Tuesday, January 8, 2013

Kêu Gọi Vì Nhân Quyền


 

 

Kêu Gọi Vì Nhân Quyền

(01/04/2013)

Tác giả : Trần Khải

Đảng Cộng Sản đang lèo lái đất nước tới đâu? Giới trí thức tại các nước cộng sản, từ Trung Quốc cho tới Việt Nam, đều lo ngại rằng tình hình đàn áp các quyền con người không chỉ là vi phạm các công ước Liên Hiệp Quốc, mà sẽ tất nhiên dẫn tới một xã hội đau đớn vì hỗn loạn, tan vỡ.

Báo The Australian hôm 3/1/2013 trong một bản tin của phóng viên Scott Murdoch từ Trung Quốc gửi ra cho biết Trung Quốc nếu không cải tổ tất sẽ hỗn loạn.

Một thư ngỏ từ 73 học giả, luật sư và nhà hoạt động gửi tới tân Chủ tịch nước Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc phải hành động tức khắc để cải thiện quyền con người cho dân tộc Trung Quốc.

Thư ngỏ này được nhìn ở TQ như một trong những nỗ lực nhân quyền trực diện nhất kể từ khi phát hành Hiến Chương 08 (giới trí thức tại VN còn gọi là Hiến Chương Linh Bát), một vận động thúc đẩy nhà hoạt động Lưu hiểu Ba, người được Giải Nobel Hòa Bình và bây giờ đang ngồi tù CSTQ.

Các nhà hoạt động trong Thư Ngỏ gửi Tập Cận Bình dẫn đầu bởi Zhang Sizhi, một trong các luật sư hàng đầu của TQ, người nổi tiếng vì biện hộ cho quả phụ Giang Thanh của Mao Trạch Đông trong phiên tòa của bà gần 3 thập niên trước sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa.

Phóng viên Murdoch ghi rằng các trí thức trong Thư Ngỏ nói rằng TQ đã “bỏ phí” tới 10 năm qua dưới chế độ của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo.

Thư Ngỏ viết, trích:

“Kinh tế TQ đã tiến bộ nhanh sau 30 năm cải tổ. Nhưng nhiều nan đề đã xuất hiện, hầu hết vì thiếu cải tổ chính trị. Cán bộ tham nhũng, lạm dụng công quyền, và cách biệt giàu nghèo đã gây bất ổn xã hội gay gắt.

“Nhân dân bây giờ mong đợi cải tổ và thay đổi nhiều hơn, nhưng các bước cải tổ bị ngăn cản bởi các nhóm lợi ích và quá xa với sự hài lòng của dân chúng.”

Thử Ngỏ cảnh báo rằng TQ có thể rơi vào “bất ổn bạo lực và hỗn loạn” nếu cải tổ xã hội xa hơn không thực hiện.

Thư Ngỏ viết: “TQ đã tới ngã tư đường lần nữa. Sự đồng thuận về hướng cải tổ nên được đạt tới, đặc biệt là nguyên tắc văn minh hiện đại về dân chủ, về pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền.

“Các bài học đẫm máu của Bước Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa và mới đây là sự kiện Bạc Hy Lai, cho thấy minh bạch rằng Đảng nên thực hiện lời hứa trước khi nắm chính quyền nhiều thập niên trước và hãy trao quyền lại cho nhân dân.”

Thư Ngỏ đề gửi Tập Cận Bình nguyên khởi đăng trên Internet nhưng bị kiểm duyệt TQ đã gỡ xuống.

Lá Thư Ngỏ như thế là tuyệt vời quá rồi. Nói đúng ước mơ của đa số người dân bị trị.

Tương tự tại Việt Nam, một bản văn do giới trí thức vừa phổ biến, nội dung cũng kêu gọi thực thi nhân quyền cho người dân VN. Bản văn có tên là Lời Kêu Gọi Thực Thi Quyền Con Người Theo Hiến Pháp Tại VN, lúc đầu phổ biến vào cuối tháng 12-2012 với chữ ký 83 nhân sĩ, trí thức và tuần này qua 7 đợt ký tên đã có 850 chữ ký.

Bản văn này cũng ghi dấu mốc mới cho cuộc chiến nhân quyền VN, vì là lời “kêu gọi chính quyền và toàn thể nhân dân” với đòi hỏi cụ thể: đòi thực thi quyền con người, đòi xóa Điều 88 Bộ luật Hình sự và đòi thả tức khắc các tù nhân lương tâm.

Bản văn đăng ở mạng Bauxite VN như sau:

“LỜI KÊU GỌI THỰC THI QUYỀN CON NGƯỜI THEO HIẾN PHÁP TẠI VIỆT NAM

Chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây kêu gọi chính quyền và toàn thể nhân dân thực thi những quyền con người đã được Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và những Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ghi nhận và bảo đảm. Trong những quyền đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo Điều 69 Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001) và theo Điều 19, Điều 21, Điều 22 về những quyền dân sự và chính trị trong Công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập năm 1982.

Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh những quyền con người phổ quát được ghi trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Trên tinh thần đó, chúng tôi yêu cầu Quốc hội Việt Nam hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam về “tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2005 “quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”.

Điều 88 BLHS quy định một cách mù mờ về tội danh tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, thực chất là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị ghi nhận và bảo đảm. Việc người dân phản biện, phê phán Nhà nước, kiến nghị về luật pháp về chính sách, về bộ máy nhà nước… là những việc làm cần thiết và thường xuyên trong một nhà nước dân chủ, để xã hội tiến bộ. Nhưng với Điều 88 BLHS, công dân có bất cứ hành vi nào như vậy cũng có thể bị trừng trị. Nhiều công dân Việt Nam đã và đang bị khởi tố, truy tố, xét xử, bị án tù về tội danh này, khiến cho lòng dân bất bình, thế giới chê trách việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam.

Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2005 thực chất là một nghị định cấm biểu tình được ban hành trái thẩm quyền và có nội dung vi hiến. Theo các điều 50, 51 Hiến pháp 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001), quyền con người, quyền của công dân là do Hiến pháp và luật quy định, tức do Quốc hội quy định. Chính phủ không có quyền quy định những quyền đó, càng không có quyền hạn chế, ngăn cản, thậm chí cấm những quyền đó. Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31 ngày 13/9/1945, trong đó đã khẳng định biểu tình là quyền cơ bản trong một chế độ dân chủ, công dân chỉ cần thông báo cho chính quyền địa phương trước khi tiến hành biểu tình. Đến nay sắc lệnh này chưa có luật nào hủy bỏ, mặc nhiên vẫn còn giá trị pháp lý. Nghị định 38 nêu trên vừa trái sắc lệnh này, vừa trái các quy định của Hiến pháp hiện hành và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị, nên phải được hủy bỏ ngay lập tức.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể đồng bào yêu cầu chính quyền các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng các quyền con người của công dân đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Chúng tôi đề nghị các luật sư, luật gia, giảng viên luật hãy giải thích sâu rộng quyền con người của công dân cho đồng bào, cho chính quyền, cho những lực lượng như công an, quân đội, dân phòng, cho các tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... để mọi công dân Việt Nam được hưởng những quyền con người như những dân tộc khác trên thế giới, để những giới chức Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người cho đồng bào mình.

Chúng tôi kêu gọi cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ trong các cơ quan chức năng của Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền con người theo Hiến pháp Việt nam và Công ước quốc tế, không mù quáng tuân theo mệnh lệnh vi phạm quyền con người.

Thực thi và đảm bảo quyền con người tại Việt Nam là điều kiện không thể thiếu để xây dựng một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Đó cũng là cách hiệu quả nhất để thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, như ý nguyện của toàn thể đồng bào.

Để thực thi những quyền này, trước hết Quốc hội hãy hủy bỏ Điều 88 BLHS và Nghị định 38/NĐ-CP/2005, yêu cầu Chính quyền trả tự do cho tất cả những tù nhân công khai bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa mà đã bị quy vào tội danh theo Điều 88 BLHS.

Một lần nữa chúng tôi kêu gọi toàn thể đồng bào quyết thực thi những quyền cơ bản của con người và buộc Chính quyền phải tôn trọng và bảo đảm những quyền đó. Để thể hiện sự hưởng ứng, chúng tôi mong đồng bào trong và ngoài nước tích cực tham gia và vận động ký tên vào Lời kêu gọi này.

Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành quyền con người ngày càng được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ.

Ngày 25 tháng 12 năm 2012.” (hết trích)

Trang Bauxite VN cũng ghi rằng, “Để ký tên vào Lời kêu gọi này, xin đồng bào trong và ngoài nước gửi e-mail về địa chỉ loikeugoi2012@gmail.com, ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có) và địa chỉ.”

Cuộc chiến vì nhân quyền tại TQ và VN đang tới một ngã rẽ mới: mời toàn dân tham dự.

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link