Tuesday, October 29, 2013

Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng (Bài 3)

Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng (Bài 1-2)

 

Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng (Bài 3)

Sơn Diệu Mai


Dân tộc Việt không thể làm được điều ấy, nếu quân đội không đứng lên cùng với họ. Quân đội, những người lính của nhân dân, các anh còn ngủ đến bao giờ?

Tiếng nhạc ầm ĩ trong ngày hội “Ngàn năm Thăng-long” hẳn đã át đi tiếng nức nở của trên năm mươi gia đình nạn nhân chết vì bão lụt ở miền Trung. Các quan chức Hà Nội không bỏ ra một nửa giây để tưởng niệm những kẻ xấu số.

Họ quên.

Cũng như họ đã từng quên những người dân đánh cá tỉnh Thanh bị giặc Tầu giết ngoài khơi, như họ quên các chiến sĩ đã bỏ mình trên biên giới vào cuộc chiến tranh năm 197… Họ quên và họ quên. Vậy họ nhớ điều gì? Khi con gái họ có nhu cầu mua một chiếc váy cưới xấp xỉ 200.000 ơ-rô tại đại lộ Xăng-Ê-ly-sê thì họ phải nghĩ cách làm đầy thêm các ngân khoản ở ngân hàng ngoại quốc.
 
 Khi nhân tình của họ cần chiếc xe hơi sang trọng như xe của cô Hồ Thu Hồng thì họ phải nghĩ cách để kiếm cho bằng được chiếc xe ấy, để nàng khỏi tủi thân vì kém chị kém em. Khi ngôi lầu của họ chỉ đáng giá hai triệu đô-la mà của kẻ khác giá gấp đôi thì họ phải tìm cách đuổi kịp và vượt hắn. Đó là mối quan tâm cốt lõi của giai cấp tư sản đỏ Việt Nam giờ đây, cái guồng quay cũ kỹ của đám mới giầu.

Ai đó từng nói câu này: “ Trong giai đoạn tích luỹ tư bản, giai cấp tư sản có thể giết chết cha đẻ của họ để có tiền.”

Giai cấp tư sản đỏ Việt Nam cũng có chung một trạng thái tâm lý đó: Khát tiền, làm mọi thứ để có tiền, bất kể phương tiện nào, dù đó là tội ác. Nhưng tư sản đỏ Việt Nam không cần giết bố, bởi họ có một đối tượng khác dễ giết hơn nhiều: Dân đen. Họ không cần đốn ngã kẻ sinh thành bởi có thể hút máu dân đen một cách thoả thuê, vừa thoả mãn cơn khát tiền lại vừa yên ổn lương tâm vì không mắc tội giết cha.

Lấy ví dụ về tập đoàn Vinashin: Mua một vỏ tầu cũ nát, đáy nứt, không thể vận hành. Lấy sơn quét lên rồi rút hàng triệu đô-la trong công quỹ. Hàng triệu đô-la ấy quan lớn bỏ túi, còn con tầu “bãi rác” sơn bóng loáng kia được đặt trên đất liền để làm “hiện vật bảo tàng”. Nghe tưởng như chuyện đùa.
 
Nghe như tiếu lâm. Thứ tiếu lâm cười ra nước mắt. Chỉ có ở Việt Nam, nơi kẻ cầm quyền coi dân là lũ trâu bò, mới dám làm điều ngang ngược đó. Chỉ có ở xứ Việt Nam, khi tất cả các cuộc kí kết, thương thuyết của chính phủ đều diễn ra trong bóng đêm và dân chúng không được quyền biết đến mới có thể xảy ra hiện tượng này.

Lấy ví dụ thứ hai: các vụ buôn người. Dưới chế độ độc đảng, độc tài, ai có thể làm được điều này nếu không là chính các thành viên trong chế độ ấy? Tại sao lại buôn người: vì buôn người thu lời nhanh nhất, mà vốn đầu tư coi như zê-rô nếu có quyền hành. Cho nên, buôn người là nghề mới của đảng cộng sản Việt Nam, đảng thừa thãi quyền hành vì không có đối trọng. Đã là lái buôn, ắt phải tham. Lòng tham mà không bị điều tiết bởi các điều luật thì nó sẽ phát triển vô cùng tận.
 
Do đó, món hàng hoá có tên gọi là “dân đen”của các quan chức Việt Nam sẽ được khai thác tối đa để làm đầy túi các bậc trị vì dân. Khi đã coi dân chúng là hàng hoá, ắt người cộng sản phải tìm mọi cách để đám dân đen trở thành vật vô tri, tức là các công cụ, thứ công cụ này có chức năng sản xuất nhưng phải câm và phải điếc. Khi mà các công cụ dân đen không chịu nổi đàn áp, buộc mở mồm thì lập tức họ có cách để bắt nó phải Câm. Vũ khí đó có tên gọi “chuyên chính”, bộ máy đàn áp trứ danh lâu nay.

Hãy đọc báo Công an Nhân dân đưa tin về vụ xử ba thanh niên sáng lập công đoàn Tự do ngày 27 tháng 10 năm nay:

“ …Được Trần Ngọc Thành, kẻ cầm đầu Uỷ ban Bảo vệ người Lao động Việt Nam đưa Hùng, Hạnh sang Malaysia đào tạo, huấn luyện, rồi từ ngày 28/1 đến ngày 9/2/10, Trần Ngọc Thành đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương thực hiện các vụ kích động biểu tình, rải truyền đơn ở Trà Vinh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, nội dung kêu gọi người dân chống lại Đảng, Nhà nước, kêu gọi đấu tranh để đòi dân chủ; lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân ở một số khu công nghiệp để tổ chức tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp…”

Thứ nhất, tác giả bài báo này quên rằng: “Kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp” là đích xác các hành động của người cộng sản Việt Nam những năm trước cách mạng. Các hành động này cũng đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi giai cấp lao động không chịu nổi sự áp bức và bóc lột của đám chủ nhân.
 
Các phản ứng tiêu cực này chỉ xảy ra khi sự thoả thuận giữa người làm công với kẻ trả công bị vi phạm và cuộc sống của người lao động bị đe doạ . Phải chăng tác giả bài báo này cho rằng chỉ riêng đảng cộng sản vĩ đại của ông ta là được quyền sử dụng chiêu thức ấy còn những người khác thì bị cấm vì họ không được là người mà chỉ là thứ phẩm của người, tức Dưới người, nói cách khác Người vượn Nê-an-đéc-tan?…

Thứ hai, câu: “lợi dụng các vấn đề thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân…” chỉ là lối mỹ từ hoá sự vật. Nói một cách xác thực và dân giã, hiện nay các quan lớn cộng sản Việt Nam đang thực thi chính sách: Bòn nơi khố quạnh, Đãi nơi quần hồng.

Tại sao lại Bòn nơi khố quạnh? Vì ngu, vì tham, vì trước ngoại nhân thì dốt nát và khiếp nhược nên các quan lớn chỉ có lối kiếm tiền dễ nhất là bóc lột đồng bào mình, những người không có phương tiện để tự bảo vệ, những kẻ bị hà hiếp, bị tê liệt cùng một lần vì đói nghèo và sợ hãi.

Tại sao lại Đãi nơi quần hồng? Vì người cộng sản lúc này thôi còn là cộng sản, họ đã trở thành đám tư sản dù vẫn giữ vẻ mặt ngô nghê và bộ điệu lố bịch của kẻ cách đây chưa lâu còn lo le sợi dây giong lợn giống hoặc lúc lắc cái ống bơ đựng xu lẻ ăn mày. Khi đã đổi vai thì họ phải bám vào cái giai cấp tương lai của họ, giai cấp mới này chính là Đám quần hồng, thế nên họ phải Đãi đám quần hồng để còn kiếm chác phần đường mật trong đũng cái quần hồng ấy.

Sự thật đơn giản, nếu người ta nhìn thẳng vào nó.

Nhưng thôi, hãy đánh chữ đại xá cho đám cầm quyền, bởi họ đã rơi từ đỉnh cao của sự “kiêu ngạo cộng sản” xuống vũng bùn của “các con lợn truỵ lạc phương Tây” mà trước đây họ thường xa xả chửi rủa, họ đang sống xả láng cảnh phồn vinh mà trước đây họ mỏi mồm lên án; nói tóm lại, họ đang là thứ Khỉ khoác quần áo, thứ: “Nhặt cái đuôi của bọn tiểu tư sản cắm vào lỗ mồm” như ông tổ hói đầu Lê-nin của họ từng cảnh báo trước đây.

Hãy đại xá cho họ, bởi dầu sao, cha anh họ đã từng cắm ngọn cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ ngày 2 tháng 9 năm 1945, bởi dẫu họ là lũ chó ghẻ thì cha anh họ từng là hổ phụ, mà bao đời nay, dân Việt Nam vẫn có tổng kết này: Hổ phụ sinh Cẩu tử

Hãy đại xá cho họ, bởi dân Việt Nam là dân nô lệ, mà trong cuộc sống tối tăm, nhục nhằn của người nô lệ, thì các anh hùng đánh đuổi ngoại xâm chính là các bậc thánh sống, được tôn trọng, thần phục, ngưỡng mộ, và có toàn quyền trở thành các nhà sáng lập triều đình. Nhìn lại lịch sử, ta dễ dàng chiêm nghiệm điều đó. Phải chăng triều Lý, triều Trần, triều Lê, triều Tây Sơn Nguyễn Huệ đều được khởi dựng sau các chiến thắng lẫy lừng chống kẻ xâm lăng?
 
Ngoại trừ Đinh Bộ Lĩnh là viên tướng phất cờ khởi nghĩa dẹp loạn xứ quân, thống nhất đất nước, nói một cách dễ hiểu là viên tướng duy nhất xây dựng triều đình khi chiến thắng các cuộc nội chiến phân quyền, còn lại, những gương mặt sáng chói trong lịch sử đất Việt đều là những anh hùng chống Tầu và chống Nguyên-Mông. Các triều vua này từng tuyên bố: “Cõi đất Nam vua nước Nam ở.”

Và cuộc sống mái của họ là giành mục đích: Người Việt Nam là người Việt Nam, dẫu áo vải quần thâm nhưng đàn ông nhất quyết không cạo trọc, tết sam như gã A.Q., đàn bà không bó chân như các mợ Tầu. Tuân theo lô-gic ấy, triều cộng sản được hình thành là nhờ nó có công trong cuộc cách mạng chống giặc Tây. Và người ta còn khoan dung cho nó là vì tính đến cái công ấy, cái công “dành độc lập dân tộc”, cái khả năng nối tiếp truyền thống của các Vua nước Nam nhất thiết phải ở đất nước Nam, coi sự tồn tại của non sông quý hơn tròng mắt của chính họ.

Cái tinh thần bất khuất ấy, còn hay chăng?

Còn hay chăng? Tinh thần dân tộc của những người đã đổ máu để cắm ngọn cờ hồng lên thành Hà Nội sáu mươi lăm năm trước, những cảm tử quân đã ôm bom ba càng vào mùa đông năm 1946 với lời thề: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”?

Nếu những anh hùng vô danh ấy có linh hồn, hẳn các linh hồn ấy giờ đây đang nức nở.

Nếu những hiển linh của các vua xưa có thể cất lời, thì lời đầu tiên họ nói sẽ là: “Lũ người này đã phản bội lại dân tộc, bọn sâu bọ này đã bôi nhọ mặt chúng ta!”

Ngày Hội Ngàn năm Thăng-long diễn ra vào đúng ngày 1 tháng 10; thằng mù cũng biết đó chính là ngày Quốc khánh Trung Quốc. Tại sao lại là con số này? Tại sao có sự lựa chọn này? Vô ý chăng? Nhầm nhỡ chăng? Mất trí nhớ chăng? Cứ coi như bộ trưởng bộ văn hoá dốt nát thì trên đầu ông ta còn mười một người trong bộ chính trị. Không lẽ cả mười một người này mắc chứng Mất trí nhớ? Không lẽ cả mười một người này mắc bệnh Thiểu năng?
 
Nếu để cho mười một kẻ Thiểu năng đứng trên đầu trên cổ mình thì dân Việt xứng đáng là các bệnh nhân của trại tâm thần, một trại tâm thần khổng lồ chưa từng thấy mà trong đó các con bệnh bị tiêm thuốc ngủ liều cao liên miên nên đờ đẫn, không còn khả năng nhận thức sự vật xung quanh. Nếu không, họ đã bị bán đứng cho Tầu, và tương lai của họ, một tương lai không tránh được sẽ là bản sao lại sầu thảm của những người dân Tây-tạng hoặc Tân-cương một khi họ bó tay trước lũ bán nước.

Chọn ngày Quốc Khánh Trung Quốc để mở hội Ngàn năm Thăng-long là một biểu tượng hai mặt:

1. Với triều đình Bắc-kinh chính phủ Hà Nội đã làm bản tuyên bố: thành Thăng long cũng chỉ là một bộ phận trong lịch sử Mẫu quốc, nó phải được treo đèn kết hoa cùng một lần với đèn hoa của thủ phủ Đại triều. Một khi thủ đô của một quốc gia đã định vị như vậy, có nghĩa quốc gia ấy tự xác nhận danh tính Chư hầu một cách công khai. Sự kiện này là bản giao kèo bộc lộ lòng trung thành vô hạn và vô điều kiện của đám Hàng thần Hà Nội.

2. Với dân chúng, đây cũng là lời tuyên bố thẳng thừng: Chúng tao bất chấp lịch sử, chúng tao có toàn quyền định đoạt vận mệnh đất nước. Kẻ nào chống lại, kẻ đó sẽ bị tiêu diệt.

Chọn ngày quốc khánh Trung-hoa để mở hội Ngàn năm Thăng-long là bằng chứng hiển nhiên để mảnh vải rách cuối cùng che thân chế độ cộng sản rơi xuống: Họ đã trở thành kẻ bán nước, công khai hoá hành vi bán nước của mình. Nếu như năm 1945, cha anh họ là các anh hùng giải phóng dân tộc thì giờ đây, trái lại, họ là những tên phản tặc, sỉ nhục của tổ tiên, chẳng những cắt đất, cắt biển dâng cho giặc mà còn đương nhiên ném bùn lên lịch sử. Vậy thì, chẳng những Hổ phụ sinh Cẩu tử mà là: Hổ Phụ sinh Cẩu ghẻ, Cẩu mắc chứng si-đa.

Những người cầm quyền Hà Nội thừa thông minh để họ hiểu rằng họ là những con Cẩu ghẻ. Rằng trong dòng máu của bất cứ người Việt nào cũng lưu cữu một thành tố có tên gọi “Chống ngoại xâm”, mà thứ Ngoại xâm thống trị lâu dài nhất, tàn độc nhất, để lại các kinh nghiệm đau thương sâu đậm nhất trong kí ức là Giặc phương Bắc. Cuộc thực dân hoá của Pháp I00 năm, chỉ là cơn bão chóng qua so với thời kỳ bắc thuộc của giặc Tầu.
 
Họ biết rằng bất cứ kẻ nào phản lại truyền thống đấu tranh dân tộc, kẻ đó mất chỗ đứng trong lòng dân chúng. Ngày hôm trước còn được tung hô Hoàng đế, hôm sau đã biến thành “Thằng chó săn, thằng phản tặc, phường bán nước” đó là trường hợp vua Lê chiêu Thống đã phải chịu do hành vi bán nước của ông ta. Còn câu ca “Nguyễn Ánh cõng rắn về cắn gà nhà” mãi mãi là bài học lịch sử tố cáo tội ác của kẻ đặt lợi ích dòng họ trên quyền lợi dân tộc. Giờ đây, chính quyền Hà Nội biết rằng họ đã bị đẩy sang bên kia đường biên, họ rơi vào cùng một bè lũ với Lê-chiêu-Thống và Nguyễn Ánh. Để đặt tên cho họ một cách rõ ràng và chính xác, tôi xin nhại lại câu “Cõng rắn về cắn gà nhà” của các cụ xưa. Chính quyền Hà Nội giờ đây là bọn:

Dẫn hổ về thịt dê nhà.

Tại sao lại là hổ và dê?

Hổ, vì vương triều phương Bắc bây giờ mạnh hơn thực dân Pháp năm xưa nhiều lần, để so sánh một cách chính xác thì phải dùng hình ảnh con hổ chứ không thể là con rắn.

Dê, vì nhìn lại bản đồ, bạn đọc sẽ thấy rằng toàn bộ bán đảo Đông Dương có thể ví như một con dê mà Tây nguyên chính là phần sống lưng con dê đó. Một khi con hổ Trung Hoa cắm được móng vuốt lên chính giữa lưng con dê này, coi như số mạng con dê đã nằm trong hai hàm răng của nó. Đế quốc Trung-hoa sẽ trải rộng khắp châu Á, Việt, Miên, Lào sẽ trở thành các tỉnh thành khác nhau của Trung-hoa, công đầu này thuộc về ai nếu không là nhà cầm quyền Hà Nội, kẻ dựng lên công trình Bô-xít Tây nguyên?

Bô-xít ư? Trò lừa đảo!

Thiếu gì các quặng Bô-xít rải rác khắp miền Bắc Việt Nam? Tại sao không là Lào Cai, Yên Bái hay Cao Bằng mà lại là Tây Nguyên? Vả chăng, khai thác bô-xít để làm gì? Kiếm tiền chăng? Dối trá! Biết bao bài báo đã phân tích chán chê lợi hại về khai thác bô-xít, kể cả các tài liệu trên thế giới cũng công bố rộng rãi tác hại của nó, mà vụ gần đây nhất là Vùng bùn đỏ Hung-ga-ri. Còn có thể nói thêm được điều gì khi mà sự bán nước hiển nhiên đã bầy ra trước mặt dân chúng, giữa thanh thiên bạch nhật?

Chính quyền Hà Nội hoàn toàn có ý thức về hành vi bán nước của họ, bởi con tính của họ là trở thành một thứ “Thái thú Tô-Định hiện đại”, được hưởng đủ phần xôi thịt của Bắc triều. Còn Việt Nam biến thành một tỉnh nào đó của Trung Quốc, mang tên Quảng-việt, Quảng-nam, Quảng-lạc… họ không cần quan tâm. Họ biết rõ rằng hành động của họ là đi ngược lại lợi ích của nhân dân, biết rằng không người Việt nào cam tâm làm nô lệ cho Tầu, rằng kinh nghiệm đau đớn của tổ tiên luôn luôn sống trong ý thức lẫn vô thức dân tộc, thế nên họ chủ trương đàn áp dân chúng, họ chủ trương dùng bàn tay sắt để bóp nghẹt cổ những ai muốn nói lời phản kháng. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2009, thứ trưởng bộ nội vụ Nguyễn Văn Hưởng tức Trần đã công khai doạ nạt những người trí thức Việt Nam vào dịp viện IDS của tiến sĩ Nguyễn quang A tuyên bố giải tán. Ông nghị Trần nói rằng:

“Ở Việt Nam đảng độc quyền lãnh đạo nên không thể có phản biện. Phản biện tức là phản động. Các anh muốn phản biện hả? Nhà tù đang còn nhiều chỗ lắm. Nhưng chúng tôi cũng không cần đến nhà tù, chúng tôi có các phương tiện hữu hiệu hơn: tai nạn xe cộ bây giờ tổ chức rất dễ dàng. Còn một biện pháp rẻ hơn và nhàn nhã hơn: đầu độc. Các anh uống cà-phê rồi khi về đến nhà thì cứng đơ ra mà chết. Những bài bản này thế giới sử dụng đã lâu, chúng tôi cũng không thua kém họ…”

Những lời lẽ này nói lên điều gì nếu chẳng phải sự công khai triệt để của Tính tội phạm và Tư cách Chó? Một chính thể không còn lý do chính đáng để tồn tại thì chỉ có thể duy trì bằng bạo lực, chỉ có thể sử dụng bọn tội phạm, bọn sát nhân, bọn cặn bã xã hội, tóm lại, bọn Chó giữ nhà. Không còn lý tưởng, không còn đạo đức, ngập chìm trong tham lam, truỵ lạc, con người trượt từ chữ NGƯỜI sang chữ CON.

Vào những năm 1889, 1990, tôi có vinh hạnh làm quen và gặp gỡ ông Lê-Giản, người công an đầu tiên của Việt Nam, người lãnh đạo bộ máy cảnh sát từ những năm đầu cách mạng. Ông Lê Giản đích thực là:

Người công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, Do dân và Vì dân.

Tôi hiểu vì sao cuộc kháng chiến thành công. Kháng chiến thành công vì có những người như ông Lê Giản.

Nhưng ông Lê Giản đã chết và Người công an nhân dân cũng đã chết theo. Cái chết này xảy ra từ từ với thời gian, một cái chết âm thầm, nhưng không phải là vô hình vô ảnh.

Tôi chứng minh: Cách đây ngót ba thập kỷ, khi những lượt hoa quả đầu tiên từ phương bắc tràn vào nước ta, các phòng phân tích thuộc Bộ nội vụ đã báo cáo lên bộ chính trị rằng các thứ hoa quả này đều tẩm phóc-môn-đê-hít (thuốc ướp xác chết) vô cùng độc hại cho người tiêu dùng vì nó phá huỷ mô liên kết của các tế bào và là tác nhân gây ra bệnh ung thư. Bộ chính trị ra lệnh cấm phổ biến sự thực trên vì “sợ mất lòng nước bạn”. Các sĩ quan công an chỉ có thể ngăn cấm chính vợ con họ và rỉ tai những người thân cận nhất (anh em ruột, cha mẹ vợ chẳng hạn), đối với người ngoài, họ tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cấp trên. Tuyệt đối im lặng.
 
Tuyệt đối thản nhiên nhìn đồng bào mình ăn thứ đồ ăn nhiễm độc, biết chắc chắn rằng ngày một ngày hai họ sẽ ung thư và sẽ chết vì bệnh đó. Tính kỷ luật của đám sĩ quan này mới cao thượng làm sao? Và cao thượng làm sao, những kẻ ngồi quanh bàn họp bộ chính trị, những bậc lương đống của triều đình, chịu trách nhiệm chăn dắt dân đen, đàng hoàng ra lệnh cấm rò rỉ sự thật vào tai dân chúng, bỏ mặc mấy chục triệu người bị đầu độc và chết dần chết mòn?

Đối với tôi, con đường bán mình cho giặc của chế độ Hà Nội đã khởi sự từ ngày ấy. Và ngày ấy cũng là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến chất lượng này: từ Người công an Nhân dân, công an đã trở thành: Kẻ quay lưng lại với nhân dân.

Ba thập kỷ đã qua, những Kẻ quay lưng lại với nhân dân đã trượt không ngừng trên con dốc, để trở thành Kẻ thù của Nhân dân.

Bây giờ, gương mặt nào là gương mặt đích thực của công an? Người hùng bảo vệ dân hay đám chó giữ nhà cắn cổ dân để bảo vệ ông chủ của nó? Hãy xem lại các hình ảnh đưa lên internet năm 2008 về vụ nông dân bị cướp đất biểu tình ở Sài Gòn. Những người dân cầy gầy gò xơ xác, đa phần là người già và phụ nữ, từ các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Long An, Bình Thuận đổ đến trước văn phòng Quốc hội 2 với các khẩu hiệu “Trả đất cho dân”, “Chống cửa quyền, tham nhũng”.

Những người dân ấy đã bị đám công an và dân phòng béo múp vì bia rượu, mặt hằm hằm sát khí đối xử ra sao? Mấy thế kỷ đã qua nhưng hình ảnh bọn người này vẫn là bản sao chính xác bọn nha lại mà Nguyễn Du đã mô tả trong Truyện Kiều: “Đầy nhà một lũ ruồi xanh”. Và, “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.”

Gần đây nhất, hãy nhìn hình ảnh anh Nguyễn ngọc Quang, một giáo dân ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai vì tham gia đấu tranh cho dân chủ mà bị công an Đà Lạt ba lần tổ chức tai nạn xe cộ để kẹp chết.

Tôi tự hỏi, có lúc nào những người công an này tự vấn lương tâm? Tại sao họ không dùng sức lực, dùng khả năng hung bạo mà họ sẵn có để giết những tên giặc Tầu, lũ dã nhân tàn sát những người dân đánh cá Thanh-hoá? Nếu là những người mà nghề nghiệp đặt trên bạo lực, bản năng hiếu chiến mạnh mẽ, tại sao họ không dùng khả năng đó để tiêu diệt ngoại xâm mà lại đi đàn áp những sinh viên yêu nước giương biểu tình đòi Trường-sa, Hoàng-sa trước sứ quán Tầu? Tại sao? Vì họ thiếu trí khôn hay vì họ là những kẻ mù loà, óc não bị khô cứng trong một cuộc sống mà ngoài việc tuân theo mệnh lệnh cấp trên không còn khả năng nghĩ đến điều gì khác?

Vì chưa từng là công an, nên tôi dành những câu hỏi ấy cho họ trả lời. Tôi chỉ nêu lên nhận xét thứ hai, nhận xét khi tôi nhìn tấm ảnh đoàn biểu tình đòi mạng người xảy ra tại thị xã Bắc Giang ngày 25 tháng 7 năm nay.

Nhiều người biết rằng, ngày 23 tháng 7, hai công an huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang đã đánh chết anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, quê quán tại huyện Việt Yên vì tội danh: Không đội mũ bảo hiểm. Ngày 25 tháng 7, gia đình anh Khương đã chở xác chàng trai này lên thị xã Bắc Giang đòi đền mạng.
 
Dân chúng xông lên ủng hộ gia đình nạn nhân, con số lên đến hàng ngàn người, làm thành một cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng có trong lịch sử tỉnh Bắc Giang, mà theo bài phỏng vấn, các cụ già nói rằng: còn đông hơn ngày theo Việt-minh cướp chính quyền năm Ất dậu. Trong sự kiện này, tôi chú ý đến một chi tiết: công an đưa xe cứu hoả mang vòi rồng đến trấn áp dân chúng, nhưng trước khí thế căm hờn của đám đông, công an bỏ chạy, hàng chục người dân trèo lên xe đứng. Hiện tượng đó chứng tỏ không phải lúc nào công an cũng tê liệt vì mù loà; cũng hành động như đám rô-bốt hoặc lũ chó bẹc-giê. Trong lúc nguy khốn, họ đã tính toán và đã chọn con đường bỏ chạy để thoát thân.

Có lẽ, con tính của họ cũng đơn giản thôi: Không phải công an nào cũng phú quý vinh hoa như ông nghị Nguyễn Văn Hưởng. Đa phần những người lính quèn chỉ đủ sức nuôi một vợ thôi mà để nuôi cô vợ này với hai, ba đứa con kèm theo cuộc sống của họ cũng không phải là “thiên đường nơi hạ giới”. Nếu máu đổ ra mà chỉ để bảo đảm cuộc sống ấy thì đó là một cuộc đổi chác ngu xuẩn.
 
Thêm nữa, lớp lính bây giờ tương đối trẻ, họ biết chữ nên không hoàn toàn bị bưng bít thông tin, họ hiểu được số phận của đám công an ra sao khi các cuộc cách mạng dân chủ xảy ra ở Nga, ở Tiệp, ở Hung, ở Đức, và ở Uy-kờ-ren mới rồi. Thêm nữa, dù hổ thẹn hay cố tình bưng bít lương tâm, nơi thầm kín nhất của con tim, họ cũng hiểu rằng chết vì một lý tưởng cao cả thì đó là cái chết xứng đáng không làm hổ thẹn cho con cháu, chết chỉ vì miếng cơm thì đó là cái chết của con chó gác sân mà khi dân chúng nổi lên, họ sẽ lấy bắp cầy phang vỡ sọ hoặc dùng câu liêm cắt cổ.

Khi lòng dũng cảm và tinh thần hào hiệp không còn nữa, cái còn lại là sự tính toán vị kỷ của mỗi con người. Sự vị kỷ này cũng có mặt tốt của nó: nó là rào cản để chủ nghĩa cuồng tín không thể đặt chân vào mảnh sân của mỗi căn nhà. Một người công an, nếu chưa mất toàn bộ sự sáng suốt, ắt phải biết con tính này:

- Họ được bao nhiêu và mất bao nhiêu? Liệu số lương bổng họ được có trang trải nổi phần tiêu phí cho đám tang của họ và nuôi nổi cô vợ với lũ con còn lại? Hay sự hy sinh của họ chỉ để làm nặng thêm túi tiền các quan lớn, khiến các quan thêm rửng mỡ để đi hiếp trẻ con (như ông chủ tịch kiêm phó bí thư tỉnh Hà-Giang tên Nguyễn-trường-Tô và … các ông khác chưa bị lộ mặt ). Hay máu họ đổ xuống chỉ để đổi lấy các hộp kem đắt tiền nhằm bổ dưỡng làn da mịn màng cho các mỹ nhân của quan lớn (như đám mèo cái đang vờn quanh rốn ông nghị Nguyễn-văn-Hưởng)? Vân vân và vân vân…

Sự tính toán luôn có lợi cho con người. Bởi thánh nhân thường hiếm mà kẻ trục lợi thường nhiều nên không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều xả thân vì đất nước. Tuy nhiên, nếu không là thánh nhân thì họ cũng là dân Việt. Là dân Việt, họ phải hiểu rằng truyền thống chống Tầu là dòng máu sôi sục liên tục chảy trong tim dân tộc này. Bất cứ kẻ bán nước nào , sớm hay muộn, trước hay sau cũng sẽ nằm trước mũi súng của nhân dân. Lo thân cho họ cũng đã là khá tốt để khỏi biến thành gia súc trong lò nướng một khi Lửa cháy.

Dân Việt!

Ai là dân Việt?

Phải chăng đó là tộc người duy nhất trong hàng trăm tộc Việt (Bách-Việt) xưa kia sống ở phía Nam sông Dương-tử còn giữ lại được bản sắc mà chưa bị đồng hoá như chín mươi chín tộc Việt kia?

Phải chăng vì sự cứng đầu này mà đất Việt luôn luôn là con mồi trong tâm thức Bắc triều?

Ngoài các lý do về nhu cầu bờ biển với các hải cảng, nhu cầu khoáng sản, còn một nhu cầu thầm kín nữa mà quan lại phương Bắc không nói ra, đó là nhu cầu đồng hoá nốt cái phần còn lại của Bách-Việt. Niềm kiêu hãnh Đại quốc là ở đó. Mối bực mình của Đại quốc cũng là ở đó. Một khi họ đã thâu tóm, đã chiếm lĩnh, đã áp đặt nền văn hoá và chữ Hán lên chín mươi chín tộc Việt kia, lẽ nào còn cái tộc cuối cùng họ phải chịu thua? Ở thế thượng phong mà mấy ngàn năm nay chưa nuốt trọn hòn xôi Việt Nam, mảnh đất cỏn con, dường như là một “vết thương lòng, một sự tự ái” mà vua chúa Trung-hoa không chịu được. Cách đây vài năm, ai đó từng nói với tôi rằng: “Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch là địch thủ, nhưng về chính sách đối với Việt Nam thì bọn họ sẽ ngồi cùng một bàn”.

Đó là một nhận định sáng suốt.

Năm trước, ông bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra dư luận xem bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ xâm chiếm Việt Nam. Theo công bố của ông ta thì con số này lên đến trên 90 phần trăm. Cứ cho rằng Trung Quốc là một nước cộng sản nên dân chúng còn sợ hãi, họ phải tuân theo thượng cấp nên có thể trừ đi 20 phần trăm, phần còn lại vẫn là trên 70 phần trăm. Và điều này là sự thật không ai có thể chối bỏ. Năm nay đã là năm 2010, thế kỷ 21, Trung Quốc không còn sống dưới vương triều họ Mao, không còn phải đổi xác người thân cho nhau để chén thịt. Kinh tế phát triển, các phương tiện kỹ thuật phát triển, trình độ văn hoá được nâng cấp, sách báo lan tràn trong các đô thị, không thể cho rằng dân Trung Quốc hoàn toàn bị dắt mũi bởi họ ngu dốt, bởi thiếu thông tin, bởi sợ hãi nhà cầm quyền, ngược lại, họ đang dương dương tự đắc vì là dân của Cường quốc số 2 trên thế giới.

Vậy thì, cái “Hòn xôi Việt Nam chưa nuốt được” kia không chỉ làm ngáng họng đám cầm quyền mà cũng còn làm ngứa ngáy cổ họng vô số dân đen phương Bắc, một mặc cảm có mẫu số chung.

Vì lý do nào mà bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc làm cuộc điều tra này? Đó là một trò chơi ngẫu nhiên hay là sự thăm dò có chủ định?

Vì lý do nào mà trên các sít internet Trung Quốc tung ra hàng loạt bài chửi bởi, nhục mạ “Lũ chó Việt Nam, phải đánh bọn chúng. Lũ chó Việt Nam, lần này chúng ta sẽ thanh toán lịch sử…”, và công bố một cách chi tiết chương trình thôn tính Việt Nam trong ba mươi mốt ngày, phần còn lại của bán đảo được quy định là một tuần, tóm lại chương trình Con hổ Trung Quốc nuốt trọn con dê Đông Dương?

Liệu nhà cầm quyền phương Bắc có thể ngang ngược làm những điều ấy chăng nếu như chính quyền Hà Nội còn là một chính quyền độc lập mà không tự nguyện biến mình thành đám gia nô cho vương triều Đại Hán?

Tôi dành những câu hỏi ấy cho bạn đọc trả lời.

Tôi chỉ xin nhắc họ rằng, chúng ta là tộc người cuối cùng sống sót mà không bị đồng hoá thành người Hán. Tổ tiên chúng ta đã đấu tranh không mệt mỏi để chống lại sự áp đặt của Bắc triều, bởi họ đã nhìn thấy sự Đánh mất bản diện, Sự lụi tàn của 99 tộc Việt kia.

Để tồn tại và được là chính mình, tổ tiên ta vừa chống chọi vừa lùi xuống phương Nam. Lịch sử của dân tộc Việt tóm gọn trong câu này:

Nam tiến!

Nam tiến, nam tiến và nam tiến!

Cuộc Nam tiến thứ nhất khởi sự dưới triều Lê, từ năm 1428 đến năm 1527. Kể từ đây, cuộc khai khẩn và chinh phạt tiếp tục không ngưng nghỉ. Từ Thăng long các đoàn quân xưa vượt qua đèo Ngang, sau lưng họ là những đoàn nông dân và thợ thủ công vào phá rừng, bạt núi, kiến tạo ruộng đồng và lập làng xây ấp tại châu Ô, châu Rí. Rồi, từ đèo Ngang vượt qua đèo Hải-Vân là chặng đường thứ hai. Cứ thế mà hành trình này tiếp tục cho đến mũi Cà-mâu.

Nam tiến, đó là sự nghiệp dựng nước của tổ tiên ta.

Bây giờ, chúng ta không còn cơ hội để tiếp tục sự nghiệp của họ. Chúng ta không thể Nam Tiến. Trước mặt chúng ta đã là biển. Chúng ta tiến đi đâu?

Người Việt chỉ còn cách tồn tại cuối cùng là giữ lấy đất đai, đất đai ấy là xương máu của cha ông ngàn đời tích tụ lại, đất đai ấy là nơi cắt rốn chôn rau nhưng cũng là thành luỹ mà họ có thể nương tựa vào để duy trì cuộc sống cho mình và cho các thế hệ mai sau. Để giữ được non sông, để có thể là người Việt mà không trở thành đám thiểu số khiếp nhược của một vương quốc khác, họ không thể tiếp tục dung dưỡng một chính quyền bán nước, một chính quyền đã ngang nhiên cắt đất, cắt biển cống cho phương Bắc, đã nhục nhã biến ngọn cờ Thăng long ngàn năm thành một mảnh vải vụn xén ra từ cái váy hồng Bắc kinh. Họ không thể bảo vệ được Tổ quốc nếu tiếp tục nuôi giữa lòng họ một con rắn độc, cũng như Vua Triệu Đà xưa đánh mất non sông vì trót đẻ ra và trót yêu thương đứa con gái phản tặc có tên là Mỵ-Châu. Với tất cả các hành vi nhục nhã mà họ đã làm, chế độ Hà Nội giờ đây đã chính thức trở thành một thứ Mỵ Châu.

Tuy nhiên, Mỵ-Châu xưa là một người đàn bà xinh đẹp nhưng ngu dốt, kẻ luỵ tình nông nổi nên Tội bán nước của cô ta còn được người đời khoan dung. Tại đền thờ Cổ-loa có hai tượng đá: Tượng đá ngoài sân là biểu tượng Mỵ-Châu nằm gục mặt xuống đất mà bất cứ ai đi qua cũng phải đạp một cái lên lưng và nhổ một bãi nước bọt để trừng phạt con Mỵ Châu bán nước. Còn tượng đá trong đền, tựa như một người đàn bà cụt cổ phủ vải đỏ thì lại được hương khói do lòng đồng cảm với Mỵ Châu khờ dại và luỵ tình.
 
Dân Việt vốn không cuồng tín, họ phân biệt rõ ràng mọi sự, bên kia chữ lý còn đọng chữ tình. Nhưng nàng Mỵ Châu ngây thơ, khờ dại đã chết từ mấy ngàn năm trước, còn chính quyền Mỵ-Châu bây giờ không một chút khờ dại mà cũng chẳng luỵ tình ai, nó chỉ luỵ cái túi tiền của chính nó. Mọi tính toán của nó chỉ nhằm tu tạo, xây đắp quyền lợi bản thân, cũng như con thú chỉ có một đam mê duy nhất là liếm cho mượt bộ lông của chính nó mà thôi. Mỵ-Châu ngày nay là một con đĩ già trơ trẽn, trần truồng nằm dạng háng sẵn cho phương Bắc. Người dân Việt phải chém cụt đầu con đĩ ấy, trước khi nó kịp trao hết nỏ thần vào tay giặc.

Nếu họ không muốn lặp lại số phận bi thảm của ông vua Triệu Đà.

Quân đội Nhân dân Việt Nam... Nguồn: OntheNet

Quân đội, những người lính của nhân dân… Nguồn: OntheNet

Dân tộc Việt không thể làm được điều ấy, nếu quân đội không đứng lên cùng với họ. Quân đội, những người lính của nhân dân, các anh còn ngủ đến bao giờ?

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link