Wednesday, January 9, 2013

Khi bắt tạm giam trở thành "truy bức nhục hình"


 


THỨ BA, NGÀY 08 THÁNG MỘT NĂM 2013


Khi bắt tạm giam trở thành "truy bức nhục hình"


Luật sư Ngô Ngọc Trai, Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định phân tích những bất cập của chế tài bắt tạm giam trong bộ luật tố tụng hình sự. 

Bắt tạm giam là một biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, mục đích là nhằm ngăn chặn bị can bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc bắt tạm giam đã biến tướng thành một hình thức truy bức nhục hình, và thực chất đó chính là một hình thức truy bức nhục hình.


Một nạn nhân bị cảnh sát dùng nhục hình tại Nha Trang

Theo Bộ luật tố tụng hình sự, tại Điều 6 quy định: Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Điều kiện giam giữ người trong giai đoạn điều tra ở Việt Nam hiện nay: phòng giam thì chật hẹp, điện nước sinh hoạt thiếu, thức ăn nghèo dinh dưỡng, có hiện tượng bị người giam giữ chung hành hạ, không được thăm gặp người thân, không được tiếp cận với sách báo truyền hình...

Với điều kiện giam giữ như vậy con người sẽ suy kiệt về sức khỏe, sa sút về tinh thần, lợi dụng tình trạng đó để lấy lời khai đó chính là một hình thức truy bức nhục hình.

Một bị can tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tĩnh Gia khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, giai đoạn đầu điều tra khi được tại ngoại bị cáo chối tội. Sau đó cơ quan điều tra liền ra lệnh bắt giam, kể từ đó lời khai của bị cáo là nhận tội. Khi ra tòa bị cáo khai rằng đã bị cán bộ điều tra cho uống rượu và dụ dỗ nếu khai nhận tội sẽ cho về với vợ con, thế là bị cáo nhận tội. Bị cáo cũng khai rằng trong thời tiết mùa đông rét mướt nhưng bị những người giam giữ cùng bắt phải tắm mỗi ngày hai lần. Do đó mà khi ra tòa bị cáo đã suy kiệt sức khỏe, tòa án phải dừng phiên tòa để cán bộ y tế bệnh viện huyện sang cấp cứu, phiên tòa phải hoãn lại.

Khi được hỏi tại sao bị cáo khai nhận tội với cơ quan điều tra, có biết rằng với tội danh như thế nhận tội là chịu mức án tử hình không thì bị cáo trả lời rằng: Bị cáo bị hành hạ tưởng rằng sẽ chết ngay trong khi giam giữ, bị cáo phải nhận tội để có cơ hội được sống ra trước tòa mà nói lên sự thật không phạm tội, bị cáo sợ rằng mình sẽ chết mà không được gặp mặt vợ con để nói rằng mình bị oan.Một trường hợp khác: Bị cáo Hàn Đức Long bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em, bị cáo hiện đang chờ thi hành án. Trong các lời khai bị cáo đều nhận tội, bản tự khai do chính tay bị cáo viết cũng nhận tội, nhưng khi ra tòa bị cáo lại chối tội.

Bị cáo khai rằng bị cán bộ điều tra yêu cầu viết theo lời cán bộ điều tra đọc, khi không viết liền bị cán bộ điều tra dùng chiếc bút bi đâm thẳng vào bàn tay.

Đây là vụ án thảm thương oan khuất kéo dài từ năm 2005, cơ quan điều tra vụ này chính là cơ quan điều tra vụ án Lê Văn Luyện, thẩm phán xử án vụ này chính là thẩm phán xử vụ Lê Văn Luyện.

Vụ Lê Văn Luyện các cơ quan đã làm rất tốt, nhưng trong vụ án Hàn Đức Long các cơ quan đều đã sai lầm.

Thực tế lâu nay một số cơ quan điều tra đã lạm dụng việc bắt tạm giam gây phản ứng bất bình.

Xét về bản chất con người thì không ai phản bội lại chính mình. Việc có lời khai ngày hôm nay có thể là tài liệu chống lại mình ngày mai thì bình thường không ai muốn khai báo. Trong thực tế, chỉ do bị truy bức nhục hình thì người ta mới phải khai báo.

Xét về bản chất của luật pháp, việc điều tra xử lý tội phạm chính nhằm bảo vệ luật pháp, bảo vệ các quyền công dân, như vậy việc bức hiếp buộc bị can phải khai báo lại đã xâm phạm tới một quan hệ pháp luật khác cũng được pháp luật bảo vệ: Đó là quan hệ pháp luật về quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm của công dân.

Như vậy việc xử lý vụ án ban đầu mang ý nghĩa tốt, tích cực đã được thực hiện bằng những cách thức phản lại chính ý nghĩa ban đầu của nó. Đây rõ ràng là sự bất dung hòa về thang giá trị giữa phương tiện và mục tiêu.

Hiện tượng lạm dụng việc bắt giam xuất phát từ quy định pháp luật mang nặng yếu tố bạo lực không phù hợp với các giá trị của luật pháp văn minh. Với điều kiện giam giữ như nêu trên và thời gian giam giữ kéo dài sẽ khiến bị can tuyệt vọng buông xuôi, lợi dụng tình trạng đó để lấy lời khai đó chính là lạm dụng việc bắt giam, nhiều trường hợp dẫn đến oan sai như vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang và vụ án ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa như nêu trên.

Để tránh tình trạng lạm dụng việc bắt tạm giam, cần sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, thay vì quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, nên quy định bị can có quyền giữ im lặng hoặc chỉ đồng ý khai báo khi có sự tham gia của luật sư bào chữa.

Khi đó việc bắt tạm giam vẫn có tác dụng ngăn chặn mà không bị lạm dụng để bức cung vì khi lấy lời khai đã có mặt luật sư bào chữa, việc bắt tạm giam trở lại nguyên nghĩa là một hình thức ngăn chặn.


 

 

 

1 comment:

  1. Tại sao không có điều luật nào bảo vệ người bị tạm giam.
    Mấy ông làm luật quá tồi tệ, chĩ biết ăn. Không biết
    cách ra luật này, cứ nhờ những em sinh viên luật dạy cho.

    ReplyDelete

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link