Tương quan văn hóa và
dân chủ nhìn từ Ukraina
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-02-25
2014-02-25
Hoa tưởng niệm những người thiệt mạng do biểu tình chống
chính phủ tại Quảng trường Độc lập, Kiev. Ảnh chụp hôm 25/2/2014
AFP photo
Tại sao những quan hệ gần gũi về ngôn ngữ và sắc tộc giữa
người Ukraine với người Nga không làm họ hài lòng với ông Putin? Tại
sao mối tương quan ngôn ngữ và văn hóa Việt Trung không ngăn nổi những cuộc
biểu tình chống Trung quốc?
Lịch sử và văn hóa tương đồng
Hơn 1000 năm trước lịch sử dân tộc Nga được đánh dấu bằng
sự thành lập một nhà nước có tên gọi: Nước Nga Kiev. Quốc gia này được xem như
là khởi đầu của nước Nga sau này và hai quốc gia láng giềng khác là Ukraine và
Belarus, cũng thường được gọi là Tiểu Nga, và Bạch Nga. Đầu năm 2014, trớ trêu
thay Kiev lại là nơi chứng kiến ước muốn nóng bỏng của những người Tiểu Nga không
muốn hướng về Moscow nữa.
Nước Nga và Ukraine chia sẻ nhau nguồn gốc huy hoàng của
nước Nga Kiev, và suốt cả ngàn năm sống cạnh nhau, họ có chung một gia tài ngôn
ngữ và tôn giáo. Không như nhiều dân tộc gốc Slav khác, người Ukraine cũng theo
Chính thống giáo phương Đông như người Nga.
Nhưng những mối dây chủng tộc và tôn giáo ấy không đủ để
người Ukraine hài lòng ở lại trong vòng tay nước Nga của Tổng thống Putin,
người không ngần ngại bỏ tù các ca sĩ Pussy Riots của chính nước Nga vì tội
trêu tức mình.
Cũng hầu như đồng thời với việc thành lập nước Nga Kiev, tại đồng bằng sông Hồng cách đó hàng
ngàn dặm, những viên Thái thú người Trung Hoa là Sĩ Nhiếp và Nhâm Diên được tôn
vinh vì việc mở mang giáo dục và nông nghiệp cho vùng đất sau này gọi tên là
Vương quốc Đại Việt.
Cả ngàn năm sau, nước Việt chia sẻ với nước Trung Hoa
phương Bắc một gia tài ngôn ngữ đồ sộ với 60% từ vựng trong ngôn ngữ Việt là gốc
Trung Hoa. Và hơn nữa những quan niệm xã hội, triết lý sống của hai dân tộc
cũng rất tương đồng với ba nền tư tưởng lâu dời: Khổng, Phật, Lão.
Những mối dây ngôn ngữ và văn hóa ấy không ngăn cản những
cuộc biểu tình chống Trung Quốc sáng chủ nhật bên hồ Hoàn Kiếm, cũng như ánh
mắt nghi ngại của Giáo sư Hán Nôm Nguyễn Huệ Chi khi nghe tin Khổng tự học viện
được chính quyền Trung quốc chuẩn bị thành lập tại Hà Nội.
Ngay sau khi Tổng thống thân Nga Yanukovich biến mất khỏi
dinh thự của ông, nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu trả lời Biên tập viên Mặc
Lâm rằng,
“Đúng là vấn đề Ukcraina với Việt Nam là khá giống nhau.
Chính quyền đi thân với mẫu quốc chứ còn nhân dân thì người ta lại muốn tự do đi với phương tây thế cho nên hai bên mâu thuẫn,
Việt Nam cũng đang y như thế. Tóm lại mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam mà đại
diện là những tầng lớp dân chủ, trí thức, giới trẻ và giới tiến bộ trong nhân
dân với đảng. Nhân dân ở đây phải được hiểu là giới tiên tiến chứ số đông thì
chỉ là con số chưa có định hướng.
Người ta bảo nhân dân là một dãy số 0 nhưng khi nó đứng
sau một con số có nghĩa thì những số 0 ấy trở thành có nghĩa. Rõ ràng có mâu thuẫn giữa nhân dân và
đảng. Cái quyết tâm giữ cho kỳ được cái độc
tài, đặc quyền đặc lợi của Việt Nam nó còn mạnh hơn cả Ukraina nữa.”
Khát khao dân chủ
Người dân Hà Nội tự tổ chức tưởng niệm 35 năm Trung Quốc
xâm lược Việt Nam. Ảnh chụp hôm 16/2/2014. AFP
Cụm từ “tự do đi với phương Tây” mà TS Hà Sĩ Phu dùng để chỉ
những giá trị tự do dân chủ của xã hội hiện đại, cũng thường được cơ quan tuyên truyền
của Trung Quốc hay Việt Nam chỉ trích và cho rằng đó là kiểu dân chủ
phương Tây là không phù hợp.
Các quan hệ cộng sản giữa Nga và Ukraine, hay giữa Trung
Quốc và Việt Nam đã góp phần làm cho những mối dây chủng tộc và văn hóa thêm
phần lỏng lẻo ở thời đại toàn cầu hóa này. Nếu nhà cầm quyền Việt nam thường
xuyên nhấn mạnh đến mối quan hệ hữu hảo Việt Trung và sự độc quyền cai trị của
đảng cộng sản thì dưới thời Soviet, những nhà dân tộc chủ nghĩa Ukraine như nhà
văn Petliura bị phỉ báng trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy như một bọn
cướp, chống lại những người Bolchevik chính nghĩa phần lớn đến từ nước Nga sau
cuộc cách mạng cộng sản 1917. Những mối quan hệ cộng sản ấy dường như lại làm
cho những người như TS Hà Sĩ Phu nhìn ra thành mối quan hệ giữa Mẫu quốc và chư hầu.
Bạn trẻ Từ Anh Tú, từ Việt Nam nhận xét với chúng tôi về
chính biến đang diễn ra ở Ukraine,
“Theo em thì những gì diễn ra ở Ukraine trong những ngày
vừa qua cho thấy đó là ý nguyện của người dân Ukraine, họ có nhu cầu về tự do
dân chủ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào một quốc gia lân bang. Em nghĩ rằngtrường hợp của Ukraine cũng khá giống
với Việt Nam hiện nay, Ukraine lệ thuộc vào Nga hàng trăm năm nay thì cũng
giống như Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc hàng ngàn năm nay. Có điều là trong những ngày vừa qua
người dân Ukraine đã đứng lên để chống lại sự lệ thuộc vào Nga, còn Việt Nam thì hiện nay vẫn chưa
thoát được. Em hy
vọng là những gì diễn ra ở Ukraine trong những ngày qua sẽ ảnh hưởng
tích cực đến Việt Nam.Chúng ta cũng sẽ có những cuộc biểu tình như thế để đưa
đất nước thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc.”
Mọi chuyện dường như bắt đầu bằng kinh tế! Có lẽ là nếu như ông Yanukovich
quản trị đất nước thành công hơn, không để xảy ra nhiều tham nhũng, hay là nếu
như ông không sống trong một toà dinh thự lộng lẫy xa hoa, thì có thể là cuộc
cách mạng đã không xảy ra? Nhưng lịch sử thì không có chữ nếu.
Theo em thì những gì diễn ra ở Ukraine trong những ngày
vừa qua cho thấy đó là ý nguyện của người dân Ukraine, họ có nhu cầu về tự do
dân chủ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào một quốc gia lân bang.
- Bạn trẻ Từ Anh Tú
- Bạn trẻ Từ Anh Tú
Nhà báo Huỳnh Hoa viết trên tuần báo Kinh Tế Sài Gòn xuất
bản tại TP HCM,
“Vài thập niên trước, cả Ba Lan và Ukraine đều nổi lên từ
sự sụp đổ của Liên bang Xô viết với tình trạng kinh tế gần giống nhau. Nhưng Ba
Lan gia nhập EU, tập trung cải cách chính trị và kinh tế, cho đến nay thì Ba
Lan đã giàu có gấp ba lần Ukraine. Ukraine ngược lại, ngày càng chìm sâu vào bãi lầy
tham nhũng, quản trị kém.”
Sự đổ vỡ về kinh tế bắt nguồn từ những chậm chạp trong cải
cách chính trị mà Ukriane trải nghiệm trong hơn 20 năm qua. Nước Ukraine của
ông Yanukovich vẫn thích thú với nền cai trị cứng rắn theo kiểu nước Nga, cũng
như đảng cộng sản Việt nam thì hài lòng với nền chuyên chính vô sản giống như
nước láng giềng phương Bắc.
Sự khác biệt quá lớn giữa Ukraine và Ba Lan sau 20 năm như
nhà báo Huỳnh Hoa đã đề cập đã là ví dụ sinh động mà những người Ukraine trông
vào, và cả người Việt nữa. Trong thời điểm đầu thế kỷ 21 này, vào lúc mà sức
mạnh toàn cầu hóa ngày càng mãnh liệt, thì dường như những mối dây văn hóa, chủng tộc đã kém
hấp dẫn hơn nhiều so với nỗi khao khát tự do dân chủ để
phát triển phồn vinh. Những
người mà chúng tôi tiếp chuyện, từ thế hệ lớn tuổi như TS Hà Sĩ Phu, cho đến
những bạn trẻ như bạn Từ Anh Tú đều không thấy nguồn gốc lịch sử Nga Kiev của Ukraine hay
60% từ vựng nguồn gốc Hán Việt của Việt nam là quan trọng hơn tự do và dân chủ để có thể sống trong
thịnh vượng.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment