Friday, October 5, 2012

Dịch chuột – dịch người


Subject: Fw: Dịch chuột – dịch người

 

 
Dịch chuột – dịch người
 
Nguyễn thị Kim Thoa
 
Ban mê thuột hay Buôn ma thuột, đã có lúc tại khoa nhi bệnh viện tỉnh Daklak diễn ra các cuộc cãi vã giữa hai phe nhân sự: Phe cách mạng gồm chị Liên y sĩ trưởng khoa, chị Chiến y tá từ Bắc vào. Phe lưu dung gồm 5 y tá: H’Băm, H’ Zup người dân tộc Ê Đê, Năng Ri người dân tộc Chăm, chị Hoàng thị Kính người Công giáo, Bắc 54 và chị Trần Ngọc Hoa người Việt gốc Hoa quê ở Gia Hội Huế. Đồng minh của phe lưu dung còn có hai y công: Vũ thị Thái người Bắc 54, Mai thị Bé người miền Tây Nam bộ.
 
 
Phe này gọi là Ban mê thuột, phe kia gọi là Buôn ma thuột. Khoa nhi của tôi là một phần của bệnh viện tỉnh Daklak, Daklak là một phần của Tây nguyên. Tây nguyên là một phần của miền Nam, đến thời điểm này Tây nguyên là một phần của đất nước Việt nam Độc lập và Thống nhất. Cuối năm 1978 khi ông Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng Cộng sản vào thăm, bảo Tây nguyên là mái nhà chung của nhân dân Đông Dương. Có lẽ giữa ông Tổng bí thư Lê Duẩn và tôi không có sự nhất trí đồng tình. Ông ấy bảo mái nhà chung của nhân dân Đông Dương. Tôi thì nói một mình hay nói với chồng tôi, anh C.S, làm gì có mái nhà chung của nhân dân Đông Dương. Rắc rối và chiến tranh không chỉ là vấn đề ngôn ngữ. Trở lại vấn đề tên của thị xã nơi tôi đang sống và đương đầu trong đoạn ký ức này tôi ghi là BMT cho tiện.
 
 
 
BMT đầu năm 1979 trở nên náo động. Ông Tổng bí thư Lê Duẩn vào thăm nói đâu đó trên trời (đối với tôi cơ quan đầu não của tỉnh là trời) rằng BMT có vị trí quan trọng, xứng đáng là nóc nhà chung Đông Dương. Phụ họa phán ngôn của Tổng bí thư Lê Duẩn, ông Trần Kiên bí thư tỉnh Daklak huy động cán bộ công nhân viên đi Buôn Trấp xây dựng công trường Xã hội Chủ nghĩa. Nhân viên khoa nhi và bệnh viện tỉnh Daklak được triệu tập tại hội trường để học tập về tình hình và nhiệm vụ mới…
Đầu năm 1979 vào một buổi chập choạng tối, các loa phóng thanh ở các góc phố đột ngột vang lên khúc nhạc quân hành. Quân Việt nam tiến qua Campuchia giúp dân nước này tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt – Yêng Sa Ri. Mấy tuần sau tin chiến thắng từ các tỉnh biên giới phía Bắc: Quân đội Nhân dân Việt nam anh hùng đã giáng trả quyết liệt và đánh tan tác mấy trăm ngàn quân Trung quốc xâm lược. Ông Trần Kiên ra lệnh cán bộ công nhân viên các ban ngành và nhân dân thị xã BMT đi đốt rừng trồng sắn, xây dựng căn cứ địa kháng chiến.
 
 
BMT vắng teo.
 
 
Nhưng đầu tháng ba, bệnh viện và nhất là khoa nhi của chúng tôi lại tấp nập. Chúng tôi đang đương đầu với dịch hạch. Căn bệnh mà ở Đại học Y khoa Huế chúng tôi chỉ học qua loa phần lý thuyết. Bản thân tôi cũng như các y tá tại khoa nơi tôi đang là bác sĩ điều trị chưa hề có một trải nghiệm nào.
 
Mùa xuân và tháng ba ở BMT thời tiết đẹp nhất trong năm. Thế nhưng, mùa xuân và tháng ba ở BMT năm 1979 là một ngoại lệ. Những cơn mưa trái mùa và gió nóng lúc xế trưa đã làm cho bầu không khí trở nên oi nồng, ẩm ướt rất khó chịu.
Một buổi sáng đầu tháng ba, trên đường đến bệnh viện, mới rẽ vào đoạn đường có khu tập thể nằm ở phía trái tôi nhận thấy có mùi hôi thối phả vào mặt mũi theo từng cơn gió. Vào văn phòng khoa, gặp H’Băm, chị y tá người dân tộc Ê Đê, tôi hỏi:
 
– “Có phải mùi chuột chết bên khu tập thể của chị không”?
H’Băm trả lời:
– “Đúng rồi mùi chuột chết. Chuột chết nằm khắp nơi, cống rãnh, bờ rào. Chuột cống, chuột đồng, chuột phố”... Ánh mắt H’Băm bí ẩn mà chẳng có vẻ gì lo âu.
Đến giờ ăn trưa, các y tá bày các gói, hộp thức ăn của mình trên chiếc chiếu trải giữa phòng, trước mặt bàn làm việc của tôi. Các chị vừa ăn vừa trò chuyện. Câu chuyện tập chú vào chuột: chuột chết, mùi chuột chết... đến các món ăn chế biến từ chuột: Chuột thui, chuột nướng, chuột chiên bơ, chuột nấu cà ri... Phụ họa cùng câu chuyện chuột của các chị y tá, chiếc quạt trên trần nhà quay như điên phát ra tiếng gió phần phật và cả mùi chuột chết.
Tôi vốn sợ chuột, những câu chuyện chuột của mấy chị y tá làm tôi lộn ruột, rùng mình. Tôi mang lon ghi-gô(1) thức ăn ra hiên ngồi ăn một mình. Chị y tá Kính ăn xong ra ngồi với tôi. Tôi hỏi:
– “Ở BMT chuột chết nhiều như thế này có thường xảy ra không? Các chị có sợ cái mùi thối khắm ấy không”?
 
Chị Kính bảo:
– “Ở đây chuột chết lai rai nằm rải rác đó đây là chuyện bình thường. Còn mùi thối thì ăn thua gì. Ngày vừa giải phóng tại Ngã sáu và tại các bót án ngữ bảo vệ thị xã người chết phơi đầy, mùi hôi thối khủng khiếp lan tỏa khắp nơi. Xác người phủ bọc cờ đỏ, cờ vàng và cả những xác không có màu cờ sắc áo nằm kề bên nhau, máu me bê bết, chân cụt, tay gãy, ruột lòi, mặt mày biến dạng, ruồi bu, bọ rúc, chuột rỉa, chó tha. Tiếng súng đã dứt, nhưng xác người vẫn nằm la liệt. Đồng đội đôi bên, kẻ thắng thì truy đuổi, kẻ thua thì trốn chạy, người dân khiếp sợ chẳng dám ra đường.
 
