Monday, October 1, 2012

MỘT NƠI TRỞ VỀ ĐÃ MẤT


From: Chuyen Tin <
Date: 2012/9/30
Subject: Mời Đọc - MỘT NƠI TRỞ VỀ ĐÃ MẤT


MỘT NƠI TRỞ VỀ ĐÃ MẤT
Vũ Đình Trường
Tôi, tên thuyền nhân thoát chết nhờ được tàu vớt giữa sóng biển Đông cuồng nộ trong một ngày hè gần gần hai mươi lăm năm về trước, đã rời quê hương ra đi nhưng không bao giờ nghĩ rằng sẽ không có ngày trở lại. Hồi ấy nghe những lời đồn đại xa gần tôi còn mơ mộng hão huyền rằng biết đâu khi ra đến nước ngoài sẽ gặp những tổ chức kháng chiến phục quốc, trong đó có thể có những người lính đã từng một thời chiến đấu bên nhau.
 
Có người đã đi xa hơn khi cho rằng người Mỹ không bao giờ bỏ rơi miền Nam. Họ chỉ tạm thời rút lui để sẽ trở lại trong một thời điểm khác. Họ sẽ giúp những tổ chức phục quốc như họ đã từng giúp nhóm kháng chiến Cuba. Lắm người còn tự ví việc bỏ nước ra đi của người Việt Nam giống như cuộc lưu vong của người Do Thái xưa kia. Thôi thì trăm ngàn luận điệu và tin tức khác nhau.
 
 
Khi đặt chân đến trại tỵ nạn, tôi bàng hoàng nhận ra tất cả những gì tôi mong đợi chỉ là mơ. Đây chỉ là một nơi người tỵ nạn tạm trú trong thời gian chờ đợi đi định cư ở một quốc gia khác. Không hề có một bóng dáng của người hùng phục quốc hay dấu hiệu của các tổ chức kháng chiến nào tại nơi tôi đang ở.
 
Thời gian ngắn sau đó, tôi được xuất trại lên đường đi Mỹ. Thực tế phũ phàng ở trại tị nạn vẫn chưa làm tan vỡ giấc mơ tôi. Tôi vẫn còn nghĩ đến hình ảnh của một bưng biền đâu đó với những anh hùng áo vải Lam Sơn thời đại cùng tụ về dưới bóng cờ thiêng. Tôi lang thang la cà đó đây, tham gia các sinh hoạt cộng đồng, các cuộc biểu tình tranh đấu cho tự do nhân quyền tại Việt Nam, các cuộc biểu tình phản đối chánh sách đàn áp người tỵ nạn của một vài quốc gia Đông Nam Á. Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng mình phải làm một cái gì để khỏi phụ lòng tin của người ở lại. Tôi chẳng buồn đi học lại vì nước đã mất nhà đã tan thì có học chăng cũng chẳng ích gì. Ngày qua ngày, để tạm quên nỗi buồn của người chiến bại, tôi đọc thơ Cao Tần, nghe Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc và Hát Trên Đường Tạm Dung của Phạm Duy. Đến bây giờ, gần hai mươi lăm năm sau, tôi vẫn còn nhớ những câu thơ bi tráng của Cao Tần như:
 
“Năm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai”
“Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan”
 
Tôi cũng thấy mình có những đêm dài nằm vùi mà nước mắt chứa chan. Không biết nhân vật trong thơ Cao Tần khóc vì cái gì nhưng tôi khóc vì nhớ Sài gòn và tiếc thương cho đời lính của mình chưa lên đã xuống. Rồi thời gian trôi và tôi cam đành nhận nơi này làm quê hương thứ hai, ngày đi làm, tối đi học ở một trường đại học cộng đồng và cứ thế yên phận với kiếp sống tha phương cầu thực.
 
Đúng như người ta nói, Mỹ đã không vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam. Vào những năm tám mươi, họ đã trở lại nhưng không với tư thế của kẻ mạnh mà trở lại để tìm kiếm, đào bới hài cốt quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong chiến trận. Con đường thông thương mỗi lúc một mở rộng thêm để rồi sau khi lệnh cấm vận được giải tỏa, Mỹ chánh thức bắt tay với kẻ cựu thù để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của giao thương và hợp tác.
 
Người tị nạn Việt Nam, sau những năm tháng dài sống trong nỗi nhớ thương da diết, bấy giờ đã có cơ hội trở về thăm lại quê hương. Người đi mỗi lúc một đông để những người ở lại, trong đó có tôi, cảm thấy như có một cái gì rất thôi thúc, giục giã, xâu xé. Đôi lúc tôi cũng đã muốn theo chân họ mà về, nhất là về để thăm mẹ đã quá già nua.
 
Nhưng rồi những xung đột liên tiếp trong tâm linh đã xóa tan ý muốn trở về Việt Nam của tôi. Tôi còn nhớ những câu thơ chất phác nhưng rất thâm thúy của ai đó mà tôi đọc được trên một tờ báo Việt ngữ:
 
“Quên sao được ngày ra đi tủi nhục
Có thẳng lưng ngẩng mặt hãy quay về
Đừng học thói chàng Thúc Sinh thuở trước
Hể nhớ quê là kiếm lối thăm quê”
 
Và tôi vịn vào những câu thơ này như một niềm an ủi vô biên. “Quên sao được ngày ra đi tủi nhục!” Tôi nhất định không về. Trong khi người ta đi tìm lại quê hương hiện thực, tôi tìm lại quê hương trong mơ và qua hình ảnh, tin tức. Người ta nói Việt Nam đã thay da đổi thịt. Có người về thăm một lần, trở lại với tâm trạng ngao ngán như mất mát tất cả. Nhưng cũng có rất nhiều người đi lại thường xuyên. Có cả những người mang tiền về đầu tư và mua vui trên thân xác những thiếu nữ tuổi chỉ đáng con cháu họ. Với những người này, chắc hẳn quê hương thực sự đã là:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”
Với tôi và những người đồng cảm khác, có lẽ quê hương của thời thơ mộng trước bảy mươi lăm đã chết. Quê hương của tuổi nhỏ cởi truồng tắm mưa, của những cánh diều, con đường đất, ngọn khói lam, mái nhà tranh ọp ẹp, cây cầu khỉ cong vẹo, con đò lặng lờ khuấy nước trên sông, đã chết. Quê hương trong hiện thực vẫn còn đó nhưng quê hương trong ký ức đã không còn. Những trăn trở, ray rứt trong hồn tôi bỗng một ngày kia dâng lên như cuồng lũ khi tôi đọc được những vần thơ bi thiết của Hoàng Định Nam trong bài
Nơi Trở Về Đã Mất:
“Mai có về giữa mùa trăng phiêu lãng
Cũng đã xa rồi mộng ban sơ
Cũng đã nghìn trùng trong mắt cũ
Giữa lòng nhau là cả vạn bến bờ
Một chén tương phùng dẫu rằng chẳng thiếu
Còn ấm lòng không ngọn lửa cố tri
Tâm hồn ta không còn như ngày cũ
Thì chút tro tàn có theo gió bay đi
Mai có về con đường năm xưa
Cố nhân đã đi vào cổ tích…”
Nhân vật trong bài thơ này hay chính người sáng tác ra nó chắc cũng chưa một lần về thăm lại Việt Nam. Vì thế nên nhà thơ đã viết “Mai có về…”. Về để thấy con người tuy gần trong gang tấc nhưng cách xa nghìn trùng vì giữa lòng nhau là cả vạn bến bờ. Lòng kẻ ở, hồn người đi chắc không ai còn nguyên vẹn như xưa thì thôi kỷ niệm chắc cũng chỉ là chút tro tàn chực chờ bay đi theo gió. Theo những dòng thơ của thi nhân, tôi hình dung ra tôi, một gã thuyền nhân lạc loài của hơn hai mươi năm trước, quay về với một nơi trở về đã mất, bơ vơ, ngơ ngác. Ở một đoạn khác, Hoàng Định Nam viết:
“Mai có về soi bóng Thu giang
Tắm bến sông An Trường, Hà Mật
Nước có rửa sạch đôi chân cát đất
Thì lòng ta cũng đã bụi giang hồ”
Thi nhân đã nói giùm tôi những gì tôi chưa và không nói được vì không đủ khả năng diễn đạt. Tôi, không như nhà thơ hay nhân vật trong thơ, đã không được cái vinh hạnh sinh ra trên quê nghèo xứ Quảng, nhưng nơi này chính là nơi mà cha tôi đã sinh ra và lớn lên, là nơi ông bà tổ tiên tôi đã nằm xuống, là nơi mà dòng họ bên nội tôi hiện vẫn còn sinh sôi nẩy nở.
 
Cảm ơn ba tôi đã cho tôi phân nửa dòng máu Quảng để tim tôi còn được đập chung nhịp đập với con tim những người sinh ra trên vùng đất cằn cỗi nhưng giàu tình người và dào dạt ý thơ. Nếu không tình nguyện gia nhập quân đội chắc tôi đã không biết gì về đất Quảng. Gót giày sô nhà binh đã cho tôi có cơ hội về thăm quê nội năm 1974 khi đi thực tập Rừng Núi Sình Lầy với liên đoàn 12 Biệt Động Quân.
 
Tôi đã may mắn được đi qua khắp cùng xứ Quảng, từ Tam Kỳ, Tiên Phước đến Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà. Đó cũng là lần đầu và lần cuối tôi được đến quê cha. Đến nay đã gần ba chục năm, hình ảnh xưa mỗi ngày một nhạt, còn chăng là loáng thoáng những bóng núi lam trên bán đảo Sơn Trà nổi lên giữa vùng trời nước mịt mùng xanh thẫm và núi đồi trùng điệp của những chiến trường tôi đã đi qua.
 
Mấy ngày phép quá ngắn ngủi không đủ để tôi thấy hết bộ mặt phố phường Đà Nẵng. Tôi chỉ còn nhớ lơ mơ con đường Hùng Vương với những dãy phố trệt, lầu cao thấp lỏn chỏn và chợ Cồn, chợ trời huyên náo.
 
Tôi cũng chẳng có dịp ghé qua phố cổ Hội An hay những vùng quê xa như Vĩnh Điện, Phong Thử, những địa danh mà thuở sinh tiền ba tôi thường nhắc đến. Bây giờ nếu tôi có về thăm quê cha thì chắc cũng giống như nhân vật trong thơ Hoàng Định Nam:
“Ta lạc lõng giữa thị thành Đà Nẵng
Ta bơ vơ trong phố cổ Hội An…”
Lạc lõng và bơ vơ nhưng có lẽ cũng không chua xót và ngậm ngùi hơn:
“Đường Nam Phước có phẳng phiu hơn trước
Nhưng lòng người gập ghềnh từ chinh chiến ly tan…”
Chiến tranh và những hậu quả của nó chắc chắn đã làm đổi thay toàn diện nhiều thứ, trong đó cái tàn hại nhất phải nói đến là lòng người. Chưa chắc tôi và người thân tôi còn nhận ra nhau, hay nếu có nhận ra không biết người ta có còn nhìn tôi bằng cái nhìn của mấy mươi năm trước. Trong một bài thơ khác, bài “Câu Lâu ngày về”, Hoàng Định Nam đã nói giùm tôi nỗi niềm u uẩn này:
“Thời thế đổi thay, người cũng chia, phân
Tôi đi giữ nước thành quân bán nước
Người sợ vạ thân hoan hô xâm lược
Tôi tội đồ được ra vẻ khoan dung.”
Thời niên thiếu tôi không ở xứ Quảng nên chẳng biết đến những địa danh mà nhà thơ nhắc đến như Câu Lâu, Gò Nổi, Đông Bàn, Cẩm Lậu, Thi Nhơn…Rất may tôi đã được nhìn thoáng qua dòng sông Thu và sông Hàn trong những giây phút ngắn ngủi năm 1974. Nếu tôi đã từng lớn lên trên mảnh đất này chắc tôi cũng quặn thắt lắm khi trở về để đối diện với những đổi thay:
“Lần trước tôi về, nước quặn Câu Lâu
Tôi đứng bên ni, bên tê Gò Nổi
Lòng tôi ngập tràn bóng ngày xuống vội
Tôi đứng trên cầu hiu hắt ngó sang
Tôi xưa hồn nhỏ mà sông mênh mang
Chiếc cầu sắt đen ngày đi chưa có
Đưa tôi qua sông con đò năm nọ
Đã trôi về đâu lòng ngẩn ngơ sầu”
Nước quặn hay lòng người quặn? Có lẽ cả hai. Chắc không có từ ngữ nào diễn tả nỗi lòng người xa xứ sát thực bằng chữ “quặn”, như trong trường hợp này. Đã thế, bóng ngày còn sụp xuống như bóng hoàng hôn của một kiếp người. Nhân vật trong thơ (hay chính là thi nhân? ) đứng đó nhìn hiu hắt về ngôi làng mà anh đã chôn bao nhiêu kỷ niệm buổi thiếu thời, nhìn hoài, tìm mãi để rồi thở dài ngao ngán:
“Chẳng biết ghé đâu dù là quê cũ
Tôi tìm vô vọng sợi khói lam xanh
Không cả tiếng gà cục tác mái tranh
Nào đâu mùi thơm nồi cơm chín tới”
Đoạn thơ nhắc tôi nhớ đến hình ảnh đàn chim lạ trên ngọn cây phong sau nhà tôi mùa hè năm ngoái. Mấy chú chim với màu sắc thật đẹp, không rõ là loại chim gì, bay đến làm tổ trên ngọn cây. Hai chú chim ríu rít tha từng cọng rơm cọng cỏ đâu đó bay về tằn mằn tẳn mẳn bện nên cái tổ nhỏ nhắn xinh xinh ngay giữa một cháng ba chót vót trên cây, chung quanh là những nhánh nhóc với đầy ắp lá. Chừng như bọn chúng đang xây tổ uyên ương để chuẩn bị cho sự ra đời của những chú chim non. Đúng như tôi dự đoán, vài tuần sau đó ngọn cây nhộn nhịp hẳn lên với những tiếng kêu chiêm chiếp và cây cành xao động thường xuyên với sự ra vào của những con chim lớn, chắc là cha hay mẹ gì đó của những chú chim con.
 
Lũ chim đã chọn mảnh đất sau nhà tôi làm quê hương và chiếc tổ trên ngọn cây phong là căn nhà ngập tràn hạnh phúc của chúng. Nhưng rủi thay, một trận mưa giông thật to ập đến bất ngờ vào một buổi chiều đã làm gảy nhiều nhánh cây nơi có chiếc tổ chim xinh xắn. Sau cơn giông, tôi nhìn lên cây thì chỉ thấy có khoảng trời xanh lồ lộ phía sau cái cháng ba mà không thấy cái tổ chim đâu nữa. Nhìn quanh quất, tôi chợt nhận ra nó đã bị gió thổi văng vào một góc sân, nằm trơ trọi như làm chứng cho một cuộc bể dâu. Tôi nhặt chiếc tổ chim vẫn hãy còn nguyên vẹn và bắc thang leo lên để nó lại chỗ cũ trên cây với hy vọng bầy chim sẽ trở về. Tôi cũng không biết mấy con chim non có sống sót sau trận bão ấy không? Hàng ngày tôi ngó mông trên bầu trời như để tìm bóng dáng những chú chim xinh đẹp dễ thương đang tìm về tổ cũ. Mãi đến vài hôm sau, có hai cánh chim trông rất giống bầy chim đã làm tổ nơi đây bay đến ngay phía trên ngọn cây, đảo lượn nhiều vòng như để tìm kiếm một cái gì. Sau đó chúng bay vụt đi, mất hút giữa khung trời xa thẳm để từ đó tôi không bao giờ thấy chúng nữa. Tôi nghĩ chắc đúng là hai con chim ấy, chúng trở về để tìm lại mảnh vườn cũ, cái tổ xưa.
 
