không dám nêu thẳng rằng VN ta là một trong những đối tượng mà tin tặc Tàu tấn công? Tại sao chỉ nói chung chung là "các nước Đông Nam Á"? Vui nhất là mấy anh Thanh Niên có câu thập thò "Việt Nam là một trong số mười nước thành viên ASEAN". Nỗi sợ Tàu của VN phải nói là đã đến mức báo động.
====
(1) http://www.thanhnien.com.vn/…/tin-tac-trung-quoc-thu-thap-t…
(2) http://nld.com.vn/…/tin-tac-trung-quoc-do-tham-dong-nam-a-s…
(3) http://baodatviet.vn/…/my-noi-thang-tin-tac-tq-do-tham-thon…
(4) http://www.wsj.com/…/chinas-hackers-run-10-year-spy-campaig…
Nguồn: www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1429347984044990
Tin tặc Trung Quốc ‘theo dõi’ Việt Nam?
VOA Tiếng Việt
14.04.2015
FireEye, công ty cung cấp phần mềm an ninh mạng của Mỹ, hôm qua, nói rằng một nhóm hacker bị nghi có liên quan tới chính phủ Trung Quốc đã theo dõi Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á trong suốt một thập kỷ qua.
FireEye cho rằng nhóm tin tặc có tên gọi là APT30 đã sử dụng phần mềm chứa mã độc để tiếp cận hàng loạt máy tính "chứa các thông tin tình báo quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự" ở 10 nước, trong đó có Việt Nam cũng như các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở châu Á.
Chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận mối quan hệ với hacker, thậm chí khẳng định chính Trung Quốc mới là nạn nhân của nhiều vụ tấn công mạng, chủ yếu xuất phát từ Mỹ. Trả lời báo chí về những cáo buộc mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói:
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nghiêm cấm và ngăn chặn bất kỳ hình thức tấn công mạng nào. Đây là quan điểm nhất quán và rõ ràng. Các vụ tin tặc là một vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế vấp phải, và cần phải được xử lý một cách hợp tác thay vì phê bình lẫn nhau”.
Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc đã tấn công vào hệ thống máy tính của các công ty Mỹ để thu thập bí mật thương mại. Việt Nam chưa lên tiếng về các cáo buộc tấn công mạng vừa kể.
Ông Nguyễn Văn Thỉnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an, từng cho hay “tình hình an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, tồn tại nhiều cơ sở gây nguy cơ bị tấn công, phá hoại hạ tầng mạng thông tin, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.”
Theo báo chí trong nước, trong năm 2014, Bộ Công an phát hiện gần 6.000 trang bị tấn công, chiếm quyền quản trị, chỉnh sửa nội dung. Sau sự kiện giàn khoan dầu gây tranh cãi của Trung Quốc, tin tặc nước ngoài đã tấn công hơn 700 trang mạng Việt Nam để “chèn các nội dung xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment