Tranh chấp Biển Đông và
vai trò của VN
Thái Văn Cầu
Chuyên gia Khoa học Không gian, Hoa Kỳ
Thứ sáu, 14 tháng 3, 2014
Một tàu cá trước các tàu HQ-264 và HQ-265 của Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải
quân Việt Nam
Năm 2014 đánh dấu hai sự kiện lớn trong mối quan hệ giữa Việt Nam
và Trung Quốc:
Kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần
đảo Hoàng Sa, khiến 74 chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hoà hy sinh, và kỷ niệm
35 năm ngày Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược chống Việt Nam,
khiến 60,000 người Việt Nam thiệt mạng, và khiến các tỉnh biên giới cực Bắc bị
tàn phá nặng nề.
Ngày 14 tháng 3 năm nay cũng đánh dấu 26 năm ngày Trung Quốc dùng
vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, khiến 64 chiến sĩ Quân
đội Nhân dân Việt Nam hy sinh.
Qua nguồn tư liệu do nhà nước Việt Nam phổ biến công khai sau cuộc
chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và qua đối chiếu với nguồn tư liệu độc lập
để kiểm chứng, ba điểm mốc thời gian của năm 1974, 1979, và 1988 phản ánh các
mắt xích trong một chiến lược lâu dài, nhất quán, của Trung Quốc nhắm vào Việt
Nam: Bắt đầu từ thập niên 1950 cho đến ngày nay, bằng những mưu đồ, thủ đoạn
tinh vi, xảo quyệt khác nhau, thay đổi tùy tình huống, Trung Quốc luôn luôn
muốn kiềm chế Việt Nam, giữ Việt Nam ở vị thế nước yếu kém, lệ thuộc vào Trung
Quốc.
Mặc dù vào năm 1979, Trung Quốc thất bại thảm hại trong việc sử
dụng hàng trăm ngàn quân tinh nhuệ và hoả lực hùng hậu để “dạy” cho Việt Nam
một bài học, kể từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, Trung Quốc thành công đáng
kể trong nỗ lực kiềm chế Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
"Trong gần 20 năm ... Việt Nam hoàn toàn bị động,
tiêu cực, không có một phương án nào khác biệt với lập trường của Trung Quốc
cho Biển Đông."
Do Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý chủ quyền Hoàng
Sa-Trường Sa rõ ràng, vững chắc, và do hành động ngang ngược, bất chấp luật
pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều năm trước, người viết đề nghị
Việt Nam kiện toàn hồ sơ chủ quyền, tham vấn chuyên gia người nước ngoài, tranh
thủ ủng hộ của khu vực và thế giới trong việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải
quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, trong gần 20 năm, lãnh đạo Việt Nam chủ trương
giải quyết tranh chấp “thông qua đàm phán hòa bình”, trên tinh thần “vừa là
đồng chí, vừa là anh em”, và trên cơ sở “16 chữ vàng, 4 tốt”. Việt Nam hoàn
toàn bị động, tiêu cực, không có một phương án nào khác biệt với lập trường của
Trung Quốc cho Biển Đông. (Xem thêm "Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc”
giữa Nông Đức Mạnh-Hồ Cẩm Đào, tháng 6 năm 2008).
Trong cùng thời gian, Trung Quốc tích cực xây dựng sức mạnh trong
cả hai lãnh vực quyền lực mềm và quyền lực cứng về Biển Đông: Ban hành “Luật
Lãnh hải và vùng tiếp giáp” bao gồm quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa năm 1992 (20
năm trước khi Luật Biển Việt Nam được ban hành); kể từ giữa thập niên 1990, đầu
tư vào các học viện, trung tâm nghiên cứu chiến lược, quy mô lớn, thu hút sự
tham gia của giới nghiên cứu, chuyên gia người nước ngoài; vận động để có quan
toà Trung Quốc trong hai cơ chế luật pháp quốc tế: Toà án Quốc tế (ICJ) và Toà
án Luật Biển (ITLOS); kể từ năm 1999, ban hành lệnh cấm đánh cá ba tháng mỗi
năm, bao gồm vùng biển của Việt Nam; hiện đại hoá lực lượng hải quân để gia
tăng sự hiện diện của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông; lôi kéo đồng minh
trong khối ASEAN; nâng cấp đơn vị hành chính quản lý các đảo chiếm đóng bất hợp
pháp thuộc Hoàng Sa-Trường Sa, v.v.
Mãi cho đến đầu năm 2013, lãnh đạo Việt Nam mới đề cập đến sử dụng
công cụ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Quan điểm này
được đưa ra đúng 25 năm sau sự kiện 14.3 và gần 40 năm sau sự kiện 19.1, trong
đấy, Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc khi dùng vũ lực
đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa và nhóm đảo phía Tây Hoàng Sa, khiến hơn
100 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh.
Những bước cần thực hiện
Việt Nam có nên kết hợp cùng Philippines, Malaysia để kêu gọi Trung
Quốc giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế?
Vài diễn biến đáng ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2014 là việc
nhà nước cho kỷ niệm một cách giới hạn 40 năm trận đánh Hoàng Sa giữa hải quân
Việt Nam Cộng hoà và hải quân Trung Quốc, cho thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu
biển Đông để thúc đẩy việc nghiên cứu, và trong một cuộc gặp chính thức, Đại sứ
Việt Nam tại Philippines thông báo cho phó Tổng thống nước bạn biết là Việt Nam
ủng hộ Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Các bước đi này, dù muộn màng nhưng đúng hướng, cần thiết phải có
cho quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa và bảo vệ quyền lợi
đất nước trên Biển Đông.
Những bước đi khác mà Việt Nam nên khẩn trương thực hiện song song
là:
- Hoàn chỉnh một cách khoa học, nghiêm túc, hồ sơ bằng
chứng chủ quyền Hoàng Sa-Trương Sa qua đóng góp của giới nghiên cứu (độc
lập cũng như trực thuộc bộ máy chính quyền) và qua tham vấn chuyên gia
luật pháp quốc tế người nước ngoài
- Trong khi hiện đại hóa quốc phòng là điều không thể
thiếu trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, là nước yêu chuộng hoà
bình, Việt Nam tiếp tục phát huy mặt thuận lợi trong quan hệ ngoại giao
với các nước, trong và ngoài khu vực
- Do điều kiện đảo, đá, do nhu cầu giảm thiểu mức độ xung
đột, tranh thủ ủng hộ của quốc tế, và do khả năng vô hiệu hoá đòi hỏi
đường lưỡi bò của Trung Quốc, Việt Nam chủ trương quy định ngay cả đảo lớn
nhất thuộc Hoàng Sa và Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng
đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa
Việt Nam nên năng động, tích cực trình bày cho thế giới thấy rõ
rằng, do vị thế chiến lược của các đảo này, Hoàng Sa-Trường Sa đóng vai trò
then chốt trong đòi hỏi đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Làm
sao để tạo đột phá?
"Việt Nam đang thật sự đối diện với một trách nhiệm
to lớn mà lịch sử giao phó: sử dụng công cụ luật pháp quốc tế để duy trì an
ninh và trật tự trong một khu vực trọng yếu của thế giới."
Quyết tâm của Việt Nam nhằm thúc đẩy sử dụng luật pháp quốc tế
trong giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc không chỉ để giải quyết
vấn đề chủ quyền lãnh hải giữa những bên liên hệ mà còn để mang lại ổn định cho
tất cả các nước có giao thông hàng hải đi ngang qua một khu vực quan trọng hàng
đầu thế giới và có diện tích rộng bằng một phần ba diện tích nước Mỹ.
Nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
vào giữa tháng 2 năm 2014, Trung Quốc tuyên bố tranh chấp Biển Đông cần được
giải quyết thông qua đàm phán song phương, trên cơ sở chứng cứ lịch sử và luật
pháp quốc tế.
Để tạo đột phá trong bế tắc hiện nay và để tranh thủ thuận lợi
hiện có, xét từ góc độ luật pháp quốc tế và tình hình khu vực, Việt Nam nên
hoặc tự mình, trong trường hợp Hoàng Sa, hoặc cùng Philippines, Malaysia, trong
trường hợp Trường Sa, hoặc một kết hợp khéo léo của cả hai phương án, công khai
kêu gọi Trung Quốc đồng ý để cơ chế luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp
Biển Đông.
Trung Quốc có quan toà đại diện trong Toà án Quốc tế và Toà án
Luật Biển; Trung Quốc cũng luôn luôn khẳng định trước dư luận thế giới là họ có
đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý hậu thuẫn cho đòi hỏi đường lưỡi bò nói
chung và quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa nói riêng.
Nếu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc là dựa trên cơ sở sự thật,
khó có bất kỳ lý do chính đáng nào cho Trung Quốc viện dẫn để từ chối vai trò
giải quyết tranh chấp giữa các nước mà Toà án Quốc tế đã và đang hành xử hữu
hiệu trong hơn 60 năm nay.
Việt Nam đang thật sự đối diện với một trách nhiệm to lớn mà lịch
sử giao phó: sử dụng công cụ luật pháp quốc tế để duy trì an ninh và trật tự
trong một khu vực trọng yếu của thế giới.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment