Monday, January 7, 2013

Nợ xấu và tính minh bạch


Nợ xấu và tính minh bạch


Vũ Hoàng, phóng viên RFA

2013-01-05

Kinh tế Việt Nam sau một năm với nhiều nốt trầm hơn nốt thăng, trong đó, nợ xấu và rủi ro của hệ thống ngân hàng là những quãng lặng dài. Minh bạch trong việc công bố và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ vẫn là những chủ đề còn kéo dài trong năm 2013.


RFA

Chi nhánh ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Saigon tại Hà Nội.

 


 

Không biết chính xác bao nhiêu


Trong cuộc họp ngày 18/12 với lãnh đạo thành phố HCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tổng số nợ xấu của Việt Nam năm 2012 khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu từ bất động sản chiếm 70%, tương đương 140.000 tỷ đồng. Tuy được người đứng đầu Chính phủ khẳng định con số, nhưng thống kê nợ xấu được công bố từ các nguồn lại rất khác nhau. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước cho rằng số nợ xấu chiếm 4,9% GDP, cơ quan giám sát nói là hơn 8,8%, trong khi đó thống đốc ngân hàng đưa ra 10%, còn các nhà phân tích công bố tỷ lệ này cao hơn mức 10%.

Trong khi đó, ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB,) trong cuộc họp báo trước Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ hồi đầu tháng 12 xác nhận, do không biết chính xác số nợ xấu của Việt Nam là bao nhiêu, vì thế sẽ không xác định được giải pháp. Ông nhấn mạnh 1% GDP của Việt Nam tương đương hơn 1 tỷ đô la, do đó sự chênh lệch giữa các con số không phải nhỏ chút nào.

Thủ thuật chồng chéo


Ngan-hang-Techcombank-250.jpg

Bên ngoài một chi nhánh ngân hàng Techcombank ở Hà Nội trưa ngày 24/12/2012. RFA photo.

Theo cách phân nhóm nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) được quy định năm 2007, nợ được chia thành 5 nhóm: nhóm 1 là nợ đủ tiêu chuẩn (thời gian quá hạn dưới 10 ngày), nhóm 2 là nợ cần chú ý (thời gian quá hạn từ 10 đến 90 ngày) và tăng dần lên nhóm 5, là nợ có khả năng mất vốn (quá hạn trên 360 ngày). Tuy nhiên, theo cách phân loại như vậy, các ngân hàng thương mại thường sử dụng các “thủ thuật” hạch toán qua các phương pháp “làm đẹp” báo cáo tài chính và “gồng mình” để đảm bảo thời gian quá hạn các khoản nợ vẫn nằm trong phạm vi cho phép là 1 và 2. Sự nguy hiểm là khi những nhóm nợ dạng “đủ tiêu chuẩn” hay “cần chú ý” kia trở nên xấu, thì được các ngân hàng “đẩy” thẳng lên nhóm 5 mà không qua các nhóm 3 hay 4. Trên nguyên tắc các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro tương ứng với nhóm nợ, nhưng các ngân hàng đã không làm như quy định.

Bài báo Nợ xấu ngân hàng được giấu như thế nào đăng trên báo mạng Vietnamnet hồi tháng 9 đã chỉ ra những thủ thuật của các ngân hàng, phổ biến nhất là các NHTM hỗ trợ giải ngân các khoản vay mới để trả nợ cũ, làm như vậy, khách hàng không bị chuyển nhóm nợ. Hơn nữa, NHTM không đánh giá kỹ khả năng trả nợ đầy đủ gốc và lãi đúng hạn, chỉ thực hiện giải quyết vấn đề khó khăn trả nợ trước mắt cho khách hàng và điều này làm gia tăng rủi ro cho hệ thống NHTM.

Bong bong bất động sản


nha-cao-tang-250.jpg

Cao ốc tại Hà Nội. RFA photo.

Về mặt nghiệp vụ ngân hàng là như vậy, nhưng trên thực tế, dẫn đến những con số nợ xấu khổng lồ kia, nguyên nhân vẫn được chỉ ra là do sự đóng băng của bất động sản mà số vốn được đổ dồn vào lĩnh vực này đã chất chồng từ nhiều năm qua. TS Vũ Ngọc Xuân, giảng viên chính khoa Kinh tế, trường ĐHKT Quốc dân Hà Nội phân tích:

“Nợ xấu chủ yếu liên quan đến sự vỡ bong bóng của thị trường bất động sản, dẫn đến việc phần lớn những khoản cho vay bằng thế chấp đảm bảo bất động sản, bây giờ giá bất động sản xuống nên việc không thanh lý được các tài sản đảm bảo khi phát sinh nợ xấu, vì thế nợ xấu tăng cao.

Điểm cơ bản là nhiều công ty đầu tư vào bất động sản, trái ngành trái nghề, không phải là ngành cốt lõi. Nguyên nhân lớn nhất là do sự vỡ bong bóng của đầu tư bất động sản, nó có đặc tính giống với sự sụt giảm thị trường nhà đất ở Hoa Kỳ.”

Nợ xấu chủ yếu liên quan đến sự vỡ bong bóng của thị trường bất động sản, ...

TS Vũ Ngọc Xuân

Ngoài ra, TS Vũ Ngọc Xuân cho biết thêm vì bất động sản là một hàng hóa, mà hàng hóa này lại tồn kho và vượt quá mức thu nhập của người dân với những dự án nằm yên một chỗ từ 3-4 năm nay, người dân thì không đủ tiền mua, các chủ dự án đó không có tiền quay vòng trả được nợ ngân hàng và do đó giá trị của bất động sản biến thành nợ xấu là điều không tránh khỏi.

Hơn nữa, điểm nguy hiểm dễ biến những khoản nợ thường thành nợ xấu là do sự móc ngoặc của ngân hàng với các công ty bất động sản hoặc các công ty liều lĩnh thường sử dụng những khoản vốn ngắn hạn để đầu tư vào bất động sản, nhằm “lướt sóng,” kiếm lãi trong ngắn hạn, nhưng gặp rủi ro khi giá nhà đất đi xuống và số vốn bị “chôn chân” vào các dự án nhà đất này. Ông Nguyễn Hoàng Nam giám đốc sàn giao dịch Info của Đại Dương, một tập đoàn chuyên về bất động sản cho biết nhận xét:

“Họ gặp khó khăn, chủ yếu là do định hướng sai. Họ dùng những vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Bài toán kinh tế này đã có rất nhiều doanh nghiệp mắc phải, ở nhiều nước khác cũng mắc phải chứ không chỉ riêng Việt Nam.”

Tâm lý sợ đổ vỡ


Một điểm có thể thấy vì sao những khoản nợ xấu nhiều đến như vậy mà nó vẫn diễn biến trong nhiều năm qua, chỉ đến khi “khối u” quá to không thể che đậy thì cả Chính phủ lẫn các doanh nghiệp đều phải công khai thừa nhận, phải chăng đó là sự lo sợ ảnh hưởng dây chuyền của hệ thống ngân hàng đổ vỡ sẽ tác động đến cả hệ thống kinh tế hay do tâm lý không dám thẳng tay “chữa trị” để các ngân hàng phá sản. Nhận xét về luận điểm này, TS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Doanh Hà Nội trong một lần phỏng vấn trước đây, cho chúng tôi biết quan điểm của ông:

Nhưng ở Việt Nam lại không dám làm như vậy, bởi vì quan điểm của chính phủ là không muốn một ngân hàng thương mại nào đổ vỡ vì sẽ ảnh hưởng cả hệ thống.

TS Vũ Văn Hóa

“Ở nước ngoài có những ngân hàng có lịch sử hàng mấy chục năm, thậm chí hàng trăm năm, mà khi yếu kém nó cũng phải tự giải thể. Nhưng ở Việt Nam lại không dám làm như vậy, bởi vì quan điểm của chính phủ là không muốn một ngân hàng thương mại nào đổ vỡ vì sẽ ảnh hưởng cả hệ thống, tôi cho đó là một quan điểm.

Nhưng quan điểm của những người nghiên cứu như chúng tôi thì cho rằng anh đã yếu kém nên cho phá sản, còn chuyện giải quyết đến mức độ nào thì còn tùy. Bây giờ có việc sáp nhập ngân hàng nhưng tất cả mọi thứ nó chỉ là một con số cộng thôi, chứ nó không có sự thay đổi về chất ở bên trong.”

Cũng có lẽ bởi tâm lý “sợ đổ vỡ” mà các ngân hàng thì không dám công khai, còn chính phủ thì “bao che” vì sợ tác động domino đến toàn bộ nền kinh tế, vì lẽ đó, bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng thừa nhận “suốt từ năm 2008 đến nay, Chính phủ nơm nớp lo một số ngân hàng hoạt động yếu kém, thanh khoản thấp bị đổ vỡ. Thời gian tới phải giải quyết dứt điểm, không được để tình trạng này tồn tại.”

Vũ khí minh bạch


ngan-hang-vn-250.jpg

Ông Nguyễn Văn Bình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. RFA file.

Với lời nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể nhận thấy giải quyết nợ xấu và sự rủi ro của hệ thống ngân hàng là việc cần làm ngay. Đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia sẽ sớm được thành lập và dĩ nhiên để đảm bảo tính hiệu quả thì yêu cầu trước hết vẫn là sự minh bạch về thông tin.

“Mục tiêu trước mắt là thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, mua lại những khoản nợ xấu này theo giá thị trường, sau khi mua lại những khoản nợ xấu này, thì hệ thống ngân hàng mới tiếp tục giải ngân ra được những lĩnh vực khác.

Vấn đề bây giờ là xử lý nợ xấu phải minh bạch dựa trên việc mua lại các khoản nợ xấu, theo cơ chế thị trường dựa trên quan hệ cung cầu, chứ không thể trở thành nơi mua những nợ xấu với những giá quá cao để các đại gia gây ra nợ xấu và thoát nợ. Khi mua nợ xấu theo đúng thị trường và hoạt động của công ty mua bán nợ là minh bạch thì thậm chí khi thị trường phục hồi, còn có thể có lãi chứ không phải lỗ.”

Rõ ràng công khai thông tin cả trong việc xác định nợ xấu, lẫn cung cách xử lý nợ xấu là điểm hết sức quan trọng. Hy vọng rằng, với bài học công khai minh bạch vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết, dù rằng không thể một sớm một chiều.

Theo dòng thời sự:


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog - 3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link