Monday, January 7, 2013

TỪ “KHI TRỜI ĐẤT ĐỔI NGÔI” ĐẾN “BÊN THẮNG CUỘC”: ĐƯỜNG ĐI CỦA RẮN


 

TỪ “KHI TRỜI ĐẤT ĐỔI NGÔI” ĐẾN “BÊN THẮNG CUỘC”: ĐƯỜNG ĐI CỦA RẮN
 
Nguyễn Việt Nữ
 
Lời giới thiệu: Quyển sách “sử không ra sử, tự truyện không ra tự truyện” với cái tựa “Bên Thắng Cuộc” (BTC) của nhà báo Huy Đức đang gây xôn xao dư luận. Kẻ khen cũng nhiều, người chê cũng không ít. Cũng có người tỏ ý chê bai những người lên tiếng phê bình quyển sách này vì cho rằng “bọn VC chỉ thải ra cứt đái (sic!) không nên đọc làm gì cho nó phí thì giờ”.
 
Ai cũng có quyền thương yêu, thù hận. Và trong một đất nước có đầy đủ tự do, dân chủ như Hoa Kỳ mọi người có quyền phát biểu ý kiến của mình.
 
Là một người cầm bút chống Cộng, tôi đã có 4 bài viết về quyển sách “BTC”.
Đã có rất nhiều bài viết phê bình về những điều man trá, biạ đặt, một chiều trong sách BTC.
 
Trong bài “Bên Thua Cuộc: Từ “Ngàn Giọt Lệ Rơi” Đến Biển Máu Ngập Tràn”, với các bài viết của hai bình luận gia Lê Quế Lâm, Đỗ Ngọc Uyễn, tôi đã trình bày những điều sai từ trong căn bản của quyển sách BTC. Bài viết có mục đích trả lời những cái “kiên trì nói ngang và nói ngu” mà nhà báo VC Huy Đức và những-kẻ-đang-cùng-đi-một-đường với ông ta.
 
Với bài viết này, qua cách trình bày rất khúc chiết của nhà văn NguyễnViệt Nữ, độc giả sẽ thấy rõ âm mưu thâm độc của VC và bọn tay sai cũng như bọn phản chiến Mỹ, bọn trí thức thiên tả người Việt tại Mỹ… đã toa rập để viết lại lịch sử cuộc chiến VN.
 
Nhà báo VC Huy Đức cũng đang đi theo “đường đi của rắn” mà mụ nhà văn “lớp ba trường làng” Lệ Lý Hayslip và bọn phản chiến Mỹ đã đi, cách đây 20 năm.
 
Xin mời độc giả theo dõi “ĐƯỜNG ĐI CỦA RẮN: TỪ “KHI TRỜI ĐẤT ĐỔI CHỖ” ĐẾN “BÊN THẮNG CUỘC” qua bài viết dưới đây của nhà văn Nguyễn Việt Nữ.
 
Nguyễn Thiếu Nhẫn   
*
HẾT KỊCH CHIẾN TRANH
ĐẾN TUỒNG HÒA BÌNH
 
NGUYỄN VIỆT NỮ
 
Hiệp Hội Quốc Gia Giáo Dục Và Thăng Tiến cho người Mỹ gốc Việt, Miên, Lào (National Association for the Education Advancement of Cambodian, Laotian and Vietnamese Americans--NAFEA) hàng năm đều tổ chức ba ngày hội thảo quy tụ những nhân vật lãnh đạo tất cả các ngành có liên quan người tỵ nạn Ðông Dương như: văn hóa, giáo dục, hướng nghiệp, cảnh sát, thiếu nhi phạm pháp, phụ huynh và học đường, trung tâm tiếp nhận người tỵ nạn, vấn đề song ngữ, v.v.. . Mục đích là giúp người tỵ nạn Ðông Dương cải tiến đời sống hoặc khắc phục các khó khăn để thích ứng dễ dàng hơn với cuộc sống mới tại Hoa Kỳ .
Ðây là một hội thiện nguyện có tầm vóc quốc gia nên bao gồm đầy đủ những nhân vật nổi tiếng của các cộng đồng Việt, Miên, Lào khắp nơi trên toàn nước Mỹ tham dự. Năm 1991, buổi hội được tổ chức tại Florida. Năm 1992 thì California (tiểu bang Vàng nắng ấm), được giao nhiệm vụ này .
 
Cuộc hội thảo diễn ra tại khách sạn Hilton trong khu vực phi trường San Francisco để tiện cho khách phương xa. Chi phí điều hành, vé máy bay, ăn ở tại khách sạn sang trọng này đều tự túc. Có nghĩa là cơ quan nào cử đi thì phải đài thọ mọi chi phí cho nhân viên mình, còn tư nhân muốn tham dự thì phải bỏ tiền túi ra.
 
Nhân dịp này, các cơ quan, đoàn thể nào muốn triển lãm để quảng cáo và bán hàng hóa mình thì mướn chỗ ở hành lang khách sạn, giá thuê khoảng 200 Mỹ kim cho ban ngày hội thảo.
 
Vì hội thảo viên toàn là trí thức nên phần đông các quầy không phải là hàng hóa mà là sách báo. Và có lẽ số tiền mướn chỗ đó nó to quá so với cái “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, nên đếm ra chỉ có độ bốn quầy bán loại này thì hết ba quầy là đủ thứ sách các loại Việt, Miên, Lào và tự điển, duy có một quầy là bán độc nhất một sách của tư nhân, mà chỉ bày độ một chục quyển lên bàn cùng vài xấp tin tức.
 
Sở dĩ tôi dài dòng như vậy, vì tôi biết văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại rất nghèo, đâu ai mà dám mướn riêng một chỗ như vậy. Mà lại chẳng có người coi nữa chớ! Nhỡ có ai "mượn đỡ" vài quyển về đọc chơi thì sao!
 
Tôi tò mò tiến lại xem sách gì, của ai. Thì ra đó là quyển When Heaven and Earth Changed Places (tạm dịch: Khi Trời Ðất Ðổi Ngôi) của nhà văn lớp-ba-trường-làng Lê Lý Hayslip.
 
Thảo nào! Sách cô ta đang gây xôn xao dư luận và sắp được quay thành phim, do nhà đạo diễn Oliver Stone thực-hiện. Nghe nói, sách này đã bán được trên một triệu Mỹ kim. Nếu vậy thì khứ hồi San Diego-San Francisco nhiều nhất chừng một ngàn đô-la, nhằm nhò gì so với số thâu to tát kia.
 
Tôi còn đang suy nghĩ về con người có số đỏ này, sao tự dưng không ai nghe tên tuổi, đùng một cái xuất bản quyển sách đàu tiên mà nổi danh như cồn! Nội dung câu chuyện là tả sự thật nàng xuất thân ở gia đình rất nghèo tại Ðà Nẵng, bị hết VC tới Quốc Gia, rồi tới lính Mỹ hiếp.
 
Có người cựu quân nhân Mỹ viết trên tờ Nữu Ước Thời-báo rằng đọc xong quyển này, ông ta thấy tội lỗi là đã tham chiến tại Việt Nam, cho nên quốc gia đó hiện giờ đã thống nhất, ông sẽ giúp xây dựng lại bằng mọi cách.
 
Còn đang suy nghĩ viễn vông, thì một người đàn bà vóc dáng trung bình, tuổi độ bốn mươi, bước tới đứng sau quầy bàn nhìn tôi cười rất tươi. Tôi chớp mắt nhìn người trước mặt rồi nhìn hình in trên bìa quyển sách. Chính tác giả đây chăng? Có duyên hạnh ngộ chi lạ vậy! Liền chiếu mắt đọc bản trên ngực "Lệ Lý Hayslip". Tôi bèn làm quen, tỏ lòng ngưỡng mộ.
 
Nàng cho biết, vì nặng lòng với đất nước nên cố gắng viết chuyện thật đời mình, nói lên cảnh người dân bị hành hạ, giết chóc bởi cả hai phe trong chiến tranh. Nàng bảo rằng sách "When Heaven and Earth Changed Places" được dùng làm sách giáo khoa tại các trường học, có mặt tại các thư viện ở khắp năm mươi tiểu bang của nước Mỹ.
 
Thấy tôi tròn xoe mắt tỏ vẻ nghi ngờ, tác giả giải thích:
Từ trước tới nay, sách nói về chiến tranh Việt Nam đều do những người hoặc đứng về phía bên này hay bên kia viết ra, chỉ có sách em là nói tiếng nói của người dân ở giữa nên nó trung thực, và vì vậy nó có giá trị để học sinh học hỏi.
 
Tôi nghe vậy ham quá, bèn kể lể rằng tôi cũng có đầy một... bụng tâm sự về người thường dân đau khổ giữa hai lằn đạn, tôi biết rất nhiều về cái xấu tốt của cả hai phe, xin được giới thiệu với ông Jay Wurts, đồng tác giả với Lệ Lý, để được ông giúp nói tiếng nói của ngươi dân cho thế giới biết sự thật về nguyên nhân và hậu quả hiện tại của chiến tranh. Lệ Lý bảo: "Chị cứ viết đi rồi đưa cho em, em sẽ trao lại, ổng sẽ sửa cho chị. Ông ta dặn em là ông ta không muốn bị ai phiền nhiễu. Ông cũng ở vùng San Francisco này chứ chẳng đâu xa".
 
Câu chuyện nhiều lần bị gián đoạn vì có nhiều khách tới xem sách. Phần đông là người ở xa như Minnesota, Oregon, Texas, v.v. . . Khi nói chuyện, có người đọc sơ trang đầu, thấy tác giả là người làng Kỳ La, ông khách nhận là người cùng quê Ðà Nẵng. Tức thì nàng mừng rỡ ngâm một tràng cả hai mươi câu thơ ca ngợi quê hương đẹp đẽ nhưng nghèo nàn vì chiến tranh, rồi kêu gọi:
 
-Về thăm quê hương đi anh! Quê mình lúc nào cũng rất dễ thương. Rồi nàng không ngại ngùng bảo với mọi người rằng nàng về thường lắm, tổng cộng cả mười sáu lần. Tôi hỏi về làm gì nhiều vậy. Nàng chỉ vào vài quyển có in hình người bệnh nằm trên giường, người ngồi trên xe lăn, nói:
 
-Em về Việt Nam làm việc này này. Em cất được bệnh xá Tình Mẹ tại quê em, vừa xong bệnh xá Hòa Bình. Em bán hết hai căn nhà, bỏ vào Việt Nam trên triệu bạc rồi mà chưa thấm vào đâu..
 
Tôi tỏ ý thắc mắc là VC đâu có chịu nói xấu họ, sau năm 1975 Việt Cộng bắt tù miền Nam đi tập trung cải tạo khi đói bò xuống bếp lượm rác ăn là bị đánh hộc máu mồm ra vì tội bêu xấu chế độ; nay sao nàng nói VC hiếp nàng mà được về yên thân như vậy. Lệ Lý giải thích:
 
-Thì tại em nói sự thật vậy nên mới đang gặp khó khăn trong việc quay phim ở Việt Nam, nếu không thì đã xong rồi.
Tôi thắc mắc là không biết phẫm vật gởi về có tới tay người dân không. Nàng bảo:
-Ðến chớ chị. Em nhận được thơ trả lời của họ nhiều lắm, họ viết rất cảm động. Tất cả tên tuổi họ đều có đăng trong bản tin này.
 
Tôi bảo, thì VC cứ lấy danh sách mọi người dân rồi gởi có khó gì. Nàng bảo nàng về hoài, chỉ có ở vùng Tân Sơn Nhất miền Nam là hơi gặp trở ngại vì họ quen thói hối lộ, gian trá từ trước tới giờ, chứ từ miền Trung ra Bắc rất dễ dàng, vì người miền ngoài vẫn còn chất phác thật thà như xưa. Tôi và nhiều người tỏ ý không tin VC và cho rằng Lệ Lý vì có chồng theo Mỹ rời Việt Nam trước năm 1975 nên chưa có kinh nghiệm với cộng sản đó thôi, thì Lệ Lý bảo: "Không lẽ vì vậy để dân chết cả sao? Vả lại bây giờ mấy ổng thay đổi rồi chị ơi.."
 
Mẫu đối thoại này diễn ra vào chiều chủ nhật ngày 5 tháng 4 năm 1992, ngày đầu của khóa hội thảo, chỉ có ghi danh, nhận phòng, và lễ khai mạc.
 
Hôm sau mới là ngày chánh, có tất cả 36 đề tài thảo luận mà thuyết trình đoàn cùng điều hợp viên đều là những người có danh vị trong vai trò của họ. Chẳng hạn như nữ tiến sĩ giáo sư Võ Kim Sơn, giám đốc Trung Tâm Phát Triển Văn-hóa của trường Ðại Học Fullerton của tiểu bang California cùng với giáo sư Robert Ericksen, giám đốc Viện Giáo Dục Và Trao Ðổi Sinh-viên Quốc-tế, nói về "Sự phát triển khả năng lãnh đạo cho sinh viên Ðông Nam Á: mô hình và sách lược".
 
 Nữ tiến- sĩ Nguyễn Ngọc Diệp, Phó chủ tịch NAFEA đặc trách miền Trung Tây Hoa Kỳ, đương kim cố vấn và giảng dạy tại Trung-tâm Tác vụ Tiểu-bang Illinois, v.v.. Danh sách rất dài, gồm những giám đốc các trung tâm liên hệ tại Florida, Texas, Washington State.. Tất cả đều là những người có thẩm quyền từ các cơ quan do người Mỹ hay Việt, Miên, Lào phụ trách, nên hy vọng khi kết thúc khóa hội thảo sẽ đưa ra được những kết luận thiết thực và hữu ích cho cộng đồng tỵ nạn.
 
Tôi dò hỏi kỹ chương trình để chọn những đề thích hợp mà vào nghe.. lóm. Nói nghe lóm là vì nào tôi có đủ sức tham dự buổi họp của giới trí thức này đâu. Số là sở tôi cần nhiều nhân viên Mỹ gốc Ðông Dương, nhất là người Việt Nam, nên nhân dịp có người Á Châu trên toàn vùng Bắc Mỹ (có cả Canada) quy tụ về nên cử tôi đến đây để phổ biến rộng rãi điều kiện tuyển dụng.
 
Suy bụng ta ra bụng người, nên tôi cứ tưởng Lệ Lý Hayslip có mặt ở đây là cũng chỉ để rao bán sách của nàng y như tôi rao bán "jobs" cho sở, thế thôi. Ai dè nàng cũng có tên trong danh sách thuyết trình đoàn của một đề tài hấp dẫn: "Phụ Nữ Việt Nam Trong Giai Ðoạn Chuyển Tiếp - Vietnamese Women in Transition."
 
Tôi thật ngạc nhiên vì một người tự nhận là học dốt tiếng Việt mà tới xứ người viết được sách Mỹ, rồi thuyết trình bằng tiếng Mỹ thì tài thật! Viết đã khó, nhưng dù sao cũng còn có người Mỹ viết giùm, còn nói thì lại càng khó hơn vì phải đối đáp những câu chất vấn không biết trước, bằng tiếng Mỹ - vì hội thảo chỉ dùng Anh ngữ mà thôi. Quả thật Lệ Lý không phải là người đàn bà thất học như nàng tự nói về mình trong sách. Với lòng hâm mộ ấy nên sáng ngày thứ hai 6 tháng 4 năm 1992, trong hai giờ đầu, có đến sáu đề tài hấp dẫn khác cùng được trình bầy tại sáu phòng khác nhau của khách sạn Hilton, nhưng tôi quyết tâm chọn nghe đề tài "Phụ Nữ.. ." do Lệ Lý thuyết trình.
 
Lệ Lý Hayslip được giới thiệu là sáng lập viên và là chủ tịch của Tổ Chức Ðông Tây Hôi Ngộ (Founder & Director of East Meets West Organization). Nàng mặc quần tây trắng, áo lụa đỏ.
 
Khác với các đề tài khác mà thuyết trình đoàn ngồi trên bục giảng, hội thảo viên ngồi đối diện phía dưới như một lớp (học) thì phòng này ghế lại được xếp.. . để mọi người ngồi vòng tròn, Lệ Lý đọc mấy câu ca dao nói rằng đó là vòng tròn đoàn kết, v.v.. .
Hiện diện trong buổi thuyết trình gồm khoảng năm mươi người, trong đó có các giáo sư tiến sĩ Lê Văn thuộc Bộ Giáo Dục tiểu bang California, giáo sư Trần Quý Phiệt thuộc Ðại Học Schreiner, tiểu bang Texas, giáo sư Chung Hoàng Chương thuộc Ðại Học San Francisco- California, cô Lê Ngoan đương kim chủ tịch Hiệp Hôi NAFEA, là phụ tá Thống Ðốc tiểu bang Illinois đặc trách cứu trợ xã hôi, v.v.. . Giáo sư nhân chủng và ngôn ngữ học Nguyễn Ðình Hòa có lẽ bận dự một buổi thuyết trình khác nên bước vào phòng này trễ hết phân nửa chương trình.
 
Khởi đầu, Lệ Lý kể rằng cha mẹ nàng sanh ra được sáu người con: bốn gái hai trai. Con gái không biết chữ, chỉ có con trai là được đi học đủ biết đọc biết viết. Riêng Lệ Lý vì là con gái út nên may mắn được đi học tới lớp ba trường làng. Vì chiến tranh nên có chồng Mỹ. Tuy tới Mỹ từ năm 1970 nhưng tám năm đầu bận nuôi con nên không được học hành gì cả, vì vậy tiếng Mỹ cũng như tiếng Việt, đều không giỏi như những vị đồng chủ tọa đoàn, nên mong được thông cảm.
 
Kế tiếp, Lệ Lý kể rằng phong tục ở thôn quê Việt Nam rất khắc khe, nếu đứa con gái chưng diện như tô son hay mặc áo màu lèo loẹt thì bị mắng là "con đĩ" (chữ này và tất cả những câu ca dao trong suốt buổi thuyết trình, diễn giả dùng nguyên văn tiếng Việt). Hễ con gái gặp gở con trai hoặc phải bỏ làng quê ra tỉnh thì đó cũng là "con đĩ". Lệ Lý kể rằng nàng quyết giữ cả đời mình sẽ không bao giờ trở thành "con đĩ" cả.
 
Vậy mà tới năm 1960, chiến tranh lan tới làng quê khiến hai người chị phải bỏ xứ ra đi, vậy họ đã thành "con đĩ". Lệ Lý quyết không chấp nhận điều ấy nên bám riết ở làng Kỳ-la. Vậy mà cũng chẳng được yên thân, vì năm 1965 chiến tranh lên cao độ, bom đạn giết chết và tàn phá làng mạc thân yêu, nàng bắt buộc phải rời gia đình để ra Ðà Nẵng lánh nạn. Nhưng nàng cũng nhất quyết chẳng đi đâu xa, nên khi chiến tranh lắng dịu nàng lại trở về quê hương như xưa. Trong thời gian sống tạm ở thành phố, Lệ Lý thấy chung quanh người ta cũng có chồng, có con, cũng uốn tóc và chưng diện đủ kiểu, vậy sao những người ấy không phải là "con đĩ"?
 
Lệ Lý kể tiếp rằng khi quay về quê cố làm lụng nuôi cha mẹ già thì bom đạn lại tuôn dội xuống làng mạc, toàn thể dân làng đều bị tàn sát (ngừng lại khóc). Sau đó, với giọng nức nở, nàng tiếp: "khi còn trẻ, tôi được học rằng con chăn trâu lấy thằng giữ vịt để có con cái và an phận ở làng mình. Nhưng chỉ có vì chiến tranh mà tôi đành phải bỏ xứ ra đi" (lại sụt sịt khóc).
 
Khi vào Sài Gòn, Lệ Lý thấy mọi người đều đầy đủ gia đình, lại tô son đánh phấn, ăn mặc diêm dúa, vậy họ là "đĩ" cả sao? Mãi đến lúc ấy nàng mới hiểu nghĩa chữ "đĩ", theo tiếng Việt Nam là để chỉ người con gái lấy chồng của bạn mình (?) (tôi nghe không rõ, chỉ nghe có chữ "friend" kèm theo hai câu ca dao sẽ kể lại sau đây, nên đoán vậy), hoặc để chỉ người đàn bà đi ngủ với ngươi khác để lấy tiền, hoặc là người lấy chồng già hơn mình nhiều tuổi.
 
"Khi hiểu như vậy thì tôi thề với tôi là mình sẽ không bao giờ làm "đĩ" theo nghĩa đó. Nhưng theo phong tục*người Việt Nam, tôi phải kính trọng và vâng lời người đàn ông, người chủ.. . nhất là tôi phải vâng lời người đã cho tôi một chén cơm.. . vì vậy tôi đã trỡ thành nạn nhân của một vụ hiếp dâm".
 
Lệ Lý kể tiếp là sau đó bà ta bị bà chủ đuổi ra khỏi nhà nên bơ vơ, gõ cửa nhà này đến nhà kia để tìm chổ nương thân. Cuối cùng nàng đành phải trở về quê ở Ðà Nẵng. Cha nàng quá nhục nhã vì có đứa con gái mới mười lăm tuổi đã mang bầu.
 
Lệ Lý nghẹn ngào kể rằng với cái tuổi mười sáu mà đã có một con thì vô phương tìm được một người chồng Việt Nam chịu cưới. Trong khi ấy còn một mẹ già phải cưu mang nên "tôi phải làm mọi cách để con tôi không trở thành vô gia đình" (ý nói đã thật sự phải làm điếm). "Thật là nhục nhã! Thật là nhục nhã!". Rồi nàng ngừng lại để khóc. Một bà (cũng là nhân vật quan trọng từ thủ đô Hoa Thịnh Ðốn tới) đứng lên rót nước mang tới cho Lệ Lý thấm giọng. Nhiều lúc nàng cúi mặt xuống hỉ mũi và chậm nước mắt, nhân tiện dò lại bài diễn văn đánh máy để sẵn trên đùi vì nàng ngồi tréo ngoảy, chân mặt gác lên đùi trái.
 
Chừng như sự cảm xúc đã lắng dịu, Lệ Lý ngẩng mặt lên tỉnh táo tiếp: "Cuối cùng tôi gặp chồng tôi. Tôi biết điều đó là sai vì ông ta là người không cùng nòi giống.. . Trong khi chờ làm thủ tục để theo chồng, làng nước nguyền rủa tôi: Ðồ vô thủy, vô chung, vô nghì! Ðồ con đĩ lấy Mỹ!" (Nói bằng tiếng Việt), rồi bằng tiếng Anh: "Mà lại là Mỹ già. Hơn nữa lại là giống dân đã đem bom đạn tàn sát dân mình". Khi tới Mỹ, dù đã có hai đứa con, nhưng người ta vẫn coi nàng như một đứa con nít bởi cái tuổi mười tám với ông chồng năm mươi bảy mà nguyên thủy chỉ coi nàng như đứa con nuôi.
 
Mãi tới năm 1975, khi có nhiều người Việt Nam tỵ nạn tới Mỹ, người ta cũng nhìn Lệ Lý với con mắt khinh bỉ, cũng coi nàng như một con "đĩ". Họ đổ trút mọi tội lỗi lên tôi. Trong khi ông chồng Mỹ thứ hai mất vào năm 1983 (người này họ Hayslip mà Lệ Lý mang tên hiện giờ), đến nay đã gần mười năm góa bụa, nuôi ba con trai, đêm đêm lên giường ngủ một mình lẽ loi.. . "vậy mà người ta vẫn tiếp tục chửi tôi là con "đĩ" lấy Mỹ. Hiện giờ tôi đã bốn mươi lăm tuổi đầu, tôi thật sự vẫn không hiểu nghĩa của chữ con "đĩ"!."
 
Có đoạn Lệ Lý gay gắt hỏi làm mọi người sửng sốt: "Tôi có câu hỏi này dành cho các ông: Tôi có yêu tổ tiên, yêu gia đình, yêu đất nước không? Có thừa! Vậy tại sao chẵng một ông nào thèm cưới tôi cả? Vậy các ông muốn gì? Muốn tôi trở thành một nữ tu ư?. Và: Tại sao tôi phải tới xứ Mỹ này? Chỉ vì chiến tranh! Vì chiến tranh tất cả. Tôi không có cách nào khác hơn.. ." Có lúc Lệ Lý rít lên trong nước mắt ràn rụa: "Hãy tưởng tượng cảnh bọn đàn ông hãm hiếp tôi (chỉ vào ngực), hiếp con gái trước mặt cha mẹ, hiếp vợ trước mặt chồng, rồi tra tấn đánh đập mọi người một cách tàn nhẫn.. ".
 
Xong nàng nhìn thẳng vào khán giả, giọng hùng hồn:
-Where is mankind? Where is brotherhood? Where is humanity? Where is son of God? (Sau này nói chuyện lại với tôi, Lệ Lý nhấn mạnh rằng, những chữ này đều có gốc chỉ phái nam "man, brother, son" trong đó.) Hội trường im phăng phắt, chợt có nhiều tiếng xì xào khi nàng thình lình hỏi: "Nếu không có đàn bà như chúng tôi, làm sao có mặt đàn ông các ông trên trái đất này"?
 
Cuối cùng, Lệ Lý cho biết nàng không còn hận thù ai nữa cả. Chiến tranh đã qua, nàng tha thiết kêu gọi nam giới hãy đưa tay nâng đỡ nữ giới, kêu gọi mọi người thương yêu đùm bọc lẫn nhau để sống trong tình nhân loại.
 
Cả phòng vỗ tay hoan nghênh dòn dã.. . *
Sau buổi thuyết trình ấy, nhiều người tìm mua sách hơn. Lệ Lý giải thích rằng: Mua đi và tiền này sẽ chạy về cả cho Việt Nam. Những người đã mua rồi lật đật đem tới hội trường ngày hôm sau để xin chữ ký. Những người ở xa không về nhà được mà đã mua sách rồi (như nhân vật ở D.C. rót nước cho Lệ Lý lúc thuyết trình) thì tiếc hùi hụi là không biết trước có mặt tác giả ở đây để đem sách theo. Những người Mỹ thì ít mua sách nhưng chạy tới xuýt xoa nắm tay tỏ lời thương cảm.
 
Tôi cũng "xếp hàng" (chưa đến nổi cả ngày đâu nhé) chờ tới phiên bước đến ngỏ lời chia xẻ với người cùng phái đã có quá khứ qúa đổi truân chuyên. Lệ Lý chua chát tâm sự: Chuyện của em tất cả truyền hình lẫn báo chí Mỹ khắp cả nước đều ngợi khen, đến đổi họ dùng làm sách giáo khoa cho trường học, để tại các thư viện cho mọi người nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.
 
 Vậy mà báo chí Việt Nam thì cứ chửi em hoài.
Ðược hỏi báo nào, và tại sao Lệ Lý giỏi như vậy mà không viết báo trả lời họ, thì được nàng đáp: "Báo chí Việt Nam nhiều quá, chửi em cả ba bốn năm nay em đâu nhớ hết. Chẳng hạn tờ Thời Luận ở miền Nam Cali nói em là chỉ nói một chiều.. . Em hơi nào, thì giờ đâu mà trả lời lại họ!". Tôi hứa sẽ nói chuyện lâu dài để tìm hiểu lý do gì mà người Việt Nam lại không thương Lệ Lý như vậy, và sẽ đứng về phía Lệ Lý, nhân danh giới phụ nữ trả lời lại với cộng đồng người Việt giúp nàng.
 
Chương trình buổi chiều hôm ấy, thứ hai 6 tháng 4 năm 1992, là buổi họp khoáng đại, khoảng ba trăm ngươi đều tập trung lại để nghe ông Walner O. Barnes, giám đốc Chương Trình Di Cư Và Tỵ Nạn của tiểu bang California, thuyết trình đề tài: "Người Tỵ Nạn Và Di dân năm 2000".
 
 Những vấn đề then chốt của chính phủ Mỹ liên quan đến chương trình kế hoạch, dự án ngân sách định cư cho người tỵ nạn hay di dân trong tương lai ra sao đều do văn phòng này nắm giữ, theo dõi và đệ trình lên trung ương. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hành là nhân vật đặc trách về vấn đề này tại văn phòng trung ương ở Washington DC cũng có mặt nhưng không thuyết trình. Nêu lên như vậy để ai cũng thấy là vai trò của ông Barnes rất ư quan trọng đối với người Ðông Dương nhập cư vào nước Mỹ.
 
Vậy mà sau phần ông thuyết trình, gần như không ai để ý hỏi han gì, chỉ có Lệ Lý Hayslip là chiếu cố tận tình. Số là, cứ mỗi lần nghĩ xả hơi là tôi lại tìm dịp gặp nàng để biết, như đã hứa, là tại sao người Việt Nam lại ghét nàng như vậy. Tôi đang hỏi nàng sách hay như thế sao không xuất bản tiếng Việt, vì tôi đọc đâu có hiểu hết thì người Việt đa số chắc cũng thế nên chưa hiểu để thương nàng chăng?
 
Lệ Lý vừa trả lời vừa lom lom nhìn ông Barnes đang nói chuyện với một hội thảo viên người Miên nơi cuối phòng: "Em đang dịch ra tiếng Việt đó chị." Tôi ngơ ngẩn hỏi: "Ủa, chớ không phải dịch ra tiếng Việt trước rồi người Mỹ là ông Jay Wurts dịch ra cho em sao?" Lệ Lý không kịp trả lời, vì khi ấy người Miên kia đã quay lưng đi, nàng hấp tấp tiến lại ông Barnes, luôn lời giải thích cho tôi rằng: "Em phải gặp ông này ngay kẻo ổng đi mất!" Còn tôi cũng sợ mất Lệ Lý nên chạy theo đứng xa xa chờ ông Barnes đi là tôi "chụp" nàng ngay.
 
Do đó, tôi nghe loáng thoáng ông Barnes khen Lệ Lý nức nở và hứa giúp Lệ Lý tận tình bằng hết cả khả năng. Ông căn dặn Lệ Lý cần gì cứ gọi ông. Sự kiện này tôi nhớ lại, gia đình người bạn tôi mới đến Mỹ theo diện H.O. được một năm nay, đi học ESL (English as a Second language) ở một trường tại Sacramento, thủ phủ California. Bà thầy cho cả lớp học cuốn When Heaven and Earth Changed Places, mục đích bà là muốn an ủi những người mới tới, rằng đã có người như Lệ Lý Hayslip lúc tới Mỹ cũng không rành tiếng Mỹ mà bây giờ viết sách được mà còn trở thành triệu phú nữa. Như vậy, đối với ai chưa đọc được tiếng Anh thì tên Lệ Lý Hayslip cũng là một gương tốt cho mọi người (Việt lẫn Mỹ).
 
Còn bà vợ của anh bạn này, nguyên là giáo sư Anh văn ở Việt Nam nên bà thầy cho mang sách về đọc, bà này đọc xong thì kết luận: "Ðây là tên phản động". Lúc ấy tôi không để ý, nay hơi hiểu phần nào tại sao báo chí Việt Nam "chửi" Lệ Lý, và nhất là hiểu tại sao sách của Lệ Lý có mặt trong tất cả các trường học, ít nhất là trường có đông đảo người mới tới định cư. Ông Barnes là giám đốc Chương trình Ðịnh cư, việc dùng ngân sách để mua sách "Nói trung thực về phong tục Việt Nam, về người dân Việt Nam trong chiến tranh" cho mọi người biết là điều hợp lý. Thảo nào sách này chẵng thâu hơn triệu đô!
 
Anh bạn này còn kể rằng cũng trong lớp ESL đó, vào tháng hai năm 1992 rồi, nhân ngày lễ kỷ niệm ngày sinh của Tổng Thống Washington, bà thầy kể công trạng Tổng Thống khi thành lập nước Mỹ rồi hỏi cả lớp kể xem nước mình có ai có công lập quốc như Tổng Thống Washington không? Một ông người Việt Nam tuổi trên năm mươi đưa tay đứng lên đáp: "Hồ Chí Minh!" Cả lớp cười ồ làm bà thầy ngỡ ngàng, chẵng hiểu tại sao. Anh bạn tôi có tham gia lớp dạy Việt Ngữ miễn phí tại Sacramento, kể rằng học sinh đến học tiếng Việt phần nhiều tuổi dưới mười tám, tức sanh ra hay lớn lên lúc Miền Nam đã rơi vào tay Cộng Sản cho nên hể nhắc đến người có công dựng nước là y như các em đều nhắc đến "Chủ tịch Hồ Chí Minh vị cha già của dân tộc" vì lịch sử Việt Nam hiện giờ do kẻ thắng viết ra. Nếu còn chút lòng với Ðất Nước nghe tới đây chắc qúi vị thấy mình cần phải làm một việc gì đó cho tuổi trẻ Việt Nam?
Xin hãy trỡ lại buổi họp thảo "Quốc Gia Giáo Dục và Cải Tiến cho người Mỹ gốc Ðông Dương" của chúng ta.
 
Sau phần thuyết trình của ông Barnes là cơm tối và dạ hội liên hoan và, có phần trao bằng tưởng lệ cho những người có công trong cuộc tổ chức ba ngày hội lớn này.
Thấy Lệ Lý Hayslip ngồi chung bàn danh dự với ông Barnes và những người đang được gọi tên để bước lên sân khấu lãnh bằng khen, tôi tưỡng nàng cũng sẽ được gọi tên. Nhưng không phải vậy . Nàng chỉ ngồi chờ tới phiên được diễn tuồng. Chương trình kế tiếp là màn biểu diển văn nghệ của cả ba nước Việt, Miên, Lào rất xuất sắc.
 
Về phía Việt Nam có nghệ-sĩ biểu diễn đàn tranh, đàn bầu, và song ca vọng cổ "Quang trung Nguyễn Huệ với Ngọc Hân Công Chúa". Cuối cùng Lê Lý Hayslip được mời lên sân khấu. Nàng cho biết dự định sẽ hát và ngâm thơ bốn bài nhưng chỉ còn nhớ được phân nửa thôi. Bài cuối cùng có ý nghĩa là bài "Lời Cha Dạy". Hay quá, tôi không nhớ hết, chỉ nhớ đại ý rằng: "Cha tôi dạy tôi yêu quê hương, yêu anh hùng dân tộc, yêu Lê Lợi, Quang Trung, và cuối cùng, cha dạy: Quên hận thù. Cả hội trường hơn hai trăm ngừơi vỗ tay hoan hô vang dội. Những ông, bà hội thảo viên ngừơi Mỹ chắc chẳng hiểu gì, nhưng cũng nhào tới ôm Lê Lý hôn và ngợi khen rốt rít.
 
Chờ cho mọi ngừơi tỏ lòng hâm mộ xong, tôi kéo Lệ Lý ra chổ trống để không bị ai xía vào cắt đứt dòng tâm sự giữa hai chúng tôi. Tôi tỏ ý rằng mình cũng muốn đem tất cả sự nghiệp, cả cuộc đời để làm được gì hàn gắn cho dân tộc Việt Nam nhiều đau khổ như Lệ Lý, nhưng không có tài như nàng và nhất là không tin được VC. Lệ Lý cho rằng: "Chị cứ đọc sách em đi thì chị sẽ hiễu". Khi tôi bảo rằng tôi không đủ sức đọc, nhất là không đủ thì giờ, Lệ Lý cứ tóm tắt cho tôi biết.. . thì, trước sự ngạc nhiên của tôi, nàng đưa liền những câu giọng Quảng, hết bốn câu đầu là văn tuyên truyền chống cộng sản, đến bốn câu kế lại hô hào chống Mỹ Diệm. Cứ thế ngâm nga liên tục cả chục đoạn như vậy. Tôi hỏi:
 
-Thơ đâu mà nằm sẵn trong bụng như mới sáng tác vậy?
 
-Thì hồi nhỏ, đêm em đi hát văn công cho VC, ngày em đi hát cho Quốc Gia mà chị.
Lệ Lý bảo nàng không thù ai, nhưng ghét chiến tranh. Mà muốn biết chiến tranh do đâu có thì phải tìm hiểu xem ai gây ra. Theo nàng năm 1954, đất nước bị chia đôi, những người miền Nam tập kết ra Bắc đâu phải là Cộng Sản, họ chỉ là người kháng chiến yêu nước, họ được hứa hẹn đi hai năm rồi sẽ về. Ai dè sau hai năm, ông Diệm không chịu tổng tuyển cử nên họ phải đánh vào Nam để được về với gia đình chớ sao.
 
 Tôi chận Lệ Lý lại:
-Lúc nhỏ chị cũng nghĩ như vậy, nhưng bây giờ thấy rõ rằng từ năm 1953, ngoài Bắc bắt chước Trung Cộng cưỡng ép toàn dân miền Bắc theo Cộng Sản chủ nghĩa bằng chiến dịch Cải Cách Ruộng Ðất để tiêu diệt quyền tư sản, giết chết cả trăm ngàn dân trên mười ngàn đảng viên. Áp bức dân chúng như vậy thì nếu bầu cử là mình lọt vô tay Cộng Sản từ năm 1956 rồi. Những người đi ra Bắc lúc ấy họ lầm, đáng thương. Còn bây giờ, rõ như ban ngày rồi, Cộng Sản đã tiêu tan vì chủ trương tiêu diệt người có của ấy.. . Sao bây giờ em còn đổ lỗi cho miền Nam? Một triệu người Bắc di cư vào Nam năm 1954 để chạy trốn Hồ Chí Minh vì cải cách ruộng đất em có biết không? Nếu không tin thì đọc sách báo của Cộng Sản, đừng đọc báo "Ngụy" mà bảo là tuyên truyền xuyên tạc, chính Bùi Tín bốn mươi lăm tuổi đảng đã nhìn nhận điều đó. Em biết ông ta không? Có nghe ông ta nói về cải cách ruộng đất không?
 
-Em đâu có biết gì chuyện đó, chỉ biết rõ là rốt cuộc Ngô Ðình Diệm cũng bị giết, Mỹ đem bom đạn tàn sát cả làng em. Còn những làng khác chúng tới là dân bị đuổi đi, chính gia đình em cũng vậy, bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn đi ra chỉ vẻn vẹn có hai tấm tôn.
-Em tới Mỹ lâu rồi không biết, chứ khi VC chiếm miền Nam, dân bị lùa đi kinh tế mới với hai bàn tay trắng, có tấm tôn nào đâu.
 
-Thì tại Nga nó nghèo qúa, làm sao bây giờ?
-Ủa, nếu vậy thì em biết miền Bắc có Nga, chính Nga xúi Bắc Việt xâm chiếm miền Nam mình để nhuộm đỏ miền Nam nên mới có chiến tranh. Mà miền Bắc có Nga-Tàu gây chiến trước để áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản, rồi miền Nam mới cầu cứu Mỹ và đồng minh giúp để chống đỡ sau. Còn việc bom đạn chết chóc là việc đáng buồn, đáng trách, nhưng khó tránh được vì hai bên, bên nào cũng phải làm mọi cách để thắng đối phương. Lính bên quốc gia cũng chỉ làm bổn phận của họ khi đất nước kêu gọi, mà khi Cộng Sản thắng rồi lại bị gạt gẫm đi tù, có người cả chục năm, có người chết không được thấy mặt vợ con.
 
-Chuyện mấy người cải tạo thì.. .nói ra thì không nên, chứ cũng là có vay có trả chị ạ.. .Mà thôi, cho nên em nói quên cả đi, bây giờ nước mình khổ quá, mình lo cách nào giúp họ chị ạ. Ngày xưa, em ra đi chẵng áo quần, giờ em về cho cháu em mỗi đứa vài bộ quần áo là em cũng vui. Với lại em nghĩ khác chị.
 
- Chị cũng muốn như em, nhưng tình thế này, chị biết gởi về Việt Nam bao nhiêu là nuôi mập mấy ông VC để họ tiếp tục làm Cộng Sản nữa.
 
- Cộng Sản, Cộng Hòa gì cũng là người Việt Nam cả chị ạ. Mà em không lo như chị. Những gì em đem về Việt Nam, em giao cho anh em cả. Ảnh phải làm cho xong, nếu không thì tổ chức của em không cho nữa.
 
-Anh của em là ai? Làm gì bên ấy?
-Anh ấy đi tập kết mươi mấy năm, nay trở về.. . làm gì về kiến thiết đó mà.
 
-Vậy anh của em là cán bộ, đảng viên Cộng Sản chứ gì?
 
-Thì em đã nói với chị, cả giòng họ nội của em đi kháng chiến cả mà. Họ yêu nước. Còn họ có làm Cộng Sản hay không, em đâu có biết. Bởi vậy, em đã nói là em nghĩ khác chị!
 
Tới đây thì có lẽ cả hai bên đều nhận rõ cái "khác" nhau, nhất là tôi, hai ngày làm chuyện.. . ruồi bu, đi theo thắc mắc, cố thuyết phục em của anh Cộng Sản. Ðừng tin Cộng Sản! Nhất là khi đảng Cộng Sản đó đang thắng, đang làm chủ nhân ông của đất nước. Rõ ngớ ngẩn và cám ơn Lệ Lý đã thành thật, thẵng thắng nói rõ để cả hai không mất thì giờ. Nên khi Lệ Lý nhìn đồng hồ tay hơn mười một giờ khuya, bảo rằng phải về phòng để điện thoại về San Diego thăm con. Tôi cũng không nài nỉ như trước, vì hết đề tài.
 
Ngồi lại một mình trên ghế nệm sang trọng của khách sạn Hilton, dưới ánh đèn mờ ảo của một restaurant về khuya, tôi chú ý đọc "Lá Thư Tam Cá Nguyệt" của Lệ Lý (có tên là The Vision) phát không cho mọi người mà bây giờ tôi mới thấy được ý nghĩa.
 
Trang đầu là hình chụp Lệ Lý Hayslip với đạo diễn Oliver Stone và các tài tử, các nhà sản xuất phim trong buổi tiệc thân mật phát giải thưởng "Nhịp Cầu Hòa Bình" giải thưởng này thành lập được bốn năm, năm thứ tư này được trao Thượng Nghị Sĩ John Kerry, đương kim chủ tịch Ủy ban Thượng viện đặc trách vấn đề người Mỹ mất tích, một yếu tố quan trọng để Mỹ quyết định giải tỏa cấm vận hay bang giao với Việt Nam, có hình chụp cũng nơi trang đầu, có kể thành qủa cuộc quyên tiền trong buổi tiệc.
 
Trang trong là hình ảnh của bệnh xá Motherlove và Peace mới xây cất kèm danh sách những người viết thơ cám ơn Hội. Ðặc biệt là có ảnh chụp một người chống nạng đang đứng nhận qùa trong một căn phòng có treo trên tường một bích chương to với hàng chữ: "Lễ ra mắt Phân Hôi CTÐ*, Công An và Y Học Cổ Truyền".
 
 Phía sau cái bàn để qùa tặng là một bục cao, trên đó có tượng Hồ Chí Minh trắng toát bên trên phất phới lá cờ đỏ và ngôi sao vàng. Trang kế tiếp là bài thơ của một tác giả Mỹ xót xa cho giọt lệ khổ đau của nàng Lệ Lý Hayslip, nói về "cá nghiệp" và "cộng nghiệp" trong một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, rồi hỏi Lệ Lý Hayslip vậy chớ là "một Phật Tử thì nên gieo giống tốt cho làng tôi và giữ cho đất người láng giềng được màu mỡ hay là tôi đem chất hóa học làm cho đất tôi được mùa mà đất mẹ thì chịu đổ nát cho thế hệ con cháu tôi?".
 
Rõ ràng Lệ Lý có một kế hoạch hoạt động rất rộng lớn, bền bĩ, và có vẽ rất thành công, nhất là đối với người Mỹ. (Sau này khi đọc hết quyễn sách mới thấy là Lệ Lý đã vận động rất đắc lực cho việc Mỹ giải tỏa cấm vận kinh tế và thiết lập bang giao với CSVN đã xẩy ra năm 1995). Tôi đứng lên định đi về phòng đập cửa mấy bà bạn thân để chia sẻ tin này, dù có lẽ họ đang yên giấc.
 
Thình lình tôi nghe tiếng giày khua côm cốp và tiếng cười giòn giả vang lên từ ngoài hành lang. Nhìn ra thì gần cả chục ông bà đi shopping về muộn. Phần đông họ ở xa mà chiều hôm sau đã phải lên máy bay về lại nhiệm sở, nên tối nay một số không dự dạ tiệc để đi chơi cho biết San Francisco. Tôi vội lôi họ về lobby, báo cho hay, họ "missed" màn văn nghệ đặc sắc và kể cho họ nghe những gì tôi chứng kiến. Vì toàn là bậc cao cấp ở đơn vị họ cả nên một bà sồn sồn phát biểu:
 
-So what? Chị lo gì cô ta chứ? Cả đế quốc Liên Xô còn tiêu tùng thì VC còn bao hơi chứ? Một cô khác trẻ hơn:
 
-Em có dự buổi "con đó" nói chuyện. Ðáng lẽ em lên tiếng hỏi nó, vậy chớ ai buộc nó phải làm điếm đâu mà bây giờ nó khóc. Em muốn hỏi vậy chớ, một đứa dốt mà qua Mỹ làm gì trở thành triệu phú, có phải tiếp tục nghề cũ không?
 
Nhưng mà.. . Em là con cháu dòng dõi cách mạng (Phe Quốc Gia, tôi xin không nêu tên), ông nội em bị giết nên ba em khuyên chúng em không nên dính dáng đến chính trị. Tôi cười gượng: Em học cao qúa mà không dám làm chính trị và chỉ lo làm chuyên môn nên dòng dõi cách mạng chống Cộng Sản mà để cho Liên Hiệp Quốc tôn Hồ Chí Minh làm vĩ nhân.. . Nhiều người nhao nhao hỏi:
 
-Hồi nào? Hồi nào vậy? Giỡn hả? Tôi cười, chọc thêm:
-Thiệt chớ, giỡn đâu. Hiện giờ đây chớ hồi nào! Tháng tới là tháng Năm, tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc sẽ làm lễ tôn vinh sinh nhật một trăm năm của Hồ Chí Minh. Cô cháu của nhà cách mạng, dậm chân tức tối:
 
-Vô lý! Thật vô lý! Tên Cộng Sản khát máu mà được phong là vĩ nhân! Ðâu giấy tờ đâu? Sao em không thấy báo chí... ủa, mà tại em đâu có thì giờ đọc báo! Chị đưa tin nói về việc ấy đi, em nói thật, em nhất định làm cho ra lẽ việc này cho coi! Em nói thiệt, tại chị không biết chứ, chồng em là...
 
Tôi cười rũ rượi:
-Thôi trễ mất rồi, nhờ nhiều người khác không sợ làm chính trị đã ồ ạt gởi thư chống UNESCO nên họ đã ngưng việc này từ năm 1989 rồi. Mình ở xứ tự do mà không dám làm chính trị thì nói gì dân trong nước!
 
Vã lại, làm chính trị hiện nay chỉ là quan tâm đến thời sự, và tỏ thái độ bênh vực chánh nghĩa của mình, chứ có chém giết ai mà sợ. Em không không dám làm chính trị thì chồng em sao dám dùng thế lực của mình để chống việc tôn vinh Hồ Chí Minh? Một ông bảng tên có thêm chữ Ph.D. nói:
 
-Họ chẳng làm nên trò trống gì mà sao cứ ngồi muôn năm ở đó! Tôi đùa:
-VC đang chờ mình bảo họ rút lui đó! Tại trong tất cả những người mình ở đây chưa ai "bảo" họ đi cả!
-Tới đây, họ đã bỏ rơi hoàn toàn chuyện Lệ Lý, và nhân đề cập đến ngày VC rút lui, nhiều nhân vật bàn chuyện tái thiết Việt Nam rất rầm rộ.
 
Có người bảo rằng họ sẽ cải tổ chương trình giáo dục, thiết lập hệ thống an sinh xã hội. Có người là chủ nhân đại công ty xây cất ở Mỹ, sẽ về chỉnh trang lại hệ thống gia cư.
 
Có ông bảo rằng sẽ đem kỹ thuật làm xa lộ của Mỹ về cải tổ hoàn toàn hệ thống giao thông vận tải. Ông chứng minh rằng vụ động đất lớn ở San Francisco bốn năm trước, chỉ một tháng sau là du khách phải để ý lắm mới thấy dấu tích của trận động đất.
 
Có bà còn ngon lành hơn, bảo rằng bà sẽ về Việt Nam mở trường dậy học, mà dậy lái máy bay cơ! Bà quả quyết rằng cả gia đình bà có thể trang bị và làm ban giảng huấn với trình độ hiện đại như Mỹ vậy.
Tôi chỉ vào "Lá Thư Tam Cá Nguyệt" của Lệ Lý, đùa:
 
- Bây giờ người dân chỉ mới nhận một gói nhỏ hay nhiều nhất là chiếc xe lăn mà tượng Hồ Chí Minh đã to cả nữa thước như vầy. Vậy khi nào qúi vị thực hiện những dự án vĩ đại như vậy thì lễ khai mạc chắc phải dành riêng hàng chục cao ốc để dựng tượng "Bác" mới xứng đáng với công trình ấy, khi đó mọi người sẽ vỗ tay khen rằng lời tiên tri của "Bác" đã ứng nghiệm rõ rằng: Khi đánh đuổi Mỹ, Ngụy rồi ta sẽ xây dựng lại mười lần hơn. Nay thật đúng "chăm phần chăm".
 
Vậy thì phải tiến nhanh tiến mạnh theo đường "Bác" đi.. . Thảo nào hiến pháp năm 1992 của Viet-nam Xã hôi chủ nghĩa vẫn là theo Chủ Nghĩa Mác- Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh.. .
 
Tức thì có mấy bà nhao nhao lên: Bộ Hiến pháp họ ghi như vậy thật hả? Giỡn hoài! Bộ họ đui hay điếc vậy?
 
*
* *
 
Sáng thứ Ba ngày Bảy tháng Tư năm 1992 cũng còn nhiều đề tài để thảo luận nhóm, trong ấy có tiêu đề rất hấp dẫn: "Người Ðông Nam Á Châu Trong Truyền Thông" do cô Ðỗ Mùi, đài truyền hình Việt Nam ở San Jose hướng dẫn. Thuyết trình viên là cô Tương Như, ký giả tờ San Jose Mercury News, cô này rời Việt Nam từ nhỏ và ủng hộ Lệ Lý hết mình.
 
Có cậu Andrew Lâm là con tướng Lâm Chánh Thi cũng đang làm cho hãng thông tấn Mỹ và Vũ Thanh Thủy đương kim ký giả của tờ San Diego Union, người vượt biển gặp hải tặc cùng với nhà văn Nhật Tiến. Cô được bầu là người Phụ Nữ của Thế kỹ 21.
 
 Thật là khích lệ khi thấy tuổi trẻ Việt Nam chen được vào ngành truyền thông Mỹ và nói tiếng Mỹ như gió. Chỉ tiếc một điều là với đề tài như thế ai cũng mong nghe chương trình, kế hoạch gì cho người Á Châu.. . Ðằng nầy chỉ nghe gần như toàn là tiểu sử của ba nhân vật kể lại vì sao họ bước vào ngành truyền thông.
 
Nhưng nói đến ngành này, tưởng cũng cần kể rằng có lẽ vì số tiền dự hội thảo quá mắc nên các quan báo chí ở xa không cử người tới dự được. Nhưng còn các tờ báo Việt Ngữ rất nhiều ở vùng San Francisco, cả San Jose và Sacramento nữa, suốt ba ngày hội chỉ có ông Ðỗ Ngọc Yến, chủ báo Người Việt tại Los Angeles đích thân tham dự.  
 
Tờ báo Người Việt thì có một lập trường.. . chuyên môn rất rõ rệt. Vào năm 1988, báo này có tổ chức lớp báo chí hè với đề tài "Báo Chí Và Chính Trị", tất cả hội thảo viên đều đồng ý rằng "Báo chí là một thế lực chình trị lớn. Báo chí Việt Ngữ hải ngoại cần có ý thức của Người Việt Quốc Gia có lập trường chống Cộng." Chỉ riêng ông Lê Ðình Ðiểu, nguyên cục trưởng cục thông tin hải ngoại của VNCH và đương kim chủ biên tờ Người Việt và thế kỷ 21, thì có ý kiến rằng: "Nếu coi chống Cộng là mục tiêu, chúng ta có nguy cơ thay chế độ độc tài này thành một chế độ độc tài khác. Báo chí trước hết phải làm công việc thông tin phổ biến tin tức cho đại chúng".
 
Tôi có dịp gặp riêng ông Ðỗ Ngọc Yến, có nhắc lại lời tuyên bố này của ông Lê Ðình Ðiểu, ông Yến trả lời: "Báo Người Việt đã có mặt ở Mỹ này trên mười lăm năm, lập trường thế nào mọi người đều biết, không thể vì một lời phát biểu trong một trường hợp giới hạn nào đó mà kết luận rằng chúng tôi thiên Cộng được".
 
Theo tôi, ông Yến có thể đã nói thật, ông và ông Ðiểu chống Cộng chứ không thiên Cộng, nhưng cũng như bao nhiêu người Quốc Gia khác-hoặc không muốn dính dáng đến chính trị, hoặc chỉ thuần túy lo việc chuyên môn-còn những chính khách thì quên lửng sức mạnh quần chúng (Mỹ lẫn Việt), hình như chỉ dựa vào thế lực khối này khối nọ. Trong khi ấy VC đang làm chính trị trong tất cả moi địa hạt, mọi hoàn cảnh.
 
 Cho nên bây giờ đừng thấy họ kiệt quệ, đang giẫy chết mà khinh địch. Chưa chắc! Coi chừng ngựa về ngược! Như trận đánh tết mậu thân 1968, Quốc Gia thắng trên trận địa, nhưng đã thua về truyền thông và tâm lý chiến để cuối cùng mất nước năm 1975.
 
Tưởng cũng nên nhắc chút chuyện qúa khứ, để thấy chiến thuật chuyển bại thành thắng của CSVN: khoảng năm 1972-1973 gì đó, phái đoàn cầu thủ VC tới Nhật Bổn đấu giao hữu. Ðấu xong lúc giải lao hay bất cứ dịp nào gần được cầu thủ Nhật là họ cố gợi lại hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima.. . để gợi hận thù với Mỹ. Còn phái đoàn của mình, đi tới đâu, làm xong phận sự rồi là lo mua sắm. Việc này không có gì là sai về phía phái đoàn VNCH, nhưng nói lên để thấy sự chú tâm của con người Cộng Sản đối với mục tiêu đấu tranh của chúng.
 
Cũng như trong thời chiến, tại những quốc gia có sứ quán VC như Lào, Thái, Pháp, v.v.. ,những nhân viên ngoại giao VNCH thì rất sang trọng, đi xe Mercedes, Peugeot 504. Nhưng nếu kiều dân có cần gì thì chểnh mảng thờ ơ.
 
Trong khi đó mấy anh VC chẳng xe cộ gì nhưng lại hay lui tới thăm hỏi, kể cả một vài nhân viên do VNCH cử tới xứ này để viếng thăm hoặc khảo sát, VC đều tìm mọi dịp để giúp đỡ hoặc hướng dẫn đi xem thắng cảnh, mua sắm. VC cố làm mọi cách để lấy cảm tình của họ Rốt cuộc, tiền bạc của VNCH đài thọ cho những người ấy đi nhưng VC hưởng lợi cả.  
 
Quá khứ ấy bây giờ đang diễn ra. Phải chăng lịch sử là một sự lặp lại? Chỉ vì bệnh thờ ơ! Bệnh này trầm trọng và xảy ra đến phút chót của ba ngày hội thảo nên, tuy bài đã dài, tôi vẫn còn thấy bổn phận phải nói tiếp.
 
Rằng trưa thứ Ba ngày Bảy tháng Tư năm 1992, mọi người họp tại hội trường lớn của khách sạn Hilton để nghe đúc kết ba mươi sáu đề tài hội thảo, vì không có ai có thể tham dự đủ các buổi thảo luận riêng. Mỗi đề tài đều có điều hợp viên phụ trách tóm tắt nội dung cuộc thảo luận với những giải pháp đề nghị.
 
Chẵng hạn như tiến sĩ Nguyễn Frank Phước, với đề tài "Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong việc giáo dục và thăng tiến nghề nghiệp", tiến sĩ khuyên rằng đối với một người chủ nhân Mỹ, một nhân viên Việt Nam không nên tỏ ra nhún nhường, khiêm nhượng theo phong tục cũ mà phải mạnh dạng nói lên: Tôi có bằng cấp này, tôi đủ khả năng làm việc nọ, thì người chủ nhân mới biết mà cho mình thăng tiến được.
 
Coi lại chương trình hội thảo mới thấy còn nhiều tiến sĩ khác: Ngô Ðình Thịnh, Huỳnh Ðình Tế, Nguyễn Bằng.. . mới thấy lực lượng Việt Nam thật hùng hậu, chưa kể những Masters và những chuẩn tiến sĩ khác.
 
Nhưng có thể vì Việt Nam càng nhiều nhân tài thì càng khó đoàn kết chăng? Bởi cộng đồng người Mỹ gốc Miên chẵng bao nhiêu người so với cộng đồng người Việt tỵ nạn, vậy mà theo bản tường trình, người Miên đã lập được tổ chức "New Cambodian Corporation", tậu nhà hàng, khách sạn, đất đai để kinh tài cho cộng đồng của họ, số vốn chung này riêng tại Long Beach, California đã lên đến gần 3 triệu rưởi, chưa kể những nơi khác.
 
 Khi nghe tổng kết phúc trình này của cộng động tỵ nạn người Miên, tôi sực nhớ lại vào cuối tháng Giêng năm 1992, cũng tại San Francisco này, đảng Cộng hòa Mỹ có mở đại hội thường niên cấp tiểu bang, có Thống đốc Pete Wilson dự.
 
Người Miên đi dự tới bốn trăm người. Còn Việt Nam? Ông Hồ Quang Nhật ở ngay San Jose được giấy mời chính thức mà không hiểu sao không đi dự. Còn lại, chỉ có ba người Việt Nam tham gia, trong đó chỉ có hai người danh chánh ngôn thuận, đại biểu cho những người Việt thuộc đảng Cộng Hòa ở miền nam Cali.
 
Ðó là ông Ngô Kỷ và ông Lê Hưng, nhưng hai ông này lại "Kỵ" nhau như đường với muối vậy! Năm nay là năm bầu cử tổng thống mà người Miên biết biểu dương lực lượng như vậy, thật dể hiểu khi cách đây vài tháng Tổng thống Bush đã bổ nhiệm một người Miên (tôi quên tên) đặc trách văn phòng liên lạc các vấn đề Á Châu. Còn người Việt Nam thì quá nhiều nhân tài như những con cua nhốt cùng một giỏ, hể con này bò lên cao là con kia đưa càng kẹp cho té nhào xuống.
 
Ðó là tình trạng bươi móc, bôi bẩn nhau trong cộng đồng Việt Nam tỵ nạn hải ngoại. Bởi vậy người Mỹ không lựa được "con cua" nào để giao trọng trách cả!! nên họ phải sử dụng con cua "Cộng Sản" vừa có lợi cho kinh tế họ, vừa đỡ nhức đầu với phe phản chiến.
 
*
* *
 
Trở lại phần đúc kết thành quả của ba ngày hội thảo, đến đề tài "Phụ Nữ Việt Nam Trong Giai Ðoạn Chuyển Tiếp", cô Tou Meksavahn (phó chủ tịch NAFEA) lúng túng một hồi rồi hỏi trong hội trường có ai hiểu gì thì xin bổ túc ý kiến, chứ cô thú thực là cô không hiểu, chỉ biết rằng.. . rất cảm động! Người ngoại quốc không hiểu là phải.
 
Vì làm sao hiểu được hết khi chen giữa những chữ tiếng Anh bị cắt khoảng bởi tiếng khóc là những câu ca dao của mụ đàn bà phe "giải phóng" chửi phe "ngụy" bằng tiếng Việt: Tổ cha con đĩ bên kia sông, Mi uống rượu nồng mi cướp chồng tao. Kế tiếp là phe ngụy chửi lại phe giải phóng: Chồng tao đi lính có lương. Chồng mi đi lính bán giường nuôi con.
 
 Cô Tou là người Lào, không hiểu là lẽ dĩ nhiên. Còn các sinh viên trẻ của các đại học miền Bắc Cali, ngay như Community College ở Stockton khi biết có cuộc hội thảo quan trọng về giáo dục cho người Ðông Dương, học khu này đã mướn năm chiếc School Bus to để đưa các em tới tham quan, mà hơn phân nửa là nữ sinh. Các em cũng muốn biết xem người ta có nói về phụ nữ Việt Nam tới Mỹ đã biến chuyển như thế nào trong xã hội mới này.
 
Khi vào nghe chữ "con đĩ" do Lệ Lý Hayslip lặp đi lặp lại hơn cả chục lần mà chắc chắn các em không quên rồi thấy đề tài là chữ "transition", các em sẽ nghĩ mục đích hội thảo chắc để bàn xem "con đĩ" ở Việt Nam khi đến Mỹ sẽ chuyễn tiếp thành.. . con gì?" Sau đó tôi tìm gặp ông Vũ Ðức Vượng.
 
Ông Vũ Ðức Vượng là ngưòi đã từng viết báo San Jose Mercury News kêu goi Mỹ hãy gấp rút giải tỏa cấm vận, thiết lập bang giao với VC để chuộc lại tội sát nhân tập thể của Hoa Kỳ.
 
 Trên danh thiếp của ông có ghi là Cao học Xã hội và Tiến sĩ Luật khoa, đương kim phó chủ tịch hôi NAFEA đặc trách khu vực miền Tây Hoa Kỳ, người có công nhiều trong việc tổ chức hội thảo.
 
Tôi hỏi ông có theo dõi buổi thuyết trình của Lệ Lý không? Ông nghĩ sao mà mời nàng như là một nhân vật có thẩm quyền nói về phụ nữ Việt Nam? Ông nghĩ sao về những hoạt động của nàng (tôi đưa tờ The Vision ra)? Ông Vượng cho biết, ông không có thì giờ dự buổi thuyết trình, còn Hayslip lo vận động xây cất cơ-sở y tế cho Việt Nam như vậy là tốt cho xứ sở.
 
Chỉ có hai giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và Trần Trung Lương (nhà văn Trà Lữ), cũng là thuyết trình viên trong hội thảo, khi nghe tôi kể lại là đặc biệt để ý đến vai trò của Lệ Lý Hayslip. Trong số những thuyết trình viên là giáo sư, tiến sĩ tôi kể trong danh sách dài mà vẫn chưa hết trên đây, chưa ai gây được cảm tình khi chia tay bằng thuyết-trình-viên-lớp-ba-trường-làng Lệ Lý Hayslip. Người ta tới tỏ ra thân thương, lưu luyến. Trong số ấy có một cô trẻ nói với Lệ Lý:
 
-Mẹ em mà biết có chị ở đây chắc chắn sẽ tới thăm. Lệ Lý đáp: "Cho chị kính thăm bà cụ nhé. Bà ấy thật ngon lành!" Tôi tò mò hỏi tại sao là "ngon lành". Lệ Lý đáp: "Bà cụ tới Mỹ mấy năm trước đây, do người Mỹ bảo trợ, mà bà dám nói rằng tại Mỹ vô Việt Nam làm chiến tranh nên dân chúng đói khổ, chứ đâu phải chính sách của cụ Hồ như vậy. Bà ở lại Việt Nam cũng đâu bị ai hành hạ gì".
 
Người Mỹ bảo trợ hơi sùng, hỏi lại: "Vậy tại sao cụ không ở lại Việt Nam mà qua Mỹ làm chi?" Bà bảo: "Tại tương lai của cả chục đứa con nên bà phải đi, chứ nếu mình bà, bà sẽ ở lại xứ sở mình sướng hơn".
 
Tôi nghe chữ "cả chục" nên hỏi cô hội thảo viên trẻ này: "Em có mấy anh chị em tất cả? Cô gái áo đỏ trẻ đẹp (cũng có vai trò gì đó trong hội thảo) hãnh diện đáp: “Mẹ em có mười một đứa con tất cả.
 
Hết thảy chúng đều hiện ở Mỹ cả đó chị. Lệ Lý kết luận: "Em gặp bà cụ trong buổi cơm thân mật để quyên tiền cho Hội Ðông Tây hội ngộ của em. Cụ bảo rằng ai nói gì thì nói, nước mình mình lo, dân mình mình thương, đây là hội từ thiện quyên tiền cất nhà thương thì tôi ủng hộ. Nói xong cụ ký cho em cái check liền. Còn một bà khác thì tiếc nuối nói với Lệ Lý: "Mấy tháng trước đạo diễn Oliver Stone tổ chức tuyển lựa tài tử đóng phim cho quyển sách của chị ở miền Nam Cali.
 
Con tôi cũng đứng chờ nộp đơn. Chao ôi, tới trên ba nghìn người Việt Nam xếp hàng chờ nộp đơn, chờ cả ngày chẳng được gì".
 
Nghe con số khổng lồ của đoàn người chờ xin đóng phim phản chiến này, tôi nhớ lại cũng vài tháng trước đây, nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Mặc dù báo chí phổ biến rầm rộ về cuộc biểu tình đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam, số người tham dự, nếu tính rộng rãi, cũng chưa quá hai trăm! Còn bà mẹ thì, dù thấy rõ mười một đứa con của bà chỉ có tương lai tốt khi ở Mỹ, bà vẫn đỗ thừa tại Mỹ làm Việt Nam nghèo khổ.
 
Nhận thấy nghiệp chướng của dân Việt còn qúa dày, qúa nặng, tôi định chỉ kể miệng lại cho những nhà văn, nhà báo, nhà chính trị sự thật này, rồi tùy quí vị ấy suy nghĩ, bởi tôi không là nhà gì cả, chẵng có khả năng làm gì.
 
Nhưng ba tuần sau, khi đi dự ngày Quốc Hận 30-04-1992 do Hội Sinh viên Việt Nam đại học California tại Davis (UCD) tổ chức, tôi được biết nhà văn Joan D. Criddle hiện diện trong số quan khách-người đã viết và xuất bản hai quyển sách về người Miên được sinh viên dùng làm tài liệu tham khảo. Tôi chợt nhớ lại vai trò của Jay Wurtz viết sách cho Lệ Lý, nên vội tới làm quen:
-Bà viết sách về người Miên, vậy bà có nghĩ đến viết một cuốn về người Việt không?
 
Bà Criddle trả lời:
-Sách về người Việt đã có quyển When Heaven and Earth Changed Places rồi.
 
Khi được hỏi đọc sách ấy bà nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam, bà đáp:
- Có hai cảm tưởng đối với Lệ Lý Hayslip. Tôi khen tác giả rất thành thật đem cuộc đời mình nói ra không che đậy. Nhưng tôi không thích cô ta, dù tôi đã gặp và nói chuyện với tác giả.
 
Còn về chiến tranh Việt Nam, tôi nghĩ chúng tôi (người Mỹ) có lỗi vì Hồ Chí Minh đầu tiên là người Quốc gia yêu nước, muốn nhờ người Mỹ giúp thống nhất đất nước mà bị từ chối. Việc thống nhất quốc gia là một quyền, một bổn phận của nhà lảnh đạo. Nước Mỹ từ chối giúp Hồ Chí Minh mà đi giúp miền Nam nhưng họ chỉ biết tham nhủng, chẵng làm được trò trống gì.. .
 
Hiện giờ Việt Nam là một nước thống nhất, chúng tôi sẽ làm hết mọi khả năng để giúp hồi phục sau chiến tranh.
 
Kết luận của nhà văn Mỹ này làm tôi nhớ lại lời phát biểu của một người Việt Nam trong lớp học ESL ở Sacramento vào ngày lễ kỷ niệm ngày sinh của Washington. Bà thầy hỏi trong quốc gia của mỗi học viên có ai có công lập quốc như Washington không? Học viên Việt Nam này giơ tay trả lời "Hồ Chí Minh" Ðông đảo người Việt Nam trong lớp cười rần rần.
 
Mình đông đảo, mình tài giỏi, mình biết đó là sai, nhưng chỉ biết "cười". Còn con cháu "Bác" ít oi, dỡ ẹc, vậy mà đang thành công trong việc viết lịch sử Việt Nam theo ý họ.
 
Chính vì vậy mà tôi viết vội bài này để gọi là tạ tội với dân tộc, vì khi xưa không biết làm gì để giữ nước, nay không làm được gì để giúp nước.
 
 Mong rằng lời tạ tội nầy thì ít ra cũng nói lên để chư vị sĩ phu, thức giả bốn phương có cách nào hữu hiệu hơn để tránh cho lịch sử dân Việt đừng bị.. . hiếp dâm như Lệ Lý.
 
NGUYỄN VIỆT NỮ
(Kỷ niệm 30.4.92)
Tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong số 395 và 396
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-22/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link