Tuesday, November 26, 2013

Chủ Thuyết Marx – Sự tan rã của « thế giới Cộng Sản » và tiến trình Đổi Mới ở VN



Chủ Thuyết Marx – Sự tan rã của « thế giới Cộng Sản » và tiến trình Đổi Mới ở VN
Chủ Thuyết Marx – Sự tan rã của « thế giới Cộng Sản » và tiến trình Đổi Mới ở VN

Nguyễn Hoài Vân







Phần chính của bài này sẽ dành cho việc mổ xẻ những gì người Cộng Sản, đặc biệt là người Cộng Sản Việt Nam viết về chính họ, từ trước khi xảy ra sự sụp đổ của Khối Đông Âu cho đến sau này. Thêm vào đó là vài nhận định về công cuộc Đổi Mới ở VN.











Tuy nhiên, trước đó, xin phác họa vài nét chính về chủ thuyết Marx, về Lenine và Staline, và về « Đế Quốc Cộng Sản » sau Staline.


CHỦ THUYẾT MARX
Định nghĩa:

Chủ thuyết Marx là gì ? Xin đề nghị một định nghĩa giản dị, quy vào ba điểm :
Chủ thuyết Marx là : một quan niệm về lịch sử dựa trên học thuyết Duy Vật và Biện Chứng Pháp

Thuyết Duy Vật đã được nói đến ở bài trước, nay xin chỉ bàn qua về hai điểm còn lại .

Sử Quan

Con người từ lâu đã có ý tưởng lịch sử có một hướng tiến nhất định. Khi Zarathoustra hay các tiên tri Do Thái (xin đọc bài Ky Tô Giáo) rao giảng niềm tin vào một “thời gian của sự cứu rỗi”, tức một sự can thiệp của Thượng Đế trong tương lai để cứu nhân loại khỏi mọi khổ đau, thì các vị ấy đã đặt nền tảng cho quan niệm một hướng tiến của lịch sử. Augustin, Vico ... cũng nằm trong trào lưu này, nhưng Hégel mới là người được chú ý nhất khi bàn đến sử quan. Ông cho lịch sử là con đường đưa nhân loại đến một xã hội tốt đẹp hạnh phúc, được hình dung như đến với Thiên Chúa.

Biện Chứng Pháp:
Tuy là « công trình của Thiên Chúa », nhưng theo Hégel, con người vẫn có thể hiểu được phần nào bước tiến của lịch sử, nhờ một phương pháp để vượt qua các mâu thuẫn được gọi là biện chứng pháp, dẫn dòng suy tư đi từ chính đề sang một phản đề phủ định cái chính đề kia, trước khi chuyển sang hợp đề.

Sự hình thành học thuyết Marx :

Với tính cách một triết gia duy vật, Marx đương nhiên là đã đưa Thiên Chúa ra khỏi quan niệm lịch sử được Hégel hệ thống hoá. Tiến trình của lịch sử, theo Marx, chỉ phản ánh những quy luật điều hành các trình độ của vật chất, từ dạng sơ khai nhất cho đến xã hội loài người.

Trên căn bản « sử quan » cộng với « biện chứng pháp Hégel » trừ « thần quyền », Marx xây dựng phần lớn triết lý của ông. Triết lý này chuyên chú vào thực trạng vật chất hay rõ ràng hơn là thực trạng kinh tế của con người. Thực trạng ấy biến hoá theo một tiến trình quy định bởi những mâu thuẫn. Sự cụ thể hoá quan trọng nhất của các mâu thuẫn này là đấu tranh giai cấp.
Đến một lúc nào đó, mâu thuẫn quan trọng nhất là sự đấu tranh giữa hai giai cấp vô sản và tư bản. Nó có khả năng đưa đến Xã Hội Chủ Nghĩa, được coi như giai đoạn chuyển tiếp để đi lên Cộng Sản Chủ Nghĩa. Cộng Sản chủ nghĩa là một hình thái xã hội trong đó không còn giai cấp, không có bóc lột, không cần đấu tranh, không cần chính phủ, mọi người tự quản lý đời sống của mình. Tư hữu cũng không còn cần thiết, vì mức sản xuất sẽ đủ dồi dào để thoả mãn nhu cầu của mọi người.

Khi biến viễn tượng này thành một niềm tin, người ta làm cho chủ thuyết Marx trở thành một tôn giáo, dù là tôn giáo duy vật, nhưng có đầy đủ “gia vị” thông thường của tôn giáo, như :

- Đấng tổ sư khai sáng nền Đạo
- Hệ thống kinh điển
- Tổ chức “giáo quyền”
- Và lời hứa sẽ có một « thiên đường » trong tương lai.

Ta gặp lại quan niệm “thời gian của sự cứu rỗi” như với ba tôn giáo xuất phát từ Trung Đông (xem bài Ky Tô Giáo). Người ta hình dung Marx như đấng Thánh, đấng Tiên Tri, cứu rỗi con người, qua những người nghèo nàn nhất, được coi như đại diện của nhân loại khổ đau. Giải phóng họ là giải phóng loài người.

Phải công nhận ước mơ ấy cũng chính là ước mơ của nhiều người, khiến cho chủ thuyết Marx đã lan rộng nhanh chóng khắp nơi, không những trong giới trí thức mà cả trong tầng lớp bình dân. Những người bình dân tin theo Marx thường bất kể lý luận. Trong số họ chẳng mấy ai đọc nổi Tư Bản Luận, nhưng họ hoàn toàn bị lôi cuốn bởi niềm tin cứu rỗi nói trên, niềm tin vào một thiên đường không đói khổ, không tranh chấp, và họ sẵn sàng hy sinh cho niềm tin ấy.


Lénine:
Khác biệt quan trọng nhất giữa tư tưởng Lénine và chủ thuyết Marx có thể được phân tích ngắn gọn như sau: Marx chủ trương mô hình cấu trúc xã hội phải được quy định bởi thực tại, trong khi Lénine áp đặt một mô hình duy ý chí trên thực tại. Xin giải thích :

Theo Marx, một xã hội chỉ biến thành một xã hội khác khi những mâu thuẫn trong lòng xã hội ấy lớn lên đến một mức nào đó. Xã hội được Marx nghiên cứu là xã hội tư bản. Ông cho là sự phát triển của Tư Bản Chủ Nghĩa sẽ đem lại phúc lợi cho con người đến lúc các mâu thuẫn do nó tạo nên trở thành trầm trọng quá mức, khiến nó càng ngày càng tai hại cho xã hội. Khi đó người ta đi vào một “tình trạng quá độ”. Tình trạng này có khả năng làm cho Tư Bản chủ nghĩa lùi bước, nhường chỗ cho xã hội chủ nghĩa. Giai cấp vô sản có thể làm cho tiến trình này nhanh chóng hơn bằng cách làm cách mạng, lấy chính quyền, thực thi “chuyên chính vô sản” để quản lý việc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa. Tuy nhiên, trong căn bản vẫn phải tuân theo trình tự tiến hoá nói trên.

Ta đọc trong Tư Bản Luận:

« Dù cho có phát hiện ra được quy luật phát triển tự nhiên cuả nó, một xã hội cũng không thể nào nhảy qua những giai đoạn phát triển đã được ấn định bởi quy luật này, không thể dùng sắc lệnh mà đốt giai đoạn ».

Lúc Lénine “đề nghị” kiến tạo xã hội chủ nghĩa tại nước Nga thì nước này còn trong tình trạng nông nghiệp, tư bản chỉ ở mức độ phôi thai. Nếu theo đúng học thuyết Marx thì nước Nga chưa đủ điều kiện để bước sang XHCN. Nhưng, viện dẫn một số lý do thực tế, như để bảo vệ những thành quả của cách mạng trước sự tấn công của các lực lượng « phản động », Lénine chủ trương tiến ngay đến XHCN mà không cần phát triển Tư Bản Chủ Nghĩa. Đó là một thái độ “duy ý chí”.

Staline:



Đến thời Staline thì phong trào Cộng Sản có sự gián đoạn. Năm 1938 người ta ước lượng Staline đã sát hại khoảng bảy mươi phần trăm thành viên Trung Ương Đảng của thời Lénine. Đến năm 1939, thì toàn thể Bộ Chính Trị thời Lénine đều đã bị giết, trừ hai người, là Trotsky và... chính Staline. Năm sau, Trotsky bị ám sát…

Staline ít được coi như một tư tưởng gia. Người ta thường chỉ đánh giá ông như một nhà độc tài, dùng bạo lực để chiếm đoạt và củng cố quyền hành của mình. Vấn đề được đặt ra trên trường tư tưởng là liệu có phải chủ thuyết Marx- Lénine đã tạo nên Staline hay không ? Hoặc giả “hiện tượng Staline” chỉ là một sự vùng dậy của các khuynh hướng bảo thủ phong kiến trong xã hội Nga, cộng với hận thù giai cấp được khích động và lợi dụng một cách quỷ quyệt bởi một nhà lãnh đạo đầy tham vọng cá nhân ? Xin dành sự tranh luận này cho một diễn đàn khác.

Điều cần chú ý là chính Staline đã kiến tạo nên cái gọi là “Đế Quốc Đỏ” trong đó Việt Nam đã từng là một thành viên. Vài đặc điểm thường được chú ý nhất của đế quốc này là:

- Đoàn ngũ hoá quần chúng trên căn bản sợ sệt, đàn áp sắt máu

- Tôn thờ lãnh tụ

- “Tín ngưỡng hoá” chủ thuyết, trở thành giáo điều không thể bàn cãi

- Tổ chức quan liêu, với những “giai cấp thống trị mới” (được Djilas, nhân vật số 2 của đảng CS Nam Tư tố cáo lần đầu tiên)

- Chủ trương bình đẳng xã hội, ngoại trừ giai cấp thống trị được hưởng mọi đặc quyền tức được « bình đẳng » hơn người khác !

- Chủ trương kinh tế chỉ huy

- Đặt tất cả các Đảng CS trên thế giới dưới sự chỉ huy của Đảng CS Liên Xô

- Chủ trương bành trướng lãnh thổ bằng đấu tranh giải phóng
- Thiết kế một bộ máy tuyên truyền vô cùng tinh vi trong phạm vi đế quốc cũng như trên toàn thế giới. Bộ máy tuyên truyền này được kiện toàn bởi một chiến lược chinh phục giới trí thức, văn nghệ sĩ, và những quyền lực tư tưởng khác tại các nước không Cộng Sản (Gramsci).


Thế giới Cộng Sản sau Staline:
Staline vừa qua đời năm 1953 thì vào năm 1956 hội nghị 20 của Đảng CS Liên Xô đã lên án ông một cách nặng nề. Mặc dầu vậy, đế quốc do ông xây dựng đã không những không tan rã mà con tiếp tục sống hùng sống mạnh cho đến cuối thập niên 80. Vì sao ? Có lẽ vì nó đã tạo được một thành trì sắt thép đảm bảo uy quyền cho một giai cấp thống trị mới.

Giai cấp này không có lý do gì để nhân danh vài ý tưởng cao đẹp mà trở giáo tự giết hại mình. Vì thế, nói theo Marx : “đế quốc Staline” phải đi đến tận cùng của tiến trình tự nhiên của nó, đến “thời kỳ quá độ” của nó, lúc những mâu thuẫn do nó tạo nên, lên đến một mức độ thật trầm trọng. Khi ấy nó phải sụp đổ, nhường chỗ cho phản đề của nó là …tư bản !

*
Điều đáng chú ý là, vào những năm trước lúc Khối Đông Âu sụp đổ, các lý thuyết gia chính thức của « thế giới Cộng Sản » đã nghĩ gì về cái mà họ gọi là chủ thuyết Marx- Lénine, về mô hình xã hội mà họ gọi là Cộng Sản, và về chính họ ? Ta bước sang phần chính của bài này. 


LÝ THUYẾT GIA CỘNG SẢN NGHĨ GÌ TRƯỚC SỰ KHỦNG HOẢNG CỦA PHONG TRÀO « CỘNG SẢN » vào cuối thập niên 80 ?
Chấp nhận có khủng hoảng:
Có nhà luận thuyết CS đã cho rằng ngay khi xảy ra cuộc nổi dậy ở Hung Gia Lợi năm 1956, đã phải đặt vấn đề khủng hoảng, và phải thực thi công tác “tái định hướng”. Lúc ấy đương nhiên là những vấn đề này không mấy ai dám cả gan đả động đến ...

Năm 1979, Viện Nghiên Cứu Thanh Niên Đông Đức đã nhận định ảnh hưởng của XHCH càng ngày càng giảm sút trong giới trẻ. Dù đề cao “Cộng Hoà Dân Chủ Đức” như quốc gia kỹ nghệ đứng hàng thứ 10 trên thế giới, và đứng hàng đầu về lợi tức đầu người trong các nước XHCN, các “viện sĩ” vẫn phải công nhận là XHCN tại Đông Đức không thoả mãn nổi nhu cầu kinh tế của giới trẻ (chỉ nói đến nhu cầu này), khiến họ quay sang ngưỡng mộ các nước tư bản. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy một sự gia tăng tội ác và khuynh hướng tìm đến tôn giáo nơi người trẻ. Tuy vậy, quan niệm “khủng hoảng” vào lúc ấy, vẫn chưa được chấp nhận.

Đến năm 1983, lý thuyết gia CS Việt Nam nhận định rằng mô hình XHCN không được xã hội chấp nhận, không những tại các nước áp dụng mô hình này, mà cả trên toàn thế giới. Họ đi đến kết luận là có khủng hoảng và đặt ra hai vấn đề lớn:

Một là “năng suất lao động” của mô hình XHCN quá thấp so với các nước tư bản,
Hai là nhân quyền chưa được tôn trọng như đã hứa với người dân lúc lên cầm quyền, khiến luôn bị phe tư bản tấn công trên mặt này.

Tuy vậy, theo những tài liệu chúng tôi có được thì phải đợi đến năm 1987, viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Liên Xô mới bàn đến cái mà họ gọi là “tiền khủng hoảng”. Sự tranh luận quanh các khái niệm « tiền khủng hoảng » và « khủng hoảng » có một ý nghĩa khá lý thú. Theo các nhà luận thuyết CS thì:

- Nói “tiền khủng hoảng” là còn có cách cứu gỡ dựa trên những phương kế được dự trù trong cẩm nang của các nhà nghiên cứu.

- Ngược lại, nói “khủng hoảng” thì không còn có thể dựa vào những phương án đã được dự trù để giải quyết, mà phải đi tìm một hướng đi mới.

Cuộc tranh luận này thật ra không kéo dài được bao lâu vì chỉ khoảng một năm sau người ta ít còn thấy “nhà khoa học” CS nào phủ nhận nổi sự khủng hoảng. Ý nghĩa mà họ gán cho danh từ này khiến cho cộng đồng các « nhà khoa học » ý thức hơn bao giờ hết tầm quan trọng của “công tác lý luận” của họ, bắt buộc họ phải tìm ra một hướng đi mới.

Ta có thể xếp những nhận định của các vị này vào hai đề mục chính:

- phân tích thực trạng

- duyệt lại và bổ sung học thuyết.

Phân tích thực trạng:

Lý thuyết gia CS ý thức hoàn toàn sự trì trệ, kém phát triển của các xã hội áp dụng mô hình XHCN so với các xã hội tư bản. Họ đề ra những thí dụ như lương thất nghiệp ở nước tư bản trong một năm bằng 10 năm lương giáo sư ở nước XHCN. Họ công nhận điều kiện làm việc ở nước XHCN thua xa ở nước tư bản chủ nghĩa, cho rằng tư bản chủ nghĩa có nhiều sáng kiến hơn XHCN và phục vụ lợi ích của người dân hơn XHCN. Sự hợp tác giữa các nước tư bản cũng được coi là hữu hiệu và bổ ích cho việc phát triển kinh tế, trong khi sự hợp tác giữa các nước XHCN chỉ ở trình độ trao đổi hiện vật, tức trình độ lạc hậu nhất.

Một tác giả phát biểu rằng Liên Xô không thể nào đủ sức giúp cho một nước XHCN anh em còn kém phát triển đạt đến công nghiệp hoá, trong khi Hoa Kỳ đã làm được việc đó với nhiều quốc gia, đặc biệt là trong vùng Đông Nam Á. Theo ông này, sức lôi cuốn của XHCN đối với các nước thuộc thế giới đệ tam coi như không còn nữa. Các nước này đều ngả theo tư bản.
Đi sâu vào công tác tổng kết thực tại, nhà biện luận CS đề ra bốn tệ nạn đã gây nên những trì trệ nói trên:

1) Nạn quan liêu, được một tác giả gọi là “con đẻ của cách mạng” vì đã xảy ra ở tất cả các xã hội được xây dựng sau cách mạng XHCN.

2) Nạn quan liêu này được gắn liền với sự hủ hoá của mọi guồng máy Đảng và Nhà Nước. Ngay cả sau khi đã có những nỗ lực cải cách, tốc độ hủ hoá vẫn cực kỳ nghiêm trọng. Một tài liệu đưa ra việc những người được Đại Hội 27 tại Liên Xô bầu ra và giao cho chính quyền, chỉ có mấy tháng sau đã phải thay thế đến 67 phần trăm vì bệnh hủ hoá.

3) Nhân sự của Đảng và Nhà Nước còn mắc phải một chứng bệnh trầm trọng khác: đó là sự tách rời thực tại, được gọi là lề lối làm việc « chủ quan duy ý chí ». Nhiều thí dụ của bệnh duy ý chí đã được đề ra trong đó có việc sao chép mù quáng mô hình Liên Xô. Một tài liệu cũng tỏ ý tiếc việc dùng danh từ “quá to lớn” không phù hợp với thực tại, làm lạc hướng đảng viên, thí dụ như danh từ “cách mạng triệt để”.



4) Sự thể rối ren hơn khi nhân sự của Đảng và Nhà Nước không những vừa quan liêu, vùa hủ hoá, vừa mù quáng, mà còn chia thành phe phái cắn xé nhau. Các nhà biện thuyết cho rằng đây là một điều không được tiên liệu trong học thuyết. Họ nói: “XHCN bảo đảm cho ta sự thống nhất” nhưng trong thực tế họ phải công nhận là « có mâu thuẫn nội bộ », chưa kể đến những tranh chấp, nhiều khi bằng vũ lực, giữa các đảng anh em...

Đào sâu thêm chút nữa, các “nhà khoa học” CS nhận thấy đa số các tệ nạn trên đây có thể được giải thích bởi hai yếu tố chính, đó là:



- độc tài cá nhân



- và lực lượng cơ hội trong nội bộ Đảng

Độc tài cá nhân:

Các học giả CS cho là không có Đảng CS nào thực sự dân chủ. Mọi công việc đều chỉ được sắp xếp bởi một vài người, ngoài ra họp hành bầu bán chỉ là hình thức. Những phương cách sinh hoạt đảng được coi như dân chủ, từng áp dụng ở thời Lénine, như “tập trung dân chủ”, “phê bình tự phê bình” đều bị biến thành công cụ phục vụ cá nhân. Một hiện tượng của tính cách phản dân chủ là việc “phong thế tử” trong nhiều Đảng CS cũng đã bị các nhà biện luận chỉ trích.

Lực lượng cơ hội:
Đảng không sàng lọc được lực lượng cơ hội trong nội bộ mình nên theo một tài liệu nghiên cứu : « đảng viên CS nhan nhản đâu cũng thấy, mà người CS thực thụ thì không thấy đâu ! »

Hai yếu tố trên khiến Đảng không thu hút được người tài. Lý thuyết gia CS nhận thấy người tài chỉ xuất hiện trong một giai đoạn đấu tranh nhất định rồi bị đào thải. Trong khi đó đảng viên toàn những hạng tầm thường, kém khả năng, kém sáng tạo, không phù hợp với định nghĩa “Tinh Hoa của giai cấp”.

Kết quả là khả năng trí tuệ của Đảng sút kém, sức đổi mới gần như không có, nên dần dần bị thực tại bỏ rơi, đi vào mù quáng, chủ quan, duy ý chí. Sự phát triển của “lưc lượng cơ hội” đưa đến tình trạng quan liêu, hủ hoá, và khi quyền lợi của bọn này bị xung khắc nhau thì chúng lại quay ra cắn xé lẫn nhau làm tổn hại thêm cho Đảng.

Đảng suy yếu, mà Đảng lại nắm hết quyền hành trong xã hội, nên xã hội cũng suy yếu, trì trệ ...

Duyệt lại và bổ xung học thuyết:

Các “nhà khoa học” CS cho rằng công việc thiết yếu nhất của họ không phải là đi tìm một kế sách chiến thuật, tức một giải pháp vá víu, giai đoạn. Họ cho rằng nếu không có một hướng đi mới thì những giải pháp cục bộ chỉ có tính cách tạm thời, “chưa làm xong thì đã hỏng, đã phải làm lại”. Vì thế, vai trò của họ là phải duyệt lại toàn bộ học thuyết, đặt lại căn bản lý luận và định lại chiến lược.

- Đầu tiên họ đánh giá tổng quát học thuyết qua từng giai đoạn lịch sử.
- Rồi họ phân định những điều kiện để có thể duyệt lại và bổ xung học thuyết.
- Sau đó họ nêu lên những “dự kiến” sai lầm của kinh điển
- Rồi những gì kinh điển đã không nghĩ đến
- và cuối cùng đưa ra một số khái niệm mới cho « lý thuyết CS ».


Ta tuần tự xét qua những vấn đề này.
1) Đánh giá tổng quát học thuyết theo từng giai đoạn lịch sử:
Đối với các lý thuyết gia CS chúng tôi được đọc, thì công tác làm học thuyết không dừng lại ở thời các “nhà kinh điển” mà phải được tiếp diễn mãi mãi .Họ đánh giá công tác này trong từng giai đoạn lịch sử như sau :

- Ở giai đoạn Marx: chỉ mới có đấu tranh sơ khai chứ chưa thực tiễn làm cách mạng nên chủ yếu của lý thuyết thời này gồm những “yếu tố mong muốn”và “trừu tượng hoá thực tại”.
- Đến giai đoạn Lénine: có thực tiễn làm cách mạng nhưng chưa thực tiễn xây dựng xã hội mới, nên vẫn còn nhiều tính chất mong muốn và trừu tượng hoá thực tại.

- Giai đoạn hiện tại được coi như giai đoạn thử thách sau bảy mươi năm kinh nghiệm. Thử thách học thuyết, thử thách cơ chế và năng lực điều hành của đảng, v.v… với mục tiêu chính yếu là giải quyết những vấn đề mà các “nhà kinh điển”chưa giải quyết, hoặc vì họ không đủ kinh nghiệm hay vì ở thời của họ, vấn đề ấy chưa được đặt ra. Một tác giả Việt Nam cho rằng chỉ riêng với kinh nghiệm của Việt Nam đã hơn hẳn Marx và Lénine ! Ở một tài liệu lý thuyết, người ta nhấn mạnh đến “tính chất phác thảo của kinh điển”, và cho rằng con người dù cho có thông minh đến đâu cũng không thể dự liệu được hết tương lai và thế nào cũng bị hạn chế bởi điều kiện lịch sử .


2) Điều kiện để “thi hành tốt” việc duyệt lại học thuyết :

Ta nhận thấy nơi các “nhà khoa học” CS một khuynh hướng thoát khỏi kinh điển rất rõ rệt. Đó chẳng qua cũng chỉ là quyền lợi của họ. Thật vậy, khuynh hướng ấy có thể đem lại cho họ một tầm vóc mới (vượt cả Marx và Lénine trên kinh nghiệm !), một tư thế mà họ không thể có được nếu cứ bảo thủ giáo điều.


Trong công việc duyệt lại học thuyết và tìm một hướng đi mới, họ đòi hỏi :
- “Giải phóng công tác lý luận”, cho phép có nhiều trường phái,

- Và “liên minh khoa học” với mọi thành phần xã hội.

Hai khái niệm này thường chỉ được nói phớt qua, nhưng ta có thể nhận xét tầm quan trọng của chúng. Thật vậy, có thể coi là các đòi hỏi này đã đặt vấn đề “đa nguyên tư tưởng” (tuy chưa phải là đa nguyên chính trị).

3) Những dự kiến sai lầm của kinh điển :

Đây là bước đầu của việc duyệt lại học thuyết. Các lý thuyết gia CS thường có những nhận xét sau:

XHCN được xây dựng ở các nước kém phát triển thay vì ở các nước tư bản phát triển cao như Marx đã dự liệu:
Điều này đưa đến nhu cầu phải bổ xung học thuyết để xét xem khi XHCN được xây dựng tại một nước chậm tiến thì sẽ phải theo những quy luật nào ?
Vấn đề lý thuyết này rất quan trọng, vì trong một xã hội còn kém phát triển, dân chúng phần đông là tiểu nông, tư bản gần như không có, công nhân cũng rất hiếm, áp dụng những quy luật của kinh điển là không thực tế. Cần nhắc lại là Marx gần như không nghiên cứu về nông dân. Đến Lénine mới vì nhu cầu giai đoạn mà đề ra “liên minh công nông”, nhưng vẫn đặt nặng công nhân hơn.

Ở Việt Nam, các nhà lý luận CS đã nhận xét những điều mâu thuẫn như khi “giải phóng” nông dân, Đảng vừa tuyên bố đem lại quyền sở hữu đất đai cho họ thì liền sau đó, tước đoạt ngay quyền tự do làm ăn của những người nông dân này trên mảnh đất mà họ vừa chiếm hữu, bắt họ phải giao cho « tập thể » quản lý. Có thể nói rằng người nông dân chỉ được “giải phóng” trong hình thức, và trước khi Đảng cho phép họ chiếm hữu được vài thửa ruộng, thì chính bản thân họ đã bị Đảng chiếm hữu rồi !

 Trong các xã hội chưa phát triển được tư bản chủ nghĩa như thế, áp dụng một lý thuyết đặt căn bản trên việc phá bỏ quyền tư hữu, để tấn công một giai cấp tư bản chưa thực sự hiện hữu, nhằm tranh thủ quyền lợi cho một giai cấp khác cũng chưa thực sự hiện hữu, là giai cấp công nhân, thì chính là một thái độ « siêu hình », bất chấp thực tại, bất chấp tình trạng phát triển của xã hội, cho rằng trong bất cứ điều kiện hay thời điểm nào, các giá trị XHCN cũng đều tốt đẹp cả.







Cuộc đấu tranh giai cấp đã không chỉ là sự đối chọi giữa vô sản và tư bản như kinh điển đã dự kiến







mà càng ngày càng phức tạp hơn lên, với sự phát triển hoặc hình thành của nhiều thành phần khác. Mâu thuẫn trong xã hội tư bản trở thành tinh vi và đa dạng, điều mà các học giả CS công nhận rằng họ chưa nghiên cứu đầy đủ.







Đế quốc tư bản không những không dãy chết như kinh điển đã dự tính mà còn lớn mạnh đến độ lấn áp XHCN :







Theo kinh điển, những mâu thuẫn của xã hội tư bản phải làm cho xã hội ấy rạn nứt và sụp đổ. Nhưng thực tế lại cho thấy các xã hội tư bản thích nghi được với các mâu thuẫn này và tránh được sự sụp đổ. Các nhà nghiên cứu CS đưa ra vài thí dụ về phản ứng của tư bản chủ nghĩa như:







- Hình thành “Tư bản nhân dân” (riêng tôi vẫn thích dùng chữ “Tư bản đại chúng” hơn, vì đó là chữ thân mẫu tôi thường dùng khi dạy học),



- Quan niệm xí nghiệp như một đại gia đình, như ở Nhật Bản



- Phát triển các công đoàn, được coi như trung gian giàn xếp những tranh chấp chủ- thợ chứ không phải như công cụ đấu tranh để tiêu diệt tầng lớp chủ nhân, như một số lý thuyết gia CS trước đó đã mong ước.







Ngoài ra, “năng suất lao động” cao tại các nước tư bản khiến nhà tư bản dễ dàng nhượng bộ nhiều đòi hỏi của giai cấp công nhân. Điều này, theo các nhà “khoa học”, đã “tạm thời hủ hoá” phong trào công nhân ở các nước tư bản, khiến cho người công nhân tuy vẫn bị bóc lột, nhưng không còn ai cảm thấy nhu cầu cần phải làm cách mạng nữa. Kết quả là “thời kỳ quá độ” để tiến lên XHCN đã không xảy ra…







4) Những điều kinh điển đã không tiên liệu:







Chúng tôi đọc được ba điều chính, do các lý thuyết gia CS nêu ra:



- Sự phát triển vượt bực của khoa học kỹ thuật



- Nhu cầu bảo vệ môi sinh



- Và vấn đề toàn cầu hoá các sinh hoạt của con người.







Thật ra hai vấn đề sau gắn liền với vấn đề đầu. Kinh điển đã không tiên liệu được sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên cũng không tiên liệu nổi hai sự kiện sau.







Sự phát triển vượt bực của Khoa học kỹ thuật (KHKT)







Đã đưa các “nhà khoa học” CS đến những nhận xét sau:







- Chủ nhân có thể nâng cao lợi tức của mình bằng cách gia tăng năng suất của máy móc chứ không cần phải bóc lột sức lao động của thợ thuyền nữa. Thêm vào đó, sự gia tăng lợi tức do máy móc làm việc nhanh hơn, rẻ hơn, có thể được chủ nhân chia sẻ với thợ thuyền, khiến cho mọi người cùng có lợi, giảm thiểu tranh chấp chủ- thợ



- Vai trò của người lao động ngày càng giảm sút vì máy móc thay thế con người. Các lý thuyết gia CS (vào cuối thập niên 80), nhận định rằng đến năm 2000, tại Hoa Kỳ, chỉ cần 20% lao động là sản suất đủ cung ứng cho nhu cầu của toàn xã hội. Con số nông dân cũng chỉ cần 3% là đủ đảm bảo nhu cầu lương thực. Vì thế, họ cho rằng quan điểm của kinh điển về “lực lượng lao động” cần phải được xét lại.



- Vai trò của “lực lượng tiền sản xuất”, tức của người trí thức, ngày càng quan trọng. Lực lượng tiền sản xuất là những người thiết kế đồ án, kế hoạch, chương trình v.v…thí dụ như nghiên cứu xem phải sản xuất món hàng gì, sản xuất làm sao cho rẻ, đẹp, tiện lợi v.v… Theo các nhà nghiên cứu CS, vai trò của lực lượng “tiền sản xuất” đã qua mặt “lực lượng sản xuất”. Thật vậy KHKT là lãnh vực của người trí thức. Tầm quan trọng của KHKT càng cao thì vai trò của người trí thức càng lớn. Điều này khiến các nhà lý luận Cộng Sản phải đặt tầm quan trọng của trí thức lên hàng đầu, đảo lộn trật tự “công nông trí” đã được kinh điển quy định. Họ cũng cho sự đàn áp trí thức là sai lầm, và tỏ ý hối tiếc việc “trí thức là nạn nhân của XHCN” (đừng quên : họ cũng là trí thức !).



- Một nhận xét khác của nhà nghiên cứu CS là sự phát triển của KHKT đã giúp ích cho tư bản nhiều hơn là XHCN. XHCN, theo họ, đã không “thu hoạch” nổi các thành quả của sự phát triển KHKT. Một tài liệu CS dự trù nếu có một cuộc cách mạng kỹ thuật nữa thì xã hội chủ nghĩa sẽ hoàn toàn bị bỏ rơi và sẽ phải chịu hoàn toàn lệ thuộc vào tư bản chủ nghĩa.







Nhu cầu bảo vệ môi sinh:







Ở thời của các nhà kinh điển, người ta chưa quan niệm được tốc độ phát triển vĩ đại của KHKT, nên cũng chưa ý thức được tính cách hữu hạn và mong manh của tài nguyên thiên nhiên trước tốc độ phát triển ấy. Vấn đề bảo vệ môi sinh ngày nay được các nhà biện thuyết CS cho là một vấn đề sống chết của nhân loại cần phải đưa đến sự hợp tác giữa mọi con người trên trái đất. Họ cho là sự hợp tác này phải vượt lên trên ý thức hệ. Đây là một quan điểm mới trong sự suy nghĩ của người CS.







Vấn đề toàn cầu hoá sinh hoạt của con người:







Được các nhà luận thuyết CS coi như vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của sự phát triển khoa học kỹ thuật. Tuy nhiều người cho Marx là ông tổ của khái niệm « toàn cầu hoá », nhưng trong điều kiện của thời ông, Marx chưa quan niệm được toàn cầu hoá như nó thực sự xảy ra hiện nay. Đặc biệt là sự kiện toàn cầu hoá có lợi cho tư bản chủ nghĩa hơn là cho các nước XHCN. Thật vậy, theo các nhà nghiên cứu cộng sản, thì toàn cầu hoá giúp các nước tư bản trao đổi, phát triển khoa học kỹ thuật và đồng thời đồng nhất hoá các mô hình xã hội tư bản, khiến người tiêu thụ khắp nơi đều thi đua tiêu thụ những mặt hàng giống nhau, tạo điều kiện cho các xí nghiệp “siêu quốc gia” dễ dàng phát triển. Trong khi đó thì các nước XHCN tự cô lập sau các « bức màn sắt » hay « bức màn tre », hạn chế sự trao đổi với phần còn lại của thế giới. Giữa các nước XHCN với nhau, thì sự trao đổi lại hoàn toàn lạc hậu như đã nói ở trên (trao đổi hiện vật).







5) Vài khái niệm mới trong lý thuyết Cộng Sản:







Sau khi đã phân tích những cái sai của “kinh điển” và những cái mà kinh điển chưa nghĩ tới, các nhà “khoa học” CS bắt tay vào việc bổ xung học thuyết. Chúng tôi nghi nhận được trong công việc này của họ một số khái niệm mới, đó là:







- Chấp nhận chung sống vơi tư bản và nhân nhượng tư bản



- Chấp nhận quyền tư hữu



- Và một tổng hợp quan niệm mới thoát thai từ sự định nghĩa lại các khái niệm XHCN và thời kỳ quá độ.







a) Chung sống với tư bản và nhân nhượng tư bản:



- Vì tư bản đã không « dãy chết » như kinh điển đã dự liệu, nên các “nhà khoa học” buộc phải đặt ra những câu hỏi sau: bao giờ tư bản mới sụp đổ? Bao giờ cách mạng vô sản mới bùng lên ? Và trong khi chờ đợi, phải có thái độ nào với tư bản chủ nghĩa? Họ cho là sự sụp đổ của tư bản có lẽ còn rất lâu. Có tài liệu nói còn phải chờ ít nhất là 100 năm nữa, hay có khi hơn. Vì thế XHCN buộc phải chung sống với tư bản. Và vì yếu hơn tư bản nên cũng buộc phải nhân nhượng tư bản.







b) Chấp nhận quyền tư hữu:



Các nhà biện thuyết CS cho rằng sự phá bỏ quyền tư hữu chỉ có tính cách ưu tiên khi tư bản đã phát triển mạnh đến một mức nào đó. Ngày nay, tại các nước XHCN như Việt Nam, tư bản chưa thực sự phát triển, nên theo họ, điều ưu tiên không nằm ở việc phá bỏ quyền tư hữu mà ở gia tăng sản xuất. Và điều kiện của gia tăng sản xuất trong tình trạng hiện tại là chấp nhận quyền tư hữu.







c) Định nghĩa mới của XHCN và « thời kỳ quá độ »:



- Toàn bộ những gì đã được trình bày cho thấy khó còn có thể duy trì được định nghĩa XHCN như thường « học tập ». Thật vậy, khi ý thức được rằng phải có tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh, rồi mới trải qua một « thời kỳ quá độ », trước khi hy vọng bước sang xã hội chủ nghĩa, thì, tại các nước chưa phát triển được tư bản chủ nghĩa, cả « thời kỳ quá độ » lẫn XHCN cần phải được quan niệm lại.







Các nhà “khoa học” đề nghị ba cách trả lời, quanh sự hiện hữu của thời kỳ quá độ:







Cách trả lời thứ nhất là không có thời kỳ quá độ







XHCN hiện thấy không phải là XHCN của kinh điển, mà là một hình thái kinh tế xã hội đặc biệt, một “sáng tạo của nhân dân” các nước liên hệ, để thay thế cho giai đoạn thống trị của các thế lực tư bản.







Hình thái xã hội này không thể được coi như giai đoạn thấp của Cộng Sản chủ nghĩa, vì mức sản xuất còn quá kém. Thật vậy, phải có năng lực sản xuất cực cao mới đạt được đến Cộng Sản chủ nghĩa. Một tài liệu Trung Quốc cho rằng : để bước sang giai đoạn thấp của Cộng Sản chủ nghĩa, phải có được lợi tức đầu người vào khoảng bốn ngàn Mỹ Kim một năm, tức mười lần hơn con số được ghi nhận ở Trung Hoa vào cuối thập niên 80. Vì sản xuất quá kém, nên quy luật phát triển của hình thái xã hội được gọi là XHCN này buộc phải là thúc đẩy sản xuất bằng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện được dùng trong tư bản chủ nghĩa. Nó phải chấp nhận quyền tư hữu (như đã nói ở trên), kinh tế hàng hoá, một số xu hướng chính trị, văn hoá v.v… để thích nghi với việc thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, theo các nhà lý luận CS, dù trong hình thái xã hội này không thể tránh được các yếu tố tư bản, nhưng vấn đề cần phải tránh, là không cho tư bản trở thành một phương thức thống trị. Nhận xét này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến những suy nghĩ về « đa nguyên chính trị ».







Nói tóm tắt, trong quan điểm này, người XHCN không chờ đợi tư bản chủ nghĩa phát triển rồi sụp đổ, mà dành lấy chính quyền ngay khi có thể, để quản lý một xã hội với những yếu tố tư bản chủ nghĩa.







Cách trả lời thứ hai là có một thời kỳ quá độ







Nhưng, ở các nước kinh tế kém phát triển, nội dung của nó khác với những gì kinh điển đã đề ra. Trong quan niệm này, mặc dầu mức sản xuất còn kém, nhưng XHCN vẫn là giai đoạn thấp của CS Chủ Nghĩa. Tại các nước đã có tư bản thì XHCN thoát thai từ tư bản chủ nghĩa, và vẫn còn một số yếu tố tư bản. Những yếu tố tư bản này sẽ biến mất lần lần với sự phát triển của các yếu tố XHCN. Lập trường này có thể được coi như một sự cập nhật của quan niệm cổ điển cho rằng có thể rút ngắn giai đoạn đấu tranh đi lên XHCN, diệt tư bản một cách nhanh chóng, bằng cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Cần nhấn mạnh là đa số các học giả CS đều ý thức rằng không thể có được Xã Hội Chủ Nghĩa sau một « buổi chiều cách mạng ». Ngược lại, phải kiên nhẫn xây dựng XHCN năm này qua năm khác, sau thời kỳ quá độ và cách mạng, cùng với việc thực thi một hình thức chuyên chế. Quan điểm thứ hai về XHCN và thời kỳ quá độ này là quan điểm của các « đồng chí Liên Xô ».







Cách trả lời thứ ba là lúc nào cũng có thời kỳ quá độ







Theo lý thuyết này, thì lúc nào cũng có nhiều thành phần kinh tế cùng chung sống trong một xã hội, với một thành phần thống trị, chứ không có xã hội nào thuần tuý cả. Chúng tôi không được đọc nhiều về quan điểm thứ ba này.







*







Bây giờ xin thử bàn sang công chuyện ở nước ta.







XHCN ở Việt Nam







Công cuộc đổi mới tại Việt Nam







Được các nhà phân tích CS lượng giá từ những gì đã được đề ra từ Đại Hội 6. Trước hết, họ thường cho rằng trong điều kiện thực tế của lúc ấy, nghị quyết của Đại Hội 6 là một tiến bộ lớn. Họ nhận định rằng sửa sai về chiến thuật dễ hơn sửa sai về chiến lược, và cơ chế đảng như đã được bàn đến ở trên không cho phép một sự chuyển hướng thật sự. Đại Hội 6, theo các học giả CS Việt Nam, bị bế tắc ở « nguyên lý ». Vì mập mờ ở nguyên lý nên ai muốn hiểu nghị quyết Đại Hội 6 ra sao cũng được. Người bảo thủ hay kẻ cấp tiến đều có thể trích dẫn nghị quyết ĐH 6 để tự biện hộ cho mình.







Một chỉ trích khác ta có thể đọc được là Đại Hội 6 chưa thành công trong việc đánh giá thực tiễn mà chỉ mới bàn đến « sai lầm chỉ đạo chiến lược ». Trong thực tế, theo các “nhà khoa học” nước ta thì vấn đề không phải là “sai lầm chỉ đạo chiến lược” mà là chiến lược sai lầm, và cả “siêu chiến lược”, tức học thuyết, cũng phải coi lại. Theo họ, phải đặt vấn đề học thuyết, tức “siêu chiến lược”, cho hoàn chỉnh, rồi mới bàn đến chiến lược, như thế mới có thể có “chỉ đạo chiến lược” cho đúng được.







Khi đem nghị quyết Đại Hội 6 ra áp dụng thì, theo các nhà phân tích CSVN, kẻ kéo tới người kéo lui khiến công việc không chạy, cán bộ hoang mang, quần chúng bực bội, hoài nghi, bất bình.







Tóm lại, họ nói đến thất bại, nhưng cho là với cơ chế Đảng vào lúc ấy, không thể làm hơn được.







Vài đề nghị của các nhà “khoa học” CSVN cho tương lai :







Chúng tôi xin chỉ bàn phớt qua vấn đề này. Đại khái có mấy đề nghị sau :







Phải có một bước lùi :







Gọi là “rút lui trong trật tự” hay “dũng cảm lùi bước” trong một tài liệu khác. Các nhà luận thuyết CSVN cho là XHCN phải kế thừa những thành quả của một xã hội có trình độ phát triển và sản xuất cao, nếu không thì nó sẽ đứng đối lập lại với sự phát triển tự nhiên của xã hội. Họ nhận định Đảng CSVN đã đốt giai đoạn, đã tìm cách huỷ bỏ nền kinh tế cá thể của người tiểu nông và người thợ thủ công, tức là đã phá vỡ căn bản của nền kinh tế dân tộc. Thay vào đó, Đảng đề ra một nền kinh tế quốc doanh hoặc vài hình thức công tư hợp doanh, nhưng trong thực tế không khác gì quốc doanh. Năng suất của các hình thức kinh tế này kém sút hẳn so với trước lúc Đảng cải tạo chúng. Họ cũng cho rằng tuy Đảng đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh quân sự và chính trị, nhưng không phải vì thế mà có thể đem các kinh nghiệm và nhân sự của cuộc đấu tranh ấy vào giai đoạn đấu tranh kinh tế.







Một tài liệu đã nhắc lời Lénine :







“ Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho mình một khả năng lùi bước”.







Đặt ưu tiên cho việc thúc đẩy sản xuất :







Theo các nhà luận thuyết CSVN thì điểm căn bản là phải biết tách rời vấn đề “phát triển lực lượng sản xuất” và việc “hoàn chỉnh quan hệ sản xuất”.







Để phát triển sản xuất, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi như :







Thể chế chính trị thích hợp : bảo đảm tự do phát triển, tự do cá nhân v.v…Danh từ Dân Chủ Xã Hội đã được đề cập đến nhiều lần.







Cơ chế quản lý kinh tế thích hợp : hạn chế vai trò của Đảng, của Nhà Nước, phát triển quần chúng tự quản.







Mềm dẻo trong việc quản lý kinh tế với những ý kiến sau:







- Phát triển kinh tế hàng hoá







- Tạo điều kiện phát triển cho cả năm thành phần kinh tế







- Đề cao vai trò của trí thức, chuyên viên (ít ra cũng phải được coi trọng như “liên minh công nông”)







- Quản lý quốc doanh mềm dẻo, nếu thất bại, sẵn sàng chuyển sang quản lý tập thể hay cá thể nếu cần







- Tạo điều kiện để hấp dẫn kinh tế tư bản (chính văn là “tạo quan hệ sản xuất thích hợp với kinh tế tư bản”)







Ngoài ra các nhà luận thuyết đòi hỏi phải “giải phóng công tác lý luận”, từ bỏ “giáo điều chủ nghĩa”, lề lối làm việc “chủ quan duy ý chí” và đề ra vài ý kiến trong việc xây dựng lại Đảng.











Rồi ngày lại qua ngày ...







Sau những giai đoạn cởi mở, rồi những giai đoạn xiết chặt đường lối, “xây dựng XHCN trong thời kỳ quá độ”, rồi « tái định hướng » thành « kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa » ... người ta có thể noi gương các « nhà khoa học » CS mà tự hỏi :







Đâu là “quy luật” của cuộc chơi? Khi nào thì đóng? Khi nào thì mở?







Phải chăng câu trả lời là : tùy sự ổn định?







Sự liên kết quyền lợi và ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc lại thêm vào một yếu tố nền tảng trong quan niệm « ổn định ».







*







Tóm lại







Trên phương diện lý thuyết, xin đề nghị vài suy nghĩ quanh hai kịch bản:







Các nhà luận thuyết Cộng Sản tìm ra và áp dụng thành công một hướng đi mới, bất kể tên gọi, phù hợp với nhu cầu của xã hội, với phúc lợi của người dân. Trong trường hợp đó, họ chứng tỏ khả năng sáng tạo và sinh tồn của họ, dưới hình thức này hay hình thức khác, kể cả hình thức không nắm chính quyền.







Ngược lại, họ sẽ bị đánh giá như một tổ chức chỉ coi lý thuyết CS như một chiêu bài để chiếm đoạt quyền hành. Ở một mức độ nào đó, các lý thuyết gia CS không phủ nhận quan điểm này, khi các vị ấy nói: “Đảng viên nhan nhản đâu cũng thấy, mà người Cộng Sản thực thụ thì lại không thấy đâu”, vì : « lực lượng cơ hội » đầy dẫy trong nội bộ Đảng. Nếu thế, thì tất cả các lý luận vừa được trình bày của các “nhà khoa học”, tất cả những suy luận quanh “hướng đi mới”, “bổ xung học thuyết”, “định lại chiến lược”, v.v... đều vô ích !







Lực lượng cơ hội sẽ chỉ tuân theo những quy luật cơ hội, những lý thuyết cơ hội, và không thể xây dựng được bất cứ gì. « Lực lượng cơ hội đầy dẫy » cũng không khác nào vi trùng tràn lan khắp cơ thể. Trong điều kiện của Việt Nam, nó đem lại bệnh hoạn cho toàn xã hội.







*







Để kết bài, xin nhắc lại câu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị, khi Ngài nói tại Durango ngày 10 tháng 5, năm 1990:







“Sự sụp đổ của Cộng Sản không phải là chiến thắng của Tư Bản”.







Tức là vẫn phải tự hỏi:







Rồi sao nữa ?







Nguyễn Hoài Vân






http://chauxuannguyen.org/2013/11/11/sbtn-special-phim-tai-lieu-toi-ac-cong-san-3-videosrat-hay-nhieu-rat-nhieu-dieu-moi-la-nen-xem-het/


VẬN ĐỘNG THOÁI ĐẢNG - Nguyên Bộ - 100 triệu người thoái Đảng (TUIDANG MOVEMENT)



http://www.youtube.com/watch?v=2nS8WTjrssM



Tội ác Việt Cộng tại Huế 1968



https://www.youtube.com/watch?v=7UMZrkgMG0I







No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link