Monday, May 13, 2013

Việt Nam: chùa chiền và tiền bạc


 

 

Việt Nam: chùa chiền và tiền bạc

Quốc Phương


BBC: Cập nhật: 15:10 GMT - thứ hai, 15 tháng 4, 2013

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam có nguy cơ bị tha hóa và lũng đoạn mạnh vì tính vụ lợi trong số người giàu, quan chức, được tiếp tay bởi một số tu sỹ và cơ sở tôn giáo tín ngưỡng.

Đó là nhận định của một số nhà nghiên cứu tôn giáo và xã hội học nhân sự kiện một số 'đại gia' tài trợ cho các cơ sở tôn giáo, thậm chí xây chùa đứng tên mình gây ồn ào.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 15/4/2013 từ Hà Nội giữa lúc báo chí nêu nhiều về chuyện 'chùa Trầm Bê', Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng các hiện tượng này đang gây xáo trộn, làm rối loạn đời sống, tín ngưỡng truyền thống của người dân Việt Nam.

Ông bày tỏ sự quan ngại khi phải ghi nhận một bộ phận mà ông cho là "không nhỏ" các quan chức, trong đó có cả các nhà quản lý, cũng tham gia vào việc tiếp tay cho một số cá nhân, tổ chức buôn thần, bán thánh qua việc cầu lộc, cầu tài và lạm dụng kinh tài qua trao nhận cúng dường, công đức.

Đặc biệt nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng dân gian này khẳng định cũng có một bộ phận không nhỏ các tổ chức, cá nhân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có các nhà đền, nhà chùa, một số tăng ni, sư sãi cũng vụ lợi.

"Nguồn thu là rất lớn. Có những cơ sở có thể thu tới ba bốn chục tỷ một năm, không thể tưởng tượng nổi. Rõ ràng chính cơ sở đó vụ lợi," ông nói.

"Và muốn vụ lợi như vậy thì họ bằng nhiều cách lắm, kể cả việc họ có thể dựa vào lực lượng của chính quyền hay các nhà quản lý."

Ông cho hay ở một số cơ sở tín ngưỡng hiện nay, nhà nước không thể biết được "họ thu nhập bao nhiêu tiền cả," chưa nói tới đánh thuế.

Giáo sư Thịnh cũng phản ánh hiện tượng nhiều đảng viên, quan chức chính quyền công khai tới các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo để cầu lộc cầu tài, một số còn để cho tên tuổi của họ được một số đền chùa loan báo danh tính, mà theo ông là để tăng uy danh cho các cơ sở cung cấp dịch vụ cầu an, giải hạn đó.

Ông nhắc tới một số ngôi chùa như Chùa Phúc Khánh ở ngay thủ đô Hà Nội, hay Lễ hội đền Trần ở Nam Định là những địa điểm mà nhiều quan chức tới cầu chức, cầu tài và địa vị.

"Đền Trần trở thành nơi cầu lộc cầu tài của quan chức, chứ không phải là nơi dành cho dân thường nữa," ông nói.

Ông nói thêm: "Hành vi của họ đến đó cũng nêu một tấm gương không tốt cho người dân..."

Ông cho rằng những hành vi cầu xin này chỉ phản anh sự thiếu tự tin vào bản thân, cũng như vào chính chế độ mà các đảng viên, quan chức này đang làm việc, chấp chính.

"Trong những năm gần đây, có thể khẳng định được rằng nó càng ngày càng đông lên, phải chăng ở đây có một suy nghĩ rất là lạ...," ông nói.

"Đáng lẽ họ là đảng viên, là quan chức, là những người có học, có hiểu biết, thì họ phải nghĩ rằng việc họ thăng quan tiến chức, tất nhiên ai cũng muốn cả, tôi nghĩ, phải bằng thực sự sự nỗ lực của mình, khả năng của mình,

"Nhưng không hiểu tại sao lại len lỏi vào trong đầu họ một quan niệm rất lạ là bây giờ phải có âm trợ nữa, ngoài dương phù. Tức là phải có sự hỗ trợ của thần linh nữa, thì đấy là một cách nghĩ, một quan niệm mà cách đây vài chục năm không có ở Việt Nam, hoặc rất hiếm."

Ông đặt giả thuyết:

"Họ, chính họ đi tìm một cái niềm tin vào thế giới tâm linh, chuyện đó thực sự như thế nào thì không rõ, nhưng cái đó phải chăng thể hiện một điều thiếu niềm tin vào bản thân, vào hệ thống chính quyền của mình."

"Đấy là một vấn đề xã hội, xã hội học cần phải được nghiên cứu, điều tra, lý giải và phải có một cách nào đó để ngăn chặn cái đó," ông nói với BBC.

'Đầy đủ'


Cũng về chủ đề này, hôm thứ Hai, Tiến sỹ xã hội học Bấm Nguyễn Đức Truyến khẳng định các đại gia, quan chức ở Việt Nam hiện nay đang có nhu cầu mạnh về cầu tài, cầu lộc, cầu an, cũng như cầu quyền lực ở góc độ nhu cầu và tâm linh nhằm vụ lợi cá nhân, một hiện tượng mà ông cho là phổ biến.

Ngược lại, nhiều cơ sở tôn giáo, gồm không ít chùa chiền và sư sãi cũng đang rời xa nguồn gốc của tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống lâu nay của dân tộc để đi tới lựa chọn vừa thích tu vừa thích hưởng thụ.

Ông Truyến cho rằng khi tôn giáo trở thành một thứ dịch vụ xã hội, thì tính chất tôn giáo của nó đã biến đổi và không còn thuần khiết nữa.

Ngay cả cách thức tu hành và hưởng thụ của nhiều bậc tu sỹ, trong đó có nhiều sư sãi, thầy đền, thầy chùa cũng đang đặt ra vấn đề.

"Chùa ngày là để cứu với sinh linh, cho nên đem cái khổ của mình ra để xoa dịu cái khổ của nhân loại, cho nên họ muối một vại dưa, vại cà ăn hàng một hai năm, nhà chùa toàn mặc áo thô, đi chân đất thôi, chứ không diện, sang trọng hay sa hoa như bây giờ," ông nói.

Nhưng nay theo ông nhiều vị tu sỹ vừa được hưởng thanh bình sau không gian chùa, chiền, đền, đài, miếu mạo, vừa có vẻ hài lòng, tỏ ra có nhu cầu rõ ràng và thích nhận các khoản cúng dường không nhỏ của các giới tín đồ, phật tử, trong đó có những quan chức, đại gia.

Ông cũng nói nhiều bậc tu hành hiện nay không còn đạm bạc trong sinh hoạt ăn uống như xưa, mà họ ăn uống, dinh dưỡng, dù là chay, nhưng phong phú, chất lượng, dinh dưỡng tốt hơn rất nhiều, lại có phương tiện sinh hoạt ăn ở, đi lại rất thuận lợi.

"Bây giờ các sư sãi sống cũng tốt hơn ngày xưa, điều kiện đi lại cũng dễ hơn, ngay cả trong chùa cũng có điều hòa nhiệt độ.

"Ăn uống tiêu chuẩn cũng cao hơn. Mặc dù ăn chay những cũng rất là sang trọng, rất là đảm bảo về mặt dinh dưỡng, về mặt an toàn thực phẩm,

"Cách sống rất là thanh cảnh như vậy mà lại vẫn đầy đủ như vậy."

'Xa lạ'


Nhà xã hội học cho rằng do có những thay đổi theo hướng này, mà một số tín đồ, phật tử cảm thấy có thể "xa lạ với" với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Ông nói: "Vì thế nên tôi nghĩ người nghèo nói chung bây giờ cũng cảm thấy xa lạ với nhà chùa, có thể những chùa gần gũi thì người ta đến, còn những chùa sang trọng quá, người ta cũng không dám đến."

Tiến sỹ Truyến cũng so sánh sự khác biệt của tôn giáo xưa và nay được thể hiện ra ngoài hình thức kiến trúc, bài trí của các cơ sở, tôn giáo. Ông nói:

"Các ngôi chùa Việt Nam ngày xưa gắn với kiến trúc, khung cảnh Việt Nam, nó ẩn khuất, nó chan hòa không chỉ với cộng đồng mà với cả thiên nhiên nữa.

"Các ngôi đình, hay ngôi chùa nó cũng thấp thôi, nó không cao như bây giờ, hay nó cũng không phải là chót vót trên đỉnh đồi, để lôi kéo mọi người thập phương đến như kiểu nhà thờ thời Trung Cổ, nó gần gũi với con người.

"Nhưng bây giờ tôi thấy nó như một cái gì đó đồ sộ như là thành quách, như cung đình, nó mang tính chất biểu trương sức mạnh của tiền bạc nhiều quá...

Ông nói thêm:

"Tôi thấy nó không gần gũi với tâm hồn đạo Phật, chùa chiền thời nguyên thủy, thí dụ ai cũng có thể đến được, nhất là người nghèo càng có thể đến được, chứ bây giờ đến chùa trông khang trang quá, người ta cũng sợ..."

Tiến sỹ Truyến, người có nhiều công trình nghiên cứu với Viện xã hội học về tôn giáo cho rằng khi tôn giáo, tín ngưỡng xuất hiện từ góc độ cá nhân là chính, đặc biệt là đề cao tiền bạc, vụ lợi thì chúng đã mất đi rất nhiều ý nghĩa của mình.

"Tôi nghĩ tôn giáo ngày càng xa rời cuộc sống của con người, nhất là những người nghèo. Tôi nghĩ nó không phản ánh tinh thần nhân bản của tôn giáo...

"Tôn giáo nguyên thủy lành mạnh hơn," ông nói với BBC.

Được biết ở một số quốc gia, ngoài việc có luật pháp quy định rõ ràng, các nguồn thu nhập cá nhân hay tổ chức của các cơ sở hoạt động tôn giáo bị đặt dưới sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của chính quyền.

Một số nơi còn coi hành nghề tôn giáo tạo thu nhập là một nghề nghiệp và là đối tượng điều chỉnh của các luật thuế, một trong các lý do được biết là để tạo đảm bảo công bằng trong xã hội, đặc biệt giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh từ hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, so với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ thông thường khác.

Luật pháp các nước này thậm chí cũng coi các hoạt động quảng cáo, PR vụ lợi thông qua các hoạt động, kinh doanh tôn giáo tín ngưỡng là đối tượng chịu các loại thuế hay lệ phí nhất định.

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-24/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link