Thursday, March 13, 2014

Hệ Lụy Của Dân Tộc Ukraine



On Thursday, 13 March 2014 12:15 PM, Hoàng Bé <> wrote:

 
Hệ Lụy Của Dân Tộc Ukraine

Đại Dương
u-1

Do sống bên cạnh người láng giềng quá nhiều tham vọng đen tối nên 46 triệu dân Ukraine phải chịu nhiều cay đắng với nước Nga trong thời đại phong kiến cũng như cộng sản.

Di sản lịch sử
Ba dân tộc Nga, Belarus, Ukraine thuộc nòi giống Đông Slave nên lập thành Công quốc RusKiev từ năm 882 và bị tan rã dưới vó câu Mông Cổ vào thế kỷ thứ 13.
Ukraine bị nhiều đợt xâm lăng và chia cắt ngoài ý muốn của dân tộc.

Năm 1922, Ukraine đồng sáng lập ra Liên Xô do đảng Cộng sản của hai nước quyết định chứ chưa chắc xuất phát từ khát vọng của dân tộc Ukraine.

Chương trình tập-thể-hóa nông nghiệp của Josef Stalin làm cho từ 3.5 đến 7.5 triệu người bị chết đói ở Ukraine, nơi được mệnh danh “vựa lúa mì Châu Âu” trong giai đoạn 1932-33.
Năm 1954, Đệ nhất Bí thư đảng Cộng sản Nga, Nikita Khruschev đã trao trả Crimea cho Ukraine, nơi có Hạm đội Biển Đen của Liên Xô trú đóng và đa số người Nga sinh sống.
Ukraine độc lập được 23 năm có 46 triệu dân gồm 78% sắc tộc Ukraine và 17% Nga.

Bản Ghi nhớ Budapest 1994, Mỹ, Nga, Ukraine, Anh đồng ý không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự độc lập về chính trị của Ukraine.
Hầu hết các quốc gia Đông Âu thoát khỏi quỹ đạo Liên Xô đã phát triển vượt bậc, hài hoà nhờ hội nhập vào cộng đồng Châu Âu.
Hiện nay, Ba Lan giàu hơn Ukraine dù cùng xuất phát điểm vào đầu thập niên 1990 trong khi người láng giềng cứ ngụp lặn trong các vụ khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội. Tham nhũng Ukraine xếp hạng 144/175 so với 38 của Ba Lan.

Vị thế địa-chính-trị
Sau khi các quốc gia Đông Âu thoát khỏi quỹ đạo Liên Xô thì nước Nga bị hở sườn vì lực lượng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, NATO, đã áp sát biên giới, kể cả chương trình Lá chắn Phòng thủ Hoả tiễn đặt tại Ba Lan và Czech.
Do đó, tầm quan trọng của Ukraine đối với nền an ninh, kinh tế, kỹ thuật quốc phòng của Nga đang bị đe doạ nên Putin đi các nước cờ thận trọng và chắc chắn.

Putin đã dùng khí đốt và dầu lửa để đưa Yanukovych lên cầm quyền hồi 2010 thay cho nhóm lãnh đạo chống Nga sau cuộc Cách mạng Màu Cam năm 2004.

Quân cảng Sevastopol ở miền Nam Crimea trở thành cửa ngỏ để Nga thông thương với Địa Trung Hải và Đại Tây Dương suốt 230 năm có nguy cơ chấm dứt khi hết hợp đồng thuê sau 2017 nên Chính quyền thân Nga đã cho kéo dài đến 2042 với giá 98 triệu mỹ kim/năm.
Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol được quyền có 25,000 binh sĩ trong 3 doanh trại ở Crimea mà hiện nay chỉ có 16,000. Ukraine đang mất một quân cảng quan trọng đối với nền an ninh quốc gia.

Crimea có 3 cộng đồng chính: Ukraine chiếm 20% dân số ở phía Bắc, Tartar 12% tại miền Trung, Nga 58% ở phía Nam. Khu tự trị này giống Nga nhiều nhất vì 97% nói tiếng Nga, chỉ có 10 thừa nhận tiếng mẹ đẻ Ukraine.

Vùng Đông của Ukraine phát triển kinh tế và kỹ nghệ quốc phòng nhờ mối quan hệ mật thiết với Nga và ngày càng có nhiều công dân Nga sung vào đội quân thứ năm. Có thể Putin sẽ vận dụng các cộng đồng Nga và thân Nga ở Miền Đông Ukraine chống lại quyết định của Kiev. Thậm chí các cộng đồng này rất sẵn sàng yêu cầu được Mạc Tư Khoa bảo vệ.
Nga xua quân vào Georgia hồi tháng 8 năm 2008 tạo điều kiện cho hai khu tự trị Nam Ossetia và Abkhazia ly khai để kêu gọi Mạc Tư Khoa bảo trợ vào giữa lúc Tổng thống George W. Bush ở trong tình trạng vịt què và bị ứng viên Barack Obama chỉ trích quyết liệt về hai cuộc chiến Iraq và A Phú Hãn.

Thái độ cứng rắn của Putin xuất phát từ sự ỡm ờ, ưa nói, không dám làm của Obama thông qua cuộc nội chiến ở Syria và sự nhượng bộ với Iran. Các giải pháp cho Syria, Iran đều do Putin quyết định và sắp xếp. Hơn nữa, Chính quyền Obama quá kiêu ngạo mà thiếu kinh nghiệm nên đang vô cùng lúng túng trước các vấn đề trong và ngoài nước cứ dở dở ương ương.

Vì thế, Putin tuần tự thực hiện giấc mơ phục hồi địa vị siêu cường như thời Chiến Tranh Lạnh.

Putin chỉ nuốt vài phần nhỏ lãnh thổ láng giềng, nhưng, mang tầm vóc tối quan trọng đối với an ninh nước Nga và chiến lược toàn cầu nên được dân chúng hoan nghênh.
Con đường Đông tiến của NATO ngày càng trắc trở trước tính cách quyết đoán của Putin và thái độ do dự của Tổng thống Barack Obama.

Khủng hoảng Ukraine tạo ra thế trận đối đầu giữa Nga và Tây Phương như thời Chiến Tranh Lạnh; giữa xu hướng duy trì quyền độc tôn lãnh đạo và quyền tự quyết dân tộc.
Phản ứng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng Ukraine
Cộng đồng quốc tế vội vả ủng hộ các quyết định nhanh chóng của phe đối lập sau khi Tổng thống Yunakovych rời Kiev để về căn cứ địa Kharlov trên đường sang Nga tị nạn mà không lưu tâm tới phản ứng của Putin còn đang kẹt trong Thế vận hội Sochi.

Do đó, Tây Phương bất ngờ khi những binh sĩ vũ trang được quân xa của Nga đưa vào Crimea để cướp chính quyền và yêu cầu được bảo vệ, cũng như muốn trở thành một phần của nước Nga.

Crimea tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng 3 mà ai cũng đoán được đa số cư dân sẽ chọn nước Nga.

Bài toán cấm vận
Obama bắn phát súng cấm vận đầu tiên như không tham dự Hội nghị G-8 ở Sochi, xét lại điều kiện cho Nga gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới đã trở thành viên pháo tịt ngòi khi hai phiên họp của Liên Âu không có kết luận.
Các quốc gia giáp giới Nga ủng bộ biện pháp cấm vận mạnh mẽ, ngược lại, Đức đứng đầu nhóm theo xu hướng đàm phán với Mạc Tư Khoa về cuộc khủng hoảng Ukraine.

 Châu Âu cần khí đốt của Nga và nhiều lần khốn đốn khi Nga bịt ống dẫn dầu thông qua lãnh thổ Ukraine. Một số quốc gia Châu Âu có quan hệ kinh tế mật thiết với Nga nên sợ bị trả đũa kiểu Putin.

 Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp cấm vận do Tây Phương tung ra càng làm cho Putin vững tin tiến tới.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng bị mối dây liên hệ đến chương trình hợp tác không gian với Nga nên cũng khó có biện pháp cứng rắn hơn các ngôn từ dao to búa lớn hòng che đậy khả năng lãnh đạo quá yếu kém trước một địch thủ có nhiều lá bài để chơi dài hơi.

 Quyền tự quyết dân tộc rất thiêng liêng và được luật pháp quốc tế bênh vực.

 Tuy nhiên, muốn đạt tới thì mỗi dân tộc phải chấp nhận trả giá đắt, đặc biệt khi có liên quan đến các cường quốc đã coi công pháp quốc tế như món hàng trang trí và đứng dưới luật pháp quốc gia.


Đại Dương

 Crimea, bán đảo không bình yên ở Ukraine

Không phải ngẫu nhiên mà nước cộng hòa tự trị Crimea ở bán đảo cùng tên trở thành điểm nóng tại Ukraine những ngày qua, bởi đây chính là nơi có những mâu thuẫn sắc tộc và chính trị gay gắt suốt nhiều năm.


crimea.jpg
Cảnh sát can ngăn các nhóm biểu tình xung đột ở Crimea, sau khi cựu tổng thống Yanukovych bị phế truất. Ảnh: Reuters

Có một lịch sử lâu dài về những cuộc chinh phục lãnh thổ, bán đảo Crimea luôn là một điểm giao thoa văn hóa và cũng là nơi nung nấu nhiều mâu thuẫn. Trong bối cảnh khủng hoảng của Ukraine, mỗi nhóm sắc tộc ở Crimea đều có lập trường riêng về tương lai mảnh đất mà họ sinh sống.

Crimea là gì?
Được biết đến là nước cộng hòa tự trị Crimea, bán đảo có phong cảnh đẹp như tranh này là một vùng đất nhô ra từ phía nam phần lục địa của Ukraine. Nó nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch.

Crimea từng có hàng thế kỷ sống dưới chế độc thuộc địa và bị các đế chế cũng như bộ tộc du mục xâm chiếm. Đế quốc Nga từng xâm lược lãnh thổ Crimea vào cuối thế kỷ 18, sau nhiều cuộc chiến đẫm máu với Đế chế Ottoman.
Các Sa Hoàng và giới quan chức Liên Xô từng nhiều lần đi nghỉ hè tại các bờ biển phía nam cận nhiệt đới của Crimea, nơi hiện nay vẫn thu hút rất nhiều du khách và các nhà đầu tư bất động sản giàu có.

Dấu ấn của Nga
Nga có lợi ích ở Crimea hàng trăm năm qua, nhờ những vùng đất nông nghiệp màu mỡ và địa thế bên bờ Biển Đen của quốc gia này. Nga nhượng lại Crimea cho Ukraine vào năm 1954, khi cả Nga và Ukraine đều thuộc Liên Xô.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một số người dân địa phương có nguyện vọng tách Crimea khỏi Ukraine và trở lại làm một phần lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, các nghị sĩ Ukraine và Crimea đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục duy trì bán đảo này cho Ukraine.

Hạm đội Biển Đen thuộc hải quân Nga có một căn cứ ở thành phố Sevastopol của Crimea suốt 230 năm qua. Các tàu chiến và tàu ngầm neo tại đây nằm ngay phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ và có thể tiếp cận với Địa Trung Hải để gây ảnh hưởng đến Trung Đông và Balkans.

Sevastopol có một tầm quan trọng rõ ràng đối với Nga. Năm 2010, Moscow từng dùng một thỏa thuận về khí tự nhiên để đổi lấy việc gia hạn thuê căn cứ hải quân ở Ukraine. 
Mâu thuẫn sắc tộc
Do ảnh hưởng từ lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện nay là người Nga, chiếm khoảng hơn 58% tổng số dân cư, theo điều tra dân số quốc gia được thực hiện vào năm 2001. Tại thủ phủ Simferofol, khoảng 70% dân số là người Nga. Do đó, hầu hết dân cư trên bán đảo đều sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính của họ. 
Ngoài ra, Crimea còn có khoảng 24% người Ukraine và 12% thuộc nhóm Hồi giáo Tatars. 

Đầu thế kỷ 20, người Nga và người Tatars đều là những nhóm sắc tộc chiếm ưu thế ở Crimea, sau đó đến người Ukraine, người Do Thái và những nhóm thiểu số khác. 
Trong Thế chiến II, khoảng 20.000 người Tatar đã liên kết với Đức Quốc xã trong khi nhiều người khác chiến đấu cho quân đội Liên Xô. Viện dẫn lý do người Tatars bắt tay với Đức Quốc xã, lãnh đạo Xô viết đã ra lệnh trục xuất cả nhóm sắc tộc này đến Trung Á. Nhiều người trong số này đã thiệt mạng vì đói khát. 

Chính sự kiện này đã hình thành nỗi căm phẫn chính quyền Liên Xô trong tộc người Tatars. Sau khi Liên Xô tan rã, người Tatars lại quay về Crimea và đối mặt với tình trạng thất nghiệp cùng điều kiện sống vô cùng nghèo khổ.

crimea2.jpg
Phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện nay là người Nga, chiếm khoảng hơn 58% tổng số dân cư (màu xanh thẫm), hơn 12% là người Tatars và còn lại là người Ukraine. Đồ họa: RT

Sau khi Ukraine độc lập, một số quan chức trong cộng đồng người Nga ở Crimea đã tìm cách khẳng định chủ quyền và tăng cường hợp tác với Nga. 

Tuy nhiên, năm 1996, hiến pháp Ukraine quy định Crimea có chế độ cộng hòa tự trị nhưng khẳng định rằng luật pháp ở đây phải tuân theo hiến pháp Ukraine. Crimea có quốc hội và chính quyền riêng với quyền hạn về các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và du lịch.

Người Tatars cũng có quốc hội không chính thức của riêng họ, gọi là Mejlis, với mục đích hoạt động là tăng cường quyền và lợi ích của sắc tộc này.

Mâu thuẫn chính trị
Sau khi cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất và chính quyền lâm thời được thành lập ở Kiev, cộng đồng người Nga ở Crimea bắt đầu tổ chức biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội, yêu cầu chính quyền địa phương không ủng hộ các lãnh đạo mới. Họ muốn quốc gia tự trị này quay về hiến pháp năm 1992, có tổng thống riêng và chính sách đối ngoại riêng.

Trong khi đó, quốc hội Crimea dự kiến vào giữa tuần tới sẽ tuyên bố lập trường chính thức hướng về chính quyền mới ở Kiev. Quốc hội Mejlis của người Tatars cũng bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền trung ương.
crimea-1-8743-1393726516.jpg
Phía trước Crimea là một con đường đầy chông gai. Ảnh: AFP

Hai nhóm đối lập đã tổ chức hai cuộc biểu tình riêng biệt, thu hút hàng nghìn người đối đầu với nhau. Hai người đã thiệt mạng và 30 người bị thương trong cuộc ẩu đả, trước khi chủ tịch Mejlis kêu gọi mọi người trở về nhà. Các đội cảnh vệ được thành lập, với khoảng 3.500 người tuần tra trên các đường phố ở Crimea cùng cảnh sát để ngăn chặn các hành động khiêu khích. 

Mục tiêu cuối cùng của những người Nga ở Crimea là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu vùng đất này nên giữ nguyên tình trạng hiện tại, là một quốc gia tự trị thuộc Ukraine, hay trở lại làm một phần của Nga. Trong thời gian chờ đợi kết quả, họ tuyên bố có quyền bất tuân mệnh lệnh từ chính quyền trung ương "bất hợp pháp".

Trong khi đó, người Tatars cảm thấy rằng, tộc người Nga đang cố gắng "tách Crimea ra khỏi Ukraine" và không muốn họ can thiệp vào việc quyết định số phận của vùng đất này.
Chính quyền Kiev thì đang bận rộn với việc củng cố ban lãnh đạo mới và chấp nhận một cách tiếp cận mềm mỏng đối với Crimea. 

Bộ Nội vụ lâm thời Ukraine thậm chí không có biện pháp nào quyết liệt để bắt giữ cựu tổng thống đang bị truy nã Yanukovych, do lo ngại bất ổn có thể bùng phát.
Nga nhiều lần khẳng định nước này không có gì nghi ngờ về việc Crimea là một phần của Ukraine, dù Moscow thấu hiểu cảm xúc của đa số dân cư trong vùng.

Chính quyền Kiev đã thu hồi một đạo luật năm 2012 cho phép tiếng Nga và những ngôn ngữ thiểu số khác ở Ukraine được công nhận là ngôn ngữ chính thức. Động thái này làm dấy lên một cuộc tranh cãi trên khắp quốc gia Đông Âu, đặc biệt là ở Crimea.

Tuần này, các nghị sĩ Nga đã đề xuất dự luật cho phép một người trở thành công dân Nga chỉ trong vòng 6 tháng, nếu họ chứng minh được việc mang sắc tộc Nga. Đây được xem là cách mà Moscow cứu vãn những người Ukraine nói tiếng Nga ở vùng lãnh thổ quan trọng Crimea. 


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link