Thursday, November 28, 2013

Nhật ký bí mật từ một trại lao cải TQ


 

Nhật ký bí mật từ một trại lao cải TQ


Martin Patience

Phóng viên BBC tại Bắc Kinh

Cập nhật: 16:44 GMT - thứ ba, 26 tháng 11, 2013



Bà Lưu Hoa và tấm chăn nhật ký viết lén trong trại lao cải

Đối với bà Lưu Hoa, năm nay 50 tuổi, những cảnh kinh hoàng về trại lao cải vẫn còn rõ như mới. Trong bảy năm qua, bà bị gửi tổng cộng ba lần tới các “trại lao động cải tạo” do phản đối việc chính quyền cướp đất ở quê nhà, bà nói.

Nhưng trong lần gắng sức cuối cùng, bà Lưu đã làm một việc thực sự đặc biệt: bà viết nhật ký kể lại những trải nghiệm của mình.

Người mẹ một con làm việc 11 tiếng mỗi ngày trong xưởng làm quần áo cho bộ đội Trung Quốc. Mỗi lần lính gác quay đi là bà lại tranh thủ lấy trộm một miếng vải lót áo để viết nhật ký.

Trong căn hộ nhỏ của mình ở Bắc Kinh, bà trải lên chiếc bàn trước mặt cho tôi xem mấy tấm vải trông như mảnh chăn vá. Nhưng nếu nhìn kỹ, những đoạn đã được may nối vào với nhau thực ra là các đoạn nhật ký viết trong hai năm.

Tập tài liệu đặc biệt này như một bảng điểm tên những người đối xử ngược đãi trong trại. Một đoạn nhật ký viết hôm 13/09/2011 về một phạm nhân bị lính gác tra tấn bằng dùi cui điện: “Toàn bộ mặt bà ấy tím bầm lên sau khi bị đánh.”

Bị đối xử như ‘súc vật’



Đồ nghề viết nhật ký khi ở trong trại lao cải của bà Lưu Hoa

Bà Lưu cũng cho tôi xem cái túi nhỏ màu đỏ, bên trong là ruột bút bi xanh nhỏ xíu mà bà từng dùng để viết nhật ký, vẫn được bà thường giấu dưới nách. May cho bà là lính gác chưa bao giờ phát hiện ra.

Mỗi lần có phạm nhân được thả là bà lại nhờ họ mang các mẩu vải ra cho mình. Rồi bà Lưu thu thập lại khi được tự do và vá chúng lại với nhau.

Bà bị bắt khi đang đi trên phố ở Bắc Kinh năm 2010. Bà bị giam giữ do biểu tình phản đối chính quyền cướp đất – chẳng có phiên tòa nào được mở ra, bà cũng bị luận phạm tội gì.

Trong thời gian cải tạo, bà Lưu nói bị lính gác đánh đập, cũng giống như rất nhiều người trong số 400 phụ nữ trong trại. “Chúng tôi bị đối xử như nô lệ,” bà nói, “nô lệ của đảng Cộng sản”.

Hồi đầu tháng 11 này, Bắc Kinh thông báo sẽ xóa bỏ hệ thống trại lao động cải tạo, vốn bị ghét bỏ. Trong quá khứ,, các tội phạm nhỏ và thường là các nhà bất đồng chính kiến hay những người đi biểu tình, có thể bị giam giữ tới bốn năm mà không cần qua xét xử.

Sau những trải nghiệm đó, giờ bà Lưu vẫn đang cố gắng quay trở lại cuộc sống bình thường, nhưng bà không thể quên được những gì đã xảy ra.

Họ đối xử với chúng tôi như súc vật,” bà nói. “Chúng tôi chỉ muốn được đối xử như một công dân và có quyền như tất cả mọi người.”

Tin hệ thống lao cải bị đóng cửa không mang lại nhiều an ủi cho bà khi bà từng tự tử trong quá khứ vì tuyệt vọng. Và bà Lưu vẫn tin rằng Đảng Cộng sản – dù là có trại hay không có trại – cũng sẽ tìm cách bắt giam bà.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link