Chúng em giáo dân sống quanh khu vực nhà thờ, đàn ông thì tập trung bất động quanh bàn thờ chúa, đàn bà và trẻ em kẻ gậy người dao, có cả lựu đạn và súng tổ chức bảo vệ nhà thờ. Em có đứa cháu trai 15 tuổi chỉ huy các thiếu niên bạn chiến đấu trong những chiến hào xây bằng bao cát quanh tường rào. Nó choàng tấm vải đỏ, hết nhảy từ nóc hầm này qua nóc hầm kia, miệng hét, tay súng, tay lựu đạn huơ huơ, nhắm nhắm, như một ông tướng. Quân giải phóng không đụng đến nhà thờ nhưng giải tỏa nhanh chóng các ụ đề kháng của thiếu niên. Thằng cháu em chạy qua Ngã sáu theo mấy ông lính Cộng hòa, bị bắn chết nơi đó, trên cổ nó còn quàng tấm vải đỏ. Xác nó và xác của những người lính hai bên lẫn lộn. Trận đánh kết thúc, nhà nước cách mạng thu dọn xác chết chôn cất theo từng khu vực. Lính Cộng hòa chôn riêng, lính Giải phóng chôn riêng. Thằng cháu em vì còn nhỏ tuổi cổ lại quàng tấm vải đỏ, những người làm nhiệm vụ thu dọn tưởng là quân giải phóng nên xác của nó được chôn trong nghĩa trang liệt sĩ. Ba mẹ nó và những người cố thủ trong nhà thờ chúng em đều biết như thế mà vẫn để nguyên như thế vì sợ
 
 
 
Cuộc chiến đã qua đi tròn bốn năm, một quãng thời gian không dài. Do vậy những người dân ở cái thị xã BMT tội nghiệp này chưa quên được chết chóc, đau thương. Bất cứ lúc nào có cơ hội là họ kể lể về bất cứ sự việc nào ập đến trong ký ức rách nát của mình. Chị Kính y tá khoa nhi bệnh viện tỉnh Daklak cũng vậy.
 
 
Chị kể chuyện như người ngoài cuộc mà mắt thì đỏ hoe. Bữa trưa hôm ấy chuyện chuột, chuyện người, chuyện xác chết ruồi bu, kiến đậu và mùi hôi thối đã làm tôi không còn muốn ăn uống gì. Cái lon ghi-gô đựng cơm khoai và mấy miếng khuôn đậu, mấy cọng rau muống chuẩn bị từ sáng sớm vẫn còn nguyên.
 
Hai ngày sau buổi trưa nói chuyện chuột, bệnh nhân vào khoa nhi tăng thấy rõ. Các em nhập viện buổi sáng, buổi chiều và cả trong đêm.
 
 
Các phòng bệnh vốn đã đầy nay đầy thêm. Nằm đôi, nằm ba, đến khi các phòng bệnh không còn đủ chỗ, bệnh nhi nằm trên băng ca, trên chiếu sắp trải la liệt ở ngoài hiên. Buổi tối đến điện lù mù, khi mất điện, đèn dầu, đèn ló và cả que thông được đốt thắp nơi này nơi kia trông thật thê lương.
 
 
 
Chúng tôi, ngoài tôi là bác sĩ, chị y sĩ làm chủ nhiệm khoa, sáu y tá và hai y công, có thêm hai bác sĩ ở trường Đại học Y Tây nguyên qua hợp tác vào mỗi buổi sáng (buổi chiều họ về giảng dạy tại trường), đầu tắt mặt tối suốt 10 giờ (qui định của tỉnh trong thời kỳ đặc biệt) cũng không xuể công việc. Chúng tôi kêu gọi chi viện nhưng bệnh viện trưởng cứ lắc đầu, tình hình các khoa phòng khác cũng chẳng khả quan gì.
 
 
Daklak là tỉnh nằm sát biên giới Campuchia, bệnh viện, ty y tế và viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên còn phải cử người bổ sung cho cuộc chiến bên đó. Các bác sĩ có lý lịch không tốt thì bị điều đi nông trường.
 
 
Cuộc chiến của chúng tôi tại khoa nhi bệnh viện tỉnh Daklak bị bỏ quên. Nhân lực thiếu đã đành, thuốc men lại càng thiếu hơn. Bản thân bác sĩ điều trị chính là tôi lại chưa có một hiểu biết và kinh nghiệm cụ thể về bệnh dịch hạch. Ở trường Y Huế, sinh viên chỉ được dạy qua lý thuyết, chưa hề thấy có bệnh này.
 
Chừng năm sáu chục bệnh đang nằm viện, chừng hai chục bệnh nhân chờ khám mỗi buổi, chúng tôi tả xung hữu đột, lực bất tòng tâm, mất phương hướng.
 