Mảnh vườn và cái tổụ vẫn còn đó, nhưng chắc có một mất mát lớn lao nào đó khiến chúng nhận ra rằng chúng đang tìm về một nơi trở về đã mất. Người viễn khách trong thơ Hoàng Định Nam đã “tìm vô vọng sợi khói lam xanh” như những chú chim tìm vô vọng một cái gì đó rất thân yêu với chúng. Và tôi biết rằng, với những đổi thay sau hơn hai mươi lăm năm, quê hương Việt Nam của tôi ngày mai nếu tôi trở lại chắc chắn sẽ không là quê hương của tôi như trong ký ức. Người trong thơ Hoàng Định Nam đã xót xa và thất vọng đến độ anh ta phải:
“Tôi đứng trên cầu nhìn qua làng cũ
Tôi chẳng sang sông để khỏi chạnh lòng”
Nếu tôi là nhân vật trong thơ thì chắc tôi cũng không thể làm gì khác hơn. Qua sông chi nữa để phải đối diện với những sự thật phũ phàng, thôi thì cứ đứng bên ni nhìn sang bên tê để còn tự an ủi rằng biết đâu sự đổi thay không tang thương đến như mình nghĩ. Ở một đoạn khác, Hoàng Định Nam viết:
“Tôi đứng trên cầu ráng đỏ chân mây
Bên kia sông vùng tuổi thơ mất dấu
Tìm hoài đâu ra Đông Bàn, Cẩm Lậu
Thi Nhơn, Phú Lộc cũng đã thay tên
Tôi đứng nơi đây hồn xuống, chiều lên
Khóc cuộc đời mình như thuyền đã đắm…”
Nếu mai kia mốt nọ tôi có về thăm lại Sài Gòn, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, chắc tôi sẽ nhìn thấy mình qua hình ảnh của người viễn khách trong thơ. Có lẽ tôi cũng sẽ đứng trên một chiếc cầu nào đó trên sông Sài Gòn nhìn qua bên kia sông để hình dung ra vùng tuổi thơ đã mất dấu của mình. Có lẽ tôi cũng sẽ tìm hoài nhưng tìm đâu ra những góc phố đầy ắp kỷ niệm của thời trai trẻ vì chính cái tên gọi quen thuộc của thành phố cũng đã đổi thay.
 
Sài Gòn hôm nay đã được quân chiến thắng mặc cho một cái áo sặc sỡ với đầy màu sắc lố lăng. Ngay cả ngôi trường cũ của tôi cũng bị người ta biến thành một cái gì Tàu không ra Tàu, Tây không ra Tây, Việt không ra Việt để đến nỗi một bạn đồng môn còn ở lại quê hương đã phải có cảm giác như “chết điếng” khi về thăm lại trường xưa. Sài Gòn hôm nay với vũ trường, khách sạn, nhà hàng, cao ốc – những thứ mà ngày xưa quân chiến thắng gọi là trụy lạc và phồn vinh giả tạo – đua nhau mọc lên như nấm. Một góc thành phố được tô son trát phấn cực kỳ lộng lẫy để thu hút du khách và cũng để nhà nước làm phương tiện tuyên truyền.
 
Hai mươi bốn cái Tết trên quê hương thứ hai lạnh giá càng làm tôi khát khao thèm thuồng một cái Tết quê nhà, một cái Tết thật đẹp và ấm áp như những cái Tết của thời thơ ấu. Có lúc mềm lòng vì sự dày vò mãnh liệt của nỗi nhớ quê hương, tôi đã muốn dẹp quách hết những gì chất chứa trong lòng, những mâu thuẫn ý thức hệ, những căm thù vẫn còn âm ỉ để làm một chuyến trở về thăm lại quê hương. Nhưng rồi cứ nghĩ đến về để nhìn thấy lá cờ máu tung bay trên những nóc nhà thành phố là tôi không chịu được.
 
Về để nhìn thấy biết đâu trong những người chung quanh có những kẻ đã cướp của gia đình tôi, bắn giết người thân tôi là máu trong tim tôi lại sùng sục sôi lên. Làm sao tôi có thể trở về khi mà cái chế độ đã làm tôi liều chết ra đi vẫn còn ở đó. Về để làm gì và để tìm lại được những gì hay chỉ để khơi lại vết thương lòng, và tại sao tôi lại phải về một nơi trở về đã mất?
Vũ Đình Trường

4 comments:

  1. Sao tôi chẳng đi đâu quá xa cái nơi này, mà vẫn dung động thổn thức lòng như người trong quộc

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người xưa cảnh xưa đã mất rồi không thể tìm lại được..dĩ nhiên. CSVN tàn phá hết đất nước VN...đợi chúng chết hết thôi.

      Delete
  2. Trên diễn đàn fb đôi lúc tôi rất kìm nén trước thái độ cực đoan của các chú ! đã thông cảm và nay thêm hiểu nhiều hơn !
    cầu trời cho tróng đến ngày gặp nhau

    ReplyDelete
    Replies
    1. Gặp nhau để làm gì ?...chém lộn tiếp hay tại nhị tì âm phủ.(( haha

      Delete

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link