Wednesday, November 27, 2013

Đồng chí Bala và các đảng cộng sản


 

 

Đồng chí Bala và các đảng cộng sản



Nguyễn Giang

bbcvietnamese.com

Cập nhật: 15:06 GMT - thứ ba, 26 tháng 11, 2013



Mất ngày qua dư luận Anh chú ý nhiều về vụ ‘Nô lệ Brixton’ đầy bí hiểm cho đến khi cảnh sát xác định rằng ba người phụ nữ bị giam 30 năm trong một căn nhà ở Nam London là nạn nhân của một cặp ‘đảng viên cộng sản kiểu Mao’.

Nhiều tờ báo Anh chạy tựa nói ‘Hợp tác xã Marxist-Leninist-Mao’ của ông Aravindan Balakrishnan (73 tuổi) và vợ, bà Chanda (67 tuổi) đã giam các tín đồ của họ nhiều năm.

Cả hai đã bị cảnh sát Anh bắt giam.

Số ba ‘nô lệ’ gồm một cụ bà gốc Malaysia 69 tuổi, một phụ nữ Irish 60 tuổi và người phụ nữ 30 tuổi có khả năng là con của bà 60 tuổi và ông Balakrishnan.

Độ tuổi đã cao của cả thủ phạm và lời xác nhận vụ án 'không mang tính tình dục' lại càng khiến câu chuyện trở nên ly kỳ cho đến khi nhà chức trách nói đây là một nhóm có tính ý thực hệ.

Các nạn nhân vừa tự nguyện đi theo 'đồng chí Bala' vừa bị tẩy não và chịu phục tùng trong ba mươi năm mà không bỏ trốn.

Đây cũng là dịp để chúng ta xem lại chuyện phái Maoist từng hoạt động ở Anh thế nào và các đảng phái cộng sản hoặc tự nhận là cộng sản hiện nay ra sao.

‘Không phải cộng sản’


Cảnh sát Anh đã xác nhận ông Balakrishnan và vợ từng hoạt động trong tổ chức cộng sản mang tên Trung tâm Tưởng niệm Mao Trạch Đông (Mao Zedong Memorial Centre), ở Acre Lane, Brixton, Nam London trong thập niên 1970.

Trung tâm nay đã bị đóng cửa năm 1978 sau hai năm hoạt động.

Nhưng chủ nghĩa Mao có thực là đã tác động gì đến hoạt động của nhóm Balakrishan?

Về lý thuyết, lãnh tụ Mao Trạch Đông chỉ nêu ra chủ thuyết về sở hữu công, hợp tác hóa nông nghiệp nhằm hiện đại hóa cấp tốc nước Trung Quốc.

Các phái theo Mao ở nước ngoài lại không quan tâm nhiều đến vấn đề Trung Quốc (xóa phong kiến, chống đế quốc, chống xét lại...) mà chỉ thu nhận từ chủ thuyết này cách tổ chức chi bộ thành những đơn vị kiểm soát chặt cá nhân, đề cao lãnh tụ và tập thể.


Chủ nghĩa Mao ảnh hưởng nhiều đến vùng Nam Á

Hiện các nhóm phiến quân Maoist còn mạnh nhất vẫn là vùng tiểu lục địa Nam Á, nơi xuất thân của ông Balakrishnan.

Giáo sư Vương Hiểu Bình từ Đại học Manchester nói với BBC News rằng ở Trung Quốc, chủ nghĩa Mao là “chủ nghĩa cộng sản truyền thống cộng thêm tầng lớp cầm quyền độc đoán".

Còn trên thế giới như ̉ở Anh, Pháp vào hai thập niên 1960 và 1970, phái Maoist muốn lập ra các cộng đồng chung sống bình đẳng nhưng bị lãnh đạo kiểm soát độc đoán, theo Giáo sư James Grayson từ Đại học Sheffield được BBC News trích lời.

Đài truyền hình Channel 4 ở Anh cũng đã phỏng vấn chính Tổng bí thư Đảng Cộng sản Anh Quốc, Robert Griffiths về chuyện này.

Ông Griffiths xác nhận rằng hai “đồng chí Bala” và “đồng chí Chanda” đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản Anh từ lâu.

“Họ không có liên hệ gì với các hoạt động chính trị dòng chính của phái tả hay cộng sản ngay từ khi đó.”

Ông cũng nói nhóm “giam giữ nô lệ” nhân danh cộng sản ở Nam London vừa rồi “đáng được quan tâm về mặt tâm thần” nhiều hơn là về chính trị.

Nhưng cảnh sát Anh cũng không hề coi thường các hoạt động của nhóm này vì họ có liên hệ tới 13 địa chỉ khắp London.

Cùng lúc, tin từ Malaysia nói có một nhà hoạt động sinh viên tên là Hishamuddin Rais cho báo chí biết ông tin rằng bà cụ Malaysia được cứu ra khỏi căn nhà “Hợp tác xã Maoist” ở London có thể là Siti Aishah, một nhân vật từng hoạt động trong nhóm thiên tả Tân Thanh niên Malaysia.

Nếu đây là đúng thì người ta cũng sẽ tìm lại cả liên hệ giữa các phong trào phái tả từ Đông Nam Á và châu Âu một thời.

Một đồng nghiệp BBC từ vùng Nam Á cũng cho tôi hay Aravindan Balakrishnan là tên của người Tamil, và có thể nhân vật này đến từ tiểu bang Tamil Nadu của Ấn Độ nơi cho đến nay các đảng cộng sản vẫn hoạt động mạnh.

Chống toàn cầu hóa


"Họ không có liên hệ gì với các hoạt động chính trị dòng chính của phái tả hay cộng sản ngay từ khi đó"

Lãnh đạo Đảng CS Anh nói về nhóm Balakrishnan

Nhóm ly khai Balakrishnan nay trở thành một giáo phái già nua và đa số các đảng cộng sản tại Anh, Pháp, Đức đều đã qua thời hào quang, không bằng các nước Đông Âu và vùng Nam Âu.

Lừng lẫy nhất châu Âu là Đảng Cộng sản Pháp, ra đời năm 1920 với ông Hồ Chí Minh là thành viên sáng lập, nay chỉ còn 10 dân biểu Quốc hội sau cuộc bầu cử 2012.

Vào lúc đỉnh cao, Đảng có tới 180 dân biểu và tham gia liên minh cầm quyền ở Pháp cả cấp trung ương và địa phương.

Nhưng vào tháng 2/2013 vừa qua, đảng này cũng đã tuyên bố bỏ biểu tượng búa liềm.

Trên thực tế Đảng Cộng sản Pháp không chỉ suy giảm từ sau khi Liên Xô sụp đổ, mà còn bị chính Tổng thống Francois Mitterrand của Đảng Xã hội (anh em) kết liễu vì các mâu thuẫn đường lối liên minh.

Ở Anh, chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ mạnh như ở Pháp hay Ý và hoạt động của Đảng Cộng sản Anh Quốc (CPGB) cũng yếu hẳn đi sau khi Liên Xô tan rã.

BBC News năm ngoái có bài mô tả những khoản tiền cuối cùng của CPGB và cho hay trụ sở cũ của họ nay là văn phòng của ngân hàng HSBC tại khu Covent Garden, London.

Hoạt động nhiều nhất có lẽ vẫn là các đảng cộng sản hoặc Marxist ở Nam Âu.

Phản ứng dữ dội trước kế hoạch thắt lưng buộc bụng quốc tế áp đặt lên Hy Lạp khiến Đảng Cộng sản xuống đường liên tục nhưng cũng gây ra phản ứng từ phe cực hữu.

Vụ xô xát mới nhất giữa hai phái này hồi tháng 9 ở Athens đã làm một số người thiệt mạng.

Nhưng ngay cả ở Bồ Đào Nha, Đảng Cộng sản cũng không tự cầm quyền được mà phải vào Liên minh Dân chủ Thống nhất (CDU) với Đảng Xanh và một số tổ chức nhỏ hơn.

Liên minh này được 552,506 phiếu, bằng 11.06% số phiếu bầu vào cuối tháng 9 trên cả nước và nắm cả thẩy 213 ghế hội đồng địa phương và làm chủ 34 thành phố, thị trấn ở quốc gia trên 10 triệu dân.

Xứng nhận cộng sản?


Khác với các đảng cộng sản Trung Quốc, Việt Nam luôn cần quan hệ tốt với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các đảng cộng sản châu Âu vẫn tiếp tục lên án những tổ chức này, coi chúng là “phương tiện” của chủ nghĩa tư bản – đế quốc.

Tiếp nối truyền thống Cách mạng Cẩm chướng 1974, vừa rồi, tổng bí thư Jeronimo de Sousa vẫn kêu gọi 15 nghìn đảng viên trung kiên chống Ngân hàng Trung ương châu Âu mà ông gọi là “một chế độ độc tài mềm, làm suy sụp đất nước Bồ Đào Nha”.


Forbes có bài nói 'Hy Lạp xứng đáng nhận chủ nghĩa cộng sản'

Đa số bài Mỹ, các đảng cộng sản châu Âu cũng vừa nêu ra sáng kiến vận động công nhân, nông dân ở các nước thuộc nhóm Brics (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) cùng nhóm Alba (Nam Mỹ) để chống lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

Câu hỏi là chính quyền các nước như Nga và Trung Quốc có để cho họ vào vận động ‘chống đế quốc’ hay không?

Nhìn sang châu Á, Trung Quốc đã từ lâu không quan tâm đến chủ nghĩa cộng sản châu Âu.

Việt Nam dù làm đối tác chiến lược với nhóm ‘trùm tư bản’ như Hoa Kỳ, Anh, Pháp nhưng vẫn cử đại biểu dự hội nghị phong trào cộng sản quốc tế đều, ở Hy Lạp năm 2011 và Nga năm 2012.

Tuy thế, chuyện này chẳng phải là vấn đề gì với châu Âu vì các đảng cộng sản, Marxist hay Maoist trên thực tế ở đây thường chỉ đông các thành viên cao niên hoặc thu hút một số nhỏ thanh niên cấp tiến.

Ngay ra cái tên ‘phong trào cộng sản quốc tế’ cũng chỉ còn là hình thức và nền kinh tế cộng sản không hấp dẫn được ai.

Khi giới tư bản bực bội với Hy Lạp hồi 2011, trên tạp chí Bấm Forbes - mà ấn bản tiếng Việt cũng vừa có - có buông lời bình nổi tiếng, 'Give Greece What It Deserves: Communism'.

Tạm dịch là 'Hãy để Hy Lạp nhận chủ nghĩa cộng sản cho biết thân'.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link