Đa phần các cháu sốt cao, trên 38 độ C, có chung một triệu chứng, viêm hạch ở bẹn (háng) hay nách. Hạch nhỏ nhưng bệnh nhi khóc thét lên khi bác sĩ thăm khám.
 
Viêm hạch ở nhiều trẻ cùng một lúc trong bối cảnh chuột chết hàng loạt khiến chúng tôi nghĩ nhiều đến khả năng dịch hạch hoành hành. Tôi trình bày tình trạng chung cùng khả năng nhân lực, thuốc men của khoa để xin ý kiến của bệnh viện trưởng.
 
Trước mắt, chúng tôi giải quyết vấn đề cấp cứu, điều trị triệu chứng, điều trị viêm nhiễm với thuốc kháng sinh(2). Bệnh nhẹ điều trị Xuyên tâm liên(3), DVS(3), Sulfamit. Bệnh nặng hơn điều trị Tétracycline, Streptomycine, Chloramphénicol. Đó là những gì chúng tôi có, mà có rất hạn chế, đặc biệt các loại tây dược.
 
 
Tôi một mặt tìm đọc lại tài liệu căn bản mang theo khi rời trường Y, một mặt hút dịch ở các hạch viêm để tìm vi trùng. Quả như tôi nhận định: bệnh phẩm lấy từ hạch có vi trùng ăn màu lưỡng cực khi nhuộm Giemsa. Đối với tôi đây là vấn đề mới mẻ và có phần “lí thú”. Lần đầu tiên tôi đối mặt với căn bệnh mà nhà bác học người Pháp Alexander Yersin đã tìm ra vi trùng hơn một trăm năm trước (1894). Và đây cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy con trực khuẩn Yersinia Pestis ăn màu lưỡng cực mà hồi còn là sinh viên tôi chỉ được thấy qua hình ảnh trên sách và bài học vi trùng của thầy Lê Bá Nhàn.
Tôi vừa sợ hãi, vừa “háo hức” trở lại chiến trường của mình với những kết quả ở phòng xét nghiệm.
Ban đầu bệnh chỉ xảy ra rải rác vài trường hợp ở các buôn làng người Ê Đê ở Krong Buk về sau lan dần đến các xã quanh thị trấn: Ea Kao, Ea Sup... Trẻ em Ê Đê, Chăm và Kinh đều bị.
Những ngày tiếp theo bệnh nhập viện nhiều và nặng hơn. Một số em đã xuất hiện hoại tử khô(4) ở đầu ngón tay, đầu ngón chân, đầu mũi hoặc vành tai. Bệnh đã chuyển sang nhiễm trùng máu. Chỉ cần lấy máu đầu ngón tay nhuộm Giemsa là chúng tôi đã thấy có vi trùng.
Bệnh diễn biến rất nhanh. Có trường hợp tử vong sớm do choáng nhiễm trùng(5), có trường hợp kéo dài do hoại tử khô. Hầu như ngày nào cũng có tử vong.
 
Ngày lại ngày, nhìn những đứa trẻ khóc la rên rỉ với những đám hoại tử đen xỉn, hôi thối, tôi đau đớn và rối bời. Có em rụng một hay hai lóng tay, có em rụng mất ngón chân, có em sứt vành tai, có em đầu mũi đã khuyết đi một phần để lại lỗ đen nham nhở. Có em nặng hơn, một phần mô mềm ở bả vai, đùi hay mông khô quắt, đen xạm.    
 
Chung quanh tôi các căn phòng đen. Vết thương hoại tử đen, áo quần của những bà mẹ, ông bố đen xì nhiều ngày không giặt. Những con gà quạ(6) con mổ vội úp lên bụng những đứa trẻ sốt cao máu me bê bết cũng màu đen…
 
Cái màu đen đó cùng với màu hồng của những đám vi trùng ăn màu thuốc nhuộm dưới kính hiển vi đã khiến tôi liên tưởng và quay quắt suy nghĩ về cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa diễn ra suốt bốn năm trên mọi miền của đất nước với hai cuộc chiến tranh khủng khiếp khó hiểu giữa những người Cộng sản đã một thời là đồng minh - liên minh - quốc tế - vô sản - tình nghĩa - tót vời - đỉnh cao - nhân loại.
 
Trước mắt tôi hiển hiện hai hình ảnh, hai màu sắc nghịch chọi. Những con vi trùng ăn màu lưỡng cực hào nhoáng trên lam máu xét nghiệm, và khoa nhi của chúng tôi với mấy căn phòng nham nhở màu gỉ xám với những con bệnh đen rên rỉ, khóc than đợi chết từng ngày. Và cả chúng tôi nữa, những người thầy tìm không ra thuốc, cũng là nạn nhân của trận dịch lớn đang tàn phá đất nước, hủy hoại con người.
 
Ôi! lý tưởng và hiện thực. Không phải hai mà là một.
 
Tôi đã rời phòng xét nghiệm sau khi vứt lam máu với những vi trùng ăn màu lưỡng cực đẹp như một thảm hoa hồng vào hộp xử lý chất thải. Tôi trở lại với khoa nhi, với cuộc đời, với chính tôi. Tất cả đang nhuộm một màu đen.
 
Tôi muốn có thêm một ít thuốc đặc trị và giảm đau, nhưng những yêu cầu của tôi hình như đã bị thượng đế bỏ qua, vì tất cả đang dành cho cuộc chiến chống bành trướng Trung quốc, cuộc chiến diệt chủng ở Campuchia và câu chuyện thần thoại mái nhà chung Đông Dương.
 
Buổi sáng thứ bảy cuối tuần, ngày mai là ngày nghỉ, tôi thận trọng thăm khám các bệnh nặng. Bé H’Zoan 8 tuổi, bàn chân phải sưng tấy, ngón chân út đã rụng, các ngón còn lại khô teo, đen xạm và chờ rụng. Nằm bên cạnh H’Zoan là đứa em trai 5 tuổi, Y’Bloc, đang rên rỉ vì cái hạch sưng đỏ ở bẹn.
 
Khi tôi khám bệnh, H’Zoan quì gối trên giường, hai tay chắp trước ngực van xin:
– “Thưa bác, con không muốn tiêm thuốc nữa, thuốc tiêm đau quá, bác hãy dùng phần thuốc của con cho Y’Bloc, em nó cần hơn. Hôm qua con thấy em bé giường bên bị rụng ngón chân như con đã chết, chắc con cũng chết thôi. Bác hãy dành thuốc của con cho Y’Bloc, vì nó chưa bị thối tay chân. Con không muốn Bloc chết”.
 
Lời của H’ Zoan làm tôi xúc động, tôi nói với em:
– “Con yên tâm tiêm thuốc, bệnh viện có đủ thuốc cho cả hai”. Tôi nói, nhưng lòng thì rối bời. Thuốc ở đâu?
Thế rồi H’Zoan ra đi vào một chiều tháng 5, khi bệnh viện phát động phong trào học tập thi đua làm theo lời Bác.
H’Zoan ra đi, đứa em trai suốt ngày nằm úp mặt xuống giường đòi chị đút cơm. Không khí khoa phòng thêm nặng nề u ám, lòng tôi đau đớn, rối bời.
 
Lời đề nghị của H’Zoan làm tôi suy nghĩ. Giá như được điều trị ngay từ đầu bằng Streptomycin và Tétracycline có lẽ sẽ giảm đi tình trạng nhiễm trùng máu. Phác đồ điều trị của bệnh viện không dùng Tétracycline và Streptomycine ở thể viêm hạch vì ngại tác dụng phụ của thuốc lên sự tăng trưởng của trẻ nhỏ, một phần cũng do tây dược quá thiếu. Mặc khác nền y tế lúc này có khuynh hướng chung là muốn Đông - Tây y kết hợp. Do vậy Xuyên tâm liên và DVS vẫn phải dùng dù chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào về hai loại thuốc Đông y này.
 
Nhưng xem ra Xuyên tâm liên và DVS kết hợp với sulfamite không còn tác dụng nữa rồi. Tình trạng dịch bệnh không cải thiện mà trầm trọng thêm. Tôi trao đổi với bác sĩ Thới, vị bác sĩ đã bàn giao nhiệm vụ điều trị tại khoa nhi cho tôi hai năm trước. Ông bị điều ra trạm chống lao theo mệnh lệnh của tỉnh ủy.
 
Suốt hai năm qua ông trở lại khoa nhi mỗi sáng, mỗi chiều để đưa đón vợ làm tại khoa lây nhiễm. Đưa đón vợ là một nhiệm vụ, nhưng trở lại khoa nhi là trở lại với nhiệm vụ của người thầy thuốc mà ông nhận ra là mình đã bị tước đoạt. Ở trạm chống lao, ông ngồi chơi xơi nước.
 
Ông tranh thủ về sớm đến muộn để có nhiều thì giờ đứng ở hiên trao đổi, chia sẻ cùng tôi những khó khăn, bế tắc tôi đang đối mặt. Bác sĩ Thới cũng nghĩ như tôi. Tôi đem chuyện ra bàn với chị y sĩ trưởng khoa, ban đầu chị ngại làm trái phác đồ chung, nhưng sau khi tôi phân tích giải bày, chị đồng ý giải pháp của tôi.
 
Tôi quyết định thay đổi phác đồ, dùng Streptomycine và Tétracycline ngay từ đầu cho các bệnh nhân ở thể viêm hạch nhẹ, thay vì dùng Xuyên tâm liên, DVS, sulfamite và chấp nhận những tác dụng phụ nếu có.
 
Vấn đề mới đặt ra cho tôi là do thuốc quá thiếu, khoa dược chỉ cung cấp theo cơ số họ có. Tôi không có đủ thuốc cho tất cả các bệnh nhân. Tôi phải chọn lựa thuốc dành cho bệnh nào và phải cắt đi ở bệnh nào. Tôi bắt buộc phải cắt thuốc ở những trường hợp mà có thể nói là đã “vô phương cứu chữa”.
 
Tôi không đủ tự tin để tự mình quyết định việc cắt thuốc các trường hợp này. Hội ý với hai bác sĩ trường Đại học Y Tây nguyên: Cao xuân Thanh Phương và Ngô Thị Nhân (khóa đàn em của tôi) là một lựa chọn của tôi.
 
Cả hai bác sĩ ở trường Y đã không đồng ý với tôi về việc cắt giảm thuốc ở một số trường hợp vì cho rằng: “còn nước còn tát”. Bản thân tôi cũng không muốn sự lựa chọn này nhưng không có cách nào hơn. Bác sĩ Thới lại khuyên tôi nên chon lựa như vậy may ra giảm được số tử vong về sau. Ông nói thêm:
 
– “Chúng ta chỉ biết đối phó trong phạm vi bốn bức tường của bệnh viện với những gì bệnh viện cung cấp. Ngoài kia diệt chuột, mua thêm thuốc là chuyện của người khác. Có muốn, chúng ta cũng không làm gì khác được. Buộc phải rời bỏ một số ít trường hợp để cứu nhiều trường hợp khác, đế sớm chấm dứt cơn dịch đen đang hoành hành. Đây là một chọn lựa quá đau đớn, nhưng không thể khác”. Bác sĩ Thới nói với nỗi thất vọng ê chề.
 
Bác sĩ Thu Sa, một bác sĩ ở trường Y Tây nguyên nhưng ở khoa nội người lớn, bạn học của tôi từ tiểu học đến trung học qua trường Y ủng hộ giải pháp của tôi. Sa bảo:
 
– “Vấn đề là chấm dứt trận dịch càng nhanh càng tốt, nếu không bệnh nặng không cứu được, bệnh nhẹ sẽ trở nên nặng, cuối cùng đều chết, dịch cứ lan tràn”.
 
Hai tuần sau khi thay đổi phác đồ, tỷ lệ tử vong vẫn cao và nhất là sau cái chết của bé Ma Cẩm Vân, một em bé người Chăm có đôi mắt nâu to, làm tôi suy sụp tinh thần. Em chết trong bệnh cảnh viêm màng não do vi trùng dịch hạch. Tôi phát hiện triệu chứng màng não của em chỉ trước khi em ra đi ba ngày.
 
Sáng hôm đó em nằm li bì, không ăn được cháo, bà mẹ khai từ đêm qua em nôn ói nhiều. Tôi lấy dịch tủy sống(7) kiểm tra và đã tìm thấy vi trùng dịch hạch. Streptomycine và Tétracycline không qua được màng não, chloramphénicol không có tác dụng là bao. Em đã ra đi.
 
Bé Ma Cẩm Vân không còn nữa, nhưng mỗi lần đi qua giường số 8 nơi em từng nằm, tôi vẫn nghe văng vẳng giọng đọc nửa trong nửa đục của em:
Bố tan ca đêm.
Mẹ vào ca sáng.
Bố về trong nắng.
Áo thơm mùi dầu.
Em ra đầu cầu.

Dang tay đón bố
”.

 
Bài thơ mới nghe qua lần đầu tôi cảm thấy vui. Nghe lần thứ hai tôi thấy buồn. Nghe lần thứ ba tôi thấy đau. Nhớ lại tôi muốn khóc.
 
Bài thơ tả cảnh sinh hoạt của hai vợ chồng công nhân trẻ, có đứa con đến trường mẫu giáo. Cái gia đình ấy không có nhà, cha con vợ chồng gặp nhau ở đầu cầu. Trời nắng áo thơm chỉ là lời bẻo mép của đứa văn nô. Ma Cẩm Vân và những bệnh nhân nhỏ bé tội nghiệp của tôi chỉ có đói khát, bệnh tật với những cơn sốt ba mươi chín, bốn mươi độ C, những cơn đau khủng khiếp thiếu thuốc men và chết chóc.
 
Lòng tôi chùng lại và tinh thần tôi suy sụp sau cái chết của Ma Cẩm Vân.
Để động viên tôi, bác sĩ Thới thường bảo:
 
– “ Tận nhân lực mới tri thiên mệnh”. Chị Bê vợ ông cũng luôn bảo:
– “ Cố gắng lên em nhé
Tôi nhìn thấy nơi hai người đó một sự chịu đựng gan lì.
Cũng để động viên tôi bác sĩ Thu Sa(8) lúc bấy giờ đang là bác sĩ điều trị ở khoa nội đã nói đùa với tôi:
– “Thoa ơi! Thoa có biết: – Cái vấn đề của vấn đề là cái vấn đề... không biết cái vấn đề nào cơ bản và cũng không biết cái vấn đề nào là phải tiên quyết...” Sa lặp lại lời của một giảng viên trong một buổi học tập chính trị và đưa ra lời bình luận với những ngôn từ của y.
May mắn cho chúng tôi và cũng có lẽ do dùng thuốc mạnh ngay từ đầu khi bệnh còn ở thể viêm hạch nhẹ, vào đầu tháng Mười tình hình bệnh dịch ở khoa nhi bắt đầu khả quan. Tỷ lệ tử vong bắt đầu giảm, số bệnh vào viện cũng giảm đi đáng kể.
 
Cơn dịch tạm lui, nhưng theo kinh nghiệm của bác sĩ Thới, nó chỉ tạm lui, sẽ tái phát vào tháng ba năm sau nếu không có biện pháp phòng bệnh tốt. Chu kỳ của dịch bệnh là hai năm.
 
Tôi gặp lại bác sĩ Cao xuân Thanh Phương và Ngô thị Nhân trước tết âm lịch tại khu nhà tập thể của đại học Y Tây nguyên trong một buổi chiều mây vần vũ. Phương và Nhân chuẩn bị rời Tây nguyên để về Đồng Nai.
 
Chúng tôi ngồi ôn lại câu chuyện dịch hạch. Cả ba đều buồn và nhớ đến những bệnh nhân mà mình đã đành thôi “tát nước”.
 
Nghĩ rất nhiều đến những em bé đã qua cơn dịch nhưng không biết rồi sẽ ra sao. Không hiểu Phương nghĩ gì khi nói với tôi: “Nếu phải chọn lựa cái sống tật nguyền và cái chết đau đớn, em sẽ chọn cái chết đau đớn”.
 
Buổi chiều hôm đó tôi đã ngồi lại rất lâu nghe Phương đánh đàn ghita và hát khúc Paloma trên cái nhà sàn ọp ẹp khi ngoài trời gió thét rồi mưa tuôn. (Tôi viết mấy dòng ký ức này khi Phương đã ra đi. Có lẽ Phương đã chọn cái chết đau đớn, để khỏi phải sống tật nguyền).
 
Đầu năm 1980 tôi rời BMT do bản thân suy kiệt trầm trọng, chồng bị bệnh nặng, chúng tôi không còn đủ sức để đương đầu ở nơi đây. Rời BMT lòng tôi băn khoăn, giằng xé.
 
Chẳng hiểu những em bé sống sót sau trận dịch rồi sẽ ra sao, và bệnh dịch có tái phát như lời của bác sĩ Thới hay không? Tôi mang tâm trạng của người thầy không tìm được thuốc, bất lực, chạy trốn khỏi cái nơi mình đã chọn. Từ đầu.
 
Nguyễn thị Kim Thoa
 
Ghi chú
 
  1. lon ghi-gô: hộp sữa hiệu Gingoz, sau 1975 hộp không được dùng làm ca mem bới cơm.
  2. Xuyên tâm liên là thuốc Đông y làm từ lá cây Xuyên tâm liên, DVS: thuốc đông y có tính kháng viêm làm từ các cây Sâm Đại Hành, lá Vằng, Sài Đất
  3. Kháng sinh: antibotique, trong Nam trước 1975 gọi là trụ sinh.
  4. Hoại tử khô: gangrène sec
  5. Choáng nhiễm trùng: shock septique
  6. Người Ê Đê cũng nhu người kinh hay làm khi trẻ bị sốt cao là lấy con gà quạ con (gà đen) mổ đôi và úp lên bụng đứa trẻ đến khi con gà hết nóng. Họ cho rằng gà đen sẽ hút bớt chất độc trong người đứa trẻ.
  7. Lấy dịch tủy sống: ponction lombaire. Từ hay dùng hiện tại là chọc tủy sống.
  8. Bác sĩ Phạm thị Thu Sa ở trường Y Tây nguyên đã làm một tổng kết về trận dịch này. BS Sa ghi nhận các thể của dịch là thể viêm hạch và thể nhiễm trùng máu.
  9. Ghi chú thêm: Ỏ bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh có đủ bốn khoa chính là Nội, Ngoại, Sản, Nhi cùng các khoa lẻ khác là Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Lây nhiễm (trước 1975 trong Nam gọi là khoa truyền nhiễm). Khoa lây nhiễm điều trị các bệnh lây người lớn và một số bệnh nhi mắc bệnh lây trực tiếp như lao, sởi, thủy đậu, ho gà, uốn váng… còn những bệnh lây gián tiếp qua trung gian muỗi hay bọ chét (sốt xuất huyết, dịch hạch…) điều trị tại khoa nhi. Ngay cả những bệnh lây nặng như viêm màng não mủ cũng điều trị tại khoa nhi.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link