VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN -
Bài đăng : Chủ nhật 24 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ
nhật 24 Tháng Mười Một 2013
LS
Hà Huy Sơn lên án Đoàn luật sư Hà Nội tước quyền tham dự Đại hội
Trọng Thành RFI
Hôm qua, 23/11/2013,
Luật sư Hà Huy Sơn, Giám đốc Công ty luật Hà Sơn (Hà Nội), người từng bào chữa
cho nhiều công dân Việt Nam bị cáo buộc các tội danh mang tính chính trị - bị
Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội không cho tham dự Đại hội nhiệm kỳ 5 năm một
lần của tổ chức nghề nghiệp này. Luật sư Hà Huy Sơn đã gửi bức thư ngỏ “Cực lực phản đối hành vi xúc phạm danh dự, xâm phạm quyền,
lợi ích hợp pháp” của ban lãnh đạo Đoàn luật sư Hà Nội.
Tại Việt Nam, các luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án liên
quan đến nhân quyền, quyền dân sự và chính trị của công dân, thường gặp phải
các trở ngại từ phía chính quyền và từ phía chính bản thân Đoàn luật sư địa
phương - một tổ chức đáng lẽ phải bảo vệ các thành viên trong hoạt động nghề
nghiệp.
Trong bức thư phản đối, Luật sư Hà Huy Sơn “yêu cầu Ban Chủ
nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội xin lỗi công khai” về hành động kể
trên.
Sau đây là phần phỏng vấn của RFI với Luật sư Hà Huy Sơn.
|
RFI : Ngày hôm qua, 23/11, chúng tôi được
tin Đoàn Luật sư Hà Nội không cho phép Luật sư tham dự Đại hội lần thứ 9 của tổ
chức này. Xin Luật sư cho biết cụ thể.
LS Hà Huy Sơn
: Khi tôi đến bàn đón tiếp các đại biểu dự Đại hội, thì người ta tra lục không
có tên tôi trong danh sách tham dự Đại hội, và Luật sư Kim Thanh trong ban tổ
chức có trả lời là tôi không được tham dự. Sự việc là như vậy.
RFI : Theo Luật sư, lý do bên trong nào
khiến Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội đã có một hành động như vậy ?
LS Hà Huy Sơn
: Sự việc có lẽ bắt đầu từ chỗ tôi làm luật sư bào chữa cho Luật sư Lê Quốc
Quân. Ngày 07/08, Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư thành phố Hà
Nội, có thành viên là ông Lê Minh Công (luật sư) và một luật sư nữa là Luật sư
Hữu, có mời tôi lên văn phòng của Luật sư Hà Nội làm việc.
Qua buổi làm việc đó, thì tôi được ông Công cho biết là bên phòng
an ninh bảo vệ chính trị nội bộ, tức PA 83 của Công an thành phố Hà Nội, có một
công văn gửi xuống cho Đoàn luật sư Hà Nội xác minh là trong vụ án của Lê Quốc
Quân, thì tôi đã cung cấp thông tin của vụ án cho công luận. Trong cái buổi làm
việc đó, thì tôi trả lời như thế này.
Thứ nhất là vụ án của Lê Quốc Quân là truy tố về tội trốn thuế,
thì đây không phải là tội thuộc an ninh quốc gia, thì không có gì gọi là bí mật
cả. Cái thứ hai là, bản thân ông Lê Quốc Quân, khi tôi gặp trong trại giam, thì
ông ấy cũng đề nghị với tôi là nhắn với gia đình là thông tin cho mọi người,
thông tin cho công luận biết. Tôi cũng nhắn lại với gia đình ông Lê Quốc Quân
lời nhắn như thế. Và tôi cũng trả lời, trong buổi làm việc với Hội đồng thi đua
khen thưởng kỷ luật của Đoàn, rằng tôi làm thuê cho khách hàng, thì khi tôi làm
một văn bản nào đó gửi Tòa hay cơ quan tiến hành tố tụng, thì tôi phải có trách
nhiệm thông báo với gia đình người ta, cụ thể ở đây là gia đình của ông Lê Quốc
Quân. Chứ tôi không có cung cấp thông tin cá nhân hay thông tin của vụ án ở
ngoài sự cho phép của gia đình. Bản chất của sự việc là như thế.
Sau buổi làm việc như vậy, Đoàn luật sư Hà Nội không có thông báo
tôi vi phạm cái gì cả. Tôi thấy rằng như thế là xúc phạm đến danh dự luật sư
của tôi và xâm phạm đến quyền và lơi ích hợp pháp của tôi. Cái này đã được điều
lệ của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội quy định, và chuyện đó cũng được điều lệ
của Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định và cũng được quy định trong Luật về
Luật sư.
Vì vậy, tôi đã làm một văn bản phản đối hành vi ngày hôm đó của
Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 8, tức nhiệm kỳ trước.
RFI : Xin Luật sư cho biết là khi Ban chủ
nhiệm Đoàn luật sư quyết định không cho Luật sư tham gia Đại hội, thì họ có đưa
ra các giải thích gì không ?
LS Hà Huy Sơn
: Chính thức là tôi không nhận được văn bản nào gửi đến cho tôi để thông báo về
việc không cho tôi tham gia. Cho nên tôi không biết nguyên nhân là vì sao.
Vì trong quy định của Đoàn luật sư, điều 9, những người không được
tham dự là những người không đóng đoàn phí, hoặc đang bị khiếu nại, tố cáo,
hoặc đang ở trong thời gian bị xem xét kỷ luật. Thì tôi không thuộc những
trường hợp như thế : Tôi đã đóng đoàn phí đầy đủ, thứ hai là tôi không bị ai
khiếu nại tố cáo và cuối cùng là tôi không ở trong tình trạng bị xem xét kỷ
luật, nên tôi xem hành xử như vậy của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội là sai
trái. Tôi đã giải thích trong văn bản phản đối.
RFI : Trong
thời gian gần đây, công việc của Luật sư có bị cản trở nhiều không từ phía cơ
quan Đoàn luật sư ?
LS Hà Huy Sơn
: Công việc hành nghề của chúng tôi thường là độc lập và cũng không nhận được
sự hỗ trợ gì của Đoàn luật sư mà chỉ trường hợp, khi họ cần nhắc nhở hay họ
muốn kiểm điểm gì đó, thì họ mời chúng tôi lên thôi.
RFI : Thưa Luật sư, các hoạt động của các
luật sư, như luật sư, có các hoạt động bào chữa, bảo vệ cho các thân chủ liên
quan ít nhiều đến lĩnh vực nhân quyền, thì hiện nay có bị cản trở nhiều không ?
LS Hà Huy Sơn
: Như một số luật sư cũng làm các vụ án liên quan đến chuyện an ninh quốc gia,
hay các vấn đề gọi là “nhân quyền”, tôi thấy họ nói rằng họ cũng gặp
những khó khăn, cũng gặp những áp lực đến người thân, gia đình họ. Rồi trong
công việc cấp giấy, gặp thân chủ, đọc tài liệu… Nói chung là cũng nhiều cái khó
khăn. Còn cái cụ thể như thế nào thì tôi cũng không biết hết.
RFI : Về
vấn đề này, trong luật pháp Việt Nam có những gì để các hoạt động bảo vệ các
luật sư trong những trường hợp mà trong xã hội hay gọi là “nhạy cảm” này ?
LS Hà Huy Sơn
: Hiện tại, quy định bảo vệ như một công dân thông thường, thì chúng tôi phải
dựa vào các hội đoàn nghề nghiệp, với tôi thì dựa vào chính Đoàn luật sư Hà
Nội, nơi mình đóng phí, mình tham gia. Họ phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của
chúng tôi, theo đúng quy định của pháp luật.
Nhưng mà trong thực tế, chúng tôi ít khi được họ bảo vệ theo cái nghĩa
cần thiết của nó, mà về mặt thực tế, thì họ như là một cơ quan quản lý gián
tiếp của bên chính quyền, hay cụ thể là bên cơ quan công an thì đúng hơn. Họ ít
có vai trò độc lập.
Trong các luật hiện nay, người ta cũng đều quy định quyền và nghĩa
vụ (của luật sư), nhưng trong hoạt động nghề nghiệp thông thường, người ta thường
phải dựa vào Đoàn luật sư của mình. Nhưng ở Việt Nam, thì chức năng bảo vệ
thành viên của Đoàn luật sư thì thường rất là yếu, họ không hoàn thành nhiệm vụ
đó.
RFI : Xin
chân thành cảm ơn Luật sư Hà Huy Sơn.
Các tin bài liên quan
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment