Wednesday, September 17, 2014

Bàn Chuyện Thời Sự với Bác Sĩ Trần Xuân Ninh



Bàn Chuyện Thời Sự với Bác Sĩ Trần Xuân Ninh, Tuệ Vân, và Nguyên Kim ngày 12 tháng 9 năm 2014 (có âm thanh)
Bs Trần Xuân Ninh, Tuệ Vân, Nguyên Kim
tamthucviet.com
September 15, 2014

Để bắt đầu chương trình bcts hôm nay, xin kính mời quý vị và các bạn nghe bài nhận định của bác sĩ TXN về tình hình Ukraine.

Viễn cảnh Ukraine tương lai
Thoả ước ngưng bắn “vĩnh viễn” có hiệu lực từ 6 giờ chiều thứ sáu mồng 5 tháng 9 đã được ký kết giữa chính phủ Kiev, phe ly khai thân Nga miền đông nam Ukraine, đại sứ Nga ở Kiev, và người thay mặt khối Âu châu là đại diện Tổ chức Hợp tác và An ninh Âu châu OSCE, tại Minsk, thủ đô nước Belarussia. Báo New York Times đã nhanh chóng đưa tin dưới tiêu đề “Ukraine thi hành kế hoạch ngưng bắn của Putin”. 

Tân hoa xã của TQ viết thoả ước “giống gần như nguyên văn những đề nghị ngưng bắn của tổng thống Poroshenko đưa ra hồi tháng 6”. Tuy thoả ước chưa công bố, nhưng đại diện khối Âu châu cũng như Liên Hiệp quốc đều ngỏ ý hoan nghênh và mong muốn thoả ước sẽ được thực hiện. Tổng thống Obama trong buổi hội báo sau cuộc họp với khối NATO Bắc Đại Tây Dương tuyên bố rằng ông “hy vọng, nhưng căn cứ theo kinh nghiệm quá khứ thì cũng ‘nghi ngờ’ về sức mạnh của bất cứ thoả hiệp ngưng bắn nào”. 

Còn Dmitri Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga Putin, ra một thông cáo tán dương thoả ước và mong rằng thỏa ước sẽ được hoàn toàn tôn trọng.

Khi thỏa ước được công bố vào hai ngày sau, người ta thấy là rất ngắn chỉ có một trang rưỡi với 12 điều tổng quát nguyên tắc.  Mà tóm tắt là lãnh thổ và chủ quyền Ukraine được tôn trọng, nhưng quyền hành chính phủ sẽ được tản ra cho điạ phương và tiếng Nga sẽ được bảo vệ. 

Người ta nhớ rằng sau khi tổng thống dân cử Yanukovich bị lật đổ hồi tháng 2/2014 quốc hội Ukraine đã ra quyết nghị bỏ tiếng Nga là tiếng chính thức, và đây là một lý do khiến Nga can thiệp vào Ukraine, để gọi là bảo vệ người Ukraine nói tiếng Nga. Những điều khoản ngắn gọn này sẽ là đầu đề cho những thảo luận thi hành có thể là kéo dài. 

Thí dụ như tản quyền như thế nào, miền đông nam Ukraine thân Nga sẽ là những nước độc lập mới nằm trong liên bang Ukraine, hay là chỉ dùng tên địa dư cũ và những người đứng đầu được chia cho một số ghế trong chính phủ và quốc hội vân vân…Rõ ràng thoả ước chỉ là một trạm nghỉ trong tiến trình giải quyết tương lai Ukraine.

Phản ứng phía Mỹ và Âu châu là hoan nghênh ngoại giao nhưng dè dặt, nghi ngờ. Phản ứng phía Nga là tán thành, và chờ đợi sự thi hành nghiêm chỉnh của Ukraine. Tổng thống Poroshenko trong cuộc phỏng vấn với BBC nói rằng ông không tin tưởng cuộc ngưng bắn sẽ kéo dài. Các nhà bình luận Âu Mỹ cho rằng tổng thống Poroshenko đã bị dồn vào chỗ phải ký thoả ước. Bởi vì chỉ trong vòng hai tuần lực lượng ly khai, với sự hỗ trợ của quân đội Nga đã đẩy lùi quân chính phủ Kiev chạy toán loạn ra khỏi nhiều vùng đã chiếm được và chiếm luôn cả thành phố Novoazovska trên bờ biển Azov cách hải cảng chiến lược Mariupol chỉ có hai chục cây số. Cuộc phản công quyết liệt đảo ngược tương quan hai phe chính phủ và ly khai  tại chỗ này đã làm khối Bắc Đại tây dương phản ứng đưa ra quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm 5000 người có khả năng nhanh chóng can thiệp quân sự tại những điểm nóng trong vòng một hai ngày, để bảo vệ các nước mới gia nhập NATO trong thời gian 15 năm qua, với các kho đạn dược, võ khí, nhiên liệu dự trữ đặt ở các nước Đông Âu, nhưng không đóng quân thường trực ở đó để khỏi vi phạm một hiệp ước ký với Nga năm 1997, mà cũng là vì những tốn kém. Khối Liên Âu cũng cho biết là không dự tính xử dụng võ lực ở Ukraine. Tình hình này đã làm các nước Estonia Latvia Lithuana ở biển Baltic đã gia nhập khối Bắc Đại Tây dương trong thời gian qua lo lắng là sẽ bị Nga lấn chiếm với lý do bảo vệ người nói tiếng Nga.
Tiếng súng ngưng được một ngày sau khi thoả ước ký kết. Kế đó ngày chủ nhật đã có những cuộc pháo kích qua lại lẻ tẻ ở Mariupol do chính phủ Ukraine kiểm soát và tại phi trường Donetsk là vùng hai bên đang giành giật. Nhưng cả hai ông Poroshenko và Putin ngày thứ hai đều cho rằng nói chung là thoả hiệp được tôn trọng.  Bình luận được đưa ra là thoả ước ký kết rất mong manh. Thực tế sẽ ra sao?
Trong một bài trên báo The Times ở London, tồng thống Obama và thủ tướng David Cameron viết về cuộc họp NATO rằng “Chúng tôi gặp nhau vào lúc mà thế giới đối diện với nhiều thách đố nguy hiểm đang diễn tiến. Về phía đông, Nga đã xé bỏ luật lệ bằng sự sát nhập Crimea bất hợp pháp và sự hiện diện của quân đội trên đất Ukraine đe doạ và phá hoại một nước có chủ quyền”. Còn Nga thì lúc nào cũng chối bỏ có quân Nga trên đất Ukraine. Những lính Nga bị bắt thì giải thích là họ đi lạc hay là những người tình nguyện giúp lực lượng ly khai trong thời gian nghỉ. 

Nếu chỉ xét những sự việc này thì rõ ràng là Nga sai trái và cãi chầy cải cối. Nhưng chuyện không bắt đầu từ đó, mà ít ra là từ khi tổng thống dân cử Ukraine Yanukovich bị lật đổ bằng những cuộc biểu tình chống đối kéo dài có cả bạo động, từ tháng 11 năm 2013, vì ông này đã không ký hiệp ước giao thương với Âu châu như dự tính mà quay sang gần gạnh với Nga. 

Những người biểu tình gồm đủ loại, từ những người dân bất mãn vì đời sống không dễ dàng như ý, tới những thành phần chính trị chống đối ông Yanukovich và những thành phần chuyên nghiệp đấu tranh, sử dụng cocktail Molotov và đốt các bánh xe hơi tạo xáo trộn, chiếm giữ công trường Độc lập Euromaidan ở trung tâm thủ đô Kiev và một số cơ sở chính phủ. Những người biểu tình đã được Mỹ và khối Âu châu ủng hộ tích cực, công khai và bán công khai. 

Cuộc điện đàm bị tiết lộ trên mạng điện tử giữa phụ tá Âu châu của bộ ngoại giao Mỹ với đại sứ Mỹ ở Kiev về chuyện nhân vật chống đối nào sẽ lên nắm quyền là một chứng cớ về sự can thiệp Mỹ.

Với vụ Yanukovich bị lật đổ này Nga đã bị thua trong cuộc chiến chống sự bành trướng của khối Mỹ và Nato vào Ukraine bắt đầu từ cuộc cách mạng Cam năm 2004-2005, mà Yuschenko theo Tây phương được làm tổng thống. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010, Yanukovich thân Nga thắng trở lại Tymoshenko, là đồng minh với Yuschenko, để rồi bị lật đổ vào tháng 2/2014 như ta thấy. Nhưng mà Nga đã phản ứng bằng cách sát nhập Crimea vào Nga và ủng hộ cho dân miền đông nam ở các vùng Donetsk và Luhansk đa số thân Nga chặn cuộc chiếm quyền của phe thân Tây phương ở Kiev. Nghĩa là chiếm lấy một vùng ảnh hưởng, tương tự như trường hợp Georgia hồi thế vận hội Bắc Kinh, dẹp quân Georgia chiếm đóng South Ossetia thuộc ảnh hưởng Nga.

Ở Ukraine, sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Âu châu một bên, với Nga bên kia, bằng trò chơi dân chủ và bầu cử, đã chấm dứt với cuộc lật đổ Yanukovych. Putin với quyết tâm ngăn chặn bành trướng của NATO và bảo vệ tư thế của Nga đã không ngại ngần xử dụng biện pháp quân sự ở vùng đông nam Ukraine, nhưng vẫn mở ngỏ cho cuộc đấu chính trị tiếp diễn ở Kiev khi chấp nhận cho Poroshenko được làm tồng thống Ukraine qua cuộc bầu cử này 26 tháng 5/2014.

Muốn biết cuộc chiến giữa Kiev và miền đông nam Ukraine sẽ diễn tiến ra sao thì phải trả lời một số câu hỏi. 

Một là Mỹ và Tây phương có đủ sức viện trợ kinh tế tài chính để Kiev đứng vững trong tình hình kinh tế không mấy khá hiện nay hay không. 

Tuy thượng nghị sĩ Cộng hoà diều hâu Mỹ John McCain chê chính sách tổng thống Obama ở Ukraine là “đáng xấu hổ”, và Mỹ cần viện trợ cho Ukraine  để đứng vững.Nhưng nói như McCain chỉ là để tấn công Obama trên trường đấu chính trị. Vì tiền đâu ra trong khi Mỹ đang thiếu nợ nhiều nghìn tỉ khiến cho vấn đề ngân sách Mỹ bàn bạc từ nhiều năm, về căn bản cho tới nay vẫn chưa giải quyết được.

 Các nước Liên hiệp Âu châu và Bắc Đại Tây dương thì cũng không thống nhất về cách đối phó với Nga vì những vướng víu kinh tế tài chính. Nhìn thực tế tình hình kinh tế chính trị Mỹ và Âu châu, cũng như những liên hệ chòng chéo kinh tế tài chính giữa Âu châu với Nga cho thấy sự viện trợ cho Ukraine  sẽ chỉ có giới hạn.
Kiev có sẽ đẩy mạnh kế hoạch gia nhập khối Liên Âu và Nato không là câu hỏi thứ hai. Nếu đẩy mạnh thì miền Đông nam sẽ được Nga tiếp tục trợ giúp cho mà đứng ngoài như những nước độc lập để cản trở việc Ukraine hội nhập hoàn toàn vào Nato.

Kiev có được viện trợ quân sự đủ mạnh để khuất phục miền đông nam là Luhansk và Donetsk nghĩa là sẳn sàng đương đầu quân sự với quân Nga hùng mạnh hay không là câu hỏi thứ ba. Câu trả lời không ở Poroshenko. Mà ở Mỹ và khối Liên hiệp Âu châu. Việc viện trợ võ khi chắc chắn là sẽ có, bởi vì võ khí không những mặt hàng sinh nhiều tiền bạc, mà còn tạo ảnh hưởng chính trị tại chỗ. Nhưng viện trợ ào ạt thì không chắc, vừa vì giới hạn tiền bạc, vừa vì e ngại phản ứng phía Nga.

Câu hỏi quan trọng chót là về thái độ dân chúng Ukraine. Dân Ukraine có bị lôi vào một cuộc chiến tranh để cho Ukraine dứt khoát theo phe chính trị thân Mỹ và Tây phương hay là phe theo Nga hay không, thì dường như câu trả lời là không. 

Có vẻ như Ukraine sẽ là một liên bang giao thiệp với cả Nga và Mỹ và Nato. Nghiã là tiếp tục cuộc đấu chính trị mà phe thân Mỹ với Tây phương phá bỏ bằng cuộc lật đổ Yanukovych. 

Cũng rất có thể nguyên trạng không thay đổi, mà đơn giản chỉ là cuộc ngưng chiến kéo dài với những cuộc điều đình chính trị vô tận và dù chính phủ Kiev có đi vào Nato thì vùng đông nam sẽ tiếp tục là những nước độc lập không chịu ràng buộc vởi những điều kiện hoà nhập vào Âu châu và Nato mà Kiev ký kết.

Trần Xuân Ninh
(ngày 12 tháng 9/2014) 
----------------
1/ TV. TV xin kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Trở lại với tin VN, vừa qua trên trang mạng của hệ thống truyền thông RFA đã có tin là hàng trăm xe đò chở khách trên các tuyến đường từ Gia Lai đến các tỉnh khác đã liên tục bị ném đá. Công ty Bảo Việt Gia Lai cho biết từ đầu năm tới giờ hơn 200 xe khách bị ném đá khi đang chạy trên đường, làm xe bị hư hỏng và hành khách bị thương. Chỉ tính riêng trong 10 ngày thượng tuần tháng 9 đã có 10 vụ ném đá gây thương tích cho hành khách. Ông Trần Quốc Ánh, phó giám đốc công ty bảo hiểm Bảo Việt Gia Lai, cho biết  từ đầu năm đến nay công ty đã phải bồi thường bảo hiểm trên một tỷ đồng cho những xe đò bị ném vỡ kính. Ông nói nạn ném đá ngày càng trở nên nghiêm trọng trên Quốc lộ 14 và Quốc lộ 19, các đường đi Pleiku, Đà Nẵng, Sàigòn, … mà nạn nhân là những người khách đi trên xe, kể cả xe có giường nằm. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai đã ra văn bản yêu cầu các sở ngành liên quan và công an mở cuộc điều tra, tăng cường kiểm soát, trừng phạt những kẻ phạm pháp. Bs N và anh NK nghĩ sao về hiện tượng này?

2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs Ninh và thân kính chào chị TV. Điều khôi hài cái chuyện chủ tịch Ủy ban nhân dân yêu cầu điều tra. Trong một xã hội bình thường, những hành vi phạm pháp tương tự nếu xẩy ra thì cảnh sát, công an tự động tự ý điều tra chứ không cần có chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh (tức là tỉnh trưởng). Nó nói lên cái đặc tính tập trung quyền vào một đầu lãnh, và tình trạng ở dưới nói chung là mặc kệ.

3/TXN.  Kính chào quý vị thính giả, chào NK, chào TV. Trước đây cả chục năm đã có tin trẻ chăn trâu ném đá vào xe lửa. Hai chuyện này tuy bề ngoài có giống nhau nhưng bản chất có lẽ khác. Trẻ chăn trâu ném đá trước đây, tôi cho là nghịch ngợm vô ý thức. Việc ném đá bây giờ có lẽ khác. 

Nó là cái phản ứng phá hoại của những giới trẻ thôn quê thấy mình nghèo khổ không ra khỏi cảnh bùn lầy nước đọng, hay là chó ăn đá gà ăn muối, của cái làng nghèo mà trên đường lộ trắng nhựa phẳng lì thì xe máy lạnh giường ngủ và hành khách đi lại rầm rập. Tương tự như là những phá phách nghênh ngang của thanh niên những khu nghèo khổ lụp xụp da đen bên Mỹ. 

Thành ra đây là một hiện tượng xã hội hệ quả của tình trạng khác biệt giầu nghèo quá xa ở VN, phản ảnh tính đấu tranh giai cấp biến thái.

4/TV. Cũng tin Việt Nam, chương trình BBC tiếng Việt vừa cho phổ biến một bài viết ký tên Nguyễn An Dân có tựa đề “Bốn tầng nấc của người dân chủ VN.” Bài viết có nhiều điều đáng chú ý. Bác sĩ N và anh NK có đọc qua chưa? TV đề nghị chúng ta cùng bàn thảo về bài này nhé?

5/TXN. Dĩ nhiên là được chứ. Tôi có đọc bài đó rồi, và đã bỏ sang bên rồi. Nhưng mà đem ra bàn thì cũng có điều có thể chia xẻ cùng quý vị thính giả.

6/NK. NK cũng đọc. Và thấy đó là một bài lý thuyết. Xem qua rồi bỏ như bác sĩ N cũng được. Mà đem ra mổ xẻ thì cũng có điều hay. Có một điều NK thấy là trên đầu bài giới thiệu là “Gửi đến BBC từ Hà Nội”. Nhưng chấm dứt bài thì có câu né cổ điển: Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn An Dân từ TP Hồ Chí Minh.
NK tự hỏi: “Thế thì Nguyễn An Dân ở Hà nội hay Sài gòn? Hay là ở Sài gòn viết ra cho Hà nội kiểm duyệt để từ đó gửi cho BBC?

7/TXN. Đó là một điểm hay, đáng chú ý, nhưng cái hay này là của BBC chứ không phải là của bút danh Nguyễn An Dân. Bây giờ mời TV đưa vài điều mà TV nghĩ là nên đề cập trong chương trình BCTS hôm nay đi.

8/TV. Ở đây chúng ta không cần nhận định phần lý thuyết trong bài về những quan điểm về dân chủ, chẳng hạn như thế nào là sinh hoạt dân chủ, thế nào là nền tảng của phong trào dân chủ, giải thích lý do tàn lụi của nhiều phong trào tổ chức đấu tranh mà tác giả gọi là “chưa đến tầm”, để đưa ra nguyên tắc làm thế nào để “gắn kết” và sinh hoạt như là “một tấm gương dân chủ,”  vân vân. 

Những điều này theo TV, thật ra không cần thiết và không có bao nhiêu lợi ích thực tế. Chúng giống như những yêu cầu lý thuyết người lãnh đạo phải thế này, thế nọ … TV chỉ muốn đưa ra một số điều mà tác giả coi là quan trọng cốt lõi, sau khi đưa ra những quan điểm lý thuyết.

Điểm thứ nhất là tác giả đã nhận định rằng có 6 nhân tố chính trị tác động lên nhau, mà tác giả gọi là sáumảng:

Bảo thủ cầm quyền
Cải cách cầm quyền
Quần chúng tranh đấu
Áp lực quốc tế và quốc nội
Quần chúng phổ thông
Nghiên cứu gắn kết

Rồi nói rằng:  3 “mảng” sau cần gắn kết hoạt động với nhau qua đó tận dụng những khe hở của hai là mảng đầu, nhằm hình thành cho được đối trọng đủ mạnh với đảng cầm quyền, tức mảng thứ ba, mảng quần chúng đứng ra tranh đấu.

Chia ra 6 mảng như thế rồi lý luận để dẫn tới kết luận trong đảng có một phe cải cách. Rồi viết “Ông Nguyễn Tấn Dũng không phải là tiêu biểu của phe cải cách, và các hoạt động của ông Dũng chỉ tiêu biểu cho một thời kỳ thân Mỹ của nhóm chính phủ. Nếu cần ủng hộ thì ủng hộ nhóm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa Việt Nam “thoát Trung-thân Mỹ” vì nó có lợi cho đất nước trong hiện nay, việc khác tính sau.” Bác sĩ N và anh NK có ý kiến gì về quan điểm này hay không?

9/NK. Bài viết của Nguyễn An Dân để tranh cãi với một bài viết khác trong nhóm “hội các nhà báo Độc lập” của Phạm chí Dũng , phê bình quan điểm của Nguyễn An Dân là đã kêu gọi ủng hộ NTD. Trong bài mới này, Nguyễn An Dân nói NTD không phải là tiêu biểu của phe cải cách là để tránh né cái phê bình đó. Còn NK thấy không cần có ý kiến dài dòng về quan điểm “Nếu cần ủng hộ thì ủng hộ nhóm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa Việt Nam “thoát Trung-thân Mỹ” vì nó có lợi cho đất nước trong hiện nay, việc khác tính sau.” Cá nhân NK chỉ vất nó đi. Vì NK không đứng về phe nào trong hai phe VC cả. Cả hai phe này đều đã làm hư hại VN, không phải chỉ trong thời toàn trị, mà ngay cả trong thời gọi là đổi mới về sau này, như các sự việc trước mắt cho thấy.

10/TXN. Tôi muốn có một ý kiến nhỏ về nhận định của Nguyễn An Dân rằng “các hoạt động của ông Dũng chỉ tiêu biểu cho một thời kỳ thân Mỹ của nhóm chính phủ”.
Nhận định này sai. Tại sao sai? Tại vì Nguyễn Tấn Dũng lúc nào cũng chỉ khẳng định rằng ông ta làm theo lệnh đảng. Thời làm thống đốc ngân hàng hay là thủ tướng cũng vậy. Không có một nhóm chính phủcó một thời kỳ thân Mỹ. Nếu mà đã có những giao thiệp trao đổi giao thương kinh tế tài chính vân vân thì đều là do chỉ định của đảng để mở cửa ra ngoài tìm lối thoát.  Khi mà NTD tuyên bố mở rộng dân chủ, tự do báo chí, đối thoại trực tuyến vân vân chỉ là nói mồm mà trên thực tế thì làm ngược lại, có báo chí lề phải và lề trái, cấm xuất bản tự do vân vân.., thì NTD bản chất chỉ là công cụ của đảng. Lý luận của Nguyễn An Dân là chặt chẽ về chi tiết lý thuyết, nhưng tổng thể căn bản là ngụy luận để sửa soạn cho việc tiếp tục nắm quyền cho một nhóm cải cách mà trong đó có NTD, nổi nhất vì ở vị trí đứng đầu, và “có quyền lực nhiều” như Nguyễn An Dân viết. Cho nên tôi đồng ý với NK là vất cái ngụy luận của Nguyễn An Dân đó đi.

11/TV. 

 Theo TV thì nhìn lại quá trình thay đổi VC từ đầu đều là như thế cả. Mai Chí Thọ là trùm công an khi VC chiếm miền Nam, thi hành chủ trương tiến nhanh tiến vững chắc lên chủ nghĩa Xã hội của Hồ chí Minh, trong đó bao gồm đánh tư sản, ngăn sông cấm chợ, kinh tế tập trung, cải tạo tập trung, vân vân, nhưng về cuối đời thì lại phê bình chính sách này là quá đáng. Mai chí Thọ không được chú ý nhiều, vì lúc đó VC còn chỉ mới sơ sơ cởi trói kiểu Nguyễn Văn Linh. Võ Văn Kiệt thì được chú ý hơn, vì trong giai đoạn này VC phải tạm thời thả lỏng chính sách và quay ra ngoài, nếu không thì chết. Sau Võ Văn Kiệt thì Phan Văn Khải cũng được kể là cải cách. Tiếp theo là Nguyễn Tấn Dũng. 

 Nếu như NTD không làm thủ tướng nữa, vì ăn đã no, lỗi đã nhiều, trong các vụ Vinashin, Vinalines vân vân, thì một người khác, như Phạm bình Minh, hay Phạm quang Nghị (mới được cho sang Mỹ), sẽ lại tiếp tục đóng trò cải cách Nguyễn Tấn Dũng, Võ Văn Kiệt bằng mồm.  Vì thế khi nghe anh NK nói là không đứng về phiá nào cả, thì TV cũng đồng ý.  Tất cả chỉ là một bọn chính trị gia diễn trò, và tranh chấp quyền lực để có thêm quyền lợi, chứ không phải là đấu tranh quyết liệt với nhau giữa hai mảng bảo thủ cầm quyền và cải cách cầm quyền như Nguyễn An Dân đã nhận định.

12/NK. Nói đến Phan Văn Khải thì NK còn nhớ PVK đứng sờ chân tượng Harvard “để lấy khước”. Cho nên PVK mới thật sự là cải cách. Còn NTD chỉ là anh đầu sai, âm thầm mua hàng Mỹ, hàng ngoại quốc, cho nên đã được các đối tác ngoại quốc chăm nom giúp đỡ để đứng vững qua mấy kỳ kinh tế tài chính khủng hoảng Á châu rồi đến toàn cầu.

13/TXN. Có một điều tôi muốn nêu ra ở đây là Nguyễn An DÂn nói tới “nhóm lợi ích”. Mấy chữ nhóm lợi ích này được các nhà bất đồng hay chuyên gia có môn bài đấu tranh chế ra, để phủi tội cho những lạm dụng, thối nát trong hệ thống tư bản hoang dã VC của chủ trương kinh tế thị trường theo định huớng xã hội chủ nghĩa. Mấy chữ này là chỉ những đại gia trong chính quyền và trong đảng, tức là những kẻ quyền lực, nhưng mà không gọi tên ai. 

Bởi vì qua những đấu đá giành quyền lực giữa Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, với sự xuất hiện của trang điện tử Quan làm báo ủng hộ TTS, NPT và Dân làm báo ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng, thì đã chỉ ra hầu hết chân tay bộ hạ của nhau, của cả hai nhóm. Tất cả về căn bản chỉ là những phe lợi ích từ to đến nhỏ, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau để mà bóc lột vơ vét tài sản của đất nước, và của dân chúng.

Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải tạm ngưng vì đã tới giờ. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin chào TV, NK và cám ơn hai bạn. Xin gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.

14/NK. NK xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả, kính chào tạm biệt Bs Ninh, thân kính chào tạm biệtchị TV và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình BCTS lần tới.

15. TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.

__._,_.___

Posted by: Viet Truong 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link