Họp Hội Nhà Báo Độc Lập - Ấn
tượng khó phai
Nguyễn Tường Thụy, viết
từ Hà Nội
2014-08-20
2014-08-20
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến
của Bạn
- Email
Một kỳ họp của Hội Nhà
Báo Độc Lập.
Citizen photo
Cảm xúc thiêng liêng
Kể từ khi Hội Nhà Báo
Độc Lập thành lập, tôi được tham gia họp Hội 2 lần và họp Ban lãnh đạo 2 lần.
Mỗi lần đi họp, tôi đều có một cảm xúc rất thiêng liêng. Rồi qua kỳ họp đầu
tiên của Chi Hội Miền Bắc nữa, tôi hiểu ra, cảm xúc ấy không chỉ mình tôi có.
Hôm họp Hội nghị thành
lập Hội, Phạm Bá Hải đưa tôi đến phòng họp hơi muộn (hôm trước máy bay trễ, khi
đi nghỉ được thì đã rất khuya).
Anh em thấy tôi xuất hiện đều reo lên. Tôi cảm
được không khí thân tình, chân thành và ấm áp của những người cùng chung nỗi
trăn trở trước hiện tình đất nước. Linh mục Lê Ngọc Thanh đang điều khiển cuộc
họp liền hồ hởi đứng dậy đi nhanh về phía tôi, bắt tay thật chặt, nói: “Chúc
mừng người hùng”.
Tôi hiểu, anh em gặp nhau vui mừng thì nói thế, chẳng chết
ai, chứ tôi biết, tôi anh hùng gì đâu. Nhất là nhìn qua một lượt, thấy rất nhiều
người nổi tiếng, đặc biệt là nhiều tù nhân lương tâm. Nếu ai đó hay huyễn hoặc,
cho mình là tầm này tầm nọ thì hãy nhìn vào những tù nhân lương tâm để mà biết
mình còn nhỏ bé. Các anh chị ấy đã cống hiến, đã tổn thất, đã được thử thách
bằng những năm tháng khắc nghiệt trong nhà tù cộng sản.
Thế nhưng chính họ lại
là những người khiêm nhường hơn cả. Chợt có một xúc cảm rất lạ, chạy khắp cơ
thể khi tôi nhìn thấy Đỗ Thị Minh Hạnh, một tù nhân lương tâm vừa mới được trả
tự do trước thời hạn vô điều kiện. Lần đầu tiên, tôi gặp Minh Hạnh. Tôi nhận ra
ngay bởi hình ảnh Minh Hạnh đã khắc sâu vào tâm khảm. So với tôi, Minh Hạnh kém
một thế hệ nhưng lòng nể trọng Minh Hạnh còn đến trước cả tình thương yêu của
một người lớn tuổi dành cho thế hệ sinh sau.
Cuộc họp đi vào thảo
luận Tuyên bố và Điều lệ của Hội. Chưa bao giờ tôi được tham gia một cuộc họp
nghiêm túc, đầy trách nhiệm và dân chủ như thế này. Những ý kiến khác nhau về
một chi tiết nào đó đều được lấy biểu quyết. Mọi người tham gia ý kiến rất sôi
nổi. Tôi thấy vui vì nhiều ý kiến của mình được cuộc họp chấp nhận. Bản Tuyên
bố và điều lệ đã được sửa nhiều chỗ so với dự thảo ban đầu.
Ấn tượng nhất đối với
tôi là việc bầu Ban lãnh đạo. Danh sách Ban lãnh đạo được dự kiến, Ban tổ chức
đề nghị hội nghị giới thiệu thêm. Không thấy giới thiệu thêm ai và thành phần
Ban lãnh đạo thông qua một cách nhanh chóng. Khi thảo luận sôi nổi bao nhiêu
thì bầu Ban lãnh đạo nhanh chóng bấy nhiêu. Sự thống nhất này khác hẳn về bản
chất khi so với sự miễn cưỡng thông qua hoặc thông qua cho qua chuyện trong các
cuộc bầu bán trước đây mà tôi từng chứng kiến.
Hội nghị không có bè
phái. Các chức vụ bầu ra không vì quyền lợi cá nhân hay phe nhóm nào mà chỉ là
sự tự nguyện nhận về phần mình sự hiểm nguy.
Tôi lặng người khi Phạm
Chí Dũng, thay mặt Ban lãnh đạo công bố thứ tự thay thế vị trí Chủ tịch Hội nếu
có mệnh hệ gì. Giờ phút ấy, lòng tôi xúc động khôn tả. Đây là Hội nghị của
những người dấn thân, dám chấp nhận sự hy sinh vì một nền báo chí độc lập và
cao hơn nữa, vì tất cả những điều tốt đẹp cho tương lai của Đất Nước, của Dân
Tộc. Cho đến lúc gõ những dòng chữ này, lòng tôi lại dâng lên nguyên vẹn cảm
xúc ấy.
Vì sự tồn tại và phát triển Hội
Kỳ họp tháng 8 năm 2014
Chi Hội Miền Bắc, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam. Citizen photo.
Hôm sau, tại diễn đàn
các hội đoàn xã hội dân sự, khi được mời phát biểu ý kiến, tôi dành vài phút
nói về Hội nghị thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập. Đến khi tôi nói, tôi được bầu
làm Phó chủ tịch Hội, mọi người vỗ tay rầm rầm và kèm theo những tiếng chúc
mừng. Tôi biết mọi người chưa hiểu ý tôi vì tôi nói chưa hết. Tôi ngừng một lúc
cho lắng xuống, nói tiếp:
“Vâng, được bầu làm Phó
Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, với tôi là một vinh dự. Nhưng điều vinh dự hơn là
tôi được giúp việc cho một người mà tôi rất quý trọng: Chủ tịch Phạm Chí Dũng.”
Nói rồi tôi đưa tay về
phía Phạm Chí Dũng. Lúc này, tiếng vỗ tay đồng cảm còn nhiều hơn.
Tôi chắc khi ấy, Phạm
Chí Dũng cũng xúc động và cũng thấy vinh dự, dù biết rằng khoảnh khắc ấy sẽ
nhanh chóng qua đi để sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong những ngày sắp
tới.
Hôm tới nhà nhà văn Phạm
Thành tham dự buổi ra mắt bạn bè cuốn tiểu thuyết “Cò hồn xã nghĩa”, anh Trần
Nhương trông thấy tôi liền chúc mừng tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nhà Báo
Độc Lập. Tôi cười: “Có gì đâu anh, chia sẻ với nhau một chút hiểm nguy thôi
mà”. Anh cười vui, gật đầu tâm đắc với điều tôi nói.
Ngày 4/8/2014, Chi Hội
Miền Nam họp lần đầu, đúng vào dịp Hội ra đời tròn 1 tháng. Với chi Hội Miền
Bắc, cân nhắc nhiều mặt, tôi mới quyết định họp vào ngày 10/8 tại nhà bác
Nguyễn Thanh Giang.
Trong Ban lãnh đạo, ở
miền Bắc chỉ có một mình tôi nên tôi cũng lo lắm. Một số hội viên không liên
lạc được. Tuy nhiên điều tôi lo hơn cả là chất lượng cuộc họp.
Đây là kỳ họp
lần đầu, nếu thành công sẽ tạo đà rất tốt cho sự phát triển Hội. Thành viên tại
Hà Nội chỉ trừ 1 người còn lại tôi biết hết, đã gặp gỡ nhiều lần, đã có nhiều
kỷ niệm.
Cũng vì quá hiểu nhau nên thú thực tôi cũng lo mấy người bạn hay là
ngòi nổ cho sự tranh luận có phần gay gắt thậm chí dẫn đến xung đột. Tranh luận
là tốt nhưng xung đột thì không nên. Thế nhưng cuối cùng thì thảo luận rất hăng,
có những ý kiến trái nhau nhưng đều được tôn trọng, ghi nhận sự khác biệt chứ
không mang tính áp đặt và tất cả đều vui vẻ. Mấy anh bạn hay tranh cãi lại là
người đưa ra nhiều ý kiến hay nhất và anh nào cũng thân thiện với anh nào.
Bác Nguyễn Thanh Giang
đã 78 tuổi, bậc cao niên trong Chi hội nhưng lại là người có tư duy rất thoáng.
Bác cho rằng, tất cả mọi đóng góp, dù nhỏ đều là quý chứ không nên chê bai lẫn
nhau. Chúng ta phải thảo luận trên tinh thần đa nguyên, tôn trọng những ý kiến
trái chiều. Bác nói, có người bảo tôi dũng cảm. Tôi thì không bao giờ tự đánh
giá mình như thế, đừng nghĩ ai đó làm việc nhỏ mà không dũng cảm, mỗi người có
hoàn cảnh khác nhau, sức chịu đựng và áp lực cũng khác nhau. Điều quan trọng là
phải có tấm lòng….
Tôi không có ý định
tường thuật buổi họp Chi hội ở đây. Nội dung cuộc họp đã có biên bản và tôi
tổng hợp làm báo cáo gửi tới Ban lãnh đạo. Vì vậy, xin tiếp mạch điều đang nói
dở.
Khi nói về việc viết bài
cho Việt Nam Thời Báo, Ban biên tập cố gắng đảm bảo trả nhuận bút, anh em cho
rằng, chúng ta viết không phải vì nhuận bút. Từ trước tới nay, anh em ở đây đã
viết rất nhiều, viết do bức xúc, do trăn trở, không hề nghĩ tới phải được cái
gì cho bản thân. Có được, chỉ được sự sách nhiễu, đe doạ, thỉnh thoảng lại bị
triệu tập để thẩm vấn. Có những người được cả án tù như Nguyễn Văn Hải (Điếu
Cày), Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào… và bị bắt chưa thành án như Nguyễn Hữu
Vinh (Ba Sàm).
Tất cả những hội viên có
mặt đều tham gia ý kiến. Các ý kiến xoay quanh công việc tổ chức của Hội, về sự
công kích từ dư luận viên, từ báo chí nhà nước, về những khó khăn, nguy hiểm mà
Hội có thể vấp phải, về xây dựng tờ báo của Hội… Tất cả mọi ý kiến đều thể hiện
thái độ nghiêm túc đối với sự tồn tại và phát triển của Hội, không hề có ý kiến
nào xuất phát từ động cơ cá nhân.
Ngay sau khi họp về, anh
Nguyễn Đình Ấm ghi cảm xúc. Tôi xin trích một đoạn để thay cho lời kết:
“Không thể quên lần đầu
đi họp hội viên Hội nhà báo độc lập VN. Thật không giống các cuộc họp hội nhà
báo quốc doanh chỉ hình thức, họp cho qua chuyện... Tại đây đúng là tập hợp của
những người nhiệt huyết với đất nước, với nhân dân, sự tiến bộ xã hội... Làm
báo không vì mưu sinh, rất dân chủ, mọi người thoải mái góp ý làm sao để xây
dựng hội thật vững mạnh, chính danh, nội dung tờ Việt Nam Thời Báo của Hội phải
phản ánh thật trung thực, khách quan hiện thực xã hội, không sợ phê phán, cảnh
báo sai phạm của nhà cầm quyền... Tất cả hoạt động của Hội, hội viên phải nhằm
góp phần bảo vệ tổ quốc xây dựng xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh...
đúng như tôn chỉ, mục đích của hội. Nói chung các hội viên nhất trí với cương
lĩnh, điều lệ cũng như các lãnh đạo lâm thời của hội...”
Hà Nội 20/08/2014
Nguyễn Tường Thuỵ
*Nội dung bài viết không
phản ảnh quan điểm của RFA.
__._,_.___
Nhạy cảm chính trị
Bùi Mai Hạnh/ Văn Việt
Vừa rồi về Việt Nam, bất ngờ được chị bạn (làm công tác văn hóa
văn nghệ) nhắc nhở: “Em chẳng nhạy cảm chính trị gì
cả!”.
Thực ra “nhạy cảm
chính trị” là cái quái gì nhỉ? Ngơ ngác một lúc, nhớ ra, ngay từ buổi đầu
viết báo, mình từng được/bị nhắc như thế. Không chỉ một lần.
Lần thứ nhất cách đây
cũng gần hai chục năm. Sau đợt đi thực tế theo chương trình thực tập của Trường
Viết văn Nguyễn Du, mình nộp bài cho tờ X. Một tuần căng thẳng hồi hộp chờ đợi
trôi qua, mình được bà Tổng biên tập tiếp bằng nụ cười tươi rói và thương cảm:
“Đúng là nhà thơ nhà văn các bạn lơ mơ thật. Chẳng nhạy
cảm chính trị tí nào!”.
Bài báo viết về nỗi đau
chết hụt trong “căn nhà tình nghĩa” của một bà mẹ anh hùng ở Ninh Hòa, vùng đất
có nhiều mẹ anh hùng nhất nước. Không nhạy cảm chính trị là sao?
Căn nhà đó có bảy bát
hương xếp hàng trên ban thờ lặng ngắt u buồn. Vệt nước lụt vẫn còn thẫm đen
đánh dấu trên nửa già cánh cửa gỗ sắp mục. Bức tường nứt đút lọt ngón tay út.
Gian bếp lạnh tanh chỏng chơ cái nồi nhỏ…
Thỉnh thoảng mẹ mới đến nhà mình để
thắp hương cho những người chết trận (chồng và các con trai). Vì mẹ sợ. Ở căn
nhà đó, mẹ sợ đủ thứ. Sợ trộm cắp, sợ lụt lội, sợ cái nhà ụp xuống đầu bất cứ
lúc nào. Sợ hơn cả là nỗi cô đơn không hàng xóm láng giềng. Mới đấy, lũ lụt
tràn qua bất ngờ trong đêm, mẹ suýt chết đuối. May có đứa cháu họ xa sực nhớ
đến, chạy ra cõng mẹ về. Từ đó, mẹ về hẳn trong làng ở nhờ nhà người bà con.
Không hề ngần ngại, mẹ
thổ lộ nỗi buồn, sự bất bình với chính quyền địa phương khi xây cho mẹ căn nhà
không đảm bảo chất lượng vì đã “bị rút ruột một nửa” và nằm chơ vơ giữa cánh
đồng hoang vắng. Từ xa, ngôi nhà nom giống mô hình “nhà cô đơn trên sa mạc”. Có
lẽ, chức năng của căn nhà là làm nhân chứng cho “sự quan tâm của Đảng và nhà
nước” thì đúng hơn là làm “nhà tình nghĩa”, mái ấm cho một bà mẹ anh hùng cô
đơn.
Kết luận bài báo, mình nói về cảm giác buồn nôn khi chứng kiến ông quan chức Phòng Thương binh Xã hội, miệng cười hềnh hệch gào thét zô zô, tay thản nhiên thò vào khuấy đá trong vại bia đang sủi bọt ở quán ăn chiêu đãi các tân nhà báo. Chỉ mấy phút trước, trong buổi mít-tinh tưởng nhớ liệt sĩ, những ngón tay chuối mắn này còn vung lên hùng hồn phụ họa cho bài diễn văn “nghèn nghẹn xúc động”…
Tuy nhiên, bài viết
nhiều thông tin thực tế và cảm xúc “lai láng” của một đứa thơ thẩn đã không
được duyệt chỉ vì nó rất thiếu “nhạy cảm chính trị”.
Lần thứ hai khái niệm “nhạy
cảm chính trị” do một sếp nữ giảng giải. Chẳng nhớ là mình đã phạm lỗi gì
cụ thể (vì nhiều lỗi quá), chỉ nhớ hôm ấy, ở hành lang cơ quan, mình hút thuốc
và sếp cũng… xin một điếu. Đấy là lần duy nhất mình thấy sếp hút thuốc (hình
như sếp đang bức xúc gì đó).
Sếp chân tình nói: “Này, chị bảo thật, người
ta nói ăn cây nào rào cây ấy, nếu em định viết bài chê ngành văn hóa thì em chỉ
có cách ra khỏi ngành, rồi muốn viết gì thì viết. Ngành văn hóa tham nhũng giỏi
lắm được vài chục triệu, làm sao bằng ngành giao thông tham nhũng hàng chục tỉ
hả em. Em cần phải nhạy cảm chính trị hơn
chứ đừng có ngây thơ như thế…”.
Mình nghe sếp nói và… im
lặng. Sếp nói quá chuẩn! Sau đó, mình đã thực hiện đúng lời khuyên của sếp,
tình nguyện vĩnh biệt đời công chức, ra khỏi ngành và viết “Lê Vân yêu và
sống”, một cuốn sách mình muốn viết.
Cuốn sách bị cấm tái bản (theo lệnh miệng)
sau một tháng phát hành. Đến giờ, lệnh cấm vẫn còn nguyên hiệu lực, mà chẳng ai
cho mình biết lý do tại sao cấm để mình còn “rút kinh nghiệm”. Đoán
mò, chắc tại mình kém “nhạy cảm chính trị” chăng?
Lần thứ ba mình được
“thụ giáo” bởi một anh chàng dễ thương bên an ninh văn hóa. Khi đó, mình đang
say sưa viết một loạt bài điều tra về ông hiệu trưởng một trường đại học tham
nhũng, lạm quyền.
Vì là chỗ quen biết, chàng đọc thấy bèn chân tình khuyên nhủ:
“Em viết làm gì. Ông trưởng bảo đúng ông phó bảo sai. Đố em biết được ai
đúng ai sai!!! Cơ chế là thế. Hôm nay đúng ngày mai sai ngày kia lại đúng.
Chẳng có ai sai cả. Viết thế chứ viết nữa cũng chả giải quyết được gì!!! Em
phải biết trên ông ấy là ai chứ! Em chả nhạy cảm chính trị tí
nào”.
Quả thật, bốn số liền
đăng bài tố cáo mà “ngài hiệu trưởng khả kính” không thèm ra lời. Thậm chí,
không hiểu phù phép thế nào, ông ta lại được ca ngợi hết lời, cũng chính trên
tờ báo đó. Thế mới đau chứ!
Nỗi đau này mãi gần chục
năm sau mới… lên da non được. Tình cờ một hôm, cà phê vỉa hè, mình đọc được tin
ngài hiệu trưởng phù thủy ấy sắp ra tòa. Vì tham nhũng hay gì gì đó, ở một phi
vụ khác… Bỗng nhớ lời khuyên chân tình của chàng an ninh văn hóa về “căn bệnh”
kém “nhạy cảm chính trị” của mình.
Và còn nhiều lần nữa,
mỗi lần được nhắc nhở kém / thiếu “nhạy cảm chính trị”, mình chỉ ừ hữ
hoặc im lặng mà không có thuốc nào chữa được. Vái tứ phương, được các “lang
vườn” bạn bè kê đơn bắt uống loại thuốc cây nhà lá vườn rất hiệu nghiệm có tên
tiếng Tây là “Mackeno” và tên tiếng Việt là “Vô cảm”.
Vô cảm. Ai đó đã dùng
chữ này đầu tiên để miêu tả căn bệnh thờ ơ, chán nản, buông xuôi, trơ lì của
toàn xã hội, từ dân đen tới cán bộ? Vô cảm trước sự đói nghèo, vô cảm trước áp
bức bất công, vô cảm trước cường hào tham nhũng, vô cảm trước tội ác bạo hành,
vô cảm khi an ninh quốc gia bị đe dọa, và đặc biệt vô cảm trước sự vô cảm. Cả
một xã hội ù lì u mê không cảm xúc yêu ghét.
Giống y hệt lúc tắc
đường, là khi gương mặt xã hội được phản ánh rõ nhất.
Đầu tiên cáu vì bỗng
nhiên bị chặn đứng (như bị ngâm hồ sơ giấy tờ, bị sách nhiễu vòi vĩnh…). 15
phút đầu bực lắm. Bực ra mặt. Trán nhăn lại cau có, mắt láo liên nhìn quanh tìm
lối thoát. 15 phút tiếp theo vẫn đứng im một chỗ, bắt đầu chửi đổng trong bụng.
15 phút nữa trôi đi trong cam chịu, nhẫn nhục. Ai cũng giống hệt mình. Cuối
cùng, thêm 15 phút hay lâu hơn nữa cũng vậy.
Chẳng còn trông đợi gì nữa… Sau
một giờ đồng hồ, thậm chí hai giờ, chôn chân tại chỗ, nắng đổ lửa xuống hay mưa
như xối trên đầu, khói xăng xe mù mịt ngộp thở, mọi cảm xúc bực bội, chán nản,
lo lắng, đau khổ, oán than, nguyền rủa… lên tới đỉnh điểm rồi bất ngờ rơi về
trạng thái trống rỗng.
Dù đã được nhích lên
từng tí một thì cũng chẳng còn hơi sức đâu mà mỉm cười. Dù sẽ được giải thoát
nhưng lại nhận thức ngay rằng ngày mai vẫn thế, ngày kia vẫn thế, tháng sau vẫn
thế, năm sau vẫn thế…
Chẳng cáu chẳng chửi thậm chí cũng chẳng mừng. Một lần,
sau cú tắc đường gần hai tiếng (đoạn đường dọc sông Kim Ngưu về nhà ở Kim
Giang), khi được giải thoát cũng là lúc mình tự nhiên ngã lăn quay vì kiệt sức.
Và hoàn toàn tê liệt mọi giác quan. Hoàn toàn vô cảm.
Một thời gian dài, đọc đâu cũng thấy chữ “nhạy cảm”, muốn nói gì viết gì cũng được miễn đừng đụng đến “vùng nhạy cảm’, tức vùng cấm, sợ động chạm, sợ phạm húy… Chữ “nhạy cảm” được dùng nhiều quá, trở nên chai lỳ, báo chí chuyển qua phong trào dùng chữ “vô cảm”, báo hiệu căn bệnh các vùng nhạy cảm bị… vô cảm.
Phải chăng, cái đích cuối cùng của báo chí tiếng Việt là đi từ “nhạy cảm” đến “vô cảm”, một quá trình triệt tiêu mọi cảm xúc một cách hoàn hảo để chữa căn bệnh thiếu / kém “nhạy cảm chính trị”?
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment